Bệnh viện 'cãi' bảo hiểm y tế
Cho rằng Bảo hiểm xã hội TP.HCM kiểm tra xuất toán tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sai quy định với số tiền khoảng 44 tỉ đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã “phản pháo”. Giám định trước thiếu sót ?
Theo công văn do bác sĩ (BS) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy ký gửi BHXH TP. HCM, việc BHXH TP kiểm tra xuất toán tiền khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) sai quy định với số tiền khoảng 44 tỉ đồng là chưa có tiền lệ. Và rằng, đoàn kiểm tra do BHXH TP thành lập đã thực hiện lại những việc giống như đoàn giám định (cũng thuộc BHXH TP) về chi phí KCB BHYT đã thực hiện thường kỳ (giám định BHYT lặp lại đối với chi phí KCB BHYT quý 1 và quý 2/2019) là không phù hợp.
Do đó, BV Chợ Rẫy đề nghị BHXH cung cấp căn cứ pháp lý của việc xuất toán và tái giám định; bởi đoàn kiểm tra khi tái giám định đã nêu một số nội dung cho rằng có sai sót trong lần giám định trước đó nhưng các căn cứ rất mơ hồ, mang tính suy đoán… Cũng theo Giám đốc BV Chợ Rẫy, BV đề nghị BHXH trả lời đối với chi phí KCB BHYT quý 1/2019 đã quyết toán thì đề nghị BHXH cung cấp căn cứ pháp lý yêu cầu xuất toán; đối với chi phí KCB quý 1 và 2/2019 đã được BHXH TP thực hiện giám định đề nghị cung cấp cơ sở pháp lý để BHXH TP được quyền thực hiện giám định BHYT nhiều lần (tái giám định)…
Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, đại diện BHXH TP cho rằng đoàn giám định BHXH đã giám định, đoàn kiểm tra sau đó của BHXH kiểm tra phát hiện sai (do giám định trước sai hoặc nhiều hồ sơ sai mà chưa giám định), thì khi tái giám định cần phải thu hồi vì BHXH là cơ quan quản lý tiền nhà nước. Còn việc giám định lần đầu của BHXH làm chưa hết (tức lúc giám định chưa phát hiện có sai - PV) thì đơn vị sẽ kiểm điểm cá nhân liên quan sau. “BHXH TP tổ chức thanh, kiểm tra là có quy định của pháp luật. BHXH được quyền kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tất cả những văn bản pháp quy về KCB, hồ sơ bệnh án là Bộ Y tế ban hành; BHXH chỉ đối chiếu và thực hiện xem có đúng không mà thôi. BHXH TP đang xếp lịch để làm việc trực tiếp với BV Chợ Rẫy”, vị đại diện BHXH TP nói thêm.
Giám định viên mới ra trường “cãi” với giáo sư, tiến sĩ
Vấn đề của BV Chợ Rẫy không phải là chuyện cá biệt mà tại nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật BHYT mới đây tại TP.HCM, nhiều ý kiến than phiền về giám định BHYT, xuất toán. “giám định BHYT, gây khó khăn nhất. Người giám định có quyền chỉ đạo cơ sở KCB qua tin nhắn, email mà BV cũng phải làm. Có lần giám định thanh toán xong, rồi giám định lại. Giám định viên mới ra trường thì đi “cãi” với giáo sư, tiến sĩ của BV. Nếu nói cứ theo phác đồ mà làm thì ai cũng làm BS được”, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị này.
Hầu hết các sở y tế khu vực phía nam đều bức xúc việc phải “cãi tới, cãi lui” với BHXH khi thực hiện công tác giám định, khiến việc thanh toán tiền chậm trễ (BHXH thanh toán cho BV - PV), bên cạnh đó còn bị xuất toán. Theo đó, nhiều sở y tế đề nghị cần có một tổ chức giám định BHYT độc lập không trực thuộc BHXH để có cái nhìn khách quan. Khi các bên thực hiện hợp đồng có vi phạm thì nên đưa ra tòa phân xử.
Trước các vấn đề trên, ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng liên quan đến tranh chấp, các bên tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp thỏa thuận không được thì có quyền khởi kiện ra tòa, “Nhưng lịch sử tại Việt Nam thì chưa ai kiện. Kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy 99% vụ kiện ra tòa thì BV thua”, ông Toàn nói. Vụ BHYT cũng đề xuất thành lập cơ quan giám định BHYT độc lập, tách khỏi cơ quan BHXH hiện nay. Nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên do Bộ Y tế ban hành (Thanh niên, trang 16).
Can thiệp thành công cho trẻ bị đột quỵ nhồi máu não
Sáng 23-12, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin, vừa triển khai can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch thành công cho trẻ bị đột quỵ nhồi máu não, lơ mơ liệt nửa người, triệu chứng y như người lớn và bị chẩn đoán nhầm là viêm màng não. Đây là ca đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam mà bệnh viện thực hiện được. Bệnh nhi là bé gái tên N.H.K., (3 tuổi, ngụ An Giang), nhập viện trong tình trạng đau đầu, diễn tiến nhanh chóng lơ mơ, liệt nửa người chỉ trong vòng 2 ngày được tuyến trước chuyển lên với chẩn đoán viêm màng não.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, bé đang chơi đột ngột than đau đầu, nôn ói và yếu liệt dần, người nhà tức tốc đưa bé đến khám tại địa phương, em lơ mơ dần và được theo dõi viêm màng não, đến khi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn kiểm tra, các bác sĩ đã phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Bệnh nhi được tiên lượng có khả năng tàn tật cao, nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Các bác sĩ khoa ngoại thần kinh đã khẩn trương hội chẩn và tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới DSA.
Sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bé đã được tái thông hoàn toàn. Hiện tại bé đã tỉnh táo, đang dần hồi phục sức cơ nửa người bên phải, đi đứng bình thường, tự ăn uống được và dự kiến sớm xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khải, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đột quỵ nhồi máu não rất thường gặp ở người lớn, và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và cần được can thiệp kịp thời thì mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam để thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự của Đài về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm; siết chặt việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình theo đúng quy định của pháp luật. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông, thông báo công khai, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (Nhân dân, trang 8).
130 trẻ mầm non ở Thanh Hóa phải nhập viện sau bữa ăn trưa
Ngày 23.12, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết từ khoảng 11 - 14 giờ cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho 130 bé đang học tại Trường mầm non tư thục Vườn Mặt Trời (địa chỉ ở P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Tất cả các bé đều có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, nghi do bị ngộ độc thực phẩm. Do số lượng trẻ được đưa đến dồn dập, bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang và huy động y, bác sĩ của các khoa hỗ trợ khoa cấp cứu. Đến 18 giờ cùng ngày, còn 4 trẻ phải theo dõi tại khoa cấp cứu, số trẻ còn lại đã ổn định nên được chuyển về các khoa khác tiếp tục theo dõi.
Chiều cùng ngày, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa hỏi thăm, động viên các bé và người thân; chỉ đạo y, bác sĩ tập trung cứu chữa cho các bé, không để tình huống xấu xảy ra; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo thông tin từ UBND P.Đông Vệ, số trẻ trên nhập viện sau khi ăn bữa trưa gồm cháo thịt (chưa rõ thịt gì) và món bánh cuốn. Ngay sau khi hỗ trợ nhà trường đưa các bé đến bệnh viện, đại diện UBND P.Đông Vệ phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Thanh Hóa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa lấy mẫu các món ăn, đồng thời truy xuất nguồn gốc làm rõ nguyên nhân có phải trẻ bị ngộ độc thực phẩm hay không. Được biết, Trường mầm non tư thục Vườn Mặt Trời có khoảng 500 học sinh (Thanh niên, trang 3).
Bộ Y tế cung ứng tamiflu ứng phó điều trị cúm
Chiều 23.12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thông tin về khả năng cung ứng thuốc tamiflu cho điều trị cúm. Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường việc nhập thuốc về Việt Nam. Trong số 1.720 viên tamiflu 75 mg đang tồn kho tại công ty phân phối, Cục đã điều động 1.000 viên cho Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), sau khi bệnh viện này có công văn (hôm 13.12) đề nghị được vay thuốc từ nguồn chống dịch.
Ngoài ra, 1 lô 50.000 viên tamiflu dự kiến được nhập khẩu về Việt Nam ngày 26.12. Lô tiếp theo khoảng 140.000 viên 75 mg sẽ về trong tháng 1.2020.
Cục Quản lý dược cũng đề nghị người bệnh không tự ý điều trị, sử dụng thuốc tamiflu khi chưa được bác sĩ kê đơn vì không đảm bảo an toàn, có thể gây kháng thuốc.
Người dân khi có triệu chứng mắc cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám bệnh và kê đơn thuốc điều trị (Thanh niên, trang 4).
Việt Nam muốn trở thành nền công nghiệp y tế hút người nước ngoài đến chữa bệnh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Đề án "Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030".
Theo ông Khuê, đây là việc hết sức cần thiết và cấp bách bởi bác sĩ Việt Nam hiện đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh là chi phí khám chữa bệnh thấp hơn các nước, cùng một kỹ thuật cao nhưng thực hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều lần các nước tiên tiến, với chất lượng không thua kém.
Thực tế thời gian qua, đã cónhiều kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh. Chỉ riêng năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám,chữa bệnh thực hiện tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cũng cho thấy, tổng số 6 tháng đầu năm 2019 có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến.
Tuy nhiên, hiện chưa có bệnh viện công lập nào của Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc “gắn sao” cho bệnh viện chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả.
Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận thì chất lượng dịch vụ của các bệnh viện ở nước ta nói chung hiện nay chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị.
Ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỷ USD/năm. Điều này dẫn tới việc "chảy máu" ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền hà....
Trước thực trạng đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, để giữ được người có thu nhập cao ở lại điều trị trong nước, đồng thời hút được người bệnh nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, các giải pháp phải được triển khai một cách đồng bộ.
Vì thế, đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" đặt mục tiêu: Nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện.
Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%; tỷ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỷ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên (An ninh thủ đô, trang 6).
Hà Nội không để xảy ra trường hợp tử vong do dịch bệnh trong năm 2019
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 23-12, trong năm 2019, thành phố đã ghi nhận 12.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1.765 trường hợp mắc sởi, 1.045 trường hợp mắc tay chân miệng, 115 trường hợp mắc ho gà… Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết có sự gia tăng gần 3 lần so với năm 2018.
Tuy nhiên, các dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng đều được khống chế kịp thời, không để lan rộng và không có trường hợp tử vong. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong năm 2020. Cụ thể, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở; tăng cường năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh; kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất; đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh (Hà Nội mới, trang 1).