Đột qụy ngày càng trẻ hóa
Đột quỵ trước đây được coi là căn bệnh của tuổi già, thế nhưng, hiện nay, ghi nhận ở các bệnh viện cho thấy nó đang có xu hướng lan sang cả những người trẻ. Nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống mà đa số chúng ta đều mắc phải.
Mỡ máu - đột qụy: Cặp bài trùng
Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra những con số đáng báo động về căn bệnh rối loạn mỡ máu. Cứ 4 người thì lại có một người bị máu nhiễm mỡ hoặc gan nhiễm mỡ. Nếu như ngày trước, bệnh máu nhiễm mỡ thường chỉ tập trung ở những người trên 60 tuổi với tỷ lệ 63% thì ngày nay, nó đang có xu hướng trẻ hóa.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy: số người trẻ bị rối loạn mỡ máu chiếm tới 29% và chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Giáo sư, bác sĩ Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, chuyên gia cao cấp về tim mạch cho hay: “70% rối loạn mỡ máu có liên quan tới chuyển hóa của cơ thể. Khi thành phần trong mỡ máu thay đổi sẽ kéo theo hàm lượng đường trong máu, chức năng thận... cũng thay đổi. Bất cứ ai cũng có thể bị mắc bệnh rối loạn mỡ máu, kể cả ở người gầy. Thực tế, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa”.
Bình thường, trong máu luôn có một lượng mỡ nhất định, tuy nhiên khi rối loạn mỡ máu sẽ làm cho thành phần mỡ trong máu tăng giảm một cách bất thường, có thể là tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-cholesterol “xấu” và triglyceride, giảm HDL - cholesterol “tốt”. Những thành phần gây hại trong mỡ tăng lên và những phần có lợi giảm đi, từ đó gây hại cho cơ thể.
“Bệnh nhân rối loạn mỡ máu dễ phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào. Đó là do các thành mạch của người bệnh dễ bị tổn thương, các tế bào mỡ lắng đọng trong thành mạch hình thành nên các mảng xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa nhiều làm cho lòng mạch bị thu hẹp, tốc độ vận chuyển máu chậm, dễ hình thành các cục máu đông.
Chúng gây ra tắc nghẽn động mạch chủ, máu tắc ở bất cứ vị trí trong cơ thể đều có thể gây nguy hiểm. Nếu tắc nghẽn ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, tắc ở não gây xuất huyết não, tắc nghẽn ở các chi có thể làm cho các chi bị đau, tím tái, hoại tử. Đối với thận có thể gây hẹp động mạch thận và teo thận...”, GS Phạm Gia Khải nhấn mạnh.
Bệnh mỡ máu gây ra những tai biến nghiêm trọng nhưng mọi người lại thường chủ quan bỏ qua. GS Phạm Gia Khải cho biết thêm: “Triệu chứng bệnh rối loạn mỡ máu thường không rõ ràng nên ít người biết mình mắc bệnh. Đặc biệt ở người trẻ tuổi khi sức khỏe đang sung, thường xem nhẹ những dấu hiệu của cơn đột quỵ thoáng qua như: ăn cơm tự dưng rơi đũa, chi mất cảm giác hoặc các chi bị đau, đi cà nhắc...”.
Thực tế, theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Khoảng 50% trong bệnh nhân đột quỵ bị tử vong. Tỷ lệ này tăng lên rất nhiều lần nếu để tái phát sau 3-5 năm.
Thói quen ăn uống: Thủ phạm gây bệnh
Nguyên nhân người trẻ gia tăng nguy cơ bị bệnh rối loạn mỡ máu cũng như đột quỵ, theo Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng đây là căn bệnh có liên quan chặt chẽ tới lối sống, thói quen ăn uống. Cuộc sống tĩnh, ít vận động thể dục, thể thao cộng thêm chế độ ăn mất cân đối, ăn quá nhiều chất béo, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh, ăn nhiều đồ ăn ngọt, uống nhiều nước có ga... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh”.
Thực tế, bệnh này thường gặp ở nhóm người thường xuyên ăn nhậu, rượu bia. Rất nhiều trường hợp thường xuyên uống rượu bia, đi khám mới biết mình bị mỡ máu. Nhiều người thắc mắc: “Sao tôi chỉ uống thôi, không ăn mà vẫn bị rối loạn mỡ máu?”.
Lý giải về trường hợp này, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết: do trong cồn vẫn có một lượng calo nhất định (1g chất cồn có 7 kcal). Nhưng calo trong cồn thường là calo rỗng, không cân đối về dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, đồ nhậu cùng rượu bia thường là đồ ăn giàu chất béo. Vì vậy người thường xuyên ăn nhậu dễ bị mắc bệnh rối loạn mỡ máu hơn.
Theo bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, để ngăn ngừa bệnh rối loạn mỡ máu nhằm tránh các tai biến nguy hiểm, chúng ta phải có một chế độ ăn ít mỡ động vật, ăn nhiều trái cây, ăn ít đường, ít gạo; tập thể dục nhiều hơn để giải phóng năng lượng, uống rượu ít; một năm cần đi xét nghiệm sinh hóa máu 2 lần. Khi có dấu hiệu ăn ít mà vẫn tăng cân nhiều thì nên đi khám bệnh sớm (An ninh Thủ đô, trang 8).
Nguy hại khi lạm dụng thuốc dị ứng trị ho cho trẻ
Ho là phản ứng để tống vi trùng, dị vật, đờm nhớt... ra khỏi đường hô hấp. Bằng mọi cách để giảm ho, cắt ho chính là đang làm hại trẻ và một lưu ý đặc biệt là không nên tự ý dùng thuốc chống dị ứng.
Có thể khi trẻ bị ho, sổ mũi do thời tiết, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến nguyên nhân dị ứng, do vậy thuốc kháng dị ứng (còn gọi là thuốc kháng histamin - antihistamine) thường được sử dụng. Nếu viêm mũi theo cơ chế dị ứng thì các thuốc kháng histamine sẽ có tác dụng giảm ngứa mũi, giảm tiết dịch mũi. Nhưng trên thực tế, đa số trường hợp ho, sổ mũi ở trẻ em là do bệnh cảm thông thường. Mà trong bệnh này mũi bị viêm không phải theo cơ chế dị ứng, nếu có thì rất ít và chỉ khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm để chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Đa số viêm mũi trong bệnh cảm lạnh - thứ gây viêm là các interlekin (IL) chứ không phải histamine nên các thuốc kháng dị ứng hầu như không có tác dụng.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại cho rằng khi họ cho con dùng thuốc với liều cao thì thấy hiện tượng ho, sổ mũi vẫn giảm. Vì sao lại có hiện tượng này? Đó chính là do ngoài tác dụng kháng histamine, thuốc còn có tác dụng kháng cholinernic (anticholinergic). Tác dụng này làm giảm tiết các chất nhầy đường hô hấp, khiến cho đứa trẻ bị khô mũi, khô miệng, các chất tiết ra rồi thì cô đặc lại và ứ đọng bên trong đường hô hấp khó tống ra ngoài. Bề ngoài thì có vẻ bệnh của bé đã giảm vì các triệu chứng ho, sổ mũi đã giảm, nhưng có thể trẻ đang gặp những rắc rối do chính tác dụng anticholinergic như: khô mũi, miệng, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh...
Thực tế việc sử dụng thuốc giảm ho, sổ mũi hầu như không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ. Dù rằng con của bạn có chảy mũi, ho sùng sục nhưng vẫn vui vẻ, chơi bời, không quấy khóc... thì cha mẹ không nên sốt ruột. Phụ huynh cũng không nên sốt ruột khi trẻ ho gây kém ngủ một chút, nôn ói một chút; không nên suy nghĩ rằng để ho lâu sẽ lan xuống phổi... Việc dùng thuốc ho hay không dùng thuốc cũng chỉ trong vòng 1 tuần là triệu chứng ho sẽ giảm và hết. Chỉ nên dùng thuốc khi tình trạng ho, sổ mũi khiến trẻ quấy khóc, sốt, biếng ăn... và đã được bác sĩ chuyên khoa nhi khám và chỉ định dùng thuốc.
Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ: Không dùng bất cứ sản phẩm thuốc không kê toa (OTC) nào cho trẻ em dưới 6 tuổi bị cảm lạnh, trong khi mật ong có thể giảm ho và dường như vô hại đối với trẻ trên 1 tuổi (An ninh Thủ đô, trang 8).