Từ vụ bê bối vaccine tiêm chủng cho trẻ em Trung Quốc: Việt Nam không sử dụng vaccine từ Trung Quốc
TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay không sử dụng vaccine nào của Trung Quốc, nhiều loại vaccine Việt Nam đã sản xuất được nên không phải dùng vaccine Trung Quốc.
Bê bối vaccine “đê hèn” và gây phẫn nộ
Tâm điểm trong vụ bê bối chấn động của Trung Quốc là Cty Changchun Changsheng - công ty có trụ sở ở tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc nước này.
ADVERTISING
“Việc sản xuất vaccine bất hợp pháp của công ty công nghệ sinh học Changchun Changsheng (Trường Sinh Trường Xuân) là hành vi đê hèn và đáng phẫn nộ”- đài truyền hình trung ương CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình bình luận về vụ bê bối trong chuyến thăm Châu Phi.
Ông Tập Cận Bình cũng ra lệnh cho các nhà chức trách có hình phạt nghiêm minh “chữa trị căn bệnh (tham nhũng) mãn tính và đầu độc tận xương tủy người dân”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, chính quyền kiên quyết cải thiện việc giám sát vaccine và bảo đảm giới hạn an toàn để bảo vệ lợi ích nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Trước đó hôm 22.7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh, vụ việc đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của đạo đức và lệnh điều ra tra toàn diện về quy trình sản xuất và bán vaccine. Ông cũng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các bên liên quan tới bê bối vaccine rúng động này.
Theo công bố của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm tỉnh Cát Lâm hôm 20.7, công ty Trường Sinh Trường Xuân có trụ sở tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bán 252.600 vaccine DPT (phòng chống bạch hầu, ho gà và uốn ván dành tiêm cho trẻ em từ 3 tháng tuổi) không đạt tiêu chuẩn cho trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông - cơ quan phụ trách y tế công cho tỉnh có dân số khoảng 100 triệu người. Cuộc kiểm tra đã được giới chức tiến hành từ tháng 11.2017.
Thông tin về vụ bê bối vaccine chấn động được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi cơ quan quản lý dược phẩm trung ương Trung Quốc phát hiện việc giả mạo số liệu 113.000 vaccine phòng bệnh dại của công ty này trong cuộc kiểm tra đột xuất. Hành vi phạm tội nghiêm trọng khiến Cục quản lý dược trung ương Trung Quốc đã thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại của công ty này. Cảnh sát Trường Xuân cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự về việc sản xuất bất hợp pháp vaccine phòng dại và bắt giữ chủ tịch cùng 4 lãnh đạo cấp cao của Trường Sinh Trường Xuân để thẩm vấn.
Đây là công ty mới nhất trong ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc gây tai tiếng vì sản phẩm kém chất lượng. Trong cuộc điều tra hồi tháng 11 năm ngoái, giới chức Trung Quốc cũng phát hiện một đơn vị sản xuất vaccine lớn khác là Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán 400.520 vaccine DPT không đạt chất lượng cho Trùng Khánh và Hà Bắc, theo SCMP.
Căn nguyên của bê bối
Theo New York Times, các quan chức Trung Quốc đã coi đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm là một ưu tiên quốc gia và vaccine hiện là một ngành công nghiệp đang bùng nổ với doanh thu hơn 3 tỷ USD mỗi năm.
Hệ thống tiêm chủng của Trung Quốc đã có những bước tiến trong những thập kỷ gần đây, với hệ thống quản lý được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận và 4 loại vaccine của nước này trong giai đoạn sơ tuyển để Liên Hợp Quốc phân phối cho các nước khác. Ngoài ra, hơn 99% các mẫu vaccine được cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào vaccine kém chất lượng có thể vượt qua một hệ thống kiểm tra của nước này. Theo SCMP, tham nhũng, chế tài ngăn chặn lỏng lẻo và thiếu hụt nhân sự đã góp phần dẫn tới bê bối vaccine mới nhất của Trung Quốc.
Vụ bê bối xảy ra vào thời điểm niềm tin của người dân Trung Quốc vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn sau vụ vaccine hết hạn cách đây 2 năm khiến 200 người có liên quan bị bắt giữ. Vụ việc năm 2016 làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khi số lượng vaccine trị giá 570 triệu nhân dân tệ không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn bị bán trái phép trên khắp Trung Quốc.
SCMP dẫn lời những chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho biết, đây là hệ quả của các công ty dược không tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất và các biện pháp kiểm tra, xử lý chưa thực sự nghiêm minh.
Một cựu nhân viên Viện Quốc gia về Thực phẩm và Dược Trung Quốc (NIFDC) cho hay, các cơ quan giám sát chính thức không có đủ nhân lực để đảm bảo kiểm tra dược phẩm đạt tiêu chuẩn và ngành công nghiệp này dựa vào sự tuân thủ của các công ty dược phẩm.
“Chúng tôi là viện duy nhất ở Trung Quốc có khả năng kiểm tra chất lượng và hiệu quả của vaccine, thậm chí không có các viện kiểm nghiệm cấp tỉnh có thể làm điều đó” - nguồn tin cho biết. “Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ vaccine mỗi năm, một khoảng cách là rất lớn. Không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nhân lực để kiểm tra tất cả các vaccine trước khi đưa chúng ra thị trường” - nguồn tin nói thêm.
Trong cuộc kiểm tra đột xuất hôm 20.7, Cty Trường Sinh Trường Xuân bị phát hiện vi phạm giả mạo giấy tờ vaccine phòng bệnh dại, theo luật Trung Quốc, hình phạt cho vi phạm này lên tới 3 lần doanh thu từ số dược phẩm nói trên.
Tuy nhiên, nguồn tin SCMP nói: “Nó chỉ là “một sợi lông của 9 con bò” với các công ty dược và chưa đủ sức răng đe”. Tao Lina, bác sĩ phụ trách các chương trình tiêm chủng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thượng Hải cũng cho biết mức phạt quá thấp.
Bê bối vaccine mới nhất xảy ra hơn một thập kỷ sau khi Zheng Xiaoyu - cựu lãnh đạo Cục quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc bị xử tử vì nhận hối lộ để cấp phép cho thuốc và dụng cụ y tế chưa được kiểm tra.
“Chúng tôi không sử dụng vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc”
Bê bối vaccine tại Trung Quốc khiến người dân Việt Nam lo ngại! Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Cục Quản lý Dược sẽ kiểm tra vaccine nhập khẩu vào Việt Nam và sớm có thông báo.
Trong khi chờ Cục Quản lý Dược tiến hành kiểm tra vaccine Trung Quốc có nhập khẩu vào Việt Nam hay không, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay không sử dụng vaccine nào của Trung Quốc, nhiều loại vaccine Việt Nam đã sản xuất được nên không phải dùng vaccine Trung Quốc. Giải thích rõ hơn về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nếu như trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại thì đến thời điểm này, trong nước đã có 4 nhà máy sản xuất được 12 loại vaccine: Vaccine phòng ngừa Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viên gam A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus. Trong đó 10 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
Ngoài ra đang Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vaccine mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai với mục tiêu đến năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vaccine của người dân: Vaccine 6 trong 1, Vaccine Hib cộng hợp phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não mủ, Vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi; thương hàn tổng hợp; viêm não Nhật bản B bất hoạt trên tế bào vero; vaccine IPV phòng ngừa bại liệt tiêm, vaccine cúm mùa và ho gà vô bào...
“Hiện nay, vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván mà chúng ta đang lo ngại là của Trung Quốc, Việt Nam đã sản xuất được nên khó có việc nhập khẩu từ Trung Quốc”, PGS.TS Phu nói.
Tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên Báo Lao động không có vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hà Nội) trong danh sách các loại vaccine nhập khẩu không có loại nào xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại vaccine nhập khẩu chủ yếu của Bỉ, Pháp, Mỹ, Ấn Độ.
Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tại 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cũng không có vaccine của Trung Quốc. Tại Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, TS.BS TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm khẳng định: “Chúng tôi không sử dụng vaccine nào có xuất xứ từ Trung Quốc. Tất cả vaccine nhập khẩu đang sử dụng đều được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép” (Lao động, trang 1).
Bác sỹ tắc trách, bé trai 4 tháng tuổi tử vong
Ngày 24-7, liên quan tới ca tử vong của bệnh nhi Nguyễn Minh P. (4 tháng tuổi, ở thị trấn Ích Ong, huyện Mường La, Sơn La) tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường La, Sở Y tế Sơn La đã có báo cáo ban đầu về vụ việc này. Đau xót hơn, cháu P. là con của một cặp vợ chồng hiếm muộn sau nhiều năm lấy nhau. Theo đó, vào tối 19-7, cháu P. được gia đình đưa tới Bệnh viện đa khoa huyện Mường La trong tình trạng sốt, ho, nôn, bỏ bú, đi tiêu lỏng. Kíp trực lúc ấy gồm bác sĩ trực Cầm Thùy Linh - Phó Trưởng Khoa Nội và điều dưỡng trưởng Khoa nhi là Cà Thị Tiệt. Tuy nhiên điều dưỡng Tiệt đã nhờ điều dưỡng Lò Văn Mai trực thay vì bị ốm.
Khi nhập viện, bé P. được điều dưỡng Mai đón và thăm khám với nghi ngờ trẻ bị viêm màng não. Khám xong, điều dưỡng Mai đã báo cáo với bác sĩ Linh. Dựa vào báo cáo của điều dưỡng Mai mà không khám lại cho bệnh nhi, bác sĩ Linh chẩn đoán bé P. bị viêm phổi/tiêu chảy mất nước vừa, theo dõi hội chứng não, màng não.
Sau đó, bác sĩ Linh đã chỉ định miệng cho điều dưỡng Mai truyền dịch 0,9% Sodium Chloride, truyền vào tĩnh mạch bé P. chậm 20 giọt/phút.
Khoảng 15 phút sau, bác sĩ Linh lên Khoa nhi thấy tình trạng bé P. ổn định và tiếp tục giao điều dưỡng Mai theo dõi. Tuy nhiên tới gần 6h sáng hôm sau, bé P. sốt 38,5 độ, miệng ngáp, người mệt lả nên điều dưỡng Mai điện thoại mời bác sĩ Linh đến xử trí cấp cứu nhưng nữ bác sĩ không lên khám.
Lúc này điều dưỡng Mai chườm ấm toàn thân cho bệnh nhi và cho dùng thuốc hạ nhiệt Hapacol 150 mg x 2/3 gói nhưng bé P. không uống được. Sau đó, bé P. miệng ngáp, người mệt lả, khó thở nhẹ, điều dưỡng Mai đã dùng viên đặt hậu môn Efferalgan 80 mg và chườm ấm toàn thân, cho bé thở oxy, đồng thời tiếp tục điện thoại cho bác sĩ Linh nhưng bác sĩ này không nghe máy.
Hơn 6h, bác sĩ Linh mới đến Khoa nhi thì tình trạng bé P. đã diễn tiến nặng, khó thở, tim đập nhanh, loạn nhịp, cổ cứng... Ngay sau đó, bé P. đã được hút đờm dãi, ép tim, bóp bóng hỗ trợ oxy và dùng thuốc tiêm nhưng đã không qua khỏi. Bước đầu, Bệnh viện đa khoa huyện Mường La chẩn đoán bệnh nhi P. tử vong do suy hô hấp trụy tim mạch không phục hồi bởi hội chứng não, màng não/viêm phổi.
Trước sự việc này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Mường La khẩn trương xác minh sự việc, tổ chức thăm hỏi động viên gia đình người bệnh. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Khải, Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho biết đã chỉ đạo bệnh viện thành lập hội đồng chuyên môn kết luận vụ việc để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh: Thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống
Ngày 24-7, Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) đã họp báo thông tin về “ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống” giúp người bệnh khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có khả năng khỏi hẳn viêm gan B. Ngày 16-6, Bệnh viện ĐHYD TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống. Đây là thành quả từ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài của BV ĐHYD và sự hỗ trợ đến từ các chuyên gia BV ASAN Hàn Quốc. Người nhận gan là anh Trần Văn Vách (50 tuổi). Anh Vách mắc nhiều bệnh lý về gan như viêm gan B, xơ gan và ung thư gan chưa di căn. Người bệnh đã được chữa trị nhiều năm bằng phương pháp bơm hóa chất làm tắc nghẽn mạch máu nuôi khối u nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Tình trạng xơ gan của anh ngày một nghiêm trọng.
Nếu không được thay lá gan mới, thời gian của anh Vách chỉ còn 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy TS, BS Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD đã tư vấn cho người bệnh thực hiện phẫu thuật ghép gan để dành lại cơ hội sống. May mắn là kết quả xét nghiệm cho thấy chị Trương Kim Hường (SN 1985) - vợ anh Vách là người có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe phù hợp để hiến gan cho anh. Ê kíp gồm 11 chuyên gia ghép gan từ Bệnh viện ASAN Hàn Quốc đã cùng các bác sĩ BV ĐHYD tiến hành ca phẫu thuật cắt gan và ghép gan cho vợ chồng anh Vách – chị Hường. Sau 8 giờ làm việc căng thẳng, với sự tham gia của gần 50 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, ca phẫu thuật đã kết thúc. Một phần lá gan của chị Hường (50-60% thể tích gan ban đầu) được cắt ra, tạo hình và ghép thành công vào cơ thể anh Vách. Tình trạng của hai vợ chồng sau ca phẫu thuật khá ổn định. Sau một tuần, chị Hường đã xuất viện với sức khỏe phục hồi. Riêng anh Vách được chăm sóc trong phòng Hồi sức sau ghép. Sau 7 ngày chăm sóc đặc biệt, anh Vách được chuyển lên phòng nội trú Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy khi tình trạng đã ổn định. Một tháng sau ca phẫu thuật, anh Vách đã có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và trở lại sinh hoạt bình thường. PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc BV ĐHYD cho biết: “Ghép tạng từ lâu đã trở thành định hướng phát triển chuyên môn của BV ĐHYD. Tiếp nối thành công ban đầu, BV tiếp tục thực hiện một số ca ghép gan trong thời gian tới, mang lại cơ hội chữa trị cho nhiều người bệnh hơn nữa”. TS, BS Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD cho biết: “Vì gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe chị Hường không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan. Về phía anh Vách, phần gan ghép đã được cơ thể người bệnh dung nạp tốt. Nó sẽ giúp anh Vách tiếp tục sống lâu dài. Hiện tại sức khỏe anh Vách đã ổn định và xuất viện. Anh sẽ tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép”. TS, BS Trần Công Duy Long cho biết thêm, chi phí của ca ghép gan tại BV ước tính chỉ bằng 1/5 chi phí phải trả khi ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật. Được biết, BV ĐHYD là một đơn vị có uy tín cao trong việc chữa trị các bệnh lý về Gan - Mật - Tụy với hơn 1.000 trường hợp ung thư gan đang theo dõi điều trị mỗi năm (Công an nhân dân, trang 7).
Bệnh viện 198 phẫu thuật ung thư dạ dày bằng kỹ thuật nội soi
Chiều ngày 24-7, BS. Nguyễn Mạnh Trường, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng (Bệnh viện 198, Bộ Công an) cho biết, ca phẫu thuật cắt dạ dày, nạo vét hạch ung thư dạ dày bằng phương pháp nội soi đầu tiên ở Bệnh viện 198 đã thành công. Bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và dự kiến sẽ ra viện vào ngày 25-7, sau một tuần được phẫu thuật. Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị D. (59 tuổi, ở Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị đau thượng vị đã lâu và đi khám và điều trị nhiều đợt ở nhiều bệnh viện. Gần đây bệnh nhân bị đau tức nên đã đến Bệnh viện 198 để nội soi sinh thiết và được các bác sĩ đã phát hiện sớm ung thư dạ dày, đồng thời chỉ định phẫu thuật. BS. Nguyễn Mạnh Trường, người trực tiếp mổ bệnh nhân cho biết: Lần đầu tiên tiến hành ca mổ cắt dạ dày nạo vét hạch do ung thư dạ dày bằng phương pháp nội soi, nhưng ekip phẫu thuật đều tự tin vì đội ngũ bác sĩ đã được đào tạo bài bản tại nhiều Bệnh viện: Việt Đức, Chợ Rẫy, BV Đại Học Y TP Hồ Chí Minh… và có kinh nghiệm trong xử trí nhiều ca phẫu thuật phức tạp.
Bệnh viện 198 đã được đầu tư trang bị phòng mổ nội soi đầy đủ với các dụng cụ phẫu thuật hiện đại nhất như dao mổ siêu âm, máy cắt nối tự động, nên việc tiến hành ca mổ có nhiều thuận lợi. Với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, ca mổ kéo dài gần 3 giờ một cách hoàn hảo. Quá trình mổ bệnh nhân gần như không mất máu, các hạch di căn được phẫu thuật triệt để. Được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh nhân ít đau, không nhiễm trùng vết mổ, nên chỉ một ngày sau đã có thể đi lại được và ngày thứ 3 bệnh nhân được ăn uống nhẹ. Diễn biến sức khỏe của bệnh nhân sau mổ rất tốt. Theo BS. Nguyễn Mạnh Trường, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày là kỹ thuật ít xâm lấn nên rất ưu việt trong điều trị bung thư, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong điều trị ung thư dạ dày, một căn bệnh phổ biến và đứng thứ 3 tại Việt Nam về số người mắc. Điều trị ung thư dạ dày hiện có nhiều phương pháp như phẫu thuật, hoá chất, tia xạ, điều trị đích, trong đó phẫu thuật đóng vai trò quan trọng. Phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày có nhiều ưu điểm hơn mổ mở truyền thống, khi vết mổ nhỏ, ít chảy máu, ít đau và thời gian hồi phục nhanh, hạn chế tai biến, biến chứng, nhiễm trùng và tắc ruột sau mổ cho bệnh nhân (Công an nhân dân, trang 7).
Sẽ kiểm tra có hay không vắc-xin Trung Quốc tại Việt Nam
Sự việc một nhà sản xuất vắc-xin Trung Quốc điều chế vắc-xin giả khiến dư luận lo lắng. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục Quản lý Dược sẽ kiểm tra vắc-xin nhập khẩu vào Việt Nam và sớm thông báo để người dân biết. TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay không sử dụng vắc-xin nào của Trung Quốc bởi Việt Nam đã điều chế được nhiều loại vắc-xin.
Qua khảo sát tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Ðúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) trong danh sách các loại vắc-xin nhập khẩu không có loại nào xuất xứ từ Trung Quốc. Tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tại 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cũng không có vắc-xin của Trung Quốc. TS. Ðỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, Bệnh viện Bạch Mai không sử dụng vắc-xin xuất xứ từ Trung Quốc (Tiền phong, trang 6).
Choáng với bé 3 tuổi bị u quái ở buồng trứng
Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết các bác sĩ đang điều trị cho bé 3 tuổi (ở Hải Phòng) bị u nang buồng trứng. Mẹ bệnh nhi cho hay, cháu B.P.T. xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói nên gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi đang mang khối u buồng trứng.Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhi T. có hình ảnh khối u dạng nang tiểu khung, đường kính gần 5cm. Bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, khối u thuộc dạng u quái buồng trứng (teratoma). Do khối u có kích thước lớn, tiểm ẩn nguy cơ gây xoắn, vỡ nên bác sĩ đã mổ nội soi, bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng cho bệnh nhi.
Trước đó Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận bé T.P.A. (12 tuổi) nhập viện cấp cứu vì đau bụng vùng hạ vị. Người nhà cho biết thi thoảng bệnh nhi xuất hiện cơn đau nhưng gia đình nghĩ rằng bé bước vào tuổi dậy thì, mới xuất hiện kinh nguyệt nên chủ quan không đi khám. Kết quả siêu âm và chụp Xquang cho thấy buồng trứng trái có khối dạng nang bì, đường kính lên tới 8,6cm.
rong quá trình phẫu thuật khối u, các bác sĩ phát hiện phần vòi và buồng trứng trái bị xoắn hai vòng khiến khu vực này bầm tím. Bên trong khối u được bóc tách từ buồng trứng của bệnh nhi A. còn chứa các mô tuyến bã, răng, tóc… hay còn gọi là u quái buồng trứng.
Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn cả hai bệnh nhi này đều may mắn vì phát hiện kịp thời, bảo tồn được buồng trứng. Bệnh viện Nhi T.Ư đã từng tiếp nhận không ít trường hợp do gia đình không biết, chỉ nghĩ trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh viện tuyến cơ sở không phát hiện được bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khối u buồng trứng quá lớn hoặc bị xoắn lâu ngày có thể gây hoại tử và hậu quả, trẻ phải cắt một bên buồng trứng, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề sức khỏe sinh sản sau này (Tiền phong, trang 6).