Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/9/2019

  • |
T5g.org.vn - Báo động đỏ, huy động 20 y bác sĩ giành giật sự sống cho nữ sinh đa chấn thương; Nỗi lo thiếu dịch đặc trị sốt xuất huyết ngay mùa cao điểm; Bộ Y tế nghiêm túc tiếp thu và sẽ thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Cục trưởng Cục ATTP: Nhiều cơ sở bất chấp luân thường đạo lý trong kinh doanh thực phẩm chức năng; ...

 

Báo động đỏ, huy động 20 y bác sĩ giành giật sự sống cho nữ sinh đa chấn thương

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa kích hoạt báo động đỏ huy động 20 y bác sĩ giành giật sự sống cho nữ sinh đa chấn thương do xe container tông nguy kịch khi trên đường đi học về.

Theo đó, khoảng 10 giờ sáng 20/9, trên đường đạp xe đi học về, nữ sinh Q.T.B.N (11 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An), bị xe container tông ở gần vòng xoay Tân Tạo. Sau tai nạn, em N. bất tỉnh, vết thương vỡ vùng chậu chảy máu liên tục, em được Bệnh viện Tân Tạo sơ cứu rồi chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng TP.

Theo BSCK 1. Nguyễn Cát Phương Vũ, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được xác định đa chấn thương phức tạp, đứt mạch máu lớn, gãy nát chậu, vỡ bàng quang và niệu đạo.

Các bác sĩ trực cấp cứu nhận thấy đây là một ca bị thương trầm trọng, hy hữu và rất thương tâm, do toàn bộ vùng khung chậu vỡ nát, vết thương mạch máu lớn chảy máu liên tục, bàng quang vỡ và niệu đạo lộ ra ngoài. Bệnh nhi trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt… Bệnh nhi nhanh chóng được truyền hoàn máu, được đặt ống giúp thở, hồi sức tích cực.

Lãnh đạo bệnh viện và kíp trực cấp cứu báo động đỏ toàn viện hội chẩn liên khoa (Khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Ngoai niệu, Chấn thương chỉnh hình, Lồng ngực mạch máu). Các  bác sĩ khẩn trương xử trí vết thương, thiết lập đường truyền hồi sức và chuyển bệnh nhi vào ngay phòng mổ.

Quá trình mổ, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị vết thương cơ thẳng bụng, cơ tháp bẩn, bám nhiều bụi đất, lóc da, lộ mô mỡ, đứt ruột ra ngoài. Các bác sĩ tiến hành lau rửa sạch ổ bụng, cắt lọc mô hoại tử dập nát, bơm rửa sạch bụi đất, khâu khép cân cơ, khâu đóng bụng.

Vết thương vỡ bàng quang, đứt niệu đạo được các bác sĩ khâu bàng quang 2 lớp.... Vết thương vỡ toác phần xương mu 2 bên được bác sĩ khâu chỉ thép khép xương mu, nẹp bột chậu đùi bàn chân bên phải, gối gấp.

Đặc biệt nghiêm trọng, vết thương gây đứt đoạn động tĩnh mạch chậu ngoài bên phải, đoạn dập nát hơn 4 cm, bóc tách, các bác sĩ đã cắt lọc, khâu nối, kiểm tra mạch đập. Trong quá trình mổ, bệnh nhi được truyền 10 túi hồng cầu lắng (gần 1,5 lít máu), 5 bịch huyết tương.

Hiện tại, bệnh nhi đã hồi tỉnh và đang được các y bác sĩ tiếp tục chăm sóc, theo dõi đặc biệt. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Nỗi lo thiếu dịch đặc trị sốt xuất huyết ngay mùa cao điểm

Từ tháng 9 đến cuối năm là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, nhưng dịch cao phân tử đặc trị loại bệnh này đang cạn kiệt mà vẫn chưa có nguồn cung ổn định, hiệu quả.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm, cả nước có trên 100.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với hơn chục trường hợp tử vong.

Bệnh viện tỉnh đến TP.HCM mượn thuốc

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện các bệnh viện (BV) đang lo lắng dịch cao phân tử (CPT) trọng lượng 200.000 dalton, còn gọi là dung dịch phân tử 6% (HES 200.000 dalton, gọi tắt là dịch CPT 6%) điều trị cho bệnh nhân SXH nặng, sốc bị đứt hàng vì hãng cung cấp sản phẩm (công ty nước ngoài - PV) tuyên bố ngừng sản xuất.

Theo số liệu sử dụng dịch CPT 6%, năm 2018 BV Nhi đồng 1 TP.HCM sử dụng 2.000 chai; BV Nhi đồng 2 sử dụng gần 600 chai; BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM 800 - 1.000 chai. Giá mỗi chai dịch này qua đấu thầu là 137.000 đồng. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng năm 2018, năm 2019 các BV cũng đã dự trù số lượng dịch CPT 6% và lên kế hoạch cho đợt đấu thầu mới. Tuy nhiên, không có đơn vị cung cấp dịch CPT 6% nào dự thầu.

Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay BV chỉ còn khoảng 50 chai dịch CPT 6%, đủ điều trị cho vài chục bệnh nhân. BV đã lập kế hoạch mua thêm dịch CPT 6% trong đợt đấu thầu mới, nhưng công ty từng cung cấp dịch CPT 6% không tham gia. BV cũng đã có công văn hỏi phía nhà cung cấp nhưng công ty này chưa hồi đáp.

Tương tự, BV Nhi đồng 2 TP.HCM cũng chỉ còn hơn 60 chai dịch CPT 6%. Còn bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, nói: “Chúng tôi đã dự trù đủ dịch CPT 6% cho mùa dịch SXH 2019. Tuy nhiên, hiện BV ở một số tỉnh đã hết loại dịch này nên “mượn” của BV Nhi đồng 1. Nếu BV ở các tỉnh khác tiếp tục “mượn”, chắc chắn sẽ không đủ điều trị cho bệnh nhân tại BV”. Cũng theo bác sĩ Liên, nếu không cho BV các tỉnh mượn dịch CPT 6%, bệnh nhân SXH sốc, nặng cũng sẽ được chuyển lên TP và khi đó bản thân BV cũng sẽ “vỡ trận”. “BV đã có công văn báo cáo Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế”, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết.

Thực tế, tại BV Bệnh nhiệt đới đã có bệnh nhân SXH sốc nặng được chuyển từ Tây Ninh đến, đúng như lo ngại của một số BV. Các BV cũng lo lắng việc công ty sản xuất ngưng sản xuất hoặc Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì phía bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là... người bệnh.

Xoay xở tìm nguồn cung

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh SXH đang tăng mạnh so với những tháng đầu năm và số ca nặng (suy tạng, xuất huyết và sốc) khá nhiều. Hiện BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, mỗi nơi có 90 - 130 bệnh nhân SXH phải điều trị nội trú/ngày. Bệnh nhân SXH nặng chiếm 5 - 6%, trong đó tỷ lệ sốc SXH chiếm 70%. Trong số bệnh nhân bị sốc, khoảng 30% tái sốc có chỉ định dùng dịch cao phân tử.

“Bệnh nhân SXH tái sốc sẽ được chỉ định dùng dịch CPT 6%. Nếu không, bệnh nặng khó có thể được cứu chữa”, bác sĩ Trường nói. Cũng theo bác sĩ Trường, nếu không còn dịch CPT 6% thì BV phải xài các loại dịch CPT khác (dextran 40, dextran 70...), nhưng các loại dịch CPT này gây tình trạng rối loạn đông máu, dị ứng... nhiều hơn so với dịch CPT 6%.

Về nguy cơ cạn kiệt dịch CPT 6%, trả lời PV Thanh Niên, đại diện Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện hãng cung cấp sản phẩm nước ngoài tuyên bố ngừng sản xuất. Sở đã có văn bản gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để tìm giải pháp thay thế trong phác đồ điều trị và thuốc liên quan. “Sợ nhất là tình trạng các BV ở TP “nhượng thuốc” cho các BV khác và các BV ở các tỉnh khác chuyển người bệnh SXH bị sốc đến TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu thuốc”, vị này nói.

Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược, trong phác đồ điều trị SXH (do Bộ Y tế ban hành năm 2011 và cập nhật ngày 22.8.2019), dung dịch CPT được chỉ định điều trị chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng. Các dung dịch CPT đã được sử dụng tại VN, gồm: dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc này đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại VN. Hiện có 6 loại dịch điều trị SXH có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại VN còn hiệu lực; được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu sử dụng các thuốc này thấp nên nguồn cung rất hạn chế.

Cũng theo Cục Quản lý dược, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại VN để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh. (Thanh niên, trang 22)

 

Bộ Y tế nghiêm túc tiếp thu và sẽ thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 20/9, tại Bộ Y tế, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn – trưởng đoàn Thanh tra Chính phủ đã đến công bố Kết luận thanh tra số 1574/KLTT-TTCP ngày 13/9/2019 của Thanh tra Chính phủ việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Về phía Bộ Y tế, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ.

Tại buổi công bố, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số 9495/VPCP-V.I ngày 07/9/2017 và số 97/TB-VPCP ngày 27/6/2018 của Văn phòng Chính phủ), TTCP đã triển khai thực hiện việc thanh tra các nội dung theo quy định tại Bộ Y tế, các tỉnh/thành địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Các nội dung thanh tra bao gồm: việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký cho 10 thuốc của Công ty Helix; cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Kết quả thanh tra cho thấy những mặt ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, đó là:

- Về các văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Dược năm 2016 và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược năm 2016 đã quy định cụ thể tiêu chí, hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép, thủ tục và thời gian cấp phép, quản lý hoạt động nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành...; Luật Dược năm 2016 và Nghị định54/2017/NĐ-CP về cơ bản đã thay thế các nội dung quy định của Bộ Y tế tại các thông tư, quyết định, nguyên tắc, quy trình thẩm định, xét duyệt...

Cục Quản lý dược (QLD) ban hành các quy định về quy trình hoạt động tác nghiệp trong nội bộ Cục QLD như: Quy trình tiếp nhận, xử lý, thẩm định và xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc QT.QLD.56 ngày 07/6/2013; Nguyên tắc xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký;... để thẩm định, xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, cấp số đăng ký thuốc và giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp nước ngoài.

- Theo kết quả xác minh tại các cơ sở y tế và báo cáo của Cục công nghệ thông tin và thống kê Hải Quan, thì kể từ ngày 30/12/2013 (thời điểm thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu) cho đến ngày 31/2/2014, chỉ có 9.300 hộp thuốc H-Capita do công ty VN Pharma đã nhập vào Việt Nam. Khi phát hiện vi phạm liên quan đến hồ sơ hành chính của thuốc H-Capita, Cục QLD đã kịp thời niêm phong Lô thuốc không cho lưu hành thuốc ra thị trường và gửi văn bản đến cơ quan Công an để điều tra, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền; thu hồi số đăng ký 07 thuốc, thu hồi giấy phép nhập khẩu 03 thuốc và thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Helix.

- Các đơn vị được kiểm tra thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về đấu thầu mua thuốc, chưa thấy có biểu hiện ưu tiên để Công ty cổ phần VN Pharma trúng thầu.

- Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan, chủ quan và việc kiểm tra công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, TTCP phát hiện một số dạng khuyết điểm sai phạm. Thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký, xét duyệt và cấp giấy phép nhập khẩu chậm so với quy định, việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc có thiếu sót về thủ tục hành chính, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình thực tế sử dụng thuốc.

Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu chưa làm tròn nhiệm vụ được giao trong việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định. Tại các cơ sở y tế địa phương, việc ký, thực hiện hợp đồng còn sơ hở, không thống kê và báo cáo được các nhà thầu vi phạm, không thanh lý hợp đồng…

Phó Tổng TTCP đề nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện KLTT thành 3 nhóm vấn đề, đó là: điều chỉnh cơ chế chính sách để các đối tượng không lợi dụng sơ hở, bất cập trục lợi; tăng cường lực lượng cán bộ, bổ sung, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực có trình độ nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ; và xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, trong quá trình thanh tra, về phía Bộ Y tế, các Cục, Vụ chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh tra; nghiêm túc thực hiện tất cả các yêu cầu của Đoàn thanh tra trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ một cách kịp thời, rõ ràng, tạo mọi điều kiện về phòng làm việc, các trang thiết bị phục vụ công việc,… để Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ trưởng cho biết: “Sau khi nghe đại diện Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận, đây là Kết luận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và yêu cầu Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện, thay mặt Bộ Y tế chúng tôi xin tiếp thu một cách nghiêm túc và sẽ thực hiện một cách đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”.

“Trong quá trình triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như ý kiến của đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn tại buổi công bố, chúng tôi sẽ phân công theo các nhóm (về xây dựng thể chế, về nâng cao trình độ năng lực của các chuyên viên, chuyên gia thẩm định) và có kế hoạch triển khai sớm. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn chúng tôi tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ” ông Trương Quốc Cường cho biết thêm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Cục trưởng Cục ATTP: Nhiều cơ sở bất chấp luân thường đạo lý trong kinh doanh thực phẩm chức năng

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử phạt vi phạm về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền lên đến hơn 46 tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều quảng cáo, chiêu thức kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp 'luân thường đạo lý'…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đang ngày càng tinh vi hơn, khiến cơ quan chức năng cũng khó xử lý.

- Qua theo dõi trên Facebook và các mạng xã hội, tình trạng quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng online rất sôi động, với những lời quảng cáo “nổ” công dụng sản phẩm như “tiên dược”, khiến người dùng không biết thực ra ra sao. Cơ quan quản lý có biết thực trạng này?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong:

Tôi rất chia sẻ và thông cảm với bức xúc của người tiêu dùng, thậm chí ngay chính người thân của tôi cũng đã từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng của thực phẩm chức năng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh.

Theo quy định pháp luật, vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Song cũng phải nói rằng, hiện nay việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, website còn rất khó khăn, đặc biệt với những mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, chẳng hạn như Facebook.

Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này. Chúng tôi cũng đã có hai buổi làm việc với đại diện Facebook (cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông), phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các website, tài khoản vi phạm.

- Không chỉ quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng còn tinh vi hơn bằng cách đặt tên một số sản phẩm thực phẩm chức năng trùng hoặc na ná tên các loại thuốc chữa bệnh, cố tình khiến người tiêu dùng hiểu nhầm. Tại sao những vi phạm như thế vẫn ngập tràn?

Nguyên tắc của một sản phẩm khi đặt tên phải có tra cứu Cục Sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nhái thì không thông qua quy trình này, do đó người tiêu dùng cần cẩn thận, tìm hiểu, đọc kỹ các thông tin trên nhãn mác sản phẩm.

Có thể nói, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh, chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Về giải pháp, vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP thay cho Nghị định 178 trước đây.

Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vậy trong “ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng như hiện nay, xin ông cho biết làm sao để người tiêu dùng "nhận diện" được sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng, vi phạm quảng cáo?

Thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc.

Tuy nhiên, cần khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, không được phép quảng cáo hay ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, cũng không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo.

Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo hoặc hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng nêu trên thì tốt nhất người tiêu dùng không nên mua, không tin, không sử dụng. Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ Y tế, Cục ATTP…), xem thương hiệu sản phẩm đó…

Trong quá trình mua hoặc sử dụng, nếu phát hiện ra sản phẩm thực phẩm chức năng bị làm giả thì nên báo ngay cho các cơ quan chức năng sau đây: Thanh tra y tế, Thanh tra ATTP, Quản lý Thị trường, Công an, Cục ATTP/Chi cục ATVSTP… (An ninh thủ đô, trang 4)

 

Hà Nội đình chỉ hoạt động 2 nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược phẩm

Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Châu Mỹ (Định Công, Hoàng Mai) và nhà thuốc Sơn Tây (phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) vừa bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do không đảm bảo các điều kiện…

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở này đã ban hành 4 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và chứng chỉ hành nghề dược của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo đó, ngày 16-9, tại Quyết định 1586/QĐ-SYT, Sở Y tế Hà Nội quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 01-0467/HNO-ĐKKDD; giấy chứng nhận Thực hành tốt phân phối thuốc GDP số 178/2/GDP đã cấp cho Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Châu Mỹ.

Lý do thu hồi vì Công ty này không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Tại Quyết định 1587/QĐ-SYT, Sở Y tế Hà Nội quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 03-5062/HNO-ĐKKDD, giấy chứng nhận Thực hành tốt phân phối thuốc GDP số 5062/GDP đã cấp cho nhà thuốc Sơn Tây. Lý do thu hồi vì nhà thuốc Sơn Tây không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Tiếp đó, ngày 17-9, Sở Y tế Hà Nội ban hành 2 quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề dược. Quyết định 1599/QĐ-SYT thu hồi chứng chỉ hành nghề Dược số 07763/HNO-CCHND của bà Nguyễn Hồng Ngân do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 1/7/2016. Quyết định 1600/QĐ-SYT thu hồi chứng chỉ hành nghề Dược số 02259/HNO-CCHND của ông Nguyễn Khắc Thụ do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 10/3/2014.

Lý do thu hồi 2 chứng chỉ hành nghề dược nói ttrên là do ông Nguyễn Khắc Thụ và bà Nguyễn Hồng Ngân có đơn đề nghị nộp lại chứng chỉ hành nghề dược đã được cấp. (An ninh thủ đô, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang