TPHCM: Nhiều vaccine tiêm chủng mở rộng đã hết
Ngày 22-11, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã hết các vaccine: bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT), bại liệt (IPV) viêm gan B (VGB), vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ (DPT-VGB-Hib).
Các vaccine khác như sởi, bại liệt dạng uống (bOPV), lao (BCG), sởi và rubella (MR), uốn ván, viêm não Nhật Bản còn rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới.
Chiều cùng ngày, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể được cung ứng trở lại là cuối tháng 11-2023, còn các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12-2023 (Sài Gòn giải phóng, trang 11).
Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 10%
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Bộ Y tế cho biết, mức giá này được áp dụng từ ngày 17/11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế. Nhìn tổng thể, mức giá điều chỉnh các dịch vụ tăng khoảng 10%.
Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108) tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng. Giá khám tại các Trạm Y tế xã nâng từ 27.500 lên 30.100 đồng. Mức tăng ở bệnh viện hạng I từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng; bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng. Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu cũng ghi nhận mức tăng theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể như ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)...
Giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc cũng tăng khoảng trên dưới 10% tùy thuộc vào hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường bệnh này của hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng (tăng 85.500 đồng), giá ở hạng I là 786.00 đồng (tăng 80.700 đồng), hạng II là 673.900 đồng (tăng 71.900 đồng). Giá xét nghiệm và kĩ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Đơn cử, giá dịch vụ siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng. Chụp CT Scanner đến 32 dãy có thuốc cản quang tăng từ 632.000 đồng tới 643.000 đồng...
Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính cho 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% giá dịch vụ ngày giường bệnh theo từng loại chuyên khoa quy định. Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 4 giờ đến dưới 24 giờ thì được tính là 1 ngày điều trị.
Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 4 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kĩ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu; trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kĩ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú. Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.
Bộ Y tế cũng cho rằng, tác động của việc tăng giá đối với nhóm người tham gia bảo hiểm y tế là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100%, sẽ “không bị ảnh hưởng”. Với đối tượng phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoảng tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở (Tiền phong, trang 10).
Ngăn chặn tình trạng kháng thuốc
Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc (từ ngày 18 đến 24/11) với chủ đề “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương cùng các đối tác quốc tế triển khai nhiều hoạt động.
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không điều trị được. Nhận thức về những tác hại của kháng thuốc, những năm qua, các bộ, ngành liên quan đã cam kết và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này.
Việt Nam là một trong sáu nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc từ năm 2013 và đã đạt được nhiều kết quả, phù hợp kế hoạch hành động toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về kháng thuốc.
Đến nay, hệ thống giám sát kháng thuốc được thiết lập, duy trì với sự tham gia của 58 bệnh viện và tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc toàn cầu; thiết lập và duy trì ba phòng xét nghiệm tham chiếu về giám sát kháng thuốc; theo dõi quản lý sử dụng kháng sinh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã thực hiện ba vòng giám sát kháng kháng sinh chủ động trên gà và lợn tại 15 tỉnh, thành phố; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thuốc thú y.
Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn còn cao. Hậu quả trực tiếp của kháng thuốc trên người bệnh là hạn chế số lượng phương pháp và thuốc điều trị, kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện, chi phí khám, chữa bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Kháng thuốc được Tổ chức Y tế thế giới công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm năm 2021 mà thế giới phải quan tâm.
Trong thực phẩm và nông nghiệp, kháng thuốc gây ra rủi ro cho hệ thống lương thực, sinh kế và nền kinh tế. Bên cạnh tác động tiêu cực trực tiếp đến động vật, dịch bệnh ở động vật cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lương thực, an ninh lương thực và sinh kế của người nông dân. Hơn nữa, kháng thuốc có thể lây lan giữa các vật chủ và môi trường khác nhau, đồng thời các vi sinh vật kháng thuốc có thể làm ô nhiễm chuỗi thức ăn.
Điều này làm cho kháng thuốc trở thành một vấn đề vượt qua ranh giới ngành. Thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, vệ sinh, tiêm phòng và các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khác là rất cần thiết để giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật. Việc thực hành nông nghiệp tốt và quản lý vi sinh vật gây hại và cung cấp một cách tiếp cận toàn hệ thống để giữ cho cây trồng khỏe mạnh và chỉ sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc chống vi sinh vật như là lựa chọn cuối cùng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Nhiều thách thức vẫn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ: Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; các nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.
Để đạt được mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng tình trạng kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành và các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng như mọi người dân. Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc (từ ngày 18 đến 24/11) là một chiến dịch toàn cầu được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc, đồng thời khuyến khích các thực hành tốt trong cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan theo tiếp cận Một Sức khỏe - những người đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự xuất hiện và lan rộng của kháng thuốc.
Ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật và thực vật.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn; luôn tuân thủ lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác (Nhân dân, trang 8).
Gạ người già mua thuốc đông y, khám bệnh miễn phí rồi chiếm đoạt tiền tỷ
Mua thông tin hồ sơ y tế cá nhân và số điện thoại của hàng ngàn bệnh nhân là người già mắc bệnh mãn tính về xương khớp, mất ngủ, Nguyễn Văn Tâm đã chỉ đạo nhóm nhân viên giả danh bác sĩ, thanh tra y tế, dùng sim rác để gọi điện mời mua thuốc đông y, thực phẩm chức năng và tham gia Chương trình hỗ trợ điều trị, khám chữa bệnh miễn phí để lừa đảo. Trong đó, một cụ bà ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng. Ngày 22/11, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã ra quyết định khởi tố đối với 10 bị can: Nguyễn Văn Tâm (SN 1999), Nguyễn Văn Quang (SN 2004), Ngô Đức Nghĩa (SN 2001), Ngô Việt Hoàng (SN 2002), Bùi Mạnh Hùng (SN 2002), Ngô Anh Đức (SN 2005), Nguyễn Xuân Bách (SN 2000), Bùi Văn Thuận (SN 1999) cùng có HKTT ở Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định; Trịnh Việt Hoàng (SN 2001), HKTT Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định và Nguyễn Như Tâm (SN 1999), HKTT Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của bà Trần Thị D tố giác về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo với hình thức gọi điện mời mua thuốc đông y, tham gia Chương trình hỗ trợ chi phí khám sức khỏe miễn phí và lừa đảo, chiếm đoạt của bà gần 1,2 tỷ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khẩn trương vào cuộc, tổ chức điều tra và xác định được nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà D do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu. Cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ nhóm đối tượng trên ngay tại căn hộ chúng thuê trọ và làm trụ sở lừa đảo.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Tâm khai nhận, đã thuê nhóm nhân viên nói trên tham gia đường dây lừa đảo. Trong đó, Nguyễn Văn Quang được giao quản lý tài khoản ngân hàng mang tên Quang để nhận tiền lừa đảo.
Để chuẩn bị cho kế hoạch lừa đảo của mình, đối tượng Nguyễn Văn Tâm đã mua các loại thực phẩm chức năng có hỗ trợ về xương khớp và mất ngủ với giá 30 nghìn đồng/hộp và mua các loại điện thoại giá rẻ cùng nhiều sim rác điện thoại không chính chủ, giao cho các nhân viên làm phương tiện liên lạc, gọi điện mời chào khách hàng.
Đặc biệt, Tâm đã mua thông tin y tế và số điện thoại của các bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, mất ngủ (gồm tên, tuổi, địa chỉ, loại thuốc xương khớp, mất ngủ đã mua; số tiền khách đã bỏ ra để mua thuốc….) với giá 1 nghìn đồng cho 1 số điện thoại. Sau đó, Tâm giao cho nhóm nhân viên trực tiếp gọi điện mời chào mua thuốc đông y, thực phẩm chức năng điều trị xương khớp, mất ngủ và mời tham gia "Chương trình Nhà nước hỗ trợ chi trả 80% chi phí thuốc điều trị và tặng thẻ khám chữa bệnh miễn phí" để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Để "câu" được nhiều khách, Nguyễn Văn Tâm đã cho chạy quảng cáo các loại sản phẩm thuốc đông y trên mạng xã hội và giao cho mỗi nhân viên từ 50-100 thông tin y tế và số điện thoại của các bệnh nhân xương khớp, mất ngủ để gọi điện mời chào. Đa số những khách hàng này đều là những người già, mắc bệnh mãn tính xương khớp, mất ngủ lâu năm.
Thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi, chúng giả danh là bác sĩ, thanh tra y tế, đánh vào tâm lý sợ đau ốm, yếu mệt của người già để mời mua thuốc đông y, thực phẩm chức năng và mời tham gia Chương trình “Những người uống thuốc đông y lâu năm sẽ được Nhà nước chi trả 80% số tiền mua thuốc và được tặng 1 thẻ khám chữa bệnh miễn phí của các bệnh viện Trung ương”. Chương trình này do bọn chúng tự nghĩ ra.
Nhóm đối tượng còn ngon ngọt dụ dỗ các nạn nhân: "Nếu đồng ý tham gia chương trình thì sẽ được làm hồ sơ hỗ trợ thăm khám bệnh và gửi thuốc chữa bệnh xương khớp, mất ngủ đến tận nhà. 10 ngày sau, Hiệp hội Thanh tra y tế sẽ về thăm khám và chi trả 80% số tiền khám và thuốc điều trị như đã hứa". Để tham gia chương trình, chúng yêu cầu mỗi bị hại phải đóng tiền tạm ứng làm hồ sơ từ 1 – 3 triệu đồng. Sau khi bị hại đồng ý tham gia, Nguyễn Văn Quang sẽ đóng gói bưu phẩm gồm thuốc chữa bệnh xương khớp, thẻ bảo hành giả ghi tên khách hàng bên trên có đóng dấu gửi cho bị hại thông qua dịch vụ COD (thu tiền hộ) của một Công ty dịch vụ bưu điện chuyển phát hàng hóa và nhân viên chuyển phát có trách nhiệm thu hộ từ 1 – 3 triệu đồng của bị hại.
Để khích lệ tinh thần các nhân viên, Nguyễn Văn Tâm thống nhất, nếu lừa đảo được khách số tiền dưới 100 triệu đồng thì nhân viên sẽ được chia 20% số tiền lừa đảo. Nếu lừa đảo được trên 100 triệu đồng thì nhân viên sẽ được hưởng 30%. Bước đầu, cơ quan Công an xác định, với thủ đoạn trên, nhóm đối tượng lừa đảo do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu đã lừa 5 bị hại, chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng của các nạn nhân.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm cũng làm rõ, ngoài lừa đảo với thủ đoạn trên, nhóm đối tượng còn tiếp tục gọi điện lừa đảo các nạn nhân về việc “làm sổ thăm khám định kỳ, được cấp phát thuốc miễn phí, mỗi tháng Nhà nước hỗ trợ 2,8 triệu đồng trong vòng 5 năm”. Ngoài ra, bản thân đối tượng cầm đầu Nguyễn Văn Tâm còn giả danh Giám đốc Ngân hàng có số tài khoản các nạn nhân đã chuyển tiền để yêu cầu đóng tiền VAT và nại ra nhiều lý do để yêu cầu các nạn nhân tiếp tục chuyển tiền cho đến khi không còn khả năng đóng tiền hoặc phát hiện bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng (Công an nhân dân, trang 7).
Cần giảm thủ tục phiền hà khi chuyển viện theo bảo hiểm y tế
Bên cạnh việc cải thiện thủ tục chuyển viện theo bảo hiểm y tế (BHYT) lên tuyến trên hoặc về tuyến dưới còn nhiều phức tạp và mất thời gian, để người bệnh có thêm sự yên tâm, thoải mái cần có sự chăm chút tốt hơn cho y tế cấp cơ sở.
Đây là ý kiến của nhiều phía khi bàn về những vất vả của người bệnh liên quan đến việc chuyển viện.
Thủ tục chuyển viện là cần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết hiện nay người bệnh muốn chuyển tuyến bắt buộc phải có giấy chuyển viện của nơi đăng ký BHYT. Giấy chuyển tuyến này sẽ cung cấp các thông tin như tình trạng bệnh nhân, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin thuốc, phương pháp thủ thuật, kỹ thuật đã sử dụng cho người bệnh.
Các thông tin này rất quan trọng khi tiếp nhận ban đầu tại tuyến trên. Khi người bệnh được chuyển về tuyến dưới thì giấy chuyển viện cũng là căn cứ để có thể không cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội.
Ngoài ra, việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người bệnh và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn lên hết tuyến trên. Việc này còn giúp tránh tạo khoảng cách về chuyên môn kỹ thuật giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Tấn Phước - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cũng cho rằng giấy chuyển viện là một trong những yêu cầu then chốt để tránh "vỡ trận" cho các bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, nếu tuyến dưới không có người bệnh thì không thể nâng cao được năng lực chuyên môn, phát triển kỹ thuật.
"Nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng hình thức chuyển viện, bác sĩ gia đình quản lý khu phố nếu muốn chuyển lên tuyến trên phải có ý kiến của bác sĩ gia đình", bác sĩ Phước thông tin.
Nhưng cũng khá máy móc
Mới đây, tại hội nghị do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế kể về trường hợp có bệnh nhân ở tuyến dưới được chẩn đoán mắc polyp dạ dày, xin chuyển lên tuyến trên để cắt polyp.
Tuy nhiên, khi thực hiện thủ thuật xong thì bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Lúc này, BHXH lại yêu cầu hướng dẫn bệnh nhân trở về nơi khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển viện điều trị ung thư dạ dày để được hưởng BHYT đúng tuyến. Điều này gây phiền toái rất lớn cho cả người bệnh và bệnh viện.
Thậm chí, khi người bệnh về lại cơ sở y tế tuyến dưới, tuyến dưới giữ lại làm các xét nghiệm, nằm viện một vài ngày rồi mới chuyển lên tuyến trên gây mất thời gian cho bệnh nhân và tốn kém thêm các chi phí xét nghiệm, điều trị không cần thiết.
Theo ông Trần Văn Khoa - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đã nêu rất rõ trong thông tư 14. Với câu chuyện mà Bệnh viện Trung ương Huế nêu thì cách xử lý khá máy móc và không có trong quy định.
"Các bệnh viện cần nắm rõ quy định về chuyển tuyến hưởng BHYT để thực hiện. Đồng thời, khi có vướng mắc cần thông tin với BHXH để được hướng dẫn, triển khai đúng quy định", ông Khoa nói.
Anh Nguyễn Văn Toàn, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết người nhà anh có BHYT đi khám ở một bệnh viện tại Cần Thơ (nơi đăng ký khám BHYT ban đầu) nhưng sau đó bác sĩ kêu phải nhập viện để phẫu thuật can thiệp mạch vành.
Gia đình muốn xin lên bệnh viện ở TP.HCM để phẫu thuật nhưng xin giấy chuyển khá vất vả khi bác sĩ giải thích ở Cần Thơ cũng phẫu thuật được nên không được chuyển dù sau đó cũng xin được giấy chuyển viện.
"Tuy nhiên sau khi phẫu thuật về phải đi tái khám, bệnh viện tuyến trên yêu cầu cũng phải có giấy chuyển viện, còn bệnh viện ở Cần Thơ nói phải nhập viện ở Cần Thơ (một lần nữa - PV) mới cho giấy chuyển viện được...", anh Toàn nói.
Cần liên thông dữ liệu tốt hơn
Khẳng định giấy chuyển viện là không thể bỏ được, nhưng theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, hiện chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu, hồ sơ của bệnh nhân. Do đó, có thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục cho người bệnh và có thể liên thông được giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
"Tuy nhiên, khi triển khai hình thức này cần lưu ý phải có hệ thống công nghệ thông tin đồng đều giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng để thủ tục chuyển tuyến được nhanh gọn, tránh gây phiền hà cho người dân, các cơ sở y tế cần đảm bảo thực hiện đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải thủ tục.
Bác sĩ Cao Tấn Phước cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đơn giản thủ tục chuyển viện để tránh gây phiền toái, tốn thời gian và công sức của người bệnh. Vì vậy, việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin chung, liên thông, đồng bộ dữ liệu bệnh án giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, các tỉnh thành là rất cần thiết (Tuổi trẻ, trang 2).
Sẽ dần số hóa giấy chuyển viện
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Bộ Y tế cho biết nhận được yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, nhiều người dân có ý kiến việc xin giấy chuyển viện, chuyển tuyến là thủ tục hành chính nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh.
Tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa 5 cũng có những ý kiến đề nghị xem xét, hủy bỏ giấy chuyển viện, chuyển tuyến.
Ngày 10-11, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các vụ, cục liên quan. Kết quả: 100% các đơn vị tham gia cuộc họp đều thống nhất cần giữ giấy chuyển tuyến, chuyển viện (với những lý do đã nêu trong bài viết này - PV).
Về chi phí y tế, giấy chuyển tuyến liên quan đến quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, không có sẽ khó quản lý chi phí. Tuy nhiên trước những bất cập mà loại giấy này đang gây ra, Bộ Y tế cho rằng sẽ dần chuyển đổi số giấy chuyển tuyến, chuyển viện theo lộ trình trên cơ sở hạ tầng của Bộ Y tế và ngành bảo hiểm.
Trước mắt để tạo thuận lợi hơn cho người bệnh, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo xuyên suốt toàn ngành, cấm hành vi gây khó khăn cho người dân khi cần chuyển viện, chuyển tuyến. Chuyển đổi dần sang giấy chuyển tuyến điện tử thay cho bản giấy.
Bộ Y tế cũng sẽ sớm phối hợp với ngành bảo hiểm sửa đổi, thống nhất một số thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho người bệnh như thủ tục dấu vuông trong ngày nghỉ, ngày lễ khi chuyển viện, chuyển tuyến (Tuổi trẻ, trang 2).