Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Người trẻ mắc tâm thần phân liệt đang tăng, tỷ lệ tái phát tới 70%; Số ca mắc thuỷ đậu tăng cao ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học; Làm gì để người đi khám bệnh hài lòng?…

 

"Thông luồng" trang thiết bị, vật tư y tế vào bệnh viện

Thiếu kinh phí đầu tư mua trang thiết bị, thiếu vật tư y tế, nợ lương, chế độ phụ cấp không kịp thời đối với viên chức, người lao động… là những khó khăn chồng chất, bất cập hiện nay của ngành y tế tỉnh Gia Lai, cần sớm được quan tâm tháo gỡ.

Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, từ 2021 đến nay đã có 14 trong số 23 cơ sở khám, chữa bệnh đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đáng chú ý, có đơn vị như Trung tâm Y tế huyện Kông Chro thiếu 46 trong số 173 danh mục; Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai thiếu 27 trong số 384 danh mục. Thậm chí, một số vật tư cơ bản như bông gạc, găng tay, bơm tiêm, dây thở oxy, phim X-quang, hóa chất xét nghiệm sinh hóa, huyết học… cũng không được cung ứng đầy đủ.

Những khó khăn, áp lực

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro Phan Thị Hoa cho biết, Trung tâm Y tế huyện hiện đang thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế nên đội ngũ y, bác sĩ rất áp lực trong khám, chữa bệnh; nguồn thu tại Trung tâm hiện không đủ bù chi và đã mất khả năng thanh toán tiền thuốc cho các công ty. Trao đổi thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai Nguyễn Mạnh Cường thẳng thắn:

“Hiện, Bệnh viện đa khoa Gia Lai thiếu hụt 115 tỷ đồng để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; thu không đủ chi, riêng tiền lương tới nay là 63 tỷ đồng; bảo hiểm y tế ba năm chưa thanh toán (2018, 2019, 2020); tiền phẫu thuật 52 tỷ đồng. Bệnh viện nợ các công ty rất nhiều, không thanh toán cho nên họ không cung cấp vật tư y tế; mổ không có kim luồn, bao tay không có. Lẽ ra, bệnh viện là doanh nghiệp thì nên tuyên bố phá sản”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái, một trong những nguyên nhân thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị là do một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa thanh toán công nợ cho các nhà thầu; một số mặt hàng thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần và một số thuốc chuyên khoa đặc trị… vì lý do bất khả kháng, nhà thầu không nhập khẩu được thuốc và nguyên liệu làm thuốc, hoặc số đăng ký chưa được gia hạn.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, nguồn nhân lực ngành y tế của tỉnh còn thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tình trạng chuyển công tác, xin nghỉ việc hoặc bác sĩ ở bệnh viện công bỏ việc để chuyển sang làm việc tại bệnh viện tư đang là vấn đề khó khăn lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Theo thống kê, trong năm 2021, ngành y tế tỉnh Gia Lai có 110 trường hợp nghỉ việc vì nhiều lý do, trong đó có 38 bác sĩ; trong sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 10 bác sĩ.

Hiện tại các bệnh viện: Tâm thần, Lao và Phổi, Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng… đang thiếu các bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái cho biết, theo quy định chế độ lương và phụ cấp hiện nay thì một bác sĩ sau khi học sáu năm, thực hành 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập ngay thì được hưởng mức lương tháng là 3.486.000 đồng và với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% sau khi trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại phí khác thì một bác sĩ mức lương còn lại chưa đến 4 triệu đồng và một điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng. “Đây là một bất cập dẫn đến khó giữ chân thầy thuốc trong đơn vị y tế công lập”, ông Lý Minh Thái chia sẻ.

Sớm tháo gỡ những bất cập

Tuần cuối tháng 2 mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trên địa bàn tỉnh để nghe những tâm tư, nguyện vọng và tìm cách tháo gỡ những khó khăn.

Tại buổi đối thoại, những khó khăn, vướng mắc đã được Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ghi nhận và chỉ đạo ngành chức năng liên quan sớm đề xuất giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg, ngày 11/5/2009, về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; vì mức phụ cấp hằng tháng hiện từ 0,3 đến 0,5 lương cơ bản là quá ít, không đủ khuyến khích làm việc; xem xét giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, nhằm bảo đảm chi thường xuyên và bảo đảm chi phí hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, hiện nay, vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế cần phải tháo gỡ ngay, nhất là tại bệnh viện đa khoa tỉnh, vì đây là bệnh viện tuyến cuối. Bảo hiểm xã hội tỉnh cần rà soát, khẩn trương trả lời dứt điểm về việc nợ bảo hiểm y tế, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kiến nghị, đề xuất cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết.

Cần thiết thì triển khai phương án cấp ứng trước để các đơn vị giải quyết khó khăn trước mắt. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc, xây dựng phương án tự chủ cụ thể. Trong đó, xây dựng phương án tự chủ năm 2023 và giai đoạn đến 2025. Việc xây dựng đề án phát triển y tế gồm có các mục tiêu đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh trở thành Bệnh viện hạng I, với quy mô 1.000 giường vào năm 2025 và 1.200 giường vào năm 2030. Đối với vấn đề về sắp xếp, tự chủ trong ngành y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế xây dựng phương án tự chủ cụ thể, trong đó tập trung vào giai đoạn năm 2022 đến 2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro Phan Thị Hoa chia sẻ: “Công tác ở một huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống của cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cố gắng khắc phục làm tròn nhiệm vụ”. Theo bà Hoa, vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, rồi việc nợ tiền thuốc bảo hiểm y tế kéo dài dẫn đến các công ty thường xuyên đòi nợ, không cung ứng thuốc... khiến đội ngũ y sĩ, bác sĩ rất áp lực trong khám, chữa bệnh.

“Qua hội nghị đối thoại, nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết đã được các đồng chí trong Thường trực Hội đồng nhân dân ghi nhận; nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ. Qua cuộc tiếp xúc này, cán bộ, nhân viên ngành y tế chúng tôi có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân”, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai thông tin, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh đang hoàn thiện để trình Hội đồng nhân dân tỉnh “Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” và “Quy định về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Gia Lai”.

Hy vọng, khi các dự thảo nêu trên được thông qua, quyết định triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện để các y sĩ, bác sĩ, nhân viên ngành y tế Gia Lai yên tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. (Nhân dân, trang Tây Nguyên).

 

Số ca mắc thuỷ đậu tăng cao ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học

Ngày 21-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 đến 17-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu. Trong khi tuần trước đó, Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 548 ca thuỷ đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát tán và lây lan. Do đó, theo CDC Hà Nội, số ca mắc thuỷ đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc thuỷ đậu. Khi bệnh thủy đậu khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng nề, gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan.

Nhiều gia đình vẫn quan niệm, bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Hiện nay, các bác sĩ đều khuyến cáo giữ vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Nếu bệnh nhân mắc thủy đậu không giữ gìn vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ sau này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng.

Nếu chăm sóc không đúng cách, ngoài việc nhiễm khuẩn từ các thương tổn da, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng về tim mạch, viêm tinh hoàn, viêm phổi và các biến chứng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não..., dẫn tới tử vong.

Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và để lại sẹo.

Để phòng bệnh, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan.

Ngoài ra, người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Làm gì để người đi khám bệnh hài lòng?

Theo khảo sát mới nhất, khi khám bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM, mức độ không hài lòng của người dân tiếp tục gia tăng. Bạn đọc đề xuất cách thức để cải thiện tình hình.

Ngày 20.3, Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả khảo sát sự không hài lòng khi đi khám bệnh tại các bệnh viện (BV) tháng 2.2023. Theo đó, có 997 lượt đánh giá không hài lòng, tăng 34,9% so với tháng 1.2023 (739 lượt), tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021 (884 lượt). Có 3 khâu với lượt phản ánh nhiều nhất là khâu làm thủ tục đăng ký khám; khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế; thời gian chờ làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim.

Sở Y tế cho biết việc duy trì hoạt động khảo sát không hài lòng người bệnh tại các đơn vị trong thời gian qua nhằm không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hướng đến hài lòng người bệnh.

Cơ quan này đề nghị các BV triển khai tổ chức khảo sát, phỏng vấn sâu những nội dung người bệnh chưa hài lòng để ghi nhận góp ý nhằm cải tiến các quy trình khám bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, khảo sát hài lòng theo từng nhóm đối tượng (nội trú, ngoại trú, giữa các khoa, giữa nhóm người bệnh có sử dụng hoặc không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế…) để so sánh và đối chiếu. Từ đó, có cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến tại những khu vực có tỷ lệ hài lòng người bệnh thấp.

Các BV cũng được đề nghị rà soát số lượng người bệnh tại mỗi bàn khám trong mỗi buổi nhằm tránh quá tải trong tiếp nhận và khám chữa bệnh; tổ chức thêm các bộ phận tư vấn, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe để hỗ trợ hướng dẫn người bệnh khi cần thiết.

Quá nhiều khâu từ khám bệnh đến lấy thuốc

Phản hồi từ bạn đọc (BĐ) trước kết quả khảo sát của Sở Y tế TP.HCM cho hình dung về sự không hài lòng của người đi khám bệnh. "Tôi đi khám bảo hiểm y tế, mất thời gian nhiều nhất ở khu vực lấy số thứ tự và chờ đăng ký khám bệnh ở quầy. Chỗ bác sĩ khám bệnh và lấy thuốc thì nhanh. Vấn đề nằm ở việc sắp xếp bao nhiêu nhân viên tại quầy đăng ký khám bệnh, BV nào có khoảng 4 người thì nhanh, còn nơi nào mà chỉ có 2 người thì chậm", BĐ Van Dong Nguyen kể về trải nghiệm của bản thân và nhấn mạnh: "Đây là nói về các BV quận huyện mà tôi thường đi khám, chỉ có vài trăm bệnh nhân mà thôi".

Tương tự, BĐ Hữu Tài Hà cho biết "thủ tục rườm rà, thái độ nhân viên BV không được thân thiện" và liệt kê: "Thời gian chờ đợi từng khâu rất lâu. Vô lấy số thứ tự khám - nhận số thứ tự vào phòng khám - chờ đợi bác sĩ khám. Sau đó lấy số thứ tự chỉ định nội soi/xét nghiệm/chuyển qua chuyên khoa - chờ đợi được khám/nội soi/xét nghiệm. Tiếp tục chờ đợi lấy kết quả - chuyển lại cho bác sĩ khám ban đầu đọc kết quả - chờ lấy thuốc. Đi từ sáng sớm tinh mơ, nhận được kết quả, chờ lấy thuốc có khi qua giờ nghỉ trưa phải đợi đến chiều, rất mất công mất việc".

Bên cạnh đó, có BĐ nêu góc nhìn hài lòng. "Tôi thường trú ở Q.10 nhưng định kỳ đưa cha mẹ là người cao tuổi, có nhiều bệnh mạn tính đến khám, chữa bệnh tại BV Q.Tân Phú. Tuy BV này có dấu hiệu quá tải nhưng tổ chức quy trình tiếp nhận bệnh, khám bệnh, phát thuốc theo trình tự số hóa, khoa học. Đa phần bác sĩ, nhân viên y tế ứng xử nhã nhặn, hướng dẫn người bệnh tận tình. BV có bảng điện tử ghi nhận ý kiến đóng góp từ bệnh nhân, thân nhân đối với từng khâu trong quy trình khám chữa bệnh", BĐ Tuấn Trần chia sẻ.

Thay đổi từ yếu tố con người

Theo BĐ, số lượt đánh giá không hài lòng của người đi khám bệnh là không bất ngờ, nhưng tỷ lệ này gia tăng thì đáng lưu ý. "Những khâu ở BV mà phải chờ đợi lâu thì người đi khám bệnh thường bức xúc. Các BV ngày càng quá tải, nhất là BV công, nên khó mà làm hài lòng được người dân. Nhưng đây cũng là dịp để các BV nhìn lại để cải thiện tình hình", BĐ Trong Vuong nhận xét.

BĐ Linh chỉ ra: "Cần cải thiện dần các khâu thủ tục khám bệnh nhanh gọn không quay vòng mất thời gian như hiện nay, các BV cần có đủ giường cho bệnh nhân nội trú, có phòng vệ sinh sạch sẽ...".

BĐ Dũng nêu so sánh về cách ứng xử với bệnh nhân ở BV công và BV tư: "Tôi nhận thấy hai cách đối xử với bệnh nhân hoàn toàn khác xa. Ở BV công, bác sĩ thường không tư vấn và khám kỹ cho người bệnh, rất kiệm lời. Ở BV tư, bác sĩ tư vấn, khám kỹ cho người bệnh giúp an tâm hơn, có hướng điều trị thích đáng. Dù biết tiền nào thì dịch vụ đó, nhưng thái độ làm việc của đội ngũ tiếp nhận hồ sơ, điều dưỡng, y bác sĩ là hết sức quan trọng và cần phải thay đổi".

"Khảo sát nào cũng chỉ tương đối, phải từ thực tế mới đủ căn cứ để điều chỉnh. Theo tôi, hai khâu quyết định mức độ hài lòng của người dân là nhân viên tiếp nhận bệnh và bác sĩ khám bệnh. Nhân viên tiếp nhận chu đáo, chỉ dẫn rõ ràng; bác sĩ khám bệnh tận tình, tạo sự yên tâm thì người bệnh sẽ nhớ rất lâu và rất biết ơn", BĐ Xuân Cường bày tỏ. (Thanh niên, trang 9).

 

Phòng căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm xâm nhập: Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt

Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, 50-88%. Bộ Y tế nhắc địa phương lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.

Bộ Y tế cho biết, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg từ 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur thực hiện các hoạt động, cụ thể như sau:

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Song song với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Các đơn vị thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ.

Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài cần chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu cần hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

Các đơn vị cũng cần rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có). (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Sốt xuất huyết tăng 2,3 lần, Bộ Y tế 'nhắc' các tỉnh, thành tích cực phòng chống

Bộ Y tế cho biết 2 tháng đầu năm 2023 số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.

Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tích cực, chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Trong công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành cho biết, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2023 số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước các tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung, cụ thể:

Chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tổ chức, triển khai các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết sâu rộng trên địa bàn.

Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bản để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới.

Chỉ đạo Sở Tài chính căn cứ kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết năm 2023 trình UBND tỉnh, thành phố cấp kinh phí từ nguồn địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phỏng, chống sốt xuất huyết trước mùa dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến cuối năm cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư. Đây là những lý do khiến ca mắc sốt xuất trong năm 2022 tăng vọt so với năm 2021. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bệnh do virus Marburg bùng phát tại Tây Phi: Nguy hiểm nhưng không dễ lây

Mặc dù không phải là dịch bệnh mới nhưng bệnh do virus Marburg lại nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây truyền dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc ngoài da, với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết… Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi căn bệnh nguy hiểm này đang có dấu hiệu bùng phát tại khu vực Tây Phi.

Tỷ lệ tử vong rất cao

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), qua giám sát cho thấy, đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg đang xảy ra tại Guinea Xích đạo. Đến nay, đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi nhiễm tại các quốc gia Tây Phi. Loại virus này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade.

Bệnh do virus Marburg gây nên có thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần. Người nhiễm virus Marburg có triệu chứng bắt đầu sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới 1 tuần. Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt. Hầu hết trường hợp bệnh nhân tử vong sau hơn 1 tuần mắc bệnh và tử vong thường đi kèm với sốc, mất máu nghiêm trọng.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, virus Marburg không lây qua không khí, khí dung hay giọt bắn như SARS-CoV-2, hay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến, mà chủ yếu thông qua dịch tiết cơ thể và đường máu. Người nhiễm bệnh có hậu quả rất nghiêm trọng, như sốt nặng, máu chảy ra toàn thân và đến ngày thứ 9-10 của bệnh thì tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao, nằm trong khoảng 24%-88% và thậm chí cao hơn. Ở những nước điều trị tốt, tỷ lệ tử vong cũng là 30%.

BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng, bệnh do virus Marburg đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới; người dân không nên quá hoang mang do khả năng lây lan của bệnh này tương đối thấp. Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỷ lệ tử vong cao, vì vậy với người mắc bệnh là cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng nên căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Giám sát chặt người nhập cảnh

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Hiện bệnh chưa có vaccine dự phòng và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu chữa triệu chứng. “Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, hay với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân cũng có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, việc tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và vệ sinh bề mặt bị vấy bẩn rất quan trọng”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo. Bác sĩ Nga cũng cho biết, hiện TPHCM đang thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Marburg gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bộ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

“Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trong cả nước hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ lực lượng y tế địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg và tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.

Theo WHO, nếu người dân mắc các triệu chứng ban đầu của bệnh Marburg, hoặc đã từng đến các khu vực có lưu hành virus Marburg cần được cách ly và thông báo cho các chuyên gia y tế công cộng để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Trong giai đoạn đầu nhiễm virus Marburg, việc phát hiện virus có thể được thực hiện qua mẫu ngoáy họng và mũi, mẫu dịch não tủy, mẫu nước tiểu, hoặc mẫu máu. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).

 

Khó khăn về thuốc, trang thiết bị được tháo gỡ, bệnh viện không được để bệnh nhân đi mua

Ngày 21-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương đầu ngành trực thuộc Bộ nhằm rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Bệnh viện E… đều khẳng định: Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt”, giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ đươc rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện, do đó các bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng bệnh viện. “Nếu bệnh viện nào khó khăn, thiếu thuốc, vật tư tiêu hao… phải công khai minh bạch, không được để bệnh nhân phải đi mua”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cục quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức các đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện các bệnh viện sau khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát các vướng mắc khó khăn trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây dựng giá gói thầu; trang đăng tin giá gói thầu; xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung… Cục quản lý Khám chữa bệnh có văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Người trẻ mắc tâm thần phân liệt đang tăng, tỷ lệ tái phát tới 70%

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người còn rất trẻ, mới chỉ khoảng 20 tuổi đã mắc chứng tâm thần phân liệt và tình trạng này đang gia tăng, xảy ra ở nam sớm hơn ở nữ…

Thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân tâm thần đến khám tại Viện có xu hướng gia tăng, trong đó có tâm thần phân liệt.

Một trường hợp điển hình mới đây là nam bệnh nhân N.V.H (32 tuổi, ở Nam Định) làm nghề cắt tóc. Cách đây 2 năm, người nhà nhận thấy H. có biểu hiện chậm chạp hơn, ít nói, hay mệt và ngại giao tiếp. Người nhà cho rằng, bệnh nhân bị trầm cảm và muốn đưa đi khám nhưng H. không đồng ý.

Tình trạng này kéo dài khoảng 2 tháng, bệnh nhân nghỉ làm, sinh hoạt một mình trong phòng, không tiếp xúc với ai và hay cáu gắt; thường lẩm bẩm một mình như đang nói chuyện với ai đó, có lúc sợ sệt, có lúc giận dữ phản ứng, chửi bới, đập phá. Anh luôn cho rằng, người nhà đang theo dõi, âm mưu hại mình.

Cuối cùng, gia đình phải cưỡng chế đưa H. vào viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và điều trị theo phác đồ.

Một thời gian sau, bệnh nhân gặp nhiều mâu thuẫn, căng thẳng trong công việc nên thường đi uống rượu. Sau đó, H. tái phát bệnh với biểu hiện như đợt đầu tiên. Kể với bác sĩ, bệnh nhân này cho biết luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu mình là kẻ kém cỏi, vô dụng…

Bác sĩ chuyên khoa II Vương Đình Thủy, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi bệnh nhân tâm thần phân liệt xuất hiện càng nhiều đợt tái phát thì tổn thương não càng nhiều. Hơn nữa, khi bệnh càng tái phát nhiều thì thời gian điều trị càng kéo dài.

Hậu quả, ở giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động, nghĩ người khác hại mình… dẫn đến dễ gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh. Thậm chí, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ tự sát.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Bệnh tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa rõ căn nguyên rõ ràng. Bệnh có nhiều căn nguyên giải phẫu não, sinh hóa não, di truyền, tâm lý xã hội, gene…

BSCKII Ngô Văn Tuất - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết bệnh tâm thần phân liệt khởi phát thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi. Xu hướng xảy ra sớm hơn ở nam giới so với nữ giới. Bệnh làm tăng nguy cơ tử vong sớm cao gấp 2 đến 3 lần so với dân số chung.

Đặc biệt, tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao, dao động từ 50 - 92% trên toàn cầu, trung bình khoảng 70%. Tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong 5 năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có 1 hoặc nhiều lần tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc chất kích thức, sang chấn tâm lý…

Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy, 47% bệnh nhân tâm thần phân liệt có tình trạng lạm dụng chất kích thích khác nhau. Trong đó, 50% bệnh nhân tâm thần phân liệt có lạm dụng rượu và trên 70% lạm dụng nicotin.

Có 9 dấu hiệu sớm khi bệnh tâm thần phân liệt tái phát, gồm: Thay đổi thói quen ngủ; thay đổi thói quen ăn uống; suy nghĩ kỳ quái, khó hiểu; mất năng lượng; cảm giác lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận; giảm chú ý vệ sinh bản thân; xa cách, thu mình khỏi xã hội; mất hứng thú với những thứ từng được hưởng; ảo giác hay hoang tưởng.

Các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp có các dấu hiệu tái phát sớm như trên cần được đưa tới cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang