Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Bốn cuộc đời được hồi sinh từ người cho chết não thứ 100; Cúm A/H1N1: Nguy cơ tấn công cộng đồng; Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa được máy chụp chiếu phục vụ bệnh nhân…

 

Bốn cuộc đời được hồi sinh từ người cho chết não thứ 100

Sáng 23-3, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cung cấp thông tin về việc thực hiện thành công ca lấy - ghép đa tạng từ người cho chết não thứ 100.

Từ người cho chết não thứ 100 đã giúp cho 4 cuộc đời được hồi sinh. Đây cũng là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay, đánh dấu một bước tiến mới của bệnh viện và lập thành tích trong ngành ghép tạng toàn quốc.

Ca hiến mô, tạng thứ 100 là nam bệnh nhân Đ.M.K (32 tuổi, cư trú tại Bắc Giang). Cách đây hơn 2 tuần, anh K bị tai nạn giao thông và được cấp cứu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, glassgow 4 điểm.

Khi bệnh viện đề cập đến việc hiến mô, tạng sau khi anh K chết não, gia đình đã bàn bạc và đồng ý. Vợ anh K là người đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của chồng để hồi sinh những cuộc đời mới.

Sau 1 ngày điều trị và hồi sức tích cực, các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho anh K nhưng kỳ tích đã không đến. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban Giám đốc bệnh viện công bố, anh K đã chết não.

Với nghĩa cử cao đẹp, tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn của anh K đã được hiến và tới nay giúp hồi sinh 4 mảnh đời. Đó là nữ bệnh nhân 53 tuổi (ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối; bệnh nhân nam 33 tuổi (ở Ninh Bình) bị nang đường mật được ghép gan; hai bệnh nhân 48 tuổi và 42 tuổi (cùng ở Hải Phòng) suy thận mạn giai đoạn cuối… Hiện, sức khỏe của các ca ghép tạng trên đều tiến triển tốt và hồi phục.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, y học càng phát triển, nhu cầu có được tạng để ghép ngày càng lớn. Có hai hình thức ghép tạng là ghép đồng loại và khác loại. Ghép khác loại cho đến nay vẫn cực kỳ khó khăn. Thực tế, Mỹ sử dụng tim lợn biến đổi gen để ghép trên người nhưng bệnh nhân chỉ có thể sống được hai tháng. Do đó, tới nay, ghép khác loại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nguồn mô, tạng chính vẫn chủ yếu lấy từ người cho chết não.

“Ở Việt Nam, do quan điểm tôn giáo và niềm tin của người dân nên việc vận động người dân hiến mô tạng là cực kỳ khó khăn mà chúng ta phải vượt qua. Dù đã rất cố gắng tuyên truyền, vận động, nhưng đến nay ở nước ta mới có khoảng 170 nghìn người đăng ký hiến tặng tạng sau khi qua đời - đây là con số quá ít ỏi”, GS.TS Trần Bình Giang nói.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhớ lại, kể từ ca đầu tiên hiến tạng vào năm 2010, bệnh viện đã phải vận động gia đình rất nhiều để nhận được sự đồng ý. Đến nay, tại bệnh viện đã có 100 gia đình đồng ý hiến tạng của người thân mình bị chết não do bệnh tật hoặc tai nạn giao thông. Với 100 trường hợp này, đã có 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi được thực hiện.

Tính trên cả nước, hiện mới có gần 150 trường hợp chết não hiến tặng. “Đây là con số quá ít so với số lượng người chết não xảy ra hằng ngày, hằng năm. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân chờ hiến tạng nhưng không thể được và đã mất”, GS.TS Trần Bình Giang nêu thực trạng.

Những rào cản trong hiến tạng, theo GS.TS Trần Bình Giang, khái niệm chết não đến nay một số người dân chưa hiểu một cách đầy đủ. Nhiều người cho rằng, người thân của mình tim vẫn còn đập nên không thể chết não. Tuy nhiên, việc xác định chết não được quy định chặt chẽ trong luật và mang đặc trưng rất lớn của y học.

Xác định chết não thường thực hiện qua một hội đồng gồm các chuyên gia, dựa trên bằng chứng khoa học và được thực hiện bằng các phương tiện máy mọc hiện đại. Trường hợp xác định 100% bệnh nhân chết não nhưng tim còn đập chỉ là nhờ sự kéo dài sử dụng các thuốc hồi sức. Nếu ngừng thuốc, tim, phổi không hoạt động và cơ thể sẽ chết.

Qua 100 trường hợp hiến tạng ở người cho chết não, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ: “Một người chết não khi hiến tặng mô, tạng có thể cứu được 5 người. Chúng tôi mong muốn, số lượng ca chết não đăng ký hiến tặng mô, tạng sẽ ngày càng nhiều hơn, giúp nhiều cuộc đời được hồi sinh”.  (Hà Nội mới, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 7: “Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca hiến tặng mô tạng thứ 100”; Tiền Phong, trang 6: “Người chết não thứ 100 hiến nhiều mô, tạng nhất”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Một người chết não cứu được 4 người”.

 

Cúm A/H1N1: Nguy cơ tấn công cộng đồng

Gần đây, tại TPHCM có hàng loạt học sinh phải nghỉ học vì bệnh hô hấp. Các cơ quan chuyên môn cảnh báo nguy cơ bệnh có thể lây lan rộng...

Ngày 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, tuần qua nhận được tin báo về số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10). Ngay sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhanh chóng phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế quận 10 điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám cho học sinh.

Trong hai ngày 15 và 16/3, các cơ quan chuyên môn ghi nhận số học sinh nghỉ học vì bệnh trong một lớp tăng cao bất thường. Có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói; trong đó có những học sinh sốt đến 39oC. Qua thăm khám cho các học sinh có triệu chứng, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc cúm nên lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm. Mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Pasteur và kết quả có 6/6 mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Từ ngày 17/3 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.

Theo số liệu giám sát trong những tháng đầu năm, thành phố đã ghi nhận nhiều chùm ca bệnh hô hấp ở trường học. Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua tại quận Bình Thạnh có khoảng 300 học sinh tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn nghỉ học vì các biểu hiện của bệnh lý hô hấp. Các chùm ca bệnh đã được ghi nhận và xử lý sớm giúp hạn chế lây lan.

Liên quan chùm ca bệnh cúm A/H1N1 mới được phát hiện tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, trao đổi với phóng viên, BS. Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết, tổng số ca bệnh được ghi nhận là 20 và đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh mới. “Việc xuất hiện chùm ca bệnh viêm hô hấp trong trường học khá phổ biến và dễ gặp”, BS.Nga cho hay.

Theo BS Nga, cúm A/H1N1 là tác nhân gây bệnh cúm mùa trên toàn cầu với các biểu hiện sốt nhẹ, viêm đường hô hấp. Trên các nhóm đối tượng người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính, thai phụ khi mắc bệnh có nguy cơ trở nặng. Các nhóm có sức khỏe bình thường khi nhiễm bệnh có thể tự khỏi. Cúm A/H1N1 khá dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Cần tăng cường vệ sinh cá nhân

BS.Nga khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cộng đồng cần tăng cường vệ sinh cá nhân, người có triệu chứng viêm hô hấp cần mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Tiêm vắc xin cúm hằng năm là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh. Các trường học cần thực hiện nghiêm kiểm soát sớm nguy cơ bệnh tật ở trẻ bằng cách điểm danh thường xuyên để phát hiện trẻ nghỉ học và tìm hiểu nguyên nhân. Trường hợp trẻ nghỉ học tăng cao và có yếu tố liên quan bệnh truyền nhiễm, nhà trường cần báo cáo kịp thời cho trạm y tế phường, xã để giám sát kịp thời, khoanh vùng xử lý hạn chế nguy cơ lây lan. Nhà trường cần tăng cường phòng bệnh không dùng thuốc cho trẻ như rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân và khuyến cáo học sinh đi tiêm vắc xin cúm mùa.

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, người trực tiếp hỗ trợ khám và điều tra dịch tễ các chùm ca bệnh vừa xảy ra, cho biết: “Trong trường học, nhiều trẻ bị bệnh còn có vấn đề hiệu ứng tâm lý. Trong quá trình khám, chúng tôi đã giải thích cho cả giáo viên và học sinh về các tác nhân gây bệnh và khuyến cáo giải pháp phòng ngừa từ đó trấn an bệnh nhân giúp ổn định tâm lý và hạn chế sự lây lan”.

“Cúm A/H1N1 đã được xem là một loại cúm mùa, xảy ra rải rác quanh năm, trong giai đoạn chuyển mùa, bệnh có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Ở trẻ em, nhóm dưới 5 tuổi dễ có nguy cơ diễn tiến nặng. Trẻ bị bệnh hầu hết là nhóm chưa được chích ngừa. Vắc xin cúm A/H1N1 nằm trong vắc xin tứ giá phòng bệnh cúm mùa. Trẻ dưới 5 tuổi và người có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ nên tiêm ngừa để chủ động phòng bệnh” - BS Trương Hữu Khanh. (Tiền phòng, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Phát hiện chùm ca cúm A/H1N1 tại một trường tiểu học TPHCM”.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa được máy chụp chiếu phục vụ bệnh nhân

Ngày 23.3, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thông tin về hiệu quả khi áp dụng Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) và Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết Nghị quyết 30 đã cho phép việc thực hiện xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn được thanh toán bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, lợi ích cho nhà nước. Còn Nghị định 07 hướng dẫn cụ thể hơn trong xây dựng giá gói thầu. Nhờ Nghị định 07, BV Chợ Rẫy cũng đã sửa được máy.

CT-Scanner tại Khoa Cấp cứu vốn đã hư từ ngày 19.1. Hiện tại BV đã có 2 máy CT-Scanner hoạt động và đầu tháng 4 tới, BV sẽ sửa được 4 máy còn lại. BV cũng đã sửa được 3/5 máy xạ trị, 2 máy MRI (cộng hưởng từ). BV đã mua được các vật tư y tế như stent, khớp nhân tạo…

Để các BV yên tâm đấu thầu, mua sắm, TS-BS Nguyễn Tri Thức kiến nghị cần quy định rõ giá TTBYT. Kiến nghị Quốc hội sửa luật Đấu thầu nên có chương dành riêng đấu thầu cho ngành y tế. Trong thời gian chờ sửa luật Đấu thầu, có thể Quốc hội ra nghị quyết tạm thời cho phép các BV giải quyết những vấn đề cấp bách để dễ dàng mua sắm và tránh được tiêu cực. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Bệnh viện Chợ Rẫy: Thiết bị bớt cảnh “đắp chiếu””.

 

TPHCM hợp tác với Cuba về phát triển y tế cộng đồng

Bộ Y tế Cuba bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cho TPHCM trong triển khai thực hiện đề án phát triển y tế cộng đồng.

Ngày 23-3, thông qua Tổng lãnh sự quán Cộng hoà Cuba tại TPHCM, Sở Y tế TPHCM tổ chức cuộc họp trực tuyến trao đổi về công tác chăm sóc sức khoẻ với Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu (thuộc Bộ Y tế Cuba) cùng các chuyên gia về y tế cộng đồng của Cuba.

Tham dự tại đầu cầu tại thủ đô La Habana, nước Cộng hòa Cuba có PGS-BS Ailuj Casanova Baroto, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu cùng các chuyên gia về y tế cộng đồng Bộ Y tế Cuba. Tại đầu cầu TPHCM có PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế; bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự Cuba tại TPHCM.

Tại buổi họp, PGS-BS Ailuj Casanova Baroto, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu Cuba đã giới thiệu hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở Cuba, đây là một trong những hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng hiệu quả nhất trên thế giới. Hệ thống này được quản lý bởi Bộ Y tế Cuba và đảm bảo cho tất cả người dân Cuba có quyền tiếp cận miễn phí đến các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở Cuba tập trung vào việc phòng ngừa bệnh tật và đặt nặng vào việc tăng cường giáo dục và thông tin về sức khoẻ cho cộng đồng. Các trạm y tế cộng đồng (Community Health Centers) là một phần quan trọng của hệ thống này, với một số lượng lớn các trạm được thành lập tại các khu vực đô thị và nông thôn trên khắp đất nước, ước tính cứ mỗi 1.000 hộ dân có một trạm y tế cộng đồng.

Nhân viên y tế tại các trạm được đào tạo để chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ bản, đồng thời tư vấn và giáo dục về các biện pháp phòng ngừa bệnh tật, các trạm y tế còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như tiêm phòng, khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Các trạm y tế cộng đồng không đơn lẻ, độc lập một mình trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mà được các nhóm chuyên khoa của các bệnh viện định kỳ đến phối hợp khám chữa bệnh cho người dân trong cộng đồng.

Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở Cuba còn tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc sức khoẻ mới; giúp đảm bảo rằng hệ thống này luôn sử dụng những phương pháp chăm sóc sức khoẻ tốt nhất để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng.

Tại buổi họp, Bộ Y tế Cuba bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm cho TPHCM trong triển khai thực hiện đề án phát triển y tế cộng đồng. Trước mắt, theo kế hoạch dự kiến, phía Cuba sẽ cử 2 bác sĩ chuyên gia đầu ngành về y tế cộng đồng đến TPHCM để khảo sát, thảo luận và thống nhất các nội dung cần đẩy mạnh để phát triển trong thời gian tới; đồng thời Bộ Y tế Cuba cũng mong tiếp đón và hướng dẫn đoàn cán bộ y tế Thành phố đến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình y tế cộng đồng tại Cuba. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Nguy cơ gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm: Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tăng cường phòng, chống

Ngày 22/3, Bộ Y tế cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch COVID-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biển thể mới, nhất là khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách mở cửa để phát triển kinh tế xã hội, giao thương, du lịch.

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực Châu Phi, cúm A(H5N1) tại Campuchia... Các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Trong nước, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; đồng thời một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.

Nhằm mục tiêu giảm số mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch và góp phần trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT.

Do đó, tại văn bản về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể: Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch COVID-19.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch; đảm bảo công tác thu dung, điều trị để hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng và thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt tiêm chủng cho nhóm từ 12 - dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong phòng, chống, điều trị dịch bệnh truyền nhiễm.

Cùng đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan truyền thông trên địa bàn chủ động triển khai hoạt động thông tin, truyền 2 thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vaccine để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch; Đồng thời chỉ đạo việc triển khai công tác thanh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch, tại Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

Ngành y tế các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế cảnh báo đồ ăn đóng hộp có nguy cơ cao nhất

Mới đây, 10 người ở tỉnh Quảng Nam phải nhập viện cấp cứu – 1 người tử vong do ngộ độc Botulinum sau khi ăn món cá chép muối chua. Vậy các thực phẩm nào dễ nhiễm khuẩn này, làm sao để phòng chống?

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, Clostridium botulinum (C.botulinum) là một vi khuẩn hình que, sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố.

Trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn C.botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá...

Nha bào có nhiều trong đất và có sức đề kháng cao, đặc biệt chịu nóng > 1000 C vẫn sống, đun nóng ở nhiệt độ 1200 độ C trong 10 phút mới giết chết được nha bào. Độc tố của Clostridium botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác.

Cục ATTP nêu rõ, vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí.

Theo Cục ATTP, các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C. botulinum.

Người nhiễm khuẩn C. botulinum thường có thời gian ủ bệnh từ 8-10 giờ, có trường hợp 4 giờ. Biểu hiện chủ yếu là triệu chứng thần kinh ngoại biên như: Nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô; Đau bụng, bụng chướng, táo bón, thường ít ỉa chảy; Không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức; sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình là liệt cơ mắt, co thắt họng, liệt cơ thanh quản (nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng…)

Ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm nhưng được biết nhiều vì tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ chết sau 3 – 4 ngày. Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%.

Cục ATTP khuyến cáo cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố này gây ra như sau:

- Đối với những thực phẩm đã nhiễm vi sinh vật, nha bào, độc tố, tốt nhất là không nên tiếp tục sử dụng.

- Thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất. Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Đặc biệt khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm gia tăng, không đun chín kỹ thức ăn trước ăn.

- Do vậy, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu về vệ sinh. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;

- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang