Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế (Tiếp theo và hết) (*): Bài 2: Nhiều giải pháp linh hoạt, cụ thể
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh tại các địa phương, gây nhiều hệ lụy cho người bệnh. Ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung còn có nguyên nhân sợ trách nhiệm của những cá nhân liên quan.
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập, tại Công văn số 2206/BYT-BH ngày 29/4/2002, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chỉ đạo: Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu, tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện đầy đủ các trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế... để cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Tâm lý sợ... trách nhiệm
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rõ tâm lý sợ trách nhiệm liên quan việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc tập trung, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và ngành y tế tại các địa phương. Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên y tế có tâm lý lo ngại khi thực hiện các thủ tục mua sắm thuốc vì sợ sai phạm. Nhiều bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư rất lo lắng, hoang mang với công việc được giao, cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng và cần có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để bảo vệ nhân viên y tế.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, bối cảnh phức tạp, "sóng gió" hiện tại của ngành y tế cũng khiến các đơn vị khám, chữa bệnh e dè tổ chức đấu thầu. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành y tế có tâm lý hoang mang, không biết những gì mình làm có sai sót dẫn đến phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không...
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam Trương Thanh Phòng, việc đấu thầu hóa chất, vật tư y tế và phương pháp xây dựng giá kế hoạch chưa cụ thể, còn nhiều hạn chế; trong quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên xin ý kiến của cơ quan cấp trên và các ngành có liên quan, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh.
Ngày 17/6/2022, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, dẫn đến không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công lập do liên quan giá chưa hợp lý; thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn… việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi nghị định có hiệu lực...
Tháo gỡ bằng cách nào?
Nhằm khắc phục tạm thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thành phố Hải Phòng đã giao Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung các loại thuốc thông thường cho toàn ngành theo danh mục của Bộ Y tế. Số lượng thuốc được tổng hợp từ các đơn vị khám, chữa bệnh và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt với giá trị khoảng 800 tỷ đồng/năm, và bảo đảm cung ứng từ 65% đến 67% số lượng thuốc sử dụng tại các đơn vị. Thành phố phân cấp cho các đơn vị chủ động mua sắm theo phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế đối với gói thầu dưới 500 triệu đồng và theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố với gói thầu trên 500 triệu đồng. Các quận, huyện được phân cấp mua sắm các gói thầu dưới 100 triệu đồng…
Trong cuộc họp gần đây với Sở Y tế, bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình giao cho đơn vị chủ động báo cáo, xin ý kiến Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc do quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương liên quan công tác đấu thầu hiện nay. Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh hoàn thiện các bước tiếp theo của quy trình lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định hiện hành, sớm có kết quả phê duyệt…
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Trần Huy Đoàn khẳng định: Suốt vài tháng nay, Sở Y tế Nam Định huy động 35 cán bộ thuộc các đơn vị trực thuộc tập trung chấm thầu, làm việc với cường độ cao từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày để nhanh chóng có kết quả thầu, kịp thời cung ứng thuốc cho 45 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chậm nhất là giữa tháng 7, Sở sẽ hoàn tất hai gói thầu trị giá hơn 800 tỷ đồng, để các đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu theo danh mục đã phê duyệt.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đắk Nông Trần Quang Hào, địa phương đã vận dụng linh hoạt một số quy định hiện hành để có nguồn cung ứng tốt nhất, nhanh nhất, kịp thời khám và điều trị cho người bệnh. Để có sự thống nhất về mặt văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ, các bộ, ngành liên quan cần kiểm tra, rà soát, thống nhất trong chỉ đạo; đồng thời hướng dẫn bằng văn bản cụ thể, nhất là giữa hai ngành y tế và bảo hiểm xã hội để thực hiện đồng bộ trong cả nước, tránh mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho các đơn vị.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cho rằng, thay vì đấu thầu tập trung như trước đây, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo từ năm 2023 trở đi, giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung đối với 129 mặt hàng thuốc theo danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương, còn hơn 1.000 mặt hàng khác sẽ giao các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện tự tổ chức đấu thầu cho đơn vị mình.
Theo bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố cho phép các bệnh viện chuyên khoa được mua sắm thuốc theo nhu cầu điều trị của bệnh viện và các loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để điều trị cho người bệnh. Riêng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, Sở đã tiến hành thủ tục đấu thầu mua sắm tập trung, dự kiến cuối tháng 6, sẽ có vật tư cung cấp cho các bệnh viện…
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy trình xây dựng danh mục, cách lập dự toán,… nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc về đấu thầu, mua sắm. Sở đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Dự kiến đề án Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt trong tháng 7/2022, sau khi được Sở Nội vụ thẩm định. Việc hình thành Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ giúp giải quyết những hạn chế nêu trên.
Ngày 14/6/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 1576/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh đấu thầu chậm dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định; tham gia có hiệu quả quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu, nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; phối hợp Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế...; chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn rà soát kết quả đấu thầu, số lượng vật tư y tế còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở khám, chữa bệnh, thời gian dự kiến hoàn thành thủ tục đấu thầu để xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động cung cấp thông tin về kết quả đấu thầu vật tư y tế tại các địa phương, đơn vị (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đăng tải trên trang thông tin điện tử) để các Hội đồng đấu thầu vật tư y tế trên địa bàn tham khảo, lựa chọn chủng loại vật tư y tế và xây dựng giá kế hoạch phù hợp, đúng quy định của pháp luật đấu thầu…
Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ ngày 20/6/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung. Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản tháo gỡ ngay… (Nhân dân, trang 5).
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền tây
Số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục tăng, gấp hai lần năm trước, trong đó số ca nặng tăng gấp ba, nguy cơ tử vong cao. Các bệnh viện phải kê thêm giường ở hành lang, điều chuyển người bệnh sang các khoa khác để điều trị mà vẫn luôn quá tải.
Mặc dù mới đầu mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, dịch truyền tại nhiều bệnh viện khiến việc điều trị người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Kê thêm giường, thiếu cơ số thuốc
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong tuần gần đây nhất số người mắc bệnh tăng 35,3% so với tuần trước đó, trong tuần có 4 ca nặng. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.410 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 299% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh Đồng Tháp cũng có hai ca bệnh sốt xuất huyết tử vong trên địa bàn huyện Hồng Ngự cùng nguyên nhân do điều trị chậm trễ. Hiện mỗi ngày, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận gần 30 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vào điều trị, phần lớn là các trường hợp nặng, mắc nhiều ngày được chuyển tuyến hoặc chuyển cấp cứu. Tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, điều dưỡng trực Nguyễn Kim Thảo cho biết, khoa đang điều trị hơn 120 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Do người bệnh nhập viện tăng cao, cho nên số giường bệnh dành cho nhóm bệnh nhân này hiện đã quá tải, phải kê thêm các giường tại hành lang. Trong số các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp có cả người lớn và trẻ em; có những trường hợp chậm phát hiện, nhưng cũng có trường hợp được phát hiện khá sớm mà bệnh vẫn diễn tiến rất nhanh.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Nguyễn Hoàng Việt cho biết, mấy hôm nay, ngày nào cũng có một, hai ca bệnh sốt xuất huyết nặng sốc. Đáng chú ý, hiện nay một số thuốc chuyên điều trị sốt xuất huyết thì hiện không có, mà chỉ những loại thuốc cơ bản. Mặt khác, từ quá trình tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy việc điều trị ở tuyến huyện chưa đạt yêu cầu, có một số trường hợp nặng, chuyển tuyến chưa phù hợp.
Sáng đầu tuần, Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi tỉnh Sóc Trăng càng thêm đông đúc khi các phụ huynh đưa con em đến khám, điều trị bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện cho biết, những ngày qua bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tiếp nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và số ca bệnh nặng tăng gấp ba lần. Đến ngày 20/6 tổng bệnh nội trú 478 ca thì bệnh nhi là 342 ca và sốt xuất huyết gần 70 ca. Tại Khoa Hồi sức, các giường bệnh đều đã kín nên bệnh viện cố gắng tận dụng các khu điều trị khác để điều trị bệnh nhi. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là cơ số thuốc không đủ. Bệnh viện chỉ còn 145 chai dịch truyền cao phân tử 500ml HES 6% (200/0,5) không đủ điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Deugue.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho biết, dịch sốt xuất huyết bùng phát do năm nay mưa sớm và người dân vẫn còn chủ quan với dịch bệnh. Trừ huyện Tri Tôn có số ca mắc thấp, còn lại của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn An Giang, số ca mắc tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ. Riêng các huyện Châu Phú tăng 997%, Phú Tân tăng 792%, An Phú tăng 967%, Tịnh Biên tăng 780%, Thoại Sơn tăng 770% và thị xã Tân Châu tăng 1.031% so với cùng kỳ năm 2021. "Hiện nay số ca bệnh mắc sốt xuất huyết đang bùng phát toàn tỉnh với hơn 5.000 ca mắc, tăng 390% so với cùng kỳ và tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ hai khu vực phía nam", Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang thông tin.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp
Đến ngày 20/6, tỉnh Sóc Trăng có 406 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 244 ca (tăng 151%) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng 30 ca, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021; cơ quan chuyên môn phát hiện 207 ổ dịch, tăng 138 ổ dịch... Đáng chú ý, số ca nhiễm không chỉ ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Tại Sóc Trăng đã có hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu và xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Hiện cơ quan chức năng đang triển khai chiến dịch diệt loăng quăng với quy mô toàn huyện ở các huyện Thạnh Trị, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu… Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học về tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng tập trung cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, vì vậy, việc điều phối nguồn lực cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn chế. Từ đó số ca mắc và ổ dịch bệnh sốt xuất huyết tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022 có chiều hướng tăng nhanh, nhất là đầu mùa mưa đến nay. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền, Trưởng khoa Ký sinh trùng-Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm; thực hiện công tác quản lý chuyên môn, tham mưu, chỉ đạo tuyến; các hoạt động đào tạo, tập huấn; dự trù các trang thiết bị, hóa chất cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Tuy vậy, hiện số ca bệnh ghi nhận tăng nhanh, dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới. Cho nên các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong các hoạt động can thiệp làm giảm mật độ côn trùng trên diện rộng bằng các chiến dịch diệt loăng quăng, kết hợp xử lý dịch chủ động bằng hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền khuyến cáo "bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị nên mỗi gia đình, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức… cần thực hiện diệt loăng quăng, diệt muỗi, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, gia đình và cộng đồng".
Tương tự, bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình, thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và có nguy cơ tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỉnh đang phát huy vai trò của khóm, ấp, khu phố vận động từng hộ dân đồng lòng diệt loăng quăng trong ngôi nhà mình. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đang chuẩn bị mua số lượng lớn thuốc diệt côn trùng, nhưng việc mua loại thuốc này gặp khó khăn do thuốc đang tăng giá, thậm chí doanh nghiệp không báo giá. Hiện nay có tình trạng khu vực nào có ca bệnh thì người dân khu vực đó sợ mắc sốt xuất huyết, còn những khu vực khác thì vẫn xuất hiện tình trạng chủ quan, hoặc quên phòng ngừa sốt xuất huyết. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “29 ca tử vong do sốt xuất huyết”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết”; Hà Nội mới, trang 7: “Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết”.
Kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở khu vực biên giới
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới.
Theo đó, trong thời gian gần đây, số trường hợp nhiễm Covid-19 trên thế giới đã có xu hướng giảm cả về số mắc và tử vong; thế nhưng, số mắc, tử vong vẫn tăng ở một số khu vực trên thế giới.
Đồng thời, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, như: bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải, cúm gia cầm tại khu vực châu Âu, bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại 33 nước.
Ngoài ra, tính đến ngày 17/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý.
Đặc biệt, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một ca mắc đậu mùa khỉ là người nhập cảnh, mang quốc tịch Anh. Bệnh nhân 42 tuổi, làm tiếp viên hàng không.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa…
Riêng việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế; thu giá kiểm dịch y tế theo mức thu được quy định tại Thông tư số 240 năm 2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 51 năm 2016 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 17 năm 2021 của Bộ Y tế.
Cùng với đó, các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế.
Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống phối hợp ngay tại cửa khẩu. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 5: “Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới ngăn chặn dịch bệnh mới nổi”.
Ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 21-6 đến 16h ngày 22-6), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 888 ca nhiễm mới tại 43 tỉnh, thành phố (tăng 140 ca so với ngày trước đó). Như vậy, đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc Covid-19 gia tăng. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, cả nước không có ca mắc Covid-19 tử vong.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Phòng (tăng 86 ca), Đà Nẵng (tăng 46 ca), Bạc Liêu (tăng 16 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Thọ (giảm 40 ca), Lào Cai (giảm 16 ca), Quảng Ngãi (giảm 12 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 698 ca/ngày.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đăng ký bổ sung 58 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.739.855 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.417 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.732.088 ca, trong đó có 9.620.020 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.604.376), thành phố Hồ Chí Minh (609.897), Nghệ An (485.407), Bắc Giang (387.718), Bình Dương (383.796).
Về tình hình điều trị, có thêm 5.657 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.622.837. Ngoài ra, có 33 bệnh nhân đang thở ô xy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.084 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7).
Tăng cường kiểm tra kê đơn thuốc điều trị ngoại trú
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, có một số cơ sở và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chưa nghiêm túc quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú…
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Y tế có văn bản gửi các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế các bộ, ngành khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú theo quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT và Thông tư số 18/2018/TT-BYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các khoa khám bệnh của bệnh viện và phòng khám trên địa bàn.
Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bản thực hiện việc kê đơn thuốc theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bệnh viện. Chỉ đạo Hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện chú trọng công tác kiểm tra, giám sát kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả. (Công an Nhân dân, trang 1).
Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng xấp xỉ 75% so với cùng kỳ năm ngoái, 24 người tử vong, song phòng chống bệnh này không khó…
Bộ Y tế nêu rõ, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm mùa dịch do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Bộ Y tế nhận định nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/ loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (An ninh Thủ đô, trang 9).