Bộ Y tế thí điểm triển khai kê đơn thuốc điện tử
Tại Hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh , Bộ Y tế cho biết, Đề án đơn thuốc điện tử quốc gia do Cục Quản lý khám chữa bệnh chủ trì sẽ được triển khai áp dụng đồng thời ở các cơ sở khám chữa bệnh công và tư nhân trên phạm vi toàn quốc. Trước thực tế hiện nay các bệnh viện kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện, nhưng mỗi bệnh viện có định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu nên rất khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn áp dụng kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ, cũng rất khó để kiểm soát đơn thuốc của bác sĩ nào kê tại đâu cũng như bác sỹ có đủ thẩm quyền kê đơn thuốc không, khó kiểm soát được các nhà thuốc có thực hiện bán thuốc theo đơn không. Thậm chí một số đơn thuốc viết tay rất khó đọc hoặc kê đơn thuốc không đúng quy định (như kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm)… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Điều động 1000 viên thuốc tamiflu cho BV Nhi TƯ
Trước sự gia tăng về nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu 75mg để phòng và điều trị bệnh cúm mùa cho nhân dân, ngày 23/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị tăng cường việc nhập khẩu thuốc này về Việt Nam. Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay, số lượng thuốc Tamiflu 75mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên. Cục Quản lý Dược đã điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu 75mg cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Lô hàng nhập khẩu 50.000 viên thuốc Tamiflu dự kiến được nhập khẩu về Việt Nam vào ngày 26/12/2019… (Sức khỏe & Đời sống, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Đình chỉ hoạt động 2 cơ sở khám chữa bệnh “chui”
Hai cơ sở này bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 9 tháng vì cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.
Chiều 24-12, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, UBND đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Sophie International (253A Hoàng Sa, phường ĐaKao, quận 1) số tiền 155 triệu đồng, ông Nguyễn Tiến Thuận (368/7 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) 87,5 triệu đồng. Hai cơ sở này bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 9 tháng vì cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.
Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành xử phạt bà Nguyễn Thị Thu Hà (1012 - 1014 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) 17,5 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên dịch vụ y tế Âu Á (425 Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6) 30 triệu đồng.
Xử phạt Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư TM và DV Korea Vina (số 1 Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1) 30 triệu đồng; Doanh nghiệp tư nhân nha khoa Minh Khai (199 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) 8,7 triệu đồng; Công ty TNHH Dịch vụ y tế S.O.C (512 Ngô Gia Tự, phường 09, quận 5) 16,7 triệu đồng.
Hầu hết các cơ sở này vi phạm vì không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định và quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thanh tra Sở yêu cầu các cơ sở vi phạm tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo do các cơ sở trên thực hiện. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Không khí ô nhiễm, trẻ nhập viện liên quan đến hô hấp tăng gấp 3 lần
Không khí ô nhiễm cùng với thời tiết trở lạnh khiến những ngày gần đây, số bệnh nhi ở Hà Nội nhập viện do các bệnh liên quan đến hô hấp tăng gần 3 lần so với trước kia. Hầu hết trẻ nhập viện với biểu hiện ho, khó thở, sốt cao… Sau khi thăm khám, trẻ được xác định bị viêm phế quản, viêm phổi hoặc cúm.
Những ngày qua, không khí ở Hà Nội được cảnh báo ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, cùng với không khí lạnh gia tăng khiến số trẻ nhập viện do liên quan đến hô hấp tăng lên.
Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa (khi, BV Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, trong khoảng 10 ngày trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện tăng cao, từ 150-200 trẻ, tăng gần 3 lần so những ngày thường. Hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao. Trong đó, nhiều trẻ sau khi khám được xác định bị viêm phế quản, viêm phổi hoặc nhiễm virus cúm.
Theo bác sĩ Hoa, nhiều em đến khám do thời tiết chuyển mùa, cộng thêm tình trạng ô nhiễm làm gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động nhất.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp (BV Phổi TƯ), số lượng bệnh nhân nhập viện tại BV trong khoảng một tháng trở lại đây có tăng hơn trước. Trong đó, có nhiều ca bệnh nặng, thậm chí viêm phổi, phải cấp cứu.
Tương tự, tại BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày BV có từ 150-200 bệnh nhi đến khám. Trong đó, số trẻ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng từ 5-10% so với trước đó.
Theo bác sĩ Nam, để đề phòng trẻ mắc bệnh liên quan đến hô hấp trong điều kiện thời tiết hiện nay, phụ huynh cần giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là hai bàn chân và tay. Khi về trưa có nắng ấm hay trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi cần cởi áo ấm cho thoáng. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc những yếu tố gây kích thích như phấn hoa, thú nhồi bông, chó mèo, khói thuốc lá, bụi... Nếu phải ra đường, phụ huynh cần cho trẻ mặc ấm, mang khẩu trang hoặc khăn che mặt.
Với người cao tuổi, trong thời tiết hiện nay không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn. Người cao tuổi cũng không nên tắm và gội cùng thời điểm, tránh để cơ thể quá lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cũng liên quan đến không khí ô nhễm, trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn người dân các biện pháp để phòng tránh bệnh tật. Chiều ngày 19/2, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã họp với các đơn vị liên quan và các chuyên gia để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM để đưa ra các khuyến nghị phù hợp. (Phụ nữ Việt Nam, trang 11).
Chợ hàng rong bủa vây bệnh viện
Nước uống, thức ăn, quần áo cùng nhiều vật dụng cá nhân được bày bán ngay trên vỉa hè trước cổng các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Từ đó biến nơi đây thành 'khu chợ' mua bán tấp nập bất chấp gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường...
Nhiều năm nay biết bao người ta thán, cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp, tuyên truyền có, vận động có, thậm chí cưỡng chế nhưng đâu vẫn vào đó. Giải pháp nào để giải quyết việc này?
Không thể đi bộ trên vỉa hè
Trước cổng chính Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đường Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh), các hàng quán quần áo, nước uống, thức ăn bày bán rất nhiều trên vỉa hè. Cạnh đó là những đống rác thải ngổn ngang, các bao bì chứa thức ăn dư thừa không được thu gom kịp thời, chảy nước, bốc mùi hôi.
Người đi bộ phải luồn lách trong giữa các hàng quán này, hoặc có lúc phải đi dưới lòng đường. Chưa kể nhiều xe hàng rong đậu dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Cùng với đó là rất nhiều thân nhân lẫn người bệnh đứng ngay tại cổng bệnh viện để mua bán khiến giao thông ở đây luôn náo loạn, nhất là vào giờ cao điểm.
"Mua ở các hàng quán phía trước bệnh viện rất tiện và đầy đủ nhiều mặt hàng, không phải đi xa" - bà N.T.Q., người thân đi chăm bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, chia sẻ.
Trần Thị Mĩ Linh (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết mỗi lần đi qua đoạn đường này rất khó khăn vì nhiều người buôn bán đứng tràn ra làn đường xe chạy, đặc biệt là vào những khung giờ cao điểm các hàng quán tụ tập đông người khiến các phương tiện kẹt cứng.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại các bệnh viện khác.
Trưa 20-12, chúng tôi đứng trước cổng số 1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (P.12, Q.5), nhiều xe ôm, người bán nước, bánh mì... liên tục mời đi xe và mua hàng. Xung quanh đó là rác thải vứt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, bao gồm bao tải đựng nước đá, ống hút, ly nhựa, bao bì nilông, hộp xốp... từ các hàng quán vây quanh cổng bệnh viện.
Vỉa hè dành cho người đi bộ gần như bị lấn chiếm hoàn toàn. Không riêng cổng số 1, các cổng số 2 và 3 tình trạng buôn bán cũng tấp nập, tạo nên khung cảnh nhếch nhác không kém. Ngay cả các khu vực có biển "lối đi dành cho người đi bộ" cũng bị một quán nước che khuất.
Còn tại cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng có nhiều hàng quán bán nước, trái cây, dụng cụ sinh hoạt..., thậm chí tại cổng số 1 hàng bán nước lấn sát tới cửa bảo vệ nhưng vẫn không ai nói gì.
Chúng tôi hỏi một bà cụ bán quán nước việc buôn bán tại đây có cấm hay không, bà cụ cười vô tư trả lời: "Có người đuổi thì chạy thôi, nhiều hôm bị lấy hết đồ bán nhưng vẫn tiếp tục bán. Tôi bán trước cổng bệnh viện từ lâu rồi, giờ mà không bán ở đây thì biết đi đâu".
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường còn diễn biến phức tạp ở một số bệnh viện khác như Bệnh viện Từ Dũ (Q.1), Bệnh viện ĐH Y dược (đường Hồng Bàng), Bệnh viện Hùng Vương (đường Phạm Hữu Chí), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (đường Võ Văn Kiệt)...
Phải có giải pháp căn cơ
Hầu hết các địa phương cho biết dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay tình trạng lấn chiếm buôn bán tại các cổng bệnh viện vẫn đâu vào đó. Trước thực trạng lấn chiếm trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, công an, tổ quản lý trật tự đô thị của phường 12, Q.5 cho biết đã tăng cường kiểm tra phạt nặng nhiều trường hợp vi phạm.
Cụ thể, từ ngày 6-11 đến 5-12, phường đã lập biên bản tạm giữ các tang vật vi phạm gồm: 4 xe đẩy tay, 88 bàn ghế nhựa, 100 chai nước suối, nước ngọt các loại, 13 dù che, 20 chiếc chiếu nhỏ...
Ngoài ra, UBND P.12, Q.5 cũng cho biết đã xử phạt được 10 xe đón trả khách không đúng quy định, lấn chiếm lòng lề đường tại khu vực trên.
Riêng hai hộ lấn chiếm, sử dụng lòng đường tại cổng số 2 để bán nước giải khát gây khó khăn, cản trở xe cấp cứu ra vào bệnh viện (thuộc P.4, Q.11), UBND phường 12, Q.5 sẽ phối hợp phường 4, Q.11 tuyên truyền vận động trường hợp này không lấn chiếm nữa, chuyển đổi ngành nghề phù hợp hơn.
Ông Hồ Xuân Bắc - chủ tịch UBND P.1, Q.5 - cho biết trên địa bàn phường có 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
"Phường từng thực hiện nhiều phương án để dẹp tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn tái diễn, khó kiểm soát. Khi vắng lực lượng chức năng, họ lại tiến hành buôn bán" - ông Bắc nói.
Ông cũng cho biết đã triển khai thêm các giải pháp khác như gắn camera để kiểm soát xung quanh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, đồng thời góp ý với bệnh viện về việc cải tạo bãi xe phía trong bệnh viện (nâng tầng, tăng diện tích lưu lượng), nâng cấp căngtin để bán thêm nhiều mặt hàng phục vụ đủ nhu cầu cho mọi người đến khám chữa bệnh.
Chúng tôi đặt vấn đề: có thể lập khu vực cho người bán hàng rong như mô hình ở Q.1? Đại diện UBND P.1, Q.5 cho rằng đã tính tới phương án lập khu buôn bán riêng cho những người bán hàng rong.
Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại thì phương án này chưa khả thi bởi đưa các trường hợp bán hàng rong vào một khu vực sẽ phát sinh nhiều người bán hàng rong mới ở cổng bệnh viện.
"Chúng tôi đang tính tới biện pháp vận động những người buôn bán trước các cổng bệnh viện, hỗ trợ họ trong việc học nghề, tìm kiếm nghề mới. Đây mới là biện pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại" - ông Bắc chia sẻ. (Tuổi trẻ, trang 8).
Ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu sống người ngừng tuần hoàn
Hiện, sức khỏe bệnh nhân Lê Phước Khánh (30 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã bình phục và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.
Chiều 24-12, TS,BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng vừa ứng dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt, cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong khu vực miền trung ứng dụng thành công kỹ thuật này.
Trước đó, bệnh nhân Khánh, mắc bệnh lý Brugada di truyền. Khi đang chơi bóng đá, bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tim dẫn tới hôn mê. Nhờ được đồng đội tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay trên sân bóng, sau đó đưa vào Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (tỉnh Quảng Nam), tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng rối loạn không ngừng. Sau 40 phút từ khi ngừng thở, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu.
Bệnh nhân Khánh được chẩn đoán ngưng tuần hoàn ngoại viện. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, dùng thuốc an thần, điều trị thở máy, tuy nhiên bệnh nhân Khánh vẫn hôn mê do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn. Để cứu sống bệnh nhân, Bam Giám đốc bệnh viện đã quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên, bệnh nhân không ECMO được kiểm soát thân nhiệt chủ động. Các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống còn 33 độ C, đưa bệnh nhân vào trạng thái ngủ đông. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ, nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ C trong một giờ cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống sẽ giảm chuyển hóa, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó hỗ trợ tế bào não hồi phục.
Sau ba ngày kiểm soát nhiệt độ cùng điều chỉnh những rối loạn nhịp tim và huyết áp, bệnh nhân dần bắt đầu mở mắt, chớp mắt và cử động được. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, giao tiếp tốt, phục hồi vận động, không có bất cứ di chứng thần kinh.
Ths,Bs Nguyễn Tấn Hùng (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng), người trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân Khánh cho biết, nhờ kịp thời áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong khoảng thời gian “vàng” mà bệnh nhân ngừng tuần hoàn sẽ có nhiều cơ hội sống, tăng khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn như trường hợp của bệnh nhân Khánh là điển hình.
Đươc biết, hiện bệnh nhân Khánh đang được theo dõi tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Để bảo đảm không tái diễn cảnh ngừng tim đột ngột, bệnh nhân này cần đặt máy ICD, chi phí lên tới 250 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân rất khó khăn, rất mong nhận được sự hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm, nhân ái. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Cô Võ Thị Lý, mẹ bệnh nhân Khánh, số điện thoại 0909137285. (Nhân dân, trang 5).