Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì lạnh
Miền Bắc đang phải hứng chịu đợt rét đậm có cường độ lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay, trong khi miền Nam bị ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt độ xuống thấp. Thời tiết những ngày qua đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân, nhất là đối với sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
Khám, điều trị trên 2.000 trẻ/ngày
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, số bệnh nhi tới khám bệnh những ngày qua rất đông; nhiều phòng bệnh xuất hiện tình trạng quá tải. Số trẻ đổ bệnh do thời tiết giá rét chiếm phần lớn, tập trung vào các bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, hiện bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho trên 2.000 trẻ/ngày nhưng nếu thời tiết tiếp tục rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. Trong khi đó, tại khoa Nhi của BV Bạch Mai và BV Xanh Pôn (Hà Nội), số trẻ phải nhập viện do các bệnh liên quan tới giá rét cũng bắt đầu có chiều hướng gia tăng, khoảng 10% so với trước. (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Mô hình bác sĩ gia đình, đâu cũng kêu khó vì… thiếu đủ thứ
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2013 - 2017, 8 tỉnh triển khai thí điểm đề án BSGĐ đã thành lập được 350 cơ sở khám chữa bệnh bằng y học gia đình. Tuy vậy, thực tế triển khai mô hình này đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất hạn chế.
Cụ thể, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ. Nhiều phòng khám BSGĐ, đặc biệt tại trạm y tế còn thiếu thuốc điều trị các bệnh thông thường. Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình cũng còn thiế và yếu. Chưa kể, thanh toán BHYT các dịch vụ tại phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn…
Vậy vì sao một mô hình hay, tiên tiến được nhiều nước áp dụng trên thế giới song ở Việt Nam vẫn “loay hoay” tìm lối đi? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị. Trong đó, đại diện ngành y tế các tỉnh/ thành đang triển khai thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ đều “kêu khó” vì khi triển khai mô hình này trong thực tiễn thì thấy thiếu đủ thứ.
Chẳng hạn, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng, thách thức lớn nhất của địa phương khi thực hiện mô hình là cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế trong mạng lưới BSGĐ chưa cụ thể, chưa khuyến khích được hoạt động của đội ngũ này.
Tương tự, việc phân tuyến thuốc sử dụng theo 4 tuyến quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế vô hình chung tạo rào cản cho bệnh nhân khi muốn khám chữa bệnh tại tuyến xã. Khánh Hòa hiện cũng chưa có sự kết nối tiếp nhận giữa hệ thống chuyển tuyến của phòng khám BSGĐ.
Hay đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi trả bệnh nhân về BSGĐ quản lý thì quy định rõ cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, BHYT… (An ninh thủ đô, trang 4).
Thêm nhiều trẻ em được mổ tim miễn phí
Chương trình Trái tim cho em vừa có đợt khám sàng lọc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Qua đó đã giúp phát hiện 100 trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh, chỉ định can thiệp và phẫu thuật cho 51 trường hợp.
Huế mùa này đang là mùa mưa. Mưa rả rích ngày đêm khiến cho phố phường trở nên vắng vẻ hẳn. Tuy nhiên, ở một góc BV Trung ương Huế, nơi đang diễn ra sự kiện khám sàng lọc của chương trình Trái tim cho em dòng người vẫn không ngớt đổ về.
Rớt nước mắt thương con
Theo chương trình, tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh có nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được khám sàng lọc miễn phí và nhận được tư vấn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin trợ giúp để các cháu nhận được kinh phí phẫu thuật miễn phí từ chương trình.
Chính bởi ý nghĩa to lớn đó mà không chỉ những gia đình có con nghi mắc bệnh tim bẩm sinh trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà ở các tỉnh phụ cận cũng có mặt từ sớm để đưa con em mình đến khám sàng lọc. Mỗi người một số phận, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung lại ai cũng hồi hộp và lo lắng chờ đợi kết quả khám của con em mình.
“Đưa cháu về nhé, tim cháu bình thường”, chỉ cần được nghe câu đó từ miệng bác sĩ là nụ cười của phụ huynh có thể nở trên môi. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy.
Cha mẹ cháu Lê Hà My là một trường hợp như thế. Cháu mới được 12 tuần tuổi, vẫn lim dim ngủ trên tay mẹ, không hề cảm nhận được nỗi đau từ trái tim của đấng sinh thành khi nghe bác sĩ kết luận cháu đã bị tim bẩm sinh, hơn nữa còn ở tình trạng rất nặng, nếu không được mổ can thiệt sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.
Ôm con trên tay, chị Trần Thị Oanh (mẹ cháu Hà My) thỉnh thoảng lại đưa tay lên quệt nước mắt mỗi khi con trở mình khóc ré lên. “Cháu yếu quá nhưng cũng nhờ chương trình này mà vợ chồng tôi mới đưa cháu đi khám, lại có cơ hội được mổ miễn phí nên vợ chồng tôi mừng lắm” - chị Oanh tâm sự.
Cũng chung hoàn cảnh như vậy, ông Hồ Văn Buồn (dân tộc Cơ Tu) đến từ huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) cũng đưa con đến khám. Bản thân mang trong mình nhiều bệnh tật, ông Buồn bày tỏ: “Hai cha con tôi quanh năm đi trạm xá không à. Tôi bệnh mà con cũng bệnh, mổ lên mổ xuống mà chưa khỏi”.
Người đàn ông đến từ huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế không biết được từ nhà mình đến bệnh viện phải đi mất bao nhiêu cây số, bao nhiêu thời gian, chỉ nhớ hai cha con đi mất 50.000 đồng tiền xe. “Vợ đi cạo vỏ cao su ngày có 100.000 đồng, không đủ tiền lo bệnh cho hai cha con” - ông Buồn nói.
Cháu Nguyễn Thị Hòa (13 tuổi) được anh trai Nguyễn Ngọc Tìu đưa từ Quảng Bình đến khám sàng lọc. Hòa sinh ra trong một gia đình có năm người. Cả năm miệng ăn đều trông vào việc đánh bắt cá của cha mẹ và các anh nên quanh năm vẫn bữa được bữa mất. Hòa phải nghỉ học từ năm lớp 4 để phụ giúp gia đình. Cầm trên tay tờ kết quả, Hòa rơm rớm nước mắt sợ cha mẹ trách vì lỡ mang bệnh. Sau khi được giải thích chi phí cho ca mổ sẽ được chương trình hỗ trợ, khuôn mặt Hòa mới giãn ra rạng rỡ.
Những cuộc đời được cứu vớt
Rời BV Trung ương Huế, chúng tôi tìm đến nhà những bệnh nhân đã từng được chương trình hỗ trợ mổ tim miễn phí. Căn nhà chúng tôi tìm đến là nhà cháu Dương Quốc Thiện, Thiện được hỗ trợ mổ tim bệnh thông liên nhĩ lúc ba tuổi.
Nhìn căn nhà khang trang vừa mới được xây lại của gia đình, khó có thể tin cha mẹ Thiện đã từng khốn đốn không biết lấy tiền đâu để mổ tim cho con.
Tâm sự với chúng tôi, anh Dương Xuân Dũng (cha cháu Thiện) trần tình: “Ngày trước cháu ốm đau suốt, bao nhiêu tiền của gia đình dồn vào lo chữa chạy cho cháu, việc làm ăn của cha mẹ cũng bị bê trễ. Sau khi được mổ miễn phí, sức khỏe của Thiện đã ổn định. Cũng nhờ vậy mà gia đình tập trung làm ăn mới có cơ ngơi khấm khá như thế này”.
Cũng từng được chương trình hỗ trợ mổ tim miễn phí, em Nguyễn Bích Bảo Ngọc từ cô bé thường xuyên ốm đau ngày xưa, giờ đã trở thành nữ sinh xinh xắn của hai trường CĐ ở Thừa Thiên-Huế. Ngoài việc đồng thời đi học cả hai trường, Ngọc còn đi làm thêm để phụ giúp gia đình.
Nhớ lại thời điểm mình được chẩn đoán mắc bệnh tim, ký ức Ngọc chỉ là khuôn mặt đầy lo âu của cha mẹ. “Thời đó gia đình em khó khăn lắm, nếu không được hỗ trợ thì không biết cha mẹ em lấy đâu ra tiền để cho em được mổ” - Ngọc nói.
Theo BS Trần Hoài Ân (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tim mạch BV Trung ương Huế), tim bẩm sinh tần suất xuất hiện khoảng 1% trên những đứa trẻ sinh ra. Như vậy tìm theo mức độ các nơi thì 100 các cháu được sinh ra đời sẽ có một cháu bị tim bẩm sinh.
“Đại đa số bệnh tim bẩm sinh cần được phẫu thuật sớm thì sẽ không bị những biến chứng về phổi, suy tim, không thể phẫu thuật được nữa. Cho nên chẩn đoán sớm là vấn đề rất quan trọng để điều trị tim bẩm sinh. Chương trình khám sàng lọc có ý nghĩa rất lớn là tầm soát trong cộng đồng để phát hiện ra các bệnh tim bẩm sinh và tùy theo mức độ bệnh mà có những chỉ định để phẫu thuật sớm được” - BS Ân cho hay. (Pháp luật TP.HCM, trang 12).
Ớt khô nhiễm độc tố aflatoxin có thể gây ung thư
Về 48 mẫu ớt khô nhiễm độc tố aflatoxin được tìm thấy ở chợ khu vực phía Nam, ngày 21.12, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, độc tố aflatoxin có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc gây ung thư gan, ruột.
Trước đó, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu ớt khô được thu thập ngẫu nhiên tại các chợ của 5 tỉnh, thành phía Nam (TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai), từ tháng 5 - 6.2017, đều chứa độc chất aflatoxin gây ung thư. Cụ thể, trong số 48 mẫu ớt khô chứa aflatoxin, có 45 mẫu không có bao bì và không có xuất xứ rõ ràng, 3 mẫu còn lại có bao bì nhưng sản xuất theo quy trình thủ công; 20% số mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép (hơn 5 microgam/kg).
Theo PGS Thịnh, aflatoxin là độc tố vi nấm sinh ra khi sản phẩm, thực phẩm bị mốc, tùy theo mức độ mốc của thực phẩm mà hàm lượng aflatoxin nhiều hay ít. Thực phẩm bị mốc càng nhiều thì độc tố aflatoxin càng “đậm đặc”. Những thực phẩm nhiều dầu, có thành phần protein cao như ngô, gạo, lạc, đỗ tương, ớt đều dễ bị nấm mốc và xuất hiện độc tố aflatoxin.
“Độc tố aflatoxin nếu ăn một lượng lớn có thể gây ra ngộ độc cấp tính khiến người ăn có thể tử vong ngay lập tức. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều. Nghiêm trọng hơn đối với người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm mốc có độc tố aflatoxin là ngộ độc trường diễn, từ từ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là nội tạng như gan, dạ dày, ruột, gây ung thư, đặc biệt là ung thư gan” – PGS Thịnh phân tích.
PGS Thịnh cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh aflatoxin ngấm từ từ vào cơ thể có nguy cơ gây ung thư gan rất lớn. Quá trình này cũng diễn ra từ từ, người bệnh không để ý là mình nhiễm độc như thế nào.
Về quá trình sản sinh độc tốc aflatoxin, PGS Thịnh cho biết, thực phẩm được phơi khô thì ánh mặt trời, nhiệt độ sẽ tiêu diệt nấm mốc và bào tử nấm. Tuy nhiên, sự triệt tiêu này không bao giờ được 100%, một phần bào tử nấm sẽ “ngủ đông” ở trong các sản phẩm thực phẩm. Khi các sản phẩm được đóng túi, cho vào kho bảo quản, với thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam, các sản phẩm sẽ hút ẩm, bào tử nấm “sống lại”, phát triển thành nấm mốc và sản sinh aflatoxin.
“Nếu người dân nghĩ đến việc dùng nhiệt độ cao để khử aflatoxin thì hoàn toàn sai lầm. Những sản phẩm mốc khi được rửa sạch, hong, nấu trên nhiệt độ cao thì aflatoxin vẫn còn nguyên. Aflatoxin hoàn toàn không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, dù rang, nấu ở nhiệt độ trên 200 độ C” – PGS Thịnh cảnh báo.
Do đó, PGS Thịnh cho biết, lời khuyên tốt nhất cho người nông dân, buôn bán các thực phẩm, trong đó có ớt khô, cần phải sấy khô sản phẩm theo tiêu chuẩn và bảo quản ở nhiệt độ, môi trường đảm bảo, có thời hạn sử dụng rõ ràng cho sản phẩm.
"Còn người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm mốc thì nên đổ bỏ chứ không nên rửa, đun nấu, sử dụng lại. Vì độc tố aflatoxin sẽ không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, ăn các sản phẩm mốc rất nguy hại cho sức khỏe” – PGS Thịnh nói. (Nông thôn ngày nay, trang 3).
Xử phạt 30 triệu đồng công ty dược tự thay đổi bao bì thuốc
Thanh tra Bộ Y tế đã quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH sản xuất dược phẩm Medlac Pharma Italy (đăng ký tại Khu công nghiệp công nghệ cao1, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, km29, Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Hà Nội, số tiền 30 triệu đồng vì hành vi vi phạm khi thay đổi bao bì thuốc Kortimed 100mg, số đăng ký VD-21161, lô sản xuất S06061716, ngày sản xuất 21/4/2017, hạn sử dụng 20/4/2022 mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ y tế hướng dẫn việc đang điều trị mà thẻ BHYT hết hạn
Bộ Y tế vừa có Công văn 7149/BYT-BH hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Khi đó, người bệnh vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).