Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/4/2020

  • |
T5g.org.vn - TPHCM vẫn xét nghiệm bắt buộc với khách quốc tế; 224 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi; Khởi động chiến dịch hỗ trợ người dân thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19; ...

 

TPHCM vẫn xét nghiệm bắt buộc với khách quốc tế

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định chỉ ngưng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại sân bay, nhà ga nội địa, còn với hành khách từ quốc tế vào Việt Nam vẫn phải xét nghiệm theo quy định.

Việc ngưng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại sân bay, nhà ga nội địa nhằm mục đích chuyển hướng tập trung xét nghiệm vào các nhóm nguy cơ ở các nhà hàng, quán ăn, nhà máy xí nghiệp và khu lưu trú công nhân.

Tính đến ngày 22-4, tổng số mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đã lấy tại sân bay là 13.861 mẫu, tại nhà ga là 5.599 và tại khu lưu trú công nhân là 6.281. Kết quả xét nghiệm mang tín hiệu lạc quan khi đều âm tính. Điều này chứng tỏ virus corona trong cộng đồng đang được kiểm soát tốt. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

224 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi

Hôm qua 23-4, bệnh nhân COVID-19 số 206, 48 tuổi, bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM trong giai đoạn 2 của dịch, đã được công bố khỏi bệnh. Đây là người thứ 224 được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, TP.HCM chỉ còn duy nhất bệnh nhân số 91 là viên phi công người Anh. 

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương còn gần 40 bệnh nhân, nhưng 1/3 trong số đó đã có 2 lần xét nghiệm âm tính. So với tổng số gần 135 bệnh nhân bệnh viện này đã tiếp nhận, số còn điều trị chỉ còn gần 1/4.

Rất khó khăn, nhưng...

Cách đây 2 ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã công bố khỏi bệnh cho 6 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân 266, một trong số những bệnh nhân "lạ" do thời gian ủ bệnh rất dài, dấu hiệu bệnh không rõ ràng. "Tôi chăm nom người thân ở Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 8 đến

10-3. Khi về nhà tôi không có biểu hiện gì khác thường, đến tháng 4 khi Hà Nội kêu gọi những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ 10-3 xét nghiệm, tôi cũng được xét nghiệm và có kết quả dương tính, chuyển vào bệnh viện cách ly. Những ngày đầu tiên tôi rất lo lắng, nhưng thật may mắn chỉ 8 ngày sau, tôi đã khỏi bệnh" - bệnh nhân 266 cho biết.

Nhưng với các bác sĩ, những ngày vừa qua là rất khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết anh vừa quay lại bệnh viện vòng 2 sau vài ngày ít ỏi được về nhà. 

Trước đó, tất cả bệnh viện đều "cấm trại": ăn, ở, làm việc... hoàn toàn tại bệnh viện trong hơn 1 tháng. "Mọi người đi cách ly hay nói vui là coi thời gian cách ly như đi nghỉ dưỡng. Chúng tôi thì thời gian đó bận rộn hơn vì bệnh nhân đông, thường trực nguy cơ lây nhiễm nếu không bảo hộ cẩn trọng và tuân thủ các quy tắc" - bác sĩ Bình cho biết.

Hôm nay 24-4 là ngày gần cuối trong đợt cách ly của bác sĩ Đồng Phú Khiêm - phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - sau gần 2 tháng ở bệnh viện. 

Sau 10 năm cưới nhau, đây là lần bác sĩ Khiêm và vợ xa nhau lâu nhất. Bác sĩ Khiêm và các đồng nghiệp của anh cũng sẽ được xét nghiệm trước khi hết cách ly và sau đó về nhà. "Tôi cũng chỉ nghỉ 1 ngày và sẽ quay lại bệnh viện sớm" - bác sĩ Khiêm hẹn.

Những ca bệnh nặng đều vượt qua

Trong số 135 bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận điều trị, có 26 người bị tổn thương phổi, 5 người có chuyển biến rất nặng phải thở máy và lọc máu liên tục, 1 người phải sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, gần 10 người thở oxy. Nhưng tất cả đã vượt qua. 

Cho đến nay, Việt Nam chưa có ca bệnh COVID-19 nào tử vong và là một trong 3 quốc gia, vùng lãnh thổ có trên 200 bệnh nhân nhưng không có ca tử vong. Điều này là nhờ may mắn? Nhờ nỗ lực của bác sĩ điều trị? Nỗ lực của bệnh nhân? Tất cả đều có vai trò trong điều diệu kỳ này.

Theo bác sĩ Khiêm, bác sĩ nước ngoài rất giỏi, số ca tử vong ở các nước cao không phải do họ không nỗ lực mà do lượng bệnh nhân quá lớn. "Chúng tôi có thể làm tốt hơn vì các bác sĩ dự phòng đã kiểm soát tốt, không để bùng phát dịch rộng hơn" - bác sĩ Khiêm nói.

Việt Nam từng có điều diệu kỳ như thế. Năm 2003 khi dịch SARS xuất hiện và gây ra những đau đớn ở nhiều quốc gia, kể cả ở Việt Nam, chúng ta đã khống chế được dịch sớm và bệnh nhân SARS cuối cùng đã ra viện vào ngày 2-5-2003. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

Khởi động chiến dịch hỗ trợ người dân thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19

Ngày 23-4, Bộ Y tế thông tin cho biết, để kiểm soát tiến tới “chung sống an toàn” với dịch bệnh Covid-19 như chiến lược Chính phủ đặt ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân duy trì các biện pháp an toàn sức khoẻ, lối sống vệ sinh, ý thức phòng bệnh và từng bước thích nghi cho một thực tiễn bình thường mới có vai trò rất quan trọng.

Tới đây, chương trình truyền thông “Vững Vàng Việt Nam” do Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, dự kiến tiếp cận và hỗ trợ thông tin cho ít nhất 25 triệu người Việt Nam; kết hợp tài trợ sản phẩm tới các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng sớm bởi đại dịch Covid-19 tuy nhiên đến nay Việt Nam chỉ phát hiện 268 ca nhiễm, 7 ngày qua không có ca nhiễm mới và không ghi nhận ca tử vong nào. Công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Dù vậy, chúng ta không được phép chủ quan. Bà Hương nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 có thể lây trực tiếp từ người sang người do hít phải các giọt bắn trong không khí hoặc thông qua tiếp xúc gián tiếp do các giọt bắn có chứa virus rơi xuống đất và các bề mặt xung quanh. Các nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong vòng vài giờ đến nhiều ngày tùy loại bề mặt vật liệu.

“Do vậy, việc thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng để cắt đứt đường lây truyền của bệnh Covid-19 cũng như các dịch, bệnh truyền nhiễm khác lây qua đường hô hấp, tiêu hóa” – PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo. (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19

Từ 0h ngày 23-4, Hà Nội chính thức ngừng thực hiện cách ly xã hội, trừ hai huyện Mê Linh và huyện Thường Tín. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, với những chiến lược phù hợp, phản ứng kịp thời, quyết liệt chống “giặc vô hình” Covid-19 kéo dài gần 40 ngày qua, kể từ ca mắc đầu tiên vào ngày 6-3 trên địa bàn Hà Nội. Nhiệm vụ bây giờ của mỗi người dân Thủ đô, đó là phải bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19.

Chiến lược phù hợp, phản ứng kịp thời 

Là những người theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, ngày 23-4, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm, y tế dự phòng đều có chung đánh giá, giải pháp trong từng giai đoạn chống dịch Covid-19 được Hà Nội đưa ra thời gian qua rất hợp lý.

Đặc biệt, thành phố cũng là địa phương đi đầu về công tác xét nghiệm sàng lọc ca nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Biện pháp này đã góp phần phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời, hạn chế sự lây lan. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện tỷ lệ người dân được xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội cao gấp 4,3 lần tỷ lệ chung của cả nước. 

Chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao các biện pháp chống dịch Covid-19 mà thành phố triển khai, nhất là việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng test nhanh cho người dân tại những vùng có nguy cơ cao.

“Cơ chế lây truyền của vi rút nói chung qua 3 đường: Tiêu hóa, hô hấp và đường máu. Riêng với vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua đường hô hấp, nên tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, nếu không khoanh vùng, không theo kịp tốc độ của vi rút, không thường xuyên có những chiến thuật phù hợp, chắc chắn sẽ "vỡ trận". Ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố liên tục đưa ra những chiến lược kịp thời, thậm chí các giải pháp cũng được thay đổi phù hợp với diễn biến tình hình trên thực tế”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hà Nội là địa bàn phức tạp, đông dân, tập trung nhiều cơ quan trung ương và địa phương, giao lưu đi lại lớn, nhưng thời gian qua, thành phố đã làm tốt nhiệm vụ chống dịch Covid-19, góp phần vào thành quả chung của cả nước. Từ ổ dịch ở Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung ứng dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai rất phức tạp cho đến  các ổ dịch mới ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín),  đều được khống chế.

Đã 8 ngày trôi qua, thành phố không ghi nhận ca mắc mới, không có ổ dịch mới phát sinh. Kết quả này là nhờ Hà Nội đã tập trung chặn nguồn lây từ bên ngoài, xét nghiệm nhanh sàng lọc trong cộng đồng, từ đó khoanh vùng, khống chế ổ dịch kịp thời. Hơn nữa, trong 22 ngày (từ ngày 1 đến 22-4), Hà Nội thực hiện rất quyết liệt việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không triển khai cách ly xã hội tốt, với địa bàn đông dân như Hà Nội, số ca mắc sẽ bùng lên rất nhanh, có thể từ 100 người lên 1.000 người và hơn thế nữa.

Về vụ việc tiêu cực đáng tiếc xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội làm ảnh hưởng đến kết quả chống dịch của Thủ đô, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, sự việc trên chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Thử hỏi, nếu chúng ta không có thiết bị, máy móc xét nghiệm, chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng đôi khi không rõ ràng, thì làm sao có thể tay không mà bắt được “giặc vô hình" Covid-19.

Do đó, muốn khoanh vùng, dập được dịch, chúng ta phải có đủ năng lực xét nghiệm trong tay. Quyết sách của Hà Nội trong việc tăng cường đầu tư máy móc, các kit xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm là hoàn toàn đúng đắn. Còn người đi mua thiết bị đó, họ đã thực hiện không đúng, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chung tay giữ vững thành quả

Những hành vi tiêu cực của một số ít cá nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chỉ là hiện tượng cá biệt, bởi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan này đã đọng lại nhiều, rất nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng. Dù làm việc liên tục suốt 8 tiếng, khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bước ra khỏi phòng xét nghiệm, những vết hằn còn in đậm trên khuôn mặt, thế nhưng, những cán bộ như chị Trần Thị Ngọc Ánh, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) vẫn nở nụ cười tươi.

Chị Ánh kể, để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác chống dịch, chúng tôi có thể làm việc thâu đêm, suốt sáng mà không thấy mệt. Thậm chí, có những hôm còn quên cả ăn, chỉ ngồi ngóng kết quả xét nghiệm. Khi kết quả đó là âm tính, chúng tôi mừng lắm và đùa nhau, đó là “bữa ăn rất giàu chất dinh dưỡng”…

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong cuộc chiến chống Covid-19, Hà Nội đã làm rất tốt nhiệm vụ nhờ sự nỗ lực của từng cá nhân và sự nỗ lực của cả một tập thể. Nhờ đó, hiện nay, chúng ta đã hạn chế được dịch bệnh, không để dịch bùng phát. Vì vậy, không thể áp dụng biện pháp cách ly xã hội được nữa mà phải quan tâm đến an sinh xã hội, đến phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và tử vong vẫn gia tăng từng ngày, nếu người dân chủ quan, chỉ cần xuất hiện một ca mắc mới trong đám đông, mà không quản lý được sẽ dễ bùng lên không kiểm soát.

Để bảo vệ thành quả đã đạt được, mỗi người dân cần thực hiện “5 an toàn”, đó là phải đeo khẩu trang; không giao tiếp gần dưới 2 mét, không tụ tập đông người; hạn chế không đi ra ngoài khi không cần thiết, nhất là những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính; tiếp tục khai báo y tế, khi có các triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí cả mệt mỏi không rõ nguyên nhân; tiếp tục khử khuẩn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc theo khuyến cáo phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đối với chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng nơi phải có đáp ứng, quy định phù hợp để vừa phòng dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Quy định loại hình kinh doanh nào cần thiết cho mở cửa, hay mở dưới hình thức nào. Chẳng hạn như cho phép quán ăn được mở cửa, nhưng khách hàng phải ngồi cách xa 2 m, tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay…

Hay có địa phương lên “bảng điểm” cho từng loại hình kinh doanh (chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19). Doanh nghiệp nào đạt thì cho hoạt động, doanh nghiệp nào không đạt buộc phải đóng cửa. Đây cũng là một cách làm hay mà Hà Nội có thể học hỏi.

“Khi xác định chung sống với dịch bệnh, thì phải đưa ra được những biện pháp kinh doanh an toàn. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chỉ là nơi đưa ra những quy định, khuyến cáo… Thực hiện như thế nào phụ thuộc lớn vào ý thức của mỗi người. Vai trò của từng công dân là quan trọng trong bối cảnh giảm mức giãn cách xã hội như hiện nay”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 1).

 

An toàn sống chung với dịch

TP.HCM đã có hướng dẫn cụ thể, ban hành những bộ tiêu chí thuộc nhiều lĩnh vực làm cơ sở để trở lại cuộc sống bình thường, an toàn với dịch Covid-19. Trong khi đó, Hà Nội vẫn chờ “chỉ thị chính thức của Thủ tướng”.

Chiều 23.4, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các sở, ngành và 24 quận, huyện thực hiện công tác phòng chống dịch sau khi TP nằm trong nhóm có nguy cơ. Theo đó, TP tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi làm việc; đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng, người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.

Đeo khẩu trang nơi công cộng

Các cơ quan, đơn vị nhà nước làm việc bình thường, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác. Sau mỗi cuộc họp, nhân viên phải vệ sinh phòng họp, khử khuẩn bề mặt, đồ vật tiếp xúc với người dự họp. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, lãnh đạo UBND TP cho biết sẽ đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng, bưu điện, tăng cường họp trực tuyến.

Sau khi TP.HCM ban hành hướng dẫn, lãnh đạo một số quận, huyện cho biết sẽ triển khai vào sáng nay để thực hiện thống nhất, đồng bộ; trong đó hành vi không đeo khẩu trang ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt như trước đây.

Trong tối cùng ngày, Sở GTVT TP thông báo các hoạt động vận tải bằng taxi, xe công nghệ sẽ được triển khai bình thường; xe buýt có trợ giá sẽ công bố các tuyến hoạt động trở lại sau ngày 3.5.

Ngoài ra, 62 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào TP đã ngưng hoạt động từ ngày 23.4; các đơn vị đã dọn dẹp trả lại hiện trạng ban đầu.

UBND TP.HCM cũng đưa ra danh sách các lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động. Cơ sở kinh doanh ngoài các lĩnh vực này được phép hoạt động, tuy nhiên phải thực hiện theo các nội dung quy định của bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do cơ quan nhà nước ban hành.

Ngày 23.4, Hà Nội chính thức kết thúc cách ly xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh đã được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đến cuối ngày, văn bản chính thức của UBND TP quy định các loại hình kinh doanh nào được mở cửa, với điều kiện nào... vẫn chưa được ban hành.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện UBND TP cho biết Hà Nội đang đợi chỉ thị chính thức của Thủ tướng, và chiểu theo đó mới cụ thể hóa thành quy định của TP. Do đó, suốt cả ngày, nhiều cửa hàng vẫn mở theo diện “thăm dò” và điều chỉnh khi bị chính quyền địa phương nhắc nhở.

Tại Hà Nội, hành vi chắc chắn bị xử phạt trong ngày 23.4 là không đeo khẩu trang ra nơi công cộng và lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là ở các quán ăn. Việc xử phạt của lực lượng chức năng là không xuể. Trong khi đó, rất nhiều người dân quá phấn khích vì được ra ngoài sau thời gian bị hạn chế, đã đổ ra các quán ăn, hàng cà phê... mà không hề đeo khẩu trang.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, phần lớn các cửa hàng trong diện được mở như cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại... ở các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình... đã đón khách trở lại sau hơn 3 tuần đóng. Đáng nói là, rất ít cửa hàng trong số này đảm bảo các biện pháp phòng dịch, giãn cách khách hàng theo yêu cầu của TP, một phần vì đa số các hàng quán tại Hà Nội đều nhỏ hẹp.

Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng công an P.Hàng Trống (Q.Hoàn Kiếm), cho biết từ 6 giờ sáng, đơn vị này đã ra quân tuyên truyền trên các tuyến phố, cửa hàng kinh doanh mở cửa lại về việc thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Đối với những cửa hàng kinh doanh, công an phường sẽ tuyên truyền về việc giãn cách khách hàng đồng thời nhắc nhở không được lấn chiếm vỉa hè, nếu cố tình lấn chiếm sẽ lập biên bản xử phạt theo quy định. (Thanh niên, trang 2).

 

Nới lỏng cách ly xã hội: Tiềm ẩn nguy cơ dịch lây nhiễm COVID -19 chỗ đông người

Dưới góc nhìn chuyên môn về phương án nới lỏng cách ly xã hội, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) phân tích, khi nới lỏng cách ly xã hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm ở mức cao hơn do giao thương, đi lại, tiếp xúc nhiều trong cộng đồng.

Nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, để xuất hiện ca bệnh (F0) trong cộng đồng thì việc kiểm soát dịch trong tình hình mới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, khi nới lỏng cách ly xã hội, việc phòng ngừa vẫn sẽ tập trung ở khuôn mặt và bàn tay. Cộng đồng cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, đội mũ che giọt bắn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hạn chế tập trung đông người. Cần bảo vệ người lớn tuổi, người có bệnh lý nền và trẻ nhỏ trước các nguy cơ lây nhiễm của dịch COVID-19.

“Nếu chúng ta giám sát chặt các yếu tố nguy cơ, toàn dân đều tuân thủ quy định phòng chống dịch, cơ quan chức năng ngăn chặn được nguồn bệnh từ biên giới tràn vào thì khó có khả năng bùng phát trở lại trên cả nước. Tình huống xấu hơn thì dịch cũng chỉ xuất hiện cục bộ ở một số điểm đơn lẻ, có thể nhanh chóng kiểm soát được”, bác sĩ Khanh nhận định.

Để kiểm soát tiến tới “chung sống an toàn” với dịch như chiến lược của Chính phủ đặt ra, Bộ Y tế đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Vững vàng Việt Nam” nhằm tuyên truyền để người dân duy trì các biện pháp an toàn sức khỏe, lối sống vệ sinh, quyết tâm bảo vệ những thành quả mà chúng ta đạt được. Chương trình có sự hỗ trợ của Unilever Việt Nam tại những điểm nóng, như: bệnh viện tuyến đầu, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trường học, xây dựng trạm rửa tay dã chiến nơi công cộng... nhằm chung sức cùng cộng đồng duy trì các biện pháp vệ sinh an toàn khi quay trở lại cuộc sống bình thường.

Chương trình tập trung xây dựng theo các hình thức đa dạng và sáng tạo, với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, những câu chuyện người thật, việc thật trong cuộc chiến chống COVID-19. Sẽ có ít nhất 25 triệu người tiếp cận chương trình và hỗ trợ những thông tin bổ ích đến hàng triệu người Việt Nam.

Ngày 23/4, Bộ Y tế cho biết, liên tục 7 ngày rưỡi Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam đã có 224/268 ca được chữa khỏi (chiếm 84% tổng số bệnh nhân). Hiện cả nước còn 44 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế. (Tiền phong, trang 2).

 

7 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngày 23.4 không ghi nhận thêm ca bệnh Covid-19 mới tại Việt Nam.

 Cả nước đã có hơn 7 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh Covid-19. Tổng số ca mắc ghi nhận tại Việt Nam vẫn là 268 trường hợp, trong đó, 160 người từ nước ngoài (59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm 40,3%. Có 68.081 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế).

Ngày 23.4, có thêm 1 ca bệnh bình phục, được công bố khỏi bệnh, là BN thứ 206 tại Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi, TP.HCM. Việt Nam đã có 224 ca bệnh (84%) trong số 268 BN tại Việt Nam được công bố khỏi bệnh.

Có 3 BN Covid-19 nặng vẫn đang được điều trị tích cực. BN 91 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng ô xy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều, được ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.

BN 91 (phi công người Anh, liên quan ổ dịch tại quán bar Buddha, TP.HCM), từng trong tình trạng rất nguy kịch. Kết quả chụp X-quang phổi không tổn thương nặng thêm. (Thanh niên, trang 3).

 

Bộ Y tế đề xuất số lượng máy thở cần phải bổ sung thêm

Xét đề nghị của Bộ Y tế về kế hoạch, phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ nhu cầu máy thở cho các kịch bản, đề xuất số lượng máy thở cần phải bổ sung thêm, làm việc với các đơn vị tài trợ và các đơn vị sản xuất để quyết định số lượng đặt hàng, mua theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

5 cách để phòng dịch an toàn khi nới lỏng giãn cách xã hội

Tính từ 0h ngày 23/4, cả nước cơ bản dừng thực hiện cách ly xã hội trừ một số vùng có nguy cơ cao của Hà Nội, Hà Giang. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu, do đó người dân vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc chung để phòng bệnh.

Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 22/4, kẻ từ 0h ngày 23/4, 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch COVID-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ huyện Mê Linh và Thường Tín của Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang

Như vậy trên cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nới lỏng giãn cách xã hội nhưng người dân không được chủ quan. Dịch COVID-19 còn kéo dài.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu lưu ý người dân thực hiện “5 an toàn” để tiếp tục phòng chống dịch COVID-19:

Thứ nhất, tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang vô cùng quan trọng trong việc phòng chống những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có COVID-19.

Thứ 2, tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m

Thứ 3, không nên tụ tập đông người, sẽ có một số loại hình vẫn chưa được thực hiện như karaoke, massage, một số loại hình vui chơi giải trí khó có khả năng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Thứ 4, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu như không cần thiết, đặc biệt lưu ý tới đối tượng người cao tuổi, người có bệnh mạn tính- đối tượng có bệnh nền.

Cuối cùng là thực hiện khai báo y tế. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở-  triệu chứng điển hình của bệnh có thể là COVID-19, nếu không phát hiện do nguyên nhân khác, kể cả mệt mỏi thì cũng phải khai báo cho cơ sở y tế, để được tư vấn, cần thiết làm xét nghiệm chẩn đoán.

“Ngoài ra, người dân phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đây là việc hết sức cần thiết”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Chúng ta không thể chủ quan bởi đã có bài học từ Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên. Phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan...

“Tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Chúng ta thành công nhưng nếu chúng ta không làm tốt thì dịch bệnh không loại trừ một ai. Người dân cả nước, chính quyền các địa phương, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã nêu ở trên. Đặc biệt, với những những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải được tư vấn, xét nghiệm phát hiện bệnh, có phương án điều trị phù hợp”- PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

TPHCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch trên nhiều lĩnh vực

Ngày 23-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch, công thương, giáo dục và giao thông vận tải.

Cụ thể, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ tiêu chí gồm 10 tiêu chí thành phần và được chấm theo nấc thang 10 điểm/tiêu chí như: nguồn gốc nguyên liệu; khu vực nhập hàng, kho bảo quản thực phẩm đảm bảo theo quy định của ngành chức năng; khu vực sơ chế có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn.

Khu vực chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn; khu vực ăn uống yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa 2 người là 1 mét và diện tích tối thiểu bố trí 3 m2/1 người hoặc chiều cao vách ngăn cố định cách ly giữa 2 người ăn là 1 mét trên bàn ăn trong khu vực phục vụ ăn uống.

Khu vực ăn uống thông thoáng, có trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; bàn ghế phải sát khuẩn thường xuyên trước và sau khi sử dụng; dụng cụ ăn uống có tủ bảo quản riêng, không được để trên bàn khi chưa phục vụ ăn uống.

Người chế biến, người phục vụ, người vận chuyển phải được đeo khẩu trang, đo nhiệt độ bằng nhiệt kế chuyên dụng cho nhân viên khi vào làm việc và khách khi vào ăn uống; có đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho người chế biến, người ăn, người giao nhận thực phẩm.

Theo đó, nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nào đạt dưới 50% tổng số điểm sẽ không được hoạt động; đạt từ 50% đến 100% tổng số điểm và các tiêu chí 5, 9, 10 đều đạt hoặc có thực hiện sẽ được hoạt động trở lại. 

Xem nội dung tiêu chí đối với lĩnh vực ATTP TẠI ĐÂY

Đối với ngành du lịch, bộ tiêu chí được chia thành các 3 nhóm (áp dụng tại các cơ sở lưu trú du lịch, áp dụng cho hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và áp dụng cho các điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP).

Trong đó, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành đưa ra các tiêu chí như: doanh nghiệp đưa ra các biện pháp nắm thông tin sức khỏe, tình trạng khai báo y tế theo quy định của hành khách. Kể cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tiêu chí về tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên tại doanh nghiệp và người lao động cũng được chủ trọng. Còn tại các cơ sở lưu trú thì ngoài các tiêu chí trên thì còn có các tiêu chí như công tác vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở lưu trú; đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m; bố trí phòng ở giãn cách cho khách lưu trú…

Riêng các điểm tham quan du lịch, Bộ tiêu chí của nhóm này đề cao công tác khử khuẩn cho hành khách đến khử khuẩn đồ vật, bề mặt tại điểm tham quan. Đặc biệt là công tác kiểm tra thân nhiệt du khách đến tham quan.

Ngoài ra, tại các điểm này cũng được đánh giá về việc có bố trí khu vực dự phòng làm điểm cách ly hành khách khi cần thiết, và có trang bị một số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng cho nhân viên.

Xem nội dung tiêu chí đối với lĩnh vực Du lịch TẠI ĐÂY

Đối với lĩnh vực công thương, gồm 3 bộ tiêu chí cụ thể áp dụng cho chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại. Mỗi Bộ tiêu chí gồm có 10 tiêu chí thành phần, mỗi tiêu chí thành phần có tối đa 10 điểm cho mức an toàn cao nhất. Công thức đánh giá tiêu chí an toàn (TCAT) như sau: TCAT=(TP1+TP2+TP3+….+TP10)/100.

Nếu TCAT đạt từ 80 điểm trở lên, đơn vị đảm bảo tiêu chí hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và được phép hoạt động. Nếu TCAT đạt từ 50 điểm đến dưới 80 điểm, đơn vị tương đối đảm bảo tiêu chí hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19, được hoạt động nhưng phải thực hiện khắc phục ngay các tiêu chí không đạt trong vòng 1 tuần kể từ khi có kết quả đánh giá và được UBND địa phương kiểm tra định kỳ.

Nếu TCAT đạt dưới 50 điểm, đơn vị không đảm bảo tiêu chí hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị phải tạm dừng hoạt động; đồng thời phải khắc phục ngay các tiêu chí theo hướng dẫn để được hoạt động trở lại.

Đáng chú ý, mỗi Bộ tiêu chí đều có các tiêu chí thành phần bắt buộc cụ thể không được 0 điểm. Trường hợp các tiêu chí bắt buộc này bị 0 điểm, đơn vị phải tạm dừng hoạt động và chỉ được mở cửa hoạt động trở lại khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.

Xem nội dung tiêu chí đối với lĩnh vực Công thương TẠI ĐÂY

Đối với lĩnh vực giáo dục, có 10 tiêu chí thành phần (mỗi tiêu chí thành phần tối đa 10 điểm – mức điểm an toàn cao nhất) áp dụng riêng cho các cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Với công thức tính Tiêu chí an toàn (TCAT) bằng tổng điểm các tiêu chí thành phần. Nếu tổng điểm từ 90% đến 100%, được xếp loại mức độ an toàn rất cao, được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Nếu tổng điểm từ 70% đến dưới 90%, được xếp loại mức độ an toàn cao, được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm.

Nếu tổng điểm từ 50% đến dưới 70%, được xếp loại mức độ an toàn trung bình, có thể tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm.

Nếu tổng diểm từ 30% đến dưới 50%, được xếp vào nhóm mức độ an toàn thấp, phải có giải pháp đảm bảo an toàn mới được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Còn nếu tổng điểm chỉ đạt dưới 30%, tức thuộc nhóm có mức độ an toàn rất thấp, thì không được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Xem nội dung tiêu chí đối với lĩnh vực Giáo dục TẠI ĐÂY 

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ tiêu chí đánh giá gồm các nhóm tiêu chí đánh giá bắt buộc với 6 tiêu chí thành phần và nhóm tiêu chí thực hiện bổ sung gồm 4 tiêu chí thành phần.

Trong đó, nhóm tiêu chí bắt buộc có các điều kiện như nhân viên phục vụ, người điều khiển phương tiện phải đeo khẩu trang, găng tay trong lúc làm việc; Mật độ người tập trung trên phương tiện với tiêu chí số người từ 50% sức chở/ phương tiện trở xuống, hoặc trở lên; Hành khách đeo khẩu trang trên phương tiện; Và các tiêu chí khử trùng phương tiện sau mỗi chuyến hoạt động.

Bộ tiêu chí cũng đánh giá về các hoạt động như tuyên truyền thông tin trên phương tiện cho người dân biết để phòng chống dịch bệnh, mức độ thông thoáng của phương tiện và trang bị máy đo thân nhiệt trên xe.

Ứng vào các tiêu chí đó các đối tượng đạt từ 80% trở lên và không có Tiêu chí bắt buộc bị chấm điểm 0 thì được phép hoạt động. Từ 60% đến dưới 80% và không có tiêu chí bắt buộc bị chấm điểm 0 được phép hoạt động nhưng phải chấn chỉnh các tiêu chí không đạt. Đối với những trường hợp chỉ đạt dưới 60% thì không được phép hoạt động.

Xem nội dung tiêu chí đối với lĩnh vực Giao thông vận tải TẠI ĐÂY

(Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang