Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam; Đã có hơn 314.000 ca mắc sốt xuất huyết, cảnh báo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn

 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Bệnh viện Chợ Quán đã trải qua 160 năm hình thành, phát triển.

Ngày 24.11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm hơn 160 năm thành lập (1861 - 2022) và nhận bằng xác lập kỷ lục bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam của Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings - đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam.

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã ôn lại chặng đường hơn 160 năm hình thành, phát triển của bệnh viện.

Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, năm 1860, người Pháp lấy khu đất rộng hơn 5 ha tại làng Chợ Quán, nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, phía trước có kênh Người Hoa (Arroyo Chinois) chảy qua, nay gọi là kênh Tàu Hủ, để xây dựng một bệnh viện với khoảng 250 giường lấy tên là Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - PV).

Ngày 13.2.1861, bệnh viện bắt đầu chính thức mở cửa nhận bệnh. Một năm sau, ngày 10.2.1862, hải quân Pháp tiếp nhận quản lý và đến ngày 1.1.1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền dân sự.

Năm 1972 đánh dấu bước phát triển mạnh của Bệnh viện Chợ Quán về cơ sở vật chất với khu nhà chính 6 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 12.000 m2 với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Bệnh viện Chợ Quán khánh thành vào tháng 3.1974 đổi tên mới là Trung tâm y khoa Hàn - Việt có 550 giường, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng. Vào thời điểm này bệnh viện đã trở thành 1 trung tâm y tế toàn khoa mới và tối tân bậc nhất miền nam Việt Nam, được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường đại học y khoa và các chương trình huấn luyện của bộ y tế chính quyền Sài Gòn.

TS-BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết gắn với những biến động lịch sử của đất nước qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, khu trại giam của bệnh viện là nơi giam giữ, điều trị cho những người tù bị bệnh gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị. Nơi đây đã từng là nơi giam giữ các chiến sĩ Cộng sản kiên cường như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi...

"Ngày 26.8.1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và lâm trọng bệnh, đã được đưa đến khu nhà giam này. Đến ngày 6.9.1931, đồng chí đã hy sinh sau khi để lại lời nhắn nhủ: Giữ vững ý chí chiến đấu", TS-BS Nguyễn Thành Dũng cho biết.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện được Ban Y tế Xã hội miền Nam thuộc Ủy ban quân quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán.

Ngày 4.8.1979, theo quyết định số 903 của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Năm 1989, UBND TP.HCM quyết định đổi tên bệnh viện thành Trung tâm Bệnh nhiệt đới trực thuộc Sở Y tế.

Từ năm 2002, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Bệnh viện chủ lực điều trị bệnh truyền nhiễm

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và trên dưới 600 bệnh nhân nội trú. Nhưng khoa Khám bệnh, cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chật hẹp, xuống cấp trầm trọng và cần được nhanh chóng xây mới để phục vụ bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn giữ vị trí là cơ sở y tế điều trị và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm chủ lực, hàng đầu của TP và các tỉnh thành phía nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức biểu dương những thành tựu mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã đạt được. Theo lãnh đạo TP, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là những chiến sĩ áo trắng tiên phong trong phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm 160 năm qua, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19.

TP.HCM đang khẩn trương thực hiện dự án xây dựng cải tạo mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đặc biệt, khu trại giam trong bệnh viện đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay TP gấp rút thực hiện các quy trình để chuẩn bị trùng tu, nâng cấp di tích này, chuẩn bị cho mở lại đúng dịp ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú vào năm 2024 sắp tới. (Thanh niên, trang 4).

 

Đã có hơn 314.000 ca mắc sốt xuất huyết, cảnh báo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. Chuyên gia báo cáo tái nhiễm có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn...

Đã ghi nhận 115 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (64.172/24) số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).

Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12.

Mới đây, tại BVĐK Đức Giang đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp nhỏ nhất mới 5 ngày tuổi, 2 trường hợp còn lại 7 ngày tuổi và 16 ngày tuổi. 

Từ 3 trường hợp trẻ sơ sinh nêu trên, BS Vũ Thị Thu Nga Trưởng khoa Sơ sinh (BVĐK Đức Giang) khuyến cáo, các gia đình đang trong vùng dịch sốt xuất huyết lưu hành nên cảnh giác phòng bệnh cho các bé, nhất là phòng tránh muỗi đốt, kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống.

Cụ thể, cho bé sơ sinh quấn khăn, tã kín tay chân và cho nằm màn kể cả ban ngày, bật điều hòa ở mức 28 độ để phòng muỗi đốt. Ngoài ra, nhà cửa phải vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, loại bỏ những vật dụng chứa nước… Đặc biệt, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, bú kém, nên đưa trẻ đến bệnh viện để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời các biến chứng nếu có.

Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết, trung bình ghi nhận 9-10 ca /ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 9 lần.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh.

Nguyên nhân do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không" – ông Trung nhấn mạnh.

Ngành y tế khuyến cáo trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14).

 

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh hơn tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh

Để đạt mục tiêu 80% trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tiêm đủ 2 mũi cơ bản vaccine COVID-19 và 80% lứa tuổi từ 12 - dưới 18 tiêm mũi 3, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Đây là nhấn mạnh của lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tại hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch diễn ra chiều nay 23/11, với sự tham dự của 63 địa phương.

Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế là PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Cùng dự còn có đại diện một số Cục, Vụ liên quan của hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch, giảm tỷ lệ tăng nặng và tử vong

Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ TW trình bày tại hội nghị cho thấy, để hoàn thành mục tiêu trên 90% người từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 còn phải tiêm khoảng 10 triệu mũi. Đối với trẻ 5 - dưới 12 tuổi còn phải tiêm 2,7 triệu mũi mới đạt mục tiêu 80% bao phủ mũi 2 cho nhóm trẻ này.

Thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, nhờ thành quả của tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ ca COVID-19 tử vong/ca mắc tại thời điểm tháng 7-9/2022 so với tháng 5-9/2021 (thời điểm tỷ lệ tiêm vaccine thấp, ghi nhận biển thể Delta) giảm 245 lần.
Thời gian gần đây số tử vong trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 10.000 ca/tuần, trong khi đó Việt Nam ghi nhận 1-2 ca/tuần.

Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho hay, ngoài dịch bệnh COVID-19 đang hiện hữu, bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp.

Trong năm 2022, thế giới ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là tại Châu Mỹ và một số nước Châu Á. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 314 nghìn ca mắc, trong đó có 115 ca tử vong. So với năm ngoái, số ca mắc trong nước đã tăng tới 4 lần. Khu vực miền Bắc và miền Trung đang ghi nhận số ca mắc cao, trong khi số ca mắc ở miền Nam đang có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, học sinh sinh viên. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế về tăng cường công tác phối hợp tiêm chủng vaccine cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ghi nhận sự nỗ lực của ngành GD&ĐT các địa phương trong công tác phối hợp với ngành y tế để triển khai tiêm vaccine COVID-19. Thực tế vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận về chủ trương tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần nhấn mạnh tới vai trò của UBND cấp huyện là rất lớn vì các trường từ mầm non, tiểu học đến THCS đều thuộc phân cấp quản lý thuộc cấp huyện.

"Huyện cần chỉ đạo để các tổ chức đoàn thể vào cuộc, nhất là các gia đình chưa có sự nhận thức đầy đủ chứ không thể phó mặc cho giáo viên, nhà trường. Cần đẩy nhanh tiêm chủng để tránh tái bùng phát dịch trở lại"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Quyết liệt đẩy nhanh hơn nữa trong công tác tiêm vaccine COVID-19, tăng cường phòng chống dịch

Phát biểu tại cuộc tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cảm ơn các bộ, ngành địa phương đã cùng với Bộ Y tế và ngành y tế địa phương đồng sức, đồng lòng thực hiện công tác phòng chống dịch cũng như tiêm vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào; Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng và tiêm vaccine COVID-19.

"Đề nghị các địa phương khi phát hiện các thông tin về dịch bệnh trên địa bàn cần báo cáo ngay với Bộ Y tế để Bộ nắm thông tin, có những chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ về công tác điều trị và dự phòng"- Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý thêm.

Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nói chung, cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19; Viện Vệ sinh dịch tễ TW và khu vực, Viện Pasteur cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm vaccine COVID-19 cũng như tiêm chủng mở rộng…

Đối với Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan khác tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong thực hiện nhiệm vụ được giao. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).

 

Phân bổ 238.400 liều vaccine sởi và bạch hầu-ho gà-uốn ván cho 28 tỉnh, thành để tiêm chủng mở rộng cho trẻ

Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định cấp bổ sung 95.000 liều vaccine Sởi kèm dung môi và 143.400 liều vaccine DPT cho 28 tỉnh/thành phố sử dụng trong tiêm chủng mở rộng.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tăng cường tiêm vaccine COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 23/11, PGS.TS Trần như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương cho biết, căn cứ vào nhu cầu sử dụng vaccine Sởi, vaccine DPT (bạch hầu-ho gà-uốn ván) và số lượng vaccine hiện có tại các tỉnh/thành phố;

Đồng thời căn cứ vào số lượng vaccine Sởi, vaccine DPT tiếp nhận từ Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, sáng 23/11, Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định cấp bổ sung 95.000 liều vaccine Sởi kèm dung môi và 143.400 liều vaccine DPT cho 28 tỉnh/thành phố sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên tháng 11-12/2022 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố bố trí phương tiện để nhận vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 30/11/2022 về tiêm chủng cho trẻ để đảm bảo đạt yêu cầu về tiêm chủng. 

Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc lưu ý mọi thủ tục xuất, nhập, bảo quản và vận chuyển vaccine thực hiện theo các quy định hiện hành.  

Về vấn đề này, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đã được phân bổ vaccine sởi và vaccine DPT nhanh chóng sớm nhất nhận vaccine về để triển khai tiêm chủng mở rộng cho trẻ em;

Đối với các Viện Pasteur/ Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực khác, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu nhanh chóng nhận vaccine để phân bổ cho các tỉnh, thành trong khu vực quản lý…

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 có mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Đến nay, đã có 11 loại vaccine gồm: vaccine phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em ở nước ta.

Thời gian qua Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để sớm cung ứng vaccine cho các tỉnh, thành. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang