Tìm thấy vi khuẩn đa kháng thuốc trên trẻ sơ sinh đã điều trị tại Bắc Ninh
Ngày 22.11, theo tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Nhi T.Ư (Hà Nội), đã có kết quả cấy máu cho thấy trong số các bé sơ sinh chuyển lên từ BV Sản Nhi Bắc Ninh, có 2 bé đang điều trị tại BV Nhi T.Ư nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và 1 bé đang điều trị tại BV Bạch Mai nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Trước đó, sau sự cố 4 trẻ sơ sinh sinh non tử vong tại BV Sản Nhi Bắc Ninh trong sáng 20.11, đã có 18 bệnh nhi sơ sinh trong tình trạng nặng được chuyển từ BV này lên 3 BV tuyến T.Ư điều trị, gồm: BV Nhi T.Ư, BV Phụ sản T.Ư và BV Bạch Mai.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, cho biết có 4/8 bệnh nhi chuyển tới BV này trong tình trạng nặng được điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly, có 2 bé thở máy cần theo dõi chức năng sống. Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết hiện 3 bé sơ sinh bị sốc nhiễm khuẩn đang điều trị tại khoa. Trong đó, 1 bé tình trạng rất nghiêm trọng, chuyển đến BV trong tình trạng xuất huyết não, tim to, bụng trướng, gan bị tổn thương rất nặng, hạ đường máu liên tục, vàng da ứ mật.
Tại BV Phụ sản T.Ư, TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, cho biết chiều 22.11, cả 7 bé được chuyển tới BV điều trị đều đã ngưng thở máy. Dự kiến, 2 - 3 bé sẽ ra viện trong tuần tới. (Lao động, trang 5; Thanh niên, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5; An ninh Thủ đô, trang 6; Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13.
Tăng mức trợ cấp thai sản từ ngày 1.7.2018
Theo đó mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi tắt là trợ cấp thai sản) sẽ tăng thêm 180.000 đồng so với mức trợ cấp hiện hành.
Trợ cấp thai sản được tăng lên là do Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 (vừa được Quốc hội thông qua ngày 13.11.2017) nêu rõ mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 1.7.2018. Đồng thời, theo quy định tại Điều 38 của Luật BHXH năm 2014: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Như vậy, từ 1.7.2018, mức trợ cấp thai sản sẽ là 2.780.000 đồng, tăng 6,923% so với mức hiện nay (2.600.000 đồng). (Lao động, trang 5).
BHXH Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc
Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết, BHXH Việt Nam vừa tổ chức triển khai đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT.
Việc đấu thầu thuốc là thực hiện Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 7.7.2016 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6.2016 về việc giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với các thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Công văn số 400/TB ngày 29.8.2017 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận tại cuộc họp về vấn đề quỹ BHYT và việc đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT do BHXH Việt Nam thực hiện.
Trên cơ sở dữ liệu thanh toán chi phí thuốc BHYT, BHXH Việt Nam phân tích, lựa chọn một số thuốc sử dụng với số lượng lớn, giá trị cao gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất thực hiện. Ngay sau khi có sự thống nhất của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện. Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phía Bắc được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung. Ông Dương Tuấn Đức cũng cho biết, mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, nhưng BHXH Việt Nam đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở y tế, Sở Y tế các tỉnh trong việc xây dựng nhu cầu sử dụng, tổng hợp và thẩm định nhu cầu sử dụng thuốc tại địa phương. Đặc biệt, là sự quan tâm, tham gia của đông đảo các nhà thầu.
Ông Dương Tuấn Đức khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm cạnh tranh, công bằng và minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Trường hợp cần thiết sẽ chủ động xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Công tác đấu thầu thuốc được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2017. Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến phía Bắc cũng đề nghị các nhà thầu thực hiện đúng những quy định của pháp luật trong quá trình tham gia dự thầu; phối hợp thực hiện tốt mục tiêu về giảm giá thuốc do Chính phủ đề ra, đảm bảo về chất lượng, tiến độ cung ứng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc BHYT của các cơ sở y tế.
Sau khi mở thầu, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành chấm thầu và công bố kết quả trúng thầu trong tháng 12.2017. Dự kiến thời gian các cơ sở y tế áp dụng kết quả lựa chọn nhà thầu để mua thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT từ 1.1.2018. (Lao động, trang 5).
BHXH TỈNH BẮC KẠN VÀ CÔNG AN TỈNH: Thu hồi số tiền nợ đọng BHXH, BHYT trên 3 tỉ đồng
Vừa qua, BHXH tỉnh Bắc Kạn và Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp trong phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự hội nghị có Thiếu tướng Ma Văn Lả - Giám đốc Công an tỉnh, bà Lò Thị Hoán - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc BHXH tỉnh. Từ năm 2015-2017, BHXH tỉnh Bắc Kạn và Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp thanh tra, kiểm tra 3 cuộc với 22 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tỉ đồng; phối hợp điều tra, xác minh làm rõ một số trường hợp hưởng BHXH không đúng đối tượng và kê khai thời gian công tác đề nghị cấp sổ BHXH không đúng quy định. Việc triển khai thực hiện quy chế đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Thông qua các cuộc kiểm tra liên ngành giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh Bắc Kạn (Phòng PC46), ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động được kiểm tra đã được nâng cao hơn, thực hiện đăng ký tham gia và trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đầy đủ, kịp thời hơn; góp phần ngăn ngừa việc lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN; quản lý chặt chẽ quỹ BHXH, quỹ BHYT và đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, hiệu lực pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Để tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác phối hợp, hai đơn vị đã tiến hành triển khai quán triệt 2 nội dung văn bản gồm quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH ngày 16.8.2017 giữa Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam; chương trình phối hợp số 456/CTPH-CA-BHXH ngày 31.10.2017 giữa Công an tỉnh và BHXH tỉnh trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Ghi nhận kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa 2 ngành, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Kạn và Giám đốc Công an tỉnh đã tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong phối hợp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2017. (Lao động, trang 5).
Chủ quan không tiêm vaccine dại, nhiều người tử vong
Mặc dù Hà Nội đã kiểm soát dịch bệnh trên chó, mèo khá tốt nhưng số người tử vong do bệnh dại tại Thủ đô vẫn đáng lo ngại. Trong 10 năm qua, đã có 56 trường hợp tử vong, từ đầu năm 2017 cũng đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Nguyên nhân chủ quan không tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Thống kê từ Sở Y tế thành phố Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, riêng Hà Nội, tổng số ca tử vong do bệnh dại trên chó, mèo lên tới 56 trường hợp. Cụ thể, từ 2014 đến 2016, toàn thành phố ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. 9 tháng năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Quốc Oai và Ba Vì. Mỗi năm có khoảng 8.000 người dân Hà Nội phải đi tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cả 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại trong năm 2017 đều có nguyên nhân là sau khi bị chó cắn chủ quan không đi tiêm phòng nên khi phát bệnh dại lên cơn không thể cứu chữa được. Theo ông Cảm, tiêm phòng là cách duy nhất đối phó với bệnh dại hiện nay do vẫn chưa có thuốc đặc trị trên thế giới. Sai lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng nhất mà đa số các trường hợp mắc phải là không tiêm phòng bệnh dại.
Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn khoảng 423.000 con. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, số người tử vong do bệnh dại lây truyền từ hai loài vật nuôi này vẫn rất đáng lo ngại. Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, công tác quản lý chó, mèo tại các địa phương hiện còn rất lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng nông thôn. Tình trạng chó, mèo thả rông còn rất phổ biến, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên chế tài xử lý còn yếu nên nhiều chủ hộ không chấp hành tiêm phòng vaccine dại.
Công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng được tăng cường trên cả nước theo Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này thuộc nhóm cao nhất toàn quốc với trên 70% vật nuôi được tiêm phòng bệnh dại.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, thành phố sẽ xây dựng thí điểm 5 vùng an toàn bệnh dại tại 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Cầu Giấy. Trong đó sẽ tổ chức tiêm phòng định kỳ, tẩy giun, triệt sản và đeo thẻ, gắn chíp giám sát dịch bệnh cho chó, mèo trong vùng an toàn bệnh dại. Đảm bảo an toàn cho cư dân và cả du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về Thủ đô.
Các đơn vị trực thuộc sẽ quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán chó trong vùng dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh dại tại các địa bàn trọng điểm. Chú trọng công tác phòng bằng việc tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn; tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (Tiền phong, trang 12).
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: Kiểm soát năng lực hành nghề của cán bộ y tế
Một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được nêu trong Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII (Nghị quyết số 20 - NQ/TW) là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế; khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế; thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. |
Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, cùng với sự phù hợp về số lượng, sự cân đối về cơ cấu và phân bố, năng lực hành nghề của nhân lực y tế là tiền đề quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ y tế. Các quốc gia trên thế giới đều chú trọng chuẩn hóa cơ sở cũng như chương trình đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực y tế trước khi tham gia hệ thống khám, chữa bệnh phải đạt được những chuẩn năng lực cơ bản. Việc sát hạch năng lực hành nghề đã được nhiều nước trên thế giới và phần lớn các nước trong khu vực Đông - Nam Á quan tâm, coi đó là điều kiện bắt buộc trước khi cấp phép hành nghề. Mục đích của quy định này trước hết là vì sự an toàn cho người bệnh, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế thật sự chất lượng, tiếp đến là vì lợi ích của chính cơ sở y tế. Chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế tại hầu hết các nước được kiểm soát bởi một tổ chức độc lập do Chính phủ ủy quyền. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm quy định về xây dựng chuẩn năng lực của các loại hình nhân lực y tế, tổ chức thi cấp độ quốc gia đánh giá năng lực để làm điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, tư vấn các chính sách liên quan đến bảo đảm chất lượng hành nghề của nhân viên y tế… Ở Việt Nam, đào tạo nhân lực y tế đã được đặc biệt chú trọng trong những năm gần đây thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cùng với đào tạo chính quy còn có nhiều hình thức đào tạo khác như: cử tuyển, liên thông, đào tạo theo địa chỉ… với sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập. Nhờ vậy mà chỉ số bác sĩ/mười nghìn dân ở nước ta trong thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt, tăng hơn 2,5 lần sau 30 năm, từ 3,2 bác sĩ/mười nghìn dân (năm 1986) lên 8,2 bác sĩ/mười nghìn dân (năm 2016). Bên cạnh những kết quả về tăng trưởng nhanh số lượng cán bộ y tế, vấn đề bảo đảm chất lượng cũng ngày càng được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội quan tâm. Hiện nay, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, việc cấp giấy phép hành nghề cho cán bộ y tế vẫn chỉ dựa trên hồ sơ theo kết quả thi tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo thực hiện. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách đang đặt ra là cần sớm có một cơ chế thẩm định khách quan, độc lập nhằm bảo đảm sinh viên các trường y dù được đào tạo ở cơ sở nào sau khi tốt nghiệp cũng có đủ năng lực cơ bản, thiết yếu có thể hành nghề một cách độc lập. Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ đã được ban hành. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư đã khẳng định, cần phải tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20-6-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, trong đó có nhiệm vụ “Quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật”. Tiếp đến, ngày 5-10-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP về Quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó xác định rõ nguyên tắc bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ y tế… Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 cũng đã nêu rõ các giải pháp: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thành lập hội đồng y khoa quốc gia; tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế… Để từng bước hiện thực hóa các chủ trương, chính sách nêu trên, cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt đề án thành lập hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của cán bộ y tế. Mặt khác, thi để được xét cấp phép hành nghề mặc dù là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của cán bộ y tế, song đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Do vậy, cần phân tích thấu đáo về những lợi thế cùng những thách thức, bất cập trong thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi. Bên cạnh đó, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề y tế cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức, bất cập trong thực tiễn, đó là: các cơ sở đào tạo còn chậm chuyển đổi phương thức đào tạo từ nặng về cung cấp kiến thức sang tạo ra năng lực thật sự để cung cấp dịch vụ đáp ứng mô hình bệnh tật thực tế của Việt Nam. Có thể thấy đổi mới đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của hệ thống y tế, kiểm soát năng lực hành nghề chặt chẽ là đòi hỏi tất yếu nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào thực tế cuộc sống. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong toàn xã hội. (Nhân dân, trang 5). |
Hà Nội đã khống chế dịch sốt xuất huyết, không có đỉnh dịch thứ hai
Ngày 22-11, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này, Hà Nội đã khống chế thành công dịch sốt xuất huyết (SXH) và không để bùng phát đỉnh dịch thứ hai như cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19-11), toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 448 trường hợp mắc SXH, trong đó 15/30 quận, huyện có số mắc giảm; 15 quận, huyện còn lại có số mắc tương đương so với tuần trước. Hiện chỉ còn 404 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện và 113 ổ dịch SXH. Giám đốc TTYTDP Hà Nội khẳng định, vào thời điểm này, số mắc mới SXH mỗi tuần của Hà Nội đã trở về mức trung bình như những năm trước đây. Do theo quy luật, đỉnh dịch SXH ở Hà Nội thường rơi vào tháng 10 và 11 hàng năm nên trước đó, ngành y tế lo ngại nguy cơ có thể bùng phát đỉnh dịch SXH thứ 2 trong năm 2017 sau đỉnh dịch vào tháng 8 vừa qua.
“Tuy nhiên, với diễn biến số ca mắc SXH liên tục giảm trong những tuần qua cho thấy, dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát và không xảy ra đỉnh dịch thứ hai trong tháng 11 như cảnh báo” – ông Cảm nêu rõ.
Dù vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả các quận/ huyện/ thị xã của thành phố và người dân không được chủ quan với SXH, bởi hiện vẫn ghi nhận rải rác các bệnh nhân mắc mới. Dự kiến trong tuần này, Sở Y tế Hà Nội sẽ có báo cáo nhằm đánh giá toàn bộ công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp cho những năm tiếp theo.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, trong khi dịch SXH đã được khống chế thì thời điểm này, tại Hà Nội, dịch sởi lại đang có xu hướng gia tăng. Tính từ đầu năm, toàn thành phố đã ghi nhận 66 ca dương tính với sởi (năm 2016 chỉ ghi nhận 2 ca), trong đó có 1 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn là trên địa bàn thành phố vẫn còn tới hơn 30.000 trẻ chưa được tiêm phòng vaccine sởi, do vậy nguy cơ gây dịch rất lớn. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Vụ cắt nhầm hai quả thận: Bệnh viện đề nghị chỉ hỗ trợ 1 lần
Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đề nghị hỗ trợ bà Hứa Cẩm Tú một lần là 200 triệu đồng, không muốn bồi thường hằng tháng 5,8 triệu đồng như bản án sơ thẩm xét xử.
Ngày 22-11, TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ án đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị "cắt nhầm" hai quả thận của bà Hứa Cẩm Tú (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).
Tại phiên xử sơ thẩm trước đó, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tuyên buộc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ phải bồi thường 302 triệu đồng cho bà Hứa Cẩm Tú, đồng thời bồi thường hằng tháng cho bà 5,8 triệu đồng kể từ tháng 7-2017 cho đến hết đời.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm trên, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ kháng cáo.
Chỉ hỗ trợ một lần 200 triệu đồng
Tại phiên phúc thẩm sáng 22-11, luật sư Nguyễn Trường Thành (đại diện cho bệnh viện) đã giữ nguyên yêu cầu tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bản án này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung tuyên trái pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ.
Cũng tại phiên phúc thẩm, ông Thành nêu đề nghị của bệnh viện là thỏa thuận hỗ trợ một lần với tổng số tiền 150 triệu đồng, việc chữa trị của bà Tú tại bệnh viện sẽ được miễn phí hoàn toàn cho đến cuối đời, không còn phần bồi thường hằng tháng.
Đại diện cho bà Tú là ông Nguyễn Thiện Trí (chồng bà Tú) không đồng ý. Sau khi xin ý kiến bệnh viện, ông Thành đề nghị nâng mức hỗ trợ một lần lên 200 triệu đồng và điều kiện miễn phí khám, điều trị như trên nhưng ông Trí vẫn không đồng tình và đề nghị tòa xét xử.
Tại phần xét hỏi và tranh luận, ông Thành đề nghị hội đồng xét xử xem xét vì cho rằng đây là công việc của một bác sĩ đang cứu người có sai sót chuyên môn, hoàn toàn khác với việc cố ý gây thương tích cho người khác.
Hơn nữa, do thận móng ngựa là loại hiếm gặp nên tại thời điểm chẩn đoán và phẫu thuật, bác sĩ chưa nhận định được.
Hiện phía Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cũng đã hỗ trợ bà Tú với số tiền 482 triệu đồng. Do đó ông Thành đề nghị khi xét xử, tòa cần xem xét cả khía cạnh pháp lý lẫn đạo lý trong vụ việc này.
Về phía nguyên đơn, ông Trí cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình bởi bà Tú không còn khả năng lao động, ông phải chăm sóc suốt ngày nên cũng không làm được gì để có thu nhập, vì vậy đề nghị vẫn trợ cấp hằng tháng như bản án sơ thẩm.
Luật sư Lê Quang Vũ - người bào chữa miễn phí cho bà Tú - cũng cho rằng chi phí điều trị sau này cho bà Tú là rất lớn, đặc biệt là chi phí chống thải ghép thận, rất cần khoản trợ cấp hằng tháng vì hoàn cảnh của gia đình bà Tú khó khăn. Nếu không thì phải có một điều khoản để sau này bà Tú có thể khởi kiện về khoản trợ cấp này.
Sau khi nghe các bên tranh luận, hội đồng xét xử vào nghị án và sẽ tuyên án vào sáng 23-11. (Tuổi trẻ, trang 5).
Hà Nội phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017
Sáng 22-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, UBND TP Hà Nội phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) năm 2017. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của thành phố tới dự.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến ngày 30-9-2017, toàn thành phố có 20.033 người nhiễm HIV đang còn sống và 4.683 người đã tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS của Hà Nội là 266 trường hợp/100.000 dân. Toàn thành phố đã có 554/584 xã, phường, thị trấn phát hiện người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV chủ yếu ở độ tuổi từ 25 đến 49 (79,5%). Số ca HIV/AIDS không chỉ tập trung trong một số nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm..., mà đã xuất hiện ở phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân lao... Hiện nay, Hà Nội đã mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Trong 9 tháng năm 2017, Hà Nội đã phát hiện 982 trường hợp nhiễm HIV, 88 trường hợp tử vong.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch HIV/AIDS, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân cùng với nỗ lực của thành phố và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tổ chức triển khai các chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS; thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ cùng nhiều hoạt động khác: Xây dựng các mô hình truyền thông, thiết lập các mạng lưới can thiệp, tập trung vào 3 nhóm người có hành vi nguy cơ (người nghiện ma túy, người có hành vi mua/bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới); thực hiện có hiệu quả chương trình 100% bao cao su, chương trình kim tiêm sạch và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone...
Để hưởng ứng Chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu, Ngày thế giới phòng chống AIDS (1-12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 với chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020" (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình - 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV - 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác), đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm ngân sách hằng năm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Mặt khác, cần triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, mỗi nhà lãnh đạo, mỗi tổ chức xã hội, mỗi gia đình, cộng đồng cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIVAIDS; tạo điều kiện cho họ chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao ý thức phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 1).