Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/4/2019

  • |
T5g.org.vn - Phòng khám Trung Quốc ở TP.HCM bị tước giấy phép 6 tháng; Coi chừng ung thư phụ khoa ở tuổi thiếu nữ; Từ 1/5, Hà Nội sẽ tăng giá dịch vụ y tế; Khi kháng sinh trở nên… vô dụng; Cứu bệnh nhân bị biến dạng khớp gối bất thường; Cô gái có phủ tạng đảo ngược, mắc tim bẩm sinh được bác sĩ cứu sống thần kỳ...

 

Phòng khám Trung Quốc ở TP.HCM bị tước giấy phép 6 tháng

Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đối với Phòng khám Đa khoa Khang Thái (địa chỉ 87-89 Thành Thái, P.4, Q.10). Ngoài tước giấy phép hoạt động 6 tháng, phòng khám này còn bị lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền trên 240 triệu đồng.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xác định phòng khám này có các hành vi vi phạm như để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám và điều trị bệnh, nhân viên y tế không đeo bảng tên, sử dụng người không chứng chỉ hành nghề và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian yêu cầu tạm ngừng hoạt động, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn…

Trước đó, vào tháng 1-2019, phòng khám Khang Thái từng bị Thanh tra Sở Y tế TP xử phạt hành chính 51 triệu đồng vì lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ, không bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, từ phản ảnh về tình trạng lạm dụng chẩn đoán và điều trị để thu tiền của bệnh nhân đến khám phụ khoa và dịch vụ sức khỏe sinh sản, Thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa Khoa Đại Đông (địa chỉ 461 Cộng Hòa, P.15, Q.Tân Bình).

Bước đầu, Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu phòng khám này tạm ngừng hoạt động, đề nghị Phòng Y tế Q.Tân Bình giám sát, đồng thời tổng hợp hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính.

Đây là phòng khám mà Tuổi Trẻ Online từng rất nhiều lần phản ánh về các vi phạm trong việc chẩn đoán, điều trị thu tiền của bệnh nhân, đặc biệt khám phụ khoa và sức khỏe sinh sản..., từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt. 

Liên quan đến các sai phạm của phòng khám này, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu kiểm tra, giám sát và có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để nếu có sai phạm. Nội dung kiểm tra xử lý báo cáo Bộ Y tế trước ngày 10-5-2019. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Coi chừng ung thư phụ khoa ở tuổi thiếu nữ

Trước đây, ung thư phụ khoa thường được phát hiện ở những phụ nữ từ tuổi trung niên, đã qua sinh nở. Nhưng thời gian gần đây, nhiều phụ nữ trẻ, thậm chí tuổi vị thành niên cũng đã mắc phải bệnh này và khi phát hiện đều ở giai đoạn nặng. Nằm li bì tại giường bệnh BV Ung bướu TP.HCM, có lẽ TTBT (14 tuổi, ngụ Kiên Giang) chưa hiểu hết về căn bệnh quái ác mình đang mang. Ngồi bên con, ánh mắt buồn bã, chị Nguyễn Thị N., mẹ bé, cho hay từ Tết 2019 con đã có biểu hiện đau bụng nhưng chị không bao giờ nghĩ đó là dấu hiệu của căn bệnh quái ác.

14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Chị N. chỉ cho con đến bác sĩ tư gần nhà khám và được chẩn đoán viêm bàng quang, cho chích thuốc vài lần. Tuy nhiên, mới đây bé xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên nhưng kéo dài hai tuần bất thường, kèm theo da dẻ xanh xao, đau quặn bụng thì chị mới đưa con đi thăm khám ở TP.HCM. “Hồi đó giờ ở nhà không có ai mắc bệnh này cả nên tôi chỉ nghĩ bé bị bệnh thông thường thôi. Phải chi tôi đưa con đi khám chuyên khoa ngay từ đầu” - chị N. thẫn thờ.

Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T., BS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM) cho hay bé gái là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc ung thư cổ tử cung mà ông từng tiếp nhận. Kết quả CT, MRI ban đầu của bệnh nhân được nghĩ nhiều hơn là bướu vùng chậu hoặc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật khiến các bác sĩ hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện khối bướu xuất phát từ trong cổ tử cung và đã xâm lấn nhiều cơ quan khác như bàng quang, trực tràng, vách chậu... nên không thể cắt bỏ. “Hầu hết các ca ung thư cổ tử cung đều phát hiện ở phụ nữ lây nhiễm virus HPV qua quan hệ tình dục, do đó bé gái 14 tuổi chưa từng quan hệ tình dục mắc loại ung thư này thì cực kỳ hiếm, y văn Việt Nam chưa từng ghi nhận, y văn thế giới cũng rất ít. Dự kiến bé gái sẽ được xạ trị, hóa trị để đánh giá cắt khối u, tuy nhiên tiên lượng bệnh dè dặt” - BS Tiến chia sẻ.

Trường hợp trẻ tuổi mắc ung thư phụ khoa ở BV không phải là hiếm. BV đang điều trị cho bệnh nhân LTH (19 tuổi, độc thân, ngụ Bến Tre) bị ung thư cổ tử cung, có bệnh sử rong huyết một năm nay, cách đây hai tháng nhập BV với biểu hiện đau bụng, ra máu âm đạo… Bệnh nhân đã trải qua ca phẫu thuật nhưng do khối bướu tử cung to, xâm lấn toàn bộ túi cùng, chu cung vách chậu, xâm lấn bọng đái và hạch chậu nhiều nên không phẫu thuật được. Chăm sóc con tại BV, chị NTL, mẹ bệnh nhân H., chia sẻ H. nghỉ học từ năm lớp 10 để làm công nhân may. Suốt một năm nay H. có biểu hiện rong kinh và có uống thuốc nhưng không bớt, đến khi đau bụng nhiều mới đưa đi BV ở tỉnh khám thì mới phát hiện bất thường. “Cứ nghĩ bệnh phụ khoa đơn giản thôi nhưng không ngờ là ung thư. Giá như một năm trước tôi đưa con đi chữa sớm thì có lẽ bệnh không nặng như bây giờ” - chị L. tâm sự.

Một trường hợp thương tâm khác là bệnh nhân TPT (18 tuổi) bị ung thư buồng trứng. Mới đây, bệnh nhân có biểu hiện bụng to dần và mệt mỏi, tuy nhiên gia đình không nghĩ em mắc bệnh mà la mắng con quan hệ bừa bãi dẫn đến có bầu. Sau đó, em được người dì đưa đến BV khám mới ra căn bệnh này.

Chích ngừa sớm cho các bé gái

BS CKII Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM) cho hay mỗi tháng khoa phát hiện 250-300 ca ung thư phụ khoa, trong đó ung thư buồng trứng là nhiều nhất, kế đến là ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, 2-3 năm trở lại đây, số ca ung thư cổ tử cung tăng rõ rệt và xuất hiện ở lứa tuổi rất trẻ. So với trước kia, số ca mắc ung thư cổ tử cung ở lứa tuổi này hiếm hơn nhiều. “Trong tuần qua có đến ba trường hợp ung thư cổ tử cung dưới 20 tuổi nhập BV và 4-5 ca dưới 26 tuổi mắc bệnh này. Tỉ lệ tăng thấy rõ” - BS Tiến thông tin. Cũng theo BS Tiến, ung thư phụ khoa ở người trẻ thường phát hiện ở giai đoạn muộn và tình cờ, ngẫu nhiên do tâm lý chủ quan, cha mẹ ít quan tâm đến con cái. Thường ung thư ở người trẻ diễn tiến rầm rộ, tiên lượng nặng hơn so với người lớn tuổi. Ung thư cổ tử cung trên 95% do nhiễm virus HPV do quan hệ tình dục nhưng người chưa quan hệ vẫn nhiễm loại virus này có thể do phơi nhiễm, qua tiếp xúc hoặc từ mẹ sang con.

Do đó để phòng tránh ung thư và bệnh diễn biến nặng, chị em phụ nữ cần có lối sống lành mạnh, cân bằng, bên cạnh đó trang bị cho mình kiến thức để phòng ngừa, chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư phụ khoa, đi khám ngay khi có biểu hiện bệnh.

“Các bậc phụ huynh nên quan tâm con cái nhiều hơn, đừng tưởng con còn trẻ sẽ không mắc các bệnh phụ khoa. Nếu con có bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, than đau bụng, tiêu tiểu khó, mệt mỏi, sụt cân, bụng to bất thường... thì nên đưa thăm khám chuyên khoa sớm. Giai đoạn sớm của ung thư phụ khoa, điều trị sẽ dễ dàng và bảo tồn được chức năng sinh sản, thiên chức làm vợ, làm mẹ cho các em hơn so với giai đoạn muộn” - BS Tiến lưu ý. Ngoài ra, hiện nay đã có vaccine ngừa virus HPV gây ung thư cổ tử cung và được chứng minh có hiệu quả nên phụ huynh có thể chích ngừa sớm cho các bé.

Cảnh báo người mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 

Tại Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu, BV Quân y 175, BS Phạm Thành Luân cho hay thời gian gần đây số ca người trẻ mắc ung thư phụ khoa có dấu hiệu tăng, trong đó không ít trường hợp dưới 20 tuổi.

Theo BS Luân, một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú được ghi nhận có khoảng 10% do thừa hưởng đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Do đó, người mang hai gen di truyền này nên tầm soát ung thư “dày” hơn người bình thường.

Chữa một tuần không giảm bệnh, coi chừng ung thư

Người dân nên theo dõi những dấu hiệu mắc bệnh ung thư sớm ở những trang thông tin của BV có uy tín để nhận biết và đi khám chuyên khoa sớm. Khi chữa các bệnh như viêm nhiễm phụ khoa từ một tuần đến 10 ngày không thuyên giảm thì phải nghĩ đến khả năng ung thư để đi khám chuyên khoa.  (Pháp luật TP. HCM, trang 12).

 

Từ 1/5, Hà Nội sẽ tăng giá dịch vụ y tế

Từ 1/5/2019, các cơ sở vụ khám, chữa bệnh (KCB) của Nhà nước thuộc TP Hà Nội sẽ áp giá dịch vụ KCB không có bảo hiểm y tế (BHYT) với mức 'kịch khung' trong khung giá mà Bộ Y tế đã qui định. Điều này được HĐND TP. Hà Nội thông qua trong kỳ họp bất thường vào hôm qua, ngày 9/4. HĐND TP cũng đã xem xét và quy định cụ thể danh mục, giá các dịch vụ KCB không thuộc quỹ BHYT chi trả gồm: 10 dịch vụ KCB, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này phù hợp với quy định chung, nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT. Hà Nội hiện có 86,7% dân số đã tham gia BHYT (gồm các đối tượng người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội…), chỉ có 13,3% chưa tham gia là các đối tượng có mức sống ổn định, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện.

"Việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia, tiến tới BHYT toàn dân. Với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao, chỉ 13,3%, thì việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của TP. cũng như không tạo biến động lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn” - ông Nguyễn Khắc Hiền cho hay.

Đối tượng áp dụng mức giá mới là các cơ sở KCB của nhà nước thuộc TP. Hà Nội, gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan v.v…

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT. Về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, vì các đối tượng này đã được nhà nước mua, hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT và được BHYT thanh toán phần lớn chi phí khi đi KCB. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Khi kháng sinh trở nên… vô dụng

Kháng sinh được xem là phương thuốc đặc hiệu để điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nhưng hiện nay rất nhiều loại kháng sinh đang trở nên… vô dụng do tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn tới vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng, gây ra những hậu quả nguy hại. 

Chữa mãi không khỏi

Gần nửa tháng chăm sóc đứa con 5 tuổi đang điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lê Thị Thúy (30 tuổi, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mệt mỏi chia sẻ: “Lúc đầu thấy cháu ho ít, sốt nhẹ nên tôi ra hiệu thuốc ở phố mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Tuy nhiên, dùng cả tuần hết 2 vỉ kháng sinh mà cháu vẫn không khỏi còn sốt cao, khò khè khó thở. Lo quá, gia đình đưa cháu tới bệnh viện và các bác sĩ cho biết cháu bị biến chứng viêm phổi do dùng thuốc không đúng”. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp nhưng biến chứng viêm phổi nguy hiểm do trước đó cha mẹ đã tự ý cho trẻ sử dụng nhiều loại kháng sinh, dẫn tới vi khuẩn kháng thuốc.

Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gần như ngày nào ở đây cũng tiếp nhận điều trị 4 - 5 trường hợp bị sốc nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, nhận xét phần lớn các ca bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc thường rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều bệnh nhân phải thở máy kéo dài nhưng vẫn sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt vì vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có, nên nhiều lúc bác sĩ chỉ biết trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, kháng kháng sinh là tình trạng nguy hiểm, bởi khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại và sử dụng liều cao để điều trị nhưng khả năng thành công thấp, trong khi tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài. Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường từ 30% - 90%. Đặc biệt, với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%, thậm chí hết thuốc chữa.

Kháng sinh thế hệ mới cũng bị kháng

Theo nhiều chuyên gia y tế, kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... kháng lại thuốc kháng sinh. Hay nói cách khác, các thuốc kháng sinh dùng chữa bệnh không còn tác dụng trên lâm sàng, không thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngay cả khi sử dụng với nồng độ cao. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng, trong đó nguyên nhân chính là việc sử dụng kháng sinh tràn lan, kéo dài và thói quen mua thuốc không cần đơn kê toa của bác sĩ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 70% bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp, còn phía người sử dụng có trên 80% mua và sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ. Hậu quả là vi khuẩn quen dần với kháng sinh, làm vi khuẩn có sức đề kháng với kháng sinh. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do sự tiếp xúc giữa người bị nhiễm trùng - nhiễm trùng chéo, dẫn đến tình trạng bị đề kháng với những kháng sinh mà mình chưa dùng bao giờ, hay còn gọi là đề kháng chéo. 

Trước thực trạng trên, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Về phía Bộ Y tế cũng không ít lần cảnh báo về việc nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả, thì tại Việt Nam đã phải sử dụng tới các loại kháng sinh thế hệ 3 và 4, thậm chí ở nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Việt Nam đã ghi nhận vi khuẩn đa kháng - kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên; kháng mở rộng - kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ điều trị; toàn kháng là kháng tất cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị vi khuẩn này. Trong số này thì vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem - loại kháng sinh được coi là “vũ khí” cuối cùng trong điều trị.

Để ngăn ngừa nguy cơ không còn thuốc chữa, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng. Về phía bác sĩ cũng cần thay đổi việc kê đơn tràn lan nhiều loại kháng sinh không phù hợp với người bệnh. Việc khám và kê đơn thuốc cho người bệnh phải tuân thủ nguyên tắc có nhiễm khuẩn mới dùng kháng sinh.

Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn và bán lẻ thuốc, trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn và bán thuốc kê đơn mà trọng tâm là kháng sinh; đồng thời giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, ngành y tế TPHCM sẽ rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và kinh doanh dược trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác trên địa bàn. Lộ trình thực hiện từ tháng 4 đến 10-2019 tại quận Phú Nhuận và từ tháng 11-2019 đến 12-2020 trên toàn TPHCM.(THÀNH AN)

PGS-TS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế: Chấn chỉnh quản lý nhà thuốc và phòng khám tư nhân

Hiện nay khó nhất là việc quản lý mua bán, sử dụng kháng sinh tại các nhà thuốc và phòng khám tư nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn và 87% người dân tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh, vẫn chưa quản lý được. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Trong khi đó, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. 


PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế: Kháng sinh có trong thức ăn gia súc, gia cầmNguyên nhân của tình trạng kháng thuốc diễn ra ngày càng trầm trọng, phần lớn xuất phát từ việc chưa quản lý được việc mua - bán kháng sinh tự do hiện nay. Người dân có thói quen tự mua thuốc về nhà điều trị và các cửa hàng thuốc tây thì bán kháng sinh một cách tràn lan. Amoxicilin, Cephalexin, Azithromycin là 3 loại kháng sinh phổ biến trên thị trường được bán mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Bên cạnh đó là việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc.

TS-BS DIỆP BẢO TUẤN 
Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Sử dụng kháng sinh hợp lý, trúng chỉ định. Phải kiểm soát chặt chẽ sử dụng kháng sinh một cách hợp lý để hạn chế tối đa tình trạng kháng kháng sinh, nếu không trong thời gian tới sẽ không còn thuốc để trị vi khuẩn. Quản lý kháng sinh hiện nay khó nhất vẫn là thay đổi việc kê đơn, chỉ định kháng sinh, bởi đã trở thành thói quen của các bác sĩ. Nếu chúng ta không kiểm soát, để việc chỉ định một cách vô tội vạ sẽ khiến tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng. Tại bệnh viện, chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ y, bác sĩ sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, trúng chỉ định. Khi người bệnh được sử dụng kháng sinh đúng ngay từ đầu, đồng thời được đánh giá lâm sàng với chỉ định lên thang, xuống thang về việc sử dụng thuốc hợp lý sẽ giúp giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị và giảm cả tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Việt Nam ghép thành công gan cho bệnh nhi 1 tuổi

Bệnh nhi V. (1 tuổi ở Nam Định) là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất, cân nặng thấp nhất (6,7kg) ở Việt Nam được ghép gan thành công từ người cho là bố đẻ.

Ngày 22/4, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vừa ghép gan cứu sống bệnh nhi 1 tuổi, nặng 6,7kg. Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi, cân nặng thấp nhất được thực hiện ở Việt Nam thời điểm này.

Bệnh nhi T.V.H.V (1 tuổi, trú tại huyện Mỹ Lộc, Nam Định) được chẩn đoán vàng da ứ mật từ lúc 3 tháng tuổi do hội chứng  rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2. Bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, xuất hiện các triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. 

Để cứu sống tính mạng của bệnh nhi, không còn phương pháp nào khác ngoài ghép gan. Nếu trì hoãn, bệnh nhi sẽ tử vong vì các biến chứng của suy gan.

Nghe bác sĩ giải thích, gia đình bé V đều nhất trí phương pháp ghép gan để cứu con. Qua kiểm tra, cả bố mẹ cháu đều có gan phù hợp để hiến. Sau khi bàn bạc, gia đình đã quyết định để bố cháu V là anh T.V.T (27 tuổi) hiến gan cho con.

Tuy nhiên, trong trường hợp bé V chỉ nặng có 6,7kg thì kỹ thuật ghép gan sẽ là thách thức lớn đối với các phẫu thuật viên ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 40 y bác sĩ với sự hỗ trợ về chuyên môn của nhóm chuyên gia ghép tạng, GS Chin-Su Liu – Trưởng khoa phẫu thuật Nhi và các cộng sự tới từ bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Bắc (Trung Quốc) đã diễn ra vào sáng 1/4/2019. 

Trải qua 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã ghép thành công một phần gan trái của người bố cho em bé với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là kích thước một số mạch máu vô cùng nhỏ (chỉ khoảng 1,3mm) của em bé mới chỉ 6,7kg. Vì thế các bác sĩ phải nối dưới kính hiển vi điện tử. 

Sau ca ghép, các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tình chăm sóc, đảm bảo chức năng khối ghép của bệnh nhân hoạt động tốt. 20 ngày sau ghép gan, sức khỏe cháu bé đã tiến triển tốt, lên được 500g.

Việc đem đến kỳ tích cho cháu bé đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và sự nỗ lực của các y bác sĩ trong việc từng bước chinh phục những kỹ thuật khó, không ngừng trau dồi học hỏi từ các chuyên gia đến từ Đài Bắc (Trung Quốc) về phẫu thuật gan cho trẻ nhỏ, nhằm nâng cao tay nghề trong việc chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhi. (Công an nhân dân, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 8; Tuổi trẻ, trang 14; Lao động, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Nhân dân, trang 5).

  

Cứu bệnh nhân bị biến dạng khớp gối bất thường

Sáng nay, 22-4, Bệnh viện E thông tin cho biết, bệnh viện N. kể trên mới vào viện điều trị trong tình trạng khớp gối 2 bên biến dạng bất thường, khớp gối trái phì đại, co rút gấp và không đi lại được.

Điều đáng nói, do tình trạng bệnh rất nặng, khả năng chữa trị thành công cực thấp nên trước đó bệnh nhân đã đến một vài bệnh viện nhưng đều bị từ chối phẫu thuật.

Khai thác tiền sử thấy bệnh nhân này mắc bệnh viêm đau khớp từ 20 năm trước và bệnh tiến triển tăng dần theo thời gian. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị thoái hóa khớp trên nền viêm khớp dạng thấp, dẫn đến biến dạng bất thường. 5 năm trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện điều trị.

Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện E, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này bị thoái hoá khớp giai đoạn cuối biến dạng nặng. Đây là lần đầu tiên bác sĩ Hiền gặp một trường bệnh nhân nặng như vậy.

Bác sĩ Hiền phân tích, do chân bệnh nhân co rút, gấp hơn 300 nên rất khó khăn trong phẫu thuật chỉnh trục chi và phục hồi chức năng. Hơn nữa, sụn khớp đã bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân không vận động được nên dẫn đến teo cơ ở mặt trước đùi, dần dần gây mất hoàn toàn chức năng vận động. Chưa kể thể trạng bệnh nhân yếu, cân nặng chỉ gần 30kg.

Xác định nếu thực hiện ca phẫu thuật này không khác gì “đâm đầu vào đá” vì nguy cơ biến chứng và tỷ lệ thành công rất thấp, song các bác sĩ Bệnh viện E vẫn quyết định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần để trả lại cơ hội vận động cho bệnh nhân.

Ca mổ diễn ra trong vòng 2 giờ, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành thay toàn bộ cả mặt khớp của nồi đùi cầu, mặt khớp mâm chày và mặt khớp bánh chè đùi bằng vật liệu nhân tạo, chỉnh lại trục của xương, chi, cân bằng phần mềm (hệ thống dây chằng, gân, cơ…).

Hiện sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tập đi lại, thoát cảnh bò lồm cồm trên đường mỗi lần di chuyển. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Cô gái có phủ tạng đảo ngược, mắc tim bẩm sinh được bác sĩ cứu sống thần kỳ

Chị Trần Thị Mai Ng. (26 tuổi, Thanh Hóa) phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ lúc 3 tuổi, lại có phủ tạng đảo ngược nên đi khám ở nhiều nơi nhưng không phẫu thuật được. Mới đây, người phụ nữ này còn bị thai lưu…

Thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa thực hiện thành công một ca phẫu thuật tim mạch vô cùng phức tạp bằng phương pháp mới cho bệnh nhân 26 tuổi mắc tim bẩm sinh.

Bệnh nhân là Trần Thị Mai Ng. (26 tuổi, ở thành phố Thanh Hóa) phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ lúc 3 tuổi. Bệnh nhân cho biết đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không phẫu thuật được. Trước đó, người phụ nữ này đã từng bị thai lưu.

Khi đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nữ bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị tim bẩm sinh thể rất nặng – đảo gốc động mạch có sửa chữa kèm theo hẹp nặng van động mạch phổi.

Theo TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ở bệnh nhân này, nhĩ phải nối với thất trái đi lên động mạch phổi, còn nhĩ trái nối với thất phải và đi lên động mạch chủ. Ngoài ra bệnh nhân có lỗ thông liên thất rất lớn, lại bị ngược phủ tạng, gan nằm bên trái còn dạ dày nằm bên phải.

Vì thế, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải vá lỗ thông liên thất, chuyển vị trí cả tầng nhĩ và tầng thất, cắt cả động mạch chủ, động mạch phổi, động mạch vành; đồng thời đảo lại. Ngoài ra tầng nhĩ cũng phải đảo lại và dùng một ống mạch nhân tạo…

Bác sĩ Hiền cho biết thêm, do bệnh nhân này bị ngược vị tạng nên quá trình phẫu thuật bác sĩ phải đứng bên trái bệnh nhân, tất cả tổn thương phải làm ở bên trái nên khả năng thao tác rất khó khăn, bác sĩ phải “tưởng tượng” thật tốt thì mới mổ thành công được.

Hiện sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt hơn, trái tim đã ổn định.

Đây là ca phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp cho bệnh nhân có phủ tạng đảo ngược đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Tính trên cả nước, những ca phẫu thuật tương tự cũng rất hiếm. (An ninh Thủ đô, trang 8). 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang