Nguy kịch vì sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma túy
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nguy kịch do thuốc lá điện tử chứa ma túy.
Nam bệnh nhân T.V.H. (22 tuổi, ở Thái Bình) được chuyển đến trong tình trạng tím tái, co giật, nói nhảm, hoang tưởng, mất ngủ, ảo giác, vô niệu hoàn toàn, tổn thương đa cơ quan và nguy cơ ngừng tim.
Theo người nhà, bệnh nhân làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây H. mua thuốc lá điện tử với giá hơn 600.000 đồng, mỗi ngày H. hút tới 3-4 ống.
Sau đó, trong 10 ngày liên tục, H. không ngủ được và có những hành động hoang tưởng. H. đã về quê ở Thái Bình. Từ khi về nhà, H. liên tục có hành vi lạ thậm chí còn dọa giết cả bố và em trai. Gia đình đưa H. đến bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm thành phần tinh dầu trong mẫu thuốc của H. có 4 chất ma túy tổng hợp gồm: MDMB-4 en-Pinaca, MDMB-Chminaca, ADB-4 en-Pinaca và ADB-Binaca.
Bác sĩ Nguyên cho biết, đây là lần đầu tiên, Trung tâm tiếp nhận một mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân có trộn tới 4 chất ma túy. Thông thường, chỉ cần một chất đã gây nguy hiểm đến tính mạng và tổn thương não cho người dùng.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân H. đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn hôn mê, phải thở máy, tình trạng tổn thương não rất nặng nề.
Một nữ bệnh nhân 19 tuổi (ở Hà Nội) cũng bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử chứa nhiều chất ma túy. Cô gái hút thuốc lá điện tử khoảng 6 tháng nay. Cách ngày vào viện 4 hôm, bệnh nhân luôn cảm giác có người theo dõi và nói trong đầu. Khi đi cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng run rẩy, vã mồ hôi, rối loạn nhịp tim, rối loạn tâm thần…
Theo bác sĩ Nguyên, người nhà bệnh nhân mang tới 2 sản phẩm thuốc lá điện tử trong đó một mẫu chứa 2 chất ma túy tổng hợp (ADB-Butinaca, MDMB-Butinaca), mẫu còn lại chứa 3 chất (ADB-4 en-Pinaca, MDMB-4 en-Pinaca, EDMB-4 en-Pinaca). Trong đó có 2 chất là loại mới lần đầu ghi nhận tại bệnh viện.
Đây không phải lần đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Bác sĩ Nguyên cho biết, các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Trước đây, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện tử chỉ phát hiện một chất, chứ không trộn tới 3-4 chất như gần đây.
Trong thực tế, bác sĩ Nguyên cho biết, có nhiều bạn trẻ bị bất tỉnh sau khi hút, đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng co giật cơ tim, chết não,…
Hiện nay, xác định một loại chất cấm, chất gây nghiện mất rất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi các chất gây nghiện, chất ma túy mới ngày càng nhiều thêm như một thách thức với hệ thống quản lý. Số lượng bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử đang ngày càng tăng lên.
Bác sĩ Nguyên bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền cho cha mẹ bởi nhiều người không hề biết con đang hút thuốc lá điện tử. (Tiền phong, trang 13; Thanh niên, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng
Bộ Y tế thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 ca tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng Entero virus 71 (EV71).
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và EV71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hải thông tin thêm, bệnh tay chân miệng có hai biến chứng thường gặp là thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…
Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do virus gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.
“Thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Kim Anh: bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra các dấu hiệu bệnh được đánh giá là nặng và cần nhập viện khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. (Tiền phong, trang 13).
Phải dẹp được phòng khám làm tiền bệnh nhân rồi 'thay tên đổi họ'
Nhiều năm qua, một số phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM liên tục bị bệnh nhân phản ảnh "vẽ bệnh, moi tiền", "làm tiền bệnh nhân trên bàn mổ". Cứ sau nhiều lần sai phạm, các phòng khám này lại "thay tên đổi họ" và tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh với thủ đoạn cũ.
Đang xử lý sai phạm thì "thay tên đổi họ"
Cuối tháng 6.2023, Phòng khám đa khoa (PKĐK) Đinh Tiên Hoàng (34-36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1) bị bệnh nhân (BN) tố "vẽ bệnh, moi tiền". Thanh tra Sở Y tế và Công an TP.HCM kiểm tra phát hiện PK thu giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) cao hơn giá đã niêm yết; cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. PK bị phạt 105 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng. Ngay vị trí PKĐK Đinh Tiên Hoàng trước đây là PKĐK Thái Bình Dương, cũng hoạt động với phương thức "vẽ bệnh, moi tiền".
Giữa tháng 7.2022, PKĐK Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) phá thai cho BN gây tai biến. Vụ việc đang đang được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý vì PK có dấu hiệu hoạt động quá phạm vi chuyên môn. Tại địa chỉ này, trước đây là PKĐK Baylor, PKĐK Royal, PKĐK Nam Bộ, đều nhiều lần sai phạm và nhiều lần bị đình chỉ…
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 65 PK có người nước ngoài hành nghề KCB đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, có một số PK từng bị Sở Y tế TP.HCM phạt vi phạm hành chính, bị đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó họ nhanh chóng giải thể công ty cũ (thực tế đang bị xử lý vi phạm), đồng thời thành lập một pháp nhân mới nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí để tiến hành xin giấy phép hoạt động KCB không còn nhân sự người nước ngoài đăng ký hành nghề như trước.
Tính đến nay, có hơn 10 PK bị người dân thường xuyên phản ánh có một số hành vi không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng quy định của pháp luật về KCB. Sự sai phạm này có tính lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, chi phí dịch vụ y tế, chỉ định, kê đơn bán thuốc không hợp lý, vi phạm y đức người thầy thuốc… khiến người bệnh, người dân không hài lòng. Tuy nhiên, trong số này, có 7 PK không có đăng ký nhân sự người nước ngoài nhưng vẫn liên tục bị phản ánh có các hành vi vi phạm mà người dân thường gọi là "vẽ bệnh, moi tiền". (Thanh niên, trang 5).
Cần Thơ: Bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên do hết khối tiểu cầu
Ngày 23-7, theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, BV đã gửi công văn khẩn cho lãnh đạo TP Cần Thơ và các BV trong khu vực thông báo về việc hết khối tiểu cầu gạn tách (kể cả cho cấp cứu).
“Kho dự trữ hiện không còn đơn vị khối tiểu cầu nào để cung cấp cho 74 BV có sử dụng máu do BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cung cấp. Việc thiếu máu và các chế phẩm máu do BV không còn túi lấy máu cũng như hóa chất, vật tư để xét nghiệm, gạn tách chế phẩm máu, vì chưa xong thủ tục đấu thầu”, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho biết.
Được biết, trong những tháng qua, các BV ở Cần Thơ được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hỗ trợ cung cấp máu, BV Chợ Rẫy hỗ trợ cung cấp khối tiểu cầu. Tuy nhiên, hiện những đơn vị này đã gửi công văn ngừng cung cấp, hoặc hạn chế cung cấp máu, khối tiểu cầu cho các BV ở TP Cần Thơ, do tình hình điều phối đang gặp khó khăn.
Theo đại diện lãnh đạo BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gói thầu gần 400 mặt hàng (trị giá trên 150 tỉ đồng), trước mắt BV thực hiện 3 gói thầu dưới 500 triệu đồng (theo nghị quyết 01/2018 của HĐND TP Cần Thơ) để có vật tư, hóa chất lấy một số khối tiểu cầu phục vụ công tác cấp cứu người bệnh. Sau nhiều lần làm thủ tục đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu của BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vừa được Sở Y tế TP Cần Thơ trình UBND TP Cần Thơ vào ngày 21-7. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).