Truyền thông thế giới ca ngợi Việt Nam chống dịch hiệu quả
Theo tin nước ngoài và TTXVN, Ðài truyền hình NHK (Nhật Bản) ngày 23-5 đã phát chương trình ca ngợi sự hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. NHK đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rộng khắp trên thế giới thì Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch khi chỉ có 324 người nhiễm và không có ca tử vong. NHK cho rằng các biện pháp cách ly triệt để và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam là lý do chính mang lại sự thành công này.
NHK dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc phỏng vấn trả lời đài này cùng một số cơ quan báo chí quốc tế khác hôm 21-5, nhấn mạnh Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân. Thủ tướng cho rằng, kiểm soát dịch bệnh sớm là tiền đề để khách du lịch quốc tế và các nhà đầu tư quốc tế trở lại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
* Giáo sư P.Ha-xê-bê, thuộc Trung tâm y học nhiệt đới thuộc Ðại học Na-ga-xa-ki, Nhật Bản, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch quyết liệt của Việt Nam ngay trước khi dịch bùng phát đã kiềm chế sự lây lan trong cộng đồng. Giáo sư P.Ha-xê-bê cho rằng các biện pháp cách ly triệt để cũng như việc nhanh chóng xét nghiệm những người nghi nhiễm là những yếu tố chủ chốt dẫn đến thành công của Việt Nam.
* Mới đây, Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan việc đưa tin về dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, quốc gia có mức tín nhiệm truyền thông cao nhất là Việt Nam với 89% số người Việt Nam được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước. Xếp thứ hai là Ấn Ðộ với 67% và tiếp đó là Trung Quốc với 62% số người được hỏi.
* Trang tin Business thuộc Nhật báo kinh tế Nihon Keizai (Nhật Bản) đăng bài viết của nhà kinh tế trưởng U.Y-a-xư-na-ri của Công ty chứng khoán Mizuho đánh giá cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Tác giả Y-a-xư-na-ri ngạc nhiên khi nhận thấy, Việt Nam có dân số tới 96 triệu người nhưng số ca lây nhiễm Covid-19 chỉ dừng lại ở hơn 300 người và không có ca tử vong nào. Ðiều này cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả cao.
* Tờ The Strait Times (Xin-ga-po) đăng bài viết của nhà báo Tan Huây Y-ê, trưởng Cơ quan Ðại diện phụ trách khu vực Ðông - Nam Á, đánh giá tích cực công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam đang gặt hái những “thành quả chiến lược” nhờ những phản ứng nhanh nhạy sau khi không phát hiện người nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng hơn một tháng qua. Tờ báo nêu rõ, các trường học đã mở cửa trở lại, xe buýt hoạt động bình thường, người dân dường như đang quay lại nhịp sống thường ngày, sự quan tâm của các nhà đầu tư gia tăng trở lại...
* Trang nzherald.co.nz có bài viết của chuyên gia Viện Chính sách chiến lược Ô-xtrây-li-a đề cập những yếu tố giúp Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch. Bài báo nêu rõ, thành công của Việt Nam là nhờ một loạt các yếu tố tổng hợp như công tác truyền thông của chính phủ được thực hiện sớm và rõ ràng; cảnh báo của chính phủ đã công bố thẳng thắn với người dân về sự nguy hiểm của vi-rút gây bệnh Covid-19 và việc thiếu các nguồn lực y tế quy mô lớn nếu một đợt bùng phát lớn xảy ra.
* Ông M.Mo-rơ, quan chức thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá cao các biện pháp mà Việt Nam thực hiện. Nhận định, Việt Nam đã rất thành công khi kiên trì thực hiện các biện pháp này, ông Mo-rơ nhận xét, người dân Việt Nam có “niềm tin rất lớn” vào chính phủ.
* ASEAN đã đối phó khá tốt với dịch Covid-19 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2020, đó là nhận định chung của các học giả và quan chức ASEAN tại buổi thảo luận trực tuyến “ASEAN ở đâu trong Covid-19” do Trung tâm Luật quốc tế, Ðại học Quốc gia Xin-ga-po tổ chức mới đây. Các học giả và quan chức ASEAN tại Xin-ga-po cho rằng thực tế ASEAN đã làm rất tốt với tư cách là một khối thống nhất tại khu vực, không chỉ trong đối phó dịch mà còn trong việc cân bằng quan hệ với các đối tác chủ chốt. Các học giả hàng đầu của Xin-ga-po tại buổi thảo luận đánh giá Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch vừa với tư cách là một quốc gia độc lập, vừa với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 16: “Chống dịch Covid-19: Việt Nam tiếp tục nhận “mưa” lời khen của truyền thông quốc tế”.
Luôn cảnh giác dù dịch Covid-19 tạm lắng
Trao đổi với PV Báo SGGP về những thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những việc cần làm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao và người dân vẫn cần phải giữ vững tâm thế cảnh giác.
Đã hơn 40 ngày, TPHCM không phát hiện thêm trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đó là thành quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua. Trao đổi với PV Báo SGGP về những thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những việc cần làm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao và người dân vẫn cần phải giữ vững tâm thế cảnh giác.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thời gian qua ngành y tế đã triển khai thực hiện những biện pháp gì để kiểm soát dịch Covid-19?
- Bác sĩ NGUYỄN HỮU HƯNG: Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào TPHCM, ngành y tế TP đã khẩn trương và chủ động tổ chức ứng phó bằng việc xây dựng kế hoạch đáp ứng của ngành với dịch bệnh; đồng thời tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh của TP. Ngành y tế TP luôn quán triệt phương châm 5 tại chỗ và kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch; đồng thời làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong. Để kịp thời phát hiện dịch bệnh xâm nhập vào TPHCM, ngành y tế TP đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ người đến TP từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố khác; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch y tế biên giới; mở rộng giám sát thân nhiệt, khai báo y tế cho hành khách tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 1-4 đến 22-4), TPHCM tổ chức 62 chốt kiểm dịch liên ngành phòng chống Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào TP, bến tàu, bến xe, nhà ga, nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP để giám sát hành khách đến từ các tỉnh thành bằng đường bộ. Mỗi ngày có gần 2.700 nhân sự thuộc nhiều lực lượng được huy động tham gia như công an, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông, nhân viên y tế, quản lý thị trường…
Ngành y tế TP cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh TP, các trường đại học và nhiều đơn vị khác tổ chức hiệu quả công tác cách ly kiểm dịch đối với người có nguy cơ với Covid-19 (người nhập cảnh trong vòng 14 ngày, người tiếp xúc gần với ca nghi ngờ hoặc ca nhiễm bệnh). Tham mưu UBND xây dựng, thiết lập 38 khu cách ly tập trung cấp TP và cấp quận huyện với tổng quy mô hơn 12.000 giường, huy động hơn 2.000 nhân sự tham gia phục vụ công tác cách ly y tế. Các khu cách ly tập trung tổ chức giám sát, xét nghiệm kiểm tra và theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe cho hơn 12.000 người, qua đó phát hiện được 27 người mắc Covid-19, tuy nhiên không có trường hợp nào bị lây nhiễm thêm từ người mắc bệnh trong cơ sở cách ly.
* Là địa phương phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của cả nước, ngành y tế TP đã làm gì để có thể khoanh vùng ổ dịch một cách triệt để và hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng?
Ngay từ những ca bệnh đầu tiên, ngành y tế đã chủ động tổ chức công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng, lập danh sách để thực hiện cách ly y tế với người tiếp xúc gần, người có liên quan. Quy trình phản ứng nhanh của ngành y tế khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đã được tiếp tục vận hành, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và đáp ứng những yêu cầu thực tế tại TPHCM. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng như công an, dân phòng, ban quản lý khu phố, chung cư và sự đồng thuận chấp hành của người dân, các đơn vị y tế đã tổ chức hiệu quả những biện pháp phù hợp, cách ly kịp thời ổ dịch, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Từ 57 trường hợp xác định mắc bệnh tại TPHCM đã có tổng cộng 6.402 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan được cách ly y tế theo đúng quy định, được xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2 để loại trừ lây nhiễm. Tất cả các khu vực dân cư nơi có ca bệnh đều được xử lý vệ sinh khử khuẩn, cách ly y tế tạm thời trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm người dân nhằm phòng ngừa lây lan. Đến nay, tất cả các ổ dịch phát hiện tại TPHCM đều được hoàn tất khoanh vùng, xử lý dập dịch và đã kết thúc thời gian theo dõi, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận, thu dung điều trị người mắc Covid-19, TP đã thiết lập hệ thống 5 cơ sở chuyên sâu điều trị Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường bệnh. Tất cả các đơn vị điều trị đều có đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên sâu, có phòng áp lực âm để đảm bảo điều kiện cách ly điều trị cho người mắc Covid-19. Với mục tiêu phát hiện sớm người mắc bệnh tiềm ẩn (không có triệu chứng) để kịp thời cách ly điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ngành y tế TP đã mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm Covid-19 gồm 8 đơn vị bên cạnh Viện Pasteur TPHCM và chủ động triển khai hoạt động giám sát bằng xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2. Ngoài thực hiện xét nghiệm đối với người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc với các ca bệnh, TP mở rộng xét nghiệm giám sát đối với người bệnh sau xuất viện, người kết thúc cách ly chưa được xét nghiệm đầu ra, nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng (công nhân làm việc và sinh sống tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu dân cư), hành khách đi các chuyến bay quốc nội và xe lửa, tổ bay chuyến quốc tế… Đến nay đã có tổng cộng 59.574 xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, ngành y tế TP còn tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 như hướng dẫn và kiểm tra, giám sát công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; kiểm tra, thẩm định các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo Bộ chỉ số đánh giá mức rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2; phối hợp các sở ban ngành xây dựng 7 bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao như giáo dục, du lịch, văn hóa - thể thao, chợ - siêu thị, dịch vụ ăn uống…
* Với kết quả này, TPHCM đã có thể công bố hết dịch được chưa, thưa ông?
- Từ ngày 3-4 đến nay, TP không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh nào trong cộng đồng. Theo quy định hiện hành, dịch Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Đây là cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện. Việc công bố hết dịch Covid-19 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh. Mặc dù TPHCM đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng chúng ta vẫn phải giữ tâm thế hết sức cảnh giác. Bởi tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện ca mắc mới trên địa bàn TP vẫn còn rất cao.
* Vậy người dân cần làm gì để phòng chống dịch Covid-19 khi TP chuyển sang trạng thái “bình thường mới” như hiện nay?
- Người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về mang khẩu trang khi đến nơi công cộng và trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; thường xuyên rửa tay đảm bảo vệ sinh cá nhân. Đề cao cảnh giác trước các triệu chứng cảm cúm, chủ động phát hiện và đến ngay các cơ sở y tế để sàng lọc. Tại cộng đồng dân cư, đặc biệt khu chung cư vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, định kỳ; đảm bảo thông thoáng nơi ở. Người dân cảnh giác, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ, trường hợp nghi ngờ để báo cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ban quản lý chung cư, ban điều hành khu phố, tổ dân phố có trách nhiệm nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh cho cá nhân, gia đình và cho cộng đồng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Khẩu trang Việt Nam đến với nước Bỉ
1.500 khẩu trang y tế và 600 khẩu trang vải kháng khuẩn vừa được Công ty Vinamex Group NV (do một Việt kiều thành lập) trao tặng Viện Điều dưỡng Sint-Rochus tại TP Aarschot của Bỉ ngày 22-5.
Chị Lê Thị Trúc Loan, nhân viên viện điều dưỡng, bày tỏ niềm vui, tự hào thấy các đồng nghiệp được sử dụng khẩu trang do chính đồng hương trao tặng.
Bỉ là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới vì Covid-19 tính trên đầu người. Có dân số khoảng 11 triệu người, nhưng tính đến cuối tuần qua số ca mắc Covid-19 ở Bỉ đã lên tới 56.810, với 9.237 người thiệt mạng.
Các trung tâm dưỡng lão, viện điều dưỡng trong đợt bùng dịch cuối tháng 3 và suốt tháng 4 thường xuyên ở tình trạng không đủ khẩu trang phát cho nhân viên. Các nhân viên có biểu hiện nhiễm bệnh vẫn phải tiếp tục làm việc và không được xét nghiệm kịp thời dẫn đến tình trạng lây nhiễm hàng loạt, người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn trong số nạn nhân chết vì Covid-19. Chỉ chỉ trong 3 ngày (từ 1 đến 4-4-2020), các trung tâm dưỡng lão tại vùng Flanders đã ghi nhận 241 người chết.
Đại diện Vinamex Group NV là chị Mai Nga và chị Minh Liên cho biết, đợt nhập khẩu khẩu trang Việt Nam đầu tiên trong tháng 5 này ưu tiên dành tặng các đơn vị y tế ở Bỉ. Trước đó, công ty cũng đã tặng 10.000 khẩu trang y tế cho Bệnh viện Saint Piere (Brussels), nơi đi đầu về xử lý dịch Covid-19 tại Bỉ.
Bên cạnh quảng bá và làm cầu nối cho nhiều thương hiệu Việt vào thị trường châu Âu, Vinamex Group NV vừa chính thức trở thành đại diện phân phối độc quyền khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty May 10 tại thị trường châu Âu.
Loại khẩu trang vải kháng khuẩn do Việt Nam sản xuất này hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, có thể giặt, tái sử dụng khoảng 30 lần. Khẩu trang vải kháng khuẩn “Made in Vietnam” bước đầu đã được đưa vào bán trong hệ thống siêu thị lớn Carrefour tại Bỉ và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng nhiều đầu mối khác để phân phối. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Chủ động khám, chữa bệnh mùa nắng nóng
Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt đỉnh điểm nhất từ đầu mùa hè năm 2020 đến nay. Nắng nóng khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Trước dự báo, thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn so với mọi năm, hiện các bệnh viện đã sẵn sàng phương án tiếp nhận, bảo đảm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khám, chữa kịp thời cho người bệnh mùa nắng nóng.
Bệnh nhân nhập viện tăng trở lại
Có mặt tại khu vực đăng ký khám bệnh, khu vực cấp cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội vào thời điểm nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C trong ngày nắng nóng đỉnh điểm 21-5 vừa qua, theo quan sát của phóng viên Báo Hànôịmới, lượng bệnh nhân đến đây tăng nhanh so với thời điểm trước đó. Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình tiếp nhận 40-50 bệnh nhân/ngày do suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não..., trong đó có khoảng 10 trường hợp bị ảnh hưởng do nắng nóng. Đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị đau ngực, khó thở, bà Nguyễn Thị N. (90 tuổi, ở huyện Mê Linh) được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp. Con trai bà N. nói: "Các y, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, đặt stent cho mẹ tôi. Nhờ được cấp cứu kịp thời, nên mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch"…
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm hẳn. Cuối tháng 4-2020, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả hai cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân/ngày, giảm 50% so với trước. Nhưng đến nay, lượng bệnh nhân đã tăng lên khoảng 1.100-1.200 người/ngày.
Tương tự, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19, trong đó phổ biến là bị đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt... Còn tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu Nghị), những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân vào khám bệnh do ảnh hưởng của thời tiết có xu hướng tăng với các triệu chứng: Đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim…
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu Nghị), khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi của thời tiết rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính. Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện, khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã trở nặng. Một lưu ý nữa, nắng nóng dễ khiến tăng thân nhiệt quá mức bình thường và mất nước dẫn đến sốc nhiệt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ.
Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, trung bình có 1.200-1.500 người tới khám/ngày, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám với các bệnh, như: Viêm phổi, tiêu chảy, sốt vi rút… có liên quan đến nắng nóng.
Vừa duy trì khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch
Dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, nhưng với lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn duy trì phòng khám dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19. Ngoài ra, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn thực hiện kê khai y tế, thiết lập máy đo thân nhiệt tự động và khử trùng vệ sinh tay cho người ra, vào…
"Chúng tôi chỉ cho một bệnh nhân kèm một người nhà đi cùng, không cho phép khách đến thăm người bệnh. Với thời tiết nắng nóng bất lợi cho sức khỏe như hiện nay, người bệnh mạn tính nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tránh ngại đến bệnh viện sẽ làm nguy cơ bệnh tăng lên", PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội lưu ý.
Bên cạnh đó, các bệnh viện đã tăng cường nhiều biện pháp chống nóng tại điểm đón tiếp, khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong những ngày nắng đỉnh điểm vừa qua, bệnh viện đã bố trí đầy đủ điều hòa công suất lớn, quạt trần, bảo đảm đầy đủ nước uống cho người dân không chỉ tại phòng bệnh mà ngay cả phòng khám, phòng chờ và hành lang.
Còn ở Bệnh viện Da liễu trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện cho biết, công tác phòng, chống nắng nóng đã được bệnh viện triển khai từ rất sớm. Tại các hành lang, bệnh viện đều bố trí quạt công nghiệp công suất lớn, điều hòa, nước uống. Ngoài ra, bệnh viện còn có phương án đặt lịch hẹn khám, đẩy giờ khám sớm, tăng bàn khám, giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
Để chủ động khám, chữa bệnh cho người dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các bệnh viện trực thuộc đẩy mạnh các biện pháp giảm tải, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, vật tư phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, các bệnh viện tuyên truyền cho người dân về nội dung phòng, chống nắng nóng cũng như hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, môi trường; thực hiện ăn chín, uống sôi; uống nhiều nước; tăng cường những thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng...
"Những ngày nắng nóng cao điểm, người dân hạn chế ra đường (từ 10h đến 16h hằng ngày). Riêng với người cao tuổi, khi có các biểu hiện khó thở, mệt mỏi, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế, không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc về điều trị", ông Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 1).
Giảm sức ''nóng'' tại bệnh viện
Những ngày qua, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc nước ta - trong đó có Thủ đô Hà Nội - đã bước vào cao điểm nắng nóng đầu tiên trong năm với nền nhiệt ngoài trời có lúc vượt ngưỡng 40 độ C. Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nắng nóng gay gắt còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em và người già có bệnh nền do sức đề kháng kém.
Ngay trong đợt nắng nóng diễn ra mới đây, lượng người dân nhập viện đã gia tăng đột biến. Trong đó, người lớn thường bị đột quỵ, sốc nhiệt…; còn trẻ nhỏ bị viêm phổi, tiêu chảy, sốt vi rút…
Trước tình hình đó, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế để vừa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, vừa bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Dự báo thời tiết năm nay diễn biến khó lường và từ nay đến hết mùa hè còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Một điều gần như thành quy luật, cứ mỗi đợt nắng nóng kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện lại gia tăng, nên luôn đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở y tế là phải chủ động phương án khám, chữa bệnh tốt nhất.
Theo đó, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện tốt các hướng dẫn y tế về phòng, chống nắng nóng kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, chủ động phương án chống quá tải tại khu vực khám bệnh như tăng bàn khám, bàn thu viện phí, cải tiến quy trình thủ tục, khám bệnh theo lịch hẹn... Bên cạnh đó là bảo đảm đủ cơ số thuốc, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu, xử lý kịp thời trường hợp cấp cứu...
Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân hiểu để phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền tới các đối tượng dễ tổn thương như người già, phụ nữ có thai, trẻ em, công nhân làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, người lao động ngoài trời, người mắc các bệnh mạn tính…
Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế và các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng việc trang bị kiến thức, chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; tích cực vệ sinh môi trường khu dân cư, giữ gìn vệ sinh nhà ở, vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời thường xuyên rèn luyện sức khỏe, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là trong những ngày nắng nóng, việc sử dụng điều hòa cũng cần để nhiệt độ không chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài, chỉ nên đặt 25-27 độ C. Bởi, sự chênh lệch nhiệt độ lớn rất dễ dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm như sốc nhiệt, đột quỵ… Vào buổi trưa, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hạn chế tối đa việc ra ngoài đường. Nếu buộc phải ra ngoài, cần trang bị đầy đủ quần áo và đồ dùng bảo hộ phòng, chống nắng nóng phù hợp...
Việc tích cực vào cuộc của ngành Y tế và các cơ quan liên quan cùng sự chủ động tự bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân trong mùa hè này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải đang "nóng" lên cùng thời tiết tại các bệnh viện. Qua đó giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh cho người dân và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. (Hà Nội mới, trang 1).
Tận tâm với người bệnh
Những y, bác sĩ - chiến sĩ áo trắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng họ vẫn không lùi bước, luôn tận tâm với người bệnh. Với họ, mỗi lần cứu chữa thành công một ca bệnh là một lần khích lệ để tiếp tục làm tròn bổn phận của một lương y.
Gắn bó với Trung tâm Y tế quận 1 đã 24 năm, trong đó có 13 năm giữ vai trò là người đứng đầu đơn vị, bác sĩ Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm, luôn “ôm việc”, lăn xả với nghề, làm việc bằng một trái tim nhân ái. Trước thực trạng thiếu bác sĩ làm việc tại trạm y tế, bác sĩ Lê Văn Thể trăn trở làm sao để những y sĩ đang công tác tại trạm có thể trở thành các bác sĩ cơ hữu, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và uy tín của y tế tuyến cơ sở.
Năm 2011, bác sĩ Thể xây dựng đề án: “Nâng cao nguồn nhân lực đào tạo bác sĩ từ nguồn y sĩ hiện có tại đơn vị”, từng bước giải quyết nguồn nhân sự thiếu hụt cho các trạm y tế 10 phường trên địa bàn. Đề án đã về đích trước trước 2 năm, 10 bác sĩ tốt nghiệp đã về công tác tại 10 trạm y tế trên địa bàn. Với thành tích này, bác sĩ Lê Văn Thể và tập thể Trung tâm Y tế quận 1 được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen, tuyên dương điển hình “Thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Còn với bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, kiêm Bí thư Chi bộ Khối hồi sức (Bệnh viện quận Thủ Đức), vừa mới 35 tuổi đời và 10 năm tuổi nghề, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong chuyên môn cũng như trong phong trào thanh niên.
Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, bác sĩ Thành là người luôn tiên phong trong hoạt động đưa bác sĩ tình nguyện đi khám chữa bệnh từ thiện ở vùng sâu vùng xa và chăm sóc cho trẻ em mồ côi, khuyết tật. Mỗi ngày, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận 6.000 đến 7.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, áp lực rất lớn, bác sĩ Thành sâu sát, kiểm soát hồ sơ bệnh án, liên tục cập nhật phác đồ điều trị nội, ngoại trú, giúp công tác khám chữa bệnh được nâng lên đáng kể. Cùng với công việc chuyên môn hằng ngày, bác sĩ Kim Phúc Thành còn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, tìm tòi phương pháp điều trị mới.
Nhiều năm qua, bác sĩ Kim Phúc Thành là điển hình tiêu biểu trong phong trào “Lao động giỏi - lao động sáng tạo”, “Dân vận khéo” của bệnh viện. Anh vinh dự được nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch của thành phố Hồ Chí Minh…
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), các y bác sĩ và nhân viên y tế đều ý thức rất cao trong việc triển khai các chương trình năm; tích cực công tác chỉ đạo tuyến và bệnh viện vệ tinh. Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, mỗi ngày, từ hoạt động nâng cao chuyên môn, tập trung cứu chữa người bệnh, đến thái độ giao tiếp với thân nhân, ứng xử với đồng nghiệp, đều được quán triệt thực hiện một cách hiệu quả. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền, Khoa Hồi sức cấp cứu bộc bạch: "Vượt qua áp lực, bằng mọi cách, các y bác sĩ đã nỗ lực kêu gọi để nhiều tấm lòng chung tay cứu chữa người bệnh, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn".
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay, các nhân viên y tế của Khoa Hồi sức cấp cứu nói riêng và tập thể cán bộ, y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy đều rất hăng hái học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao tay nghề, cập nhật các kỹ thuật cao, hiện đại nhất nhằm cứu chữa một cách kịp thời và hiệu quả đối với mỗi người bệnh, mỗi ca bệnh.
Không chỉ những “chiến sĩ áo trắng” đương nhiệm hết lòng vì bệnh nhân, các y, bác sĩ Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 3, quận Gò Vấp cũng luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, khám chữa bệnh miễn phí cho người bệnh. Nổi bật trong số đó là Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Đồng, 69 tuổi.
Từng công tác tại Bệnh viện Quân y 175, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng làm Trưởng phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 3. Ông đã vận động các y, bác sĩ, điều dưỡng, lương y cùng tham gia khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Đi vào hoạt động chính thức theo giấy phép của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2014 đến nay, phòng khám đã tổ chức khám bệnh cho hơn 22.000 lượt người bệnh; cấp thuốc 4.369 lượt người.
“Chúng tôi là “đội quân hai không” (không lương, không trợ cấp) nhưng anh em rất tích cực, làm việc bằng tình cảm, cái tâm của mình, giúp người bệnh nghèo vượt qua khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng chia sẻ. (Hà Nội mới, trang 6).
Đã có 32 ca mắc Covid-19 trên chuyến bay VN0062 từ Nga về Việt Nam
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) cho biết ngày 24.5 Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19, là bệnh nhân (BN) thứ 325 tại Việt Nam.
Ngày 13.5, BN từ Nga về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trên chuyến bay VN0062, được cách ly tại Trung đoàn 125, tỉnh Hải Dương. Tại đây, BN được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính. Ngày 21.5, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính với Covid-19.
Ngày 23.5, BN được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) xét nghiệm, tiếp tục khẳng định dương tính. BN 325 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hải Dương (Hải Dương). BCĐ cho biết đến chiều 24.5, trên chuyến bay VN0062 kể trên đã có 32 ca mắc Covid-19, trong đó 30 ca là hành khách và 2 ca là tiếp viên. Hiện đã 38 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết từ chiều 24.5 tỉnh đã đón và tổ chức cách ly các chuyên gia đầu tiên đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Ý, Hàn Quốc, Pháp… Những chuyên gia này đến Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn tham gia bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất lần thứ 4 và làm việc tại Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Các chuyên gia được bố trí ở tại khách sạn Harmonia Hòa Phát, Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi bố trí đội ngũ y tế, nhân viên hỗ trợ các chuyên gia nước ngoài ngay tại khách sạn.
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, trong tháng 5 và tháng 6.2020, có 1.000 chuyên gia nước ngoài trong diện này đến Dung Quất theo từng đợt, dự kiến lần đông nhất khoảng 300 người. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Thêm ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh”; Công an Nhân dân, trang 1: “Chuyến bay VN0062 từ Nga về Việt Nam có 32 người mắc Covid-19”.
'Bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ?
Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh, tố cáo của bệnh nhân liên quan đến việc bị “vẽ bệnh, làm tiền” trên bàn mổ ở một số phòng khám tại TP.HCM.
Điểm chung ở các phòng khám (PK) này là có đăng ký bác sĩ (BS) Trung Quốc hành nghề và bệnh nhân (BN) được thực hiện thủ thuật không biết họ tên, quốc tịch BS làm cho mình vì đơn giản... họ không mang bảng tên.
Đi bỏ thai... “mất” hơn chục triệu đồng
Đầu tháng 3.2020, chị N.Đ.Q.N (27 tuổi) liên hệ với PV Thanh Niên phản ánh việc chị đến PK đa khoa Thái Bình Dương (34 - 36 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM; gọi tắt PK TBD) để khám và bỏ thai 6 tuần tuổi ngoài ý muốn. Theo đó, chị N. đăng ký hút thai và có làm cam kết với tổng chi phí khám 830.000 đồng, hút hơn 2,7 triệu đồng. “Khi vào hút thai, BS làm rất đau rồi đưa ra các yêu cầu: nếu muốn giảm đau thì đổi sang gói 11 triệu đồng, trong gói đó có gói gây tê. Vì quá đau đớn và sợ ảnh hưởng sau này, tôi đã đồng ý đổi và gọi người nhà chuyển tiền thêm”, chị N. kể.
Một trường hợp khác cũng phản ánh về PK TBD. “Tôi muốn đi kiểm tra thai vì có uống thuốc tránh thai khẩn cấp, kèm tiểu buốt. Lên mạng xem thấy PK TBD nên liên hệ và được nhân viên tư vấn tên Giang nói rằng đến khám bệnh không tốn chi phí xét nghiệm...”, chị Ph.Th.Nh (20 tuổi) bắt đầu câu chuyện. Nhưng khi tới PK, chị Nh. được lễ tân hướng dẫn vô phòng có 2 nữ “BS”, trong đó một người hỏi vài câu rồi đưa đi đóng phí gần 1,4 triệu đồng, nói là phí siêu âm xét nghiệm. Xét nghiệm xong, chị Nh. được hướng dẫn lên bàn khám phụ khoa. Có 2 “BS” không đeo bảng tên, trong đó một người “nói tiếng Việt lơ lớ”, hỏi bệnh, khám, lấy dịch...
“Đầu tiên, một “BS” dáng thấp, gầy, trực tiếp đút ống nội soi vào âm đạo và đoán tôi bị loét cổ tử cung rồi nói hút dịch và thải độc âm đạo... “BS” này nói nếu không chữa trị bị loét âm đạo ở cấp độ nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng tới viêm loét cổ tử cung và cho tôi sự lựa chọn 1 trong 2 mức giá là 3,8 triệu đồng và 5,8 triệu đồng”, chị Nh. kể. Chị Nh. chọn mức giá 5,8 triệu đồng để trị bệnh dứt điểm và được hối thúc ký “chớp nhoáng” trên tờ giấy in sẵn nội dung mà chị không kịp đọc. Tiếp theo, 2 “BS” hướng dẫn chị viết cam kết trên bàn mổ sau khi tiến hành hút dịch và “thải độc âm đạo”.
Chưa dừng lại, 2 “BS” sau đó soi cổ tử cung và nói cổ tử cung chị Nh. bị loét hơn giai đoạn 1; nếu không điều trị sẽ bị ung thư, không đẻ được con. Hai “BS” này tư vấn “đốt nóng cổ tử cung”, gói thường để lại sẹo theo cơ địa là 9,8 triệu đồng; gói tốt là 16 triệu đồng nhưng sẽ cho chị Nh. đóng tiền sau, có bao nhiêu tạm ứng bấy nhiêu. Chị Nh. chọn gói 9,8 triệu đồng và sáng 26.3 được “đốt nóng cổ tử cung” xong, nằm đợi bạn trai đến... đóng tiền. Do tổng cộng chị Nh. mới đóng được 4,8 triệu trong hơn 16 triệu đồng phải đóng, PK yêu cầu chị Nh. và bạn trai ký giấy tạm trú qua đêm tại PK.
Thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, ngày 27.3, chị Nh. và bạn trai yêu cầu PK cung cấp hình ảnh khi tiểu phẫu, loại thuốc điều trị, BS điều trị và chứng chỉ hành nghề của BS... Do không được đáp ứng nên chị Nh. yêu cầu trả tiền đã đóng và bồi thường thiệt hại để đi chỗ khác chữa bệnh. Hai bên đã ra công an phường hòa giải. Theo chị Nh., phía PK ban đầu nhận sai nhưng sau đó phủ nhận và cuối cùng không trả lại tiền. Chị Nh. đã đi khám tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ và các BS kết luận “tổn thương cổ tử cung sau khi đốt điện”.
“Mê hồn trận” làm tiền
Tương tự, chị D.T.C.V (24 tuổi, ngụ Q.4) phản ánh, do bị huyết trắng và đau nhức vùng kín nên ngày 1.5 chị đến PK Hoàn Cầu (gọi tắt PK HC, 80 Châu Văn Liêm, P.11, Q.5) khám. Tại đây, “BS” kết luận chị bị viêm tử cung rất nặng, nấm quá nhiều, được hướng dẫn lấy nước tiểu, lấy máu, siêu âm và đóng 3,6 triệu đồng. Sau đó, chị được đưa đi tiểu phẫu (bắn laser bên ngoài âm đạo), truyền dịch, thuốc và đóng tiếp hơn 4,5 triệu đồng.
Tiếp tục, chị được đưa đi soi cổ tử cung. Các “BS” nói bị u nhỏ mọc ở cổ tử cung, trong âm đạo có vi rút gây mụn rộp sẽ ăn sâu và làm thối nát, ảnh hưởng đến sinh sản... rồi tư vấn xử lý trọn gói với giá thấp nhất 9 triệu đồng và cao nhất khoảng 30 triệu đồng. Chị V. chọn giá 9 triệu đồng, nhưng trong lúc tiểu phẫu vì quá đau đã xin chuyển qua gói không đau và đóng 26,9 triệu đồng cho việc lấy khối u, làm sạch âm đạo. Rồi ngay trên bàn mổ, chị được tư vấn chiếu đèn, bắn laser triệt để khối u khỏi tái phát, quét làm sạch cổ tử cung để khỏi tái phát với tổng chi phí 27,5 triệu đồng. Sau những can thiệp điều trị, chị V. được kê thuốc đông y uống 10 ngày (mỗi ngày 2 gói) với chi phí 5 triệu đồng. Tổng cộng tiền trị bệnh và thuốc của chị V. lên đến 67,5 triệu đồng.
Ngày 2.5 chị V. đến BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn (Q.1) khám, BS chẩn đoán chị bị viêm cổ tử cung/đốt ngoại viện. Sau khi chị V. tới PK phản ánh, PK HC đã mời chị thương lượng và thỏa thuận “hỗ trợ” một phần chi phí khám, chữa bệnh cho chị V. hơn 50 triệu đồng.
Các phòng khám nói gì?
Ngày 13.5, PV Thanh Niên đã đến PK TBD để làm rõ những phản ánh của BN. Tiếp PV là một người xưng tên Nhung, phụ trách phòng nhân sự, nhưng lại “không có thẩm quyền trả lời” mà chỉ ghi nhận rồi báo “sếp” và “sếp sẽ liên hệ sớm nhất nhưng chưa biết khi nào”. Riêng với phản ánh của BN Ph.Th.Nh, bà Nhung cho rằng BN này có hành vi “tống tiền” PK và “PK chỉ muốn giải quyết hòa bình”. Về việc BN liên tục phản ánh, theo bà Nhung, có thể có sự dẫn dắt hoặc cạnh tranh không lành mạnh (!?).
Về câu hỏi: PK luôn nói vì BN nhưng vì sao luôn lặp đi lặp lại các sai phạm quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; sửa chữa hồ sơ bệnh án; chỉ định khám chữa bệnh dấu hiệu vì mục đích vụ lợi..., bà Nhung thoái thác: “Cái này để sếp tôi trả lời”. Tương tự, với một số câu hỏi xoay quanh tay nghề BS tại PK, bà Nhung cũng nói: “Cái này để sếp tôi liên hệ trả lời”. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, chúng tôi vẫn chưa có phản hồi từ PK TBD.
Tương tự, ngày 14.5, PV Thanh Niên đã đến PK HC để tìm hiểu vấn đề BN phản ánh. Tiếp tân PK đề nghị PV để lại nội dung vì “lãnh đạo không có mặt, BS phụ trách chuyên môn bận”. Sau khi PV rời PK, một mặt nhân viên PK điện thoại hẹn chiều 16.5 PK sẽ trả lời vì “phải tìm hiểu vụ việc”; mặt khác BN D.T.C.V cho biết PK này vừa gọi điện cho chị hỏi về việc đã cung cấp thông tin gì cho nhà báo và PK có thể thương lượng, hỗ trợ BN…
Sáng 16.5, PV Thanh Niên điện thoại nhắc lại cuộc gặp vào chiều cùng ngày, tuy nhiên phía PK HC nói chưa sắp xếp được và đã “thương lượng” với BN. Trong khi đó, Thanh tra Sở Y tế TP cũng đã mời chị D.T.C.V lên hợp tác làm rõ sự việc.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, PK TBD và PK HC liên tục có những sai phạm lặp đi lặp lại, bao gồm việc quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; không đeo biển tên; chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh; thu giá cao hơn giá niêm yết... (còn tiếp). (Thanh niên, trang 5).
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lan truyền COVID -19 trong cộng đồng
Chia sẻ với báo chí nhân Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (sẽ diễn ra từ 25- 31/5), PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID -19.
Tổ chức Y tế thế giới cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền virust SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: Thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.
Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) là "Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá". (Sức khỏe& Đời sống, trang 2).
Đắk Lắk: Sẵn sàng ứng phó dịch sốt xuất huyết trên diện rộng
Sau đợt tập trung chống dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết, quyết không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng như năm 2019...
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk, chỉ trong 4 tháng đầu năm, mặc dù không có mưa nhưng toàn tỉnh vẫn ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tập trung rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, số ca mắc SXH ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Năm 2019, Đắk Lắk đã có hơn 23.000 ca SXH, cao gấp 8-10 lần so với trung bình của nhiều năm trước đó.
Nhiều ca mắc SXH chủ yếu nằm ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền những khu vực này còn buông lỏng tuyên truyền, vận động phòng dịch cho bà con. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế nên đã gây ra một số khó khăn nhất định cho lực lượng y tế khi thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Ông Trịnh Quang Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk - cho biết: ‘’Trong những tháng tới đây, Tây Nguyên sẽ vào cao điểm mùa mưa. Ngoài việc tập trung phòng chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, chính quyền, người dân các địa phương cần hết sức chú trọng đến công tác phòng bệnh SXH.
Đặc thù địa hình ở Đắk Lắk chỉ cần chủ quan, buông lỏng thì dịch rất dễ lây lan mạnh dẫn đến khó kiểm soát. Năm 2019, tỉnh đã trải qua một đợt bùng phát dịch SXH chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Lực lượng chức năng phải rất vất vả để kiểm soát tình hình’’.
Thời gian qua, dịch bệnh này thường xuất hiện với chu kỳ 3 năm/lần. Tuy nhiên, với mức độ giao thương rất lớn giữa các vùng miền, quy luật này bị phá vỡ và số ca mắc có thể gia tăng bất cứ lúc nào. Người dân cần vệ sinh môi trường, loại bỏ những dụng cụ phế thải chứa nước để diệt bọ gậy... ngay trong những ngày đầu bước vào mùa mưa để kịp thời khống chế số mắc số ca nhiễm bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng. Đơn vị đã chỉ đạo lực lượng y tế các địa phương nếu phát hiện ổ dịch phải nhanh chóng can thiệp, dập tắt để tránh lây lan trong khu dân cư, ông Trí thông tin.
Ông Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BV Đa khoa vùng Tây Nguyên - cho hay, sau đợt dịch COVID-19 này, dịch SXH ở Đắk Lắk sẽ có những diễn biến rất phức tạp. Đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc SXH nhập viện điều trị tăng cao đột biến, tránh lâm vào tình thế bị động.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Lắk cũng đã tham mưu cho Sở Y tế Đắk Lắk ban hành một kế hoạch chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong mùa hè như tay chân miệng, sởi, SXH, viêm não Nhật Bản... để đảm bảo an toàn cho người dân. (Lao động, trang 4).
Hà Nội có 137 ca mắc sốt xuất huyết, chuẩn bị phun hóa chất ở khu vực nguy cơ
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị tổ chức đợt tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 24-5 cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 137 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), không có trường hợp tử vong.
Bệnh nhân mắc SXH được phân bổ rải rác tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường, trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển. Đáng chú ý, một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)…
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc SXH ở thành phố từ đầu năm đến nay giảm tới 44,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiện hiện đã bước vào mùa cao điểm của dịch SXH nên nguy cơ gia tăng trong thời gian tới rất cao.
Trước thực trạng trên, để chủ động phòng chống SXH trong mùa hè năm nay, tới đây Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là triển khai đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, việc phun hóa chất phòng chống dịch SXH có 2 phương án. Thứ nhất là phun tại các khu vực có nguy cơ cao, cụ thể có mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy tăng cao. Thứ hai là tại khu vực có bệnh nhân, hay gọi là ổ dịch.
Cũng liên quan đến công tác phòng bệnh, dịch bệnh trong mùa hè, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai các giải pháp phòng chống nắng nóng cho nhân viên và người bệnh.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đủ các phương tiện đảm bảo chống nóng cho người bệnh như bổ sung quạt, bạt che, cấp nước uống miễn phí; có giải pháp hạn chế thời gian chờ đợi của người bệnh; đổi mới, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh; không để hoặc giảm đến mức thấp nhất tình trạng nằm ghép.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức tập huấn, tập huấn lại sơ cấp cứu nạn nhân bị say nắng, say nóng, đuối nước và các bệnh thường gặp trong mùa hè.
Thực tế trong tuần qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến nắng nóng tăng cao. Trong đó, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp vào khám do cháy nắng, bỏng nắng, say nắng, say nóng… (An ninh Thủ đô, trang 3).