Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/5/2023

  • |
T5g.org.vn - Năm 2023, Việt Nam vẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí; Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử; Nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội…

 

Tiến sĩ trẻ nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới

Phát minh thuốc điều trị HIV mới, thực hiện các công trình phát triển chất thay thế kháng sinh mới hứa hẹn cho ra đời những sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”… là hai trong số rất nhiều thành tích của TS Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989), Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa (Hà Nội).

Tốt nghiệp trung học phổ thông, vì yêu thích môn Hóa học và Sinh học, TS Trương Thanh Tùng muốn lựa chọn các ngành có thể ứng dụng kiến thức của hai môn học này. Lúc đó anh đứng trước hai lựa chọn, ngành y hoặc ngành dược.

“Với suy nghĩ đơn giản, học y có thể cứu được một vài người theo từng ca bệnh, còn học dược nếu thành công, có thể cứu được nhiều, thậm chí rất nhiều người cùng lúc. Chính vì vậy, tôi chọn theo học ngành dược học của Trường đại học Dược Hà Nội”, anh Tùng chia sẻ.

Ngay khi là sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội, anh Tùng đã mải mê với những công trình nghiên cứu. Tốt nghiệp, anh lên đường du học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul-Hàn Quốc, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Đan Mạch, rồi sang Mỹ làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhằm mở mang tầm nhìn, hiểu biết về nền khoa học thế giới.

Nhớ lại quãng thời gian đó, TS Trương Thanh Tùng cho biết, khó khăn nhất với anh là giai đoạn bốn tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, khoảng năm 2012.

Thời gian đó, có những hôm, anh phải làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm hôm trước đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Việc làm việc vào cuối tuần là hoàn toàn bình thường. Do chưa quen với nhịp độ công việc cho nên nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, sau này anh nghiệm lại và nhận ra đó lại chính là nền tảng giúp bản thân có thêm bản lĩnh, rắn rỏi để thích nghi với các môi trường khắc nghiệt ở những quốc gia khác. Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều nước, anh Tùng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Anh Tùng cũng nhận được nhiều lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở các quốc gia. Tuy nhiên, cuối năm 2019, anh quyết định trở về Việt Nam và chọn Trường đại học Phenikaa làm điểm dừng chân. Anh lập ra nhóm nghiên cứu thuốc mới và trực tiếp làm trưởng nhóm.

Hiện anh Tùng và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. “Khát vọng lớn nhất của tôi và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc”, anh Tùng chia sẻ.

TS Trương Thanh Tùng cho biết thêm, hiện trên thế giới, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, alzheimer, đái tháo đường,… không đầu tư nhiều cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, Ebola… bùng phát.

Nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng được xem là nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” (như là một quá trình giao tiếp của vi khuẩn) để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh.

Anh và nhóm đã có 10 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế nghiên cứu các chất mới thay thế kháng sinh. Các chất mới đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh) theo hướng ức chế quorum sensing đầu tiên tại Việt Nam. Điều này hứa hẹn sớm có các sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”.

Năm 2022, anh Tùng và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.

“Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virus ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virus trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Điều này có nghĩa là các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV". Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai”, TS Tùng cho biết.

Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng và cộng sự là các dược chất có thể thức tỉnh virus HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.

Trước đó, năm 2014, TS Tùng cũng được Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Hiện nhóm nghiên cứu của anh đang phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị. (Nhân dân, trang Hà Nội).

 

Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng loại thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá điếu truyền thống. Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng mới mẻ, dễ sử dụng và có nhiều hương vị hấp dẫn.

Trên thị trường, nhất là ở các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về thuốc lá điện tử, có sức thu hút, hấp dẫn giới trẻ muốn thể hiện “chất chơi” khi “tô vẽ” đây là sản phẩm ít độc hại hơn thuốc lá điếu truyền thống; đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng vì không làm ảnh hưởng đến người chung quanh do khói có mùi thơm và ít độc hại.

Về hình dáng cơ bản, thuốc lá điện tử ban đầu có dạng hình như điếu thuốc hoặc thỏi son, song gần đây được thiết kế theo bất kỳ một hình dạng nào, thoạt nhìn rất bắt mắt và vô hại, đa dạng hương vị nhẹ nhàng cho bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể dùng thử, dễ chịu hơn nhiều so thuốc lá truyền thống.

Nhưng về cơ chế hoạt động, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng khoang chứa dung dịch có chất nicotine hoặc thành phần thuốc lá, chất tạo mùi, rồi hóa hơi với nhiều hương vị (bạc hà, cam, dâu tây, sô-cô-la, caramen,...) để người sử dụng hít vào. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, trong thuốc lá điện tử, hàm lượng chất gây hại như nicotine, CO, benzopyren,... lớn gấp nhiều lần thuốc lá điếu.

Nguy hiểm hơn, để “tăng độ”, nhiều bạn trẻ tự ý cho thêm các chất hướng thần, gây nghiện, gây ảo giác vào dung dịch này để kích thích sự hưng phấn khi sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về lối sống, sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Thuốc lá điện tử ra đời và phát triển đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào môi trường học đường. Tai hại ở chỗ, nhiều bạn trẻ khá ngây thơ tin vào việc “thuốc lá điện tử rất an toàn so với hút thuốc lá điếu”.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều, tăng lần lượt từ 11,7% (năm 2017) lên 27% (năm 2019); trong đó nhóm 13-15 tuổi chiếm khoảng 3,5%.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử không kiểm soát trong giới trẻ hiện nay thật sự là vấn đề đáng báo động, nếu sử dụng liên tục và thường xuyên vẫn gây nghiện, làm tổn thương phổi không thể phục hồi, hoặc gặp các bệnh liên quan tim mạch, đột quỵ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thông thường, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng pin làm nóng và tạo ra dạng hơi, có nguy cơ gây ra nổ thiết bị sạc điện, rất dễ làm người sử dụng bị bỏng hoặc bị các tai nạn khác.

Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo rất nhiều lần trong gần 10 năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng không những không giảm xuống mà còn tăng nhanh, đòi hỏi các cơ quan liên quan sớm tìm ra biện pháp quản lý chặt chẽ, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không thể chỉ dừng lại ở mức vận động, cảnh báo hoặc thu giữ và xử phạt hành chính.

Với những hậu quả về sức khỏe tâm thần rất thực tế, nhiều người đặt ra câu hỏi cần làm gì để giải quyết tình trạng này. Nhiều bậc cha mẹ và chuyên gia y tế đề xuất, nên cấm sử dụng sản phẩm này ở nước ta để phù hợp xu hướng thế giới.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, có giải pháp quản lý chặt chẽ nhằm bịt “khoảng trống” hiện nay do các sản phẩm thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan trên thị trường đều là hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ do Việt Nam chưa cấp phép lưu hành và kinh doanh thuốc lá điện tử. (Nhân dân, trang 1).

 

Nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Ngày 22-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, trong khi số ca mắc tay chân miệng, thủy đậu có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước đó thì số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng. Dự báo năm nay, nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng tăng. Dự báo, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch sớm, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Do đó, trong tuần này, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, trong đó tập trung giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất. Ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. (Hà Nội mới, trang 5).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng, nguy cơ xuất hiện sớm các ổ dịch”.

 

Hết thuốc giải độc Botulinum: Sự sống của nhiều bệnh nhân mong manh

Chỉ trong thời gian ngắn, ở TPHCM xảy ra nhiều vụ ngộ độc Botulinum khiến ít nhất 6 nạn nhân nhập viện. Tuy nhiên, chỉ có 3 trường hợp có thuốc giải, những bệnh nhân còn lại đối mặt nhiều nguy hiểm vì không còn thuốc đặc trị.

Ngày 21/5, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, khoa vừa phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong hội chẩn và xác định có thêm 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum có nguồn gốc từ thực phẩm.

Cả 3 bệnh nhân đều ngụ tại thành phố Thủ Đức, trong đó người đàn ông 45 tuổi được chẩn đoán ngộ độc liên quan việc ăn một loại mắm để lâu ngày. 2 trường hợp còn lại là 2 anh em ruột, gồm nam thanh niên 18 tuổi và bệnh nhân nam 26 tuổi, được xác định bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn chả lụa bán dạo kèm với bánh mì.

Theo thông tin từ bệnh viện, ngày 13/5, các bệnh nhân sử dụng thức ăn bị nhiễm độc, đến ngày 14/5 cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy. Một ngày sau, tình trạng tiến triển nặng hơn khiến các bệnh nhân bắt đầu yếu cơ, khó nuốt.

Nam thanh niên 18 tuổi có diễn biến sớm nhất với biểu hiện yếu sức cơ được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, người anh sau đó nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đàn ông 45 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân 18 tuổi đã được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Trước những ca bệnh có biểu hiện giống nhau liên tiếp nhập viện, các bác sĩ của 3 bệnh viện đã phối hợp hội chẩn. “Kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TPHCM của bệnh nhân nam 45 tuổi xác định có sự hiện diện của độc tố Botulinum tồn tại. Cũng với những biểu hiện của 2 bệnh nhân còn lại, chúng tôi khẳng định hơn 90% các trường hợp này là ngộ độc Botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn”, BS Hùng nói.

Đến ngày 21/5, nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh nhân 45 tuổi và bệnh nhân 18 tuổi bị liệt cơ, đã phải thở máy. Riêng bệnh nhân 26 tuổi còn cử động được, vẫn có thể tự thở khí trời.

Tuy nhiên, nhiều khả năng tình trạng bệnh sẽ diễn tiến nặng khiến bệnh nhân này cũng phải thở máy, điều trị khó khăn vì không còn thuốc giải.

Các bác sĩ nhận định, anh em trong vụ ngộ độc này có liên quan nguồn thực phẩm là món giò lụa bán dạo trong vụ ngộ độc đã được xác định vào ngày 13/5 khiến 3 trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Sự sống mong manh vì hết thuốc

Vào tháng 3, cả nước chỉ còn 5 lọ thuốc BAT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là loại thuốc hiếm với chi phí khoảng 8.000 USD mỗi lọ. Để cứu các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua nhiễm Botulinum tại Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều chuyển cả 5 lọ thuốc trên, ngành y tế tỉnh Quảng Nam dùng hết 3 lọ, cứu sống gần 10 bệnh nhân. Ngày 16/5, khi 3 trẻ bị ngộ độc do ăn giò lụa, 2 lọ thuốc BAT cuối cùng đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và sử dụng hết.

TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc Botulinum là rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho bác sĩ điều trị. “Bệnh nhân ngộ độc Botulinum sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là họ có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy.

Khi không có thuốc giải, bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng tổn thương hệ thần kinh, thở máy kéo dài. Nếu may mắn qua khỏi, người bệnh cũng sẽ đối mặt với di chứng, trường hợp nặng nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Hùng nói.

Từ thực tế nhiều loại thuốc hiếm và thuốc giải Botulinum ngày càng trở nên cần thiết cho việc cứu chữa người bệnh trong tình trạng nguy cấp, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu phương án chủ động dự trữ thuốc hiếm cho cấp cứu, điều trị. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulium: Rất nguy hiểm nhưng không khó phòng ngừa ”; Tuổi trẻ, trang 14: “Cả nước hết thuốc giải động botulium phải làm sao?”.

 

Khó như xử phạt cấm hút thuốc lá

Đầu tháng 5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi.

Nhiều điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn

Theo quy định tại Điều 1 thông tư này, các địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp; Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng (cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng); Phương tiện giao thông công cộng cấm hành khách hút thuốc lá hoàn toàn (gồm: ô tô; tàu bay; tàu điện). Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định pháp luật.

Ngay khi quy định này được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trong đó, những ý kiến đồng thuận thì cho rằng, quy định trên nếu được triển khai sẽ góp phần giảm bớt khói thuốc.

“Quy định này nếu được thực hiện nghiêm thì bản thân tôi cũng đồng tình. Không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh những phụ nữ, em nhỏ phải nhăn mặt chịu đựng khi có người hút thuốc lá ở bàn bên cạnh trong nhà hàng, quán nước", chị Lê Thị Vân (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, đây không phải là văn bản đầu tiên liên quan đến xử lý người hút thuốc lá nơi công cộng. Trước đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã đi vào cuộc sống 10 năm nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể.

Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức có liên quan kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng.

Thực tế, hiện nay, tại nhiều điểm công cộng như bến xe, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn người dân vẫn vô tư nhả khói, dù có biển cấm hút thuốc đặt ngay bên cạnh.

Địa phương kêu khó

Ông Đỗ Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) cho rằng, việc xử phạt hút thuốc lá tại nơi công cộng là khó với địa phương. Nguyên nhân là, UBND thị trấn nhân lực ít, chỉ 19-21 biên chế nhưng phải quyết các thủ tục hành chính cho 13.000 dân địa phương.

Vì vậy, việc bố trí lực lượng đi kiểm tra, xử lý người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hầu như chưa thực hiện được. Đó là chưa kể, cán bộ hầu hết cũng ở trong làng, trong xã nên nếu có phát hiện thì cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ phụ trách đô thị của UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ra đời, thời gian đầu UBND phường cũng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý được vài trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây vấn đề này cũng không thấy nhắc đến nữa. Ông Hà cho rằng, có nhiều nguyên nhân khó không xử phạt được người hút thuốc lá nơi công cộng. Một phần là lực lượng mỏng; một phần là bởi hành vi hút thuốc của người dân diễn ra bất chợt, nhanh, vị trí không cố định.

Nếu xử phạt theo đúng quy trình là sau khi nhận được phản ảnh của người dân, lực lượng chức năng thành lập đoàn đến lập biên bản, ra quyết định hoặc đề xuất xử phạt thì cá nhân vi phạm không chỉ thừa thời gian “thủ tiêu” tàn thuốc mà còn đi mất.

Ông Nguyễn Văn Hòa (Sở Y tế Thanh Hóa) thì cho rằng, việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng không hiệu quả do chưa có cơ chế giám sát cụ thể, nên những người đứng đầu vẫn còn làm ngơ, hoặc chỉ đạo chung chung.

Hơn nữa, hiện nay, cơ quan chức năng chủ yếu tuyên truyền để báo cáo thành tích mà chưa chú trọng nội dung, cách thức. Hoặc việc tuyên truyền mới đến được một nhóm đối tượng, chứ chưa sâu rộng đến tất cả người dân. “Nếu không khắc phục được các vấn đề trên thì quy định mới có hiệu lực cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn”, ông Hòa chia sẻ.

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ) đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần (mức phạt cao nhất lên đến 500.000 đồng). Đồng thời, quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.( Tiền phong, trang 10).

 

Sắp ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu

Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trong đó cơ sở y tế của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Dự kiến, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Thông tin về Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, một trong điểm mới là quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Luật cũng quy định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Về nội dung này, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện danh mục giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong đó sẽ quy định giá trần đối với các dịch vụ này tại các cơ sở y tế công lập. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành trong năm 2023.

Liên quan đến vấn đề giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế, trả lời báo chí tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức hồi cuối tháng 3/2023, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế là hoạt động đã diễn ra từ lâu.

Hiện nay, mỗi bệnh viện áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau, từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Để có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp...

Về vấn đề này, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết thêm: khi tham gia các cuộc họp liên quan xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu không cần khống chế trần, vì phụ thuộc thị trường, ai có nhiều tiền thì trả tiền.

Tuy nhiên, theo TS Đức: Cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, căn cứ vào đâu lại có giá 5-10 triệu đồng một phòng, không phải bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền mà phải quản lý, kiểm tra xem chất lượng dịch vụ có tương xứng với số tiền người bệnh chi trả không.

 "Thông tư này khi ban hành hy vọng sẽ thoả đáng được các nhu cầu của những bệnh nhân có khả năng chi trả"- TS Hà Anh Đức bày tỏ.

Với dịch vụ y tế do ngân sách nhà nước thanh toán, hiện cũng đang được sửa đổi, điều chỉnh theo hướng tính đúng tính, tính đủ các yếu tố cấu thành dịch vụ, trong đó bổ sung chi phí quản lý và khấu hao tài sản vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới.

Hiện nay giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành. Bộ Y tế cho rằng việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình nhằm đảm bảo nước sạch sinh hoạt trong mùa khô hạn, thiếu nước

Bộ Y tế hướng dẫn một số biện pháp xử lý nước đơn giản để các hộ gia đình thiếu nước có nước sinh hoạt an toàn sử dụng, nhằm phòng chống các dịch bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Ngoài phèn chua, có thể khử trùng nước bằng Cloramin B, đun sôi nước hoặc dùng thiết bị lọc nước.

Năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Theo đó, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản" nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa khô hạn thiếu nước.

Hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản

Hướng dẫn của Bộ Y tế do Cục Quản lý Môi trường y tế xây dựng áp dụng đối với những hộ gia đình chưa được cấp nước sạch từ các cơ sở cung cấp nước tập trung hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn một số biện pháp xử lý nước đơn giản để các hộ gia đình có nước an toàn sử dụng nhằm phòng chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…

Các biện pháp xử lý nước

1. Lựa chọn nguồn nước

Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo các bước sau đây.

2. Các biện pháp xử lý nước

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

- Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

- Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

a) Khử trùng nước bằng hóa chất:

- Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước trong, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

- Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Cách khử trùng:

- Viên Cloramin B 0,25g:

Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

- Viên Aquatabs 67mg:

Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

- Khử trùng bằng hóa chất bột: Thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramin hoạt tính trong l lít nước.

Đối với bột Cloramin B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần tiến hành như sau: Hòa tan 3g bột Cloramin B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý:

- Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.

- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

- Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

- Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng.

- Việc khử trùng nước bằng hóa chất bột cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn.

- Trước khi tiến hành khử trùng cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất, nên sử dụng hóa chất còn hạn sử dụng để đảm bảo liều lượng và hiệu quả khử trùng.

b) Đun sôi nước

- Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.

- Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

- Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

c) Sử dụng các thiết bị lọc nước

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Lưu ý: Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Năm 2023, Việt Nam vẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí

Theo kế hoạch sử dụng vaccine năm 2023 của Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 vẫn được tiêm miễn phí cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO.

Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để làm căn cứ cho các địa phương tự xác định nhu cầu vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình.

Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên. Trong năm 2023 cần tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng mới đến độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tiêm các mũi nhắc lại.

Theo kế hoạch, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO. Sử dụng vaccine theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vaccine được cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cho biết, ước tính đến hết năm 2023, nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương cần bổ sung là hơn 2,259 triệu liều. Nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của địa phương.

Đối tượng cụ thể được tiêm chủng theo kế hoạch trên, gồm: Người từ 18 tuổi trở lên: người thuộc đối tượng tiêm, người chưa tiêm các mũi nhắc lại và người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 17 lên 18 tuổi).

 Người từ 12 đến dưới 18 tuổi: người chưa tiêm đủ 3 mũi, người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 11 lên 12 tuổi). Người từ 5 đến dưới 12 tuổi: người có nhu cầu tiêm mũi cơ bản.

Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp theo cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên. Về nhóm đối tượng này, Bộ Y tế nêu rõ, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi có đủ căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này là từ ngân sách nhà nước, quỹ vaccine phòng COVID-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp tác khác. (Công an Nhân dân, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang