Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng: '10 - 15 ngày tới quyết định thành bại trong chống dịch Covid-19'; Ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng; Tự dùng thuốc sốt rét 'chữa' Covid-19 có thể nguy hiểm tính mạng

 

Thủ tướng: '10 - 15 ngày tới quyết định thành bại trong chống dịch Covid-19'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao và trong 10 - 15 ngày tới sẽ quyết định thành bại trong chống dịch

Chiều nay, 23.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo tình hình phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Hiện vẫn còn tình trạng tập trung ăn nhậu nhiều tại các quán ăn, sàn nhảy, điểm vui chơi, một số nhà thờ lớn vẫn làm lễ đông người.

Cụ thể, theo Thủ tướng, trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thành bại trong chống dịch, và nhấn mạnh "tinh thần phải là phải thành công chứ không để thất bại", không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết.

Để có được kết quả đó, về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân, là rất quan trọng.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Ông cũng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người.

Thủ tướng nêu rõ, có 3 vòng phải làm tốt: tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh một cách quyết liệt, cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt; tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định quyết liệt, dù tốn kém; có phương thức cách ly đặc biệt tại gia đình hoặc khu vực giám sát của ngành y tế với quy trình chặt chẽ, không để lây ra cộng đồng.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chủ tịch UBND các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để thu thập thông tin về các trường hợp đi từ nước ngoài về từ ngày 8.3, để xác định đối tượng tiếp xúc gần, nhằm phân loại, xét nghiệm, cách ly.

Bộ Y tế được yêu cầu nhanh chóng có các phương án mua, sử dụng các loại test xét nghiệm kịp thời hơn, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo; đồng thời, khẩn trương triển khai xét nghiệm nhanh tại các khu cách ly, tại cộng đồng để sàng lọc người nhiễm Covid-19, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Căn cứ vào tình hình nhập cảnh, cách ly tập trung hiện nay, Bộ Y tế có ý kiến cụ thể với Bộ Quốc phòng và phân bổ cho các địa phương về số cơ sở và số lượng người cách ly tập trung để chủ động triển khai.

“Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch”, Thủ tướng nhắc lại, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, gây hậu quả thì xử lý hình sự. Ngành y tế có trách nhiệm giới thiệu các phác đồ điều trị phổ biến để tập huấn cho các địa phương. (Thanh niên, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3; Hà Nội mới, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Ngăn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43, sáng 23.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp.

Không kiểm soát tốt sẽ gây quá tải

Theo ông Đam, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh (có dự báo đưa ra mức 600 - 4.000 người nhiễm, 40 - 160 ca tử vong). “Tới đây sẽ còn nhiều. Một ngày có thể có vài chục ca nhưng những ca đó ở ngay khu cách ly tập trung rồi thì không đáng lo lắm. Nếu ở trong cộng đồng mới là điều đáng lo”, ông Đam cho hay.

Theo Phó thủ tướng, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 người từ Mỹ và châu Âu). “Tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh. Do đó, cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp, đảm bảo không lây nhiễm”, ông Đam nói.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh đã xâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn. Mặt khác, dù chúng ta đã tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có nhiều người Việt Nam muốn về nước. “Trong số đó, có người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị”, ông Đam lưu ý.

Từ đó, theo Phó thủ tướng, trong thời gian tới cần rút ngắn thời gian để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng; đảm bảo cơ sở vật chất cho tình huống nhiều người phải cách ly, nhiều người mắc bệnh; giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh, đồng thời điều trị đối với các bệnh nhân khác. Theo ông Vũ Đức Đam, Việt Nam đang tích cực tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó có việc nhập thiết bị xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc.

Tính toán lại phiên họp Quốc hội tháng 5 nếu dịch kéo dài

Nhấn mạnh một số nội dung về công tác chống dịch thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý tình hình hiện nay rất đáng băn khoăn, khi số ca nhiễm mỗi ngày mỗi tăng. Một số khách vãng lai đã vào Việt Nam, đi khắp nơi trong nước... “Đây là vấn đề rất lớn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo và các địa phương quan tâm cái này”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước, thực hiện các khuyến cáo của cơ quan y tế trong phòng chống dịch. “Tôi đề nghị khi họp phải đeo khẩu trang. Người trên 60 tuổi nên ở nhà, nếu không có việc gì cần thiết ra đường; phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ; hạn chế gặp gỡ nhau; tăng cường làm việc trực tuyến”, bà Ngân nói, đồng thời cho hay các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ triển khai các biện pháp làm việc trực tuyến, thậm chí làm việc tại nhà, trừ các trường hợp cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nếu dịch bệnh không chấm dứt cho đến cuối tháng 4, kỳ họp tháng 5 của Quốc hội cũng phải tính toán. “Gần 500 đại biểu Quốc hội, hàng trăm nhà báo, hàng trăm khách mời, nhân viên phục vụ kỳ họp thì rất khó”, Chủ tịch Quốc hội cho hay. (Thanh niên, trang 3).

 

Tự dùng thuốc sốt rét 'chữa' Covid-19 có thể nguy hiểm tính mạng

Chiều 23.3, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có 2 công văn hỏa tốc gửi các sở y tế tỉnh, TP, bệnh viện, cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về quản lý, dự trù thuốc phục vụ chống dịch Covid-19.

Theo đó, tại Công văn số 2768/QLD-GT, Cục Quản lý dược nêu rõ, theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, giá thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/

hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để điều trị bệnh Covid-19.

Cục Quản lý dược cảnh báo, việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp... chưa có chỉ định để điều trị Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt. Vì vậy, người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng để điều trị, dự phòng Covid-19.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc không được tăng giá bán, găm hàng, tích trữ gây khan hiếm và chỉ được bán thuốc chứa 2 hoạt chất này theo đơn.

Tại Công văn khẩn số 2782/QLD-KD, Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế, bệnh viện nghiêm túc thực hiện rà soát lại các mặt hàng thuốc thiết yếu phục vụ chống dịch Covid-19, đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị cho bệnh nhân, đặt hàng và mua sắm, đảm bảo đủ cơ số thiết yếu đáp ứng diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. (Thanh niên, trang 3).

 

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay phòng chống dịch

Tại phiên họp thứ 43 diễn ra vào sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; khẳng định UBTVQH luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch; cho rằng qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm phòng chống chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy ly do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm. Tinh thần là ở nhà cũng làm việc chứ không phải nghỉ ngơi.

Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần nhà nhà chống dịch, người người chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, bên cạnh tập trung chỉ đạo hiệu quả khống chế dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục tập trung đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.

Về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị có sự điều chỉnh hợp lý, nhất là công tác giám sát để góp phần phòng chống dịch bệnh, không bố trí đoàn về các địa phương, trừ nội dung giám sát tối cao đang được tiến hành. (Lao động, trang 2).

 

Bác sĩ trước nguy cơ mắc COVID-19: Dấn thân chiến đấu với dịch bệnh

“Chúng tôi điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, các triệu chứng như sốt, đau họng, ho và nâng cao thể trạng. Việc quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải làm hết sức mình, đảm bảo được việc cách ly để tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài...”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - chia sẻ.

Ngày 23.3, Bộ Y tế xác nhận một nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiễm virus SAS-CoV-2. Đến thời điểm này, đây là  bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2.

Vừa điều trị, vừa kêu gọi cộng đồng chung tay vượt dịch

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2 là ca bệnh số 116,  nam, 29 tuổi, là bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Bệnh nhân tham gia chống dịch COVID-19 từ ngày 31.1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi mắc COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng. Đây là bác sĩ Việt Nam đầu tiên mắc virus SARS-CoV-2 trong dịch COVID-19 đang diễn ra.

Trong quá trình làm việc, mặc dù bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, sau giờ làm việc bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19.3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20.3 bệnh nhân xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21.3, bệnh nhân tự cách ly tại khu vực đệm của Khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Các nhân viên y tế cùng làm với bác sĩ đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21.3, tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trải lòng: “Việc có thể có nhân viên y tế bị nhiễm là điều đã được xác định trước. Nhóm y bác sĩ điều trị đã nhận định có nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nên chuẩn bị tinh thần từ trước và không do dự khi tiếp nhận bệnh nhân”.

Tinh thần ở “tuyến đầu” chống dịch COVID-19

Những ngày đầu phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều y, bác sĩ cũng có không ít băn khoăn, nhất là khi ở Trung Quốc đã có bác sĩ nhiễm loại virus này. Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là tinh thần dấn thân, sẵn sàng vào nơi nguy hiểm.

Cả bệnh viện hối hả chuẩn bị về hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, thực hành đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới, chuẩn bị cho các kịch bản quá tải bệnh nhân, chuẩn bị sẵn chỗ ăn ở cho người cách ly, cho nhân viên y tế.

Tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) gần như không có ngày nghỉ trong thời gian qua. Các y, bác sĩ căng mình đón bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 cần cách ly và điều trị. Khi mới xuất hiện số ít các ca nghi ngờ cần sàng lọc thì được tiếp đón tại khoa Cấp cứu, khi số ca tăng dần, toàn bộ diện tích các khoa được tăng cường dành tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Còn toàn bộ Khoa Cấp cứu tại cơ sở 2 trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Cũng theo bác sĩ Cấp, trên thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào đảm bảo giúp được nhân viên y tế miễn nhiễm 100%. Ví dụ, khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua. Nhân viên y tế đã tuyệt đối tuân thủ khử khuẩn, chăm sóc tại giường, quản lý mầm bệnh trong phòng cách ly. Về thuốc điều trị, bước đầu điều trị 3 bệnh nhân theo đúng phác đồ và đang tiến hành ghi chép để có thể cập nhật phác đồ điều trị tốt nhất”.

Trong quá trình điều trị, các nhân viên y tế gặp phải nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 tại phòng cách ly đặc biệt, nhân viên y tế phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ. Bộ quần áo bảo hộ, nhìn thôi đã thấy “ngốt”, huống hồ nhân viên y tế phải mặc nguyên mấy giờ đồng hồ, cơ thể bí bách.

Khó nhất là muốn đi vệ sinh cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo. Thông thường, nhân viên y tế sẽ đổi ca 8 giờ/lần và trong thời gian khoảng 4 giờ trực, họ sẽ được cởi bỏ đồ bảo hộ để ra ngoài ăn uống, đi vệ sinh. Kỷ luật đến mức, ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay...

Nguy hiểm, khó khăn là vậy,  nhưng như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định: “Chúng tôi luôn vững vàng tinh thần, sau khi một bác sĩ ở khoa này nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình làm việc. Các bác sĩ khi đã tiếp xúc với người bệnh thay phiên nhau trực. Bệnh viện chính là ngôi nhà của bác sĩ, thậm chí chúng tôi ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng”.

Cùng chung tinh thần, PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nơi có 2 nhân viên y tế đầu tiên mắc COVID-19 - đã chia sẻ: “Tôi nhận được nhiều tin nhắn lắm, mọi người nhắn hỏi có ổn không, có bị cách ly không... Không ai mong muốn mình bị bệnh, xin hãy mở rộng lòng, thông cảm và chia sẻ, hỗ trợ, đừng kỳ thị bởi chúng tôi là những chiến sĩ tuyến đầu cần được bảo vệ. Mong mọi người bình tĩnh, hãy sát cánh bên nhau, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của bệnh viện và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công và ngăn chặn được đại dịch. (Lao động, trang 1).

 

Hà Nội: Chuẩn bị điểm cách ly để đón thêm 20.000 người

Chủ tịch Hà Nội đã quyết định trưng dụng ký túc xá Trường đại học FPT làm khu cách ly tập trung, dự kiến còn lập thêm một số khu cách ly tập trung khác cho kế hoạch đón 20.000 công dân ở nước ngoài về.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định lập khu cách ly tập trung tại Trường đại học FPT - khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Khu cách ly tập trung này có 4 tòa nhà 5 tầng, khoảng 2.000 chỗ lưu trú, được yêu cầu tiến độ đưa vào hoạt động đón người vào cách ly ngay từ ngày 23-3.

Như vậy đến ngày 22-3, Hà Nội đã lập 14 khu cách ly tập trung, trong đó có 9 khu cách ly tại các cơ sở của quân đội và 5 khu cách ly tập trung ở các cơ sở dân sự, gồm 2 tòa nhà tại khu nhà ở học sinh - sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, Trường trung cấp nghề số 18 - huyện Thanh Trì, ký túc xá Trường đại học FPT.

Ông Chung cho biết đợt cách ly tập trung giai đoạn 1 trên địa bàn Hà Nội đã kết thúc, 2.406 người cách ly đủ 14 ngày đã an toàn, về với gia đình.

Hà Nội đang thực hiện cách ly tập trung giai đoạn 2, đã tiếp nhận khoảng 3.000 người, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.000 người.

"Trung ương đã giao cho Hà Nội trong thời gian tới đón thêm 20.000 người, tức tổng cộng trong những ngày tới có thể đón là hơn 23.000 người", ông Chung cho biết.

Ngoài các cơ sở các ly tập trung thành phố mới thành lập, sẽ tính toán sử dụng thêm khu ký túc xá trường đại học quốc gia ở Hòa Lạc và một số khách sạn.

"Một số khách sạn đã thống nhát với thành phố để bố trí khoảng 2.000 chỗ cách ly tại khách sạn… Đây là nơi cách ly tập trung với những trường hợp là công dân nước ngoài, nhân viên ngoại giao hoặc các trường hợp liên quan đến đi công tác, có thể bố trí các khu cách ly tập trung theo yêu cầu tại các khách sạn", ông Chung cho biết. (Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang