Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế: Đổi mới tài chính y tế, phát triển hệ thống y tế công bằng hiệu quả!; Khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm Răng Hàm Mặt quốc tế lần thứ 10; Hỗ trợ toàn diện cho y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với kỹ thuật cao; Bộ Y tế bác bỏ tin Bộ trưởng từ chức; Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm vụ thuốc ung thư giả…

 

Bộ trưởng Y tế: Đổi mới tài chính y tế, phát triển hệ thống y tế công bằng hiệu quả!

Báo Sức khỏe Đời sống đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về những thách thức cũng như thành quả Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung đã gặt hái được trong suốt thời gian qua. Các nền kinh tế APEC phải đối mặt với một số thách thức trong y tế, như: chi tiêu tiền túi cho chăm sóc sức khỏe còn cao, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn; y tế hiện tập trung nhiều vào đầu tư cho hệ bệnh viện; hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe chưa cao… Chúng ta sẽ làm gì để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm bảo đảm tất cả mọi người dân đều được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính? Đổi mới tài chính y tế như thế nào để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả?

Báo Sức khỏe Đời sống đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về những thách thức cũng như thành quả Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung đã gặt hái được trong suốt thời gian qua.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong suốt những cuộc họp trong khuôn khổ SOM3 – APEC, chúng ta nói nhiều đến đầu tư cho y tế. Bảo đảm các nguồn tài chính y tế đó có phải là một điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để đạt được bao phủ y tế toàn dân, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế đóng một vai trò then chốt trong hợp tác APEC. Chủ đề xuyên suốt là “cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”. Đầu tư tài chính cho y tế và xây dựng hệ thống y tế sáng tạo và hiệu quả là hỗ trợ thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới “Một Châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020” và tầm nhìn 2030. Bao phủ y tế toàn dân (UHC) là một mục tiêu cụ thể trong các mục tiêu phát triển bền vững cũng như là nền tảng kết hợp các chương trình, hành động cho sức khỏe và phát triển.

Chủ đề của hội nghị này là “y tế và kinh tế” nhưng đồng thời cũng đặt ra một vấn đề cải tổ, đổi mới cơ chế về tài chính y tế. Vì thế, bảo đảm các nguồn tài chính đủ và bền vững cho y tế là rất quan trọng, nhưng đó không phải là một điều kiện tiên quyết duy nhất để đạt được bao phủ y tế toàn dân.

Nếu như Việt Nam chúng ta gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính cho y tế, các thành viên khác trong APEC cũng giống như vậy. Trong cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế diễn ra hai ngày 23 – 24/8/2017, nhiều diễn giả đã báo cáo việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe (tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất…) sẽ đóng vai trò quan trọng, có thể mang lại tiết kiệm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ y tế.

Trong một loạt các đối thoại chính sách, từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, một quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi rất cao. Y tế Nhật Bản cũng đi đầu trong việc hình thành chính sách về tài chính chăm sóc người cao tuổi. Nhưng nhiều năm trước, chính sách này cũng suýt nằm trên bờ vực “phá sản” vì chi quá lớn, tức là họ đã tập trung quá nhiều vào bệnh viện. Cho nên, chiến lược của Nhật Bản trong vòng 10 năm, trong bối cảnh gia tăng các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số, y tế Nhật Bản chuyển hướng chăm sóc sức khỏe thay vì tập trung vào bệnh viện chuyển sang chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở và gia đình. Điều này, hơn nữa, còn rất phù hợp với vấn đề văn hóa phương Đông.

Trên lộ trình tiến tới bao phủ y tế toàn dân, chúng ta sẽ phải sử dụng các nguồn tài chính sẵn có một cách hiệu quả và có chiến lược, sắp xếp mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp, quy định về chất lượng và an toàn của dịch vụ y tế, trao quyền cho người dân và cộng đồng về nhận thức sức khỏe của họ.

Quá trình này đòi hỏi các quy định hiệu quả để có thể khai thác các phương pháp tiếp cận năng động và sáng tạo, từ cả khu vực y tế công cho đến y tế tư nhân, trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của hệ thống y  tế. Các nền kinh tế APEC có cùng mức chi tiêu y tế tương tự nhưng lại đạt được các kết quả cung cấp dịch vụ tế và chăm sóc sức khỏe khác biệt đáng kể; rõ ràng, không phải một lựa chọn chính sách cụ thể nào có thể phù hợp với mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau.

Mỗi nền kinh tế APEC, xét về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa, cần xác định phương pháp hiệu quả nhất để đảm bảo mọi người dân và cộng đồng được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt nhất mà không gặp khó khăn về tài chính.

PV: Như Bộ trưởng vừa nói ở trên, mỗi một nền kinh tế APEC có một chính sách y tế riêng, Việt Nam chúng ta làm như thế nào trên con đường giải quyết các vấn đề phức tạp của hệ thống y tế, cũng như nhằm mục tiêu bao phủ y tế toàn dân?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để đạt được bao phủ y tế toàn dân. Một ví dụ điển hình cần nhấn mạnh là việc đưa nhóm người nghèo và người dễ bị tổn thương khác như lao động nhập cư, dân di cư… vào ngay giai đoạn đầu của quá trình hỗ trợ tài chính cho chăm sóc sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế trên toàn quốc.

Nguồn tài chính công từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội được coi là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hệ thống bảo hiểm y tế xã hội đã được thành lập từ năm 1992 và đến nay bao phủ khoảng 82% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế ở một số nền kinh tế thành viên APEC, cũng như ở Việt Nam, chúng ta cần có một cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung để mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư. Các cơ chế tài chính đổi mới và sáng tạo đó có thể là: quỹ nâng cao sức khỏe từ thuế các hàng hóa tác động tiêu cực đến sức khỏe, tài khoản tiết kiện y tế, bảo hiểm y tế tư nhân, bảo hiểm y tế vi mô, bảo hiểm cho chăm sóc dài hạn…

Ngoài ra, giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như: chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn… Bên cạnh đó, chúng ta hiện nay dường như tập trung nhiều vào các dịch vụ điều trị, vào hệ thống bệnh viện, trong khi tăng cường chưa đủ cho các hoạt động dự phòng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu và tuyến cơ sở thấp…

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm và các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu an toàn và trong khả năng chi trả. Việc huy động lại các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

PV: Bên lề hội nghị, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều nền kinh tế APEC gắn liền y tế với dịch vụ con người, lao động, phúc lợi xã hội… Ở Việt Nam, y tế đóng vai trò như thế nào, thưa Bộ trưởng?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Bất kể như thế nào, ở bất kể nền kinh tế APEC nào, con người và sức khỏe con người đều là nền tảng của mọi sự phát triển về kinh tế - xã hội và văn hóa. Từ những cuộc họp đầu tiên của tổ công tác y tế trong khuôn khổ SOM3 – APEC, Việt Nam chúng ta đã nhấn mạnh phải “đưa y tế vào toàn bộ chính sách – health in all policies”. Điều đó có nghĩa là tất cả các chính sách đều phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Y tế không chỉ đơn giản chỉ dành riêng cho một mình ngành y tế mà đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính sách y tế được lồng ghép trong tất cả chính sách các lĩnh vực, sẽ giúp cho ngành y tế phát triển, góp phần hữu hiệu vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế Việt Nam vẫn khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe luôn được xác định là ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Từ các lợi ích kinh tế cũng cần đầu tư lại cho chăm sóc sức khỏe.

PV: Bao phủ y tế toàn dân, già hóa dân số và các bệnh truyền nhiễm, lao và lao đa kháng, giám sát ung thư cổ tử cung... là những vấn đề nổi bật trong các cuộc đối thoại chính sách thuộc khuôn khổ Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế. Những vấn đề này đóng vai trò như thế nào trong mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh vào năm 2020?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Trong cuộc họp SOM3 – APEC 2017, các thành viện nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020, khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn khu vực. Tại các cuộc hội thảo đối thoại chính sách APEC 2017, Việt Nam và 20 nền kinh tế APEC còn lại cũng đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và hợp tác để đạt được các mục tiêu đề ra. Bao gồm: phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống ung thư cổ tử cung, già hóa năng động và khỏe mạnh, lao và lao đa kháng...

Đặc biệt, chúng ta còn phải chung tay hợp tác trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, cũng như đối phó với tình trạng dân số già. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Và hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều đang phải đối mặt, khi khu vực APEC chiếm khoảng 50% người cao tuổi trên toàn thế giới.

Phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một trong những trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC. Trong đối thoại chính sách y tế thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm APEC, chúng ta có một bức tranh tổng thể của khu vực về các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số và tìm kiếm những khuyến nghị chính sách phù hợp với luật pháp, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của APEC nói chung, hướng tới một Châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, phát triển thịnh vượng, thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2020.

PV: Một câu hỏi cuối cùng, xin được hỏi Bộ trưởng, trong một hoạt động bên lề hội nghị APEC lần này là Việt Nam và Hoa Kỳ, mà đại diện là ngài Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ, đã cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Khai mạc cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế ngày 23/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, „Thế giới hiện này trở nên vô cùng nhỏ bé, và kết nối ngày càng chặt chẽ.“ Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng không chỉ đe dọa riêng đối với Việt Nam mà còn thách thức toàn cầu. Dịch bệnh có thể lây truyền xuyên quốc gia, xuyên lục địa, bùng phát nhanh chóng trong vòng vài giờ, vài ngày trên khắp các châu lục như một số bệnh dịch trong thời gian gần đây, như SARS, cúm (H1N1, H5N1, H7N9), MERs-Cov, Ebola, Zika… Những vấn đề sức khỏe này đã ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và gây tổn thất nền kinh tế cho khu vực APEC cũng như toàn cầu.

Trong một hoạt động bên lề hội nghị APEC lần này là Việt Nam và Hoa Kỳ, mà đại diện là ngài Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ, đã cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM.

Một lần nữa, thông qua hoạt động này, Việt Nam đã cam kết tham gia Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (Global Health Security Program - GHS) do chính phủ Hoa Kỳ, các Tổ chức quốc tế và các quốc gia xây dựng và triển khai, nhằm phản ứng chủ động đối với các sự kiện y tế công cộng, đặc biệt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi. Trong GHS, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc áp dụng mô hình EOC vào công tác phòng chống dịch bệnh cũng như đáp ứng các vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng trong nước, trong khu vực APEC và toàn cầu.

Từ tháng 5/2013, Việt Nam chúng ta đã có một EOC đặt tại Bộ Y tế, chủ động vận hành đáp ứng khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh như: đáp ứng với Ebola, MER-CoV, cúm H7N9 vốn bùng phát ở nhiều quốc gia và có nguy cơ lớn xâm nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động kích hoạt EOC nhằm đáp ứng với Zika năm 2016 và sốt xuất huyết Dengue năm nay. Công tác diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp tình huống khẩn cấp về y tế công cộng xảy ra cũng được triển khai thường xuyên.

Hoạt động của EOC đã phát huy được vai trò trong việc gắn kết và điều phối thông tin và nguồn lực giữa các đơn vị trong Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các Tổ chức quốc tế đặc biệt là US CDC (Cục Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) , FAO (Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc) và các đơn vị liên quan khác trong công tác đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi của báo Sức khỏe và Đời sống.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 1, 3).

 

Khai mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm Răng Hàm Mặt quốc tế lần thứ 10

Sáng 23/8/2017, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội), Hội Răng Hàm Hặt Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học và Triển lãm Răng hàm mặt quốc tế lần thứ X.

Tham dự Triển lãm có GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS.Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội  y học Việt Nam; PGS. TS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam.

Với chủ đề “Đổi mới trong nha khoa”, hội nghị khoa học thường niên về Răng Hàm Mặt quốc tế năm nay có sự tham gia trên 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Sự kiện do Hội Răng hàm mặt Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương với sự hỗ trợ của Liên đoàn Nha khoa thế giới (FDI) tổ chức

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: trong những năm qua, ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, góp phần quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong những năm qua, các nha sĩ Việt Nam đã làm chủ và thành thạo các kỹ thuật chuyên sâu, tiên tiến về răng hàm mặt như: thường xuyên cập nhật và áp dụng các kỹ thuật mới tiên tiến trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu (vi phẫu ghép đoạn xương hàm; các kỹ thuật điều trị u, ung thư và các bệnh lý phức tạp vùng hàm mặt, răng trẻ em) điều trị hiệu quả cho người bệnh, giúp họ không phải ra nước ngoài với chi phí tốn kém…PGS.TS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam cho biết: Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (23, 24, 25/8/2017) với 80 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về các lĩnh vực chuyên sâu trong ngành Răng Hàm Mặt như: cấy ghép nha khoa; phẫu thuật miệng - hàm - mặt; phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm; nha khoa phục hồi; nha khoa thẩm mỹ; nha khoa dự phòng… Bên cạnh chương trình khoa học là Triển lãm nha khoa quốc tế với hơn 280 gian hàng của hơn 110 công ty tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm nha khoa tiên tiến và hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản…Hội nghị khoa học và Triển lãm Răng hàm mặt quốc tế lần thứ X là dịp để các nha sĩ có cơ hội tiếp cận, chia sẻ với các đồng nghiệp về các kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật mới trong các lĩnh vực chuyên sâu; giúp các nhà nha khoa Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nước và trên thế giới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh răng miệng cho nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5).

 

Hỗ trợ toàn diện cho y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với kỹ thuật cao

Hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến dưới đang được các đơn vị y tế của tỉnh Quảng Ninh tích cực thực hiện. Việc làm này giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến huyện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, còn người dân được hưởng lợi vì được sử dụng dịch vụ y tế tốt hơn ở ngay gần nhà (Chi tiết xem báo).  (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Bộ Y tế bác bỏ tin Bộ trưởng từ chức

 Trước những thông tin trên mạng xã hội về việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xin từ chức, ngày 24/8, ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế rất bất ngờ khi nhận được thông tin từ các mạng xã hội về việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức.

Những ngày này, Bộ trưởng đang tham dự Hội nghị APEC diễn ra tại TPHCM. Theo đại diện Bộ Y tế đây là thông tin sai sự thật. 

Tin đồn trên xuất hiện vào thời điểm xét xử vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần VN Pharma đưa hơn 9.000 hộp thuốc ung thư giả vào Việt Nam. Nhiều thông tin cho rằng, Bộ Y tế có liên quan và trách nhiệm trong vụ bê bối này. (Tiền phong, trang 2).

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm vụ thuốc ung thư giả

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.

Trong những ngày qua TAND TPHCM đã đưa vụ án “Buôn lậu”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Cty cổ phần VN Pharma ra xét xử sơ thẩm. Ngoài bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty VN pharma) và Võ Mạnh Cường (giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C) được xác định là đứng đầu vụ, vụ án còn có 7 bị cáo đồng phạm cùng bị xét xử tại phiên tòa này

Theo cáo trạng công bố tại tòa,  đầu năm 2013, Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư.

Khi Cty VN pharma nhập 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường.

Ngày 8/8/2014, Cục quản lý dược có văn bản gửi Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ công an đề nghị xác minh liên quan tới lô hàng trên. Sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan sang Cơ quan điều tra, Bộ công an để điều tra, xử lý.

Cơ quan điều tra vào cuộc xác định, Hùng đặt mua thuốc Capicitabine 500mg với giá 0,8 USD/viên. Quá trình thương lượng, Hùng và Cường thống nhất giá mua Capicitabine 500mg 0,9 USD/viên. Sau đó Cường liên hệ và mua của người có tên Raymundo ở Philippines (không rõ lai lịch) với giá 0,6 USD/viên.

Do không có hồ sơ kỹ thuật “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để nộp cho Cục quản lý dược, Hùng chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (trưởng phòng) và Hoàn Trúc Vy (nhân viên Cty VN Pharma) thuê dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc Capicitabine 500mg…

Được Cục quản lý dược cấp giấy phép, ngày 13/1/2014, Cường ký hợp đồng bán thuốc Capicitabine 500mg cho Cty VN Pharma, đóng dấu Cty Helix. Từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251 ngàn USD. (Tiền phong, trang 1), Công an nhân dân, trang 1), Sài Gòn giải phóng, trang 1), Lao động, trang 2), An ninh Thủ đô, trang 2), Tuổi trẻ, trang 3), Hà Nội mới, trang 7).

 

Tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng

Ngày 24-8, trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh TCM tại địa phương. Chỉ đạo các sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, quan tâm các bệnh nhân nặng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc men, hóa chất cho công tác phòng chống dịch.

Đối với Sở GD-ĐT cần chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM tại trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhà trẻ. Bộ Y tế cũng đề nghị các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch. 

Qua giám sát của các địa phương từ đầu năm 2017 đến nay cho thấy, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm 1,9%. Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh TCM trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và xu hướng sẽ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới.  (Sài gòn giải phóng, trang 7), Thanh niên, trang 2).

 

Dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Trước những diễn biến khó lường của dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội, chiều 24-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban phòng, chống dịch với các đơn vị. Cho đến thời điểm này, dù số lượng ổ dịch và người bệnh đã có dấu hiệu giảm, song trước diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất chưa triệt để, nhiều người dân còn chủ quan, dẫn đến nguy cơ số người mắc SXH có khả năng tăng cao trở lại.

Chưa có dấu hiệu dịch đã được kiểm soát

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 19.962 người mắc SXH, trong đó có bảy người chết; đã xuất hiện 2.915 ổ dịch và hiện 2.204 ổ dịch được khống chế (chiếm 75,6%). Nhờ làm tốt công tác khám, phân tuyến điều trị, cho nên trong những ngày gần đây, số lượng người đến khám, nhập viện vì SXH có xu hướng chững lại so với thời điểm trước. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú có xu hướng giảm (trung bình các tuần trước có 2.700 người/ngày, tuần này có 2.400 người/ngày). Hiện, tất cả các xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và 4.638 tổ giám sát phòng, chống dịch SXH với sự tham gia của hơn 70 nghìn người.

Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhưng đến nay, công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần khắc phục. Theo đánh giá của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế, công tác phun hóa chất và diệt bọ gậy trên địa bàn Hà Nội chưa được triệt để: 10% số nhà đóng cửa không tiếp cận được, 35% số các hộ không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng một chiếm khoảng 50 - 60%. Mặt khác, mỗi đội phun hóa chất chỉ có một người phun là chưa đúng quy định. Nhiều đội viên xung kích diệt bọ gậy chưa đáp ứng về sức khỏe.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh của Hà Nội vẫn tiếp diễn ở khu vực nội thành và có xu hướng lan rộng tại khu vực ngoại thành. Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số lượng người mắc bệnh SXH và tốc độ gia tăng nhanh. Dù số lượng người mắc bệnh đã có xu hướng chững lại, nhưng trên thực tế chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ thành phố đã kiểm soát được tình hình. Công tác phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy đều chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai mới “nóng” ở thành phố, cấp quận, huyện và xã phường chưa “nóng”, có nơi còn lừng khừng. Thứ trưởng Y tế cảnh báo, nếu Hà Nội không quyết liệt mạnh mẽ hơn từ thành phố tới cơ sở, nhất là ở cấp cơ sở, thì thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên địa bàn sẽ còn diễn biến phức tạp. Đồng chí kiến nghị thành phố có biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể không hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính quyền cơ sở vào cuộc chậm

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã kiểm điểm, chỉ rõ trách nhiệm của Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội khi không chủ động phát hiện những diễn biến bất thường của dịch bệnh, cho nên đưa ra cảnh báo chậm. Đồng chí chỉ rõ, hằng năm, dịch SXH trên địa bàn diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11, nhưng năm nay dịch bệnh đến sớm, ngay từ tháng 1 đã có người mắc, nhưng do chủ quan, thiếu dự báo, cho nên công tác phòng ngừa chưa được triển khai đúng mức. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở còn chậm. Mặt khác, công tác phân loại khám, chữa bệnh ngay từ lúc đầu chưa được thực hiện triệt để, khiến các bệnh viện quá tải.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đã lan ra tất cả 30 quận, huyện, thị xã, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nhất là 1,8 triệu học sinh, sinh viên chuẩn bị về Hà Nội nhập học, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quán triệt và thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí nhấn mạnh: Bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, tổ chức phòng dịch và diệt bọ gậy trên địa bàn. Công tác tuyên truyền cần đến tận các tổ dân phố, thôn xóm để từng người dân biết về bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống, qua đó mỗi người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Các địa phương lập kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi cụ thể về địa bàn, quy mô, thời gian, nhân lực… và phun hóa chất đúng quy định để phát huy hiệu quả diệt muỗi truyền bệnh. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, để bảo đảm cho học sinh, sinh viên mùa tựu trường, đến ngày 5-9, toàn bộ các trường học phải được phun thuốc ba lần. Đồng chí cũng lưu ý, Trung tâm Y tế dự phòng xem xét ý kiến phản ánh của người dân về thuốc phun hiện nay chỉ có tác dụng trong vòng hai giờ, cho nên hiệu quả phòng ngừa chưa cao, nếu đúng thì có thể đề xuất mua thuốc mới thay thế. (Nhân dân, trang Hà Nội), Lao động, trang 2), Thanh niên, trang 3), Công an nhân dân, trang 2).

Cần kiện toàn, duy trì đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết

Ngày 24-8, Bộ Y tế cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) được hiệu quả, bền vững, nhất là trong tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng gia tăng, các địa phương cần kiện toàn lại và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên (CTV) phòng chống SXH tại các xã, phường trọng điểm; bổ sung CTV tại những xã, phường mà dịch có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho đội ngũ CTV hằng tuần đi thăm các hộ dân tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống, cách phát hiện, xử trí khi phát hiện người nghi mắc SXH; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cách xử lý các dụng cụ chứa nước, vận động người dân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, loại trừ bọ gậy…

* Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, trong đó tập trung vệ sinh môi trường; bảo đảm tất cả các đơn vị không có bọ gậy. Phối hợp đơn vị y tế địa phương triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là tại khu nội trú, ký túc xá, vận động cán bộ, giáo viên, công nhân, sinh viên, học sinh và người lao động loại bỏ các ổ bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại đơn vị mình và thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến cáo về dịch bệnh SXH mà cơ quan chuyên môn đề ra…

* Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 302 người mắc SXH. Mặc dù dịch bệnh SXH đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy, bên cạnh việc phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Y tế tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương hướng dẫn tổ chức triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, máy móc, phương tiện sẵn sàng chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình huống có thể xảy ra...

Chủ động ngăn ngừa bệnh tay, chân, miệng
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ngành, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp ngăn ngừa hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM). Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để lan rộng ra cộng đồng...
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 43 nghìn người mắc bệnh TCM, giảm 1,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, số mắc bệnh TCM trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch, nhất là học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới. (Nhân dân, trang 8).

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đi từng nhà, rà từng hộ để diệt hết bọ gậy

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phê bình Trung tâm Y tế dự phòng đã chậm trễ, chủ quan trong công tác phòng sốt xuất huyết và yêu cầu lực lượng xung kích diệt bọ gậy đi từng nhà, rà từng hộ, từng công trình, làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Phun thuốc muỗi, muỗi không chết?

Đồng tình với nhận định tình hình SXH ở Hà Nội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phân tích, ca mắc SXH đầu tiên được phát hiện từ tháng 1. Dịch bệnh đến sớm hơn mọi năm nhưng công tác nắm tình hình, dự báo, phối hợp với các đơn vị khác của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và ngành y tế triển khai muộn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn diệt bọ gậy còn chậm, còn chủ quan nên số ổ dịch, số ca mắc mới tăng cao. “Nếu triển khai việc thông tin, cảnh báo từ sớm, chắc chắn tình hình SXH sẽ không lan rộng như hiện nay. Dịch bệnh diễn biến cả năm, không lúc nào được chủ quan”, Chủ tịch UBND TP nói.

Phê bình hai đơn vị này, Chủ tịch UBND TP cũng nêu việc các bênh viện chưa làm tốt công tác phân loại khi bệnh nhân SXH nhập viện dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều nơi…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời về băn khoăn, phản ánh của người dân, báo chí về việc phun hóa chất diệt muỗi mà muỗi không chết, như vậy thuốc có đảm bảo chất lượng ?

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Hiện nay, Hà Nội sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đã được Bộ Y tế công nhận. Đây là loại thuốc phun không gian. Muỗi đang hoạt động gặp hóa chất là chết. Thuốc chỉ có tác dụng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian sau muỗi vào thì không chết. Theo ông Cảm, thuốc chỉ diệt muỗi mang virus SXH, các loại muỗi mang mầm bệnh khác sẽ không chết.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên xem thuốc có được pha đúng liều lượng không. Thuốc chỉ có giá trị trong một giờ thì cần kiểm tra xem xét lại. Nếu cần thiết thì đổi loại khác”.

Đi từng nhà, rà từng hộ

Trước diễn biến phức tạp của SXH tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP đánh giá, với những điểm mới phát sinh ổ dịch, nếu không làm quyết liết sẽ có nguy cơ lan rộng, nhất là trong diễn biến thời tiết mưa nhiều và khi 1,8 triệu học sinh, sinh viên chuẩn bị vào năm học mới. 

“Đến 5-9, phải hoàn thành phun thuốc 3 lần ở 2.669 trường học, các nơi cư trú của sinh viên. Cùng với đó, cần chú trọng phun thuốc ở các chợ, bệnh viện, trung tâm thể thao, các điểm công cộng. Các cơ quan đóng trên địa bàn đều phải phun thuốc”, Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị quán triệt đầy đủ nội dung kết luận của Thường trực Thành ủy ngày 18-8. Bí thư, Chủ tịch quận huyện, phường xã phải chịu trách nhiệm tổ chức,  hiệu quả công tác phòng chống SXH. Lãnh đạo các sở ban ngành, cán bộ chủ chốt các quận, huyện, phường xã phải tuyên tuyền đến các chi bộ, tổ dân phố, ngõ xóm, làm sao để người dân tự giác, tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy để loại bỏ triệt để mầm bệnh.

“Các lán trại công nhân ngoại tỉnh cũng cần thực hiện vệ sinh, diệt muỗi, bọ gậy. Tôi có nghe người dân phản ánh một số công trình xây dựng vẫn chưa được phun thuốc. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP”, Chủ tịch UBND TP lưu ý. 

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế, Thành đoàn Hà Nội phối hợp đưa lực lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngành y tham gia để công tác tuyên truyền, hướng dẫn chống dịch hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý cần cử lực lượng Cảnh sát khu vực, dân phố, dân phòng tham gia Tổ xung kích diệt bọ gậy đến từng nhà, rà từng hộ, từng công trình, làm đến đâu dứt điểm đến đó, làm đi làm lại đến lúc yên tâm mới thôi.

Sở Tài chính xem xét, thông báo chính sách bồi dưỡng phù hợp với lực lượng xung kích; động viên các y bác sỹ, phân loại bệnh nhân không để quá tải.

Chủ tịch UBND TP nhắc nhở, lãnh đạo thành phố, quận huyện phải thường xuyên kiểm tra đột xuất từng khâu, từng người trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan báo chí thành phố tiếp tục tập trung tuyên truyền để người dân tham gia và biết phòng chống dịch bệnh đúng cách… (An ninh Thủ đô, trang 3), Tuổi trẻ, trang 14).

 

35% hộ dân không chấp nhận phun thuốc muỗi hết các tầng

Tại hội nghị trực tuyến giao ban phòng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) chiều qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.195 ổ dịch, hầu hết là ổ dịch nhỏ. Có 2.361 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân; 437 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân; 117 ổ dịch có 6 bệnh nhân trở lên. Đến nay đã có 2.204 ổ dịch được khống chế. Hà Nội có 220 máy phun thuốc đeo vai, 10 máy phun mù nóng (sắp tới được trang bị thêm 30 máy nữa), 24 máy phun công suất lớn; đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi được hơn 53 nghìn hộ dân (chiếm hơn 86%)...

Xác định việc diệt bọ gậy là rất quan trọng, Hà Nội đã thành lập các Tổ xung kích diệt bọ gậy ở tất cả các phường. Từ ngày 12 đến 22-8, các đội xung kích và các lực lượng khác đã kiểm tra được hơn 3 triệu lượt hộ gia đình, hơn 5,6 triệu dụng cụ chứa nước; kiểm tra 3.887 lượt công trường xây dựng... Các đoàn thể, học sinh, công an, quân đội đã vào cuộc quyết liệt cùng chính quyền các cấp tham gia phòng chống dịch.

Những ngày gần đây, số ca mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ (tuần từ ngày 10 đến 16-8 có 3.440 ca mắc; tuần từ ngày 17 đến 23-8 có 3.100 ca). Đến nay số ca mắc SXH đã có xu hướng chững lại, tuy nhiên với diễn biến thời tiết vào mùa mưa nên tình hình dịch SXH còn tiềm ẩn nguy cơ cao, đặc biệt khi năm học mới đang đến rất gần.

Tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất. Bên cạnh đó, dù 100% các phường đã có đội xung kích diệt bọ gậy nhưng một số nơi hiệu quả chưa cao. Do đó, theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia Bộ Y tế cho thấy, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa triệt để. 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được, 35% hộ không chấp nhận phun hết các tầng...

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, một trong những bất cập hiện nay là việc tổ chức đội phun thuốc diệt muỗi chỉ có một người, khi phải leo tầng cao với thời gian lâu, sức khỏe không đảm bảo dẫn đến ngại, bỏ qua. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

​Mổ mắt miễn phí cho 230 bệnh nhân

230 bệnh nhân tại Quảng Ngãi và Bình Định vừa được đoàn bác sĩ Bệnh viện mắt TP.HCM phối hợp với Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ, Quảng Ngãi) phẫu thuật miễn phí thay thủy tinh thể. Cụ thể 230 bệnh nhân ở thành phố Quảng Ngãi và các huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định) đã được khám, cấp thuốc và phẩu thuật thay thủy tinh thể miễn phí vào ngày hôm nay, 24-8.

Những bệnh nhân này được phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, là phương pháp tiên tiến trong giai đoạn hiện nay.

Tổng giá trị đợt khám, cấp thuốc và phẫu thuật trên 460 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của bệnh viện mắt TP.HCM và các nhà hảo tâm. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí: Phát hiện và xử trí thành công ca bệnh hiếm gặp trong sản khoa

Một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa vừa diễn ra tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Một sản phụ có nguy cơ tắc mạch sau quá trình mổ lấy thai đã được các bác sĩ can thiệp thành công. Hiện nay sức khỏe sản phụ và trẻ dần ổn định. Vừa qua, chị Lê Thị L. sinh năm 1996 địa chỉ Thôn 2, Hoàng Tân, Quảng Yên vừa trải qua một cuộc phẫu thuật hiếm gặp. Nhập viện cấp cứu ngày 21/8 với tình trạng ối vỡ, đau bụng từng cơn vùng hạ vị. Sau thăm khám và siêu âm các bác sĩ chẩn đoán người bệnh chuyển dạ đẻ lần 1, ối vỡ sớm, thai 38  tuần, ngôi ngược, siêu âm trọng lượng ước 3.650g được chỉ định mổ cấp cứu.

Sau 30 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được một bé trai nặng 3.6kg, da hồng hào, khóc to, phản xạ sơ sinh nhanh nhẹn. Tuy nhiên sau khi lấy thai xong phát hiện sản phụ bị đờ tử cung (tử cung không đáp ứng), máu trong buồng tử cung chảy nhiều thành dòng ngay lập tức các bác sĩ đã dùng thuốc tăng cơn co tử cung và can thiệp cầm máu.

Sau khi tử cung ổn định và chuẩn bị khâu đóng bụng thì phát hiện tại vị trí xoang tĩnh mạch cạnh tử cung bên trái của sản phụ xuất hiện hình ảnh nghi ngờ chất gây huyết khối và kèm theo nhiều bọt khí trong lòng tĩnh mạch. Phát hiện nguy cơ, lập tức các bác sĩ tiến hành khống chế kẹp tĩnh mạch tại 2 vị trí trên và dưới đoạn nghi ngờ có huyết khối và mở xoang tĩnh mạch, bóc tách lấy ra được 2 khối chất gây kích thước 0.5x0.5 mm kèm theo huyết khối và khí, sau đó nối khâu lại tĩnh mạch đồng thời xét nghiệm D-Dimer cho kết quả 19.888 ng/ml (dấu hiệu cho thấy yếu tố rối loạn đông cầm máu) – nguy cơ tắc mạch và có thể nguy hại cho tính mạng sản phụ. Sau phẫu thuật, kiểm tra đánh giá tình trạng người bệnh tỉnh, tử cung co hồi tốt, xét nghiệm D-Dimer cho kết quả 5.600 ng/ml.

Hiện tại sức khỏe của sản phụ đang dần hồi phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị sau phẫu thuật (truyền 3 đơn vị huyết tương và 2 đơn vị máu) Hiện tại, sức khỏe sản phụ ổn định.

Bác sĩ Chuyên khoa II. Vũ Thị Dung – Trưởng khoa Sản phụ theo yêu cầu – bác sĩ phẫu thuật chính trong kíp mổ cho biết: “Đây là một trường hợp hi hữu trong sản khoa. tại bệnh viện chưa từng tiếp nhận trường hợp nào như vậy. Với bệnh lý này thì bất kỳ sản phụ nào cũng có thể có nguy cơ. Nếu không được can thiệp kịp thời sản phụ có thể bị tắc mạch phổi … rất nguy hiểm cho tính mạng sản phụ”. Như một trường hợp mới ghi nhận vào tháng 5/2017 tại Hoa Kỳ một sản phụ đã tử vong vì tắc mạch phổi sau sinh, một số trường hợp tắc mạch ối khác đã được ghi nhận tại Việt Nam. Còn theo một số tài liệu thì tỷ lệ tắc mạch sau sinh trên thế giới là 1/8000 trường hợp.

Việc tiên lượng và xử trí kịp thời luôn là những vấn đề đặt lên hàng đầu của các bác sĩ. Do đó việc cập nhật kiến thức và trau dồi kinh nghiệm sẽ giúp các Bác sĩ làm chủ được tình huống. Và trong trường hợp này các thầy thuốc của bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đã làm được điều đó, giúp người bệnh thoát khỏi những biến chứng nguy hiểm trong Sản khoa và ngày một khẳng định được tay nghề của người thầy thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang