Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/2/2021

  • |
T5g.org.vn - Hải Dương tổng phản công dập COVID-19; Siết chặt phòng dịch tại bệnh viện; TPHCM sẵn sàng ứng phó nếu có trên 500 ca mắc Covid-19; Tuần này vắc-xin ngừa COVID-19 về Việt Nam: Ai được ưu tiên tiêm trước?

 

Hải Dương tổng phản công dập COVID-19

Ngày 22-2, TP Hải Phòng ghi nhận chùm ca bệnh COVID-19 trên địa bàn và tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm 6 ca mắc mới. Hai địa phương này đang tập trung nhiều phương án để dập dịch. Trước những diễn biến mới của dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 tại 2 địa phương trên tiếp tục họp khẩn để thống nhất phương án dập dịch trên địa bàn.

Hải Dương vào tuần lễ quyết định

Đây là yêu cầu được ông Phạm Xuân Thăng - bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - đặt ra tại cuộc họp thường trực Tỉnh ủy Hải Dương ngày 22-2, để cho ý kiến về kế hoạch xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng và các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Theo kế hoạch xét nghiệm từ Sở Y tế tỉnh Hải Dương, việc xét nghiệm trên diện rộng nhằm đánh giá vùng nguy cơ, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Ngành y tế sẽ tập trung toàn lực bảo đảm việc lấy mẫu và xét nghiệm đúng kế hoạch, 100% trường hợp nguy cơ cao được xét nghiệm, chia các nhóm có nguy cơ cao gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương; nhóm có nguy cơ gồm Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang; nhóm nguy cơ thấp gồm Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc và Thanh Miện.

Ngoài ra, sẽ xét nghiệm đối với người trong các doanh nghiệp. Dự kiến trong 3 nhóm và doanh nghiệp trên sẽ lấy 162.000 mẫu. Xét nghiệm hiện nay tại Hải Dương đã đạt 80.000 mẫu gộp/ngày đêm nhưng vẫn cần tiếp tục nâng công suất.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tổ trưởng tổ chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương - cho biết 83,3% số bệnh nhân trong cả nước (chủ yếu ở TP Chí Linh) không có triệu chứng nên việc giám sát ở cơ sở hết sức cần thiết, mặc dù Hải Dương đã phải trả giá đắt do ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

"Đây là giai đoạn tổng phản công nên cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, không được bỏ sót bất kỳ người nào. Trong vòng một tuần gần đây, phát hiện 6 người trong cộng đồng có triệu chứng điển hình của COVID-19 nhưng không được phát hiện kịp thời và khi xét nghiệm đều dương tính.

Có trường hợp nằm trong cộng đồng 10 ngày, lây cho nhiều người nhưng không ai được phát hiện. Vì vậy, tổ COVID-19 cộng đồng là cực kỳ quan trọng" - ông Dương nhấn mạnh.

Thống nhất đánh giá về tầm quan trọng của tổ COVID-19 cộng đồng, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu thiết lập ngay buổi họp trực tuyến với các huyện, thị xã, TP để trực tiếp chỉ đạo về hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng. Ông Thăng cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Kim Thành xem xét trách nhiệm khi để các ca bệnh trong cộng đồng chậm được phát hiện.

Hải Phòng khẩn trương khoanh vùng dập dịch

Trong ngày 22-2, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng tổ chức họp khẩn sau khi trên địa bàn ghi nhận trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng nhờ xét nghiệm diện rộng để sàng lọc, phát hiện người nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng.

Lực lượng chức năng đã phong tỏa thôn 4, xã Hoàng Động, phun khử khuẩn, điều tra dịch tễ hộ gia đình của bệnh nhân, Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, - nơi bệnh nhân làm việc, cũng được phong tỏa, ngừng hoạt động tiếp đón bệnh nhân và phun khử khuẩn.

Cơ quan chức năng cũng lập danh sách nhân viên y tế, bệnh nhân tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 để đưa đi cách ly tập trung, lập danh sách bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải từ ngày 6-2 trở lại đây để gửi cho các địa phương thực hiện rà soát F1, F2.

Ông Lê Văn Thành - bí thư Thành ủy TP Hải Phòng - chỉ đạo trước mắt phong tỏa các địa điểm liên quan đến hành trình của ca bệnh đã đi, đến. Yêu cầu khai báo trung thực đối với ca bệnh và những người liên quan, trên cơ sở đó tập trung cao xác định F1, F2, đề nghị Sở Y tế và Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, truy vết.

Ông Thành yêu cầu tăng cường kiểm soát địa bàn để kịp thời phát hiện các biến động của người dân, cho hoạt động trở lại các tổ kiểm soát phòng chống dịch bệnh tại các thôn, tổ dân phố, rà soát sức khỏe các thành viên để kịp thời điều chỉnh và phải tăng cường trách nhiệm của các thành viên.

"Chủ trương xét nghiệm sàng lọc mở rộng cho các đối tượng trong cộng đồng là hiệu quả, đề nghị ngành y tế tiếp tục bố trí lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ công chức, các cơ quan báo chí, thành viên tổ kiểm soát dịch bệnh... và các trường hợp có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh nếu có" - ông Thành yêu cầu (Sài Gòn giải phóng, trang 13).

 

Siết chặt phòng dịch tại bệnh viện

Thời gian qua, virus SARS-CoV-2 biến chủng làm gia tăng số người mắc Covid-19 trong cộng đồng, gây ra áp lực rất lớn đối với hệ thống cơ sở điều trị. Để ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 lây lan, hiện nay, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người bệnh đến thăm khám và điều trị. 

Tăng cường xét nghiệm sàng lọc

Ngay khi Hải Dương, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc có các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Ban giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã chỉ đạo các đơn vị trong BV tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19: triển khai chăm sóc toàn diện người bệnh nội trú, tạm dừng việc cho người có thẻ chăm sóc ở lại phòng bệnh và khách đến thăm người bệnh nội trú; kiểm soát nghiêm việc người ra vào các tòa nhà; rà soát lại các phòng cách ly, thực hiện gắt gao việc việc sàng lọc, cách ly; đảm bảo giãn cách giữa 2 giường bệnh tối thiểu 1m và giữ phòng bệnh thông thoáng; thực hiện giãn cách đối với khu vực khám ngoại trú và người nhà người bệnh đối với khu vực chờ...

TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, ban lãnh đạo BV còn yêu cầu tất cả cán bộ BV ngay lập tức dừng việc đi du lịch, công tác ở các tỉnh khác; đồng thời để tăng cường công tác chống dịch, BV cũng huy động lãnh đạo các đơn vị đi làm cả ngày nghỉ để rà soát, hội chẩn người bệnh. Các đơn vị lập danh sách người bệnh, người chăm sóc người bệnh đến từ tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh và nhân viên y tế đi về từ vùng dịch để có kế hoạch tổ chức xét nghiệm, sàng lọc Covid-19. 

Tại BV Chợ Rẫy TPHCM cũng đã triển khai áp dụng chương trình quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay cho toàn bộ khu vực chữa bệnh nội trú trong BV. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết, mỗi người bệnh sẽ được đăng ký 2 người nuôi bệnh và 2 người này sẽ đăng ký dấu vân tay. BV trang bị 20 máy quét vân tay ở vị trí cầu thang bộ và thang máy, có người giám sát. Sau khi dấu vân tay được nhập lên hệ thống, người nuôi bệnh sẽ chỉ cần quét vân tay mỗi khi ra vào BV.

Việc này góp phần hạn chế việc luân phiên thay đổi quá nhiều người nuôi bệnh nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong BV, cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Tại BV Nhi đồng Thành phố, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc BV, cho biết, ngay từ sau kỳ nghỉ tết, BV đã khẩn trương sàng lọc an toàn các nhân viên y tế đi về từ các vùng dịch, ngang qua sân bay, sử dụng phương tiện công cộng. Toàn bộ nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được sàng lọc kỹ lưỡng yếu tố dịch tễ và đảm bảo giãn cách các ghế ngồi chờ khám, dung dịch khử khuẩn tay nhanh rải đều khắp các lối đi bàn khám; nhân viên và khách hàng tuân thủ thông điệp 5K.

Bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế vừa có công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng theo hướng dẫn; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí BV an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19. Nghiêm túc triển khai “Thông điệp 5K”; giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang. Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế…

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và khu vực đồng bằng sông Hồng cần tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết; nâng cấp độ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Đồng thời cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở Y tế TP đã yêu cầu tất cả BV nghiêm túc tổ chức rà soát, đánh giá và đánh giá lại mức đạt của các BV theo “Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế cũng như các quy định phòng dịch. Các BV chủ động tổ chức lớp đào tạo, đào tạo lại cho bác sĩ, điều dưỡng về khai thác yếu tố dịch tễ, khám sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm; cập nhật các phác đồ điều trị liên quan đến viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 do Bộ Y tế ban hành. Nâng cao năng lực về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng; về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức diễn tập các tình huống cần truy vết người có liên quan, người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ, tình huống cần phong tỏa một khoa,…

“Hiện Sở Y tế cũng yêu cầu các BV, phòng khám trên địa bàn TPHCM tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm (nếu có) cho toàn bộ nhân viên y tế của đơn vị trước ngày 10-3. Hiện ngành y tế cũng đã phối hợp với BV Chợ Rẫy thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nhằm tăng cường hỗ trợ các BV khi tiếp nhận, điều trị trường hợp dương tính nặng, cần hồi sức cấp cứu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

 

TPHCM sẵn sàng ứng phó nếu có trên 500 ca mắc Covid-19

Ngày 22-2, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến còn rất phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo TPHCM về việc ngành y tế phải luôn sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Sở Y tế đã xây dựng cập nhật kế hoạch tổng thể về thu dung, điều trị khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát theo các kịch bản dưới 100, từ 100 đến dưới 200 và từ 200 đến 500 trường hợp dương tính, nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng ứng phó với hiệu quả cao nhất.

Theo Sở Y tế TPHCM, để sẵn sàng ứng phó với hiệu quả cao nhất theo các tình huống kịch bản giả định, các yêu cầu đặt ra đối với ngành y tế TP phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng nhanh khi có hàng loạt trường hợp mắc Covid-19; huy động nguồn lực sẵn có, đảm bảo phân tuyến thu dung điều trị hợp lý giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được Sở Y tế TPHCM phân công chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19; các bệnh viện luôn sẵn sàng mở rộng quy mô giường bệnh cho thu dung người bệnh mắc hoặc nghi mắc Covid-19 để cách ly điều trị khi dịch bùng phát theo các tình huống giả định.

Bên cạnh đó, sẵn sàng nguồn lực để triển khai ngay khi có sự điều động của Sở Y tế TPHCM; đảm bảo nguồn nhân lực tham gia công tác khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 phải được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu điều trị và phải đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh.

Sở Y tế đã xây dựng các kịch bản ứng phó với Covid-19 theo 3 tình huống giả định, cụ thể:

Tình huống 1: TPHCM có dưới 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 870 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 32 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận điều trị người bệnh xác định và nghi nhiễm trong tình huống này (cũng là tình huống hiện nay) là 4 bệnh viện: Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (300 giường), Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (40 giường khoa Nhiễm D), Bệnh viện Nhi đồng thành phố (30 giường khoa Nhiễm). Theo đó, tổng số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 4 bệnh viện này là 970 giường, trong đó có 37 giường đặt trong buồng áp lực âm, 32 giường hồi sức và 42 máy thở.

Tình huống 2:  TPHCM có từ 100 - 200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 1.244 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 86 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận điều trị trong tình huống này là 5 bệnh viện: ngoài 4 bệnh viện nêu trên với sự huy động tăng thêm công suất giường cách ly điều trị lên mức tối đa có thể, trong đó: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ tăng lên mức 400 giường (toàn bệnh viện chuyển sang chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19, ngoại trừ khoa Uốn ván) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tăng lên mức 100 giường (bổ sung thêm 70 giường từ một khoa lâm sàng được chuyển đổi sang chuyên tiếp nhận Covid-19), còn có Bệnh viện Nhi đồng 2 với 44 giường từ khoa Nhiễm của bệnh viện này. Tổng số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 5 bệnh viện trong giai đoạn này là 1.444 giường bệnh, trong đó có 59 giường đặt trong buồng áp lực âm, 86 giường hồi sức và 86 máy thở.

Tình huống 3: TPHCM có từ 200 - 500 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 2.785 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 172 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức. 

Với tình huống này, bên cạnh 5 bệnh viện nêu trên, ngành y tế sẽ huy động thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và chuyển đổi công năng 464 giường bệnh của tất cả các khoa lâm sàng của bệnh viện này để chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19. Ngoài ra, khi đã sử dụng hết cơ số giường bệnh tại các bệnh viện được phân công, sẽ tiếp tục huy động số giường cách ly tại các khu cách ly của các bệnh viện còn lại (1.350 giường). Như vậy, tổng cộng số giường có thể huy động phục vụ cho tình huống này là 3.258 giường, trong đó có 82 giường đặt trong buồng áp lực âm, 172 giường hồi sức và 192 máy thở. 

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hơn 1 năm qua, Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ đã thật sự trở thành hai bệnh viện chủ lực thực hiện tiếp nhận cách ly điều trị các bệnh nhân dương tính và nghi nhiễm góp phần làm giảm áp lực và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các bệnh viện hiện hữu trên địa bàn TPHCM. 

Nhân sự (bác sĩ, điều dưỡng) tham gia hoạt động tại 2 bệnh viện này chính là nguồn nhân lực được điều động từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và luân phiên từ các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế do Sở Y tế điều phối.

“Sở Y tế đánh giá cao tinh thần hỗ trợ, chia sẻ nguồn nhân lực cho 2 bệnh viện dã chiến của TP của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các bệnh viện TP, và các bệnh viện quận-huyện. Ngoài ra, Sở Y tế đánh giá cao sự tham gia đầy trách nhiệm của Trung tâm Cấp cứu 115 trong vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị. Toàn bộ các hoạt động này tiếp tục được phát huy và duy trì trong các tình huống giả định”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, một hoạt động quan trọng khác của các bệnh viện đã góp phần không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch của hệ dự phòng trong công tác truy vết thần tốc, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đó là tham gia làm xét nghiệm khẳng định theo sự điều phối mẫu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) để đảm bảo có kết quả sớm nhất, và hỗ trợ nhân lực tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay, nhà ga, bến xe... theo lịch lấy mẫu của HCDC. 

Sở Y tế ghi nhận và trân trọng sự tham gia hiệu quả của các bệnh viện, đã kịp thời đầu tư triển khai xét nghiệm RT-PCR, đã hỗ trợ HCDC nguồn nhân lực lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng. Những hoạt động này sẽ tiếp tục phát huy theo 3 tình huống giả định, đồng thời, đề nghị những bệnh viện nào chưa được công nhận đủ năng lực cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, gửi báo cáo khắc phục đến Viện Pasteur TPHCM để thẩm định, xem xét; bên cạnh đó, các bệnh viện cũng không quên luôn chuẩn bị sẵn sàng vật tư tiêu hao, thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, đảm bảo luôn sẵn sàng cho công tác xét nghiệm chẩn đoán, điều trị và phòng kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. 

“Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nhằm tăng cường hỗ trợ các bệnh viện khi tiếp nhận, điều trị các trường hợp dương tính nặng, cần hồi sức cấp cứu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tuần này vắc-xin ngừa COVID-19 về Việt Nam: Ai được ưu tiên tiêm trước?

Tuần trước, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam, đồng ý cho công ty này nhập khẩu vắc-xin “COVID-19 vaccine AstraZeneca” số lượng 204.000 liều. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự kiến vắc-xin về Việt Nam vào tuần tới, đã xác định những người sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19 đầu tiên. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, đây là những liều vắc-xin AstraZeneca đầu tiên trong khoảng 110 triệu liều dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vắc-xin COVID-19, Bộ Y tế đang nỗ lực tối đa để có đủ vắc-xin cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.

“Theo Luật truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chúng ta sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế. Trong các cuộc họp về phân phối vắc-xin, mặc dù có không ít tranh luận, nhưng cuối cùng chúng tôi đều đi đến đồng thuận”, Thứ trưởng Thuấn cho biết. Bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vắc-xin tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vắc-xin một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng COVID-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vắc-xin COVID-19. Đây là phương án Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt.

 “Để có được tỷ lệ bao phủ vắc-xin kỳ vọng trên là thách thức vô cùng lớn của các quốc gia không riêng gì nước ta. Một trong các giải pháp quan trọng là đa dạng hoá nhiều nguồn cung ứng vắc-xin, bao gồm vắc-xin của Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình tiêm chủng COVID-19”, lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc-xin

Đối với vắc-xin do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: “Những kết quả nghiên cứu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng vắc-xin trong nước mà còn công bố cho quốc tế”.

Sau giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn khoảng 50% thời gian, TS. Quang đề xuất không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu tại 1 điểm ở Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 người đăng ký tại Bến Lức. TS. Quang bày tỏ mong muốn, ngay trong đầu tuần này, có thể sàng lọc, chọn lựa người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng tiến độ giai đoạn 2.

Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức. Nếu đúng tiến độ, mũi thứ 2 sẽ tiêm vào cuối tháng 3, đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2. Giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong đầu tháng 5/2021. Sẽ thực hiện được nếu các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng yêu cầu liên quan đến tính an toàn, tính sinh miễn dịch.

Hội đồng của Bộ Y tế thống nhất giai đoạn 2 vẫn triển khai ở nhóm 3 liều (25-50 và 75mcg) để đảm bảo tính khoa học; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm người không tiêm vắc-xin để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vắc-xin.

Hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TPHCM và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5 có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, chuyển sang giai đoạn 3. Giai đoạn 3 với khoảng từ 10.000 - 15.000 người tình nguyện tham gia, có thể mở rộng lựa chọn đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng hay tính khoa học.

Với tiến độ triển khai như hiện nay, TS. Quang hy vọng Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học (Tiền phong, trang 2).

 

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ mua 15 triệu liều vắc xin COVID-19

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, đơn vị này đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội có công văn gửi Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ để mua vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân.

Chiều 22/2, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trong 1 tuần qua trên địa bàn thành phố không có ca mắc mới, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức cao. Lý do, theo ông Hạnh có thể còn những người từ các tỉnh thành có dịch vào thành phố chưa khai báo hết nên tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh và lây lan.

Ông Hạnh thông tin, đến nay toàn thành phố chỉ còn 4 điểm bị cách ly, dự kiến hết tháng 2 các điểm này cũng sẽ được gỡ cách ly. Nếu tình hình dịch trên địa bàn cuối tháng 2 tiếp tục được kiểm soát, không có phát sinh các ca bệnh mới hay diễn biến phức tạp lên,  thành phố có thể xem xét nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch vào đầu tháng 3 như: cho học sinh đi học trở lại; các lễ hội được tổ chức, di tích được mở cửa…

Đáng chú ý, ông Hạnh báo cáo, qua rà soát, đơn vị này đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội có công văn gửi Bộ Y tế về việc đề nghị hỗ trợ để mua vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân. “Chúng tôi đề xuất thành phố có văn bản gửi mua khoảng 15 triệu liều vắc xin để tiêm 2 mũi cho mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên”, ông Hạnh nói.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Công Thương trả lời về việc nhiều người dân Thủ đô đang bỏ công sức giúp bà con Hải Dương tiêu thụ nông sản. Sở đã làm những công việc gì để đảm bảo công tác phòng dịch?

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Sở đã kết nối để 32 doanh nghiệp thương mại , 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương; phối hợp với Sở GTVT, CATP tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản vào thành phố. Mấy ngày qua, các đơn vị đã thu mua tiêu thụ gần 400 tấn nông sản. Các đơn vị của thành phố cũng đang nhanh chóng để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tấn gà đồi Chí Linh trong những ngày tới.

Với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp bà con Hải Dương, Sở Công Thương  đã có văn bản gửi các quận huyện đề nghị rà soát, bố trí cho người dân các vị trí bán nông sản làm sao đảm bảo giao thông, đặc biệt là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phải truy xuất được nguồn gốc tránh việc đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng lưu ý, những ngày qua thành phố vẫn nhận được phản ánh về việc chưa tích cực trong việc phòng dịch như: nhà hàng bia hơi không thực hiện giãn cách, bày bán tràn cả vỉa hè…và phải chỉ đạo xử lý ngay.

 “Các quận huyện phải nghiêm túc, tích cực hơn nữa nếu không sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố. Sắp tới nếu nới lỏng các yêu cầu thì phải siết chặt hơn nữa. Các địa phương, các tổ COVID-19 cộng đồng cần thực hiện nghiêm các yêu cầu của Trung ương, chỉ đạo của thành phố. Tránh việc chỉ nêu đầu việc không”, ông Dũng nói.

Ông Dũng lưu ý,  các đơn vị phải rà soát kỹ các điểm phong tỏa về các nguy cơ, căn cứ vào kết quả xét nghiệm, căn cứ khoa học để xem xét việc tháo bỏ toàn bộ phong tỏa hay giữ một phần.

Sau khi có kết quả xét nghiệm người về từ vùng dịch, các đơn vị sớm cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục mở rộng xét nghiệm tại khu công nghiệp, bệnh viện, phòng khám, cơ sở cách ly tập trung; lấy mẫu ngẫu nhiên cụ thể theo khu vực, số lượng, thứ tự ưu tiên; phải báo cáo kế hoạch xin ý kiến lãnh đạo thành phố… “Đây là việc cần làm sớm để rà soát đánh giá nguy cơ”, ông Dũng nêu.

Ông Dũng cũng chỉ đạo Sở Y tế triển khai quy trình , công tác quản lý, khai báo y tế theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế về quét mã QR Code tại các cơ quan, địa điểm công cộng. Làm sao để người dân ủng hộ thực hiện nhất là khi sắp tới có thể nới lỏng các biện pháp khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Ngày thứ 7 Hà Nội chưa ghi nhận thêm ca COVID-19, thành phố đang tính đến việc tháo gỡ dần các biện pháp hạn chế để phòng dịch, các sở ngành phải có kế hoạch, đánh giá đầy đủ về nguy cơ để đề xuất cho các giải pháp để các cơ sở kinh doanh có thể quay lại hoạt động. Chậm nhất 17h ngày thứ 5 tới phải có báo cáo để lãnh đạo thành phố xem xét”, ông Dũng nói thêm (Tiền phong, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang