Người dân TP. HCM sắp được khám sức khỏe định kỳ miễn phí hàng năm
Để cải thiện tình trạng sức khoẻ và phát hiện sớm bệnh cho người dân thành phố, Sở Y tế TPHCM vừa đề xuất thành phố kế hoạch khám sức khoẻ định kỳ, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm gắn với lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân giai đoạn 2023 – 2025 và những năm tiếp theo.
Khám sức khoẻ định kỳ miễn phí: Giấc mơ của triệu người dân thành phố
Một năm 2 lần, bà Nguyễn Thị Chín (49 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) lại đến Bệnh viện Quận Tân Phú khám do phát hiện bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ khuyên đi khám sức khoẻ định kỳ để được tầm soát tốt hơn. Tuy nhiên, chi phí mỗi lần khám cũng là gánh nặng do tài chính của bà Chín hạn hẹp.
“Tôi nghe nói sắp tới thành phố cho khám sức khoẻ định kỳ miễn phí, nếu chương trình được triển khai thì tôi mừng lắm. Nhiều người dân sức khoẻ yếu nhưng vì không có tiền, không có thẻ bảo hiểm y tế, việc đi khám định kỳ sẽ hiếm hơn. Thậm chí, có bệnh đau lắm mới đi”, bà Chín chia sẻ.
Dự thảo tờ trình mới đây của Sở Y tế TPHCM gửi UBND TPHCM nhận định rằng, để triển khai tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới, một trong những nội dung quan trọng là mỗi người dân đều được khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ, quản lý, điều trị và chăm sóc các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở, đồng thời thiết lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho từng người dân.
Mục đích là nhằm đảm bảo mỗi người dân TPHCM đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm.
Cũng theo Sở Y tế TPHCM, ở mỗi độ tuổi khác nhau, người dân sẽ có những nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau. Do đó, việc xác định các nhóm tuổi để lựa chọn loại hình khám sức khỏe phù hợp là điều cần thiết. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay có các hình thức khám sức khỏe theo các độ tuổi như sau:
Nhóm 1 là trẻ chưa đi học (từ 0 đến dưới 3 tuổi): Trẻ sẽ được theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ khi tiêm chủng. Nhóm 2 là trẻ mầm non, phổ thông (3 đến dưới 18 tuổi): Sử dụng biểu mẫu khám sức khỏe dành cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định.
Nhóm 3 là người lao động (từ 18 tuổi đến dưới 60 tuổi): Sử dụng biểu mẫu khám sức khỏe dành cho người trên 18 tuổi theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.
Nhóm 4 là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên.
Nếu được thông qua, dự kiến nguồn ngân sách TPHCM bố trí cho các UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức là khoảng 513 tỉ đồng.
Đề xuất khám miễn phí cần thống nhất tính bền vững và duy trì lâu dài
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, theo lý thuyết, đề xuất này tốt cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm chính là chất lượng và độ bền vững của đề xuất này, phải duy trì bởi không thể năm nay thực hiện khám cho người dân, năm sau tạm hoãn do kinh phí.
Để làm những điều trên, chất lượng nguồn nhân lực phải được đào tạo. Đồng thời, tính toán cơ sở khám phù hợp với lựa chọn của người dân, nếu cơ sở ở xa khó đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, hệ thống quản lí phải đủ mạnh để lưu trữ thông tin của người dân.
"Cuối cùng, phải tính đến tài chính và kinh phí. Không thể nào giao thêm việc mà không giao thêm người. Khi thực hiện chiến lược này, không chỉ có đội ngũ khám mà còn có nhân lực để thực hiện các công việc chuyên môn khác. Từ đó, tiến tới quản lí những đối tượng bệnh nhân cần được quản lí và quan tâm chăm sóc bởi khi khám sẽ phát sinh bệnh", bác sĩ Khanh nhận định thêm.
Nếu đề xuất được thực hiện tốt, sẽ là bước ban đầu của bác sĩ gia đình đúng nghĩa. Đặc biệt, sẽ giúp ích cho người nghèo, người không có đủ khả năng và những người chưa có hiểu biết đúng về tầm soát bệnh, tạo thành thói quen tự phát hiện bệnh sớm hoặc phát hiện bệnh sớm ở người dân. (Lao động, trang 1).
Hà Nội: Nhiều trẻ sơ sinh mới chỉ 5-7 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, dễ chẩn đoán nhầm
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang gia tăng mạnh, gần đây, các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận không ít trẻ sơ sinh mới chỉ vài ngày tuổi mắc bệnh, triệu chứng dễ nhầm lẫn…
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong 2-3 tuần trở lại đây, bệnh viện này tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh nhập viện vì mắc sốt xuất huyết (SXH). Tuy SXH là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thực tế ít gặp ở trẻ sơ sinh, vì thế việc có nhiều trẻ sơ sinh nhập viện cho thấy nguy cơ dịch đang ở mức cao.
Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, ca nhỏ tuổi nhất nhập viện vì SXH đến thời điểm này được ghi nhận là cháu V.D.A, 5 ngày tuổi, ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội). Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận cháu bé nhỏ tuổi như vậy nhập viện vì SXH.
Cháu bé này nhập viện vì triệu chứng vàng da, một ngày sau xuất hiện dấu hiệu sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với SXH trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh.
Trước đó, mẹ bé cũng bị sốt liên tục 4 ngày, có nốt phát ban, ngứa nhưng không đi khám và không làm xét nghiệm. Sau khi đưa con vào bệnh viện, mẹ bé A. xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue.
Trường hợp nhỏ tuổi thứ 2 là một bé sơ sinh 7 ngày tuổi ở phường Phúc Đồng. Trẻ được đưa đến viện vì có dấu hiệu bú kém, ngủ lì bì, tím tái. Sau đó, bé bị sốt, xét nghiệm chẩn đoán mắc SXH.
Cháu bé sơ sinh này sinh ra non tháng và chỉ nặng 2,6kg nên thể trạng yếu hơn bình thường. Sau khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhi bị suy hô hấp, có dấu hiệu cô đặc máu, được chỉ định thở ô xy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh và đặt ăn qua sonde. Sau 4 ngày điều trị, thể trạng trẻ ổn định và cai thở oxy.
Một trường hợp sơ sinh khác nhập viện vì SXH là cháu bé 16 ngày tuổi ở phường Bồ Đề (quận Long Biên). Trước đó, mẹ và bà ngoại của bé đều mắc SXH. Sau 3 ngày điều trị, bé đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Nga, với trẻ sơ sinh mắc SXH, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn với bệnh lý khác và bỏ sót.
Do vậy, các gia đình, đặc biệt là các hộ trong khu vực bệnh SXH đang lưu hành, cần cảnh giác phòng bệnh SXH bằng cách phòng tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành; loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống; vệ sinh sạch sẽ nhà cửa... (An ninh Thủ đô (trang 8).
Theo dõi và điều trị khi nhiễm khuẩn Salmonella ra sao?
Nguyên nhân của vụ ngộ độc tập thể với hơn 600 học sinh tại Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa), trong đó có 1 trường hợp tử vong, đã được xác định là do nhiễm khuẩn Salmonella. Vậy dấu hiệu nhận biết và theo dõi xử lý kịp thời khi cơ thể nhiễm khuẩn, nhiễm độc Salmonella là gì?
Salmonella được xem là một trong những vi khuẩn gây ngộ độc đường tiêu hóa phổ biến nhất ở VN. Biểu hiện của nhiễm khuẩn này là đau bụng, nôn mửa, đi lỏng, sốt, lơ mơ do mất nước và diễn tiến nặng nếu không được bù điện giải và hỗ trợ y tế kịp thời. Nặng hơn là nhiễm độc, nghĩa là vi khuẩn Salmonella đi vào hệ tiêu hóa, sau khi chết sẽ giải phóng ra độc tố. Thực phẩm nhiễm vi khuẩn chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công vào cơ thể người nhiễm.
Cần xác định chủng loại khuẩn đối với ngộ độc tập thể
Bác sĩ (BS) Võ Hữu Hội, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Nhi Đà Nẵng, cho biết đối với việc cấp cứu bệnh nhân (BN) có triệu chứng nhiễm độc đường tiêu hóa, trước hết cần đánh giá các dấu hiệu nặng đe dọa tính mạng để nhanh chóng cấp cứu kịp thời, đặc biệt là các biểu hiện sốc do mất nước hoặc sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Biểu hiện dễ thấy nhất đối với nhóm ngộ độc đường tiêu hóa là đau bụng, nôn mửa, đi tiêu lỏng, có thể sốt cao. Đối với những trường hợp chưa có biểu hiện nặng, BN cần được theo dõi bù nước, bù điện giải kịp thời, tránh mất nước.
Nếu bối cảnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc có tính chất tập thể ở trường học, hay học sinh đồng loạt nôn mửa, đau bụng, đi tiêu và sốt cao thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông báo những đối tượng liên quan để hỗ trợ y tế kịp thời.
“Nếu trẻ chỉ có triệu chứng nôn mửa, đi ngoài ít thì chỉ cần điều trị triệu chứng, đó là bù nước, bù điện giải và theo dõi. Còn nếu trẻ nôn nhiều, đi tiêu lỏng nhiều, sốt cao liên tục, tức là mức độ sốc nhiễm độc, nhiễm trùng nặng thì bắt buộc phải đi BV kịp thời để theo dõi, xử lý cấp cứu chống độc”, BS Hội cho biết.
Cũng theo BS Hội, ở bối cảnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mang tính tập thể, cần phải nhanh chóng phân lập nuôi cấy các mẫu bệnh phẩm (phân, máu…) để xác định tác nhân gây bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp. Lưu ý cấp cứu ban đầu vẫn là đánh giá mức độ nặng, xử lý theo triệu chứng, không để BN mất nước, hạ đường huyết và dùng kháng sinh khi có chỉ định để tránh trở nặng nhanh dẫn đến nguy kịch. (Thanh niên, trang 15; Tuổi trẻ, trang 14).
Bộ Y tế cử chuyên gia hàng đầu đến Khánh Hòa hỗ trợ điều trị học sinh ngộ độc
Chiều 21-11, theo tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện Bộ Y tế đã điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ công tác điều trị cho các bệnh nhân có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)... (Chi tiết xem báo (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cảnh giác: Đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội
Đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục tăng từ nay đến hết tháng 11. Sau rất nhiều lần hẹn làm việc, Báo SK&ĐS phỏng vấn ông Vũ Duy Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội về công tác chống dịch hiện nay.
PV: Nửa cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều người mắc các bệnh như adenovirus, sốt xuất huyết trong khi bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn có, theo ông, nguyên nhân vì sao?
Ông Vũ Duy Hưng: Hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt mặc dù một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, adenovirus, cúm có sự gia tăng số ca mắc bệnh theo xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam.
Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến hết ngày 10/11/2022, đã ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc COVID-19 trong năm 2022, 1.574 trường hợp mắc tay chân miệng và rải rác một vài trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác như: Dại, liên cầu lợn, viêm não nhật bản, sởi, rubella. Ngoài ra một số dịch bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa, adenovirus cũng có xu hướng gia tăng so với các năm trước.
Dự báo giai đoạn 2 tháng cuối năm này, khi thời tiết bước sang giai đoạn chuyển mùa Thu Đông sẽ là điều kiện để dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp bùng phát như cúm, quai bị, thủy đậu, sởi, rubella, adenovirus.
Tháng 11, là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết nên dự báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng theo chu kỳ. Số mắc 4 tuần gần đây dao động từ 1.200-1.300 ca mắc/tuần, tuy nhiên bệnh nhân chỉ tập trung tại một số xã, phường thuộc một số quận, huyện như: Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoàng Mai.
Nguyên nhân dẫn đến bùng phát, gia tăng dịch sốt xuất huyết trên địa bàn là thời tiết đang là "lý tưởng" cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh.
Việc thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, tâm lý người dân vẫn còn chủ quan và chưa chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy mặc dù sinh sống trong khu vực có bệnh nhân ổ dịch.
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Hà Nội. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng, bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết.
Đối với bệnh COVID-19: Mặc dù dịch đã được kiểm soát tốt, số mắc hiện tại đã giảm rõ rệt so với giai đoạn đầu năm 2022. Tuy nhiên hiện tại trung bình mỗi ngày số ca mắc mới vẫn dao động khoảng vài chục ca/ngày do sự biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng khả năng lây nhiễm.
Kết quả giám sát của CDC Hà Nội cho thấy trên địa bàn ngoài các biến thể Omicron BA.4, BA.5 lưu hành phổ biến, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện các biến thể tái tổ hợp mới như BE, BF, BQ của biến thể Omicron.
Mặt khác, do tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân sau khi cả nước đã kiểm soát được dịch nên đã không thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo như đeo khẩu trang, tiêm chủng vaccine phòng bệnh mũi nhắc lại tạo điều kiện cho dịch bệnh có khả năng tiếp tục lây truyền trong cộng đồng.
PV: Ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội đã vượt đỉnh dịch, Sở Y tế Hà Nội phát cảnh báo đến người dân như thế nào? Có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên công bố dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, ông bình luận gì về vấn đề này?
Theo số liệu giám sát trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 2017-2021) trung bình mỗi năm, Hà Nội ghi nhận khoảng 12.900 trường hợp mắc bệnh, năm có dịch với số mắc cao là 2017 với 35.665 trường hợp, năm 2019 với 12.225 trường hợp.
Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).
Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, Y tế Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch và cảnh báo đến người dân như sau:
- TP đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết; thường xuyên cập nhật, đánh giá diễn biến tình hình dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam và Hà Nội để đưa ra những chỉ đạo kịp thời đến các địa phương. Công tác xây dựng kế hoạch theo từng tình huống dịch đã được TP, Sở Y tế và các đơn vị xây dựng và ban hành ngay từ đầu năm.
- Chủ động tuyên truyền cho người dân về nguy cơ và các biện pháp chống dịch sốt xuất huyết, tổ chức hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết trên quy mô TP vào ngày 15/6/2022 tại huyện Thanh Trì.
- Với bệnh sốt xuất huyết, TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và nhân dân cùng tham gia.
Các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm; củng cố các đội giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy hoạt động thực chất và hiệu quả.
- Tăng cường công tác truyền thông đến tận từng hộ gia đình với nhiều hình thức truyền thông…; Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về các biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy ở nhà cũng như ở trường học, truyền thông về triệu chứng của bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh nặng, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.
- Về chuyên môn y tế:
+ Thực hiện giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát phát hiện sớm, giám sát véc tơ (muỗi/loăng quăng, bọ gậy) để đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể, phát hiện sớm người bệnh, ổ dịch để xử lý kịp thời
+ Tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy và các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hàng tuần.
+ Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng, Mục đích: Chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.
+ Chỉ đạo các bệnh viện và các cơ sở khám chưa bệnh trong và ngoài công lập thường xuyên tập huấn, cập nhật các kiến thức về điều trị SXH.
+ Phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh, chuyển tuyến an toàn.
+ Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử, máu…để điều trị kịp thời cho người bệnh.
Mặc dù số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vượt ngưỡng cảnh báo dịch, nhưng đây không phải là bất thường vì theo xu hướng dịch hàng năm, tính chu kỳ 5 năm kể từ năm 2017, và có những năm đã ghi nhận số mắc cao hơn như 2017 (37.665 trường hợp); 2015 (15.412 trường hợp); 2009 (16.090 trường hợp). Hiện nay, ngành Y tế đang phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp để triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
UBND TP và UBND các quận, huyện, thị xã đều chủ động bố trí riêng nguồn kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết thông qua các đề án chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Đây có thể nói là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Chấm điểm thi đua cuối năm nếu đơn vị khám, chữa bệnh để xảy ra tình trạng người bệnh sốt xuất huyết quá tải
PV: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã phải nằm ghép cục bộ ở một số bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã có chỉ đạo phân luồng sớm nhưng tại nhiều nơi có tình trạng nằm ghép, y tế Hà Nội có giải pháp triệt để và quy trách nhiệm lãnh đạo BV ra sao? Tình hình thuốc, dịch truyền điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết có thiếu không?
Theo báo cáo của các BV, số người bệnh mắc sốt xuất huyết phải nằm điều trị nội trú tại các BV tính đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 1.400 người bệnh. Trong đó số ca có diễn biến có triệu chứng nặng chiếm khoảng 5% (70-80 ca) như vậy năng lực điều trị của các bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh (hơn 1.300 giường bệnh hồi sức cấp cứu trên toàn bộ địa bàn TP).
Sở Y tế chỉ đạo 4 BVĐK hạng I, BV chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế trong toàn hệ thống y tế TP (bao gồm các đơn vị công lập và ngoài công lập) về phác đồ chẩn đoán, điều trị người bệnh sốt xuất huyết để các đơn vị nâng cao năng lực, chủ động được trong các tình huống dịch nếu có bùng phát.
Phối hợp với các chuyên gia của BV Nhiệt đới Trung ương tổ chức 1 buổi bình bệnh án đối với một số người bệnh sốt xuất huyết tử vong. Phân tích, đánh giá các nguy cơ; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng.
Đồng thời có hướng dẫn, khuyến nghị nhân viên y tế các trường hợp tiếp nhận người bệnh nhập viện kịp thời; mặt khác, tư vấn cho người bệnh nhẹ tự theo dõi tại nhà, không gây tình trạng quá tải bệnh viện.
Từ kinh nghiệm của mô hình, phân tuyến, phân tầng điều trị người bệnh COVID-19 trong 2 năm vừa qua, Sở Y tế giao các BV trên địa bàn phải chủ động đáp ứng việc điều trị người bệnh tại chỗ; đảm bảo đủ nguồn thuốc, vật tư, dịch truyền để điều trị người bệnh.
Thường xuyên phối hợp, hội chẩn giữa các tuyến để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong công tác điều trị; hội chẩn, trao đổi thông tin về tình trạng người bệnh nặng cần chuyển tuyến để chủ động và đảm bảo chuyển tuyến người bệnh an toàn.
Sở Y tế sẽ đánh giá vào điểm thi đua cuối năm nếu đơn vị khám chữa bệnh để xảy ra tình trạng người bệnh sốt xuất huyết quá tải, không được chăm sóc, điều trị đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện nay, Sở Y tế chưa ghi nhận việc các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị.
Sở Y tế Hà Nội thiết lập hệ thống báo cáo công tác điều trị đối với người bệnh COVID-19, người bệnh sốt xuất huyết hàng ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh. Kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình người bệnh và các khó khăn vướng mắc của đơn vị để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
PV: Thưa ông, hiện nay Hà Nội có phải đang ở thời điểm dịch chồng dịch hay không?
Thời điểm này, mặc dù có một số dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố ghi nhận số mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2021 như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh do adenovirus, cúm bên cạnh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đây đều là các dịch bệnh lưu hành địa phương (với số mắc hàng năm dao động từ vài trăm đến vài nghìn trường hợp) và đều đang được giám sát chặt chẽ và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một số dịch bệnh đã và đang có xu hướng giảm như tay chân miệng, bệnh do Adenovirus và sẽ được khống chế trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông! (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Các thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ và lưu ý khi dùng
Trẻ mắc tiêu chảy nếu không được điều trị kịp thời có thể bị suy kiệt, li bì, co giật, hôn mê... Vậy, điều trị ra sao để tránh những biến chứng nguy hiểm này?
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ
Tiêu chảy cấp là một bệnh đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ. Đa phần nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em là do:
- Virus: Rotavirus, Adenovirus, Norwalkvirus.
- Vi khuẩn: E.coli, lỵ trực khuẩn, amip hoặc ngộ độc thực phẩm bởi độc tố của vi khuẩn nhiễm trong thực phẩm bị ôi thiu hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh.
- Viêm đại tràng do Shigella, C.Difficile…
- Do dùng thuốc kháng sinh.
- Dị ứng đạm sữa bò, không dung nạp đường lactose…
2. Triệu chứng tiêu chảy cấp
Trẻ bị tiêu chảy cấp thường có biểu hiện:
Đi ngoài phân lỏng bất thường ít nhất ba lần trong khoảng 24 giờ. Thông thường, các triệu chứng tiêu chảy không quá 14 ngày.
Đau bụng, nôn.
Trẻ có thể sốt.
Trường hợp nặng có thể bị mất nước dẫn đến sụt cân, li bì, bỏ bú, mắt trũng, miệng khô, da mất đàn hồi…
Có thể có co giật sốt cao hoặc rối loạn điện giải.
3. Các thuốc dùng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ
3.1. Bù nước điện giải
Tiêu chảy nhiều, nếu không được bù đủ nước có thể khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải, suy kiệt, thậm chí tử vong. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy ở trẻ là bù nước và điện giải.
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc bù nước điện giải cần tùy theo mức độ trẻ tiêu chảy thế nào. Có thể sử dụng dung dịch oresol pha đúng tỷ lệ để bù nước và điện giải cho trẻ. Pha quá loãng có thể làm mất tác dụng mà pha quá đặc thì lại làm tăng hàm lượng muối khiến cơ thể càng thiếu nước, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Ngoài ra có thể cho trẻ uống nước lọc, nước dừa, nước cháo muối pha loãng…
3.2. Men vi sinh
Men vi sinh có thể giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy khoảng 01 ngày. Tuy nhiên, không phải chủng men vi sinh nào cũng có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp.
3.3. Bổ sung kẽm
Khi trẻ bị tiêu chảy có thể cho uống kẽm để bổ sung lượng đã mất và phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, liều lượng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
3.4. Thuốc hạ sốt
Có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Thuốc an toàn thường được dùng là acetaminophen (paracetamol). Liều lượng 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ/lần và không quá 6 lần trong 1 ngày.
Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm tiết nước trong phân như racecadotril hoặc diosmectite. Các thuốc này giúp bảo vệ niêm mạc ruột.
4. Sai lầm khi điều trị tiêu chảy cho trẻ
4.1. Cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy nhiều lần, đã cho con uống thuốc cầm tiêu chảy loperamide với mong muốn con mau khỏi. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Việc đi ngoài phân lỏng cũng là một cách cơ thể đào thải chất độc, vi khuẩn gây bệnh trong người. Trong khi đó, thuốc cầm tiêu chảy lại khiến virus, vi khuẩn không thải được ra ngoài mà bị ứ trệ lâu hơn trong đường tiêu hóa. Từ đó khiến bệnh nặng hơn và khó xử trí hơn, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc…
4.2. Cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn domperidone
Nhiều trẻ bị tiêu chảy có các triệu chứng buồn nôn và nôn. Chính vì thế, nhiều bậc cha mẹ lại tự ý mua các thuốc chống nôn cho trẻ uống như domperidone. Tuy nhiên, thuốc này cần được chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc từ các nhà chuyên môn. Việc cho con uống thuốc chống nôn mà chưa rõ nguyên nhân và chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh nặng thêm.
Không những thế, do có tác dụng phụ nguy hiểm lên tim mạch nên một số nước đình chỉ dùng loại thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi.
4.3. Thuốc kháng sinh có tác dụng trong trị tiêu chảy không?
Nhiều người cho rằng kháng sinh là một thuốc trị bách bệnh. Do đó, khi con tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ đã tự ý mua kháng sinh về cho con uống. Họ không biết được rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong đa số các trường hợp tiêu chảy.
Kháng sinh chỉ dùng trong các trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn. Tuy nhiên, những trường hợp này việc dùng kháng sinh nào, dùng ra sao cũng cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Việc tự ý cho con dùng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh… không những không khỏi được bệnh mà còn có thể gây rối loạn lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
3.4. Men tiêu hóa
Men tiêu hóa cũng được nhiều cha mẹ cho con uống khi con bị tiêu chảy. Tuy nhiên, men tiêu hóa lại không có nhiều tác dụng trong trị tiêu chảy. Tùy theo từng trường hợp mà có cách dùng men tiêu hóa khác nhau. Với trẻ bị tiêu chảy nếu chỉ dùng men tiêu hóa có thể khiến trẻ mất nước và làm bệnh nặng hơn. Do vậy, cần sử dụng men tiêu hóa theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
4.5. Kiêng cữ quá mức
Nhiều cha mẹ quan niệm rằng tiêu chảy phải ăn uống kiêng khem mới nhanh khỏi, do đó đã không dám cho con ăn thức ăn bổ dưỡng sợ không hấp thu được. Trẻ chỉ được uống nước lọc, ăn cháo muối… Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm.
Khi trẻ bị tiêu chảy khiến cơ thể mất các chất dinh dưỡng, do đó để trẻ nhanh hồi phục, tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ chất và khoa học. Nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Bột đường (gạo, khoai…), đạm (thịt gà nạc, lợn nạc, cá nạc sữa…), chất béo (dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (rau củ quả tươi…)…
5. Làm thế nào điều trị an toàn?
Để điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ an toàn, hiệu quả các bậc cha mẹ cần:
- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Uống thuốc đúng theo đơn đã được kê.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường (mệt lả, li bì khó đánh thức, co giật, bỏ bú hoặc bỏ uống, khát nước dữ dội, nôn tất cả mọi thứ, khó thể ngồi hoặc đứng dậy, tiểu rất ít, chưa đi tiểu sau 6-8h, phân có máu, sốt kéo dài trên 72 giờ…) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11).