Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/5/2019

  • |
T5g.org.vn - Xây dựng đội ngũ thầy thuốc quân y vừa "hồng", vừa "chuyên"; Bệnh viện Gia An 115 liên quan gì tới Bệnh viện Nhân dân 115 ?; Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệ

 

Xây dựng đội ngũ thầy thuốc quân y vừa "hồng", vừa "chuyên"

Cách đây 70 năm (ngày 27-5-1949), Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 82/NĐ thành lập Phòng Quân y - Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh; trực thuộc Phòng Quân y có Quân y xá Trần Quốc Toản (còn gọi là Quân y viện Trung ương) - tiền thân của Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần). 70 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện đã vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đơn vị không ngừng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Bệnh viện là thu dung cứu chữa thương binh, bệnh binh, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Những ngày đầu thành lập, Quân y xá được biên chế 20 cán bộ, chiến sĩ, một bác sĩ, trang thiết bị y tế còn thô sơ, cơ sở chữa bệnh phải nhờ vào nhà dân. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, song cán bộ, y, bác sĩ, chiến sĩ Quân y xá đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, phục vụ quên mình trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân tại chiến khu Việt Bắc và một bộ phận đảm nhiệm quân y chăm sóc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội... Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam, phía bắc của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Cam-pu-chia, các thầy thuốc, các đội điều trị của Bệnh viện đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn, bám sát chiến trường, bám sát bộ đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, cơ quan nghiệp vụ cấp trên, cùng sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, Bệnh viện đã có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2007, Bệnh viện được tiếp nhận các trang, thiết bị y tế từ nguồn vốn ODA 15 trang bị cho khu vực phòng mổ, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh và chống nhiễm khuẩn; được bổ sung cán bộ chuyên môn kỹ thuật, mở rộng quan hệ với các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội, cả trong nước và nước ngoài; mở rộng các hình thức đào tạo và mời các thầy, chuyên gia kỹ thuật giỏi đến huấn luyện tại chỗ…

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng, với lưu lượng trung bình một ngày hơn 1.000 lượt bệnh nhân khám, 600 bệnh nhân điều trị nội trú, từ năm 2010, Bệnh viện được cấp trên đầu tư xây dựng lại toàn bộ và đầu tư chiều sâu với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật của bệnh viện hạng 1 và điều trị, chăm sóc bệnh nhân toàn diện…

Đồng thời, Bệnh viện đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã chủ trì và tham gia gần 300 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp bộ, ngành; tổ chức nhiều hội nghị khoa học của bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Nhiều đề tài nghiên cứu được báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị.

70 năm qua, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, công nhân viên, chiến sĩ của Bệnh viện luôn phấn đấu hết mình trong thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, chăm lo xây dựng đơn vị. Bệnh viện đã khám, cấp cứu điều trị hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bị thương, bị bệnh, bảo đảm sức khỏe bộ đội, bổ sung quân số cho huấn luyện và chiến đấu. Bệnh viện phấn đấu giành nhiều thành công cả trong tổng kết nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật và cứu chữa vết thương chiến tranh, hạn chế đến mức thấp nhất những tàn phế do di chứng vết thương. Bệnh viện đã tiến hành hàng chục nghìn ca mổ lớn, đạt tỷ lệ an toàn cao; tổ chức cấp cứu kịp thời, điều trị thành công hàng trăm nghìn ca bệnh nặng trả lại cuộc sống cho thương binh, bệnh binh và nhân dân...Nhiều cán bộ, thầy thuốc của Bệnh viện trưởng thành, trở thành nhà khoa học tiêu biểu, như: Giáo sư Vũ Tăng Ấm, Giáo sư, Tiến sĩ Bửu Triều, Giáo sư Phạm Cự; 41 y, bác sĩ, dược sĩ của Bệnh viện được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong 70 năm qua, Bệnh viện Quân y 354 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: ba Huân chương Chiến công hạng ba, hai Huân chương Chiến công hạng nhì, một Huân chương Quân công hạng nhì, hai Huân chương Quân công hạng nhất, một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Đặc biệt hai lần, Bệnh viện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, phát huy truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm và phương châm y học của Đảng, nhiệm vụ Quân đội, của ngành Hậu cần, ngành Quân y. Bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao; phát huy hiệu quả của các loại trang, thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại...

Thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chú trọng giáo dục nâng cao y đức, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”. Thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc vừa “hồng”, vừa “chuyên”, “Sáng về y đức, giỏi về y thuật”, xây dựng Bệnh viện vững mạnh toàn diện, thật sự là địa chỉ tin cậy của bộ đội và nhân dân, góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, y đức của người thầy thuốc Quân đội trong thời kỳ mới (Nhân dân, trang 3).

 

Bệnh viện Gia An 115 liên quan gì tới Bệnh viện Nhân dân 115?

Bệnh viện Gia An 115 quảng bá là mô hình hợp tác PPP đầu tiên giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Tập đoàn Hoa Lâm, nhưng khi được hỏi, đại diện Bệnh viện Gia An 115 lại diễn giải một loại hình khác hoàn toàn.

Ngày 21.5, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn đối tác công - tư (PPP - Public Private Partnership) trong y tế. Tại phần thảo luận, ông Hà Anh Đức, Phó chánh văn phòng Bộ Y tế, đề nghị làm rõ hình thức hợp tác của BV Nhân dân 115 liên quan đến BV Gia An 115. Trên website của BV Gia An 115 giới thiệu: “BV Gia An 115 là mô hình hợp tác PPP đầu tiên giữa BV Nhân dân 115 và Tập đoàn Hoa Lâm, được UBND TP phê duyệt. Với mô hình hợp tác này, Tập đoàn Hoa Lâm và BV Nhân dân 115 sẽ trở thành đối tác lâu dài của nhau trong lĩnh vực y tế, đảm bảo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho BV Gia An 115 đồng thời giúp giảm quá tải cho BV Nhân dân 115…”.

Tuy nhiên, trả lời đề nghị của ông Đức, ông Trương Vĩnh Long, Tổng giám đốc BV Gia An 115, cho biết đây là dự án hợp tác kinh doanh chứ không phải là dự án đầu tư nên không có vốn góp, BV Nhân dân 115 không có cổ phần tại BV Gia An 115. BV Nhân dân 115 không góp bất kỳ tài sản, đất đai và chia sẻ lợi nhuận.

Về nhân sự, người của BV Nhân dân 115 sang BV Gia An 115 công tác thì sẽ được BV Gia An 115 chi trả theo mức chuyên gia. Với người bệnh, nếu có nhu cầu chuyển từ BV Nhân dân 115 qua BV Gia An 115 điều trị thì BV Gia An 115 sẽ chi trả 20% doanh thu chi phí giường bệnh cho BV Nhân dân 115. Khi BV Gia An 115 hoạt động có lợi nhuận thì BV Nhân dân 115 được chi trả 15% lợi nhuận sau thuế.

Ông Đức hỏi về vấn đề BV Gia An 115 sử dụng thương hiệu BV Nhân dân 115 thì ông Long trả lời: BV Gia An 115 không sử dụng tên của BV Nhân dân 115. Đây chỉ là tên riêng của BV Gia An 115 (cả hội trường cười ồ). Nếu BV Gia An 115 lấy tên BV Nhân dân 115 cơ sở 2 thì lúc này mới tính đến thương hiệu.

Theo ông Đức, thực tế khi BV Gia An 115 marketing ra ngoài là có chuyên gia của BV Nhân dân 115 thì người ta hiểu có đội ngũ chuyên gia BV Nhân dân 115 tham gia vào BV Gia An 115. Từ thực tế này, sắp tới các cơ quan chức năng cần định vị giá trị thương hiệu trong trường hợp đưa vào hợp tác, vì thương hiệu là vốn vô hình.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó GĐ BV Phụ sản Từ Dũ, nhìn nhận giá trị tên thương hiệu là rất lớn. Thương hiệu BV công được xây dựng hàng chục, hàng trăm năm, là cả một quá trình. Do vậy, khi ký hợp đồng hợp tác thì phải hết sức bảo vệ được thương hiệu BV công và xem đây là trách nhiệm của các lãnh đạo. Nếu hợp tác được thì phải tách thành thương hiệu riêng, đừng gắn thương hiệu mới và cơ sở cũ, đừng để ảnh hưởng đối với tiền nhân đi trước (Thanh niên, trang 19).

 

Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệ

Theo quy định, một mẫu tinh trùng/noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một trường hợp hiếm muộn. Trường hợp người nhận tinh trùng/noãn đó thụ tinh không thành công, cơ sở y tế mới được chuyển cho người hiếm muộn khác. Quy định nói trên nhằm tránh tình trạng hôn nhân cận huyết, nhưng hiện nay việc mua bán tinh trùng rất bát nháo...

Quảng cáo tinh trùng của sinh viên, bác sĩ...

Trên trang fanpage của một "hội hiến tặng mua bán tinh trùng" rao: "Cần 3 nam hiến tinh trùng và 4 nữ hiến trứng, chế độ đãi ngộ tốt. Các bạn inbox fanpage. Lưu ý tại Sài Gòn nhé". Sau lời rao này, có hàng chục người nhảy vào inbox sẵn sàng "cho không, biếu không" tinh trùng.

Trang fanpage nói trên được lập từ tháng 7-2017, thường xuyên đăng tải các thông tin cần người hiến tinh trùng và hiến trứng với lời hứa "đãi ngộ cao". Chỉ sau một thời gian ngắn, trang này có trên 2.000 lượt người theo dõi.

Cuối tháng 2-2019, chỉ ít phút sau khi một người tên Th. (ngụ ở Huế) cầu cứu trên trang fanpage nói trên cần người hiến hoặc bán tinh trùng, T.V.C. (30 tuổi, ngụ Bình Phước) "nhảy" vào phân tích: "Hiến tinh trùng là một nghĩa cử cao đẹp... Ngoài bơm cũng có thể chấp nhận cách quan hệ trực tiếp. Tôi đã khám tinh dịch đồ, chất lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn bệnh viện, cặp vợ chồng nào nghiêm túc hãy gọi tôi giúp".

Ngày 14-5, một đầu mối nhờ giúp đỡ tinh trùng, C. trả lời là quan hệ trực tiếp hay vào bệnh viện đều được. Tuy nhiên, C. lại nói do cách đây không lâu từng giúp tinh trùng cho một phụ nữ ở Đà Nẵng tại bệnh viện nên lần này hiến tinh trùng thông qua bệnh viện là không thể được, chỉ còn cách "quan hệ trực tiếp". 

C. còn cho rằng anh ta chọn cách "quan hệ trực tiếp" chủ yếu xuất phát từ cái tâm, ngoài ra không đòi hỏi gì cả, gia đình chỉ lo chi phí đi lại, ăn uống và xong việc có bồi dưỡng hay không thì tùy gia đình.

Một người khác tên H. (39 tuổi, giới thiệu đang công tác tại TP.HCM) cho biết rất mong muốn hiến tinh trùng "giúp các chị em" và từ trước tới nay chưa từng giúp ai. "Tôi chỉ cao 1,60m nhưng điều này không quan trọng lắm vì hiện tại con tôi rất cao. Tôi thấy mình đủ điều kiện sức khỏe để giúp miễn phí chứ không lấy tiền bạc gì cả" - người này nói.

Theo người này, từ khi đăng tải thông tin cho tinh trùng có rất nhiều mối gọi điện nhờ nhưng vì kẹt thời gian nên chưa giúp được ai. Do đó người này đề nghị phía người cần giúp phải chọn cách cho tinh trùng nhanh, ít tốn thời gian...

Ngoài người này, một số người quảng cáo sẵn sàng cho không tinh trùng giới thiệu họ có trình độ trung cấp, đại học hoặc đang là bác sĩ, bộ đội, sinh viên...

Ngoài trang nói trên, trên mạng còn có hàng loạt trang bán tinh trùng, hiến tặng tinh trùng quy tụ hàng ngàn thành viên tham gia. Trong đó, có trang Facebook gần 1.500 người theo dõi của C.K.D.. Người này tự nhận là quản lý của hàng loạt trang mua - bán - hiến tặng tinh trùng cao cấp từ ca sĩ, kỹ sư, người nổi tiếng ở TP.HCM và các tỉnh.

C.K.D. còn cho rằng chi phí cho mỗi lần thụ tinh tại bệnh viện khá cao, thời gian chờ đợi dài, nguồn gốc tinh trùng không rõ (về diện mạo, nhân cách, trình độ của người cho tinh trùng...) để quảng cáo nếu thông qua D., các cặp vợ chồng sẽ có được "thiên thần thông minh".

Theo C.K.D., có hai hình thức bơm tinh trùng là bơm gián tiếp tại bệnh viện và bơm "trực tiếp" - tức người cho và người nhận quan hệ tình dục. Giá cả của các hình thức này phụ thuộc vào thỏa thuận của đôi bên. Trên trang Facebook của C.K.D. còn thường xuyên đăng hình ảnh các bé được cho là chào đời từ việc mua bán tinh trùng bằng cách quan hệ tình dục trực tiếp để quảng cáo.

Bán tinh trùng, bán trứng do... kẹt tiền

Một người tên T. tự giới thiệu sống ở Đắk Lắk, vừa tốt nghiệp y sĩ đa khoa, đang rất cần tiền nên quyết định bán tinh trùng. 

Để khách có nhu cầu tin tưởng, người này còn gửi cả hình cưới, hình con đẻ 3 tháng tuổi và nói: "Mình nói thẳng tại học xong đi xin việc hết 200 triệu đồng, tiền này mình vay ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa có việc, chưa có tiền trả ngân hàng nên mới quyết định như vậy"...

Ngày 14-5, trong vai người cần tìm nguồn tinh trùng hiến để đổi mẫu tại ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi được một người đàn ông chỉ mối nơi mua tinh trùng. Đó là bà N., người chuyên cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thuê trọ ở cách Bệnh viện Từ Dũ 300m. 

Theo chồng bà N., hiện nay để một người được nhận tinh trùng hiến từ ngân hàng tinh trùng của bệnh viện phải trải qua quy trình xét nghiệm và hoàn tất các thủ tục rất phức tạp, đôi khi kéo dài cả 3-4 tháng. Do đó phải thông qua "đường dây" của bà N. mới có thể nhanh được.

Bà N. quảng cáo chính bà đã làm mối thành công cho rất nhiều cặp vô sinh hiếm muộn. "Nếu gia đình có nhu cầu hãy yên tâm đến đây, tôi sẽ hướng dẫn cho đường đi và gặp bác sĩ nào làm nhanh nhất. Tôi sẽ đảm bảo cho, chứ bây giờ đi vòng vòng ở bệnh viện đợi xét duyệt lâu lắm" - bà N. quảng cáo.

Thực tế cho thấy việc một người "tặng" trứng/tinh trùng cho nhiều người đang xuất hiện khắp nơi, theo cách rất dễ dàng. Trên nhiều website và hội nhóm, có nữ sinh viên rao bán trứng để lấy tiền về quê, có người sẵn sàng di chuyển trong phạm vi 1.000km để "hiến" tinh trùng. Những người này cũng bỏ nhỏ rằng họ đã hiến ở bệnh viện, đã có hồ sơ nên lần hiến tặng tới chỉ có thể bằng hình thức trực tiếp (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang