Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/2/2021

  • |
T5g.org.vn - Cả nước cơ bản đã kiểm soát tốt dịch; Tiêm vắc-xin Covid-19 theo mức độ ưu tiên chống dịch; Sẽ tiêm miễn phí vắc-xin ngừa COVID-19; Người Việt Nam được tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19…
 
Cả nước cơ bản đã kiểm soát tốt dịch
Ngày 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch. 
Không xét nghiệm ồ ạt, gây lãng phí
Sau khi nghe ý kiến của tỉnh Hải Dương và các thành viên ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đến thời điểm này có thể nói, về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Phó Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống dịch tại Hải Dương. Cụ thể, sau khi điểm đúng ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra chiến lược phong tỏa trong phong tỏa và dần hoàn thiện. 
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn. Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được tiến hành để tránh lãng phí. “Hiện nay, chi phí xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân vì gây tốn kém, tạo tâm lý cứ nghi ngờ là xét nghiệm hoặc có kết quả âm tính lại chủ quan”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân rộng ra cả nước. Cùng với đó, tại những điểm nguy cơ cao, nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ…, việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Phó Thủ tướng lưu ý, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch vẫn phải sẵn sàng chống dịch như các địa phương khác trong cả nước. Bởi lẽ với đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì “không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng; lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay tỉnh đã có 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh. Số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các điểm nóng như huyện Cẩm Giàng và TP Chí Linh. Về xét nghiệm, tỉnh Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày và có thể nâng lên 120.000 mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành tầm soát diện rộng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, còn 1 tuần nữa hết giãn cách xã hội ở Hải Dương nên đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh cần tập trung, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Hải Dương triển khai theo đúng hướng dẫn là xét nghiệm diện rộng có chỉ định; đề nghị giao Sở Y tế chủ trì cùng với Sở LĐTB-XH, ban quản lý các khu công nghiệp đánh giá nguy cơ của từng nhà máy để làm căn cứ chỉ định xét nghiệm; đối tượng nguy cơ cũng phải có chỉ định và đơn vị xét nghiệm phải thông qua điều phối của CDC Hải Dương.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Tối 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 9 ca mắc mới dịch Covid-19 (từ ca thứ 2.393 đến 2.401) được ghi nhận tại Hải Dương 8 ca và Quảng Ninh 1 ca. Về tình hình điều trị, cả nước đã có 1.717 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 163 người đã âm tính. 
Liên quan tới công tác phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương, Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa phê bình và yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể Ban Thường vụ cấp ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng vì đã tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu quyết liệt và hiệu quả sự lãnh đạo về phòng chống dịch Covid-19; giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời, hướng dẫn Ủy ban Kiểm tra cấp huyện ủy kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với nữ điều dưỡng Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng (bệnh nhân thứ 2.385) và bạn trai (bệnh nhân thứ 2.391, làm việc tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng) vì có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngày 23-2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã ký công văn yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, các trường hợp trốn tránh không khai báo y tế; khai báo không đúng sự thật; không chấp hành cách ly y tế, xét nghiệm… sẽ bị xử lý với khung quy định cao nhất hoặc truy tố trách nhiệm hình sự nếu đối tượng dương tính với virus SARS-CoV-2. 
Cùng ngày, liên quan trường hợp công nhân N.B.K (34 tuổi, quê Hải Dương) về quê ăn tết sau đó trở lại TP Đà Nẵng có triệu chứng ho, sốt, được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhưng tự ý trốn khỏi bệnh viện; bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, hiện lực lượng chức năng đang rà soát kỹ về lịch trình vào TP Đà Nẵng và phương thức đi lại của người này. Cụ thể, lực lượng y tế đang phối hợp với cơ quan công an tìm hiểu anh N.B.K có khai báo y tế hay không khi đến Đà Nẵng. Nếu không khai báo y tế thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ngày 23-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các thuyền viên của tàu OCEAN AMAZING. Theo đó, ngày 20-2, tàu OCEAN AMAZING trên đường giao hàng từ Indonesia sang Việt Nam thì có 1 thuyền viên tử vong chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 20/21 thuyền viên (trừ trường hợp thuyền viên tử vong), cho kết quả 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Được biết, các thuyền viên tàu OCEAN AMAZING chưa làm thủ tục nhập cảnh và các mẫu xét nghiệm của thuyền viên đã được chuyển Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm khẳng định.
Theo chủ tàu, trong trường hợp kết quả xét nghiệm vẫn dương tính, tàu sẽ quay về Indonesia thay thuyền viên, khử trùng tàu, rồi quay lại Việt Nam xếp dỡ hàng hóa.
Ngày 23-2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong lúc làm nhiệm vụ tại vị trí barie số 1 cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, lực lượng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát hiện, bắt giữ Vũ Ngọc Yên (34 tuổi, quê ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đang trốn trong cabin phía sau ghế lái xe tải 37H-003.60 nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam nhằm tránh bị kiểm tra y tế, cách ly tập trung.
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã làm các thủ tục theo quy định, đưa đối tượng vào khu cách ly tập trung ở ký túc xá Mitraco (thị xã Kỳ Anh).
Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX  Facility hỗ trợ. Theo đó, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; những người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Trong năm 2021, COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam 4.886.600 liều vaccine ngừa Covid-19 của Astra Zenecca sản xuất (25-35% trong quý 1 và 65-75% trong quý 2). (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
 
 
TP.HCM mở rộng lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm Covid-19
Hệ thống y tế TP.HCM đồng loạt triển khai nhiều biện pháp lấy mẫu ngẫu nhiên nơi công cộng và sẽ lấy mẫu tất cả đối tượng để xét nghiệm  Covid 19, nhằm chủ động tầm soát để phòng chống dịch.
Ngày 23.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát động toàn hệ thống y tế TP, từ hệ dự phòng, y tế cơ sở đến hệ khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, tham gia triển khai có hiệu quả các hoạt động của “Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch Covid-19”. Chiến dịch kéo dài đến ngày 10.3.
Bất ngờ lấy mẫu ở nhà hàng, quán nhậu
Từ tối 22.2, Trung tâm y tế (TTYT) Q.Bình Thạnh, TP.HCM triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với một số quán ăn trên địa bàn. Đây là quận đầu tiên lấy mẫu đối với cơ sở kinh doanh ăn uống. Theo ghi nhận của PV, khi đoàn kiểm tra đến quán ăn trên đường Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh), nhân viên quán tưởng có đoàn khách đông người đến quán nên ra mời chào... Sau khi được giải thích đây là buổi kiểm tra phòng dịch và lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm để tầm soát dịch, mọi người đều vui vẻ hợp tác. Trong buổi đầu tiên, TTYT Q.Bình Thạnh thu về 32 mẫu là nhân viên, đầu bếp, quản lý quán ăn và thực khách.
Người dân hãy xem đó là công tác tầm soát dịch bình thường, không có gì phải lo ngại vì công tác này không chỉ bảo đảm an toàn cho cá nhân được lấy mẫu xét nghiệm mà còn góp phần an toàn cho xã hội trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19
Lãnh đạo TTYT Q.1, TP.HCM
Là một trong những người đầu tiên được lấy mẫu, chị Nguyễn Diệp Thùy, quản lý quán ăn, chia sẻ “cảm thấy bất ngờ khi có đoàn đến kiểm tra và thông báo lấy mẫu”, nhưng sau đó “cảm thấy yên tâm hơn khi được lấy mẫu”. “Đặc thù của quán ăn là tiếp xúc với nhiều người, nên khi cả 7 nhân viên của quán đều được xét nghiệm miễn phí sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Có thể lúc đầu, khách nhìn vô quán thấy lực lượng y tế tập trung sẽ lo ngại, nhưng sau khi quận kiểm tra và có kết quả bình thường thì mọi người càng thoải mái hơn khi đến quán”, chị Thùy nói.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc TTYT Q.Bình Thạnh, cho biết toàn bộ 20 phường của quận phải tổ chức đoàn kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, thực hiện từ 22.2 đến hết ngày 10.3. Để mang lại hiệu quả cao nhất, việc lấy mẫu hoàn toàn ngẫu nhiên, không thông báo trước cho bất kỳ hàng quán nào.
Các đối tượng nào được ưu tiên?
Ở khu vực trung tâm TP.HCM, lãnh đạo TTYT Q.1 cũng cho hay thời gian qua đã lấy hàng ngàn mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm tầm soát đối với tiểu thương, nhân viên và người thân nhân viên sân bay, khách cách ly và nhân viên khách sạn có thu phí. Trong hôm nay (24.2), TTYT Q.1 sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên tầm soát đối với tiểu thương; những ngày sau tiếp tục lấy mẫu tầm soát cho đối tượng là nhân viên và khách của một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. “Người dân hãy xem đó là công tác tầm soát dịch bình thường, không có gì phải lo ngại vì công tác này không chỉ bảo đảm an toàn cho cá nhân được lấy mẫu xét nghiệm mà còn góp phần an toàn cho xã hội trong công cuộc phòng chống dịch Covid -19, vị lãnh đạo TTYT Q.1 nói.
Về vấn đề này, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng khi thấy lực lượng chức năng tập trung tại một địa điểm, mặc đồ bảo hộ rồi lấy mẫu xét nghiệm thì tâm lý của nhiều người dân nghi ngại có ca nhiễm hoặc F1, F2 ở khu vực đó. Tuy nhiên, việc lấy mẫu cho F1, F2 thường được tổ chức tại khu cách lý tập trung của quận. Còn tổ chức lấy mẫu ở cộng đồng là chủ động tầm soát người nhiễm Covid-19 dành cho một số đối tượng có giao tiếp lớn và đây là một biện pháp kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. “Tại các điểm lấy mẫu ở cộng đồng, cán bộ phường đi cùng đoàn và nhân viên y tế chủ động cung cấp thông tin, trao đổi, giải thích để người dân hiểu và hợp tác với lực lượng y tế. Như khi lấy mẫu tại chợ Tân Định và chợ Thái Bình, Ban quản lý chợ giải thích cho các tiểu thương về việc lấy mẫu nên mọi chuyện đều suôn sẻ”, bà Hoa nói.
Về thứ tự ưu tiên lấy mẫu tầm soát, đặc thù của Q.1 là có 13 khách sạn được phê duyệt làm khu cách ly tập trung có trả phí nên lực lượng y tế ưu tiên tập trung nguồn lực để lấy mẫu cho khách cách ly và các nhân viên phục vụ tại khách sạn. Bên cạnh đó, quận sẽ tập trung vào các khu chợ truyền thống, ký túc xá nơi sinh viên lưu trú.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.6, xác nhận trong dịp tết quận đã lấy mẫu 3 nhóm, bao gồm: khu nhà trọ, chợ truyền thống và bến xe. Ngay từ 30 tết, lực lượng y tế đã lấy mẫu của một số công nhân ở lại đón tết tại 2 khu nhà trọ ở P.10; sau đó lấy mẫu ở chợ Bình Tiên, chợ Minh Phụng và Bến xe Chợ Lớn. “Người dân ở các khu vực được lấy mẫu đều hợp tác, khi có kết quả thì mọi người đều vui mừng và an tâm hơn”, ông Bình nhìn nhận và cho biết quận sẽ tham khảo ý kiến của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để xây dựng kế hoạch lấy mẫu ngẫu nhiên đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống nhằm tránh quá tải xét nghiệm khi các quận lấy mẫu đồng thời.
Sẽ lấy mẫu mọi đối tượng
Trong chiến dịch cao điểm, đầu tiên Sở Y tế yêu cầu HCDC giám sát, đánh giá người về TP.HCM từ các tỉnh có dịch. Theo đó, tổ chức xét nghiệm rà soát đối với người đến TP, bằng các phương tiện giao thông công cộng: Sân bay Tân Sơn Nhất (10 - 20% lượng hành khách/ngày và có thể tăng lên tùy theo diễn tiến tình hình dịch của các tỉnh có liên quan), ga Sài Gòn (100 mẫu đơn hành khách/ngày), các bến xe Q.12, Miền Đông cũ, Miền Đông mới (trung bình 100 mẫu đơn/ngày/bến).
Song song, ngành y tế tiếp tục giám sát, tầm soát Covid-19 đối với nhân viên y tế tại các bệnh viện (BV), phòng khám trên địa bàn. Theo đó, tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm (nếu BV có xét nghiệm Covid-19) cho nhân viên y tế của đơn vị theo thứ tự ưu tiên: nhân viên y tế có đi đến các vùng dịch trong nước thì thực hiện lấy mẫu từ 16 - 26.2; nhân viên y tế còn lại hoàn tất trước ngày 10.3.
Đã lấy 9.480 mẫu giám sát
Ngày 23.2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết tính từ sau tết đến nay, TP.HCM đã tiếp nhận 155.451 trường hợp về TP qua sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, KCN - KCX - doanh nghiệp khai báo y tế ; trong đó 274 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 26 cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe. Theo bác sĩ Dũng, kế hoạch giám sát trong đợt cao điểm của TP.HCM tính đến ngày 23.2 đã lấy tổng cộng 9.480 mẫu giám sát, trong đó 9.172 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính, 308 đang chờ kết quả.
Tiếp đó là tiếp tục giám sát các trường hợp có triệu chứng hô hấp (hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi cấp nặng) đến khám tại các BV hoặc chùm ca bệnh hô hấp được phát hiện tại cộng đồng. Lấy mẫu các nhóm quần thể cộng đồng giao lưu, tiếp xúc nhiều: nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn; khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ (20% số lượng lưu trú); tiểu thương tại chợ truyền thống (50 - 100 mẫu/chợ); các cơ sở tôn giáo trên địa bàn (bao gồm người phục vụ trong cơ sở tôn giáo, người đi lễ... với 50 mẫu/cơ sở). TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và có thể mở rộng đối tượng tùy theo tình hình đặc điểm của địa phương mình. HCDC phối hợp với sở GTVT và các quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu tài xế, nhân viên phục vụ phương tiện giao thông công cộng, kể cả xe công nghệ (10% nhân viên/công ty)...
Theo Sở Y tế TP.HCM, các nhóm cộng đồng dân cư khác, bao gồm: viên chức, công nhân, người lao động, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, chính trị - xã hội... tổ chức tầm soát theo hình thức xã hội hóa (xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu). Các đơn vị có nhu cầu giám sát, xét nghiệm sàng lọc, tầm soát SARS -CoV -2 cho nhân viên mình, có thể liên hệ với các đơn vị, phòng xét nghiệm đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định SARS -CoV -2 để tự chi trả chi phí xét nghiệm theo quy định. (Thanh niên, trang 1).
Tiêm vắc-xin Covid-19 theo mức độ ưu tiên chống dịch
Sáng 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) họp về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ các nhóm, các khu vực để tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai xét nghiệm tầm soát nhưng cần tiết kiệm, hiệu quả… Ðề nghị người dân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K, nhất là chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các tỉnh chủ động bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch theo đúng phương châm "bốn tại chỗ". Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược năm bước:
Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng dập dịch - Ðiều trị hiệu quả thì không thay đổi. Ðối với tỉnh Hải Dương, còn một tuần nữa hết giãn cách xã hội, đây là khoảng thời gian quan trọng, cho nên tỉnh cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, số lượng ca mắc đã giảm. Tỉnh đã nâng công suất xét nghiệm lên 80 nghìn mẫu/ngày và có thể tiếp tục tăng lên 120 nghìn mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành xét nghiệm tầm soát diện rộng trong thời gian tới. Về ổ dịch mới xuất hiện ở huyện Kim Thành, tỉnh đang áp dụng những biện pháp mạnh nhất, phong tỏa chặt, xét nghiệm diện rộng, để khẩn trương dập dịch…
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu Hải Dương tiếp tục tập trung truy vết, theo dấu ca bệnh. Xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng để bảo đảm cho nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp phải an toàn trước khi đi vào hoạt động. Tại những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải linh hoạt. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, kể cả sau khi đã hết dịch, Hải Dương vẫn phải sẵn sàng chống dịch khẩn trương nhất, quyết liệt nhất và đồng bộ nhất. Ðề nghị tỉnh khuyến khích người dân không trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh, thậm chí những gia đình có thành viên là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì cũng phải có trách nhiệm.
* Liên quan vấn đề tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tổng thể từ tập huấn, tuyên truyền cho đến lập danh sách các đối tượng được tiêm vắc-xin theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch… Việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế khi Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua...
Ðược biết, Bộ Y tế vừa ban hành kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX (Giải pháp tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc- xin Covid-19 sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm: Nhân viên tham gia phòng, chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người hơn 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu; người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Với số lượng khoảng 4,8 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam (trong quý I và II-2021), sẽ được phân bổ cho các nhóm đối tượng sau: Quý I, số lượng khoảng 1,2 triệu liều tương đương với 600 nghìn người. Ðối tượng là nhân viên y tế và nhân viên tham gia chống dịch. Quý II, số lượng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Ðối tượng triển khai là cán bộ hải quan, cán bộ ngoại giao, lực lượng quân đội, lực lượng công an và giáo viên…
* Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, tính đến 11 giờ ngày 23-2, trong số 27 ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã có năm người khỏi bệnh và được xuất viện; 22 trường hợp còn lại đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến và các cơ sở y tế, trong đó có 16 người bệnh xét nghiệm âm tính từ một đến bốn lần với vi-rút SARS-CoV-2. Theo kế hoạch, từ 0 giờ ngày 25-2, bốn địa phương gồm: Thị xã Ayun Pa, các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa (những địa phương thực hiện phong tỏa vì có người mắc vi-rút SARS-CoV-2) sẽ được dỡ bỏ phong tỏa, cho phép hoạt động đời sống, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
* Sau khi thực hiện phong tỏa khu vực có ca nhiễm Covid-19 tại xóm 4, thôn Lôi Ðộng, xã Hoàng Ðộng (huyện Thủy Nguyên) và Lô 112 Công nhân Dư Hàng, hố chợ Cột Ðèn, phường Dư Hàng (quận Lê Chân), TP Hải Phòng đã bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết miễn phí cho khoảng 640 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu. Ngành y tế thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong khu vực phong tỏa; đồng thời truy vết các trường hợp F1, F2, hoặc các ca bệnh nghi ngờ để xét nghiệm… Trong hai ngày 23 và 24-2, TP Hải Phòng phối hợp Quân khu 3 tổ chức phun khử trùng diện rộng khoảng 300 km các đường chính trên địa bàn thành phố và các khu vực đang phong tỏa.
* Ngày 23-2, Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, Lê Trung Chinh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Ðà Nẵng ký văn bản khẩn về việc tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là khẩn trương tổ chức thực hiện việc toàn dân khai báo y tế. Công an TP Ðà Nẵng có biện pháp tăng cường hơn nữa việc rà soát chặt chẽ người dân và phương tiện vào thành phố tại các chốt kiểm dịch; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid -19 với khung quy định xử lý cao nhất...
* Từ ngày 17-2 đến nay, UBND tỉnh Thái Bình triển khai dịch vụ xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho công dân trên địa bàn muốn đi lao động, làm việc và học tập ở các địa phương khác. Mức giá dịch vụ xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR là 734 nghìn đồng/mẫu xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình (đơn vị được giao nhiệm vụ xét nghiệm) đã thực hiện được cho 520 người.
* Ngày 23-2, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển hai tỷ đồng về tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh Bắc Giang quyết định hỗ trợ Hải Dương hai tỷ đồng. Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố đã chung tay giúp đỡ Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Hà Nội hai tỷ đồng và 500 nghìn khẩu trang; TP Hải Phòng năm tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh một tỷ đồng; tỉnh Thái Bình một tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 23-2 ghi nhận chín trường hợp mắc Covid-19 tại Hải Dương (tám ca) và Quảng Ninh (một ca). Số người bệnh này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế TP Chí Linh); Bệnh viện dã chiến số 2 (Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương); Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 107.685 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 người, số còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. (Nhân dân, trang 1).
 
 
Sẽ tiêm miễn phí vắc-xin ngừa COVID-19
Ngoài nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch như ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên... sẽ được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca trong tháng 3 này. Về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sáng 23/2, tại cuộc họp thảo luận một số vấn đề về vắc-xin COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho hay, vắc-xin sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới cơ bản về lâu dài, người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, có phần nhỏ vắc-xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Cách làm khôn ngoan
Đối với vắc-xin từ nguồn COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 toàn cầu), dự kiến, cuối quý I, đầu quý II, 4,8 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca đầu tiên sẽ về Việt Nam. Theo các chuyên gia, vắc-xin của AstraZeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Theo đó, về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam, vắc-xin có thể tiêm ngay được.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết, các loại vắc-xin khi về Việt Nam, như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị để tiêm vắc-xin này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch. Ông Phu cho hay, vấn đề vắc-xin ngừa COVID-19 được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện phối hợp Cục Quản lý Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo theo dõi, đánh giá hiệu quả. “Chúng ta sẽ không phải tiêm ồ ạt và không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan, vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để đảm bảo đưa vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn nhất cho người dân”, ông nói.
Về khả năng ứng phó các tai biến tiêm chủng có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm đang tuân theo các thông báo của WHO hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền. Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh. Do vậy, về việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vắc-xin, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắc-xin, sẽ phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành với ngành y tế.
Với dự kiến tiêm chủng cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế. Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua.
Ưu tiên 11 nhóm đối tượng
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc lập danh sách đối tượng tiêm miễn phí vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch. “Dù tiêm miễn phí hay theo diện xã hội hoá, dịch vụ đều phải theo lộ trình, kế hoạch tổng thể của Bộ Y tế”, ông nói.
Bộ Y tế vừa xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin được sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam. Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, ưu tiên sử dụng vắc-xin đáp ứng tiêu chí tính an toàn và hiệu lực bảo vệ cao (được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu); điều kiện bảo quản từ 2-8 độ C. Theo kế hoạch, việc tiêm này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vắc-xin hiện nay, trong giai đoạn 2021-2022, mục tiêu cụ thể là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm chủng khi có đủ nguồn vắc-xin; 95% đối tượng nguy cơ được tiêm chủng; tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm chủng cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc-xin.
Bộ Y tế cho biết, vắc-xin do COVAX hỗ trợ sẽ được miễn phí nhập khẩu, nhập khẩu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất và thông quan lập tức ngay khi về đến cảng, chuyển về kho quốc gia hoặc kho khu vực để kiểm định. Việc vận chuyển vắc-xin tới các tuyến sẽ do cán bộ chuyên trách tiêm chủng đã được đào tạo thực hiện. (Tiền phong, trang 6).
 
 
Người Việt Nam được tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19
Thông tin được nêu tại cuộc họp bàn về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia sáng nay, 23-2. Thông tin tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho rằng Việt Nam đã nỗ lực, khẩn trương để sớm có vắc xin ngừa Covid -19, nhưng do vắc xin hiện rất khó mua, số lượng được nhận mỗi lần ít ỏi nên phải phân chia theo nhóm đối tượng ưu tiên.
Trong đó, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên mà Bộ Y tế đã hướng dẫn (nhân viên y tế, ban chỉ đạo chống dịch các cấp, lực lượng công an, quân đội, người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, giáo viên...).
Sau này, khi đảm bảo được nguồn cung cấp, người dân sẽ được tiêm miễn phí tương tự các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, bên cạnh đó sẽ có một phần nhỏ là vắc xin dịch vụ cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Trước đó, theo ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế - Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm 2021 mới đủ cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng (mỗi người tiêm 2 mũi).
Trước mắt, có 60 triệu liều thuộc diện mua và viện trợ là khá "chắc chắn", số còn lại Việt Nam đang tiếp tục đàm phán.
Lô vắc xin đầu tiên trong số này sẽ về Việt Nam trong vài ngày tới.
Ngày 26-2 tới, vắc xin ngừa COVID-19 nội địa (vắc xin Nanocovax) cũng sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 trên người tình nguyện ở Long An và Hà Nội. (Tuổi trẻ, trang 1).
 
 
Chỉ một thời gian ngắn nữa, ngành Y tế sẽ chiến thắng đợt dịch này
Chiều 23-2, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm Bộ Y tế; Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương và chúc mừng các cán bộ ngành Y tế nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2021).
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và toàn ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến to lớn của ngành Y tế, đồng thời gửi tới những người thầy thuốc lời chúc mừng tốt đẹp nhất cùng tình cảm thân thiết, quý trọng, sự biết ơn sâu sắc, chân thành nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
Chia sẻ với các cán bộ ngành Y tế, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhưng các cán bộ, thầy thuốc ngành Y tế đã luôn nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
"Nhiều tấm gương bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế đã làm việc tận tụy, trách nhiệm, không ngại hiểm nguy, vất vả, xung phong đến tuyến đầu chống dịch là hành động đẹp, đầy tính nhân văn lan tỏa trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Đề cập tình hình dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, dự báo đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc và tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm của toàn ngành Y tế cùng sự chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, ngành Y tế cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nghiên cứu các biện pháp phòng, chống dịch mới trong tình hình mới; khẩn trương nhập khẩu vắc xin, đồng thời ưu tiên nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng dịch Covid-19 trong nước để hướng tới việc tiêm chủng toàn dân...
Thay mặt ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn, đồng thời bày tỏ, sự quan tâm của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa là niềm động viên đối với toàn ngành Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Năm 2020, một lần nữa ngành Y tế đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ cũng như tinh thần quyết tâm cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chiến thắng đại dịch Covid-19. Và cho đến thời điểm ngày hôm nay, chúng tôi tự tin rằng, trong một thời gian ngắn nữa sẽ chiến thắng đợt dịch này".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế xác định, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt và lâu dài đúng như quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành Y tế đã đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực khác.
Trong công tác khám, chữa bệnh, ngành đã có những bước chuyển biến rất căn bản, chất lượng khám, chữa bệnh ngày một nâng lên. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa ra đời đã giúp cho người dân ở tuyến cơ sở được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao...
Một lần nữa khẳng định vai trò và trách nhiệm của ngành trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành Y tế quyết tâm và sẽ làm một cách tốt nhất để kiểm soát dịch Covid-19. Về vắc xin Covid-19, ngành Y tế đã có kế hoạch báo cáo với Chính phủ để bảo đảm mọi người dân Việt Nam có thể tiếp cận vắc xin sớm nhất và tăng độ bao phủ của vắc xin để đưa cuộc sống trở lại bình thường. (Hà Nội mới, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang