Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9); Chuyện ở một bệnh viện đa khoa tỉnh; Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.1955 - 27.2.2017: Bệnh viện 'thông minh'; Ngủ nhiều cảnh báo kém trí nhớ; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc mừng ngành Y tế; Nhiều bệnh tật do lạm dụng rượu

 

Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9)

Ngày 25/2, Bộ Y tế cho biết: Đến ngày 20/2, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do cúm A(H7N9).

Tuy nhiên, đáng quan ngại là đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh của Trung Quốc sát biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông. Chính vì vậy, nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao nếu không chủ động phòng chống các biện pháp phòng chống. 

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam” nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do dịch cúm A(H7N9). 

Theo đó, kế hoạch chia ra 4 tình huống. Tình huống 1 (chưa có trường hợp bệnh trên người) tập trung phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để tránh lây lan. 

Tình huống 2 (có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa lây từ người sang người) tập trung khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người.

Tình huống 3 (phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ) tập trung đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 4 (dịch bùng phát ra cộng đồng) tập trung giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân. 

Kế hoạch cũng chỉ ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lượng mắc và trường hợp tử vong như: Tăng cường năng lượng giám sát bệnh cúm A(H7N9) đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; xem xét cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch cúm A(H7N9); tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm... 
Đồng thời, ngành y tế sẽ thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch; tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A(H7N9) và sử dụng các trang thiết bị cấp cứu... 

Ngoài ra, ngành y tế chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho người dân không hoang mang, chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; tăng cường phối hợp liên ngành để huy động sự tham gia phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội... 

Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) sang người, xâm nhập vào nước ta, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. 

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời... (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Chuyện ở một bệnh viện đa khoa tỉnh

Ba năm trở lại đây, với tấm lòng “tất cả vì người bệnh”, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống hàng trăm nạn nhân và bệnh nhân mà tính mạng ở vào tình trạng hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

 Hơn hai năm, cứu sống sáu người nhẩy cầu tự tử

Cầu Bãi Cháy một mặt phẳng dây văng là công trình kỳ vĩ, có chiều dài gần một cây số, vắt qua Vịnh Cửa Lục. Từ trên cầu nhìn thẳng xuống, mặt nước biển sâu thăm thẳm (gần 50 mét).

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày khai thông cây cầu đến nay, đã có chừng hai mươi người nhảy cầu tự tử. Người ta truyền miệng rằng hồi xây dựng cầu, khi đổ bê tông trụ cầu số hai cao gần 100 mét bằng máy phun áp lực cao, mỗi mẻ hàng chục mét khối bê tông, một lần một công nhân kỹ thuật sơ ý, bị cuốn vào khối bê tông, không cứu ra được (?) vì độ sâu trong lòng trụ quá lớn, thời gian đông kết loại bê tông này lại chỉ có 120 phút. Nay có nhiều người nhảy cầu tự tử nên người ta đồn thổi liên tưởng đến chuyện kia.

Hơn hai năm về trước, những người nhảy cầu tự tử, có người chết, được vớt lên ngay, có người vài ngày sau mới tìm thấy xác. Cũng có người vớt lên, còn thoi thóp, được đưa vào BV cấp cứu, nhưng không qua khỏi, vì các chấn thương ngoại và nội tạng rất nặng (vì rơi từ độ cao 50 mét, sự va đập với mặt nước là rất mạnh). Vậy mà hơn hai năm qua, có sáu người nhảy cầu, khi vớt lên, dù đã bị chấn thương rất nặng, nhưng còn một chút dấu hiệu của sự sống, vẫn được khoa Hồi sức tích cực của BVĐK  Quảng Ninh cấp cứu và qua khỏi.

Anh Ngô Thế X (xin không viết tên thật), 43 tuổi, nhảy cầu hồi 6 giờ sáng ngày 29/6/2015, ở tư thế úp bụng xuống mặt nước, bị dập phổi, máu đọng trong phổi nhiều, gan phù nề nặng, tim chấn thương, huyết áp không đo được...  Sau hai ngày được hồi sức tích cực, truyền dịch, thở ôxy nguyên chất, nhiều lần sốc tim..., nạn nhân dần dần có dấu hiệu khả quan. Sau mười ngày điều trị tiếp, Ngô Thế X bình phục, ra viện.

Phùng Tuấn B, 24 tuổi, nhảy cầu ngày 12/4/2016, được dân vớt lên rồi cùng công an đưa vào BV cấp cứu. Nạn nhân B không có địa chỉ, bị thương rất nặng cả tim, phổi, chùn xương sống cổ, não cũng có dấu hiệu chấn thương. Có thể lúc nhảy cầu, B đã lao đầu xuống trước. Khoa Hồi sức tích cực vừa cấp cứu, vừa lên mạng thông báo, tìm người nhà của B. Hai ngày sau, người nhà của B mới từ Hải Phòng ra nhận mặt thân nhân. Qua mười ngày được hồi sức tích cực, B hồi phục hoàn toàn.

Cháu Nguyễn Huy H, 13 tuổi, bỏ học đi đánh điện tử, bị gia đình trách mắng. Tủi thân, H nhảy cầu. Cháu bị vỡ gan, vỡ lách... Nhưng khoa Hồi sức tích cực đã cứu sống cháu.  Sau khi ra viện, cháu H đã đi học lại bình thường.

Thầy mo khiếp vía, bác sĩ tìm vào

Do gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, BVĐK Quảng Ninh thành lập một đơn vị, gồm nhiều ê kíp thầy thuốc, luân phiên nhau, đến các vùng sâu, vùng xa và biên giới, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ít người, phát hiện, giúp đỡ những người mắc căn bệnh hiểm, nhưng do nghèo, lại ở xa các trung tâm y tế tuyến trên nên không có điều kiện điều trị.

Một lần về công tác tại xã Quảng Lâm, thuộc huyện Đầm Hà, ê kíp thầy thuốc do bác sĩ Nguyễn Trọng Diện - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh - dẫn đầu, được trạm y tế xã báo cáo: Có gia đình người Dao sinh một cháu bé có hai đầu, đặt tên là Tằng Dảu Thành. Lúc mới lọt lòng, cháu cũng bình thường như các trẻ sơ sinh khác, nhưng từ ngày thứ ba trở đi, sau cổ cháu nổi một cái u, phát triển rất nhanh. Ba tuần sau, cái u đã lớn bằng sọ quả dừa lửa, mọng căng, như cái đầu thứ 2, bóng nhẫy. Gia đình cháu Thành rất hoảng sợ. Dân quanh nhà cho biết: Bố mẹ Thành đã mời thầy mo đến cúng. Thầy mo đến nơi, thấy cháu bé “hai đầu”, hoảng quá bảo: “Con ma hai đầu này, to lắm, cúng không được đâu!”  rồi bỏ chạy.

BS Nguyễn Trọng Diện cùng cả ê kíp thầy thuốc liền tìm đến nhà thăm, khám chữa bệnh cho cháu Thành rồi kết luận: Cháu bị úng thủy não bẩm sinh. Cái “đầu thứ hai” chính là dịch từ não của cháu tiết ra, nhưng không có lối thoát, ứ lại thành khối u lớn. Do não bị chèn ép, da cháu tím tái, cháu khóc nhiều, biếng ăn. Nếu không xử lý ngay, cháu sẽ khó qua khỏi.

Ngay lập tức, cháu Thành được đưa lên xe của ê kíp thầy thuốc, vượt qua gần hai trăm cây số - từ xã Quảng Lâm về BVĐK Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và được khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận.

Qua hai ca mổ, ca thứ nhất bóc tách và cắt bỏ khối dịch, bịt lỗ thoát vị, ca thứ hai đặt ống dẫn lưu từ não thất xuống ổ bụng qua da của cháu. Hai tuần sau ca mổ và được chăm sóc tích cực, cháu ra viện, về nhà an toàn.

Hiện giờ, cháu đã gần ba tuổi, mạnh khỏe, kháu khỉnh, rất hiếu động. (Tiền phong, trang 5).

 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.1955 - 27.2.2017: Bệnh viện 'thông minh'

Cách đây 3 năm, cứ vào sáng sớm tại các bệnh viện ở TP.HCM, bệnh nhân rồng rắn xếp hàng lấy số thứ tự. Trong bối cảnh đó, mô hình khám chữa bệnh “thông minh” ra đời.

Theo đó, bệnh nhân (BN) tự bấm hoặc quẹt thẻ bảo hiểm y tế lên máy để lấy số thứ tự tự động. Thông tin và bệnh án của BN được lưu vào hệ thống dữ liệu của bệnh viện (BV), nên bác sĩ (BS) và BN đỡ tốn công sức hơn! Ở bất cứ đâu, lãnh đạo BV thông qua internet, đều có thể biết BV đang hoạt động ra sao và phê duyệt trực tuyến các đề nghị, yêu cầu.

Từ khoa khám bệnh “thông minh”

 
 

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức, cho biết: Bệnh án điện tử ra đời ngoài việc trước áp lực quá tải còn nằm trong bối cảnh kho hồ sơ bệnh án ở phòng kế hoạch tổng hợp hay kho lưu trữ bệnh án không những bề bộn, mất thẩm mỹ mà còn gây khó khăn cho BV trong việc lưu giữ, chiếm nhiều diện tích... Hơn nữa,  thay vì để BS viết tay lên hồ sơ bệnh án, chữ vừa xấu dễ gây nhầm lẫn, mất thời gian nên BV đã nghĩ ra cách mã hóa, số hóa dữ liệu, thông tin BN, trong đó bao gồm tất cả các xét nghiệm, thuốc men

 

Mỗi ngày, BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM trung bình có 4.000 lượt BN. Trước đây, BN đi buổi sáng nhưng có thể buổi chiều mới nhận được thuốc. Cảnh loa phóng thanh hướng dẫn, BN đông đúc rất ồn ào, chen lấn, mất trật tự, chờ đợi phiền hà đã được cải thiện từ 2 - 3 năm qua khi BV tăng bàn khám, tăng ô phát thuốc... Trong đó, đặc biệt là BV triển khai “khoa khám bệnh thông minh” vào đầu năm 2016.

BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết mô hình “khoa khám bệnh thông minh” giúp BN từ lúc vào lấy số thứ tự, đến lượt khám, các xét nghiệm, viện phí, thuốc... là một chuỗi liên tục kết nối vào phần mềm quản lý tổng thể của BV. BN dễ dàng theo dõi quá trình khám chữa bệnh của mình qua màn hình và BV dễ dàng quản lý nhân viên đang thực hiện. Nếu có trục trặc, ùn ứ chỗ nào thì sẽ phát hiện và sửa chữa ngay.

“Khi BN bốc số tự động, trên phiếu khám, BN có thể biết được thời gian chờ đến lượt khám của mình. Ngay cả khi BN khám được BS chỉ định cận lâm sàng thì cũng biết được thời gian nào đến lượt mình”, BS Dũng nói và cho biết: “Qua đánh giá thời gian trung bình một lượt khám đơn thuần cũng như một lượt khám có kết hợp siêu âm, xét nghiệm, lãnh thuốc thì thời gian chờ đợi tối đa giảm 57 phút so với chỉ tiêu của Bộ Y tế và giảm 34 phút so với chỉ số BV thực hiện năm 2015. Với mô hình này, BV quản lý dễ dàng và BN cũng sẽ dễ chịu sử dụng các dịch vụ y tế. Mục đích chính yếu của BV là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh làm hài lòng người bệnh”.

Thời gian tới, BV Nhân dân Gia Định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hơn nữa mô hình “khoa khám bệnh thông minh”. Đây là mô hình hoàn toàn có thể triển khai tại các BV của TP.

Đến bệnh án điện tử

Là BV quận duy nhất được xếp BV hạng 1 (tính đến hiện nay), năm 2015, BV Q.Thủ Đức TP.HCM có bước đột phá khi số hóa bệnh án (còn gọi là bệnh án điện tử).

Để số hóa bệnh án, ban đầu BV thí điểm tại khoa nội tiết. BV đầu tư hạ tầng, trang bị hệ thống mạng, máy chủ, hơn 500 máy trạm, PACS, LAN, phối hợp với nhà mạng đăng ký chữ ký số, chứng thư cho khoảng 350 BS, 50 điều dưỡng cùng hệ thống các biểu mẫu liên kết với nhau để vận hành. Sau 2 năm thực hiện, kết quả thu hái được là hạn chế sai sót của điều dưỡng đến mức thấp nhất trong thống kê sai số lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, xét nghiệm, sao chép lại sai, chỉ định không phù hợp về thời gian... Nhờ đó, hiện BV đã thu hút khoảng 4.500 lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày và 800 BN nội trú. (Thanh niên, trang 18).

 

Ngủ nhiều cảnh báo kém trí nhớ

Thói quen ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, hoặc là cảnh báo nhiều thứ bệnh, chẳng hạn chứng Alzheimer sẽ tới sớm hơn. Các chuyên gia Đại học Boston (Mỹ) phát hiện những người thích ngủ... triền miên sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi trong 10 năm tới. Theo đó, sự thay đổi trong các hoạt động ngủ đóng vai trò cảnh báo sớm đối với bệnh Alzheimer, vì nó chứng tỏ bộ não, vốn có chức năng kiểm soát sự tỉnh táo, đã bị tổn hại. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người ngủ quá nhiều có khối lượng não nhỏ hơn bình thường, khiến nhóm này phải mất nhiều thời gian so với người khác trong việc xử lý thông tin cuộc sống.

Đặc biệt, chuyện ngủ quá nhiều được cho là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong não dẫn đến kết cục xấu. Đó cũng là lý do không thể ngăn chặn nguy cơ phát bệnh bằng cách điều chỉnh thời gian và độ dài giấc ngủ. Dù vậy, cuộc nghiên cứu thực hiện trên ít nhất 2.400 người, được theo dõi suốt 10 năm, đã cung cấp một cái nhìn mới mẻ về chứng mất trí nhớ. Trưởng nhóm, tiến sĩ Matthew Pase của Trung tâm y khoa Đại học Boston, nhận định rằng: “Khoảng thời gian ngủ do các đối tượng tự ghi chép có thể là công cụ lâm sàng hữu dụng trong việc dự đoán nguy cơ và tiến trình diễn biến của căn bệnh trong vòng 10 năm”. Trong thời gian này, các bác sĩ có thể theo dõi sát sao tình hình đối tượng, đặc biệt lưu ý đến những vấn đề liên quan đến tư duy và ký ức.

Các nhà khoa học kết luận ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày khiến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và Alzheimer tăng gấp đôi. Nguy cơ ở những người không tốt nghiệp trung học phải cao hơn gấp 6 lần, cho thấy việc học hành có thể bảo vệ con người trước khả năng mất trí nhớ.

Theo báo cáo trên chuyên san Neurology, nhóm chuyên gia nêu rõ: “Ngủ có thể đóng vai trò làm hồi phục chức năng, loại bỏ chất thải trong quá trình trao đổi chất khỏi não và ngăn chăn việc tích tụ các (protein) B-amyloid, một dấu hiệu chứng tỏ bệnh nhân đã mắc Alzheimer. Mặt khác, những tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây hao mòn các vùng não có liên quan đến hoạt động ngủ và tỉnh thức, hoặc là hậu quả của tình trạng rối loạn tâm trạng, vốn thường xuất hiện ở những người mất trí nhớ”.

Bác sĩ Rosa Sancho của Viện Nghiên cứu Alzheimer tại Anh hoan nghênh kết quả thu được từ báo cáo của các đồng nghiệp Mỹ, cho rằng cuộc nghiên cứu đã bổ sung một khía cạnh mới trong nỗ lực ngăn ngừa tình trạng mất trí nhớ. Tuy nhiên, bà Rosa Sancho kêu gọi các bên hãy triển khai theo các cuộc nghiên cứu quy mô lớn hơn nữa để xác lập rõ ràng hơn về quan hệ của giấc ngủ và nguy cơ bị thổi bay ký ức.

Liên quan đến vấn đề trí nhớ, một báo cáo khác đã được công bố theo sau một cuộc nghiên cứu trong tuần tại Mỹ cho thấy cách nói không mạch lạc, dông dài có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer. Một dấu hiệu đáng báo động khác cũng được phát hiện thông qua quá trình theo dõi bệnh nhân là họ mất đi khả năng ngửi mùi. (Thanh niên, trang 18).

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc mừng ngành Y tế

Ngày 25-2, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và chúc mừng đội ngũ y, bác sĩ đang làm việc tại Viện Pasteur TPHCM nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 _ 27-2-2017).

Báo cáo với đồng chí Võ Văn Thưởng, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân cho biết, mặc dù trong thời gian qua, 20 tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM luôn là điểm nóng của dịch bệnh mới, nguy hiểm như dịch SARS, H5N1, Mers CoV, Zika…, nhưng viện đã luôn phối hợp tốt với ngành y tế các địa phương thực hiện công tác phòng, chống và dập dịch, không để lan rộng, đồng thời luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, phòng chống dịch bệnh và y tế dự phòng…

Đánh giá cao những thành quả mà Viện Pasteur TPHCM đã làm được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành y tế cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn tập thể, đội ngũ y, bác sĩ của viện cần nỗ lực hơn nữa, không chỉ đợi có dịch rồi mới chống, mà phải đẩy mạnh công tác y tế dự phòng. Nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp không chỉ làm xuất hiện thêm các dịch bệnh mới mà các loại dịch bệnh cũ cũng dễ bùng phát.

Dịp này, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đã tới thăm và tặng hoa chúc mừng GS-TS-BS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Hối.

Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng tập thể y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM và thăm gia đình cố Viện sĩ, Tiến sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Tại các nơi đến thăm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 tới đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế; gửi lời cảm ơn trân trọng tới đội ngũ thầy thuốc đã luôn nỗ lực, đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời khẳng định xã hội luôn trân trọng ngành y và quý trọng các thầy thuốc.

Bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế tiếp tục nỗ lực, sáng tạo để đưa ngành y tế ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, luôn giữ được tâm huyết với nghề để phục vụ nhân dân.

Đến thăm gia đình cố Viện sĩ, Tiến sĩ Dương Quang Trung, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng PGS-TS-BS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế… (Thanh niên, trang 3; Sài gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, trang 4).

 

Nhiều bệnh tật do lạm dụng rượu

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các bệnh nhân vào cấp cứu, điều trị do lạm dụng rượu. Theo TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, trong năm 2016, khoa này điều trị gần 4.000 bệnh nhân xơ gan, trong đó xơ gan do rượu chiếm gần 70%, tăng 5 lần so với năm trước.

Ngoài ra, mỗi năm khoa tiếp nhận gần 700 bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu. Có những trường hợp nhập viện nhiều lần do xuất huyết dạ dày, men gan tăng cao do uống nhiều rượu. Trong khi đó, các bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, gan... điều trị tại Trung tâm ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai có tiền sử uống nhiều rượu.

Nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư vẫn uống rượu, thậm chí ung thư giai đoạn cuối vẫn uống rượu.  (Thanh niên, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang