Cách bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng
Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt diễn ra ở nhiều địa phương từ các tỉnh phía bắc đến các tỉnh khu vực miền trung… đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nhất là sức khỏe của người dân. Bộ Y tế đã có những chỉ đạo và đưa ra Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng, trong đó hướng dẫn cách phòng ngừa và xử trí say nắng, say nóng và đột quỵ do nắng nóng.
Nhiều địa phương đang trong những ngày nóng gay gắt. Tại tỉnh Nghệ An, nhiều nơi nền nhiệt trên 400C, thậm chí có nơi lên tới 420C, như Tương Dương, Nghĩa Đàn… Nắng nóng cực đoan, kéo dài đe dọa sức khỏe người dân và khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận khám và điều trị từ 500 đến 700 bệnh nhi, thậm chí có ngày lên tới 800 đến 900 cháu.
Các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là: viêm phổi, viêm phế quản; tay chân miệng, thủy đậu, sốt phát ban, sốt vi-rút; tiêu chảy, ngộ độc thức ăn… Có khoảng ¼ số trẻ đến khám phải nhập viện điều trị, gây quá tải, như Khoa hô hấp có 150 đến 160 trẻ, trong khi khoa chỉ có 120 giường bệnh.
Tương tự, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh cũng khá đông và số phải nhập viện điều trị cũng có xu hướng tăng lên. Bình quân, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2.500 đến 3.000 bệnh nhân đến khám, trong đó có 800 đến 900 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân đến đây là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, đường hô hấp, cúm mùa… Bác sĩ Đoàn Thị Quý, Khoa bệnh Nhiệt đới cho biết: Vào những ngày nắng nóng, số bệnh nhân nhập vào khoa tăng gấp đôi so với ngày thường.
Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, thời tiết nắng nóng, các bậc cha mẹ cần đề phòng tình trạng say nắng, say nóng ở trẻ. Trẻ bị say nắng, say nóng có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu trẻ bị say nắng, say nóng, các bậc cha mẹ, người trông trẻ cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp xử trí mà cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Ngoài ra, mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức…
Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa hè, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau: Những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động cường độ cao và liên tục quá hai giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời.
Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi. Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ, nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa nhiệt độ ngay; không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa nhiệt độ và không gian nóng bức bên ngoài.
Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Đáng chú ý, nếu cho trẻ đi ô-tô, tuyệt đối không để trẻ một mình trên xe; khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ… Hãy tắm cho trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.
Đối với người lớn, thời tiết nắng nóng làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt; nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.
Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước, nếu không được bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh lưu ý, mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ hạn chế ra khỏi nhà vào lúc đỉnh điểm nắng nóng từ 11 giờ đến 13 giờ; người đi đường trang bị khẩu trang, áo chống nắng; mọi người phải uống đủ nước, ăn chín uống sôi… Đặc biệt, những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn...
Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động do Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa đưa ra, thì vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... Các triệu chứng gặp phải khi bị say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng là: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút (mức độ nhẹ); đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong (mức độ nặng).
Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ, chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô; nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol… không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Với những trường hợp mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Hướng dẫn cũng đưa ra khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài; mặc quần áo sáng mầu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả; cần uống tối thiểu 1,5 đến 2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần; rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của cơ thể.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu để tránh các hoạt động thể lực quá sức. Hạn chế thấp nhất diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, nhất là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi… Uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc; cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Hiện nay, bệnh viện tại các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ nhằm giảm những khó khăn, vất vả cho bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh trong thời tiết nắng nóng. Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh yêu cầu các cán bộ, nhân viên y tế vào làm việc sớm hơn thường ngày, thực hiện tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 6 giờ sáng để giảm thời gian chờ đợi; bố trí các phòng chờ thoáng mát, tăng cường thêm quạt điện và điều hòa ở các phòng điều trị; khuyến cáo người bệnh ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin để lấy số thứ tự đăng ký khám ngay ở nhà nhằm tránh đi lại vất vả vào thời điểm nắng nóng, giảm thời gian chờ; sau khi khám và có kết quả, phần mềm tiện ích sẽ mời bệnh nhân quay lại phòng khám để được nghe tư vấn, kê đơn thuốc...
Ngày 21/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị giám đốc các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.
Các bệnh viện yêu cầu đánh giá chính xác tiêu chí A1.2 “Người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật” trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam để bổ sung, khắc phục ngay kết cấu hạ tầng nếu chưa làm hoặc xuống cấp; khẩn trương lắp đặt mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.
Đồng thời, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính. Đồng thời lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa nhiệt độ cho các khu vực cần thiết; huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa nhiệt độ trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Các bệnh viện bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ; bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng... (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “”Các cơ sở y tế sẵn sàng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt, đột quỵ”.
Việt Nam triển khai tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 cho nhóm nguy cơ
Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 năm 2023, căn cứ trên khuyến cáo và diễn biến dịch. Kế hoạch tiêm chủng này có hiệu lực từ ngày 19.5.2023.
Tình huống đại dịch phức tạp
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia có tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản vắc xin Covid-19 thấp trước tiên cần tập trung tăng cao tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản cho các nhóm có mức độ ưu tiên cao. Các quốc gia đã đạt tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản từ trung bình đến cao (trong đó có VN) cần tập trung tăng cao tỷ lệ bao phủ mũi nhắc lại cho các nhóm có mức độ ưu tiên cao trước khi triển khai tiêm vắc xin cho các nhóm có mức độ ưu tiên thấp. Trẻ em cần được tiếp tục tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo.
Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tiêm bổ sung các mũi nhắc lại tiếp theo (sau tiêm nhắc lần 2, tức là sau mũi 4) cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Theo khuyến cáo mới nhất của WHO (cập nhật ngày 30.3.2023), đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 được ưu tiên cao là: người cao tuổi; người lớn với bệnh nền nặng như: tiểu đường, tim mạch; người có bệnh lý miễn dịch kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên; phụ nữ có thai và lực lượng y tế tuyến đầu. Đối tượng ưu tiên trung bình là người dưới 60 tuổi không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền. Đối tượng ưu tiên thấp là trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tới 17 tuổi.
Mũi nhắc lại cách 6 - 12 tháng
Theo lộ trình của SAGE (Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO) và WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về việc sử dụng vắc xin Covid-19 trong bối cảnh Omicron và khả năng miễn dịch đáng kể trong cộng đồng như sau: Đối với nhóm ưu tiên cao, mũi tiêm nhắc cách mũi tiêm trước từ 6 - 12 tháng (bất kể đã tiêm bao nhiêu mũi trước đó). Đối với phụ nữ có thai, việc tiêm vắc xin giúp bảo vệ thai nhi và trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Hiện SAGE chưa khuyến cáo tiếp tục tiêm nhắc cho nhóm những người thuộc ưu tiên trung bình về tiêm vắc xin.
Với nhóm ưu tiên thấp, các mũi tiêm cơ bản và mũi tiêm nhắc là an toàn và hiệu quả cho nhóm trẻ từ 6 tháng tới 17 tuổi. Theo SAGE, các quốc gia nên xem xét kỹ các yếu tố về tình hình dịch tễ, chi phí, hiệu quả và các ưu tiên khác trước khi quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ trong lứa tuổi này.
Về hình thức tiêm chủng, WHO khuyến cáo các nước xem xét thay đổi từ tiêm chủng chiến dịch sang lồng ghép vào tiêm chủng thường xuyên. Các quốc gia có thể sử dụng vắc xin (mRNA) để tiêm các mũi cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc.
Hiện chưa có khuyến cáo về tiêm nhắc vắc xin Covid-19 hằng năm, kể cả cho nhóm ưu tiên cao.
Vắc xin Covid-19 tiêm miễn phí
Tại VN, ngày 17.4.2023, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo việc sử dụng vắc xin theo cập nhật của WHO ngày 30.3.2023 là cần thiết. Theo đó, chiến lược sử dụng vắc xin tại VN là: sử dụng tối đa các loại vắc xin hiện có, đặc biệt là vắc xin được WHO khuyến cáo hoặc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO; sử dụng vắc xin theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vắc xin được cung ứng.
Mục tiêu vắc xin Covid-19 là các đối tượng có nguy cơ cao được tiêm chủng đủ số mũi.
Vắc xin Covid-19 được tiêm miễn phí, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4 nhóm tuổi tiêm vắc xin Covid-19 trong năm 2023
Người từ 18 tuổi trở lên: các trường hợp chưa tiêm các mũi nhắc lại; người đến lịch tiêm trong năm 2023 (từ 17 lên 18 tuổi)
Người từ 12 - 18 tuổi: người chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản; người đến lịch tiêm trong năm 2023 (từ 11 lên 12 tuổi)
Người từ 5 - dưới 12 tuổi: có nhu cầu tiêm mũi cơ bản
Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp theo cho các nhóm từ 5 tuổi trở lên: Bộ Y tế sẽ khuyến cáo và hướng dẫn sau, khi có căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh. (Thanh niên, trang 15).
Tránh ''tiền mất, tật mang'' với ''thần y'' từ mạng xã hội
Ngày càng có nhiều lương y, “thần y” xuất hiện trên TikTok, Facebook để chia sẻ những bài thuốc, hay những cách trị bách bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp cho đến đột quỵ, ung thư… Không chỉ nhằm mục đích “câu view”, những “thần y” mạo danh này còn là kênh phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, bài thuốc đông y trôi nổi… và ẩn họa sau đó, không ít người đã phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Đủ liệu pháp chữa bệnh lừa đảo
Tuần qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 phát đi cảnh báo về đoạn clip được lan truyền nhanh chóng trên TikTok và Facebook. Trong đoạn clip này, một người đàn ông lớn tuổi mạo danh có gần 40 năm công tác tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 và trước khi nghỉ hưu đã mắc các bệnh: Tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa cột sống, rối loạn thần kinh trung ương. Người này chia sẻ, khi được tiếp cận với cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của người phương Đông” và đã thực hành 4 tháng ăn chay, kết quả mọi bệnh đã hết. Ngoài việc chia sẻ về liệu pháp ăn chay chữa lành tự nhiên, clip này còn dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.
Tương tự, chỉ cần gõ từ khóa “đột quỵ” sẽ ra hàng trăm, hàng nghìn hướng dẫn về cách phòng và chữa trị từ các “thần y” TikTok. Một trong những hướng dẫn chữa đột quỵ “chết người” được lan truyền trên TikTok H.Y.T.D thời gian gần đây, đó là nếu thấy người bệnh đột quỵ thì nên lấy kim hơ nóng chích vào 10 đầu ngón tay và nặn giọt máu. Từ 2-3 phút, người bệnh sẽ tỉnh lại. Còn với người bệnh có biểu hiện méo miệng thì sử dụng kim đâm vào dái tai, nặn hai giọt máu ra, người bệnh cũng tỉnh lại. Điều đó đã khiến nhiều người làm theo và gánh hậu quả.
Mới đây, làm theo mạng xã hội và theo truyền miệng, khi thấy ông Đ.Đ.Q (60 tuổi, ở Quảng Ninh) xuất hiện nói khó, tê yếu nửa người trái, vợ ông đã áp dụng hướng dẫn được lan truyền trên và dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của chồng và nặn máu. Sau khi chích máu 20 phút, người bệnh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện và được chẩn đoán nhồi máu não. Theo các bác sĩ, đây là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh, thậm chí làm mất đi “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân. Khi chích máu, máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu, làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) đưa ra lưu ý, sai lầm phổ biến của người nhà là cho bệnh nhân đột quỵ nằm yên, xoa dầu, chích máu ngón chân, ngón tay làm tăng nguy cơ nhiễm trùng… Do vậy, người dân khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não cần tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, không dùng kim chích các đầu ngón tay hay chân của người bệnh. Không nên để người bệnh nằm lâu một chỗ mà cần khẩn trương đưa đi cấp cứu.
Trường hợp khác, một nữ bệnh nhân (40 tuổi, ở Hà Nội) mắc ung thư vú nhưng không tuân thủ việc điều trị theo bác sĩ mà nghe theo hướng dẫn của “thần y” TikTok. Hậu quả là người này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng. Tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, khoa Ung bướu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, sau 2 tháng thực hiện theo hướng dẫn không có cơ sở khoa học để triệt tiêu khối u là nhịn ăn, uống lá đu đủ và nước măng tây, khối u vỡ, loét, chảy dịch, người bệnh mới đến bệnh viện.
Cần mạnh tay xử lý
Trước tình trạng “loạn thần y” trên mạng xã hội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, người dân tuyệt đối không nên tin theo các hướng dẫn chữa trị không có cơ sở khoa học, những quảng cáo sai sự thật, quảng cáo “vô tội vạ” trên YouTube, TikTok hay Facebook để từ đó khám, mua thuốc, trị bệnh. Thực tế cho thấy, có nhiều bệnh nhân sau khi xem những lời giới thiệu, chia sẻ trên mạng xã hội đã làm theo và uống thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới biến chứng, tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Việc khám, điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện bởi bác sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản.
Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc, bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân, các bác sĩ chính thống chỉ chia sẻ một số kiến thức chung, cơ bản để người bệnh, gia đình bệnh nhân có thể xử trí trong những tình huống cấp cứu hay nhận diện có bệnh để tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Các bác sĩ không thể kê toa chung cho bệnh nhân. Nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy hiện nay vẫn là các bệnh viện, phòng khám y khoa, hay bác sĩ gia đình. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, mạnh tay dẹp loạn “thần y” trên TikTok cũng như các địa chỉ mạng xã hội khác để bảo vệ người bệnh. (Hà Nội mới, trang 5).
Nhiều giải pháp phòng, chống ngộ độc do Botulinum
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã tiếp nhận các ca ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua hay ăn giò lụa không rõ nguồn gốc. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, ngộ độc do Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, thời gian khởi phát ngộ độc phổ biến từ 12 đến 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân... Trường hợp nhẹ có thể chỉ mỏi, yếu các cơ giống như suy nhược, biểu hiện đối xứng hai bên và cảm giác vẫn bình thường. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp và là nguyên nhân gây tử vong.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum cũng được các chuyên gia y tế đánh giá là loại ngộ độc kinh điển trong y văn. Nguyên nhân của loại ngộ độc này xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (gồm: Chai, lọ, lon, hộp, túi) không bảo đảm an toàn dẫn tới sự xuất hiện của một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc Botulinum.
Tại hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế cũng đề cập đến các loại thực phẩm gây ngộ độc Botulinum cổ điển là thịt hộp, do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy, tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không bảo đảm và đóng gói kín, như đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói cùng với môi trường bảo quản bên trong không bảo đảm dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, thực phẩm gây ngộ độc Botulinum phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.
Để phòng, chống ngộ độc do Botulinum, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Riêng trong quy trình sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Còn đối với người tiêu dùng, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi, màu sắc thay đổi khác thường...
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, thức ăn khi chế biến và đun sôi 100 độ C thì 5 đến 10 phút, vi khuẩn gây độc tố Botulinum đã bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về cách sử dụng, bảo quản đồ ăn, không cất đồ ăn thừa ngay lập tức vào tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống, như: Thịt, cá… nên rửa sạch trước khi cho vào bảo quản trong ngăn đá. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Lao động, trang 7: “Khẩn cấp nhập khẩu thuốc hiếm điều trị chất kịch độc Botulinum”.
Gia tăng trẻ mắc viêm phổi do Mycoplasma, có thể gây tử vong
Thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế ghi nhận gia tăng bệnh nhi bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Viêm phổi là một trong những bệnh gây nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em, trong đó có viêm phổi do Mycoplasma. Nếu không chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng, dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Cháu Nguyễn T. D. (SN 2016, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện Bãi Cháy trong tình trạng sốt trên 38 độ C, ho có đờm trong 2 ngày, sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà không đỡ. Kết quả chụp Xquang, CT scaner ngực có tổn thương đông đặc thùy trên phổi trái, thùy trên phổi phải có đám đông đặc nhỏ. Xét nghiệm Mycoplasma pneumoniae dương tính.
Bệnh nhi được hội chẩn chuyên khoa Nhi, chẩn đoán tình trạng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae và điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng trẻ ổn định, giảm ho và cắt sốt.
Theo BS Hà Thị Duyên – Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, các trường hợp trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma điều trị tại Khoa Nhi tăng hơn trước. Triệu chứng biểu hiện rầm rộ là sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm kéo dài từ 3-4 tuần, có thể kèm theo sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy…
“Những triệu chứng không điển hình này dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên tự ý điều trị cho con tại nhà. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách, hiệu quả, tình trạng bệnh của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng dẫn tới suy hô hấp và tử vong”, BS Duyên cảnh báo.
Bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae là một bệnh nhiễm trùng khá phổ biến, bệnh thường phát tán thành dịch vào thời điểm giao mùa, lây truyền thông qua giọt bắn, dịch hô hấp có chứa vi khuẩn lây bệnh khi người bệnh hắt hơi, ho.
Trẻ em hoặc những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa bệnh này. ThS.BS Ngô Thị Cam – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa MELATEC cho biết, đây là bệnh viêm phổi không điển hình do nó có những triệu chứng khác với những bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn thông thường khác.
Khi vi khuẩn Mycoplasma xâm nhập vào cơ thể, có thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 - 3 tuần. “Với các triệu chứng không điển hình, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma thường bị bỏ qua giai đoạn đầu, hoặc điều trị theo kinh nghiệm dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong”, BS Cam cảnh báo.
Theo BS, một số biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do Mycoplasma mà cha mẹ phải đặc biệt lưu ý là: Nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể. Tràn dịch màng phổi sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở. Áp xe phổi bởi các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe. Hội chứng suy hô hấp cấp ở những người bị viêm phổi cả hai thùy. Cuối cùng là suy hô hấp làm giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức.
Làm thế nào để phòng tránh? Theo các bác sĩ, cần phải có “tấm áo giáp” bảo vệ trẻ khỏi viêm phổi bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ. Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh. Mang khẩu trang để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn khi ra ngoài; thường xuyên cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
Điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh có thể gây ra viêm phổi như: Trào ngược dạ dày, tim bẩm sinh. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao, cúm, sởi, phế cầu, HiB. “Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như ho, sốt, đau tức ngực… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời”, BS Hà Thị Duyên khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 4).
Hơn 25,7 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cả nước đã có hơn 25.738.015 lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo về kết quả triển khai Đề án 06. Theo đó, tính đến ngày 16/5, toàn quốc đã có 12.427 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, chiếm gần 97% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc.
Cả nước cũng đã có hơn 25.738.015 lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành nâng cấp phần mềm, bổ sung chức năng hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phục vụ triển khai dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến và triển khai các dịch vụ công liên thông theo Đề án 06.
Tính đến thời điểm này, trên toàn quốc có 1.273 cơ sở khám chữa bệnh được phê duyệt gửi dữ liệu khám sức khỏe lái xe, trong đó có 972 cơ sở đã gửi dữ liệu với 294.438 dữ liệu được gửi; có 851 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh với 60.953 dữ liệu được gửi và 250 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử với 916 dữ liệu được gửi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã hoàn thành số hóa tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Việc triển khai số hóa tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số.
Qua đó, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ của ngành BHXH Việt Nam; cũng như giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lắp đặt thêm mái che, điều hòa, quạt... để chống nóng cho người bệnh
Ngày 21-5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành… về phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, gần đây, thời tiết tại nhiều vùng trên cả nước có nắng nóng diện rộng, ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân và môi trường làm việc. Để phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị y tế trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện;
Cùng đó, tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.
Về một số giải pháp cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.
Đồng thời, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính... Lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa cho các khu vực cần thiết. Huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Bộ cũng yêu cầu bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ. Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng. Duy trì bệnh viện xanh, sạch đẹp và bổ sung cây xanh nếu cần thiết.
Đối với các bệnh viện có nguồn lực hạn chế hoặc gặp khó khăn trong công tác đấu thầu thì có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhà hảo tâm, doanh nghiệp... chung tay, chia sẻ khó khăn cùng bệnh viện; đầu tư, tài trợ các phương tiện quạt, điều hoà, cây nước uống... nhằm phục vụ, nâng cao sự hài lòng người bệnh nhân viên y tế. (An ninh Thủ đô, trang 2).