Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/3/2018

  • |
T5g.org.vn - Sẽ giảm độ tuổi tiêm vắc-xin sởi từ 9 tháng xuống 6 tháng tuổi; Hơn 99% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối với giám định BHXH; Bộ Y tế không can thiệp vào điều tra, truy tố, xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương; Tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh thuốc; Xử lý sai phạm tại Bệnh viện Mắt TP HCM...

 

Sẽ giảm độ tuổi tiêm vắc-xin sởi từ 9 tháng xuống 6 tháng tuổi

Tại Hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè năm 2018” do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu việc đẩy sớm lịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ và tiêm chủng vắc-xin ho gà cho cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhằm tạo miễn dịch sớm cho trẻ...

Nhiều trẻ mắc sởi, ho gà dưới độ tuổi tiêm chủng.

Trước nguy cơ trẻ mắc sởi có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng phát thời gian tới như dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, cúm... trong đó đáng lo ngại là dịch sởi tại miền Bắc có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc đang tăng nhanh.

Nhiều trẻ mắc sởi, ho gà dưới độ tuổi tiêm chủng

Thông tin tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhận định, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên người xuất hiện rải rác. Cả nước phát hiện gần 90 bệnh nhân sởi. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận hơn 11.000 ca mắc, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mùa hè sắp đến là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ngoài ra, các dịch bệnh tay-chân-miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ... có thể lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.

“Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học, nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nói.

Về tình hình dịch sởi, PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phân tích cho thấy, đến thời điểm này, số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái (trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc). Đáng lưu ý, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi. Trong đó 54 trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.

Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch bảo vệ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc huy động cộng đồng và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng vẫn lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết mà vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội là một bài học. Do đó, đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè cần đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác nhất. Ví như gần 90 trường hợp bị sởi trong mấy tháng đầu năm, trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi. Thực tế này cho thấy miễn dịch sởi ở trẻ em thì có còn người lớn thì không. Trước đây, người lớn là “hàng rào” bảo vệ nhưng thực tế giờ trẻ em chính là “hàng rào” bảo vệ miễn dịch cộng đồng. Rồi tình trạng nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi. Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân là do miễn dịch của bà mẹ không có, vì vậy đây là lý do gây nên tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi, bệnh ho gà...

Trước nguy cơ dịch sởi có chiều hướng gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đánh giá lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng để đẩy sớm tuổi tiêm vắc-xin ở trẻ em từ 9 tháng tuổi xuống 6 tháng. “Sắp tới ngành y tế có thể sẽ tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Bên cạnh việc sẽ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ lúc 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay, năm nay, Bộ Y tế cũng sẽ đưa vắc-xin bại liệt dạng tiêm vào tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc-xin bại liệt dạng uống.

Để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần tập trung triển khai một số giải pháp như nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ ban ngành đoàn thể. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực hành các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đồng thời đảm bảo hậu cần cho công tác phòng chống dịch... (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Hơn 99% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối với giám định BHXH

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018, ông Trần Quý Tường cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền Bộ Y tế được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2, 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, kết nối liên thông với Chính phủ, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của Bộ Y tế trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đến nay, hầu hết các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 11.600 xã/phường/thị trấn thì chỉ có 66 xã chưa có đường truyền Internet…

Lãnh đạo Cục CNTT cũng cho biết, ngành y tế tiếp tục thực hiện Đề án tin học hóa y tế cơ sở và đang có đề án hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe cá nhân thông qua ứng dụng CNTT (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế không can thiệp vào điều tra, truy tố, xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương

Liên quan tới vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tháng 5/2017, viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, chiều ngày 21/3, Bộ Y tế chính thức lên tiếng về việc BS. Hoàng Công Lương bị truy tố.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho hay: “Bộ Y tế có quan điểm nhất quán vụ việc xảy ra tại Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng gây rúng động dư luận xã hội không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế".

Bộ Y tế rất mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hòa Bình khẩn trương xem xét, điều tra để sớm đưa ra xét xử vụ án, làm rõ trách nhiệm của các bị can và người có liên quan, xét xử và xử lý theo đúng tinh thần của pháp luật... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh thuốc

Đó là thông tin được Thanh tra Sở Y tế đưa ra tại Hội nghị 'Phổ biến các quy định về kinh doanh dược, thực hiện các quy chế chuyên môn dược và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ sau cấp phép năm 2018' do Sở Y tế TPHCM tổ chức ngày 22-3. hát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Thanh Loan, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, thời gian qua Thanh tra Sở đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn TP vi phạm trong việc kinh doanh, bảo quản thuốc như: Kho bảo quản thuốc không được duy trì như thẩm định ban đầu; kinh doanh thuốc không có hóa đơn chứng từ (chỉ dùng hóa đơn bán lẻ, phiếu viết tay không hiển thị tên cơ sở)...

Bên cạnh đó, tình trạng cho thuê tư cách pháp nhân, dược sĩ chuyên môn không có mặt thường xuyên, bán thuốc trực tiếp cho người mua mà không cần đơn của bác sĩ; các đối tượng mua bán, giao dịch các loại thuốc giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn diễn ra.

Nhằm kiểm soát tối đa việc cung ứng và bán thuốc trên địa bàn, thời gian tới, Thanh tra Sở Y tế TPHCM sẽ phối hợp với công an, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm... (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Xử lý sai phạm tại Bệnh viện Mắt TP HCM

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh vừa ký quyết định về việc kiểm điểm và xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể liên quan tới sai phạm trong hoạt động tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là BV Mắt).

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Thanh tra thành phố đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của BV Mắt giai đoạn 2015-2016, qua đó phát hiện đã có Kết luận số 36/KL-TTTP-P3 với nhiều sai phạm.

Theo quyết định của Giám đốc Sở Y tế thành phố, họp phê bình và rút kinh nghiệm với Sở Y tế và 34 cá nhân liên quan (trong đó, Sở Y tế 7 cá nhân, BV Mắt 27 cá nhân). Trong 7 cá nhân bị kỷ luật (BV Mắt là 6 người và 1 người Sở Y tế) có 3 cá nhân chấp hành theo quyết định kỷ luật; 4 cá nhân có ý kiến khác. 

Cụ thể, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc BV Mắt (hiện đang công tác tại Phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế) không đồng ý với hình thức kỷ luật này với lí do ông đang khiếu nại Kết luận số 36/KL-TTTP-P3 của Thanh tra thành phố. Ông Phí Duy Tiến và bà Võ Thị Chinh Nga (đều là Phó Giám đốc BV Mắt) có quyết định kỷ luật với hình thức "khiển trách" nhưng cũng có đơn khiếu nại. Sở Y tế đã giao Thanh tra Sở thụ lý giải quyết theo Luật Khiếu nại. 

Ông Võ Thanh Hùng, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Mắt sau khi nhận quyết định kỷ luật với hình thức "cảnh cáo" cũng có đơn kiến nghị Sở Y tế xem xét lại và Sở Y tế cũng đã có công văn trả lời.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đối với Sở Y tế thành phố, do là quản lý cấp trên và trên tinh thần phê và tự phê, Sở đã rút kinh nghiệm chung; 7 cá nhân khác cũng họp rút kinh nghiệm.

Trước đó Báo CAND cũng có các bài viết phản ánh xung quanh sai phạm của BV Mắt TP Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 5 năm làm Giám đốc BV của ông Trần Anh Tuấn (2012-2017) đã để xảy ra nhiều sai phạm (như không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố trong việc liên doanh, liên kết, đặt và thuê máy móc... làm thất thoát tiền Nhà nước; bỏ ngoài sổ sách 1.000 tỉ đồng tại khoa khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao; ứng tiền BV đóng thuế nhu nhập cá nhân cho cán bộ nhân viên). Riêng việc ông Tuấn không mổ nhưng vẫn có tên trong hồ sơ bệnh án và nhận thù lao – theo Thanh tra thành phố, là vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong điều hành hoạt động, BV để xảy ra sai phạm trong qui trình đấu thầu thuốc. Thanh tra còn phát hiện tại BV Mắt TP Hồ Chí Minh còn tình trạng nhân viên được sử dụng “mộc và chữ ký” của giám đốc để đóng dấu trên hồ sơ bệnh án, ký “thay” lãnh đạo BV cho bệnh nhân xuất viện; lãnh đạo BV không tham gia phẫu thuật nhưng vẫn được hợp thức hoá hồ sơ để được nhận thù lao công mổ. 

Đơn vị chuyên khoa như BV Mắt mỗi năm thực hiện phẫu thuật Phaco và Lasik cho hơn 80.000 bệnh nhân. Nhiều bác sĩ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ dịch vụ "mở" này nhưng không kê khai đầy đủ theo quy định. 

Đơn cử như Giám đốc Trần Anh Tuấn, chỉ tính riêng trong năm 2015 thu nhập thực tế hơn 6,1 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ 2,6 tỷ đồng. Năm 2016, ông Tuấn thu nhập thực tế 8 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 4 tỷ...

 Trong việc kê khai phát hiện có sự không trung thực, Thanh tra thành phố còn phát hiện và chỉ ra trong năm 2016  khi đối chiếu với ngày nghỉ phép, tham gia hội nghị và công tác ở nước ngoài 3 vị đứng đầu BV, gồm Giám đốc Tuấn, 2 Phó giám đốc Tiến và Nga vẫn được chấm công để nhận thù lao... (Công an nhân dân, trang 7).

 

Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình hoạt động trở lại

Chiều 22.3, Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã hoạt động trở lại.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa thận Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết được sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình và Sở Y tế, sau sự cố chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Bạch Mai đã lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình hỗ trợ về mặt chuyên môn.

Từ 2 tuần trước, công tác kiểm tra hệ thống máy chạy thận đã hoàn thiện. Trong 2 ngày qua, đoàn chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai đã kiểm tra lần cuối hệ thống nước, các chỉ số, hoá chất... để đảm bảo việc lọc máu được an toàn.

Sau khi được phép của Sở Y tế Hoà Bình và Hội đồng chuyên môn, hệ thống 12 máy chạy thận bắt đầu vận hành. Trong số 12 máy chạy thận của BV, có 10 máy mới và 2 máy cũ. Trong 2 tuần đầu tiên, các kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ BV đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Để vận hành máy và giám sát các ca chạy thận, bác sĩ Dũng cho biết ngay trong chiều 22.3, đơn nguyên này sẽ chạy trước một ca (12 bệnh nhân). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Nhân dân, trang 5).

 

Trẻ mắc sởi tăng 30%, lo ngại năm 2018 sẽ bùng phát dịch theo "chu kỳ 4 năm"

Từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc sởi ở miền Bắc đã tăng cao gấp 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, dịch sởi thường có chu kỳ 4 năm quay trở lại 1 lần…

Chỉ trong tuần qua (từ 12-3 đến 18-3), Hà Nội đã ghi nhậm thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi, nâng tổng số mắc sởi từ đầu năm lên 38 ca.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết giao mùa xuân - hè là điều kiện thuận lợi phát sinh tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi.

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống.

Tính trên phạm vi cả nước, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi (432 trường hợp phát ban nghi sởi). Riêng tại khu vực miền Bắc đã ghi nhận 90 ca mắc sởi, cao gấp 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo dõi dịch tễ trên thế giới, dịch sởi có chu kỳ 4 năm quay lại một lần.

Tại miền Bắc, năm 2013- 2014 đã xảy ra vụ dịch sởi lớn. Do đó theo chu kỳ, năm nay (sau 4 năm) có thể là một năm dịch sởi sẽ quay trở lại, với 3 tháng đầu năm miền Bắc ghi nhận đến 90 ca mắc sởi.

Đặc biệt, theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong số các trường hợp mắc sởi được ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay có 38,3% là trẻ dưới dưới 9 tháng tuổi, tức chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi, 55 trường hợp không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng, chỉ 10 trường hợp có tiêm vaccine sởi.

Điều đó cho thấy, tỷ lệ người chưa có miễn dịch với sởi trong cộng đồng rất lớn, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi ở một số vùng đạt thấp. Đây là những nguy cơ rất lớn khiến dịch sởi có thể bùng phát.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế các địa phương, các đơn vị chức năng, cơ quan chuyên môn nghiên cứu đẩy sớm lịch tiêm chủng vaccine phòng sởi cho trẻ.

Theo đó, thay vì bắt đầu tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi thì đẩy sớm tiêm từ 6 tháng tuổi. Bộ Y tế kỳ vọng trong năm nay có thể hoàn thành nghiên cứu này để chính thức triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng phải tiến tới mục tiêu đạt 95% tiêm chủng ở quy mô xã phường, tránh xảy ra các “điểm lõm” trong tiêm chủng, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh.  (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Ða dạng hóa trạm y tế xã, khai thác hết tiềm năng y tế cơ sở

Nếu trạm y tế xã năng động có thể trở thành một bệnh viện đa khoa, nhưng cũng có trạm y tế xã phát huy vai trò y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tập trung dự phòng, sàng lọc, nâng cao sức khỏe.

Trong 2 ngày 19 và 20/3/2018, đoàn khảo sát của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì đã tiến hành khảo sát các mô hình trạm y tế xã/phường thí điểm tại TP.HCM và Long An.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng tôi trực tiếp đi khảo sát 29 trạm y tế xã, phường rải đều ra 10 tỉnh thành và chia làm 3 loại trạm: Một ở vùng sâu, vùng xa; hai là ở đồng bằng và một loại trạm y tế phường ở vùng đô thị. Qua đó, chúng tôi xây dựng một chính sách phát triển y tế cơ sở để làm sao người dân tin tưởng vào y tế cơ sở nơi đó cung cấp các dịch vụ nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì, vấn đề dinh dưỡng, luyện tập sức khỏe cho đến khám chữa bệnh ở những cơ sở y tế gần nhà mình nhất với chất lượng dịch vụ tốt nhất và được bảo hiểm y tế chi trả gần như toàn bộ, để không phải vượt lên tuyến trên, tốn kém thời gian, tiền bạc”.

“Hiện nay, vẫn còn nhiều bất cập trong việc chi cho trạm y tế xã phường còn rất khiêm tốn, cho nên đủ thuốc, không đủ chất lượng dịch vụ. Chúng tôi phải đổi mới toàn diện để thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương về y tế, về sức khỏe. Và chúng tôi hy vọng trong tương lai, trạm y tế xã phường sẽ trở thành mô hình y học gia đình, gần dân nhất và cung cấp những dịch vụ tốt hơn nhiều, để sức khỏe người dân được bảo vệ, vừa được chăm sóc, vừa được dự phòng vừa được điều trị và được kiểm tra trước khi bị bệnh, chứ không nhất thiết phải vào bệnh viện”.

Một bất cập khác là các phòng của trạm y tế phường xã được thiết kế không hợp lý, còn quá hình thức. Trong chuyến khảo sát hai trạm y tế xã thí điểm ở Bình Thành và Đức Huệ (Long An), đoàn khảo sát Bộ Y tế nhận định trạm y tế tại đây không có sản phụ đến sinh đẻ, mỗi năm chỉ thực hiện chưa đến chục ca như đặt vòng tránh thai nên không cần phòng sinh và phòng kế hoạch hóa riêng biệt, hay phòng tư vấn truyền thông chưa phát huy hết chức năng. Trong khi đó, trạm y tế xã cần phải có phòng tư vấn, sàng lọc trước tiêm; phòng tiêm chủng và phòng chờ theo dõi sau tiêm; nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng; bác sĩ hoặc cử nhân y tế công cộng với định hướng y học gia đình cùng với đẩy mạnh y học cổ truyền.

Trạm y tế xã Mỹ Thạnh Đông gần y tế huyện nên đoàn Bộ Y tế đặt vấn đề giả sử có đặt máy siêu âm, ai làm và ai đến khám... Nếu đầu tư một ghế làm nha, nha sĩ có đồng ý về làm không? Bộ Y tế đánh giá cao chính quyền địa phương quan tâm, công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu triển khai tốt như lịch khám thai, cân, biểu đồ tăng trưởng. Tuy nhiên, qua thực tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế địa phương cần nghiên cứu nếu đầu tư một trạm mẫu, cần làm gì với nguồn nhân lực sẵn có, tránh đầu tư dàn trải. Các trạm y tế xã tùy vào vị trí, nhân lực sẵn có, mô hình bệnh tật… mà đầu tư, bố trí cho phù hợp.

Vì vậy, trạm y tế vùng 1 như Mỹ Thạnh Đông chủ yếu với nguồn nhân lực, cơ sở sẵn có, trạm y tế sẽ tập trung vào gói dịch vụ dự phòng, quản lý hồ sơ bệnh không lây nhiễm, hay gói sàng lọc ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung; thực hiện các test nhanh phát hiện 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV, viêm gan B, giang mai; tư vấn dinh dưỡng phòng ngừa ung thư, tim mạch, huyết áp, béo phì từ tuyến trên chuyển về địa phương; quản lý người cao tuổi, sức khỏe học đường; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; hoạt động truyền thông: giáo dục hành vi, lối sống, câu lạc bộ dưỡng sinh... phát triển y học cổ truyền.

Điều đó được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất tâm đắc khi đến khảo sát xã Thạnh An (Cần Giờ). Cách đất liền chừng 45 phút đi tàu, xã Thạnh An với gần 5.000 dân, thu nhập chính chủ yếu từ đánh bắt hải sản. Vì vậy, việc đầu tư các thiết bị máy móc để thực hiện khám bệnh thông thường, tối thiểu và tùy theo năng lực là rất cần thiết. Một trạm y tế xã cần một máy siêu âm, Xquang, một thiết bị xét nghiệm sinh hóa bán tự động và một ghế nha khoa, ngoài ra có thể bổ sung thêm các chuyên khoa như Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng...  Hoặc Trạm y tế phường Bình Chiểu (Thủ Đức) hiện đã trở thành vệ tinh của BV quận Thủ Đức, có một bác sĩ đa khoa và một bác sĩ biệt phái từ bệnh viện quận. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trạm y tế năng động sẽ có thể thành một “bệnh viện đa khoa”, bên cạnh đó là dự phòng, truyền thông...

Nâng cao, chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ khám chữa bệnh khi bị bệnh mà còn phải quan tâm sức khỏe người dân khi chưa bị bệnh, phòng bệnh, làm sao sống khỏe, tránh tình trạng béo phì nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, vấn đề thuốc lá hay rượu bia,... tất cả đều gắn liền với y tế cơ sở. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới tuổi thọ người dân ngày càng nâng cao. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Hai ca ghép tim, thận xuyên Việt đã thành công

Thành công của 2 ca ghép tim và thận Xuyên Việt vừa được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều bộ phận, đặc biệt là lực lượng CSGT, An ninh sân bay, thậm chí cả việc 'can thiệp' để hoãn cả chuyến bay chậm hơn nửa giờ đồng hồ đảm bảo việc chuyển tạng được về tới đích, đúng giờ", PGS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói…

Trước đó, chiều ngày 26/2, khi Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được 2 tạng gồm 1 quả tim và 1 quả thận từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuyển vào, ngay lập tức, các bác sĩ đã rà soát danh sách những bệnh nhân chờ được ghép tạng. Và đã có 2 bệnh nhân có độ tương thích cao với nguồn tạng hiến được cho nhập viện để sẵn sàng phẫu thuật ghép tạng…

Tối cùng ngày, 2 ca ghép tạng được tiến hành bới ê-kíp 30 y, bác sĩ và phẫu thuật viên. Trái tim đã đập lại trong lồng ngực của bệnh nhân Nguyễn Quốc H. sau 7 giờ ghép. Gần 5 giờ sau phẫu thuật, quả thận đã bắt đầu sự sống mới trong cơ thể bệnh nhân Phạm Hoài Th. Hiện tại, 2 bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Hai cuộc ghép trên không chỉ khẳng định thành công của kỹ thuật ghép tạng nói chung và ghép tim nói riêng của ngành Y tế Việt Nam mà còn khẳng định tính nhân văn, nhân bản trong cuộc vận động hiến ghép tạng do ngành Y tế phát động.

Được biết, đây là ca ghép tim xuyên Việt lần thứ 3 được thực hiện, 2 lần ghép trước tạng hiến được chuyển từ Chợ Rẫy ra Hà Nội và lần này tạng hiến từ người cho đã được chuyển ngược lại. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lần đầu mổ tim hở thành công

Dưới sự hướng dẫn của ê kíp Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lần đầu tiên mổ tim hở thành công cho một bệnh nhân bị tim bẩm sinh.

Ngày 22-3, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết vừa phẫu thuật mổ tim hở thành công cho bệnh nhân Lý Ngọc Tuyết (33 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị bệnh tim bẩm sinh.

Trước đó, ngày 20-3, dưới sự hướng dẫn của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ê kíp Hồi sức - phẫu thuật tim của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiến hành mở xương ức, bộc lộ tim, vận hành hệ thống máy tim phổi nhân tạo, cho tạm ngưng tim, sau đó mới mở tim để vá lỗ thông liên nhĩ cho bệnh nhân.

Do lỗ thông liên nhĩ của bệnh nhân khá rộng (khoảng 28mm) nên bác sĩ phải lấy màng ngoài tim vá lỗ thông.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - trưởng khoa Hồi sức - phẫu thuật tim, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, bệnh viện đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng, chu đáo, nhất là công tác khám sàng lọc sức khỏe cho bệnh nhân, công tác vô trùng, gây mê, phẫu thuật và hậu phẫu được tiến hành cẩn thận, an toàn.

Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, huyết áp ổn định, sinh hiệu tốt.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn - giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết đây là ca mổ tim hở đầu tiên bệnh viện tiến hành sau khi được Bộ Y tế cho phép. Theo bác sĩ Tuấn, số lượng bệnh nhân tim mạch chờ phẫu thuật tim trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhất là trẻ em. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Nữ sinh 19 tuổi được cắt bỏ u tuyến giáp qua đường miệng

Một cô gái trẻ 19 tuổi ở Hà Giang mắc u tuyến giáp ở vùng cổ, nhằm giữ thẩm mỹ cho bệnh nhân, Bệnh viện K đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam là phẫu thuật cắt bỏ khối u qua đường miệng…Chiều nay, 22-3, Bệnh viện K thông tin cho biết, bệnh nhân vừa được phẫu thuật cắt bỏ khối u qua đường miệng đầu tiên tại Việt Nam là Nguyễn Thị. Q., sinh năm 1999, quê ở Hà Giang, nhập viện vì được chẩn đoán có khối u lành tính ở thuỳ trái tuyến giáp kích thước khoảng 2,5 cm, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng cổ và sức khỏe. Các bác sĩ Khoa Ngoại Đầu cổ Bệnh viện K chỉ định phẫu thuật nội soi loại bỏ hoàn toàn khối u cho bệnh nhân. Thông thường bệnh nhân sẽ được mổ mở (rạch một đường qua cổ) hoặc nội soi qua đường nách. Thế nhưng điều này sẽ gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, đặc biệt với những bệnh nhân nữ trẻ tuổi. Do đó, các bác sĩ đã quyết định áp dụng phương pháp rất mới, chưa từng thực hiện tại Việt Nam, đó là cắt tuyến giáp qua đường miệng. Ca phẫu thuật diễn ra vào sáng qua, 21-3, do PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K kiêm Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ làm trưởng kíp mổ.  

Với sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, phẫu tích tỉ mỉ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, toàn bộ khối u tuyến giáp của bệnh nhân được loại bỏ ra qua đường miệng. Hiện 1 ngày ngay sau mổ, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống bình thường. (An ninh Thủ đô, trang 15).

 

Bé 3 tuổi nguy kịch tính mạng vì gia đình tự đắp lá thuốc nam

Các bác sĩ Khoa Nhi bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, Khoa vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp tuần hoàn, hạ đường huyết, bỏng độ II do điều trị bỏng sai cách.

Theo lời kể của gia đình, trước đó ngày 12/3/2018, trong lúc vui đùa tại gia đình, không may trẻ ngã vào nồi nước sôi khiến trẻ bị bỏng. Gia đình vội đưa cháu tới bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng tại khu vực lưng, sau đùi 2 bên, trẻ tỉnh táo, ăn uống được. Sau khi được các bác sĩ tiến hành sơ cấp cứu, trẻ có chỉ định nhập viện điều trị. Tuy nhiên gia đình kiên quyết xin về nhà điều trị, mặc dù các bác sĩ đã  giải thích về các nguy cơ có thể xảy ra với cháu.

Được biết, sau khi về nhà, gia đình đã nghe theo một số người đã cho trẻ đi đắp thuốc nam để chữa bỏng. Chỉ khi trẻ có hiện tượng kém ăn, bất tỉnh, người tím tái gia đình mới vội vàng cho trẻ nhập viện.

BSCKI Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Trưởng Khoa Nhi, BV Việt Nam Thụy Điển  cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp tuần hoàn, hạ đường huyết, bỏng độ II. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, thở máy và dùng thuốc vận mạch.

Hiện bệnh nhi đang trong tình trạng hôn mê, sốc sau bỏng, diễn biến bệnh nặng, tiên lượng xấu và đang trong giai đoạn nhiễm trùng nhiễm độc. Bên cạnh việc tích cực chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi, phía bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển cũng đã hỗ trợ gia đình bệnh nhi những suất ăn miễn phí, động viên gia đình cùng bệnh nhi vượt qua nỗi đau bệnh tật.

BS. Điệp cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần chú ý trẻ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi rất hiếu động, khi cho trẻ chơi đùa cần tránh xa các đồ vật có thể gây nguy hại, gây bỏng cho trẻ như phích nước nóng, đồ ăn nóng, các vật thể sắc nhọn có thể gây tổn thương cho trẻ. Đối với các trường hợp trẻ bị bỏng cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc và điều trị sớm nhất. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang