Lo ngại đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, HIV
Ngày 24/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã có 20 bệnh nhân đậu mùa khỉ được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong đó kết quả xét nghiệm xác định có 18/20 ca có HIV, chủ yếu là nam giới.
Sau những ca bệnh đậu mùa khỉ đơn lẻ được phát hiện trong cộng đồng 2 tuần qua, TPHCM liên tiếp phát hiện thêm nhiều người mắc bệnh này. Sở Y tế TPHCM cho biết, đã có 20 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có kết quả xét nghiệm xác định dương tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm được các chuyên gia y tế xác định có 18 ca (gồm 17 nam và 1 nữ) mắc hội chứng truyền nhiễm do HIV gây ra.
Thực tế điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận hầu hết bệnh nhân đều có diễn tiến sức khỏe khả quan. Tuy nhiên, có 2 trường hợp bệnh diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da...
Trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cho biết: “Thực chất của hội chứng truyền nhiễm do virus HIV trên nhóm bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng bệnh nhân bị đồng nhiễm cả đậu mùa khỉ và HIV. Có tới 17 trong số 18 người bệnh là nam giới bị đồng nhiễm cả 2 loại bệnh trên cho thấy đây có thể là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Thực tế này phù hợp với nhóm lây nhiễm chủ yếu của bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Theo BS Khanh, con đường lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ và HIV trên bệnh nhân có thể diễn ra song song hoặc bệnh nhân đã nhiễm HIV trước khi mắc đậu mùa khỉ. Tình trạng nhiễm cùng lúc nhiều loại bệnh sẽ khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị HIV thì nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, tử vong sẽ ở mức cao khi mắc thêm đậu mùa khỉ. Những bệnh nhân bị đậu mùa khỉ mắc cả HIV, giang mai hoặc các bệnh lý nền khác càng đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ đang khu trú chủ yếu ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tuy số ca bệnh có sự gia tăng nhưng nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức thấp.
“Số ca bệnh đang gia tăng, đến nay chưa xác định được nguồn lây từ các quốc gia khác, chưa ghi nhận yếu tố người nước ngoài liên quan đến các ca bệnh. Có thể khẳng định bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành tại Việt Nam. Đậu mùa khỉ lây qua quan hệ tình dục và tiếp xúc trực tiếp. Chỉ cần cộng đồng lưu ý bảo vệ bản thân trước những nguy cơ trên thì có thể tránh được bệnh”, BS Khanh nói.
BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, đậu mùa khỉ lây qua đường tiếp xúc nên cần tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, không giết mổ những động vật có khả năng mang các loại virus hoang dại lây cho con người, không ôm hôn, không tiếp xúc với những người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ như nổi bóng nước trên da, sốt. Đặc biệt, rửa tay là giải pháp đặc biệt quan trọng để tránh nguy cơ bàn tay có thể tiếp xúc với mầm bệnh và khiến cơ thể nhiễm bệnh. (Tiền Phong, trang 15)
Thứ trưởng Bộ Y tế: Dù mô hình quản lý nào, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Tư pháp; lãnh đạo UBND 3 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh.
Hội nghị nhằm thực hiện Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện 3 địa phương thực hiện thí điểm Ban Quản lý ATTP báo cáo về quá trình thành lập, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức…
Kết quả hoạt động công tác đảm bảo ATTP của 3 thành phố/tỉnh khi nhập 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp thành Ban Quản lý ATTP cho thấy hiệu quả hơn.
Các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát mối nguy như: hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp như trước đây...
Chủ động, kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các nghành, các cấp, thuận lợi hơn so với trước khi thành lập Ban. Công tác hậu kiểm được tăng cường…
Kết quả thanh, kiểm tra của Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động kiểm tra được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, phường/xã).
Trong giai đoạn 2017- 9/2023, số cơ sở được kiểm tra: 376. 517; cơ sở phát hiện vi phạm: 58.562; cơ sở bị xử phạt: 17.320; số tiền xử phạt: 181.794.539.062 đồng.
Tại Đà Nẵng, Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho biết, công kiểm tra ATTP cũng được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, xã/ phường). Trong giai đoạn 2018 – 2021 đã kiểm tra 7.404/ 7.892 cơ sở, đạt tỷ lệ 93,81%, số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 192 (2,59%) với số tiền 1.500.570.000 đồng. So sánh với giai đoạn 2013 – 2017, tỷ lệ cơ sở qua thanh tra, kiểm tra tuân thủ quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 13,88%.
Kết quả thanh, kiểm tra của Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho thấy, từ tháng 4/2018 - 9/2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã thanh, kiểm tra 15.759 lượt cơ sở. Số cơ sở đạt về ATTP là 12.290 (chiếm 78%); cơ sở không đạt là 3.469 (chiếm 22%); xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền 2.609.838.000 đồng.
Giải quyết thủ tục hành chính được tập trung một đầu mối trong giải quyết các thủ tục hành chính liên vực An toàn thực phẩm đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm.
Việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện như Ban quản lý ATTP chưa phải là cơ quan hành chính nhà nước chính thức nên việc sắp xếp về tổ chức nhân sự, đầu tư về trang thiết bị, việc phối hợp công tác với các cơ quan hành chính khác còn gặp nhiều vướng mắc.
UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh.
UBND TP Đà Nẵng có tờ trình Chính Phủ để trình Quốc hội phê duyệt chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng trong đó đề xuất thành lập sở ATTP TP Đà Nẵng. Hiện nay, Thủ tướng đã ban hành Quyết định Số: 998/QĐ-TTg ngày 27/8/2023 về việc kéo dài thời gian hoạt động thí điểm của Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng đến khi có mô hình mới.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đến khi có hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác bảo đảm an ninh, ATTP theo tinh thần Chỉ thị số 17CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư.
Hiện nay, Chính phủ ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao các ý kiên thảo luận của các đại biểu bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dù cho mô hình quản lý ATTP theo hình thức nào (Ban quản lý ATTP hay Sở ATTP hoặc Chi cục vệ sinh ATTP) quan trọng nhất vẫn là đảm bảo công tác quản lý về ATTP cho nhân dân, đồng thời phải đạt được mục đích quan trọng là sắp xếp bộ máy, mô hình tinh gọn và hiệu quả, không chồng chéo.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và 3 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện báo cáo về mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP để báo cáo Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
18/20 ca mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM nhiễm HIV, 2 ca diễn tiến nặng
Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 20 ca mắc đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong đó có 18 ca chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra). Hiện có 2 ca diễn tiến nặng, chẩn đoán nhiễm trùng huyết, giang mai ác tính...
Ngày 23/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến tối 22/10, ngành y tế thành phố ghi nhận có 20 ca mắc đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong đó có 18 ca chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra), trong đó có 17 nam, 1 nữ.
Hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tầng sinh môn...
Cũng theo Sở Y tế, tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22/10), TPHCM ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,76%). Trung bình số ca nặng điều trị là 13 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).
Tính đến ngày 22/10, TPHCM ghi nhận 172 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại bệnh viện (có 56 ca địa chỉ lưu trú tại tỉnh khác, chiếm 32,56%), có 5 ca nặng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 3 ca, Nhi đồng 2: 1 ca, Nhi đồng Thành phố: 1 ca), trong đó có 2 ca nặng địa chỉ lưu trú tại tỉnh (chiếm 40%). Trong các ca nặng, có 2 ca thở máy đều có địa chỉ tại thành phố (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: 1 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 1 ca).
Đối với bệnh tay chân miệng, tổng số ca nhập viện từ ngày 15 đến 21/10 là 553 ca, giảm 26 ca so với tuần trước đó (579 ca), trong đó có 170 ca địa chỉ thành phố (chiếm 30,7%). Tổng số ca xuất viện trong tuần là 572 ca. Số ca nặng ở thành phố dao động từ 1-4 ca/ngày, trung bình tăng 1,14 lần.
Trong các ca nặng của tuần qua, ghi nhận 1 ca điều trị ECMO, 2 ca điều trị lọc máu hiện các ca đã cải thiện, lâm sàng ổn định. Không ghi nhận trường hợp tử vong.
Về bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tuần qua thành phố ghi nhận 2.407 ca, giảm 33,4% so với tuần trước đó, trong đó có 386 ca tại tỉnh khác (chiếm 16%). Trung bình số ca biến chứng là 2 ca/ngày, giảm so với trung bình tuần trước (17 ca/ngày).
Trong 2.407 ca viêm kết mạc trên có 656 ca trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 27,3%), giảm 39% so với tuần trước đó, trong đó có 148 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm 22,6%). Trung bình số ca biến chứng ở trẻ em dưới 16 tuổi là 0,1 ca/ngày, giảm so với trung bình tuần trước (7 ca/ngày).
Hiện tổng số ca mắc mới viêm kết mạc tại thành phố ngày 21/10 ghi nhận có 152 ca, (có 29 ca có địa chỉ tại tỉnh khác, chiếm 19.1%), trong đó có 1 ca biến chứng. Trong 152 ca viêm kết mạc có 56 ca trẻ em dưới 16 tuổi (có 10 ca có địa chỉ tại tỉnh khác, chiếm 17.9%), trong đó không có ca biến chứng.
Về dịch Covid-19, tính đến ngày 22/10, số ca nhập viện trong tuần là 1 ca (bằng số ca so với tuần trước đó). Ngày 22/10, có 4 ca đang cách ly tại nhà, 1 ca đang điều trị tại bệnh viện. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)
Thêm hơn 600 loại thuốc được Bộ Y tế gia hạn
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 600 loại thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch.
Theo đó, trong số 626 loại thuốc trong nước và nước ngoài được Cục Quản lý Dược gia hạn số đăng ký đợt này gồm có 435 thuốc sản xuất trong nước, 191 thuốc còn lại là thuốc nước ngoài.
Trong số 435 thuốc sản xuất trong nước có 372 loại được gia hạn trong 5 năm, 56 loại gia hạn trong 3 năm và 7 loại thuốc được gia hạn từ nay đến ngày 31/12/2025.
Đối với 191 thuốc nước ngoài được gia hạn đợt này có 177 loại gia hạn trong 5 năm, 9 loại gia hạn trong 3 năm, 5 thuốc còn lại gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Tại các quyết định do TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký ban hành, yêu cầu: Đối với thuốc sản xuất trong nước, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.
Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Đối với thuốc nước ngoài, Cục Quản lý Dược yêu cầu phải cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc.
Phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BYT ngày 05/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thuốc thuộc Danh mục tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
Như vậy, trong tháng 10/2023, tính đến thời điểm này, Cục Quản lý Dược đã gia hạn gần 2.000 loại thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Cùng với nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc, Bộ Y tế đã nhiều lần công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về gia hạn sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Tính đến nay Bộ Y tế đã có hơn 10 đợt công bố thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Liên tiếp thu hồi hai sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng tại Hà Nội
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 2 văn bản thông báo đến phòng y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, tại văn bản 4943/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm dầu gội dược liệu Đông Bắc – hộp 1 chai 250ml (NSX:23.11.22; HSD: 23.11.25), số công bố 24/22/CBMP-QN.
Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Dược Đông Bắc (địa chỉ thôn Sơn Hải, xã Cộng Hòa, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến dược liệu Đông Bắc (địa chỉ tổ 98, khu 8A, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Sản phẩm bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Tại văn bản 4944/SYT-NVD là thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm tinh dầu hoa bưởi – chai 80ml (bao gồm chai tinh dầu và gói dầu gội), trên nhãn ghi thông tin số lô: 03; NSX: 3.07.23; HSD: 3.07.25.
Sản phẩm có số công bố mỹ phẩm 24/17/CBMP-TG do doanh nghiệp tư nhân Long Thuận sản xuất (địa chỉ Ấp Mỹ Thạch, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Sản phẩm tinh dầu hoa bưởi – chai 80ml bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định và lô sản phẩm được sản xuất sau khi hết hạn phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng dầu gội dược liệu Đông Bắc – hộp 1 chai 250ml và tinh dầu hoa bưởi – chai 80ml (bao gồm chai tinh dầu và gói dầu gội) bị đình chỉ và thu hồi nêu trên.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở.
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản thông báo về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc hai sản phẩm là tinh dầu hoa bưởi – chai 80ml (bao gồm chai tinh dầu và gói dầu gội) và dầu gội dược liệu Đông Bắc – hộp 1 chai 250ml do không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).