Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/4/2019

  • |
T5g.org.vn - Hàng trăm giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai bị làm giả; Hàng loạt trẻ nhập viện vì viêm não biến chứng nặng; Đảm bảo an toàn người bệnh là mục tiêu sống còn của ngành y tế; Bấm huyệt trị bệnh 'chui'; ...

 

Hàng trăm giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai bị làm giả

Ngày 24-4, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Lương Thường (SN 1986)  trú tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình và Lê Thị Tỵ (SN 1965), ở ki-ốt Chợ Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Công an thị xã Từ Sơn xác lập chuyên án để phối hợp đấu tranh triệt phá đường dây làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai cho cá nhân, chủ yếu là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Sau quá trình thu thập thông tin, tài liệu, vào khoảng 9h30 ngày 17-4, Công an thị xã Từ Sơn đã bắt giữ Hà Lương Thường có hành vi mua bán giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức, tại khu vực vòng xuyến cầu vượt Đại Đình, thuộc xã Phù Chẩn, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 8 giấy ra viện, 4 giấy khám sức khỏe, 5 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm và 1 giấy chứng nhận nằm viện mang danh Bệnh viện Bạch Mai. Toàn bộ số giấy tờ này đều chưa ghi nội dung, nhưng có đóng dấu tròn, dấu chức danh, chữ ký của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và chữ ký của một số bác sỹ khác nghi là giả.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thường, lực lượng chức năng thu giữ 70 giấy khám sức khỏe; 46 giấy ra viện; 13 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và 15 giấy chứng nhận nằm viện.

Điều tra mở rộng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn đã làm rõ, bắt giữ thêm Lê Thị Tỵ, là người bán các giấy tờ giả trên cho Thường. Đồng thời, qua khám xét khẩn cấp nơi ở của Tỵ, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ 30 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, 29 giấy chứng nhận nằm viện, 8 giấy khám sức khỏe giả.

Qua vụ việc trên, Công an tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo người dân tuyệt đối không tiếp tay cho tội phạm làm và, mua bán các loại giấy tờ giả; nâng cao cảnh giác, không mua, sử dụng các loại giấy khám sức khỏe, giấy nằm viện, giấy ra viện… đã có sẵn chữ ký, con dấu của đối tượng lạ không phải là người của bệnh viện. Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả sẽ phải chịu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Công an thị xã Từ Sơn đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Hàng loạt trẻ nhập viện vì viêm não biến chứng nặng

Ngày 24/4 PGS.TS Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 300-500 ca mắc viêm não màng não. Hiện tại, khoa Ðiều trị tích cực - Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho gần 30 bệnh nhi mắc viêm não. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và có biến chứng thần kinh. Ðiều đáng nói, phần lớn các cháu đều chưa được tiêm phòng vắc-xin. Các chuyên gia cho biết, viêm não màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.

Theo TS Ðiển, đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10%-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Ðiều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h - 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh, vì vậy để phòng tránh các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian. Ðặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

PGS.TS Trần Minh Ðiển cho biết thêm, viêm màng não thể hiện qua hội chứng nhức đầu, nôn, táo bón, cổ cứng, sốt... Bệnh viêm màng não thường xảy ra trong mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa. Căn bệnh này nguy hiểm với trẻ, cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan, thường xảy ra với trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa.

Bệnh viêm não có các triệu chứng như rối loạn vận động, rối loạn ý thức (liệt nửa người, liệt các dây thần kinh, chậm chạp, lơ mơ, hôn mê). Bệnh viêm não có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, nếu phát hiện sớm, chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém (Tiền phong, trang 6).

 

Đảm bảo an toàn người bệnh là mục tiêu sống còn của ngành y tế

Sáng 24-4, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo triển khai một số hướng dẫn về an toàn người bệnh và đảm bảo an toàn phẫu thuật. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham dự đến từ các Sở Y tế và các bệnh viện của 31 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật là kết quả hợp tác giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Operation Smile nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật an toàn hiệu quả và kịp thời tại Việt Nam bằng việc xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn về chất lượng phẫu thuật.

Dự án được bắt đầu với các hoạt động đánh giá hiện trạng chất lượng chăm sóc phẫu thuật tại các bệnh viện đại diện cho các vùng kinh tế xã hội khác nhau trong cả nước. Kết quả đánh giá này là cơ sở để các chuyên gia của Bộ Y tế và Operation Smile cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí khả thi và phù hợp cho Việt Nam.

Ban soạn thảo đã sử dụng tài liệu “Phẫu thuật an toàn cứu sống người bệnh” (Safe Surgeries Saves Lives) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tham khảo Quy định chăm sóc an toàn của Operation Smile làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí này.

Tại Việt Nam, áp dụng bộ tiêu chí chất lượng Phẫu thuật an toàn sẽ tác động tích cực tới 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm. “Đảm bảo an toàn người bệnh và đảm bảo an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Việc triển khai các thông tư và hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn người bệnh và phẫu thuật an toàn sẽ góp phần đảm bảo sự an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế và đảm bảo an toàn khi tham gia phẫu thuật”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Bấm huyệt trị bệnh 'chui'

Dù không có chứng chỉ hành nghề nhưng ông Nguyễn Tam Kha và các “học trò” vẫn ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh bằng bấm huyệt, quảng bá ì xèo trên Facebook, YouTube.

Không chuyên môn, bằng cấp

Sáng 24.4, tại căn nhà bề thế số 7A, đường 9B, khu đô thị An Phú An Khánh, P.An Phú, Q.2, TP.HCM, tấp nập người đến khám chữa bệnh (KCB). Bệnh nhân (BN) đủ mọi lứa tuổi từ người già, trung niên đến trẻ em. Ngồi trên xe lăn, anh N.M.D

(31 tuổi, ngụ Thanh Hóa) bị liệt, đọc thông tin trên mạng xã hội biết “thầy” Kha bấm huyệt trị bệnh nên cùng người nhà đón xe tìm tới “thầy” Kha. Tương tự, anh Q.T.T (24 tuổi, ngụ Bình Định) bị liệt cũng được người bà con giới thiệu vào cơ sở bấm huyệt của “thầy” Kha để chữa trị. Bé B. (2 tuổi rưỡi, ngụ Bình Dương) bị yếu chân cũng được mẹ đưa đến đây bấm huyệt với hy vọng phục hồi.

Trong khi ông Kha và các học trò đang bấm huyệt thì đoàn thanh tra y tế (Sở Y tế TP.HCM) phối hợp cùng Phòng Y tế Q.2 bất ngờ kiểm tra. Ông Nguyễn Tam Kha nhận là chủ cơ sở KCB. Đồng thời cho biết, trước đây ông bị tai biến mạch máu não phải đi bệnh viện điều trị mà sau đó vẫn chịu nhiều di chứng. Nhờ "nhân duyên", ông gặp được một người tên L. giúp điều trị theo phương pháp “bấm huyệt thập chỉ đạo” nên ông đã phục hồi sức khỏe. Sau đó, ông đã học phương pháp chữa trị này và bấm huyệt cho người thân trong gia đình (?).

“Bà con xung quanh thấy hiệu quả nên cũng xin bấm huyệt. Mới đầu một vài người, sau người ta đến đông như vậy. Đến nay, tôi đã hoạt động khoảng 2 - 3 năm”, ông Kha nói và giải thích việc thu tiền tại đây: “Ban đầu chỉ làm không công, sau này các em (chỉ học trò bấm huyệt tại cơ sở - PV) đến đây làm thì mới để thùng đựng tiền. Ai có thì đóng góp nên bà con đóng góp mỗi người một ít”.

Quan sát trên thùng tiền, PV ghi nhận số tiền mặc định là 100.000 đồng. Các BN sau khi được bấm huyệt đều “tự giác” đến thùng tiền bỏ tiền vào.

Ông Kha thừa nhận với đoàn kiểm tra là chưa có giấy phép hành nghề. “Tôi từng đi xin giấy phép hoạt động nhưng người ta bảo không có điều kiện cấp. Tôi chỉ có học lớp bấm huyệt ở hội đông y phía nam (?)”, ông Kha nói.

Ông Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế Q.2 (TP.HCM), cho hay: "Khi cơ sở ông Kha hình thành, ông Kha có xin làm dưỡng sinh và tôi nói là cần đến Phòng Văn hóa Q.2 xin phép vì tất cả giấy tờ ông Kha trình không đủ điều kiện KCB. Đầu năm 2019 cơ sở hoạt động bấm huyệt, chúng tôi yêu cầu ngưng ngay. Hôm nay kiểm tra, tôi bất ngờ thấy đông BN đến bấm huyệt, lại có thùng tiền và cả việc đào tạo. Chúng tôi yêu cầu ngưng hoạt động và sẽ giám sát chặt cơ sở này".

Thanh tra Sở Y tế TP đã lập biên bản, yêu cầu ông Kha ngừng hoạt động KCB, đồng thời mời ông này tới Sở làm việc.

Bóp bóp rồi "phán" bệnh

Trước đó, PV Thanh Niên trong vai BN đã đến nơi ông Kha KCB. Ngoài hiên, các “học trò” của ông Kha đang liên tục xoa bóp, bấm huyệt cho rất đông BN. Phòng khách trong nhà cũng được tận dụng làm nơi bấm huyệt. Tại đây, gần chục người tham gia bấm huyệt trị bệnh mặc áo trắng, có dòng chữ “thập chỉ đạo”. Cũng có người mặc áo bình thường bấm huyệt chữa bệnh.

Nói là bấm huyệt trị bệnh nhưng thực chất chỉ bóp: BN ngồi trên ghế nhựa, các “học trò” ông Kha bóp bóp chân, tay, vai... qua loa vài phút là xong. Tại bàn uống nước có đặt một thùng gỗ nhỏ, trên dán tờ giấy ghi 100.000 đồng.

Khi ông Kha bấm huyệt và chẩn bệnh chúng tôi bị chèn ép thần kinh lưng, chèn ép đốt sống lưng, cổ, chân hơi lệch..., rồi “hù” nếu không trị thì vài tháng sẽ nhanh dẫn đến hoại tử khớp háng. Tiếp đó, ông khuyên chúng tôi đến bấm huyệt 15 ngày sẽ khỏi bệnh.

Điều lạ là với BN nam và người lớn tuổi, ông Kha và các “học trò” bấm huyệt rất sơ sài, nhưng với những cô gái hơi “xinh đẹp” thì lại bấm rất “chăm chỉ” và còn vô tư đụng chạm những nơi “nhạy cảm” của BN. Nhiều clip được đăng tải trên YouTube, quảng bá về bấm huyệt KCB của cơ sở này, cho thấy ông Kha liên tục dùng tay nắn bóp xung quanh ngực, đùi thậm chí vào tận bẹn, mông... nữ BN. Thậm chí, ông Kha còn “vén” xiêm y, đồ lót của nữ BN khiến nhiều BN ngượng tím cả mặt nhưng ông vẫn vô tư nắn bóp. Không chỉ bấm huyệt, ông Kha còn liên tục mở lớp dạy bấm huyệt thập chỉ đạo. PV được ông Kha mời chào học bấm huyệt để về bấm cho gia đình. Đến nay, cơ sở này đã khai giảng tới khóa 39 với học phí 2 triệu đồng/khóa/học viên. Mỗi khóa học cấp tốc chỉ khoảng một tuần. Tại các lớp học này, ông Kha đứng lớp, có mở máy chiếu để giới thiệu và thực hành bấm huyệt cho các học viên xem và thực hành trên BN luôn (Thanh niên, trang 5).

 

Nghỉ lễ, nắng nóng vẫn đeo đuổi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay kéo dài đến ngày 30-4 xu thế thời tiết từ Bắc đến Nam đều có nắng nóng, xen lẫn có những ngày mưa dông. Cũng trong giai đoạn này, nắng nóng có xu hướng giảm hơn so với những ngày qua. Tuy nhiên, hậu quả của nắng nóng năm nay cũng gây xáo trộn nhiều trong cuộc sống. Những ngày nghỉ lễ sắp đến (từ ngày 28-4 đến 1-5) dù nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên suy giảm, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến ở khoảng 31-35ºC nhưng mưa dông có xu hướng gia tăng vào chiều tối và tối, kèm theo nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Người già, trẻ em mắc bệnh hô hấp tăng

Ngày 24-4, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga - phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi - cho biết những ngày nắng nóng số người già đến khám bệnh hô hấp, cao huyết áp, tim mạch đều tăng hơn so với những ngày trước. 

Trong đó, nhiều người than phiền về thời tiết nắng nóng này làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, hiện nay trong tổng số lượt khám khoảng 2.000 trẻ/ngày, có đến 1.300 ca bệnh liên quan đến mùa nắng nóng là bệnh đường hô hấp và tiêu hóa, trong đó 95% liên quan đến nhiễm khuẩn. 

Đặc biệt đỉnh điểm nắng nóng từ đầu tháng 4 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám do bệnh đường tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy, nhiễm khuẩn ruột) tăng chóng mặt, lượng khám ngoại trú trên 3.300 ca (tăng 1.000 ca so với cùng kỳ năm trước), nội trú cũng tăng hơn 400 ca so với cùng kỳ năm trước. 

Bệnh đường hô hấp (viêm phổi, phế quản, viêm hô hấp trên và dưới) cũng gia tăng, lượt khám ngoại trú trên 17.000 lượt, nội trú gần 700 ca...

Ngoài các bệnh về hô hấp, BS ở các bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Sản - nhi An Giang, Sản - nhi Sóc Trăng đều cho biết số bệnh nhân tăng với nhiều loại bệnh như tay chân miệng, tiêu chảy, sởi, sốt xuất huyết.

BS Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng và độ ẩm cao, các loại vi khuẩn, virút, nấm mốc... gây bệnh thường phát triển. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước, ăn uống vệ sinh, không để thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng - lạnh...

Hạn chế vui chơi, di chuyển từ 10h - 15h

Theo PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM (cơ sở 2), vào những ngày nghỉ lễ, người dân cần biết khoảng thời gian nào là nắng gay gắt nhất và tia bức xạ (UV) nhiều nhất nhằm hạn chế di chuyển và vui chơi ngoài trời.

Theo đó, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10h-15h. Nếu buộc ra ngoài đường và vui chơi lễ vào thời điểm này, người dân cần đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, đeo kính râm, mặc quần áo dài nhưng thoáng, đặc biệt là bôi kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 - 45 và nên thoa 2 tiếng/lần. 

Đối với trẻ em và người già cần hạn chế ra ngoài đường tối đa vì đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu và làn da có mức độ bảo vệ kém.

BS Hồ Thanh Phong - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cũng cho hay khi vui chơi hay di chuyển ngoài đường cần lắng nghe cơ thể nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng. 

"Nếu cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm" - BS Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh bắt buộc nên vẫn có rất nhiều người di chuyển bằng xe máy trên đoạn đường rất dài trong khoảng thời gian cảnh báo trên. 

Theo BS Diệp, biện pháp hữu hiệu nhất đối với trường hợp này là nên hạn chế thời gian đi ngoài đường bằng cách dừng xe và nghỉ dọc đường từ những bóng cây hay các quán nước để bổ sung nước, đồng thời kết hợp những biện pháp bảo vệ nêu trên.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình lựa chọn phương tiện di chuyển trong dịp lễ bằng ôtô hay xe khách để tránh cái nóng khó chịu ngoài trời. 

Tuy nhiên, BS Diệp cho rằng lựa chọn phương tiện di chuyển này lại phải đối mặt tình trạng sốc nhiệt mỗi khi bước lên hoặc xuống xe. Ngoài ra, nếu kính cửa sổ trên xe không phải là kính cách nhiệt thì người ngồi gần cửa sổ sẽ hấp thụ ánh nắng mặt trời nhiều hơn bên ngoài.

Để khắc phục tình trạng này, BS Diệp khuyến cáo trước khi xuống xe người dân nên tắt hoặc chỉnh nhiệt độ điều hòa trong xe lên mức cao nhất để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ ngoài trời, ngược lại khi mới bước vào xe thì hãy chỉnh nhiệt độ cao lên rồi sau đó mới giảm từ từ để tránh tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột. 

Song song đó, cần dùng những miếng chắn hoặc rèm để ánh nắng mặt trời không chiếu vào cửa kính.

Khi vui chơi, đặc biệt là các loại hình vui chơi ngoài trời như tắm biển, BS Diệp lưu ý người dân cũng nên tránh thời gian từ 10h-15h, thay vào đó nên vui chơi vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều mát. Đồng thời, cần áp dụng những biện pháp bảo vệ cơ thể và nên uống đủ nước (Tuổi trẻ, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang