Xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết”.
Chiều 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước
Theo Tờ trình, ngày 23/11/2009 Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân.
Hiện nay cả nước có khoảng 52.000 cơ sở khám, chữa bệnh cả của nhà nước và tư nhân cung ứng dịch vụ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến được áp dụng góp phần tăng tuổi thọ bình quân của người dân lên 73,7 tuổi.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, vấn đề trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết về quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về các vấn đề chuyên môn và phân cấp, phân quyền… Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.
Xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Người nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh phải sử dụng thành thạo tiếng Việt
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo Luật nêu rõ, về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: Bác sĩ; Y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic). Các đối tượng là Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề, theo đó nếu sau 05 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề: Đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề; Không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.
Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Về quản lý người hành nghề, Tờ trình bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề. Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong Luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh. Bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Y tế ban hành
Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình bổ sung quy định bắt buộc phải áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Y tế ban hành đồng thời khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế. Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định: Cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình cho biết, thực hiện việc cải cách trong cấp giấy phép hành nghề theo hướng: tập trung đầu mối cấp, quản lý hoạt động của người hành nghề thông qua việc giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề. Việc thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động theo hướng: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp cho các cơ sở trực thuộc Bộ; Sở Y tế cấp cho các cơ sở còn lại trên địa bàn, bao gồm cả bệnh viện tư nhân và các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác.
Phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới theo hướng: Bộ Y tế chỉ cho phép đối với các kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc các kỹ thuật chuyên môn sâu như ghép tạng; Cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành và địa phương sẽ cho phép áp dụng đối với các kỹ thuật còn lại.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Tờ trình cho biết, tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn gồm: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, quy định giá khám bệnh, chữa bệnh gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tờ trình nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; Căn cứ khung giá của Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như các điều kiện khác để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài tại Việt Nam, Dự thảo Luật quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam bắt buộc phải biết Tiếng Việt thành thạo và không được sử dụng phiên dịch. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là cho phép sử dụng phiên dịch. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Bệnh đậu mùa khỉ: Đường lây truyền và cách phòng ngừa cần làm ngay
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn và đưa ra những cảnh báo về căn bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát tại 12 quốc gia trên thế giới và có nguy cơ lan sang nhiều nước khác.
1. Đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có "họ hàng" với bệnh đậu mùa phổ biến. Đó là loại virus thuộc chi Orthopoxvirus gây ra.
2. Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ
Theo các tài liệu, chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì khỉ chưa chắc chắn là tác nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh này. Theo WHO, nhiều khả năng loài gậm nhấm chính là nguồn lây lớn nhất, tuy vậy, vẫn chưa thể xác định một cách chính xác nguồn lây từ đâu, do đó đang phải chờ các nhà nghiên cứu.
3. Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ
- Trước đây, trong y văn ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) của người nhiễm bệnh.
- Y văn cũng chưa ghi nhận việc bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, theo thông tin từ WHO, nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và người song tính, vì vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu chi tiết hơn.
- Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).
- Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh và trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh. Đáng lưu ý, tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ.
4. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Thời gian ủ bệnh:
Thông thường sau khi nhiễm virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện.
Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.
Thời kỳ toàn phát bệnh đậu mùa khỉ:
- Các triệu chứng bao gồm sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng, các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt từ 1 đến 3 ngày, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban. Các nốt phát ban có thể xuất hiện ở trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt), lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc), cơ quan sinh dục ngoài…
- Các nốt phát ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ, sau đó khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.
- Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt.
- Hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao bao gồm: Người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém... Đặc biệt, một số trường hợp có thể bị biến chứng.
5. Biến chứng do bệnh đậu mùa khỉ
Các biến chứng thường gặp của bệnh này như nhiễm trùng máu (có nguy cơ gây tử vong), viêm não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực. Đối với các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn.
Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh, đặc biệt trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.
6. Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Tuy nước ta chưa có bệnh đậu mùa khỉ nhưng cần cách giác và tránh hoang mang lo sợ quá mức. Việc cảnh giác và phòng bệnh là hết sức cần thiết. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám bệnh và cách ly.
- Cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
- Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5).
Dịch đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế
Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát, phát hiện ca nghi ngờ tại cửa khẩu, cơ sở y tế...
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước về viẹc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga gối đệm.
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 21/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khi trước đây.
Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khi và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung, cụ thể:
- Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ;
- Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
- Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Bộ Y tế: Địa phương nào không nhận đủ vaccine COVID-19 tiêm cho các đối tượng, để xảy ra dịch, phải chịu trách nhiệm
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các địa phương có văn bản đăng ký nhu cầu tháng 5-6/2022 chưa đầy đủ, hoặc đề nghị không nhận vaccine COVID-19 hoặc điều chuyển vaccine đã được phân bổ dẫn đến việc có thể không đạt được mục tiêu...
Bộ Y tế vừa Công điện 702/CĐ-BYT gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Tính đến ngày 21/5/2022, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 219 triệu liều vaccine phòng COVID-19; các địa phương đã nỗ lực tổ chức tiêm chủng trong thời gian qua đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, đạt tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cao.
Hiện nay số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng.
Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát đối tượng tiêm và đề xuất nhu cầu vaccine trong thời gian tới, tuy nhiên theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các địa phương có văn bản đăng ký nhu cầu tháng 5-6/2022 chưa đầy đủ, một số địa phương có văn bản đề nghị không nhận vaccine hoặc điều chuyển vaccine đã được phân bổ dẫn đến việc có thể không đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương (Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ).
Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể:
Tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý II năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 và tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 2357/BYT-DP ngày 09/5/2022. Đồng thời giao chỉ tiêu tiêm chủng cho các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, phường, thị trấn. Đối với các nơi tiêm chủng chậm cần điều ngay lực lượng hỗ trợ để tiêm nhanh nhất có thể.
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ.
Trước đó, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản 'nhắc' các địa phương tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, chuẩn bị các điều kiện để tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn (Sức khoẻ & đời sống, trang 8).
Phòng bệnh mùa hè cho trẻ phải như phòng COVID-19
Thông tin những ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng chuyển nặng, trẻ tử vong khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Bởi, giai đoạn này trẻ vẫn đang đến trường, tiếp xúc với môi trường nhiều virus, vi khuẩn. Trước thực tế đó, các bác sĩ khuyến cáo, phòng chống bệnh mùa hè cho trẻ cũng cần rửa tay sát khuẩn, vệ sinh… như với COVID-19.
Sau COVID-19, cha mẹ chủ quan không phòng dịch
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, việc thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm là môi trường thuận lợi để vi sinh vật phát triển. Trong đó có những virus gây bệnh Tay chân miệng, rối loạn tiêu hoá, hô hấp…
Khi cơ thể trẻ nhiễm virus sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các con vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tạo thành bệnh lý nhiễm trùng sau đó. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là thời gian này, sau khi bị COVID-19 thì nhiều gia đình lơ là chuyện diệt khuẩn, rửa tay, vệ sinh cho trẻ. Đây cũng là yếu tố khiến số trẻ mắc bệnh tăng cao. Bởi, trong thời gian phòng bệnh COVID-19, một phần vì trẻ chưa đến trường, phần khác người dân chú trọng việc vệ sinh nên giảm hẳn nhiều bệnh về tiêu hoá, virus…
Bác sĩ Trương Thị Hoài - Khoa Nhi Bệnh viện 199 Đà Nẵng - chia sẻ: “Biện pháp phòng ngừa chính của những bệnh truyền nhiễm không khác gì với những biện pháp phòng ngừa COVID-19 như sát khuẩn tay thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay dưới vòi nước sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn. Bố mẹ cũng cần tăng sức đề kháng cho con, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách cho con ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vi chất như kẽm, vitamin C theo hướng dẫn của bác sĩ tuỳ vào độ tuổi.
Khi trẻ bị bệnh thì cần cách ly bé với những trẻ khác trong gia đình. Vệ sinh các vật dụng, tay nắm cửa, khử khuẩn mọi thứ trong tầm với của bé, đồ chơi…”.
Không chủ quan điều trị tại nhà
Bên cạnh việc phòng ngừa bệnh thì việc điều trị đúng bệnh, kịp thời cũng rất quan trọng. Đặc biệt là với bệnh tay chân miệng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo trong trường hợp trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, các bậc phụ huynh cần đưa con đến khám ở các cơ sở y tế khi có những tình trạng như con sốt cao, ói mọi thứ không ăn được gì, bé lừ đừ, bỏ bú, ăn kém, uống kém, ngủ li bì, khó đánh thức, khó thở, ho nhiều, ho đờm, tím tái, co giật, phát ban dưới da…
“Hiện đang là mùa tay chân miệng, dù là bệnh thường gặp ở trẻ nhưng lại có biến chứng và biến chứng rất nặng khi ảnh hưởng lên thân não và tim nên phụ huynh phải chú ý. Nếu thấy bé giật mình chới với, hoảng sợ 2 lần trong 30 phút hay bé đi loạng choạng, dễ té ngã nên đi khám ngay. Với những bé sốt có phát ban thì nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị tốt nhất cho con. (Lao động, trang 4).