Bệnh viện tự chủ tài chính... nửa vời
Bệnh viện được tự chủ tài chính nhưng vẫn chưa được toàn quyền tuyển nhân sự, mua sắm, xây dựng… mà phải thông qua cấp trên.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM vừa có những buổi giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Răng Hàm Mặt và Da liễu TP.HCM.
Thất thu 1,2-1,5 tỉ đồng/năm
Báo cáo trước đoàn giám sát, BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho rằng cùng thực hiện tự chủ nhưng điều kiện của các BV không đồng đều. Điển hình là BV Nguyễn Tri Phương được xây dựng từ rất lâu, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thấm dột nhưng chưa được xây dựng, cải tạo mới, trang thiết bị đã cũ nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Giá khám chữa bệnh mới được thay đổi nhưng vẫn chưa được tính đúng tính đủ, cụ thể là chưa tính chi phí hệ thống quản lý, công nghệ thông tin khá tốn kém…
BS Chiến cho biết hiện thu nhập bình quân của người lao động tại BV là 3,52 triệu đồng/tháng, cùng với mức thu nhập tăng thêm trung bình khoảng 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉ lệ bệnh nhân chưa mua BHYT, có hoàn cảnh khó khăn chiếm 10%-20% tổng số bệnh nhân nhưng đa số bệnh nặng, chi phí điều trị cao, nhiều bệnh nhân xin miễn giảm hoặc không thanh toán chi phí. Thất thu này BV phải gánh chịu. “Năm 2016 BV thất thu hơn 1,5 tỉ đồng, sang năm 2017 số tiền thất thu là hơn 1,2 tỉ đồng. Nếu như không có sự huy động từ các quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo thì BV rất khó khăn” - BS Chiến nói.
Thu không đủ bù chi
Cùng chung khó khăn với BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân 115 báo cáo mỗi ngày cứu hơn 350 bệnh nhân. Đây là một áp lực không nhỏ lên cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật cũng như nhân viên.
BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, nói do đây là BV đa khoa tuyến cuối nên chi phí điều trị của bệnh nhân rất cao. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế lại ban hành chung cho tất cả cơ sở y tế cùng hạng, như thế là chưa phù hợp. Nhiều dịch vụ kỹ thuật thu không đủ bù chi. Thu nhập của viên chức BV còn thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều nhân viên nghỉ việc, đi làm cho các BV tư với mức lương cao hơn.
BS Báu cho rằng BV mới tự chủ chi thường xuyên, trong khi đó giá dịch vụ y tế vẫn chưa có khấu hao tài sản nên gặp khó khăn khi tái đầu tư. “Đơn cử như Trung tâm ung thư của BV Nhân dân 115, cách đây bảy năm trung tâm này được xã hội hóa với số vốn là hơn 110 tỉ đồng. Chỉ còn hai năm nữa là máy móc sẽ bị hư, trong khi đó hãng lại không còn sản xuất máy như vậy nữa. Nếu nhà đầu tư rút đi mà ngân sách không hỗ trợ thì chúng tôi không biết làm thế nào” - BS Báu nêu.
BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP, thì cho biết lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ rủi ro cao nhưng việc triển khai bảo hiểm nghề nghiệp gặp khó. Lý do là vì nhiều công ty không nhận bảo hiểm thẩm mỹ hoặc phải mua thêm giá dịch vụ bảo hiểm rất cao. Trước giờ, khi xảy ra kiện tụng, BV thường lấy quỹ phúc lợi của BV ra để bồi thường.
“Mặc dù được tự chủ về tài chính nhưng hiện BV vẫn chưa được toàn quyền trong việc tuyển dụng nhân sự, mua sắm, xây dựng mà phải thông qua cấp trên, dẫn đến thời gian thực hiện các dự án chậm, kéo dài, giảm tính cạnh tranh của BV” - BS Minh nói.
Bệnh viện chuyên khoa lương thưởng cao
BV Răng Hàm Mặt TP.HCM đã chính thức tự chủ tài chính toàn phần từ năm 2011, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại BV khá cao: Cán bộ, nhân viên bậc đại học là trên 28,3 triệu đồng/tháng; trung cấp là trên 19 triệu đồng/tháng và hơn 16 triệu đồng/tháng đối với bậc sơ cấp. Tổng mức thưởng Tết dương và âm lịch cho người lao động trung bình là 40 triệu đồng. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Sau "rùm beng" bị sử dụng làm chất tạo nạc, thuốc chứa salbutamol đang thiếu hụt trầm trọng
Ngày 24-1, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh..., một số công ty sản xuất thuốc trong nước đang thiếu hụt trầm trọng thuốc chứa salbutamol để cung cấp cho các cơ sở điều trị.
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, thuốc có chứa Salbutamol là thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với chỉ định trong điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chống đẻ non.
Thế nhưng, từ cuối năm 2015 đến nay, theo phản ánh và thực tiễn triển khai hậu kiểm của Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan, tại nước ta đã phát hiện có hiện tượng nguyên liệu Salbutamol để sản xuất thuốc đã bị một số doanh nghiệp, cá nhân thuộc ngành khác sử dụng sai mục đích, dùng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Sau những vụ việc “rùm beng” gây rúng động dư luận và ngành chăn nuôi cũng như gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng trong nước vào cuối năm 2015, Bộ Y tế đã tham mưu đưa nguyên liệu sản xuất thuốc Salbutamol vào danh mục phải quản lý đặc biệt, có quy định kiểm soát đặc biệt việc nhập khẩu nguyên liệu này.
Đồng thời, trong quá trình xây dựng Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế cũng tham mưu chế tài xử lý vi phạm cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và các đơn vị thanh tra, xử lý các doanh nghiệp bán salbutamol không đúng đối tượng.
Song, hiện các cơ sở sản xuất thuốc trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc chứa nguyên liệu salbutamol để cung cấp cho các cơ sở điều trị.
Cục Quản lý dược cho biết, thời gian qua, Cục thường xuyên chỉ đạo các Sở Y tế cũng như các Công ty sản xuất thuốc cung ứng cho bệnh viện trong cả nước về vấn đề cung cấp thuốc có chứa Salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh của nhân dân. Song thông tin từ Sở Y tế Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh... cho biết, một số công ty sản xuất trong nước đã trúng thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị trong tỉnh nhưng hiện nay không đủ cung ứng.
Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển mùa đông-xuân hiện nay, nhu cầu sử dụng thuốc Salbutamol cho điều trị các bệnh đường hô hấp tăng cao... khiến rất nhiều công ty dược phẩm trong nước đang không có đủ thuốc Salbutamol để cung ứng theo các hợp đồng đã trúng thầu với các Sở Y tế, bệnh viện.
Cục Quản lý dược nhấn mạnh, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định chặt chẽ, đầy đủ đối với việc quản lý các loại thuốc phải quản lý đặc biệt, trong đó có salbutamol.
“Mặt khác có sự phối hợp rất thường xuyên giữa các Bộ ngành theo quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế với Bộ Công an, Bộ NN&PTNT trong việc kiểm tra, giám sát. Do vậy, việc xét duyệt đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol đã có cơ sở chặt chẽ theo các quy định chặt chẽ về thuốc quản lý đặc biệt” – Cục Quản lý dược thông tin. (An ninh Thủ đô,trang 7).
Đầu tư phát triển y tế cơ sở
Đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng những năm qua, công tác đầu tư cho y tế cơ sở lại chưa tương xứng. Tuy nhiên, từ năm 2018, cơ cấu phân bổ ngân sách dành cho y tế có nhiều thay đổi, theo hướng đầu tư nhiều hơn cho tuyến dưới; nhiều chương trình, dự án đầu tư cho y tế cơ sở được thực hiện; gói dịch vụ y tế cơ bản được triển khai… sẽ giúp y tế cơ sở có bộ mặt mới.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, những năm qua định mức được phân bổ cho y tế tuyến xã về cơ bản mới đáp ứng các khoản chi cho con người (lương, phụ cấp, các khoản đóng góp) và chi hành chính như tiền điện, nước, công tác phí. Chưa có hoặc bố trí được rất ít kinh phí để cán bộ y tế dự phòng, trạm y tế đi kiểm tra, giám sát, thực hiện các hoạt động dự phòng; các hoạt động này chủ yếu sử dụng từ kinh phí chương trình mục tiêu y tế - dân số.
Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên đánh giá, nếu ngân sách chương trình bố trí thấp thì hoạt động y tế dự phòng rất khó khăn, riêng kinh phí phòng, chống dịch hầu hết các tỉnh báo cáo khi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh sẽ được cấp riêng để thực hiện. Định mức phân bổ theo biên chế chưa khuyến khích các đơn vị sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Mặc dù tỷ lệ chi y tế dự phòng so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân đã tăng từ 19,1% (năm 2015) lên 23,3% (năm 2017) nhưng vẫn chưa đáp ứng Nghị quyết số 18/2008/QH12 là dành 30% cho y tế dự phòng. Tỷ lệ chi cho y tế xã so với tổng chi sự nghiệp y tế theo đầu dân tăng từ 24,8% năm 2015 lên 25,3% năm 2016 và 30,7% năm 2017 nhưng về cơ bản các trạm y tế xã cũng chỉ đủ chi lương, chi hành chính của trạm. Theo tính toán của các địa phương, chi lương và hành chính của trạm y tế tuyến xã đã chiếm khoảng 25% tổng chi sự nghiệp y tế được phân bổ theo đầu dân, cho nên mặc dù nhiều địa phương đã phân bổ tới 30% cho trạm y tế xã nhưng trạm y tế xã vẫn bố trí được rất ít kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, định mức chi khác ngoài lương có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương cũng là chưa công bằng cho các cán bộ y tế xã.
Phát triển y tế cơ sở được coi là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo để hướng tới bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu, điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe và dự phòng bệnh tật. Theo đó, toàn ngành thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ: triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã. Để đạt mục tiêu đó, công tác đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như có kinh phí cho cơ sở y tế hoạt động đóng vai trò quan trọng.
Theo Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020, cơ cấu chi ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ có những thay đổi quan trọng. Từ năm 2018 đến năm 2020, ngân sách chi cho y tế dự phòng chiếm 30%; ngân sách phân bổ cho các cơ sở khám, chữa bệnh phải giảm dần, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ; hỗ trợ cho một số cơ sở khám, chữa bệnh vùng miền núi, khó khăn, thu không đủ chi; chi cho các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa lao, phong, tâm thần; nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ để người cận nghèo, người có mức thu nhập trung bình tham gia BHYT; hỗ trợ quỹ khám, chữa bệnh người nghèo của địa phương. Từ ngày 1-1-2018, gói dịch vụ y tế cơ bản với nhiều dịch vụ y tế được mở rộng và thanh toán tại tuyến xã, phường sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, thuận lợi hơn và giảm tải hiệu quả cho bệnh viện tuyến trên. Mặt khác, trạm y tế xã sẽ được nâng cao chất lượng thiết bị, nhân lực, có các thiết bị siêu âm tại trạm và phải thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm chuyển về tuyến huyện.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi sự nghiệp y tế phân bổ theo hướng: dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng để phân bổ, chi cho các hoạt động y tế dự phòng, y tế công cộng, truyền thông giáo dục sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe người dân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm; kiểm soát các yếu tố nguy cơ và tổ chức tầm soát, sàng lọc, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; chi phòng, chống bệnh dịch. Cần ưu tiên dành khoảng 30 đến 40% cho trạm y tế xã để chi lương, phụ cấp cho y tế xã, thôn, bản; giúp trạm y tế xã có nguồn thực hiện đầy đủ các hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý sức khỏe, theo dõi, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, phấn đấu đến năm 2020, 90% số dân được quản lý, theo dõi sức khỏe. (Nhân dân, trang 5).
Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới
Ngày 24-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị khởi động Chương trình hợp tác y tế giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giai đoạn 2018 - 2019.
Chương trình hợp tác sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và bình đẳng đối với tất cả mọi người, nhất là nhóm người nghèo; giảm gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác. Chương trình hợp tác cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính y tế; tăng cường các quy định về dược phẩm, vắc-xin và các sản phẩm y tế. (Nhân dân, trang 5, Công an nhân dân, trang 1).
Gia tăng số trẻ em bị bệnh cúm mùa
Thời tiết đang có những thay đổi thất thường, ẩm, lạnh… là điều kiện rất thuận lợi cho các chủng vi- rút gây bệnh cúm phát triển. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và sớm hồi phục nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng và có thể dẫn đến chết người. Vì vậy, người dân cần có những biện pháp dự phòng chủ động.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi-rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông xuân; lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng từ 5 đến 10% người lớn trưởng thành và khoảng từ 20 đến 30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có từ ba triệu đến năm triệu trường hợp có diễn biến nặng. Tại Việt Nam, trong mười năm gần đây, mỗi năm ghi nhận khoảng từ một triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.
Thống kê của các bệnh viện, từ đầu năm đến nay số trẻ em mắc bệnh cúm đang có chiều hướng gia tăng. PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, chỉ trong ba tuần qua, đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, trong đó có 220 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Do số ca mắc bệnh khá cao so với năm trước, Bệnh viện Nhi T.Ư đã xây dựng lưu đồ tiếp đón, phân loại người bệnh nghi ngờ cúm. Khi tiếp nhận bệnh nhi qua khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ phân loại thành ba nhóm: nhập viện điều trị nội trú; chuyển cơ sở y tế dưới; điều trị ngoại trú tại nhà. Với những trẻ điều trị ngoại trú, ngoài kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ có hướng dẫn chăm sóc kỹ trẻ tại nhà. Số trẻ mắc cúm nhập viện cũng được ghi nhận rải rác ở các Bệnh viện đa khoa Xanh-pôn, Đống Đa, Hà Đông…
Đáng chú ý, hầu hết các trẻ nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi T.Ư đều có triệu chứng sốt cao, không đáp ứng với thuốc uống giảm sốt, thậm chí bị co giật, viêm mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác. Thông thường, trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng các bác sĩ cho biết hai tuần qua, số trẻ bị cúm phải nhập viện điều trị tăng cao do mắc một số chủng cúm nặng hoặc mắc cúm trên nền bệnh khác, có nhiều trẻ hay bị viêm đường hô hấp nên khi mắc cúm sẽ bị nặng, điển hình là viêm phổi.
Các bác sĩ lưu ý, bệnh cảm cúm hay bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Ở trẻ em hoặc người lớn tuổi, khoảng hai ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi-rút cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng. Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy. Sau năm ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm: Trẻ em dưới năm tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người lớn mắc các bệnh mãn tính (bệnh phổi mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường…); suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi-rút cúm, từ năm 2006, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh. Đến nay các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng vi-rút cúm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng hai đến bảy ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân; che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà-phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân nên tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm vắc-xin phòng cúm là: nhân viên y tế; trẻ từ sáu tháng đến tám tuổi; người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi. (Nhân dân, trang 5).
Đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT hết hạn
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 5917/BHXH-CSYT về việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh BHYT khi đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện một số nội dung:
Đối với các trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú, thẻ BHYT hết hạn đến 31.12.2017: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB rà soát, lập danh sách người bệnh; kiểm tra, xác định lý do người bệnh chưa có thẻ BHYT giá trị sử dụng từ 1.1.2018.
Trường hợp chưa có thẻ BHYT do khâu lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT không kịp thời (trừ nhóm đối tượng có mã HC, DN): Tạm thời giải quyết hưởng BHYT đến hết đợt điều trị.
Trường hợp cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đã tham gia BHYT nhưng chưa kịp nhận thẻ BHYT: Cơ quan BHXH cấp cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (Mẫu 01 ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24.9.2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) hoặc biên lai thu tiền đóng BHYT do đại lý thu cấp (Mẫu C68-HD ban hành kèm theo Thông tư số 178/TT-BTC ngày 23.10.2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho BHXH Việt Nam) trong đó có ghi rõ mã thẻ BHYT cũ để sử dụng thay thế thẻ BHYT theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.
Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa tham gia BHYT cho người lao động: Cơ quan BHXH thông báo để chủ sử dụng lao động biết về việc này và nêu rõ người bệnh sẽ không được quyền lợi KCB BHYT khi thẻ BHYT đã hết hạn sử dụng;
Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB nơi người bệnh đang điều trị hướng dẫn người bệnh (hoặc thân nhân) đến địa phương nơi phát hành thẻ BHYT (bao gồm đại lý thu đã tham gia BHYT trước đó hoặc cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng làm đại lý thu hoặc cơ quan BHXH) làm thủ tục tiếp tục tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang trong đợt điều trị ngoại trú nhưng thẻ BHYT hết hạn thì được hưởng quyền lợi BHYT cho lần điều trị ngoại trú đó.
BHXH Việt Nam đề nghị Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan và BHXH cấp huyện phối hợp triển khai thực hiện, đảm bảo việc cấp thẻ BHYT kịp thời và chuyển trả người tham gia BHYT để có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh từ ngày 1.1.2018; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam để có hướng chỉ đạo, giải quyết. (Lao động, trang 4).
Hướng dẫn thống kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 85/BHXH-GĐB về việc hướng dẫn một số nội dung trong thống kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Để đảm bảo minh bạch, đầy đủ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4210/QĐ-BYT quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 4210/QĐ-BYT. Trong khi chờ Bộ Y tế sửa đổi Quyết định số 3455/QĐ-BYT ngày 16.9.2013, BHXH Việt Nam hướng dẫn tạm thời cách ghi các thông tin trên các Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh và cách mã hóa, gửi dữ liệu XML đối với các thuốc có quy định riêng trong thanh toán BHYT:
Về ghi mã thẻ BHYT trên các biểu mẫu thống kê, báo cáo: Thông tin về mã thẻ, giá trị sử dụng thẻ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BYT các biểu mẫu C79a-HD, C80a-HD ban hành theo Thông tư số 178/TT-BTC của Bộ Tài chính và dữ liệu tương ứng được ghi theo thẻ BHYT còn giá trị sử dụng khi người bệnh đến khám, chữa bệnh; thông tin trong file XML ghi đúng quy định tại Quyết định 4210/QĐ-BYT. Trường hợp người bệnh có thay đổi các thông tin về nhân thân thì sử dụng thông tin của thẻ BHYT mới được cấp đổi.
BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp toàn bộ chi phí điều trị của người bệnh trên 01 (một) Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với thuốc Glivec, Tasigna thanh toán BHYT theo Quyết định số 5454/QĐ-BYT ngày 27.12.2014 của Bộ Y tế; trên file XML2 các thông tin về đơn giá, số lượng, số tiền, phạm vi thanh toán được tách riêng các dòng tương ứng với phần quỹ BHYT thanh toán và phần được nguồn khác chi trả, cụ thể: Thuốc do quỹ BHYT thanh toán: số lượng (SO_LUONG) bằng số lượng thuốc nhân 40%; phạm vi thanh toán (PHAM_VI) bằng 1; tỷ lệ thanh toán (TYLE_TT) bằng 100%; mức hưởng (MUC_HUONG) 100%, đơn giá (DON_GIA) ghi đúng đơn giá theo hóa đơn mua thuốc; Thuốc được nguồn khác chi trả: số lượng (SO_LUONG) bằng số lượng thuốc nhân 60% phạm vi thanh toán (PHAM-VI) bằng 2.
Đối với các thuốc sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 36/2015/TT-BYT ngày 29.10.2015, sử dụng các mã hoạt chất sau: Pegylated liposomal Doxorubicin dạng tiêm: mã 31.363; Erlotinib dạng uống: mã 31.365; Gefitinib dạng uống: mã 31.371; Sorafenib dạng uống: mã 31.393.
Về việc áp dụng danh mục thuốc do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia: Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cập nhật toàn bộ danh mục thuốc trúng thầu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh BHYT; BHXH các tỉnh đối chiếu dữ liệu với danh mục thuốc, số lượng thuốc trúng thầu sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh, duyệt và áp dụng đối với các thuốc đủ điều kiện thanh toán BHYT theo quy định. (Lao động, trang 4).