Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của sởi, thủy đậu
Những ngày qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như BVĐK Xanh Pôn, BV Nhi TW, BV Bạch Mai... đã ghi nhận rải rác các ca bệnh sởi. Các chuyên gia lo ngại, thời tiết chuyển mùa như hiện nay cùng với nhiều gia đình chủ quan bỏ tiêm chủng cho trẻ, chính là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi bùng phát...
Gia tăng số trường hợp sởi, thủy đậu
Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TW) từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3-5 tuổi, trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong do sởi là bé trai N.K. (sinh năm 2014, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).
Theo BS. Đỗ Thị Thúy Nga (Khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW), thời tiết giao mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm như thủy đậu có nguy cơ bùng phát. Chỉ hơn 2 tháng, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hơn 40 ca điều trị nội trú vì thủy đậu.
Chị Q.T.H (ở Mỹ Đức, Hà Nội) có con đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm cho biết, cả nhà chị có 4/4 người mắc thủy đậu. Sau Tết Nguyên đán, con trai lớn của chị mắc thủy đậu, chỉ 4-5 ngày là khỏi, nhưng ngay sau đó cả bố, em trai bé cũng mắc thủy đậu. Chồng chị đang điều trị ở BVĐK huyện Mỹ Đức, còn con trai út là cháu Q.C.B (4 tháng tuổi) vào BV Nhi TW để điều trị viêm phổi, sau vài ngày lại bị thủy đậu và lây cho mẹ.
Cùng phòng điều trị với con chị H, còn có bệnh nhi gặp biến chứng viêm não do mắc thủy đậu. Chị P.T.H, mẹ bệnh nhi K.N (12 tuổi, ở TP. Nam Định) cho biết, sau khi sốt nhẹ một ngày, cháu K.N bỗng ngất lịm đi khiến gia đình tá hỏa đưa vào BVĐK tỉnh Nam Định cấp cứu, sau đó chuyển thẳng lên BV Nhi TW tối 10/3. Sau một ngày đêm hôn mê sâu, cháu K.N dần hồi tỉnh, bình phục. Hai ngày sau, cháu được chuyển về Khoa Truyền nhiễm. Các bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi, làm thêm các đánh giá về tình hình sức khỏe của cháu.
Ngoài ra, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca mắc cúm vào điều trị nội trú. Tính trên toàn viện, số tới khám vì các triệu chứng cúm lớn hơn rất nhiều. Hiện tại khoa có gần 55 bệnh nhi điều trị vì cúm. Mỗi ngày hiện khoa vẫn có thêm 10-13 ca vào mới vì bệnh này.
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ
BS. Đỗ Thị Thúy Nga cảnh báo, người dân vẫn cho rằng, bệnh ho gà, thủy đậu, cúm và bệnh sởi là các bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan. Tuy nhiên, trên thực tế, những biến chứng viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa, tiêu chảy... hoàn toàn có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, nhất là trẻ nhỏ.
“Không chỉ những bệnh nhân có bệnh lý nền, thể trạng không tốt mà ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm với diễn tiến bất ngờ của bệnh. Chúng tôi đã tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, có biến chứng nên phải can thiệp thở máy”, BS. Đỗ Thị Thúy Nga nói.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, số ca mắc sởi đang gia tăng trên địa bàn. Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi, riêng trong tuần từ ngày 12-18/3, tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc. TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, dù các ca bệnh mới chỉ xuất hiện rải rác và vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không ai dám chủ quan. Chu kỳ dịch sởi đã rút ngắn lại - khoảng 4-5 năm/lần (trước đây là 9-10 năm/lần). Hơn nữa, cách đây hơn 4 năm, vụ dịch sởi năm 2014 bắt đầu từ những ca mắc lẻ tẻ, sau đó đã bùng phát mạnh khiến hơn 100 trẻ tử vong. “Với địa bàn rộng, dân cư đông như Hà Nội thì không thể chủ quan. Yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát trở lại của bệnh sởi và nhiều bệnh khác còn xuất phát từ “khoảng trống” tiêm chủng trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần, phòng trường hợp trẻ đến lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay trong tuần sau” - TS. Nguyễn Nhật Cảm cho biết.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám. Để chủ động đối phó với căn bệnh này, giải pháp quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Tiền phong, trang 4).
Hoại tử da vùng cổ vì tự ý chữa bướu cổ bằng thuốc nam
Bệnh viện Nột tiết Trung ương vừa tiếp nhận và điều chị cho bệnh nhân L.T.T (sinh năm 1985, Thanh Hóa), mắc bệnh bướu cổ đã gần 10 năm. Bệnh nhân này đã từng đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bệnh nhân không đi theo phác đồ điều trị của các bệnh viện mà lại nghe theo lời giới thiệu từ những người xung quanh, đến các cơ sở khám chữa bệnh tự phát tại Hải Dương, Hưng Yên... Tại các cơ sở này, bệnh nhân được cho uống, đắp các loại thuốc nam lên vùng cổ. Sau khoảng 5 - 10 ngày, vùng da tại vị trí đắp thuốc bị bong ra, rơi xuống và hoại tử nghiêm trọng. Tuy nhiên các thầy lang lại nói rằng đã “bóc được bướu, tan được chân”. Chi phí cho việc điều trị (từ ngày đắp thuốc cho đến ngày bong da) cũng hết trên dưới 10 triệu đồng.
Trong thời gian gần đây, bệnh nhân này lại nghe theo lời giới thiệu của người quen đến chữa bệnh tại nhà một thầy lang ở Yên Mỹ (Hưng Yên). Sau khi dùng thuốc ở đây được vài tháng, bệnh nhân mệt mỏi, sút cân nhiều và phải nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương với tình trạng mệt thỉu, người gầy yếu (38kg), mạch nhanh, cổ phình to, nhiều vết sẹo lớn nhăn nhúm trên cổ, mắt lồi, tay run. Đây là những biểu hiện đặc trưng của bệnh bướu cổ.
Không chỉ có trường hợp của bệnh nhân L.T.T, thời gian gần đây Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên đón nhận các bệnh nhân bướu cổ tự ý điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép. Tại đây, họ được tư vấn uống thuốc nam, đắp thuốc lá, cao dán lên cổ để điều trị bệnh.
Không may là dù rất tốn kém nhưng tình trạng bệnh không hề thuyên giảm, các vết đắp thuốc trên da xảy ra tình trạng bỏng rát, hoại tử, để lại di chứng là những vết sẹo lớn, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tự ti khi giao tiếp. Có những trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu; Ý thức lơ mơ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, phải đặt nội khí quản, thở máy, nguy cơ tử vong cao do không được điều trị đúng phương pháp, kịp thời.
Để tránh tình trạng tiền mất tật mang, bác sỹ Trần Văn Đồng – Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa về nội tiết để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Phẫu thuật thành công nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa cho bệnh nhi
Đây là kết quả chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ với tổ chức IPSAC- VN nhằm hỗ trợ và đẩy mạnh phẫu thuật nhi khoa cho Việt Nam. Chương trình hợp tác đã được triển khai hai năm qua tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Trong tháng 3/2018, đoàn đã hỗ trợ và phẫu thuật thành công cho 6 trường hợp, tróng đó, 2 trường hợp Hirschsprung, 1 trường hợp dị dạng hậu môn trực tràng, 1 trường hợp táo bón nặng, 2 trường hợp tắc tá tràng (1 trường hợp đa dị tật). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô
Chiều 25-3, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô kỷ niệm 60 Ngày thành lập; vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước tặng thưởng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. |
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển... gửi lẵng hoa chúc mừng. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô lời chúc mừng nồng nhiệt và tốt đẹp nhất. Thủ tướng vui mừng được biết đội ngũ cán bộ, y bác sĩ luôn nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện y đức, đưa bệnh viện thật sự trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của nhân dân Hà Nội và cả nước. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích bệnh viện đạt được trong suốt 60 năm qua, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp của ngành y tế nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Thủ tướng đề nghị bệnh viện nỗ lực trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật cao, hàng đầu của đất nước, tự chủ ngày càng cao về tài chính, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc khám chữa bệnh cho các lãnh đạo, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bệnh viện quán triệt sâu sắc, bám sát nội dụng, thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết T.Ư 6 khoá XII; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục trau dồi y đức, phát huy tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy mô hình phối hợp, liên kết các bệnh viện đầu ngành khác để huy động đội ngũ chuyên gia giỏi; nỗ lực tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ; chủ động đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, tận tâm cống hiến; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị bệnh viện; bảo đảm an ninh, an toàn tại bệnh viện. Với nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý tốt hơn trang thiết bị y tế, làm tốt công tác mua sắm thiết bị; bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh chất lượng tốt, giá cả hợp lý; không để sai sót, thất thoát, lãng phí, đặt gánh nặng lên vai người bệnh; đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập gắn với xã hội hóa, chủ động hơn nữa về nguồn lực, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn để bệnh viện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao; giao TP Hà Nội bảo đảm an ninh, an toàn, giao thông thuận lợi cho bệnh viện. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai tặng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng một số tập thể, cá nhân của bệnh viện. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm một số khoa khám chữa bệnh, thăm các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. (Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).
Hà Nội: Cuối 2018, gần 2/3 thủ tục hành chính trong ngành y tế sẽ làm trực tuyếnSở Y tế Hà Nội vừa đăng ký thêm 39 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 thực hiện trong năm 2016 và dự kiến đến hết năm nay sẽ đạt 109 dịch vụ công/175 thủ tục hành chính, chiếm 62,3%. TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2017, Sở Y tế đã vận hành 70 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong đó Bộ Y tế triển khai 54 dịch vụ công (về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm), thành phố triển khai 16 dịch vụ công cấp độ 3. Tổng số đã có trên 4.000 hồ sơ cần thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Hà Nội được tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chỉ thống kê riêng số lượng văn bản gửi và nhận qua mạng trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại Sở Y tế hiện là trên 23.000 văn bản. Phát huy hiệu quả từ việc này, năm 2018, Sở Y tế Hà Nội vừa đăng ký thêm 39 dịch vụ công cấp độ 3, 4 và dự kiến đến hết năm sẽ đạt 109 dịch vụ công/175 thủ tục hành chính, chiếm 62,3%. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân tích hợp quản lý số liệu tầm soát ung thư sớm.; Triển khai thêm 6 phần mềm mới về quản lý bệnh viện đáp ứng yêu cầu liên thông dữ liệu quản lý thanh toán BHYT trực tuyến; phần mềm quản lý y tế cơ sở bao gồm các hoạt động khám chữa bệnh, báo cáo thống kê, thanh toán BHYT… Đặc biệt, năm nay, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện, triển khai phần mềm quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, quản lý cơ sở an toàn thực phẩm, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế và phần mềm tích hợp, tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại 7 địa phươngChính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế. Phạm vi thí điểm không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thí điểm là 1 năm. Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. Ngân sách cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên và TP Hà Nội, TP.HCM, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6-2018. Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Cả nhà rủ nhau đi hiến tạng Với quan niệm “Sống thì hãy cho đi thứ mình có”, thầy Phạm Phúc Thịnh cùng bảy thành viên trong gia đình đã cùng nhau đăng ký hiến tạng. Sau khi xem chương trình giới thiệu về Trung tâm hiến tạng Bv Chợ Rẫy, TP.HCM cũng như biết được nhu cầu cần tạng hiến hiện nay, thầy Thịnh và một số thành viên trong gia đình đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Thấu hiểu nỗi đau mất người thân vì thiếu tạng ghép Thầy Thịnh là hiệu trưởng của một hệ thống trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM. Chia sẻ về quyết định của gia đình mình, thầy Thịnh cười bảo: “Tối đó, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm thì trên tivi có chiếu chương trình đề cập đến nhu cầu cần tạng hiến ở Việt Nam hiện nay. Sau khi xem, mọi người trong nhà bàn tán, sau đó từ người lớn đến trẻ nhỏ đều suy nghĩ nghiêm túc và đi đến quyết định sẽ hiến toàn bộ tạng của mình nếu qua đời”. Thầy Thịnh cho biết sự việc đã xảy ra cách đây ba năm rồi. Hồi đó, mẹ của thầy vẫn còn sống. Khi nghĩ đến việc hiến tạng, mọi người trong nhà đã tới hỏi ý kiến người mẹ: “Mẹ ơi, tụi con muốn đi hiến tạng, mẹ thấy thế nào?”. “Mẹ tôi chỉ bảo cái gì mình làm được cho người khác thì các con hãy làm. Các con hãy cho đi những thứ mình có, mẹ không phản đối. Bởi từng phải gánh chịu nỗi đau mất chồng vì bệnh ung thư máu mà không tìm được người cho tủy nên mẹ tôi hiểu được rõ tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của việc các con sắp làm” - thầy Thịnh nhớ lại. Cha mất từ khi thầy Thịnh còn nhỏ tuổi. Vì thế, một mình người mẹ phải gồng gánh nuôi mấy anh em thầy ăn học nên người. Bà phải giữ hai vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha. Cho nên trong cách giáo dục của bà vừa có sự nhân hậu của người mẹ lại có thái độ kiên quyết của người cha. “Mẹ luôn dạy chúng tôi sống trên đời phải biết chia sẻ với mọi người. Các con hãy cho đi thứ mà mình có, đừng mong nhận lại” - thầy Thịnh nói. Sau buổi tối đó, cả gia đình thầy cùng nhau đi đăng ký hiến tạng. Thế nhưng sau khi kiểm tra sức khỏe, chỉ có tám người thích hợp để được đăng ký hiến. Thầy Thịnh có hai đứa con, một trai và một gái. Thầy cũng trò chuyện với các con về quyết định của mình. “Cha sẽ đi đăng ký hiến tạng. Việc này cha sẽ không ép các con. Nếu các con thích thì hãy làm. Và cuối cùng cả hai đứa con của tôi cùng đồng ý hiến tạng như tôi” - thầy Thịnh nói. Nhắc đến hai con của mình, thầy Thịnh cho hay: “Mấy đứa nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục của gia đình từ nhỏ. Cứ mỗi mùa hè, khi hai đứa nghỉ học, bác ruột lại dẫn về Pleiku chơi. Tại đây, hai con tôi được bác chở tới những ngôi nhà nuôi dạy trẻ em bị bệnh Down. Các con đã dạy các em làm bánh, làm yaourt. Chưa kể tụi nhỏ thường thấy anh chị con bác dành chiều cuối tuần đi gom quần áo cũ về giặt cho những người vô gia cư. Những việc làm nhỏ cứ thấm dần trong suy nghĩ của các con và có thể nói việc đăng ký hiến tạng là kết quả tất yếu bởi các con tôi đã học được sự chia sẻ từ mọi người” - thầy Thịnh bày tỏ. Khó khăn lớn nhất của thầy Thịnh là thuyết phục vợ. Vợ của thầy luôn quan niệm “chết phải toàn thây” nên không ủng hộ chồng con cho đi bất cứ bộ phận nào của cơ thể. “Lúc đó tôi bảo cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi, con người lúc xuôi tay nhắm mắt sẽ chẳng thể mang theo được gì sang thế giới bên kia. Thế nhưng nếu khi mất đi, những bộ phận trên cơ thể mình có thể giúp ích cho người khác đó cũng là điều nên làm. Hơn nữa, nếu biết trái tim hay quả thận của họ đang có người sử dụng thì xem như người thân mình vẫn tồn tại, sự sống vẫn được tiếp diễn. Nghe tôi nói thế, bà xã cảm động và gật đầu ủng hộ” - thầy Thịnh chia sẻ. Sau đó, ba cha con thầy đã đến BV Chợ Rẫy để làm thủ tục đăng ký hiến tạng. Tại đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, trong đơn đăng ký, thầy Thịnh cùng hai con đã tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận sẽ hiến tặng sau khi qua đời. Từ ngày đăng ký hiến tạng, thầy Thịnh luôn dặn các con phải mang thẻ bên người với những giấy tờ cần thiết. “Chẳng may có một sự cố bất ngờ xảy ra, không thể qua khỏi, chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng. Từ đó, họ sẽ thông báo cho đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, bảo quản xác và tiến hành lấy tạng để ghép cho người bệnh càng sớm càng tốt” - thầy Thịnh bày tỏ. Nhiều học sinh của trường biết chuyện đã tìm tới để được trò chuyện cùng thầy. “Khi đó tôi chỉ bảo việc làm này không có gì là to lớn hết. Chuyện đó các con cũng có thể làm được nếu các con muốn. Nếu các con trên 18 tuổi, các con có quyền quyết định, còn bây giờ các con hãy xin phép cha mẹ. Tôi hy vọng nhiều người sẽ có suy nghĩ như tôi. Như thế nhiều bệnh nhân sẽ được cứu sống” - thầy Thịnh nói. Một việc làm đáng ngưỡng mộ Việc làm của thầy Thịnh cũng như cả gia tộc của thầy thật đáng ngưỡng mộ. Bởi trong cuộc sống hiện nay, có được mấy ai có suy nghĩ như thế. Trong công tác chuyên môn, thầy là người luôn đổi mới, sáng tạo. Thầy luôn quan tâm đến học sinh cũng như giáo viên. Thầy luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Vì thế, học sinh trong trường đều quý mến thầy. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 12) |
Sự thật về nước A chữa bách bệnh
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nước A (dung dịch anolyte) có khả năng trị bách bệnh. Sự thật tác dụng của loại nước này đến đâu, các bác sĩ nói gì?
Thông tin về sự kỳ diệu của nước A xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Loại nước này được ca ngợi có khả năng diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc. Thậm chí những bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, á sừng, tổ đỉa, trứng cá dùng nước này cũng trị dứt luôn.
Trị từ hôi nách đến bệnh dạ dày?
Không chỉ dừng lại ở đó, tác dụng của nước A còn được tâng lên tận mây xanh khi nhiều người cho rằng nó còn giúp “giải quyết” cả bệnh viêm tai giữa , viêm mũi , họng, amidan, viêm xoang, hôi nách, hôi chân, đường ruột, dạ dày…, thậm chí HIV.
Được cho là có thể trị bách bệnh nhưng hầu hết các nhà thuốc mà PV hỏi đều không biết về loại nước này. Tuy nhiên, mua nước A trên mạng lại rất dễ do có vô số tin rao bán.
Sau khi liên hệ qua điện thoại với một người bán nước A tên Linh qua tài khoản Facebook “Dung dịch anolyte”, người này cho biết hiện sống ở Hà Nội nhưng sẵn sàng cung cấp hàng cho khách có nhu cầu ở bất cứ đâu. “Nước A thuận tự nhiên chính là dung dịch anolyte được điện phân từ muối ăn. Giá tôi bán hiện nay mỗi bình 1,5 lít là 55.000 đồng. Thanh toán rất linh hoạt, khách hàng có thể chuyển khoản hoặc trả tiền cho người giao hàng khi nhận được hàng” - ông Linh hào hứng.
Khi PV hỏi mua nước A để trị viêm họng, viêm xoang, đau dạ dày, ông Linh tư vấn nếu bị viêm xoang thì dùng nước A để rửa mũi, còn viêm họng, đau dạ dày cần phải uống trực tiếp vì nước A có tác dụng diệt khuẩn, phải tiếp xúc với vi khuẩn thì mới diệt hết được. “Mỗi ngày anh nên uống từ hai đến ba lần. Đơn giản lắm, liều lượng là cứ một phần nước A pha với ba phần nước ấm cho ra 200 ml rồi uống. Uống như tôi hướng dẫn liên tục một tuần bệnh sẽ giảm và dần dần tự hết. Nói không phải khoe, không ít người đã khỏi bệnh nhờ uống nước A của tôi rồi đó” - ông Linh quảng cáo.
Ngoài ra, tài khoản Facebook này còn đăng tải clip một phụ nữ hướng dẫn cách sử dụng nước A điều trị chàm sữa cho trẻ nhỏ. Theo người phụ nữ, mỗi ngày đều đặn lau mặt cho trẻ bằng nước A pha với nước ấm từ ba đến năm lần (mỗi lần năm phút) trong một tuần là trẻ sẽ dứt chàm sữa.
Như để xác nhận tác dụng của nước A, Facebook này cũng đăng tải nhiều bình luận của khách hàng. Một khách hàng tên VTH cho rằng mình đã dùng anolyte chữa viêm họng, viêm xoang, viêm tai. Thậm chí còn dùng để trị bệnh cho cánh đồng lúa bị bệnh nấm lùn sọc đen, chữa bệnh đi ngoài cho gia súc… rất hiệu quả.
Tôi chưa từng nghe đến tên dung dịch anolyte. Ngoài ra, phác đồ điều trị các bệnh lý liên quan tai, mũi, họng do Bộ Y tế ban hành cũng không có dung dịch mang tên này.
Không có bằng chứng khoa học
“Hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy vai trò của dung dịch anolyte có thể điều trị các bệnh lý về da. Tôi cũng chưa từng nghe nói đến dung dịch có tên anolyte” - ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, khoa Khám bệnh, BV Da liễu TP.HCM, nhấn mạnh.
Nói về clip người phụ nữ hướng dẫn điều trị chàm sữa bằng dung dịch anolyte, BS Ánh Tú cho biết trẻ bị chàm sữa do có yếu tố về gen và môi trường. Đây lại là bệnh mạn tính nên dễ có nguy cơ tái phát. Do vậy, cho dù đã điều trị ổn định nhưng vẫn phải duy trì phác đồ chữa trị để hạn chế nguy cơ tái phát. “Viêm da tiếp xúc dị ứng liên quan nhiều yếu tố, còn lang ben do vi nấm gây ra. Mỗi bệnh đều có phác đồ điều trị riêng. Không thể sử dụng dung dịch anolyte để chữa tất cả loại bệnh liên quan đến da” - BS nói.
Tương tự, TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 TP.HCM, khẳng định dung dịch có tên anolyte không được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đường ruột, dạ dày. “Do không được chứng minh tác dụng chữa bệnh bằng các công trình nghiên cứu khoa học nên không loại trừ dung dịch mang tên anolyte có nguy cơ gây hại cho người sử dụng” - BS Phượng nêu quan điểm.
Các bác sĩ mà PV Pháp Luật TP.HCM tiếp xúc đều không biết về dung dịch mang tên anolyte. Theo các thông tin trên mạng thì dung dịch anolyte là sản phẩm của quá trình điện phân nước muối loãng (khoảng 5‰). Nước này có nhiều tác dụng như bảo quản nông sản, chữa trị bệnh lở mồm long móng ở gia súc, chữa nấm, bệnh ngoài da, hôi chân, hôi nách, tay-chân-miệng, HIV… Tuy nhiên, chưa hề có một nghiên cứu y khoa lâm sàng khẳng định khả năng trị bệnh của dung dịch này. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí: Tuyên truyền yếu, khó triển khai
Hà Nội đang mở rộng diện tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên có bảo hiểm y tế tại 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Dù mang ý nghĩa nhân văn to lớn đối với cộng đồng, nhưng việc triển khai chương trình đang gặp khó khăn, chủ yếu do nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của chương trình...
Gặp khó khi triển khai
Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng do UBND TP Hà Nội và Sở Y tế phối hợp với một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô triển khai từ tháng 3-2017. Đến nay, sau 1 năm thực hiện, hơn 122.000 người dân đã được xét nghiệm ung thư đại trực tràng miễn phí. Kết quả cho thấy, gần 7.000 người có kết quả dương tính. Từ số mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính này, các bác sĩ tiếp tục làm xét nghiệm chuyên sâu và tìm thấy trong số đó có 80% trường hợp mắc bệnh lý về đường tiêu hóa, 40% bắt đầu có polyp hay khối u.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, việc phát hiện sớm và điều trị polyp là một biện pháp quan trọng phòng ngừa phát sinh ung thư sau này. Với polyp đại tràng, chỉ cần thực hiện phẫu thuật nhỏ với chi phí khoảng 2 triệu đồng cộng thêm thời gian nghỉ ngơi 1 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, polyp có nhiều khả năng phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Chương trình tầm soát có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân kịp thời ngăn chặn bệnh từ sớm nhưng trong thực tế, nhiều quận, huyện gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chia sẻ, vào đầu tháng 1-2018, quận tiến hành triển khai thí điểm chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí tại 4 phường (Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Trương Định, Minh Khai). Dù cơ quan y tế đã phát hơn 1.830 mẫu xét nghiệm (test) cho người dân nhưng có đến 40% số mẫu chưa thu lại được. “Có thể do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tầm soát sớm ung thư. Thậm chí, có thể vì nghĩ đây là chương trình miễn phí nên họ chưa coi trọng”, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.
Tương tự, tại quận Tây Hồ, dù có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc nhưng tiến độ triển khai chương trình rất chậm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, phụ trách chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc, sau 3 tháng triển khai, thu về 5.000 mẫu xét nghiệm, phát hiện 400 mẫu dương tính, trong đó có 1 trường hợp mắc bệnh ung thư. Đây là tỷ lệ không hề nhỏ, là lời cảnh báo về mức độ phổ biến của các bệnh đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng. Thế nhưng, khi triển khai chương trình, bệnh viện phát cho quận 20.000 mẫu xét nghiệm nhưng chỉ thu về được khoảng 5.000 mẫu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, có những ngày chỉ thu lại được 50 mẫu, không đủ để chạy hóa chất. Hơn nữa, thông tin gửi về không đầy đủ; nhiều người không cho biết số điện thoại, do đó, với những người có kết quả dương tính, cần được tư vấn, bệnh viện không biết làm cách nào để liên hệ…
Tăng cường tuyên truyền
Giá mỗi test xét nghiệm trên thị trường là 100.000 đồng/mẫu. Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, ngoài chi phí test còn phải tính chi phí chạy hóa chất. Mỗi lần chạy hóa chất cần có 320 test, việc không thu đủ mẫu xét nghiệm trong khi máy vẫn phải chạy sẽ gây lãng phí. Bởi vậy, nhận thức chưa đầy đủ của người dân không chỉ tạo ảnh hưởng không có lợi cho việc bảo vệ sức khỏe của bản thân họ, mà còn gây lãng phí vô cùng lớn.
Rút kinh nghiệm từ các đơn vị trước và để người dân tham gia gửi mẫu xét nghiệm tích cực, tránh lãng phí, ngay trong tháng 3-2018, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc tổ chức tập huấn cho hơn 200 cán bộ y tế, cộng tác viên dân số của 10 quận, huyện để chuẩn bị triển khai công tác tầm soát ung thư đại trực tràng. Là người tham gia buổi tập huấn, ông Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ truyền đạt những gì mình lĩnh hội được cho đội ngũ cộng tác viên tham gia phát và thu test để hạn chế tối đa tình trạng mất mẫu xét nghiệm, tránh lãng phí. Sẽ phải tuyên truyền để người dân tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế địa phương về việc lấy mẫu xét nghiệm cũng như điền đầy đủ thông tin cần thiết vào lọ đựng mẫu như họ tên, tuổi, giới tính, ngày lấy mẫu…".
Ông Nguyễn Việt Hoàng, điều phối viên chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng của TP Hà Nội cho rằng, chủ quan, lười đi khám là “bệnh” cố hữu của nhiều người Việt. Phần lớn bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều đó gây khó khăn cho việc điều trị cũng như gây tổn thất lớn về kinh tế cho gia đình. Chính vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư sớm.
Từ ngày 1-4, việc phát mẫu xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng sẽ được triển khai tại 10 quận, huyện (gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên). Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để giải quyết tình trạng không thu hồi được mẫu xét nghiệm sau khi phát cho người dân, việc phát và thu mẫu về cần được thực hiện trong 1 ngày. Nếu kéo dài thời gian, nguy cơ mất mẫu xét nghiệm là rất cao. (Hà Nội mới, trang 1).
Công tác xã hội trong các cơ sở y tế: Mang yêu thương cho người bệnh
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”, ghi nhận vai trò to lớn của nghề công tác xã hội (CTXH) trong đời sống dân sinh tại Việt Nam.
Trong ngành y tế, triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ sở y tế đã thành lập các Phòng/Tổ/bộ phận làm CTXH. Từ thực tiễn của ngành y cho thấy, CTXH có vai trò quan trọng, không chỉ hướng dẫn, chia sẻ, giúp đỡ, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân nghèo, mà CTXH còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với thân nhân giữa người bệnh với những người xung quanh và với thầy thuốc, nhân viên y tế. Không những thế, CTXH còn là địa chỉ kết nối thông tin về giáo dục sức khỏe thông qua việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để truyền thông ra cộng đồng... Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2011 - 2020, Phòng CTXH hay tổ CTXH đã lần lượt được thành lập tại hầu khắp các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện các nhiệm vụ như: hỗ trợ người bệnh/người nhà bệnh nhân về thủ tục, quy trình khám chữa bệnh; là nhịp cầu nối yêu thương, sẻ chia thông tin nhân ái, kết nối người bệnh nghèo với các hoạt động thiện nguyện; triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông của các cơ sở y tế… Ngoài ra, bộ phận CTXH cũng đóng vai trò quan trọng trong viêc tổ chức các hoạt động kết nối giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thông qua các câu lạc bộ bệnh nhân. rong những năm qua, Phòng/Tổ/bộ phận làm CTXH của các cơ sở y tế đã phát huy vai trò kết nối, triển khai hàng loạt hoạt động vì người bệnh, vì cộng đồng, góp phần làm cho người bệnh nói riêng/cộng đồng nói chung ngày càng hài lòng hơn về ngành y.
Dưới đây là một số hoạt động thiết thực của Phòng/Tổ/bộ phận CTXH tại các cơ sở y tế.
* GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, kể từ khi thành lập Phòng CTXH đến nay (gần 3 năm) qua hơn 11 tỷ đồng đã được Phòng CTXH của BV kết nối với các nhà hảo tâm dành tặng các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV Việt Đức. Ngoài ra, hàng tuần còn có các hoạt động thiện nguyện khác như phát cháo, suất ăn từ thiện... tặng quà cho bệnh nhân nghèo. Gần ba năm nay, tổ hỗ trợ người bệnh thuộc Phòng CTXH của BV Việt Đức luôn bắt đầu ngày làm việc từ 6h sáng hàng ngày cho đến khi hết bệnh nhân tại hai bộ phận là Khoa Khám bệnh và Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV để hỗ trợ bệnh nhân/ người nhà bệnh nhân về mọi quy trình khám chữa bệnh.
* ThS. Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH của BV Nhi TW cho biết, trong 10 năm qua, Phòng CTXH của BV đã nỗ lực vận động hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, chi phí chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền hàng chục tỉ đồng cũng đã được phòng CTXH kết nối với các nhà hảo tâm để trao đến các bệnh nhân nghèo. Tổ chức các hoạt động hiến máu nhân đạo; Vận động làm sân chơi cho trẻ... Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện dành cho bệnh nhân như Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Lễ Noel cũng được bệnh viện tổ chức, động viên các em nhỏ đang nằm nhiều trị.
* Liên tiếp trong thời gian qua, với vai trò là đầu mối gắn kết giữa các bệnh nhân với nhân viên y tế, bệnh nhân với nhà hảo tâm, đặc biệt là các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Phòng CTXH - BV Nội tiết TW đã phối hợp cùng các khoa, phòng trong BV triển khai hàng loạt các hoạt động xã hội vì người bệnh và cộng đồng như: tổ chức từ thiện như phát cháo tình nguyện, mỳ tôm, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới cộng tác viên tại các khoa, phòng để giúp đỡ bệnh nhân. Tổ chức hướng dẫn người bệnh/người nhà bệnh nhân các thủ tục ra/vào viện...
* Tại BV Bạch Mai: BSCKII. Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng CTXH cho biết, trong thời gian qua, với phương châm “Nối vòng tay, trao yêu thương”, Phòng CTXH BV Bạch Mai đã tìm hiểu, xác minh, vận động và hỗ trợ cho những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền lên đến trên 16 tỷ đồng; quản lý tình nguyện viên, tham gia đội hình tiếp sức người bệnh. Phòng cũng đã tổ chức, đầu mối kết nối hoạt động thiện nguyện hết sức thiết thực nhân ngày CTXH như cắt tóc, gội đầu miễn phí cho trên 500 lượt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; khám sàng lọc tim bẩm sinh cho gần 650 học sinh Trường tiểu học Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái... (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).