Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/2/2021

  • |
T5g.org.vn - Trốn khai báo y tế, 2 tài xế bị xử phạt 40 triệu đồng; Yêu cầu không đón, trả khách tại khu vực cách ly; Hải Dương Ứng phó COVID-19 chủng mới: Xét nghiệm tài xế xe tải…

 

Phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Sau sáu năm triển khai, BHYT đã đạt được những kết quả ấn tượng, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần sớm bổ sung và hoàn thiện chính sách BHYT với mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững, tiến tới BHYT toàn dân.

Bước tăng trưởng ấn tượng

Năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.

Diện bao phủ BHYT đã tập trung vào các nhóm, như: nhóm người lao động tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%, với khoảng 3,2 triệu người; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và khoảng 18 triệu người tham gia theo hộ gia đình). Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân phải mất từ 40 đến 80 năm thì đến năm 2025, Việt Nam đạt 95% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, số người tham gia BHYT tuy tăng cao, tỷ lệ bao phủ lên tới 90,85% dân số, nhưng thực tế số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ còn chiếm tỷ trọng cao. Việc phát triển chính sách BHYT và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực. Tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân; chất lượng dịch vụ y tế chưa cao, dẫn đến sự chênh lệch về quyền lợi được hưởng của người tham gia. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng “bao cấp ngược”, khi nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế chưa cao nên quỹ BHYT kết dư và số kết dư đó chuyển về các tỉnh có điều kiện khá hơn bị thâm hụt quỹ. Bên cạnh đó, theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Mặc dù, tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt kế hoạch nhưng vẫn còn hơn 9% dân số chưa tham gia BHYT. Và thực tế, tỷ lệ chưa tham gia này mới là điều đáng lưu tâm. Nhóm thuộc diện tham gia theo hộ gia đình có thu nhập cao hơn chính là những người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT, tuy nhiên họ chủ yếu tham gia các gói bảo vệ sức khỏe của bảo hiểm thương mại hoặc một bộ phận có điều kiện hơn lựa chọn đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Điều này chưa thể hiện đúng bản chất của BHYT là chia sẻ “lấy số đông bù số ít”, không bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tăng cường các giải pháp mở rộng

Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam cho rằng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 là động lực để thúc đẩy người dân tham gia BHYT bền vững. Khi người dân được thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên sẽ là yếu tố quan trọng để người dân tin tưởng và tham gia BHYT, góp phần đạt mục tiêu BHYT toàn dân. Chính sách thông tuyến sẽ giúp người tham gia BHYT có quyền lựa chọn nhiều hơn, thuận tiện, tốt nhất trong khả năng của họ; người bệnh được tiếp cận nhanh hơn, kịp thời hơn các dịch vụ y tế mà không cần phải làm thủ tục chuyển tuyến, giảm bớt phiền hà, nhất là đối với những lao động tự do hoặc chuyển dịch lao động do các nguyên nhân khác nhau.

Đồng thời, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động, giải thích đến từng người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách… Ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Năm 2021, với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, ngành BHXH Việt Nam tập trung triển khai tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: Số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% lực lượng lao động, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số. (Nhân dân, trang 4)

 

Yêu cầu không đón, trả khách tại khu vực cách ly

Ngày 21-2, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thực hiện phân luồng giao thông trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp. Tỉnh đã cách ly xã hội trên địa bàn từ 0 giờ ngày 16-2. Bộ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo thanh tra phối hợp các lực lượng chức năng địa phương chốt chặn, hướng dẫn phương tiện không dừng đỗ đón, trả hành khách, hàng hóa tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Đồng thời, hướng dẫn VIDIFI phối hợp các lực lượng phân luồng giao thông trên quốc lộ 5 và lập chốt trạm theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải Hải Dương khi cần thiết. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Yêu cầu không được đón trả khách tại khu vực cách ly Covid-19 ”

 

90 người bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Chiều 21-2, Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Hải Dương công bố, đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 cho 90 bệnh nhân sau ba lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đến dự, chia vui, tặng hoa các bệnh nhân và đội ngũ thầy thuốc có đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị Bộ Y tế và lãnh đạo TP Chí Linh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của các đơn vị y tế Trung ương, của tỉnh và TP Chí Linh. Đặc biệt, tại Bệnh viện dã chiến số 1, nhiều sáng kiến mới được áp dụng đã giúp kiểm soát được tổn thương phổi, hiện tượng máu đông, giúp ngăn ngừa biến chứng nặng. Đồng thời ghi nhận những đóng góp, cống hiến của đội ngũ y tế tại Bệnh viện dã chiến; sự hợp tác, chấp hành quy định của các bệnh nhân trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

Nhân dịp này, Đại học Sao Đỏ Chí Linh trao tặng Bệnh viện dã chiến số 1 robot vận chuyển phục vụ khám, chữa bệnh góp phần phục vụ công tác điều trị cho các bệnh nhân được tốt hơn. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Hải Dương có 90 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh”; Công an Nhân dân, trang 1: “90 bệnh nhân Covid-19 ở Hài Dương được xuất viện”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Kỷ lục, 90 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh trong 1 ngày”

 

Vĩnh biệt Thầy, người nâng tầm châm cứu Việt Nam

Mặc dù được các thầy thuốc và gia đình, học trò cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã tạ thế lúc 4 giờ 50 phút ngày 14-2-2021. Cả cuộc đời tận tâm cống hiến, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã để lại một di sản lớn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân bằng phương pháp châm cứu kết hợp sâu sắc hai nền y học cổ truyền và hiện đại. Ông là người thầy thuốc nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh.

Tôi may mắn được là một học trò, được làm việc cùng Thầy 40 năm qua. Thầy ra đi để lại trong chúng tôi bao niềm thương, nỗi nhớ, đó cũng là một mất mát lớn cho ngành y tế Việt Nam, cho Bệnh viện Châm cứu T.Ư, Hội Châm cứu Việt Nam cũng như Hội Châm cứu thế giới và gia đình mất đi người chồng, người cha kính yêu, dòng họ mất đi một người con ưu tú.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng (thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), GS Nguyễn Tài Thu được tiếp thu nền Nho học của gia đình và sớm giác ngộ cách mạng, rèn luyện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi. Tháng 9-1945 là đoàn viên thanh niên cứu quốc Chi đoàn Hoàng Diệu - Hoàn Kiếm - Hà Nội, Tuyên truyền xung phong khu Hoàn Kiếm Hà Nội, Quyết tử quân Hà Nội bảo vệ kháng chiến. Năm 1947-1948, là Bí thư Huyện đoàn thanh niên cứu quốc Sa Pa (Lào Cai) rồi vào bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, được tuyển chọn vào lớp Y52 Đại học Y Việt Bắc (năm 1953)… Do đạt được nhiều thành tích, ông được cử đi học Đại học Y Bắc Kinh (Trung Quốc) từ năm 1954 đến năm 1958. Trở về nước, ông công tác tại Trung ương Hội Đông y Việt Nam, làm thư ký công đoàn hội, làm thư ký Ban Chấp hành T.Ư Hội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13-3-1965; là Tổng Thư ký Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Bí thư Chi bộ đảng T.Ư Hội Đông y Việt Nam…

Từ năm 1972 đến năm 1974, GS Nguyễn Tài Thu được biệt phái vào Cục Quân y phục vụ tại nhiều đơn vị trong quân đội, thực hành điện châm chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh, nhất là tiến hành châm tê phẫu thuật giúp cho rất nhiều thương binh, bệnh binh giảm đau. Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975, GS vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị cho thương binh, bệnh binh có kết quả tốt.

Năm 1982, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Châm cứu nay là Bệnh viện Châm cứu T.Ư, đồng thời làm Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã xây dựng, lãnh đạo Bệnh viện Châm cứu T.Ư là đơn vị có truyền thống đoàn kết, có đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế tận tâm với nghề, chuyên môn cao; là đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc điều trị bằng phương pháp châm cứu, góp phần quan trọng đưa nền y học dân tộc Việt Nam vẻ vang trên trường quốc tế.

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu luôn có tinh thần say mê học hỏi, dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo có hiệu quả trong việc kết hợp một cách khoa học giữa y học cổ truyền và y học hiện đại vào lĩnh vực chữa bệnh, từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa kỹ thuật châm cứu vào điều trị bệnh. Thầy cùng với anh chị em cán bộ của bệnh viện nghiên cứu hàng trăm đề tài cấp cơ sở, hàng chục đề tài cấp bộ và nhiều đề tài cấp nhà nước. Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tế khám, chữa bệnh cho nhân dân. Thầy đã đưa kỹ thuật tân châm vào trong điều trị. Đó là châm cứu kim dài, kim to (mãng châm) để điều trị các chứng bệnh khó như chứng liệt, chứng đau. Thầy cũng là người tiên phong áp dụng kỹ thuật châm tê trong phẫu thuật, nhiều bệnh nhân già yếu dị ứng với thuốc tê, thuốc mê mà nhờ phương pháp này đã vượt qua được các cuộc phẫu thuật. Thầy cũng nghiên cứu và đưa ra phương pháp điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy... Với những phương pháp kỹ thuật này, GS Nguyễn Tài Thu được Hội Châm cứu thế giới đánh giá rất cao và bầu làm Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới phụ trách vấn đề khoa học kỹ thuật…

Từ năm 1977, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu có vinh dự được Nhà nước ta cử sang Pháp giới thiệu và truyền bá châm cứu Việt Nam, tham gia chữa cho nhiều ca bệnh khó, châm tê phẫu thuật để mổ cho nhiều ca bệnh… được đồng nghiệp và truyền thông quốc tế ca ngợi là người thầy thuốc siêu việt với đôi bàn tay vàng. Từ đó “tiếng chuông” châm cứu Việt Nam đã rền vang khắp năm châu, châm cứu Việt Nam được lên một tầm cao mới. Do thông thạo các thứ tiếng: Pháp, Trung, Anh, Giáo sư trực tiếp giảng dạy, truyền kiến thức cho sinh viên, chuyên gia tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ la-tinh... Ông cũng đã thành lập các trung tâm và chuyển giao công nghệ cho các nước như Nga, Pháp, Mê-hi-cô, I-ta-li-a... Tổng cộng có 83 lớp đào tạo châm cứu được mở, đào tạo cho gần 8.000 học viên quốc tế; các lớp cao học châm cứu cũng được mở tại Mê-hi-cô với 21 thạc sĩ và ba trung tâm châm cứu tại đất nước này. GS Nguyễn Tài Thu là giáo sư, tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học của các nước trên thế giới...

Vừa lãnh đạo Bệnh viện Châm cứu, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu còn xây dựng phát triển Hội Châm cứu Việt Nam, với trách nhiệm chủ tịch Hội từ năm 1977 đến nay.  Hội Châm cứu Việt Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết nạp là tổ chức thành viên. Thông qua chức năng của Hội, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu đã tổ chức thành lập Hội Châm cứu cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tới các quận, huyện để phổ cập châm cứu xuống tuyến cơ sở, trực tiếp chăm lo sức khỏe của nhân dân ngay từ cơ sở khám, chữa ban đầu.

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu cũng là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Với uy tín lớn, ông đã kêu gọi hàng nghìn tình nguyện viên là thầy thuốc, nhân viên y tế cùng tham gia chữa bệnh với hàng vạn nhà hảo tâm đồng tình ủng hộ cho các hoạt động của hội. Nhờ vậy, hàng trăm nghìn trẻ em tàn tật được nuôi ăn và chữa trị cho đỡ hoặc khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng… GS Nguyễn Tài Thu được tôn vinh là “Ông tiên của trẻ em tàn tật Việt Nam”.

Với những thành tích nổi bật nêu trên, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thầy là giáo sư đầu ngành châm cứu Việt Nam, cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân, cho ngành y tế nước nhà. Với 91 năm tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, hơn 70 năm cống hiến cho quê hương, đất nước cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân bằng phương pháp châm cứu kết hợp sâu sắc hai nền y học cổ truyền và hiện đại, GS, TSKH Nguyễn Tài Thu ra đi nhưng sự nghiệp châm cứu của Thầy vẫn còn mãi và phát triển theo thời gian. Thầy mãi còn trong tâm trí mọi người. (Nhân dân, trang 8)

 

Hải Dương ứng phó COVID-19 chủng mới: Xét nghiệm tài xế xe tải

Ngày 21/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 500 lái xe chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu thụ.

Tại phòng khám sức khỏe ở ngõ 144 Quang Trung, TP Hải Dương, hàng trăm tài xế tới đăng ký lấy mẫu xét nghiệm. Là một trong những người đầu tiên, anh Đỗ Văn Hùng (lái xe của Công ty Vận tải Tiến Quân) chia sẻ, anh chuyên chở hàng hóa từ Hải Dương đi các tỉnh. Anh nói rằng, những ngày qua, khi anh đi làm việc, người dân tại một số nơi thấy biển số tỉnh Hải Dương nên từ chối tiếp nhận. Thậm chí, có lần vào quán mua cơm hộp, anh cũng bị từ chối.

“Hiện dịch bệnh phức tạp nhưng không phải chỗ nào ở Hải Dương cũng là tâm dịch, không phải ai cũng dương tính. Người dân hay lái xe gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hoạt động kinh doanh. Qua thông tin trên báo đài, tôi được biết và tự nguyện đi xét nghiệm. Nếu sức khỏe tốt, không mắc bệnh dịch, tôi cũng như hàng nghìn tài xế đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh, thành tạo điều kiện để chúng tôi chở hàng hóa lưu thông”, anh Hùng nói.

Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, cho biết, do số tài xế đến đề nghị xét nghiệm quá đông nên đơn vị đã chuyển địa điểm làm thủ tục, lấy mẫu từ phố Quang Trung ra quảng trường Trung tâm Văn hóa xứ Đông, trên phố Thanh Niên. Ngoài lực lượng y tế còn có lực lượng công an, dân phòng hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung). Trong ngày, tổ công tác phát khoảng 500 phiếu lấy mẫu xét nghiệm.

Theo ông Tuyến, việc lấy mẫu xét nghiệm cho tài xế nhằm ưu tiên, tạo điều kiện cho họ có thể vận tải hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả chỉ có giá trị trong vài ngày, nên tài xế nào thực sự có nhu cầu thì hãy đăng ký xét nghiệm, ông nói. Những ngày tới, kể cả cuối tuần, CDC Hải Dương tiếp tục lấy mẫu cho người có nhu cầu.

Tài xế liên hệ trước qua đường dây nóng rồi mang theo giấy phép lái xe, đeo khẩu trang, thực hiện quy định phòng dịch khi đến xét nghiệm. Phí mỗi lần xét nghiệm là 734.000 đồng/mẫu và nhận kết quả sau 24 giờ.“Tài xế cần chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không thực hiện tốt các quy định phòng dịch thì vẫn có thể lây nhiễm và việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ không có giá trị”, ông Tuyến nói.

Xe nào được lưu thông khi giãn cách?

UBND tỉnh Hải Dương đã có hướng dẫn chi tiết về việc kiểm soát các nhóm phương tiện được lưu thông trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội.

Cụ thể, nhóm xe cá nhân: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; các trường hợp khẩn cấp, khám chữa bệnh, thiên thai, hỏa hoạn…; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang và các cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động. Nhóm xe phục vụ phòng chống dịch: xe công vụ của công an, quân đội, y tế và lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch; xe được trưng dụng phòng dịch có phù hiệu do Sở GTVT cấp; xe chở lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác.

Xe phục vụ sản xuất, vận tải hàng hóa: đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp; chở sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, xây dựng; chở máy móc, thiết bị, phương tiện và xe chuyên dùng phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Ngoài ra, một số phương tiện khác cũng được lưu thông như: xe phục vụ tang lễ, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn; xe sửa chữa, cung cấp điện nước, bưu chính viễn thông…

Tỉnh Hải Dương yêu cầu, tất cả tài xế được lái xe lưu thông trong thời gian giãn cách và những người đi cùng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”. Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để khai báo, xét nghiệm. (Tiền phong, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Hải Dương ứng phó với 06 ổ dịch Covid-19 ra sao?”

 

Thêm bệnh viện dã chiến ở tâm dịch

Ngày 21/2, Hải Dương đưa Bệnh viện Dã chiến số 3 vào điều trị các bệnh nhân COVID-19 nhẹ để giảm tải số lượng cho hai bệnh viện dã chiến 1 và 2.

Bệnh viện Dã chiến số 3 nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sao Đỏ, hiện có 239 giường bệnh. Ngành y tế tỉnh Hải Dương đã huy động 116 cán bộ y tế của các cơ sở y tế công lập, sẵn sàng đón bệnh nhân COVID-19 đến điều trị. Một số trang thiết bị cơ bản của Bệnh viện Dã chiến số 3 đã được bổ sung và lắp đặt. Bệnh viện Bạch Mai đã điều xe X-quang di động từ Quảng Ninh về đây. Những ngày qua, được sự giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, các thầy thuốc được tăng cường về Bệnh viện Dã chiến số 3 đã học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật, vận hành thử bệnh viện.

1 ngày 90 người xuất viện

Theo TS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Chống dịch - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Dã chiến số 1 (đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh) hiện điều trị 108 bệnh nhân. Chiều 21/2, bệnh viện này công bố 90 bệnh nhân khỏi bệnh. Đây là lần công bố nhiều bệnh nhân khỏi bệnh nhất từ trước đến nay của địa phương này. Các bệnh nhân được bệnh viện bố trí xe đưa về tận nhà. Họ sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.

TS Điền cho biết, ông và đồng nghiệp rất vui mừng khi số lượng bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh và ra viện lớn nhất từ trước đến nay. “Đây là một thành quả ngọt ngào sau một quá trình quần thảo, làm chuyên môn, chiến đấu với COVID-19 từ trước Tết đến giờ của các chuyên gia, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế địa phương và các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chống dịch”, ông nói.

Trước đó, ngày 29/1, Bệnh viện Dã chiến số 1 tiếp nhận 106 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, phần lớn là công nhân Công ty Pouyun. Ngày 2/2, Trung tâm Y tế TP Chí Linh chính thức trở thành Bệnh viện Dã chiến số 1 để thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Dã chiến số 1 đã thu dung và điều trị 293 bệnh nhân, trong đó có 9 bệnh nhi, 4 bệnh nhân mang thai, hơn 40 bệnh nhân tổn thương phổi, 20 bệnh nhân nặng…

Bệnh viện Dã chiến số 2 đang điều trị 280 bệnh nhân trên tổng số 660 giường bệnh. Dự kiến, Bệnh viện Dã chiến số 3 sẽ tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ, giảm áp lực cho Bệnh viện Dã chiến số 1 và 2. Trong tương lai, nếu còn bệnh nhân COVID-19 ở Hải Dương, Bệnh viện Dã chiến số 3 sẽ trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trung tâm Y tế TP Chí Linh và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương sẽ trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường mới.

Mỗi ngày, tỉnh Hải Dương ghi nhận trung bình 24 ca bệnh mới, ngày nhiều nhất là 45 trường hợp. Ba ngày gần đây, 74 trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, chủ yếu tại các khu vực cách ly. Đặc biệt, sáng 21/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Dương cho biết, tỉnh này ghi nhận ổ dịch mới tại huyện Kim Thành. Số người dương tính với virus tại ổ dịch này đã lên tới 6 trường hợp. Cơ quan chức năng ở Hải Dương truy vết và xác định được 180 người thuộc diện F1, đã cho đi cách ly ngay. Ngoài ra, Hải Dương còn có 5 ổ dịch lớn gồm TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và TP Hải Dương. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.

Tối 21/2, Bộ Y tế cho biết có thêm 15 ca mắc (BN2369-2383) ghi nhận tại Hải Dương, trong đó 14 ca là F1 (6 ca là F1 của BN2352 ở xã Kim Liên, huyện Kim Thành) và 1 ca trong vùng phong tỏa xã Nam Tân, huyện Nam Sách. Tất cả các bệnh nhân đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện có 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế TP Chí Linh và 11 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 123.942. (Tiền phong, trang 6)

 

Nguy cơ vỡ trận ở dự án bệnh viện nghìn tỷ ở Nghệ An: Báo cáo Thủ tướng về thực trạng chậm tiến độ

Ngày 21/12/2020, báo Tiền Phong đăng bài “Nguy cơ “vỡ trận” ở dự án bệnh viện nghìn tỷ”. Sau khi báo đăng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 (tại Công văn số 47/VPCP-CN ngày 5/1/2021). Ngày 8/2/2021, tỉnh Nghệ An báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng triển khai dự án này.

Theo báo cáo ngày 8/2/2021 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được thành lập năm 2015 với vốn điều lệ 260 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An góp 40% vốn điều lệ (tương đương 104 tỷ đồng, tính bằng giá trị thương hiệu, uy tín, lợi thế thương mại của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và giá trị đền bù giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án); Công ty Cổ phần đầu tư Cotec Healthcare (CHH) góp 51% vốn điều lệ (tương ứng 132,6 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng - Cotec Group góp 9% vốn điều lệ (tương ứng 23,4 tỷ đồng).

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An gồm ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong công ty; Ông Goh Hsien Ming (quốc tịch Malaysia) là thành viên hội đồng quản trị và ông Nguyễn Huy Cường là thành viên hội đồng quản trị mới.

Dự án đầu tư Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, liên doanh liên kết (đối tác công - tư). Dự án được khởi công ngày 13/3/2016, quy mô 600 giường bệnh, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, quý IV/2018, dự án sẽ được hoàn thiện kiến trúc và lắp đặt thiết bị; Quý I/2019 vận hành chính thức và đưa bệnh viện vào hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn trong tình trạng dở dang.

Ông Bùi Đình Long cho rằng, việc chậm tiến độ của dự án không phải do vướng quy hoạch chi tiết xây dựng hay liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo tài liệu PV Tiền Phong có được, trong các báo cáo về tiến độ của dự án từ năm 2019 đến tháng 4/2020 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An gửi UBND tỉnh này đều nêu rõ: Tiến độ chậm do vướng quy hoạch chi tiết xây dựng và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tại văn bản số 14/CV-BVNA2 (ngày 31/7/2019) và báo cáo số 03/CV-BVNA2 (ngày 20/3/2020) của Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nêu: “Thời gian qua, do quá trình tái cơ cấu công ty và vì gặp phải các vướng mắc trong hoàn thiện pháp lý dự án (quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nên dự án bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn nhiều lần, gây khó khăn về tài chính, dẫn tới tiến độ thi công bị chậm so với kế hoạch”.

Ngày 1/4/2020, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An căn cứ báo cáo của Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ an cũng có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh này rằng: Từ ngày 1/1/2020 đến nay, nhà thầu đưa khoảng 60 công nhân/ngày vào công trường xây dựng, không đáp ứng được tiến độ, có nguy cơ dừng dự án. Thời gian qua, do quá trình tái cơ cấu công ty và vì gặp phải các vướng mắc trong vấn đề hoàn thiện pháp lý dự án (quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nên dự án bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn nhiều lần. Thực tế này gây khó khăn về tài chính, dẫn tới tiến độ thi công công trình bị chậm so với kế hoạch...

Như vậy, có thể nói Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long báo cáo Chính phủ ngày 8/2/2021 trong đó có đoạn viết “Nội dung báo Tiền Phong phản ánh dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa giai đoạn 2 chưa hoàn thành xây dựng do vướng mắc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và vướng về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa sát đúng với tình hình thực tế”, là chưa hợp lý. (Tiền phong, trang 13)

 

Vaccine Covid-19 của Việt Nam hiệu quả tốt với virus biến chủng

Vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất trong nước đang có kết quả thử nghiệm tốt. Với công nghệ tiên tiến nên vaccine Covid-19 của Việt Nam hoàn toàn thích ứng, phát huy hiệu quả phòng bệnh dù virus biến chủng.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp… Đó là những thông tin được ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

PHÓNG VIÊN: Trong số các vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam, vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen đã hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thử nghiệm?

Ông NGUYỄN NGÔ QUANG: Vaccine Nano Covax đã hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho 60 người tình nguyện ở 3 mức liều: 25µg, 50µg và 75µg. Sau khi tiêm ở cả 3 mức liều trên, người tình nguyện không gặp bất cứ sự cố nghiêm trọng nào về sức khỏe. Đồng thời, người tình nguyện sau tiêm đáp ứng sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ không bị mắc virus SARS-CoV-2 đến 90% và liều tối ưu là ở mức 75µg. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vaccine Nano Covax và khẳng định vaccine an toàn, có sinh miễn dịch tốt nên đã quyết định cho phép được chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 của việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Việc thử nghiệm giai đoạn 2 cũng phải đảm bảo quy trình khoa học, an toàn tuyệt đối cho người tham gia. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, Bộ Y tế đề xuất, không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu vaccine tại Học viện Quân y mà phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Trong giai đoạn 2, vaccine này sẽ được tiêm cho 560 người tình nguyện lứa tuổi 18-65 tuổi và chỉ tiêm 2 liều 50µg và 75µg. Theo kế hoạch, ngày 26-2 tới sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 cho người tình nguyện ở Học viện Quân y và Long An. Tiếp đó vào cuối tháng 3 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2 và đến cuối tháng 4 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3, dự kiến đầu tháng 5.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nga đã tổ chức tiêm vaccine Sputnik V rộng rãi cho người dân khi vaccine này mới kết thúc thử nghiệm giai đoạn 2. Đối với vaccine Nano Covax, chúng ta có tính đến việc này?

Thông thường, để đánh giá hiệu lực của vaccine cần 24 tháng, nhưng để phục vụ cho tình huống đại dịch, chúng ta có thể triển khai tiêm rộng rãi, sau khi đã đánh giá được tính an toàn, sinh miễn dịch và liều tiêm tối ưu nhất. Sau đó, sẽ nghiên cứu thêm về hiệu quả bảo vệ vì cần thời gian lâu dài hơn. Do vậy, khi kết thúc giai đoạn 2 vào cuối tháng 4, nếu các dữ liệu nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và tính sinh miễn dịch, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao như: nhân viên cảng hàng không, tiếp viên hàng không và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.

Virus SARS-CoV-2 đã có một số biến chủng khiến dịch bệnh phức tạp hơn. Các vaccine đang được nghiên cứu sản xuất trong nước liệu có hiệu quả trước virus biến chủng?

Cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với những cách khác nhau nhưng đều là công nghệ tiên tiến và tiến độ nghiên cứu theo đúng kế hoạch đề ra. Sản phẩm vaccine Nano Covax đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và được sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp - là công nghệ khá linh hoạt đối với các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, nhà sản xuất Nanogen đang phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trong đó có Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm tra thử trên các chủng mới. Hiện nay, kết quả thử nghiệm với virus SARS-CoV-2 biến chủng ở Nam Phi cho kết quả rất tốt. Chúng ta có thể tin tưởng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam nghiên cứu sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng với các biến chủng của virus, tất nhiên, chúng ta vẫn cần thời gian theo dõi, đánh giá.

Hiện nay, đang có một số ý kiến cho rằng ngành y tế cần sớm có quỹ hỗ trợ phát triển nghiên cứu và sản xuất vaccine. Quan điểm của ông ra sao?

Nghiên cứu sản xuất vaccine có tính rủi ro rất cao, khó có thể khẳng định thành công 100%. Để có được nguồn kinh phí đủ mạnh phục vụ đầu tư và cho phép đầu tư rủi ro, rất cần nguồn lực từ các quỹ hỗ trợ. Bởi, nếu sử dụng ngân sách, hay các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước thì có những quy định chặt chẽ, rất bó buộc với nhà sản xuất, nghiên cứu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia là họ lập ra những quỹ để đầu tư cho nghiên cứu sản xuất vaccine, hay các loại thuốc điều trị mới mà chấp nhận sự rủi ro và rất linh hoạt cho việc hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, giảm sức ép cho các nhà sản xuất. Vì vậy, cơ quan quản lý rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ để xây dựng và phát triển được quỹ hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Hơn nữa, khi có sản phẩm vaccine trong nước sản xuất, cùng với quỹ này, chúng ta có thể sử dụng để mua vaccine hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa) không có khả năng tiếp cận vaccine phòng bệnh. Càng có nhiều người được sử dụng vaccine, hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh, miễn dịch cộng đồng càng lớn.

Chúng ta đang thúc đẩy nhập khẩu vaccine Covid-19 nước ngoài để tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc chúng ta sớm có được vaccine nhập khẩu là rất tốt trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Tuy nhiên, để chủ động được nguồn cung cấp vaccine, đảm bảo an ninh y tế và mở rộng cho mọi người dân được tiếp cận vaccine thì việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước vẫn là ưu tiên rất quan trọng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta đang vừa cố gắng tiếp cận để nhập khẩu vaccine đã được lưu hành trên thế giới vừa đầu tư cho nghiên cứu sản xuất trong nước.

Xin cảm ơn ông! (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 3: “Virus biến chủng mới có lọt qua xét nghiệm và chống lại vắc xin?”

 

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp tục kêu gọi người dân hiến máu

Sau khi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát lời kêu gọi hiến máu vào ngày 19-2, đến nay có rất nhiều người dân, đơn vị hưởng ứng.

Tuy nhiên, lượng máu tiếp nhận mỗi ngày chỉ ở mức vài trăm đơn vị, trong khi nhu cầu điều trị mỗi ngày từ 1.200 - 1.500 đơn vị máu, nên kho dự trữ máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang giảm dần.

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh cho biết: Ước tính nhu cầu máu cần cho cấp cứu và điều trị trong tháng 2 và tháng 3-2021 của viện khoảng 50.000 đơn vị. Với lịch hiến máu duy trì đến thời điểm này, vẫn còn thiếu khoảng 20.000 đơn vị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cho 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến hiến máu, từ nay đến ngày 7-3, các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội (26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm; 132 Quan Nhân, Thanh Xuân; số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa) sẽ duy trì mở cửa từ 8 -12 giờ và 13 giờ 30 - 17 giờ tất cả các ngày trong tuần thay vì chỉ mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7 như trước. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, A) và hiến tiểu cầu; mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu nhằm đáp ứng nhu cầu máu cho khám, chữa bệnh... (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Ngành y tế TPHCM thực hiện chiến dịch cao điểm phòng chống dịch

Ngày 21-2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở Y tế đang phát động toàn hệ thống y tế, từ hệ dự phòng, cơ sở cho đến hệ khám, chữa bệnh công lập và tư nhân tham gia triển khai có hiệu quả “Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch Covid-19” đến hết 10-3. Đây cũng là những hoạt động thiết thực để chào mừng “Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2” của ngành y tế.

Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch Covid-19 bao gồm tiếp tục kiểm soát chuỗi lây nhiễm Covid 19 tại TP; tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát và giám sát đối với người đến từ các vùng dịch trong nước; giám sát, đánh giá người về TP từ các tỉnh phía Bắc; giám sát, đánh giá các chuyên gia nhập cảnh vào TPHCM đang làm việc từ ngày 1-1 đến nay.

Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát, tầm soát SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, đảm bảo thực hiện lấy mẫu giám sát cho 100% cho nhân viên y tế các bệnh viện trước ngày 10-3; giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và tăng cường vai trò của “Tổ Covid cộng đồng” trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện các quy định về cách ly, giám sát y tế tại địa phương; đặc biệt, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp trốn khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực, nhất là những người về từ vùng dịch thuộc nhóm cần phải giám sát y tế.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa có văn bản gửi Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc đảm bảo thực hiện quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo. Theo đó, HCDC đề nghị Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và phường, xã dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Tối 21-2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết, TPHCM vừa chính thức gỡ bỏ phong tỏa cho 4 địa điểm thuộc quận Gò Vấp và quận Bình Tân. Cụ thể: Chung cư Felix Homes 44 Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp; hẻm 251 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp; hẻm 67 Nguyễn Thị Tú, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; hẻm 60/41 đường Nguyễn Văn Cự và hẻm 38 đường Kinh số 1 (tổ 39), khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.

“Khi lệnh gỡ bỏ phong tỏa được công bố, mặc dù vỡ òa trong niềm hạnh phúc, mọi người vui mừng cùng nhau ra phố và vươn cao quốc kỳ của Việt Nam, nhưng mỗi người dân vẫn không quên mang khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh. Hiện TPHCM chỉ còn 2 địa điểm bị phong tỏa liên quan đến Covid-19 tại quận Tân Bình là lô F, chung cư Carillon, số 1 Trần Văn Danh, phường 13, quận Tân Bình và hẻm 90, đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Hải Dương cấp tốc truy tìm nguồn lây ổ dịch xã Kim Liên

Ngày 21.2, xã Kim Liên, H.Kim Thành (Hải Dương) trở thành điểm nóng về dịch Covid-19 khi phát sinh 6 ca nhiễm Covid-19 mới. Những bệnh nhân mới đều là F1 của anh L.V.C, thợ xây đã nhiễm Covid-19.

Trước diễn biến của dịch, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương đã yêu cầu khẩn trương truy vết F1 theo các mốc dịch tễ của bệnh nhân (BN). Lực lượng chức năng sẽ rà soát và lấy mẫu toàn bộ người thân, họ hàng đã đến thăm, liên hoan, chúc tết cùng BN trong thời gian tết. Nhóm thợ xây làm việc với BN L.V.C cũng được lấy mẫu xét nghiệm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Kim Diện, Bí thư Huyện ủy Kim Thành, cho biết: “Hiện nay, nguồn lây của nhóm BN ở H.Kim Thành chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, chúng tôi đang khoanh vùng. Cơ quan chức năng đang nghi vấn anh L.V.C có thể lây từ người khác nhưng phát bệnh trước vì có bệnh nền là phổi, sức khỏe yếu. Nguồn lây của anh L.V.C có thể là nhóm thợ xây cùng xã hoặc BN N.V.H, công nhân Công ty Vicem Hoàng Thạch ở TX.Kinh Môn. Anh N.V.H cũng về xã Kim Liên trước khi phát bệnh”.

Cũng theo ông Diện, lực lượng chức năng sẽ làm việc ngày đêm để truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho 8.000 người ngụ xã Kim Liên.

Trong khi đó, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương cũng đã quyết định thiết lập cách ly y tế vùng có dịch đối với các hộ dân thôn Lương Xá Nam, Lương Xá Bắc, Cổ Phục Bắc, Cổ Phục Nam (xã Kim Liên, H.Kim Thành) gồm hơn 2.000 hộ dân; Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 649, Tổng cục Hậu cần gồm 105 người (trên địa bàn thôn Cổ Phục Bắc). Thời gian áp dụng cách ly là tối thiểu 14 ngày.

Kiểm tra công tác chống dịch tại H.Kim Thành chiều 21.2, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, yêu cầu H.Kim Thành rà soát lại việc thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, phân công rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên đảm bảo hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Ông Bản yêu cầu địa bàn nào, xã nào, thôn nào xảy ra những bất cập, yếu kém, lơ là trong công tác phòng chống dịch thì bí thư, cấp ủy tại địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm.

Theo BCĐ phòng, chống dịch tỉnh Hải Dương, tình hình dịch Covid-19 ở TP.Chí Linh, TX.Kinh Môn, H.Nam Sách đã cơ bản được khống chế; dịch ở H.Cẩm Giàng cũng có chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp tại H.Cẩm Giàng sẽ lên kế hoạch phát thẻ ra khỏi nhà cho người dân ra ngoài hoạt động sản xuất.

BCĐ phòng, chống dịch tỉnh Hải Dương đề nghị lấy mẫu gộp người dân sống tại các khu nhà trọ có nhiều lao động nhập cư; nhân viên chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại; nhân viên quán karaoke, massage, cắt tóc gội đầu, quán ăn đông người; nhân viên bến xe, bến tàu và khách sạn, nhà nghỉ. (Thanh niên, trang 5)

 

Thêm 15 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương

Ngày 21.2, BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 15 ca mắc Covid-19 mới, đều tại Hải Dương, là các BN Covid-19 thứ 2.369 - 2.383 tại Việt Nam. Trong số 15 BN, có 14 ca là F1 (bao gồm 6 ca là F1 của BN 2352 ở xã Kim Liên, H.Kim Thành) và 1 ca trong vùng phong tỏa xã Nam Tân, H.Nam Sách. Tất cả các BN đã được cách ly tập trung trước đó.

Trong ngày 21.2, thêm 90 BN Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 ở TP.Chí Linh được công bố khỏi bệnh. Cùng ngày, Bệnh viện dã chiến số 3 (đặt tại Trường đại học Sao Đỏ cơ sở 2, TP.Chí Linh) đã hoàn thành với quy mô 239 giường bệnh, tiếp nhận điều trị BN Covid-19. (Thanh niên, trang 5)

 

Hà Nội ghi nhận hơn 46.000 người về từ vùng dịch

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến sáng 21.2 số người đi từ Hải Dương (từ 2.2 đến nay) và các vùng dịch khác do Bộ Y tế công bố về Hà Nội là 46.313; trong đó số người về từ H.Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) từ 15.1 đến nay là 2.372 người.

Về cơ bản Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát, lấy mẫu người về từ các vùng dịch, đặc biệt là về từ Hải Dương.

Cho đến chiều 21.2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính nào trong số hơn 46.000 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Hà Nội đã qua 5 ngày không xuất hiện ca bệnh mới, nhưng chính quyền TP vẫn chưa hạ thấp mức nhận định nguy cơ; người dân vẫn được cảnh báo tuân thủ đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế. (Thanh niên, trang 5)

 

Người từ Quảng Ninh tới TP.HCM không còn phải cách ly tập trung

Tỉnh Quảng Ninh đã hết giãn cách xã hội nên người từ Quảng Ninh vào TP.HCM không còn phải cách ly tập trung.

Ngày 21.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục có hướng dẫn mới về giám sát người từ vùng dịch Covid-19 đến TP.HCM. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã hết giãn cách xã hội nên người từ Quảng Ninh vào TP.HCM không còn phải cách ly tập trung, chỉ thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày hoặc tự theo dõi sức khỏe, khai báo y tế và khi có triệu chứng bệnh thì báo cáo cơ quan y tế.

Ngoài ra, người dân một số khu vực thuộc Hà Nội và Gia Lai có ca bệnh đến TP.HCM trong 14 ngày qua phải cách ly tại nhà 14 ngày hoặc tự theo dõi sức khỏe.

Trong khi đó, người rời Hải Dương và 2 huyện Khoái Châu, Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên trong vòng 14 ngày đến TP.HCM đều cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 4 lần (cho đến khi có thông báo mới)… (Thanh niên, trang 5)

 

Không coi cả Hải Dương là vùng dịch Covid-19

Trong thời gian qua đã có tình trạng kỳ thị người Hải Dương, kỳ thị hàng hóa của nông dân Hải Dương khiến bà con vừa lo phòng dịch vừa điêu đứng vì nông sản bị ế ẩm, làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, Hải Dương không phải là vùng dịch mà chỉ có 1 số thành phố, huyện, xã có ổ dịch và đã được phong tỏa chặt chẽ.

Cần nhận thức đúng về "vùng dịch"

Ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong đợt dịch này, dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ". Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hóa (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh…

Có tỉnh yêu cầu lái xe lấy hàng từ Hải Dương về phải cách ly tập trung. Do đó, nhiều lái xe từ chối đến Hải Dương chở hàng.

Nhận định về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho biết, việc lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều "khó ra, khó vào", bị "ngăn sông cấm chợ". Việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong tỏa rất khó khăn (trừ hàng hoá thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…

"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lưu thông hàng hóa, nông sản tại Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế… vì vậy cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản" - Thứ trưởng Hưng đề nghị.

PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, cần phải nhận thức đúng để thông tin đúng đắn về tình hình dịch bệnh ở Hải Dương. Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới "ngăn sông cấm chợ".

Theo PGS Phu, không thể coi cả Hải Dương là vùng dịch. Tại Hải Dương hiện tại chỉ có 1 số ổ dịch và đã sớm được khoanh vùng, xử lý, đến nay hầu hết các ổ dịch đã được không chế.

"Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, cũng không được thổi phồng lên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý kỳ thị với Hải Dương" - PGS Phu khuyến cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương.

"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện "ngăn sông, cấm chợ" đối với Hải Dương. Những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng vấn đề này" - ông Tuyên chia sẻ.

Hải Dương không chậm trễ chống dịch

Gần đây có dư luận cho rằng Hải Dương đã chậm trễ chống dịch Covid-19, chậm trễ thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người dân ở Hải Dương đã đi về các tỉnh.

Về điều này, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư tỉnh Hải Dương nhận định, thời gian gần đây có một số thông tin chưa đúng về Hải Dương. Dịch Covid-19 ở Hải Dương có sự khác biệt so với nơi khác. Cụ thể: Đây là chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh; dịch phát ra ở doanh nghiệp là Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam có nhiều công nhân (2.300 công nhân), sinh hoạt chung, ăn uống, giao tiếp chung nên lây lan ra cộng đồng nhanh; dịch diễn ra vào cận tết nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, những yếu tố trên dẫn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hải Dương phải nỗ lực hơn nhiều lần.

"Chúng tôi khẳng định luồng dư luận cho rằng chúng tôi chậm chạp, thiếu quyết đoán trong một số tình huống, một số thời điểm khiến cho dịch bùng phát là không chính xác. Phải nhìn lại đa chiều toàn bộ lộ trình chống dịch ở Hải Dương sẽ thấy rõ điều đó. Đến nay, có thể nói, tình hình ở Hải Dương đã được kiểm soát. Chúng tôi thống nhất chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và cách ly kịp thời để sớm ngăn chặn dịch bệnh" - ông Thăng khẳng định.

Theo ông Thăng, khi đưa ra quyết định để xử lý các ổ dịch, Hải Dương đều xin ý kiến của đoàn chuyên gia y tế và Bộ Y tế về mặt dịch tễ học. "Nên phong tỏa ở đâu, cách ly chỗ nào phải dựa trên cơ sở dịch tễ, cơ sở khoa học, tuyệt đối không phong toả cực đoan. Chúng tôi quyết định cách ly toàn tỉnh là vì sự an toàn của Hải Dương và của cả nước" - ông Thăng cho biết.

Đến nay, ông Thăng khẳng định, Hải Dương hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương đưa ra.

Về ổ dịch Cẩm Giàng, theo ông Thăng, đây là ổ dịch nguy hiểm nhất của tỉnh. Hải Dương đã tiến hành hàng loạt giải pháp tại địa phương này. Toàn bộ 100% các doanh nghiệp tại Cẩm Giàng sẽ phải thực hiện việc xét nghiệm cho công nhân trước khi tái sản xuất. Nếu trường hợp xuất hiện công nhân nhiễm phát sinh tại phân xưởng nào thì cách ly toàn phân xưởng đó.

PGS Phu cũng đánh giá cao việc Hải Dương đã dũng cảm thực hiện cách ly toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà cũng là giữ an toàn cho cả nước. "Chí Linh, Cẩm Giàng như những đám cháy lớn, tất yếu tàn lửa sẽ văng ra xung quanh nên văng chỗ nào phải khoanh vùng, dập chỗ đó" - GS Phu nói.

Tại cuộc họp trong tuần, các chuyên gia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cách ly khẩn cấp cho khoảng 2.500 người trong đêm. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc tổ chức cách ly trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thời gian đầu điều kiện cách ly tập trung còn khó khăn, biến thể mới lây lan nhanh nên việc lây nhiễm trong khu cách ly là có khả năng xảy ra, nhưng quan trọng là chúng ta đã khoanh được. (Nông thôn ngày nay, trang 5)

 

Công an Hà Nội xử phạt 16 trường hợp tung tin sai sự thật lên mạng xã hội

Trước tình hình dịch bệnh do virus Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đã lợi dụng đăng thông tin sai sự thật nhằm trục lợi, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, tung tin thất thiệt về dịch, gây hoang mang dư luận nhân dân.

Theo thống kê, từ ngày 1-2 đến 18-2-2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xử lý 16 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội. Cùng với đó yêu cầu các đối tượng bóc gỡ toàn bộ bài viết không đúng sự thật.

Đáng chú ý, ngày 2-2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lập hồ sơ xử lý trường hợp chị D.T (SN 1995; trú tại quận Đống Đa) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Trước đó, chị D.T đã đăng tải thông tin sai sự thật trên facebook với nội dung: “Ko biết đã tìm đc e tay vịn chưa, cô nào thì cũng thua covid” kèm theo hình ảnh liên quan đến lịch trình di chuyển của một bệnh nhân Covid-19. Hay trường hợp anh P.M.Đ (SN 1993; trú tại quận Hoàn Kiếm) đăng tải thông tin sai sự thật về đoàn phóng viên, biên tập viên của VTV được vợ BN 1553 phục vụ ăn uống khi thực hiện chương trình “Chiều cuối năm” ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ thì mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang của cá nhân là 7,5 triệu đồng.

Những hành vi đăng tải sai sự thật như trên thật thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức công dân. Trong khi cả nước, các cơ quan chức năng đang gồng mình chống dịch, thì chủ nhân của các trang Facebook, Zalo lại chia sẻ những thông tin vô trách nhiệm để hưởng lợi cho bản thân mình. Chính những thông tin thất thiệt mang động cơ cá nhân đó đã gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Công an thành phố đề nghị người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, khuyến cáo tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng. (An ninh Thủ đô, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Xử phạt 16 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch bệnh trên không gian mạng”

 

Hải Dương có chậm 'đóng cửa'?

Chưa đầy một tháng, tỉnh Hải Dương đã có trên 600 ca nhiễm COVID-19. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói gì về việc chống dịch ở tỉnh?

Ông Phạm Xuân Thăng - bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - cho rằng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mà tỉnh triển khai luôn bám sát phương hướng chỉ đạo của Chính phủ và đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế trước khi quyết định.

Có không việc chậm giãn cách toàn tỉnh?

Về việc có nhiều người dân từ các địa phương khác về Hải Dương dịp nghỉ tết và sau đó từ Hải Dương trở lại làm việc dẫn tới nhiều nơi đang phải vất vả truy vết, xét nghiệm COVID-19 cho những trường hợp này, mà nguyên do là tỉnh Hải Dương không áp dụng sớm biện pháp cách ly xã hội toàn tỉnh, ông Thăng cho rằng vấn đề quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội toàn tỉnh phải dựa trên cơ sở khoa học.

Thực tế không phải tất cả các nơi ở tỉnh Hải Dương đều là vùng có dịch bị phong tỏa, số bệnh nhân mắc COVID-19 phần lớn liên quan ổ dịch Công ty Poyun, TP Chí Linh mà tỉnh đã "khóa chặt", kiểm soát ngay từ khi phát hiện dịch nên việc áp dụng giãn cách xã hội như thế nào phải dựa trên các yếu tố dịch tễ, khoa học chứ không phải theo cảm tính.

Ông Thăng cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp, đã chỉ đạo chiến lược chống dịch lần này là truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Hải Dương đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới.

"Đến ngày 15-2, khi dịch đã xuất hiện 8/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh thì chúng tôi quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh, đây là quyết định phù hợp và không muộn. Tất cả động thái khi triển khai tỉnh đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế và đoàn công tác để đưa ra quyết định phù hợp" - ông Thăng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thăng, tất cả các khu vực tỉnh áp dụng biện pháp phong tỏa đều được kiểm soát chặt chẽ với phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nên những trường hợp người dân từ địa phương khác trở về nếu có nhà ở trong vùng đang bị phong tỏa, cách ly thì cũng sẽ không được ra, vào.

Đối với những công nhân, người địa phương khác đang làm việc ở Hải Dương thì từ khi dịch bùng phát, tỉnh cũng đã yêu cầu họ ở lại ăn tết và đa số đều lựa chọn ở lại, không trở về quê.

Cải thiện việc truy vết, xét nghiệm

Tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16-2, đã triển khai 949 chốt kiểm soát (29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã). Toàn tỉnh đang phong tỏa 64 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện/TP gồm Chí Linh và Cẩm Giàng.

Về công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân mắc COVID-19, ông Lưu Văn Bản - phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - thừa nhận thời gian đầu thì ngành y tế tỉnh có sự lúng túng, chệch choạc, không đảm bảo tốc độ theo yêu cầu đặt ra nhưng hiện nay công tác này đã được cải thiện rất nhiều, đảm bảo tốc độ truy vết lấy mẫu được thực hiện một cách hiệu quả, nhanh chóng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương huy động hàng trăm sinh viên tình nguyện tham gia phối hợp cùng hàng ngàn cán bộ y tế trên địa bàn để tập trung cho việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Hải Dương thêm ổ dịch mới

Theo thông báo mới nhất từ Hải Dương, hôm qua 21-2 Hải Dương đã ghi nhận thêm một ổ dịch tại huyện Kim Thành. Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 15 ca mắc COVID-19 đều ghi nhận tại Hải Dương.

Chuyên gia y tế đánh giá các ổ dịch lẻ tẻ vẫn có thể sẽ xuất hiện tại Hải Dương, bởi do thời gian truy vết kéo dài nên các F0 đã có thời gian ngoài cộng đồng.

Từ ngày 27-1 đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố có ca bệnh COVID-19. Trong đó, Hải Dương có 614 ca, Quảng Ninh 60, Gia Lai 27, Hà Nội 35, Bắc Ninh 5, Bắc Giang 2, TP.HCM 36, Hòa Bình 2, Hà Giang 1, Điện Biên 3, Bình Dương 6, Hải Phòng 1, Hưng Yên 2.

Trước đó, tối 20-2 đã có 12/13 tỉnh có dịch (ngoại trừ Hải Dương) không ghi nhận thêm ca bệnh mới. (Tuổi trẻ, trang 13)

 

Trốn khai báo y tế, 2 tài xế bị xử phạt 40 triệu đồng

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt vi phạm 2 tài xế xe tải ở mức cao nhất (40 triệu đồng) vì không thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định.

Cụ thể,  2 trường hợp này là V.V.T. (30 tuổi) và V.V.T. (31 tuổi), đều làm nghề lái xe tải và trú tại thôn Thanh Tân (xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn).

Trước đó, 2 trường hợp này tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh Hải Dương. Sau đó, T và T lái xe tải từ Hải Dương đi Quảng Bình giao hàng, rồi về nhà ở thôn Thanh Tân. Trở về từ vùng có dịch ở Hải Dương, T và T không khai báo y tế mà còn đi chơi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người trong dịp Tết Tân Sửu. Hiện 2 người này được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 141 người có liên quan. Hai tài xế này có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang