Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Đứa trẻ “mang thai hộ” đầu tiên ra đời; 2,25 triệu USD chăm sóc mắt miễn phí với người dân; Người bệnh sẽ được mặc cả?; Từ quý III-2016: Đưa vắc xin bại liệt dạng tiêm vào chương trình tiêm chủng mở rộng...

Đứa trẻ “mang thai hộ” đầu tiên ra đời

Ngày 21/1, bác sĩ Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản TƯ cho biết, đích thân GS TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia sẽ trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai từ người mang thai hộ vào ngày 22/1.

Người mang thai hộ là một bà mẹ quê ở Hà Nam. Chiều 21/1, sản phụ đã nhập viện để được khám sức khoẻ và làm các thủ tục để chuẩn bị phẫu thuật.

Đây là em bé đầu tiên được công nhận là em bé 'mang thai hộ' kể từ sau khi Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn (người mẹ không thể mang thai vì sức khoẻ) có thể nhờ họ hàng (trong phạm vi 3 đời) mang thai hộ, có hiệu lực từ 1/1/2015.( Nông thôn ngày nay trang 5, Sức khỏe & đời sống trang 2)

2,25 triệu USD chăm sóc mắt miễn phí với người dân

Ngày 21.1, tại TP.Cần Thơ, 3 tổ chức phi chính phủ là Orbis International (Mỹ), Helen Keller International (Mỹ), Eye Care Foundation (Hà Lan) phối hợp với Ngân hàng Quốc tế Standard và Charter (SCB), UBND TP. Cần Thơ tổ chức lễ công bố Dự án Chăm sóc mắt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2018.

Dự án gồm 2 gói dự án: “Chăm sóc Nhãn nhi và người lớn tuổi tại khu vực ĐBSCL”, và “Chăm sóc mắt học đường”. 2 gói dự án này được triển khai tại 3 tỉnh là Hải Dương, Đà Nẵng và Tiền Giang.

Dự án do Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam và các đối tác tài trợ, với mục tiêu mang dịch vụ chăm sóc mắt đến cho 2,2 triệu người dân địa phương. Tổng kinh phí thực hiện là 2,25 triệu USD.

Trong đó, dự án “Chăm sóc Nhãn nhi và người lớn tuổi tại khu vực ĐBSCL” sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện và có chất lượng cho trẻ em, tầm soát và điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non, quản lý tật khúc xạ học đường và lão thị cho người lớn tuổi ở khu vực ĐBSCL.( Nông thôn ngày nay trang 5)

 

Người bệnh sẽ được mặc cả?

Từ 1.3, giá viện phí các dịch vụ giống nhau sẽ có cùng một mức giá ở tất cả các hạng bệnh viện (BV), các tỉnh. Chỉ có tiền khám, tiền ngày giường được định giá theo hạng bệnh viện.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, từ 1.3, 1.887 dịch vụ y tế sẽ đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, giai đoạn này mới cộng thêm tiền phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá dịch vụ nên vẫn chưa có sự thay đổi nhiều. Chỉ có các ca phẫu thuật đòi hỏi nhiều bác sĩ phẫu thuật mới có gia tăng đáng kể (cao nhất là hơn 1,2 triệu đồng/ca mổ). Trong tháng 3, một số dịch vụ hầu như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít do mới chỉ cộng thêm tiền phụ cấp trực.

Nhưng từ 1.7, sau khi cộng thêm cả tiền lương trả cho cán bộ y tế vào viện phí thì viện phí sẽ thay đổi mạnh mẽ. Có nhiều dịch vụ tăng từ 2-5 lần, tuy nhiên về cơ bản là tăng khoảng 30% so với mức viện phí hiện nay.

Cụ thể, tiền khám bệnh tại tháng 3 vẫn không thay đổi so với khung giá “kịch trần” quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các BV đang áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Đến tháng 7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.

Còn tiền giường bệnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; BV hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng (vào tháng 7)…

Ngoài ra, các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều có giá như nhau ở mọi hạng BV. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, giá tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng giá “kịch trần” trong Thông tư 04 là 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng...

“Cởi trói” cho bệnh viện

Ông Liên cho biết, theo Thông tư 04 năm 2012, Bộ Y tế chỉ quy định khung giá, còn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt mức giá cụ thể căn cứ vào tình hình kinh tế chính trị tại địa phương đó. Giá dịch vụ phổ biến mà các tỉnh phê duyệt chỉ bằng 70-80% giá khung do Bộ Y tế quy định. Còn các BV tuyến T.Ư hầu như có mức giá gần “kịch trần”.

“Vì vậy mới có nghịch lý cùng một dịch vụ nhưng lại có mức giá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Tiền thuốc, vật tư y tế đều được mua với giá như nhau, tiêu hao như nhau nhưng tại sao giá dịch vụ lại khác nhau? Viện phí thấp, người dân cũng sẽ chịu thiệt khi các BV phải “co kéo đầu đuôi” để đủ chi phí. Lần này, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ “đồng giá” ở các hạng BV, các tỉnh” – ông Liên phân tích.

Ngoài ra, việc để các Sở tự định giá sẽ rất mất công sức, thời gian, tiền của, việc thực hiện mức giá mới cũng không đồng loạt. Năm 2012, khi Thông tư 04 có hiệu lực quy định giá mới cho hơn 400 dịch vụ, nhưng các tỉnh thực hiện “lôm côm”. Có tỉnh đầu năm 2013 đã áp dụng giá mới, có tỉnh lại sang năm 2014, gây thiệt thòi cho cả người dân lẫn BV.

Ông Nguyễn Quang Tập – Giám đốc BV Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, cộng tiền lương vào viện phí sẽ là “cứu cánh” cho nhiều BV vì ngân sách nhà nước cấp tiền lương cho bác sĩ không đủ. Đơn cử như BV Việt Tiệp, bệnh nhân đông nhưng lương biên chế mà thành phố cấp chỉ đạt hơn 50 tỷ đồng, trong khi BV phải chi hơn 120 tỷ đồng. Nguyên nhân là do bệnh nhân đông, chỉ tiêu của BV là 1.000 giường nhưng BV thực kê 1.300 giường nên thiếu nhân lực.

“Hiện nay bệnh nhân càng đông chúng tôi càng lỗ. Còn khi giá viện phí có thêm tiền lương thì BV sẽ không phải lo gánh nặng chi phí tiền lương cho cán bộ, yên tâm thực hiện chuyên môn và đầu tư thêm các kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh tốt hơn” – ông Tập cho biết.

Về việc tăng viện phí, ông Đào Huy Tập (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng đồng tình với việc “cào bằng” giá viện phí ở tất cả các hạng BV đối với cùng 1 loại dịch vụ. Như vậy, người bệnh sẽ có cơ hội lựa chọn BV nào thực hiện dịch vụ tốt nhất để làm. Đã thực hiện viện phí theo “giá thị trường” thì người bệnh phải có quyền lựa chọn, “mặc cả” quyền lợi mới công bằng” – ông Tập cho biết.( Nông thôn ngày nay trang 6)

Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:

* An ninh thủ đô (trang 4) 22/1: Tăng viện phí trên toàn quốc từ tháng 3-2016

* Lao động (trang 3) 22/1: Từ 1.3.2016: 1.800 dịch vụ y tế tăng giá

* Tuổi trẻ (trang 5) 22/1: Viện phí tăng từ ngày 1-3: Người bệnh lo lắng

Từ quý III-2016: Đưa vắc xin bại liệt dạng tiêm vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Ngày 21/1, Cục Y tế Dự phòng chính thức thông báo sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng bại liệt từ quý III, năm 2016. Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do vi rút bại liệt (Poliovirus) gây ra. Bệnh thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây truyền từ người sang người do nhiễm phải vi rút bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Chiến lược “Kết thúc và thanh toán bệnh Bại liệt trong giai đoạn 2013 - 2018” của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam sẽ đưa vắc xin bất hoạt tiêm (IPV: Inactivated Polio Vaccine) vào tiêm chủng mở rộng từ quý III năm 2016 song song với việc sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (týp 1, týp 3 - bOPV) để thay thế vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt là việc làm hết sức cần thiết.

Như vậy trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến bắt đầu từ tháng 5/2016 sẽ cho trẻ uống 03 liều vắc xin bOPV khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc xin Quinvaxem và tiêm 01 liều vắc xin IPV khi trẻ được 5 tháng tuổi (bắt đầu từ tháng 9/2016). Trường hợp trẻ đã uống 1, hoặc 2 hoặc 3 liều vắc xin bOPV từ tháng 5 đến tháng 9/2016 sẽ được tiêm bù 1 mũi vắc xin IPV để đảm bảo có miễn dịch đối với vi rút bại liệt týp 2 với mong muốn của Chính phủ và Ngành Y tế là luôn có được nhiều loại vắc xin và vắc xin an toàn và hiệu quả cho trẻ em Việt Nam.

Giải thích về nguyên nhân đưa vắc xin phòng bại liệt dạng tiêm vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, Cục Y tế dự phòng cho biết: “Mặc dù việc sử dụng vắc xin vắc xin bại liệt 3 týp (týp 1, týp 2, týp 3 - tOPV) tại Việt Nam đã đem lại thành tựu hết sức to lớn và quan trọng như trên. Tại Việt Nam, vắc xin tOPV đã được sử dụng trong suốt hơn 30 năm và kết quả cho thấy vắc xin OPV là rất an toàn.

Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắc xin bị bại liệt do vi rút vắc xin tái độc lực, chủ yếu là thành phần vi rút bại liệt týp 2 trong vắc xin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vắc xin được sử dụng).

Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần vi rút bại liệt týp 2 ra khỏi vắc xin tOPV”.

Cũng theo Cục này, nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong đó trên 95% trẻ em được uống vắc xin bại liệt, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000.

Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra.( Hà Nội mới trang 7)

Xuất cấp trang thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) trang thiết bị y tế thuộc hàng dự trữ quốc gia cho các bệnh viện được Bộ Y tế phân công tham gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, Bệnh viện Phổi Trung ương được xuất cấp 36 thiết bị; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 198 thiết bị; Bệnh viện Thống Nhất 7 thiết bị; Bệnh viện Phong Da liễu TW Quy Hòa 107 thiết bị; Quân khu I được xuất cấp 12 thiết bị; Quân khu II được xuất cấp 8 thiết bị; Quân chủng hải quân 71 thiết bị; Quân khu 9 được xuất cấp 23 thiết bị.

Căn cứ nhu cầu và nhiệm vụ của các đơn vị, Bộ Y tế phân bổ cụ thể số trang thiết bị nêu trên.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang