Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế kiểm tra chất lượng bệnh viện; Trả lại nụ cười cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh; 'Nút thắt' đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế được tháo gỡ, bệnh viện không để bệnh nhân tự mua…

 

Triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực châu Phi, cúm A(H5N1) tại Campuchia...

Trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc.

Để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023 đạt hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch Covid-19; chỉ đạo sở y tế chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra;

Bộ đề nghị tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch; bảo đảm công tác thu dung, điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng và thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt tiêm chủng cho nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em… (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát”.

 

Cô đỡ thôn, bản cần hỗ trợ những gì?

Cô đỡ thôn, bản được xem như cánh tay nối dài của ngành y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với đội ngũ này hơn 30 năm qua vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích, cho nên rất cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn để họ yên tâm, phát huy hết năng lực…

Theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) Đinh Anh Tuấn, cách đây 30 năm, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa rất cao; nguyên nhân chính là do tập quán, thói quen không đi khám thai, chỉ đẻ tại nhà, không có cán bộ y tế hỗ trợ.

Từ năm 1990, có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tuy nhiên, số lượng cô đỡ thôn, bản cứ giảm dần, chỉ còn 1.549 cô đỡ thôn, bản đang hoạt động tại 28 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên.

Nhờ có cô đỡ thôn, bản, kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện. Số lượng phụ nữ có thai chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đi khám thai đủ ba lần, sinh đẻ tại trạm y tế, tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt… tại các cơ sở y tế tăng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, nhờ được sự chăm sóc, hỗ trợ của cô đỡ thôn, bản, nhiều ca tai biến được phát hiện sớm, kịp thời chuyển tuyến trên, tránh được tử vong mẹ và trẻ sơ sinh... Điểm mạnh của đội ngũ cô đỡ thôn, bản là có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng, lại ở ngay trong cộng đồng, cho nên dễ dàng tiếp cận các bà mẹ, trẻ em và cung cấp dịch vụ phù hợp, được đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, chấp nhận.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hỗ trợ đội ngũ này. Đến tháng 1/2023, số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Đáng chú ý, có đến 638 cô đỡ chưa được hưởng phụ cấp nhưng vẫn hoạt động, ngày đêm tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. 60% số cô đỡ thôn, bản không có đủ trang, thiết bị, vật tư y tế (gói đỡ đẻ sạch) để hoạt động. Từ đó, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng.

Trước đây, theo quy định của Quyết định 75/2009/QĐ-TTg, cô đỡ thôn, bản được hưởng mức phụ cấp 0,3 hoặc 0,5 mức lương cơ sở tùy theo địa bàn hoạt động ở khu vực II hay khu vực III. Từ khi có Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã dừng chi trả phụ cấp cho y tế thôn, bản nói chung và cô đỡ thôn, bản nói riêng.

Kinh phí để duy trì hoạt động đội ngũ này chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương, trong khi, hầu hết địa phương có cô đỡ thôn, bản hoạt động đều là những tỉnh miền núi, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, tính đến ngày 10/3/2023, cả nước có 5.111 thôn, bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần bố trí cô đỡ thôn, bản. Đặc biệt, tại các tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn, bản có tỷ lệ đẻ tại nhà rất cao (trên 60%) và cũng không có cô đỡ thôn, bản.

Theo số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; còn 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế…; một số dân tộc như Mảng, H’Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%... và tỷ suất chết ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ khá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng chung sức với Bộ Y tế trong việc duy trì, phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản. Theo đó, đề nghị các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Đặc biệt, cần thực thi một cách hiệu quả, sáng tạo và phù hợp các chính sách với từng địa phương cụ thể. Các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cần xác định vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng và đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản; tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản, làng, cộng đồng... nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện vật chất và tinh thần động viên, phát huy vai trò của cô đỡ thôn, bản.

Đánh giá cao vai trò của cô đỡ thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em; giúp các thai phụ tiếp cận các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn, bản.

Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn, bản, thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn, bản. (Nhân dân, trang 5).

 

Trả lại nụ cười cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh

Ngày 22-3, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội phối hợp với Tổ chức Smile Train tổ chức chương trình điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi - vòm miệng.

Tại chương trình, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội cho biết, mỗi ngày trên thế giới có trung bình 550 trẻ em không may mắn ra đời bị dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng.

Theo các chuyên gia y tế, hở môi - vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng mặt làm biến dạng khuôn mặt của trẻ. Nguyên nhân có thể do khi mang thai, người mẹ đã dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm chất độc hóa học, do nhiễm tia X hoặc nhiễm siêu vi, bị cảm cúm...

Ngoài ra, người mẹ khi mang thai bị stress, khủng hoảng về tâm lý, điều kiện sống thấp, thiếu thốn, suy dinh dưỡng có thể khiến con bị sứt môi - hở hàm ếch. Những yếu tố về di truyền hay cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi cũng là nguyên nhân dị tật này.

PGS.TS Trần Cao Bính cũng cho rằng, dị tật này xuất hiện khi các bộ phận của môi hoặc vòm miệng và mũi không hợp nhất lại với nhau trong quá trình phát triển phôi thai. Nếu không có sự can thiệp, trợ giúp kịp thời, cuộc đời của nhiều trẻ có thể sẽ rất khác do những tổn thương về thể chất và tinh thần mà chính các em và gia đình phải gánh chịu.

“Trong khi đó, phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ giúp các bé phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, cải thiện thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát âm sau này. Nhiều trẻ sau khi được phẫu thuật, điều trị toàn diện đã có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành những trẻ bình thường, thậm chí là những nhân tài”, PGS.TS Trần Cao Bính nói.

Mới đây, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội đã phẫu thuật thành công ca bệnh hở hàm ếch rất phức tạp. Bệnh nhi 13 tháng tuổi (ở Lào Cai), sinh ra với khe hở chéo mặt bên trái và khe hở môi, vòm miệng toàn bộ hai bên. Do có khe hở chéo mặt cộng với khe hở môi và vòm miệng lớn nên bệnh nhi ăn uống rất khó khăn. Hơn nữa, khiếm khuyết này còn khiến bệnh nhi bị lộn kết mạc, nhắm mắt không kín, gây nguy cơ viêm, khô giác - kết mạc.

Ca phẫu thuật được tiến hành với mục tiêu đóng kín khe hở chéo mặt, che kín mắt trái giúp bảo tồn mắt trái, tạo hình môi hai bên giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Sau 4 giờ thực hiện, ê kíp phẫu thuật đã tạo hình được môi hai bên, cánh mũi trái, đưa được mí dưới trái về đúng vị trí giải phẫu, nhắm mở được mắt trái. Mọi chi phí phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cho ca bệnh này đều được miễn phí.

Trong khuôn khổ chương trình, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội phối hợp với Tổ chức Smile Train triển khai khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khe hở môi - vòm miệng. Chương trình cũng cung cấp kiến thức về việc điều trị toàn diện, đó là chăm sóc, bảo vệ và phục hồi cho trẻ không may mắc phải dị tật bẩm sinh này từ lúc thai nhi đến tuổi trưởng thành, giúp trẻ sinh ra và lớn lên hoàn toàn lành lặn như bao trẻ khác, có thể đến trường cùng bè bạn mà không bị mặc cảm hay tự ti về thẩm mỹ khuôn mặt, ăn nhai và phát âm. (Hà Nội mới, trang 5).

 

'Nút thắt' đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế được tháo gỡ, bệnh viện không để bệnh nhân tự mua

Lãnh đạo nhiều bệnh viện tuyến trung ương khẳng định: Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành đã tháo gỡ nhiều 'nút thắt', giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Có bệnh viện tháo gỡ được 90-95% khó khăn.

Ngày 21/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương đầu ngành trực thuộc Bộ nhằm rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Cùng dự họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận.

Có bệnh viện tháo gỡ được 90-95% 'nút thắt' trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành, Bệnh viện đã bắt tay ngay vào việc xây dựng các gói thầu về vật tư, tiêu hao, trang thiết bị. Chỉ trong khoảng 4 tuần tới, Bệnh viện sẽ đảm bảo đủ vật tư tiêu hao cho khám, chữa bệnh thông thường và cấp cứu.

"Hiện tại công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện được đảm bảo, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Những mặt hàng cần thiết, Bệnh viện sẽ áp dụng hình thức mua trực tiếp. Bên cạnh đó, Bệnh viện đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư về các máy móc đã hết thời gian liên danh liên kết, trao tặng lại cho Bệnh viện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bệnh viện cũng quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30"- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Trần Cao Bính nêu rõ: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ 90-95% những băn khoăn của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Bệnh viện đã tập trung đấu thầu bổ sung 20 danh mục gặp vướng mắc trước đó. Về lâu dài Bệnh viện cũng đề nghị cần sửa đổi sớm Luật Đấu thầu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh dài hạn của bệnh viện.

Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ đươc rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện, do đó các bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao thực hiện chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng bệnh viện.

"Nếu bệnh viện nào khó khăn, thiếu thuốc, vật tư tiêu hao… phải công khai minh bạch, không để bệnh nhân đi mua"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Cục quản lý Khám chữa bệnh tổ chức các đoàn đánhh giá chất lượng bệnh viện các bệnh viện sau khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Tiếp tục rà soát các vướng mắc khó khăn từ thực tiễn mua sắm, đấu thầu

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát các vướng mắc khó khăn trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Bên cạnh đó các Cục/Vụ của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan được phân công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây dựng giá gói thầu; trang đăng tin giá gói thầu; xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung…

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng giao Cục quản lý Khám chữa bệnh có văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành.

Trước đó, đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023.

Nghị định số 07/2003/NĐ-CP đã giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá;

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 đã giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu; hướng dẫn xác định giá gói thầu; việc sử dụng trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Trước đó ngày 10/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai Nghị định Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Hội nghị kết nối 1.300 điểm cầu từ Bộ Y tế đến các Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Bệnh viện Bạch Mai sẽ đủ vật tư cho khám, chữa bệnh”.

 

Ca mắc thuỷ đậu ở Hà Nội tăng cao: Tuân thủ 5 khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh

Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi...

Ngày 21/3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 - 17/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu, giảm nhẹ so với tuần trước đó Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thuỷ đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca. Trong đó số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân thuỷ đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. 

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Hà Nội tăng gần 140 lần ca mắc thủy đậu, nguy cơ dịch bùng phát”.

 

Mở ra cơ hội sống cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Cháu bé chỉ 1 tuổi, nặng 6,7kg, mắc bệnh rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp, mọi phương pháp cứu chữa đều không còn hiệu quả, chỉ có ghép gan; bé trai khác bị xơ ung thư gan giai đoạn cuối, nếu không ghép gan, cháu sẽ tử vong…

Những em bé còn rất nhỏ đã phải mang trọng bệnh, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ có kỹ thuật ghép tạng, các bé đã hồi sinh sự sống. Sau ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005, hiện đã có 37 trẻ được cứu sống nhờ kỹ thuật khó bậc nhất trong ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhiều em bé bên bờ “cửa tử” được hồi sinh

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương không thể quên ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi, cân nặng thấp nhất được thực hiện tại Việt Nam. Đó là cháu T.V.H (1 tuổi, trú tại Mỹ Lộc, Nam Định) được chẩn đoán vàng da, ứ mật từ lúc 3 tháng tuổi do hội chứng rối loạn chuyển hoá mật hiếm gặp PFIC type 2.

Cháu bé đáp ứng với điều trị kém, thường xuất hiện triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. Nếu không được ghép gan kịp thời, cháu bé sẽ tử vong.

Ghép gan cho bé H là một thách thức rất lớn với đội ngũ thầy thuốc nước ta, bởi đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, chỉ với cân nặng 6,7kg, kỹ thuật ghép khó khăn hơn rất nhiều. Bố của bé là anh T.V.T (27 tuổi) cho con một phần gan trái. PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khi đó là Trưởng Khoa Ngoại cho biết, với các mạch máu có kích thước vô cùng nhỏ (khoảng 1,3mm) của một em bé 6,7kg, phải nối dưới kính hiển vi điện tử, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất cao.

Mức cân nặng dưới 7kg để tiến hành ghép gan là rất khó khăn. Sau 12 giờ phẫu thuật căng thẳng, dưới sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Bắc, ca ghép đã kết thúc thành công. Cháu bé đã hồi sinh sự sống từ nguồn tạng của cha đã khoẻ mạnh dần, xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Năm 2022, trong thời điểm Hà Nội căng thẳng đối mặt với dịch COVID-19, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành ghép gan cho bé trai B.A (9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng) khi sự sống của bé chỉ được tính bằng ngày. Khi đó, bé A nhập viện trong tình trạng xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh.

Do thiếu máu và rối loạn đông máu nặng, bé thường xuyên phải sử dụng các chế phẩm máu và thuốc điều trị hỗ trợ. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất. Ca ghép gan đã diễn ra với một ê-kíp gồm nhiều chuyên gia đến từ các chuyên khoa khác nhau. Sau 9 giờ căng thẳng, ê-kíp phẫu thuật đã ghép gan cho bé thành công, bé A tìm được sự sống khi một phần gan của người cha hồi sinh trong cơ thể. Kể từ khi ra viện, bé B.A dần ổn định sức khỏe và hòa nhập với cuộc sống thường nhật.

Hay như bé gái H.P (Bắc Giang) cũng mắc căn bệnh nguy hiểm về gan mật, ghép gan là con đường duy nhất để chữa trị cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ đã ghép gan thành công từ nguồn gan hiến của người cậu. Với gia đình bé P, giây phút nhận được thông báo ca mổ thành công, đó chính là thời khác mà với họ, bé P được sinh ra lần thứ hai.

Thành công của các ca phẫu thuật đó là dấu mốc khi ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan trẻ em, mở ra những sự sống mới cho các bệnh nhi đang cận kề “cửa tử”.

Ghép gan bất đồng nhóm máu

Ngoài hơn 20 ca thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tự chủ hoàn toàn, thực hiện thành công 17 ca ghép gan cho trẻ có kết quả tốt. Ghép gan là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành như: Ngoại khoa, gan mật, tiêu hóa, hồi sức, gây mê, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh…

Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Từ năm 2005, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự giúp đỡ của rất nhiều các cá nhân, tổ chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong quá trình hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ của hai bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công từ người hiến cho sống trên bệnh nhi 18 tháng tuổi ung thư gan giai đoạn cuối và 1 bé gái, 1 bé trai 5 tuổi mắc bệnh teo mật bẩm sinh, cùng các bệnh nhi khác mắc bệnh gan mật nặng. Đến nay, bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép gan.

Đặc biệt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan cho những ca đòi hỏi kỹ thuật cực khó như bất đồng nhóm máu. Ghép gan bất đồng nhóm máu là ngoài nguyên tắc truyền máu, người cho và người nhận không nhận được nhóm máu của nhau.

Theo Đại tá, TS.BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tuỵ, Trưởng Tiểu ban ghép gan Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – một trong những chuyên gia chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương, để ghép được gan bất đồng nhóm máu, người nhận phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, làm cho hệ thống miễn dịch lu mờ đi, không nhận ra tạng ghép đó.

Sau 2 liệu trình sẽ đánh giá lại kháng thể kháng nhóm máu đó xuống ngưỡng cần thiết hay chưa thì mới ghép được. Ghép tạng bất đồng nhóm máu có một số biến chứng cao hơn một chút, tuy nhiên thời gian sống tương đương với người cùng nhóm máu. Kỹ thuật này tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh gan giai đoạn cuối”, TS.BS Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Từ thành công ca ghép gan bất đồng nhóm máu, đã mở ra rất nhiều sự sống mới cho các em bé mắc bệnh về gan không còn phương pháp điều trị hiệu quả. PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh: “Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật cao không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, mà còn giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép”.

Được biết, ngoài làm chủ ghép gan, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân… cứu sống nhiều trẻ mắc các bệnh nguy hiểm khác. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Bộ Y tế kiểm tra chất lượng bệnh viện

Thông tin từ các bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành đã tháo gỡ được nhiều "nút thắt", giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh (KCB).

Ngay khi được tháo gỡ, các BV đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất...

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết BV đã bắt tay ngay vào việc xây dựng các gói thầu về vật tư, tiêu hao, trang thiết bị. Chỉ trong khoảng 4 tuần tới, BV sẽ đảm bảo đủ vật tư tiêu hao cho KCB thông thường và cấp cứu. Hiện tại công tác KCB được đảm bảo cơ bản, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Những mặt hàng cần thiết BV sẽ áp dụng hình thức mua trực tiếp. BV cũng quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm luật Phòng chống tham nhũng trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt T.Ư (Hà Nội), cho biết BV đã tập trung đấu thầu bổ sung 20 danh mục gặp vướng mắc trước đó. Về lâu dài, BV cũng đề nghị cần sửa đổi sớm luật Đấu thầu để thuận lợi trong mua sắm các trang thiết bị cho KCB.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho biết Cục sẽ tổ chức các đoàn đánh giá chất lượng BV sau khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị được phân công khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây dựng giá gói thầu; trang đăng tin giá gói thầu; xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung… Cục Quản lý KCB có văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác nâng cao chất lượng KCB sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành. (Thanh niên, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang