Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/4/2021

  • |
T5g.org.vn - Hàng không từ chối vận chuyển khách không khai báo y tế; Phát động chiến dịch phòng, chống và loại trừ sốt rét khu vực miền trung - Tây Nguyên; Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong phòng, chống dịch Covid-19…

 

Quan tâm, chăm sóc người bệnh tâm thần

Theo Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 9-2020, người bị rối nhiễu tâm trí, ước tính chiếm hơn 10,5% số dân, tương đương 10,3 triệu người. Riêng số người mắc bệnh tâm thần nặng là khoảng 250 nghìn người. Có thể thấy, các bệnh lý tâm thần và những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng gia tăng do áp lực cuộc sống, nhất là tại các đô thị phát triển, ảnh hưởng rất lớn tới ngành bảo trợ xã hội, tạo gánh nặng lớn cho cộng đồng và toàn xã hội.

Phần lớn những người bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều gia đình do phải đưa người nhà đi chạy chữa trong thời gian quá dài đã không còn khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, chỉ khi khánh kiệt về kinh tế mới đành lòng đưa người bệnh trở về nhà. Các chuyên gia tâm thần học cho biết, để người bệnh ở nhà tự chăm sóc sẽ xảy ra nhiều nguy cơ. Đó là, vừa khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý, lại có thể gây ra mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Khi bệnh trở nặng, bị kích động mạnh về tâm lý, người bệnh có thể gây nguy hiểm đối với người chung quanh. Do đó, hầu hết các gia đình có người bị tâm thần đều có nguyện vọng đưa người bệnh đến các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng xã hội.

 Cũng theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, nước ta hiện có 100 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Trong đó, 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt cho người tâm thần (mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu), 73 cơ sở tổng hợp. Về cơ sở vật chất,  cả nước có khoảng 43 bệnh viện tâm thần, trong đó có ba bệnh viện tâm thần T.Ư, 38 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh, thành phố với khoảng hơn 8.000 bác sĩ, nhân viên y tế. Hiện tại, có hơn 10 nghìn người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 100 cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. 

Dự báo đến năm 2030, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 11% số dân, tương đương 12 triệu người. Trong đó, số người tâm thần nặng thuộc diện bảo trợ xã hội ước tính chiếm khoảng 2,5% số người bị rối nhiễu tâm trí, tương đương hơn 300 nghìn người. Tính đến thời điểm này, có khoảng 90% số người tâm thần thuộc nhóm đối tượng có hành vi nguy hiểm với gia đình, cộng đồng, và những người tâm thần lang thang ngoài xã hội được đưa vào trung tâm, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, phục hồi các đối tượng này còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng chưa được thực hiện ổn định, thường xuyên; thiếu đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp. Phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng, các trung tâm đều ở tình trạng quá tải người bệnh. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, sàng lọc, chẩn đoán đối với người bệnh… Số người tâm thần có xu hướng gia tăng, bao gồm cả người đã bị mắc bệnh tâm thần không được phục hồi, sàng lọc kịp thời khiến bệnh ngày càng nặng. Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh còn yếu, chủ yếu là quan hệ cá nhân. Gánh nặng cho ngành bảo trợ xã hội càng lớn khi việc đãi ngộ cho nhân lực ngành này quá thấp.

Để việc chăm sóc, điều trị những người mắc bệnh tâm thần thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, gia đình và người bệnh. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức các lớp hướng dẫn cách chăm sóc, giúp đỡ người tâm thần cho cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội tại các tuyến y tế cơ sở. Qua đợt tập huấn, học viên nắm được các kiến thức và cách xử lý tình huống can thiệp, quản lý trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các ngành, đoàn thể liên quan và gia đình để hỗ trợ người bị rối loạn tâm thần. Củng cố hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực đi đôi với theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá mọi hoạt động của tuyến cơ sở. Cục Bảo trợ xã hội cho biết đã đề xuất đưa ngành bảo trợ xã hội vào danh mục nghề nghiệp độc hại để có thêm hỗ trợ cho nhân lực ngành này. Đồng thời với xây dựng, hoàn thiện chính sách là việc tăng kinh phí quản lý, khám, cấp thuốc, điều trị cho cán bộ y tế xã, phường cho một lần khám, cấp thuốc... nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ này hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng đến đào tạo và đãi ngộ đội ngũ bác sĩ chuyên ngành, bổ sung số lượng đội ngũ y tế hiện đang thiếu hụt. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đồng cảm, chia sẻ của các nhà quản lý, lãnh đạo, các cấp các ngành, người dân đối với người bệnh tâm thần... Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, nguồn lực để chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt đói, nghèo, mang lại hạnh phúc cho gia đình và người bệnh... (Nhân dân, trang 4)

 

Phát động chiến dịch phòng, chống và loại trừ sốt rét khu vực miền trung - Tây Nguyên

Ngày 22-4, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ mít-tinh, phát động chiến dịch phòng, chống và loại trừ sốt rét nhân ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25-4, với chủ đề “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét”.

Sốt rét là căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng hằng năm, lại có hàng triệu người tử vong và sức khỏe của hàng trăm triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, trong năm 2019, toàn thế giới có 229 triệu người mắc sốt rét, giảm 9 triệu so năm 2015 (283 triệu ca); trong đó, có 409.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, bệnh sốt rét có xu hướng giảm. Năm 2020, cả nước có 1.733 ca, giảm 8.713 ca so năm 2016 là 10.446 ca. Riêng khu vực miền trung - Tây Nguyên, năm 2020 có 1.175 ca, giảm 1.781 ca so năm 2016 (2.956 ca).

Mặc dù đạt được những thành tích nhất định, tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn là một thách thức lớn đối với xã hội, đe dọa bùng phát trở lại. Ngoài vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, sự phục hồi của các vector ở các vùng ngừng biện pháp can thiệp hóa chất. Sự biến động về dịch tễ sốt rét như giao lưu ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường bị thay đổi… Bên cạnh đó, mạng lưới y tế thôn bản là vấn đề mấu chốt để duy trì và phát huy thành quả phòng, chống sốt rét nhưng mức độ bao phủ chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi có nhân viên y tế thôn bản nhưng mức thù lao thấp, kiến thức chuyên môn hạn chế, địa bàn phức tạp với hiệu quả hoạt động chưa cao.

Các tỉnh miền trung - Tây Nguyên là khu vực trọng điểm về sốt rét của cả nước. Khu vực này luôn lưu hành một mặt bằng tỷ lệ mắc - tử vong do sốt rét cao hơn các khu vực khác. Di biến động dân cư lớn, đặc biệt là di dân tự do, khó kiểm soát; tình hình kinh tế xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn; tập quán đi rừng, ngủ rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, luôn lưu hành một tỷ lệ khá cao ký sinh trùng lạnh trong cộng đồng…

Bên cạnh đó, các yếu tố có tính bền vững như công tác xã hội hóa phòng, chống sốt rét, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có lúc có, nơi còn hạn chế; hoạt động của y tế cơ sở, nhất là y tế thôn bản chưa hiệu quả, y tế tư nhân chưa được quản lý đúng mức. Chất lượng các biện pháp kỹ thuật điều trị, phun tẩm hóa chất chưa cao; coi trọng biện pháp phun tẩm phòng chống vector, xem nhẹ công tác giám sát dịch tễ, quản lý ca bệnh, phát hiện sớm điều trị ngay từ tuyến cơ sở.

Do đó, sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về sốt rét, từ đó phát động phong trào phòng ngừa và điều trị sốt rét trong cộng đồng các tỉnh, thành miền trung - Tây Nguyên; kêu gọi sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống tiến đến loại trừ sốt rét. (Nhân dân, trang 5)

 

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 22-4, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với ngài Mam Buncheng – Bộ trưởng Y tế Campuchia chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống Covid-19 với mong muốn hợp tác, hỗ trợ Campuchia cùng thực hiện hiệu quả, đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đánh giá cao nỗ lực, giải pháp chống dịch của Campuchia.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Một trong những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch là huy động toàn bộ hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng chống dịch. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ phía nước bạn trong công tác phòng, chống dịch.

Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác điều trị là tất cả các cơ sở tham gia điều trị đều được kết nối với nhau để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó. Hội chẩn từ xa là bài học đã rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Trong đợt dịch thứ 3 này, mặc dù có nhiều ca bệnh nặng, nhưng chúng tôi đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Nếu ngài Bộ trưởng Campuchia đồng ý, cơ sở điều trị của Campuchia sẽ được kết nối với Việt Nam và Việt Nam sẽ cử bác sĩ, chuyên gia trao đổi cùng bác sĩ điều trị của Campuchia để việc điều trị hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sĩ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu từ nước bạn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch là hết sức cấp bách và cần thiết với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động nguồn lực của Nhà nước và nhân dân quyết định hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, hai triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác.

Nếu như Campuchia đồng ý, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiến hành vận chuyển sang Campuchia sớm nhất, có thể vào thứ 7 này, hãng hàng không của Việt Nam sẽ vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay Phnom Penh của Campuchia.

Đây là một trong những hỗ trợ lớn nhất của Việt Nam cho các nước phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ trước tới nay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Việt Nam cũng mong ngài Bộ trưởng Y tế Campuchia tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam do hiện nay tình hình nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp.

Phía Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh phòng, chống dịch khu vực biên giới. Bộ trưởng cũng cảm ơn nước bạn Campuchia trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia trong chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.

Ông mong muốn Campuchia nhanh chóng vượt qua những khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân Campuchia, trong đó có cả người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia.

Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Bộ trưởng Y tế Campuchia bày tỏ sự cảm ơn đến những quan tâm của Việt Nam đối với công tác phòng, chống dịch của Campuchia và cho biết sẽ có những trao đổi chính thức về tiếp nhận hỗ trợ của Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong phòng, chống dịch”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế giúp Campuchia chống dịch Covid-19”; Công an Nhân dân, trang 1: “Việt Nam sẵn sàng cử bác sĩ, chuyên gia sang Campuchia hỗ trợ điều trị COVID-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia phòng, chống dịch COVID-19”

 

Nhiều nước vẫn ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 cao

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Bộ Y tế Ấn Độ xác nhận, ngày 22-4, nước này ghi nhận số ca mắc và người chết do Covid-19 tăng cao chưa từng thấy. Với 314.835 ca mắc và 2.104 người chết, đây là ngày đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số bệnh nhân mới vượt 300.000 ca và là ngày thứ hai liên tiếp số người chết vượt 2.000 ca.

* Cùng ngày, Lào thông báo sáu ca mắc mới, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Thái-lan có thêm 1.470 ca mắc, bảy người chết. Bộ Y tế Phi-li-pin cũng xác nhận 8.767 ca mắc Covid-19, cùng 105 bệnh nhân chết trong 24 giờ qua.

* Hàn Quốc thông báo ngày 22-4 ghi nhận 735 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp có số bệnh nhân cao hơn mức 700 ca. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC) bày tỏ ủng hộ kế hoạch của chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 tại thủ đô Tô-ki-ô, dự kiến từ hôm nay (23-4).

* Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã bổ sung ít nhất 116 quốc gia vào danh sách khuyến cáo "không du lịch", với cảnh báo đây là những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) kêu gọi các địa phương ở Bra-xin thận trọng trong việc quyết định nới lỏng các hạn chế.

* Với 1.006 ca ngày 21-4, Cu-ba có thêm một ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt 1.000 người. Bộ trưởng Y tế Ác-hen-ti-na xác nhận số người chết do Covid-19 tại Ác-hen-ti-na đã vượt mốc 60.000 người. Chính phủ Ê-cu-a-đo ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm và siết chặt các biện pháp hạn chế.

* Tại châu Âu, Quốc hội Đức thông qua dự luật sửa đổi về phòng, chống lây nhiễm Covid-19, trao thêm quyền cho chính phủ áp đặt biện pháp nghiêm ngặt và thống nhất trên cả nước. Trong khi đó, chính phủ I-ta-li-a thông báo kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp kiểm soát dịch từ đầu tuần tới, tuy nhiên chỉ áp dụng tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp.

* Liên quan vấn đề vắc-xin ngừa Covid-19, ngày 21-4, Hy Lạp và Ai-xơ-len thông báo kế hoạch sử dụng vắc-xin của hãng Johnson & Johnson trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Ai-xơ-len cho phép sử dụng ngay từ tuần tới, trong khi Hy Lạp bắt đầu triển khai ngày 5-5 tới.

* Ngày 22-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chính phủ Xy-ri đã nhận được lô vắc-xin đầu tiên gồm gần 200.000 liều, từ chương trình COVAX do WHO chủ trì. Việc chuyển giao số vắc-xin nêu trên có ý nghĩa quan trọng và kịp thời trong bối cảnh hệ thống y tế Xy-ri hiện suy yếu do xung đột kéo dài.

* Trong khi đó, chính phủ Ma-lai-xi-a ban hành sắc lệnh khẩn cấp, cho phép sử dụng nguồn thu từ dầu khí để mua vắc-xin, nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. I-xra-en bày tỏ ý định chuyển giao tới các nước khác số vắc-xin I-xra-en đặt mua nhưng chưa dùng đến. Hiện nguồn cung vắc-xin đã đủ đáp ứng nhu cầu ở I-xra-en đến hết năm 2022.

* Theo trang worldometers.info, đến tối 22-4, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 144,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3,07 triệu người chết. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh hơn 122,7 người. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia”

 

Nguy cơ lây lan dịch hiện hữu

“Chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan dịch COVID-19 tại Campuchia, Thái Lan và một số khu vực khác vào khu vực Tây Nam bộ của nước ta rất lớn và hiện hữu”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.

Liên tục phát hiện người nhập cảnh mắc COVID-19

Ngày 22/4, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép và cả nhập cảnh theo đường chính ngạch đều phát hiện các trường hợp dương tính. Có trường hợp có 11 người nhập cảnh về Việt Nam, có tới 10 người dương tính với COVID-19.

“Trước tình hình như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao đối với công tác phòng dịch ở khu vực này. Có thể nói rằng, các biện pháp hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả. Tất cả các lực lượng từ bộ đội biên phòng, công an đến các lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày các điểm cắm chốt để quản lý việc nhập cảnh trái phép ở khu vực này. Việc nhập cảnh trái phép trên đường biển hết sức phức tạp.

Vì vậy, các tỉnh đã tăng cường tuần tra, giám sát đối với việc nhập cảnh qua đường biển. Đồng thời huy động mọi người dân tham gia phòng chống dịch, báo cơ quan chính quyền địa phương khi có người nhập cảnh vào khu vực”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo ông Long, Bộ y tế đã chỉ đạo đối với tất cả các địa phương tăng cường xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, đối tượng, khu vực có nguy cơ để có thể phát hiện sớm tình hình dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch. “Tất cả các địa phương ở khu vực này đều phải chuẩn bị cho những tình huống sẽ diễn biến phức tạp hơn”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tất cả các tỉnh có đường biên giới như Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, đây là những khu vực rất “nóng” trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân điều trị. Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người nhập cảnh về khu vực đã dương tính và đang điều trị tại đây.

Cụ thể, các tỉnh sẽ chuẩn bị cho tình huống nâng công suất xét nghiệm, cách ly và cách ly trên diện rộng, cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp nghi ngờ và tiếp xúc gần với những trường hợp dương tính. Các tình huống khác như xây dựng bệnh viện để điều trị cho những bệnh nhân khi có diễn biến dịch phức tạp.

Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đặt cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam bộ nước ta ở mức rất cao. Vì thế Bộ đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ. Hiện 2 đoàn công tác “nằm” tại khu vực Tây Nam bộ để rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.

Việt Nam hỗ trợ Campuchia chống dịch

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bunheng. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam luôn sẵn lòng chia sẻ những bài học, kinh nghiệm qua 3 đợt dịch đã được khống chế thành công. Đánh giá cao những nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng lợi ích của việc phong tỏa, giãn cách xã hội rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng trong cộng đồng.

“Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp Campuchia, đặc biệt nếu Campuchia cần hỗ trợ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 chúng tôi rất sẵn sàng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết và khẳng định trong trường hợp cần thiết, phía Việt Nam sẽ cử các chuyên gia, điều dưỡng, bác sĩ để hỗ trợ Campuchia phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư trang thiết bị là yêu cầu cấp bách, đặc biệt với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã huy động nguồn lực của nhà nước, nhân dân, hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị vật tư khác. Việt Nam sẽ tổ chức lễ trao nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và vận chuyển bằng đường hàng không sang Thủ đô Phnompenh trong thời gian sớm nhất.

Người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam mong phía Campuchia tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đặc biệt là ở các tỉnh có đường biên với Việt Nam do tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Bộ trưởng cũng cảm ơn Campuchia trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ người Việt Nam đang sinh sống tại Camphuchia. (Tiền phong, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Khu vực Tây Nam Bộ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao”

 

Cần giữ chặt biên giới

Ngày 22/4, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do 2 thứ trưởng dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kiểm tra khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước - huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), các chốt trạm kiểm dịch y tế, chốt trạm tại các đường mòn lối mở.

Ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước (khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng, Campuchia), sau khi tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, tại đây đã dừng làm thủ tục xuất cảnh cho người dân, trừ các trường hợp xuất cảnh làm nhiệm vụ chống dịch bệnh hoặc chuyên gia đến Campuchia làm việc.

Hiện cửa khẩu chỉ tiếp nhận giao thương hàng hóa, công tác xuất - nhập khẩu hàng hóa được kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, tài xế các phương tiện sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra hàng hóa. Tài xế lên cabin được niêm phong và di chuyển đến bến cách cửa khẩu khoảng 400 mét.

Trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, hàng hóa được vận chuyển xuống bến, tài xế và phương tiện trở lại Campuchia. Những hàng hóa này sẽ được vận chuyển vào nội địa. Phương án này nhằm đảm bảo các mối đe dọa của dịch bệnh không thể xâm nhập sâu vào nội địa, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đối với công tác quản lý nhập cảnh, theo chỉ đạo, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về cũng được kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp không có giấy tờ tùy thân các cán bộ sẽ từ chối làm thủ tục nhập cảnh. Những trường hợp có giấy tờ tùy thân sẽ được áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh: đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế, đeo khẩu trang… được cách ly đúng quy định sau khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn nhập cảnh trái phép vào địa bàn huyện Hồng Ngự. Thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng cắm chốt đã phát hiện trên 40 vụ với khoảng 60 người nhập cảnh trái phép.

Tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn. Để kịp thời chặn nhập cảnh trái phép, lực lượng kiểm soát đường biên đã được tăng cường. Hiện nay với 20km đường biên trên địa bàn, các lực lượng liên ngành đã triển khai 21 chốt cố định.

Ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần rà soát, ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để đối phó với tình huống có dịch bùng phát trong cộng đồng.

Ông tuyên nhấn mạnh, công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 là rất quan trọng. “Đồng Tháp cần giữ chặt biên giới, nỗ lực hết sức không để dịch xâm nhập”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói. (Tiền phong, trang 4)

 

Vượt qua Covid-19: Những dấu ấn đáng nhớ

Ngày 23.1.2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 (khi đó gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đầu tiên được phát hiện. Sau đó tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới.

Những ngày đầu năm 2020, khi đó Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện của Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang thực hiện đánh giá chất lượng các đơn vị cuối cùng, thì cũng là lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đang bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Lo ngại trước một dịch bệnh hoàn toàn mới có nguy cơ xâm nhập Việt Nam, để chủ động trong công tác điều trị, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tham mưu và đề xuất lãnh đạo Bộ, thúc đẩy hoạt động của Hội đồng các bệnh truyền nhiễm do GS-TS Nguyễn Văn Kính làm Chủ tịch hội đồng, cùng các thành viên là chuyên gia chuyên ngành phổi, hô hấp, bệnh truyền nhiễm… xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV, sau được gọi là SARS-CoV-2) theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16.1.2020. Hướng dẫn này được đánh giá ra đời kịp thời, đáp ứng cho công tác chống dịch.

Lúc này bên Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong.

Ngày 23.1.2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 (khi đó gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đầu tiên được phát hiện. Sau đó tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới. Đây là những thách thức đối với Tiểu ban Điều trị và hệ thống khám chữa bệnh.

Phản ứng nhanh, hội tụ tinh hoa

Để đương đầu với những khó khăn trước mắt, cũng như để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã đề xuất thành lập các đội cơ động chống dịch. Theo đó, 51 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch được thành lập. Trong đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh thành lập Đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin - tổng hợp báo cáo, và Tổ hậu cần.

Ngay khi “ổ dịch Sơn Lôi” Vĩnh Phúc bùng phát và được khoanh vùng, Đội cơ động của Bộ Y tế do PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, làm đội trưởng đã có mặt tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đi cùng còn có Đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng có mặt để hỗ trợ Trung tâm y tế Bình Xuyên quản lý, thu dung và điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19.

Tại đây, Đội cơ động phản ứng nhanh đã hướng dẫn các cán bộ Trung tâm y tế từ những việc đơn giản như mặc đúng trang phục phòng hộ cá nhân, cách thu gom rác thải… đến việc theo dõi quản lý, điều trị bệnh nhân dương tính. PGS-TS Lương Ngọc Khuê xác định phải xây dựng mô hình Trung tâm y tế tuyến huyện Bình Xuyên điểm để đáp ứng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ, và có sự hỗ trợ chủ động, tích cực từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến T.Ư. Đây cũng là cơ sở cho việc phân tuyến điều trị và khẳng định có thể điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại tuyến huyện.

Tiếp sau đó, Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ra mắt. Trung tâm tập trung trí tuệ của các chuyên gia giỏi hàng đầu của Việt Nam trong tất cả các chuyên ngành, phát huy sức mạnh tổng lực của các chuyên khoa, tinh hoa của cả nền y học Việt Nam: GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm; GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; GS-TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam…

Trong ngày 8.3.2020, khi tham dự một buổi hội chẩn tại trung tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ giáo sư trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Trung tâm đã ghi dấu những buổi hội chẩn nhiều cảm xúc như hội chẩn các ca bệnh nặng như bệnh nhân 91, 19, 161… Tập thể tuyến đầu chống dịch với sự đồng lòng và quyết tâm mà nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19.

Những ngày tháng tư

Tháng 4.2020, khi cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cán bộ Cục Quản lý khám, chữa bệnh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình là cơ quan thường trực của Tiểu ban Điều trị. Trong khi các cơ quan, đơn vị có thể luân phiên làm việc tại nhà, các cán bộ, nhân viên của Cục 100% phải đi làm, không được nghỉ phép, thậm chí không có ngày nghỉ vì phải thường xuyên tham gia các cuộc họp chuyên môn, hay lên đường đi kiểm tra tình hình chống dịch tại các bệnh viện.

Nhưng hơn lúc nào hết, Cục lại nhận được sự động viên của các tổ chức, cá nhân cho cán bộ tuyến đầu chống dịch. Nơi tặng khẩu trang, nơi tặng nước sát khuẩn, thực phẩm nâng cao sức khỏe. Những suất cơm hộp mà ấm nóng tình người, những cốc cà phê xua tan đi cơn mệt mỏi, những ly nước cam, chanh leo thanh mát của các đơn vị bạn bè, người thân hỗ trợ mà rưng rưng xúc động... Những bữa ăn quá bữa, những buổi đi làm về muộn cũng đã là thông lệ...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không bỏ ai lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19, Cục đã xây dựng các Hướng dẫn phòng chống bệnh dịch cho các đối tượng nguy cơ cao cho người cao tuổi, người khuyết tật; Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19; Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19; Hướng dẫn chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân suy thận mãn trong dịch Covid-19 và thường xuyên cập nhật hướng dẫn theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Nâng cao năng lực và mở rộng xét nghiệm

“Chậm một giây xét nghiệm, cả nước lo âu” là câu khẳng định nổi tiếng của PGS-TS Lương Ngọc Khuê tại thời điểm đầu của dịch Covid-19. Đây là nhận định quan trọng góp phần đẩy mạnh và mở rộng hoạt động xét nghiệm trong cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới với số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia, nhận thấy xét nghiệm đóng vai trò quan trọng phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, thẩm định và cho phép các đơn vị xét nghiệm tại các BV đủ năng lực được phép tiến hành xét nghiệm sàng lọc và khẳng định Covid-19 theo đúng tiêu chuẩn của WHO.

Việc chủ động trong công tác xét nghiệm tại các BV giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Đây là một trong những biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo xét nghiệm chính xác, nhanh chóng phát hiện ca bệnh; từ đó tiến hành cách ly, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ đạt hiệu quả cao.

Từ chỉ có 3 cơ sở đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, đến nay đã có trên 50 cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực xét nghiệm và đảm bảo an toàn xét nghiệm.

Khi các bệnh viện bị phong tỏa

Trong đại dịch Covid-19, các BV là nơi nguy cơ xảy ra dịch và lây nhiễm chéo. Bắt đầu từ BV Hồng Ngọc rồi tiếp đến BV Bạch Mai (Hà Nội). Đặc biệt, BV Bạch Mai là 1 ổ dịch với hơn 20 người mắc. Khi đó, nhiều cán bộ của Cục trở thành thành viên của Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại BV Bạch Mai.

Một loạt biện pháp đã được đưa ra như đề nghị Giám đốc BV Bạch Mai áp dụng nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế; hạn chế và kiểm soát nghiêm việc người nhà, người thân đến thăm người bệnh đang điều trị; hạn chế tối đa tiếp nhận người bệnh nội trú và ngoại trú trong thời gian kiểm soát dịch tại BV. Đồng thời, hạn chế người nhà chăm sóc người bệnh còn nằm lại BV (tối đa 1 người/1 bệnh nhân); hạn chế chuyển bệnh nhân, điều tiết bệnh nhân về các cơ sở tại Hà Nội...

Bài học của BV Bạch Mai giai đoạn 1 và tại một số BV ở Đà Nẵng trong giai đoạn 2 của dịch đã cho thấy công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ sống còn của các BV.

Giữ vững tinh thần

Những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các cán bộ Cục Quản lý khám, chữa bệnh phải trực thường xuyên. Những ngày tết bị cuốn đi rất nhanh với những buổi họp của Hội đồng chuyên môn, của các kíp trực. Không được hưởng cái tết trọn vẹn là cảm xúc của hầu hết cán bộ y tế, trong đó có các cán bộ, nhân viên Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

Cho đến hiện nay, mặc dù tình hình dịch tạm ổn, nhưng những áp lực công việc, những đòi hỏi của công tác chống dịch trong tình hình mới vẫn còn hiện hữu. Các cán bộ, nhân viên Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh luôn giữ vững tinh thần, đoàn kết và không lơ là chống dịch. (Thanh niên, trang 16)

 

Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do khai báo y tế kiểu đối phó

Việc bắt buộc khai báo y tế đang thực hiện tại nhiều địa điểm ở các thành phố lớn như: Sân bay, nhà ga, các bệnh viện… Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV Lao Động những ngày qua, dù lượng khách tập trung rất đông tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng như các bệnh viện lớn, song việc khai báo y tế diễn ra rất lơ là, thậm chí chỉ mang tính đối phó để qua được cổng kiểm tra. Việc này dẫn đến tình trạng sót lọt những người đến từ vùng dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.

Khai báo y tế cho có để qua cửa an ninh

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay ngoài những hành khách thường xuyên di chuyển bay nên có kinh nghiệm khai báo y tế trên mạng trước khi tới sân bay, còn lại khá nhiều hành khách khác gặp trục trặc trong việc khai báo y tế do chưa quen với việc làm thủ tục trực tuyến hay khai báo qua hình thức online. Do đó, dẫn tới việc nhiều người bối rối không biết khai báo như thế nào cho đúng với quy định hoặc khai báo cho có.

Chị Lê Thị Thật - Hành khách đi từ TPHCM đến Gia Lai cho biết, khi tới sân bay chị mới biết thông tin phải khai báo y tế bắt buộc xong mới được lấy vé thẻ lên máy bay, đối với chị thủ tục này mất khá nhiều thời gian.

“Khi không được hỗ trợ khai báo y tế tôi và nhiều người thấy bối rối không biết khai thế nào mà còn sợ trễ chuyến. Được nhân viên hướng dẫn thì tôi điền thông tin cá nhân và những nội dung bắt buộc thôi, xong rồi tôi tranh thủ làm giúp những người đi cùng không biết khai báo”. Thậm chí, nhiều người còn không sử dụng điện thoại thông minh, khiến việc khai báo trở thành một quy định khá rắc rối cho những hành khách này tại sân bay. Hay có nhiều trường hợp, hành khách đến bay cũng đã được bên đại lý bán vé làm thủ tục khai báo và check-in sẵn. Như trường hợp ông Trần Văn Dung, hành khách bay từ TPHCM đi Hà Nội, khi được phóng viên hỏi về việc có gặp khó khăn gì về việc khai báo không, ông Dung đã cho biết: “Khi đến sân bay không gặp khó khăn gì vì đại lý vé đã hoàn thiện từ trước đó rồi”.

Ông Lưu Việt Hùng, Chánh văn phòng Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trong suốt những ngày vừa qua, tình trạng hành khách khai báo y tế sai thông tin hoặc chưa khai báo y tế khi lên cửa an ninh soi chiếu không chỉ trở thành nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, mà nguy hiểm hơn là khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của hành khách cũng như đảm bảo việc kiểm soát sức khoẻ cộng đồng.

“Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo phân công việc kiểm soát và hỗ trợ khai báo y tế của hành khách cho phía các hãng hàng không phụ trách để giảm tải cho phía an ninh sân bay. Tuy nhiên trước đó khi khách đi qua cửa an ninh, nhân viên an ninh cũng chỉ kiểm tra mã khai báo chứ không thể kiểm tra hết toàn bộ nội dung mà hành khách đã khai trước đó” - ông Hùng cho biết.

Phải kiểm soát được khai báo y tế

Chúng tôi cũng ghi nhận tại các Bệnh viện Đại học Y dược, Quân y 175, Từ Dũ, Ung bướu... trước cổng bệnh viện đều có khu vực khai báo y tế và đo thân nhiệt cho người đến khám chữa bệnh trước khi vào bên trong.

Theo đó, những trường hợp khai bị sốt, ho, khó thở hoặc đi từ vùng dịch về sẽ được đưa đến khu vực sàng lọc. Sau đó, nhân viên y tế của bệnh viện sẽ báo đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) để có hướng xử lý tiếp theo.

Qua tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ dữ liệu khai báo y tế của mỗi bệnh nhân sẽ chuyển tải về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Sở Y tế để được giám sát liên tục. Cán bộ phụ trách của HCDC sẽ thường xuyên truy cập hệ thống khai báo y tế để nắm bắt tình hình khai báo y tế của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. HCDC sẽ chịu trách nhiệm cách ly, xét nghiệm kịp thời và chính xác hơn các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn thành phố.

Siết chặt các biện pháp dự phòng chống dịch COVID - 19

* PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Khai báo y tế thì bắt buộc người dân phải khai báo trung thực. Việc kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên, đồng thời nhắc nhở người dân khai báo y tế trung thực là rất cần thiết. Cơ quan kiểm dịch y tế sân bay, chủ các phương tiện vận tải hành khách, bệnh viện, cơ sở y tế... đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên nhắc nhở người dân việc khai báo y tế. “Quan trọng nhất là cơ quan chức năng cần phải nắm được thông tin tên tuổi, địa chỉ thực tế của người khai báo y tế, để có thể truy vết được khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Tên tuổi, số căn cước công dân, số hiệu chuyến bay là không thể khai báo sai được. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ một ca bệnh COVID-19 dương tính thì buộc phải truy vết nhanh nhất, truy ngược lại từ khai báo y tế là rất quan trọng” - PGS. TS Phu nhấn mạnh.

* Theo ông Hoàng Đức Hạnh- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, các cửa khẩu quốc tế vẫn đang sử dụng máy theo dõi nhiệt độ từ xa (còn gọi là máy tầm nhiệt), kiểm tra nhiệt độ phát hiện các hành khách có dấu hiệu ốm, sốt, cách ly ngay tại cửa khẩu. Đồng thời áp dụng khai báo y tế đối với tất cả các hành khách, người dân đến các cơ sở y tế... Ông Hạnh cho rằng việc hành khách có khai báo trung thực về những điểm đã đi/đến hoàn toàn trông đợi vào sự tự giác và trung thực của hành khách. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải kêu gọi, giám sát người dân khai báo y tế trung thực. Như vậy mới có thể góp phần khống chế, khoanh vùng nếu dịch bệnh xảy ra. T.Linh

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, về trường hợp khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo sai sự thật, căn cứ vào từng trường hợp và lời khai cụ thể của từng người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra, người dân có thể đối diện với mức phạt hành chính lên tới 200 triệu đồng và thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể: Về xử phạt hành chính, người gian dối trong việc khai báo y tế sẽ phải đối diện với mức phạt từ 10-20 triệu đồng theo điều 7 Nghị định 117/2020-CP. Trường hợp người vi phạm biết rõ tình trạng bệnh của bản thân và người khác mà cố tình che giấu thông tin gây hậu quả lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người sẽ bị phạt tiền tối đa lên tới 200 triệu đồng và phạt tù từ 1-5 năm; Trường hợp làm chết người có thể phạt tù lên đến 10 năm. (Lao động, trang 2)

 

Hàng không từ chối vận chuyển khách không khai báo y tế

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa yêu cầu các hãng, cảng vụ hàng không và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác kiểm soát hành khách khai báo y tế tại các cảng hàng không, sân bay; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cũng như yêu cầu bắt buộc khai báo y tế trước chuyến bay.

Ông Thắng yêu cầu, các hãng hàng không từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế và các quy định về an toàn dịch bệnh. Trường hợp để hành khách chưa khai báo y tế theo quy định lên tàu bay, các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cảng hàng không chỉ đạo lực lượng an ninh thực hiện đúng trách nhiệm và nhiệm vụ được giao trong quá trình làm việc; dừng việc phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ và hướng dẫn hành khách hoàn thành việc khai báo y tế và bố trí nhân sự kiểm tra khai báo y tế của hành khách trước khi xếp hàng vào khu vực soi chiếu an ninh theo các chỉ thị, văn bản yêu cầu trước đây của Cục Hàng không Việt Nam.

Các cảng cần hỗ trợ các hãng hàng không thực hiện thông báo cho hành khách yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế trước chuyến bay trên hệ thống phát thanh hoặc trên màn hình thông báo tại các cảng hàng không. Các cảng vụ hàng không khu vực phải triển khai các nội dung trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài đang hoạt động tại cảng hàng không, sân bay. (Công an Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Từ chối vận chuyển các trường hợp không khai báo y tế”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang