Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/10/2022

  • |
T5g.org.vn - TP.HCM thiếu nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng; Ngày 23/10, số ca Covid-19 mới giảm còn 158 ca; Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin bại liệt mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi; Gỡ khó về thanh toán BHYT cho các bệnh viện ở TPHCM…

 

TP.HCM thiếu nhiều loại vắc xin tiêm chủng mở rộng

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo Sở Y tế, báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, dự kiến thời gian tới TP thiếu các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: Sởi, DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), viêm não Nhật Bản (VNNB), lao (BCG), sởi - rubella (MR) và SII (DPT VGB-Hib).

Cụ thể, vắc xin sởi và DPT, Chương trình tiêm chủng quốc gia đã ngừng cung cấp từ tháng 5.2022. Các loại vắc xin khác: BCG và vắc xin SII (DPT-VGB Hib) dự kiến sẽ thiếu vào tháng 12. Vắc xin VNNB (Jevax), MR và bOPV (bại liệt uống) cũng đã hết từ giữa tháng 10.

Theo Sở Y tế, đến hiện tại, TP.HCM không nhận được bổ sung vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Do đó, khả năng cung cấp vắc xin cho công việc tiêm chủng của ngành y tế TP trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm an toàn và phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng của người dân, Sở Y tế trình UBND TP có ý kiến với Bộ Y tế để sớm cung cấp vắc xin cho TP.HCM. (Thanh niên, trang 4).

 

Ngày 23/10, số ca Covid-19 mới giảm còn 158 ca

Ngày 23/10, bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, số ca mắc Covid-19 mới trên cả nước giảm mạnh còn 158 ca, đây là ngày có số mắc mới thấp nhất trong gần 1 năm qua. Hôm nay tiếp tục không có bệnh nhân tử vong.

Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay Việt Nam có 11.496.987 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.717 ca nhiễm).

Trong ngày có 108 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.600.965 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô-xy là 31 ca, trong đó: thở ô-xy qua mặt nạ: 28 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC: 2 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; không có ca thở máy xâm lấn và ca ECMO nào.

Trong ngày không ghi nhận ca F0 tử vong nào.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.159 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Cả thế giới có 632.777.710 ca nhiễm, trong đó 611.606.405 ca khỏi bệnh; 6.582.457 ca tử vong và 14.588.848 ca đang điều trị (38.569 ca diễn biến nặng).

Trong ngày 22/10 có 101.162 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 261.270.034 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 221.200.517 liều: Mũi 1 là 71.059.389 liều; Mũi 2 là 68.661.786 liều; Mũi bổ sung là 14.500.723 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.038.578 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 15.940.041 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.297.529 liều: Mũi 1 là 9.111.995 liều; Mũi 2 là 8.883.137 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.302.397 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.771.988 liều: Mũi 1 là 9.875.329 liều; Mũi 2 là 6.896.659 liều. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin bại liệt mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4673/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc-xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, thời gian tổ chức tiêm chủng từ tháng 11/2022 hoặc triển khai ngay khi tiếp nhận vắc-xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Địa điểm tổ chức tiêm chủng là tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc, Hà Nội đặt mục tiêu 90% trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi trên địa bàn đã tiêm mũi 1 vắc-xin IPV sẽ được tiêm mũi 2 vắc xin IPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng lần này.

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trường hợp trẻ đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin có thành phần bại liệt IPV trong tiêm chủng dịch vụ sẽ không tiêm mũi 2 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Gỡ khó về thanh toán BHYT cho các bệnh viện ở TPHCM

Từ năm 2019-2021, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chậm thanh toán 1.088 tỉ đồng cho các bệnh viện ở TPHCM. Lý do cơ quan quản lý bảo hiểm y tế TPHCM đưa ra là tổng mức thanh toán vượt mức, việc chậm trễ này dẫn đến nhiều bệnh v

Bệnh viện khó xoay vì chờ thanh toán BHYT 

Bệnh viện Lê Văn Thịnh được UBND TPHCM giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2020 - 2022 đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 

Trung bình một năm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận gần 600.000 đến khám và điều trị. Với 500 giường bệnh đa chuyên khoa và 781 cán bộ viên chức, người lao động, kinh phí vận hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị và nhân sự của bệnh viện  rất lớn. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mức giá thu bệnh nhân không có BHYT chỉ được tính 7 phần, 3 phần còn lại (chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị, máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá. Trong khi đó cũng chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư. 

Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao. 

Bệnh viện hiện nay đang ký hợp đồng với Quỹ Bảo hiểm y tế TPHCM theo đơn giá dịch vụ cung cấp. Trong khi đó, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT và thanh tra lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá. 

Bác sĩ Khanh dẫn chứng, khi thực hiện dịch vụ siêu âm màu cho bệnh nhân, sau khi in kết quả chẩn đoán mà không in hình ảnh siêu âm màu cho bệnh nhân thì bị trừ trong đơn giá dịch vụ siêu âm cung cấp. Trong khi đó hình ảnh siêu âm màu cơ sở có lưu trữ đầy đủ trên hệ thống PACS khi cần có thể truy xuất ra. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ bất cập.

Ngoài ra, việc tạm ứng và quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập. Số tạm ứng cho đơn vị 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Phần 20% chờ quyết toán (thường là 3 tháng), phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét, số chi phí chờ thẩm định, quyết toán này rất lớn. Trong khi đó bệnh viện phải thực hiện chi trả mọi chi phí tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác thì chi theo tháng như: tiền điện, nước… 

“Tiền vật tư, hoá chất sử dụng cho bệnh nhân còn phải dự trữ tồn kho theo cơ sở cho việc khám chữa bệnh kịp thời, chi phí lớn nhưng tiền thanh toán BHYT thì chậm, bệnh viện khó khăn để cân đối” - bác sĩ Khanh nhấn mạnh. 

Vì sao chậm thanh toán BHYT?

Theo Sở Y tế TPHCM, từ lúc áp dụng phương thức thanh toán mới (phương thức tổng mức thanh toán), hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều gặp khó khăn. Lý do là tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân.

Hệ quả là các chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh BHYT không được Quỹ BHYT thanh toán do vượt tổng mức giai đoạn 2019-2021 là 1.088 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP là 315 tỉ đồng; bệnh viện trung ương, bộ, ngành, cơ sở y tế tư nhân là 773 tỉ đồng.

Riêng trong 8.2022, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn ước tính đã vượt tổng mức thanh toán hơn 400 tỉ đồng.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng của Sở Y tế TPHCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - cho biết, cơ quan bảo hiểm đang chuẩn bị kinh phí 4.000 tỉ đồng để cấp cho các bệnh viện trong quý IV. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 10 sẽ cấp toàn bộ. 

Đến hết tháng 11, Bảo hiểm xã hội TP sẽ chuyển 20% kinh phí chưa được giải ngân của quý IV năm 2021 và quý I, II năm 2022 cho các đơn vị. 

Bà Hằng nhấn mạnh, năm nay Tết đến sớm, do đó các bệnh viện cần có sự chuẩn bị để không bị động trong nguồn tiền thưởng cho nhân viên y tế. 

Đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng cho biết, quý IV chỉ còn hơn 2 tháng nữa, nếu Chính phủ chưa sửa Nghị định 146 thì các bệnh viện phải thanh toán theo tổng mức đã dự kiến trước đó. Vì vậy, cần phải cân đối lại tổng mức.

“Năm nay chỉ có gia tăng số lượt khám chữa bệnh, nên phải cân lại tổng mức bằng cách cân đối lại số lượt khám chữa bệnh, nếu không khi tăng tổng mức sẽ không thuyết minh được” - bà Hằng nói. 

Để khắc phục đến gốc rễ khó khăn nói trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị, thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Trong đó, một Phó Chủ tịch UBND TP sẽ làm Trưởng ban. 

Kiến nghị Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, sớm tính đúng tính đủ chi phí khám chữa bệnh, giải quyết nhanh kinh phí cho các bệnh viện. Về lâu dài, Sở Y tế TPHCM kiến nghị thành lập cơ quan, đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Y tế để thẩm định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Giải pháp căn cơ để giữ chân y bác sĩ trước làn sóng nghỉ việc ồ ạt

Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, bác sĩ đã nói về những điều bất hợp lý trong tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhân lực công tác trong ngành y tế nói chung và bác sĩ nói riêng.
3 nguyên nhân khiến y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đông y TPHCM cho biết, có 3 nguyên nhân khiến các y bác sĩ nghỉ việc ồ ạt thời gian qua, đầu tiên phải kể đến là lương thấp. Theo bà, bác sĩ mới ra trường, lương khởi điểm, hệ số chỉ hơn một phẩy - mức lương thấp nhất trong bậc lương cơ bản, rồi mới tăng dần lên theo thâm niên.

Trong khi để một y bác sĩ giỏi ra trường đi làm được, cần bỏ ra từ 6-10 năm để học tập, thực hành. Mức lương chưa tương xứng với trình độ của các y bác sĩ, thành ra rất khó để giữ chân được người tài ở các cơ sở công lập.

Thứ hai là vấn đề tâm lý và môi trường làm việc. Bà Lan cho biết, những vụ việc xử lý các lãnh đạo ngành y tế diễn ra quá nhiều trong thời gian qua đã tạo tâm lý hoang mang cho các y bác sĩ và bệnh viên. Các bệnh viện không dám mua sắm hay đấu thầu vật tư y tế, hệ quả thiếu thuốc, thiếu thiết bị. Trong khi đó, y học cứu người luôn cần đến các kỹ thuật, máy móc công nghệ cao.

“Bác sĩ giỏi mà không có máy móc tốt, họ cũng nản. Muốn cứu người mà cơ sở vật chất, thiết bị không đủ, điều này tạo nên tâm lý không tốt cho y bác sĩ. Họ sẽ từ bỏ công lập để ra các cơ sở tư nhân làm. Môi trường làm việc của ngành y tế đang rất nặng nề và sợ sai”, nữ Đại biểu Quốc hội chia sẻ.

Nguyên nhân thứ ba, theo bà Lan đó là thể chế pháp luật. Ngày ngày làm việc trong môi trường sợ sai, đụng đâu cũng thấy sai phạm và không đủ cơ sở thiết bị để làm - sẽ không một bác sĩ nào muốn gắn bó với nghề, với môi trường công lập.

Bà Lan cho rằng, làn sóng nghỉ việc của nhiều y bác sĩ là hệ quả tất yếu của chế độ đãi ngộ thấp và môi trường làm việc không tương xứng với công sức mà các y bác sĩ bỏ ra. Câu chuyện này không xảy ra với riêng ngành y tế mà nhiều ngành khác cũng vậy. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sau khi dịch COVID-19 xảy ra rất đáng lo với toàn xã hội.

Buồn nhất là hầu hết các y bác sĩ này chọn nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm việc ở bệnh viện tư nhân. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân hầu như đều dành cho người có tiền - một bộ phận nhỏ của xã hội, còn đại đa số người dân khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập là người nghèo, người chưa có kinh tế cao. Như vậy, những người dân khó khăn - số đông của xã hội - thì ai sẽ lo? Đây là trách nhiệm của nhà nước.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đoàn Quốc hội tỉnh Thái Nguyên dẫn chứng việc nhiều người cho rằng làn sóng dịch chuyển nhân lực từ bệnh viện công sang bệnh viện tư có phải “chảy máu chất xám” không?, họ vẫn công hiến cho ngành y, vẫn chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh.

“Tôi cho rằng đây là vấn đề cần suy ngẫm. Các bệnh viện công lập, mục tiêu duy nhất là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, còn với bệnh viện tư nhân, ngoài mục tiêu chăm sóc sức khoẻ còn mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy, cần phải ngăn làn sóng chảy máu nhân lực từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, cần có giải pháp căn cơ để chặn tình trạng y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt.

Giải pháp căn cơ để giữ chân y bác sĩ

Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho biết, đối với ngành y tế, cán bộ, công nhân viên chức ngành y mong muốn được tăng lương cơ sở từng ngày. Ông cho rằng “đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để thực hiện việc tăng lương cơ sở”.

Theo ông, ngoài việc tăng lương, chế độ đãi ngộ, cán bộ ngành y được mong muốn có môi trường làm việc tốt, giúp họ thể hiện năng lực của bản thân. “Nhiều cán bộ y tế họ muốn cống hiến cho hệ thống y tế công lập, nhưng nhiều người phải ngậm ngùi nghỉ việc vì môi trường làm việc, điều kiện học tập không đảm bảo. Trong khi cán bộ ngành y rất mong muốn được học tập, được cống hiến, nếu không đảm bảo được những yếu tố như vậy, họ phải rời đi, tìm môi trường làm việc mới”, ông nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đồng tình phương án giải quyết đầu tiên là tăng lương cho các y bác sĩ. Song về lâu dài thì phải tính đến cả ba cái yếu tố: lương - môi trường làm việc - thể chế pháp luật minh bạch.

Bà phân tích, chỉ một giải pháp tăng lương cơ sở không thể đủ sức nặng giữ chân các bác sĩ ở bệnh viện công. Nhiều y bác sĩ lựa chọn làm việc trong hệ thống công lập bởi dẫu sao nó cũng có sự chắc chắn hơn hệ thống tư nhân. Ở khối tư nhân, lương được trả rất cao nhưng mà tới một ngày người ta không hài lòng thì sẽ dễ dàng đuổi việc.

Đồng thời, chúng ta cũng phải lấy lại được vị thế của các y bác sĩ ở trong lòng của công chúng. Những người đậu được vào các trường Y dược đều là học sinh giỏi, thi đại học 9 - 10 điểm/môn, rồi học 6 - 10 năm ra trường mà nhận lương không bằng một cử nhân hay nhân viên bán hàng thì ai muốn cống hiến. (Công an nhân dân, trang 5).

 

Ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng

Ngày 23-10, Bộ Y tế cho biết, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) ở mức cao. Trong khi đó, tại phía Bắc bắt đầu ghi nhận sự gia tăng số ca mắc và tử vong do SXH .

Trong số các địa phương phía Bắc, Hà Nội đã có trên 6.800 ca mắc SXH (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra. Hiện nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị đang tăng rất cao, nếu trong tháng 8, số bệnh nhân SXH phải nhập viện chỉ có 70 bệnh nhân, thì từ đầu tháng 10 đến nay là hơn 250 ca.

“Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện đang tăng vọt so với những năm trước. Chúng tôi lo ngại trong tháng 11 và 12 tới sẽ là đỉnh điểm của SXH và nguy cơ dịch chồng dịch khi Covid-19 vẫn đang tồn tại”, PGS-TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.  (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang