Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự ngày ‘Chủ nhật đỏ'; Quảng Bình: Đẩy mạnh tầm soát dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số; Triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong dịp tết; ...

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự ngày ‘Chủ nhật đỏ'

Sáng 21-1, ngày hội chính của chương trình “Chủ nhật đỏ” lần thứ X - 2018 do báo Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiều nguồn lực đã được ưu tiên dành cho lĩnh vực y tế. “Chủ nhật đỏ” là một chương trình ý nghĩa mang đậm tính nhân văn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sáng kiến tổ chức chương trình “Chủ nhật đỏ” của các đơn vị. Chương trình đã tiếp thêm hy vọng sống cho hàng vạn bệnh nhân trên cả nước, giúp nhiều bệnh nhân được trở về đoàn viên với gia đình, thân nhân trong dịp Tết nguyên đán đang cận kề.

Bày tỏ xúc động trước tấm gương những người tình nguyện hiến máu, đặc biệt là những người hiến máu nhiều lần, hiến máu khẩn cấp, những người vừa hiến máu vừa vận động người khác hiến máu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các ngành, các cấp, tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, đơn vị tổ chức hiến máu và những tình nguyện viên tham gia vận động người dân tích cực hiến máu. (Pháp luật TP.HCM ngày 22/1, trang 4).

 

Quảng Bình: Đẩy mạnh tầm soát dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số

Trong những năm qua, công tác DS - KHHGĐ Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phần lớn người dân đã chấp nhận thực hiện quy mô gia đình 2 con để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chất lượng dân số từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, công tác DS - KHHGĐ hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Chưa đạt mức sinh thay thế

Năm 2017, tỷ suất sinh là 14,920/oo, giảm 0,610/oo so với năm 2016; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 13,84%, giảm 0,81%; tổng các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 41.859 người, đạt 103% kế hoạch... Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ được tiếp tục duy trì thường xuyên tại các trạm y tế có đủ điều kiện; các dự án, đề án, mô hình, như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên hiện nay, toàn quốc đã đạt được mức sinh thay thế, định hướng chuyển trọng tâm DS - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Trong khi các tỉnh, thành đã đạt mức sinh thay thế và đang tập trung nguồn lực nhằm giải quyết về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số, Quảng Bình vẫn là địa phương chưa đạt được mức sinh thay thế, chất lượng dân số còn hạn chế, nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn bất cập... Những năm gần đây, mức sinh của Quảng Bình còn cao. Tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng chậm và chưa thật vững chắc, đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương. Cụ thể, thị xã Ba Đồn, tỷ lệ con thứ 3 chiếm 20,6%, Lệ Thủy 19,9%, Tuyên Hóa 19,4%, Minh Hóa 19,3%. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2015 là 2,22 con, tăng lên 2,35 con năm 2016 (để đạt mức sinh thay thế là bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con).

Tỉ số giới tính khi sinh tại Quảng Bình so với các tỉnh, thành khác trên cả nước không cao nhưng lại có xu hướng mất cân đối ở một số địa phương, Theo thống kê chuyên ngành của Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thị xã, tỷ số giới tính khi sinh Quảng Bình năm 2017 là 108 trẻ trai/100 trẻ gái, có giảm so với năm 2016. Một số địa bàn, tỉ số này đang khá cao, như: TP Đồng Hới 122 trẻ em nam/100, huyện Bố Trạch 115/100 trẻ em nữ, huyện Tuyên Hoá, Quảng Ninh 113/100. Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Quảng Bình xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, cả miền xuôi cũng như miền ngược.

Ngoài ra, việc triển khai các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số ở địa phương còn rời rạc, chưa thường xuyên, kinh phí đầu tư cho các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số còn hạn hẹp, chưa mở rộng được địa bàn triển khai của các mô hình, đề án. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Tình trạng nam nữ thanh niên tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số dân tộc ít vẫn còn tồn tại, để lại những hậu quả, hệ lụy làm giảm chất lượng dân số của các thế hệ tương lai.

Những khó khăn thách thức trên đòi hỏi Quảng Bình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện công tác dân số trong thời gian tới trên cả 3 lĩnh vực quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tại Quảng Bình, theo số liệu từ Sở LĐTB&XH, ước tính mỗi năm có khoảng 250 trẻ em (khoảng 2%) bị dị tật bẩm sinh được sinh ra, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nhiều lần nếu như không có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chi Cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ Quảng Bình cho biết: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại Quảng Bình trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ từ năm 2009 đến nay với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ và Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh thuộc Trường ĐH Y - Dược Huế.

Qua thời gian thực hiện, nhận thức của người dân đã có sự cải thiện đáng kể, số trẻ em và phụ nữ mang thai được tư vấn và tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh tăng dần qua các năm. Trong năm 2017, với tổng số gần 500 ca sàng lọc sơ sinh đã phát hiện 7 ca có nguy cơ cao thiếu men G6PD và 1 ca suy giáp bẩm sinh. Tuy nhiên, so với tổng số phụ nữ mang thai và trẻ sinh ra trong năm, số lượng thai phụ và trẻ sơ sinh được sàng lọc còn hạn chế, có thể là do nhiều người còn e ngại khi thực hiện sàng lọc. Sự e ngại này bắt nguồn từ các quan niệm xã hội và sự hiểu biết chưa đầy đủ, chưa sâu về tính nhân văn cũng như tính khoa học của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị và yếu tố nhân lực ở các cơ sở y tế tại các tuyến cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tính toàn diện khi triển khai thực hiện chương trình.

Trước thực trạng đó, để nâng cao chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cần có cơ chế, chính sách phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện như: Hỗ trợ nguồn lực và dần thực hiện xã hội hóa các dịch vụ sàng lọc trước sinh - sơ sinh để người dân tự chi trả một phần chi phí nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách. Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế - dân số về kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, thực hiện kỹ thuật dịch vụ; tập trung truyền thông, vận động, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình Sàng lọc trước sinh - sơ sinh. Các thai phụ và sản phụ cần được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, coi đó là phương châm phòng bệnh sớm, can thiệp sớm và là chiến lược sức khỏe con người; chú trọng sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đối với chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong dịp tết

Ngày 22-1, Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ ngành Y tế để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018… (Nhân dân, trang 5).

 

Cứu một cháu bé bị ngưng tim, ngưng thở

Ngày 22-1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết các bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện này vừa cứu sống cháu P.H.T 15 tuổi ngụ Q4, TP.HC, nhập viện trong tình trạng người tím tái, ngưng tim, ngưng thở do bị lên cơn suyễn. Bệnh nhi được chẩn đoán suyễn, lên cơn nguy kịch, diễn tiến nhanh.

Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi, cho bệnh nhân nhi thở máy và điều trị tích cực suyễn cho bệnh nhi… (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bắt kế toán trạm y tế trục lợi hàng chục triệu tiền BHYT

Vừa qua, Công an huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Huỳnh Thị Chúc Linh (27 tuổi, ngụ ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) lấy thẻ BHYT của người thân tự ý kê lập hàng trăm đơn thuốc để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Theo điều tra ban đầu, vào khoảng năm 2012, Linh được tuyển dụng vào làm việc tại Trạm Y tế xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần. Đến tháng 1/2017 thì được phân công giữ nhiệm vụ kế toán của trạm.

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, từ tháng 01 đến tháng 9/2017, Linh sử dụng 19 thẻ BHYT của người thân để tự ý lập 229 đơn thuốc và bản kê chi phí khám bệnh để chiếm đoạt số thuốc trong các bảng kê, gây thiệt hại cho cơ quan BHXH trên 26 triệu đồng. Trong đó Linh chiếm đoạt là gần 20 triệu đồng, riêng chi phí khám bệnh trên 6 triệu đồng được cơ quan BHXH giữ lại theo quy định. (Nông thôn ngày nay, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang