Theo dõi chặt biến chủng SARS-CoV-2
Trước thông tin về biến chủng của SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học lo lắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là trong phòng chống dịch. Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ”.
Chưa tìm thấy virus biến chủng tại Việt Nam
Sáng 23/12, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến như virus gây COVID-19 tại Anh. Về tình hình dịch tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đến nay, về cơ bản, đã kiểm soát COVID-19 thành công. Trước thông tin về biến chủng của virus tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona.
Ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% - đây là điều đáng quan ngại. Hiện nay, các nhà khoa học cho rằng, chưa rõ có ảnh hưởng đến vắc - xin hay không, sự biến chủng này không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật, mà chỉ tăng khả năng lây truyền. Đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm, nhưng không như đợt này ở Anh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và tới đây Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền thế nào, khả năng xâm nhập vào Việt Nam ra sao.
Tìm kiếm các nguồn lực vắc-xin
Hiện nay, ngoài vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen đang được thử nghiệm trên người, còn có 3 công ty IVAC, POLIVAC, VIBAOTEC đã và đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin. IVAC, VABIOTEC có lộ trình thử nghiệm vào 1/3/2021. “Việc thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm tính đại diện cho toàn quốc”, ông Long nói. POLIVAC đang đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Nga để có vắc-xin…
“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là song song tìm kiếm nguồn vắc-xin của các công ty, nhà sản xuất ở nước ngoài thì phải tập trung cho vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc - xin trong nước”, ông Long nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh theo ước tính và dự báo, cũng như các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vắc-xin nào chứng minh có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Chủ động nguồn vắc-xin cho người dân là hết sức quan trọng nên phải tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin.
“Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo các cơ chế, đàm phán với các công ty để sớm nhất có vắc-xin cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vắc-xin, kể cả trong bối cảnh có vắc-xin vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn với phòng chống COVID-19. Từ hôm nay, Bộ Y tế quyết định đẩy mạnh công tác phòng, chống COVID-19 thành đợt cao điểm từ nay đến cuối năm để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành. Phải chuẩn bị cho tình huống xấu, bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu”, tư lệnh ngành Y tế nói.
Xét nghiệm mọi ca có triệu chứng giống COVID-19
Hằng ngày, có 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên bảo vệ phên dậu, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam vì nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm. Bộ trưởng Y tế yêu cầu tăng cường triệt để trong quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...), thì chỉ được cách ly tại nhà; nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Thời điểm này, nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm hết.
TS Park Kidong, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết, thế giới đã trải qua một năm đại dịch; bài học quan trọng nhất là đầu tư vào công tác chuẩn bị ứng phó là công tác đầu tư hiệu quả. “Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. Tôi khẳng định sự thành công này không phải qua một đêm mà có, mà do chúng ta đầu tư rất nhiều năm. Khi các nền kinh tế, xã hội mở cửa trở lại thì dịch trên toàn cầu tiếp tục thay đổi, chúng ta sẽ có nhiều bằng chứng khoa học hơn nữa. Vì thế, chúng ta phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa để ứng phó và thích nghi”, TS Park nói (Tiền phong, trang 6).
Bệnh viện chuẩn bị khi bệnh nhân 'nhảy tuyến'
Sở Y tế TP.HCM dự báo khi liên thông bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến tỉnh, số bệnh nhân tỉnh đến điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ tăng. Nếu các bệnh viện quận huyện không nâng chất lượng chữa trị, bệnh nhân có thể sẽ "nhảy tuyến" lên bệnh viện cấp TP. Tình hình này đặt ra thách thức với các bệnh viện.
Từ ngày 1-1-2021, người dân có BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến (còn gọi là liên thông BHYT tuyến tỉnh, không phân biệt nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu). Các bệnh viện ở TP.HCM đã chuẩn bị gì khi thực tế này diễn ra?
Tránh chỉ định nhập viện khi chưa cần thiết
Ông Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - nhận định khi BHYT thông tuyến tỉnh, chắc chắn các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM, trong đó có Bệnh viện Nhi đồng 1, sẽ tăng bệnh nhân nhưng tăng bao nhiêu hiện chưa thể đoán được.
Theo ông Hùng, BHYT thông tuyến tỉnh tạo thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi đi điều trị bệnh. Lúc đầu khi thực hiện có thể có những khó khăn, nhưng đây là điều tốt cho người dân nên các bệnh viện đều phải cố gắng thực hiện.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tỉnh nào cũng có điều kiện lên TP.HCM vì ngoài được chi trả 100% quyền lợi BHYT thì bệnh nhân phải chi trả nhiều chi phí khác như đi lại, ăn uống...
Theo ông Hùng, bệnh viện sẽ tránh chỉ định nhập viện những trường hợp không cần thiết để hạn chế quá tải, nhiễm trùng bệnh viện.
Trường hợp điều trị nội trú, những bệnh nhân được điều trị ổn định, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ liên hệ chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến trước để dành chỗ tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển lên.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết năm 2020 dù xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều bệnh viện giảm số bệnh nhân điều trị nội trú nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Hùng Vương vẫn luôn trong tình trạng quá tải, có lúc cao điểm quá tải đến 120%.
Bệnh viện đã phải kê thêm giường, mở thêm phòng để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Sắp tới, khi thông tuyến tỉnh BHYT, thai phụ ở tỉnh đến Bệnh viện Hùng Vương sinh con, điều trị bệnh nhiều hơn, bệnh viện sẽ quá tải nhiều hơn.
Bà Tuyết nhấn mạnh Bệnh viện Hùng Vương là một bệnh viện công nên bệnh viện không thể từ chối bệnh nhân.
Khi bệnh nhân đến bệnh viện nhiều hơn số giường hiện có, bệnh viện sẽ phải tính đến các phương án để có thể tiếp nhận bệnh nhân như tuyển thêm nhân sự, mua sắm các trang thiết bị.
Có thể bệnh viện sẽ ký hợp đồng ngắn hạn với những bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện vừa về hưu để tiếp tục làm trong giờ hành chính của bệnh viện.
Hiện bệnh viện chưa dự đoán được mức tăng của bệnh nhân nội trú sau ngày 1-1-2021 là bao nhiêu, nên tùy vào tình hình thực tế bệnh viện sẽ tiếp tục có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân.
Cụ thể hóa chỉ định nhập viện
Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay việc liên thông BHYT tuyến tỉnh thật sự là tin vui cho người dân nhưng cũng là nỗi lo của các bệnh viện TP.HCM.
Trước đây bệnh nhân nội trú vượt tuyến chỉ được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán 60% chi phí điều trị thì nay theo quy định mới người bệnh sẽ được hưởng 100%, dự báo số bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ tăng.
Sở xác định các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM phải thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh BHYT theo luật định, vừa phải triển khai có hiệu quả các giải pháp giảm tải bệnh viện.
Theo ông Thượng, các giám đốc bệnh viện ở TP.HCM cần cụ thể hóa chỉ định nhập viện cho từng trường hợp, vừa mang tính khoa học vừa phù hợp với điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện.
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tiếp tục thực hiện hỗ trợ kết nối từ xa với các trạm y tế trong tư vấn chuyên môn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện quận huyện, hỗ trợ cấp cứu người bệnh nguy kịch qua quy trình báo động đỏ liên viện.
Ông Thượng cho biết ngành y tế TP.HCM sẽ tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh BHYT cho người dân và người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, nhất là truyền thông về năng lực khám chữa bệnh của các tuyến y tế cơ sở đã được đầu tư, phát triển chuyên môn kỹ thuật thời gian qua như các bệnh viện quận huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu...
Khi người dân hiểu sẽ tránh được tình trạng gây áp lực và yêu cầu nhập viện tại các bệnh viện cấp TP khi chưa thật cần thiết, chưa có chỉ định chuyên môn của bác sĩ.
Quận huyện cũng có thể "nhảy tuyến" lên TP
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - phó giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết khi liên thông BHYT tuyến tỉnh, người bệnh BHYT tại TP.HCM được thanh toán 100% theo mức hưởng khi người bệnh BHYT nằm điều trị tại bất kỳ bệnh viện nào của TP.HCM, trừ bốn bệnh viện trung ương là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương và Bệnh viện Quân y 175.
Trước đây, người dân có BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến tại các bệnh viện cấp TP chỉ được thanh toán 60% theo mức hưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu các bệnh viện quận huyện không nâng cao chất lượng điều trị thì người dân sẽ "nhảy tuyến" lên điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM.
Theo ông Tăng Chí Thượng, liên thông BHYT tuyến tỉnh thật sự trở thành một thách thức về năng lực điều trị nội trú của các bệnh viện quận huyện khi tất cả bệnh viện quận huyện đã tự chủ chi thường xuyên.
Để thu hút người dân có BHYT đến điều trị, các bệnh viện quận huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển danh mục kỹ thuật của bệnh viện đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật, trong đó phát triển nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị bệnh viện phải được xem là ưu tiên hàng đầu.
Ông Đinh Thanh Hưng - giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú - thừa nhận khi liên thông BHYT tuyến tỉnh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các bệnh viện quận huyện.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, bệnh viện quận huyện vẫn có những ưu thế riêng để thu hút bệnh nhân như gần nhà, chỗ nằm điều trị khá thoải mái, nhiều bệnh viện quận huyện cũng có chất lượng điều trị tốt.
Sơ kết từng quý để chủ động điều chỉnh
Theo ông Tăng Chí Thượng, Sở Y tế và BHXH TP.HCM sẽ sơ kết tình hình khám chữa bệnh BHYT theo từng quý trong năm 2021 để chủ động đề xuất điều chỉnh dự toán chi khám chữa bệnh BHYT phù hợp cho các bệnh viện.
Cũng theo ông Thượng, quý 1 hằng năm số lượng bệnh nhân nhập viện chưa đông lắm do có nhiều ngày nghỉ như Tết dương lịch, Tết âm lịch...
Đà Nẵng: tăng cường thông tin với các tỉnh để điều phối
Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Bệnh viện Đà Nẵng là cơ sở y tế tuyến cuối có số lượng bệnh nhân ngoại tỉnh luôn đạt xấp xỉ 50%.
Bệnh viện với quy mô 2.000 giường này có số lượng bệnh nhân điều trị nội trú rất đông từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Lê Đức Nhân - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, do dịch COVID-19, lượng bệnh nhân ngoại tỉnh có giảm hơn so với trước đây nhưng không loại trừ khả năng sẽ tăng đột biến một khi thực hiện liên thông BHYT tuyến tỉnh.
Để tránh quá tải, bệnh viện sẽ phối hợp với cơ sở y tế các tỉnh để trao đổi thông tin và thực hiện điều phối lượng bệnh.
Đối với bệnh viện tuyến quận huyện, bệnh viện này cũng hình thành một bộ phận chuyên khoa khám bệnh từ xa để có thể trực tiếp hỗ trợ các bệnh viện chẩn đoán, sàng lọc ca bệnh trước khi chuyển đến tuyến cuối điều trị.
"Những trường hợp cần phẫu thuật thì việc thực hiện các xét nghiệm được làm nhanh. Việc duyệt kế hoạch phẫu thuật cũng sẽ được thực hiện hằng ngày thay vì 2 ngày như trước đây. Ngoài ra để tránh quá tải, một số trường hợp bệnh sẽ được giới thiệu về các tuyến dưới phù hợp với chuyên môn" - ông Nhân nói.
Hà Nội: làm sao khi bệnh viện đã đầy?
Hà Nội có 2 bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của thành phố nhưng giữ vị trí bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện U bướu Hà Nội.
Thông thường bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên 2 bệnh viện này thủ tục tương tự như chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương.
Nhưng từ 1-1-2021, bệnh nhân ở các tỉnh có thể tự đến điều trị trái tuyến tại 2 bệnh viện này và được chi trả như đúng tuyến.
Ông Nguyễn Sinh Hiền - giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - cho hay mỗi năm bệnh viện thực hiện 2.500 - 3.000 ca can thiệp tim mạch, phẫu thuật xấp xỉ 2.000 ca, chưa kể nhiều ngàn ca chụp tim mạch và khám - điều trị nội khoa. Với 380 giường hiện tại, công suất bệnh viện gần đầy.
"Về nhân lực chúng tôi có thể đáp ứng trong trường hợp bệnh nhân tăng thêm 10-20% so với hiện tại. Chúng tôi vẫn đang đề nghị xây dựng mới cơ sở 2 của bệnh viện, nếu được xây thì phải 2-3 năm nữa mới xong" - ông Hiền cho biết.
Để chuẩn bị mốc thời gian 1-1-2021, ông Hiền cho biết đang sửa lại khu phòng khám tại cơ sở 2 của bệnh viện, tăng số lượt khám có thể đáp ứng mỗi ngày (Tuổi trẻ, trang 2).
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 sẵn sàng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Ngày 23-12, Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 khai mạc huấn luyện thực hành tổng hợp Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là đợt diễn tập cuối cùng và là bước chuẩn bị quan trọng về mọi mặt, bao gồm năng lực vận hành; chỉ huy, quản lý; quy trình chuyên môn Bệnh viện Dã chiến trước khi lên đường tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế tại Cộng hòa Nam Sudan.
Tham dự lễ khai mạc có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu quốc tế gồm đại diện Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam; Liên minh châu Âu; Tùy viên quốc phòng một số nước ASEAN và các quốc gia đối tác về gìn giữ hòa bình như Anh, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Trung Quốc...
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng), từ tháng 10-2018 lần đầu tiên Việt Nam bắt đầu tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 2 Bệnh viện Dã chiến, với 126 cán bộ được cử đến Cộng hòa Nam Sudan cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc điều trị cho hàng ngàn ca bệnh, qua đó nhận được nhiều thư cảm ơn từ LHQ.
Sau khi hoàn thành đợt huấn luyện này, dự kiến 63 cán bộ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 sẽ lên đường nhận nhiệm vụ vào quý 1-2021.
“Lực lượng cán bộ được huấn luyện dài ngày, trong đó đặc biệt chú trọng công tác ứng phó phòng chống dịch Covid-19. Đến nay mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, lực lượng này hoàn toàn đủ năng lực thay thế lực lượng của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 thời gian tới”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định.
Đại diện LHQ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, trong đó đặc biệt là Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2, bởi các đóng góp không ngừng nghỉ tại Cộng hòa Nam Sudan.
“Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 là điển hình của LHQ về tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn y tế. Điều này được chứng minh trong cuộc kiểm tra về kiểm soát tình hình phòng, chống dịch Covid-19 mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phát biểu tại buổi khai mạc huấn luyện thực hành, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, rất vui mừng khi hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam vẫn được duy trì thông suốt, tốt đẹp. Đặc biệt do dịch bệnh và yêu cầu từ phía LHQ đến nay Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan đã phải kéo dài thêm gần 5 tháng.
Trong khi việc tiếp tế vật tư, trang thiết bị duy trì hoạt động của bệnh viện và phòng chống Covid-19 không được LHQ cung cấp. Và Việt Nam đã cung cấp các trang thiết bị vật tư phục vụ cho công tác chăm sóc điều trị theo cách rất Việt Nam.
“Tất cả các cán bộ khi về phép đều để lại các trang thiết bị, vật tư y tế và khi trở lại Nam Sudan trong hành trang của họ mang theo là các trang thiết bị, vật tư y tế để tiếp tế thêm cho bệnh viện. Đó là hành động rất cao cả, và tôi mong muốn LHQ phải hiểu để đồng cảm chia sẻ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Sai sót trong khám chữa bệnh BHYT ở Bình Dương: “Người chết” vẫn đi… khám bệnh
Tại tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây, cơ quan Bảo hiểm y tế (BHYT) phát hiện nhiều sai sót trong việc khám điều trị và chi trả BHYT. Có những trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân, cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Điều trị 4 ngày chỉ được hưởng BHYT 2 ngày
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, trong quý III/2020, cơ quan đã thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại một cơ sở bệnh viện phụ sản nhi ở Bình Dương. Qua giám định, cơ quan BHXH Bình Dương ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân BHYT chưa được hưởng đúng mức theo quy định. Cụ thể, một số trường hợp điều trị 4 ngày nhưng bệnh viện cho hưởng bảo hiểm y tế 2 ngày, phần còn lại bệnh viện đã đề nghị bệnh nhân thanh toán tiền. Cơ quan BHXH Bình Dương cho biết, việc này thực hiện chưa đúng quy định.
BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện việc tiếp nhận người bệnh BHYT theo đúng điều 14, 15 Nghị định 146 quy định về mức hưởng và thủ tục KCB BHYT. Phía Sở Y tế Bình Dương sau đó đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế KCB BHYT trên địa bàn thực hiện đúng quy định về mức hưởng và thủ tục KCB BHYT. Đồng thời, đề nghị các cơ sở trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần liên hệ ngay với BHXH tỉnh Bình Dương và Sở Y tế để phối hợp giải quyết.
5 trường hợp đã chết vẫn phát sinh khám chữa bệnh BHYT
Đáng chú ý, gần đây, qua kiểm tra dữ liệu, Cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương ghi nhận 5 trường hợp xác định đã tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh phí KCB BHYT. Ngày 11.12, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã gửi công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế liên quan tiến hành xác minh lại thông tin của người tham gia BHYT có phát sinh chi phí KCB BHYT sau ngày tử vong.
Ngày 21.12, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản giải trình gửi BHXH tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, trường hợp tại Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Người nhà xin về nhưng quên mang BHYT. Sau đó, tang gia bối rối nên hôm sau mới mang thẻ của bệnh nhân đến. Từ đó dẫn đến thời gian vào, ra viện lệch ngày giờ.
Trường hợp KCB BHYT tại Trung tâm Y (TTYT) tế TP.Dĩ An (phường Tân Đông Hiệp), người đàn ông đã sử dụng thẻ BHYT của cha mình (đã chết) để đi KCB. Trong quá trình tiếp nhận, nhân viên y tế chủ quan không thực hiện đúng thủ tục trong việc kiểm tra đối chiếu nên để xảy ra tình trạng trên. Các đơn vị đã thống nhất giảm trừ chi phí sai sót cho trường hợp này.
Trường hợp tại TTYT P.Bình An - TTYT TP.Dĩ An, bác sĩ có khám cho bệnh nhân nhưng chưa thành thạo việc sử dụng phần mềm mới nên đã click nhầm vào chỗ bệnh nhân đã chết mà không biết.
Trường hợp tại Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa - TTYT huyện Phú Giáo, bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông, do người nhà không đồng ý chuyển tuyến trên, kíp trực sử dụng thuốc từ tủ trực cấp cho bệnh nhân về nhà nhưng chưa kê vào bệnh án. Ba ngày sau đó, kíp trực mới kê toa thuốc điều trị ngoại trú để bù vào tủ trực đã mượn trước đó. Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa đã họp kíp trực kiểm điểm và yêu cầu kíp trực có trách nhiệm thanh toán cho BHXH Bình Dương số tiền mà bệnh nhân đã điều trị.
Trường hợp tại Công ty CP Bệnh viện Năm Anh, một người do có quen biết với bác sĩ đã mang thẻ BHYT của bố (đã chết) đến xin thuốc tăng huyết áp về cho mẹ sử dụng. Vì vậy, chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh sau khi tử vong. Người con sau đó đã giải thích, do nghĩ đơn giản là có thẻ BHYT còn hiệu lực và bố từng khám lấy thuốc cao huyết áp giống với các loại thuốc mẹ đang sử dụng, nên mang thẻ BHYT của bố đã mất trước đó mấy ngày lấy thuốc về cho mẹ mà không khai báo với bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - cho biết, sau khi phát hiện các sự việc, đơn vị đã đề nghị các cơ sở KCB kiểm tra quy trình tiếp nhận và xác định rõ nguyên nhân vì sao đối tượng đã xác nhận tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, xử lý các cá nhân liên quan đến quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh để dẫn đến các sai sót phát sinh chi phí KCB (Lao động, trang 4).