Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Bạc Liêu: Khởi công xây dựng bệnh viện tư gần 1.370 tỷ đồng; Ngày hội chạy và đi bộ “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh”; Xuất hiện 'chùm' ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Cảnh giác các bệnh về mắt thường gặp mùa hè; Số cuộc gọi đến đường dây nóng y tế đã giảm; Tự chữa đái tháo đường: Kinh hoàng biến chứng bàn chân do mua thuốc trị tiểu đường; Chỉnh gù cho bệnh nhân 70 tuổi lún xẹp thân đốt sống; Tiêm thuốc chữa sẹo lồi tại thẩm mỹ viện, bé gái gặp biến chứng…

 

Bạc Liêu: Khởi công xây dựng bệnh viện tư gần 1.370 tỷ đồng

Sáng 24-6, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu – Sài Gòn chính thức được khởi công tại khóm 10 (phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) với tổng vốn đầu tư gần 1.370 tỷ đồng. Bệnh viện được xây dựng trên diện tích hơn 3,7 ha, quy mô 10 tầng với đầy đủ các phòng chức năng, trong đó, khu khám và điều trị ngoại trú có quy mô 400 giường; khám và điều trị nội trú 436 giường... Dự án do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu – Sài Gòn làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020.

Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu – Sài Gòn đi vào hoạt động không chỉ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tỉnh Bạc Liêu mà còn khám và điều trị cho người dân các tỉnh lân cận, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu nhà đầu tư cần phải hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình; Ban lãnh đạo bệnh viện phải quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sĩ đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. (Sài gòn giải phóng, trang 2; Thanh niên, trang 7).

 

Ngày hội chạy và đi bộ “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh”

Ngày hội Chạy và đi bộ: “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh - Move for my healthy lung” do Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật, ngày 24-6, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Bệnh viện Phổi Trung ương (24-6-1957 – 24-6-2018) và nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tăng cường sức khỏe và thể chất cho cộng đồng; vận động, truyền thông, nâng cao kiến thức về sức khỏe phổi cho nhân dân.

Hoạt động khuyến khích tất cả mọi người ở mọi độ tuổi, quốc tịch tham gia. Người tham gia (đã đăng ký và đóng phí) có thể nhận số đeo và áo, trước hai ngày tổ chức Sự kiện tại phòng Công tác xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Phổi Trung ương, 463 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội hoặc tại bàn tiếp đón của Ban Tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ lúc 6 giờ, ngày 24-6.

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa để tiếp tục kêu gọi, vận động mọi người nhắn tin ủng hộ quỹ Hỗ trợ người mắc bệnh lao – PASTB. Theo đó, với người tham gia đăng ký trước có đóng phí, có thể đóng phí bằng hình thức nhắn tin với cú pháp TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin) để ủng hộ Quỹ PASTB.

Giải chạy sẽ có ba cơ cấu giải thưởng cho các đối tượng tham gia đăng ký trước và có đóng phí với các cự ly: sáu vòng hồ Hoàn Kiếm; ba vòng hồ Hoàn Kiếm; một vòng hồ Hoàn Kiếm. (Nhân dân, trang 3; Hà Nội mới, trang 5).

 

Xuất hiện 'chùm' ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tối 22-6, TS.BS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện đã có 12 bệnh nhân được xác định dương tính với cúm A/H1N1.

Trong 12 bệnh nhân này có 8 bệnh nhân của khoa nội thận, còn lại là bệnh nhân của khoa khám bệnh và khoa cấp cứu.

Ngoài ra, một nhân viên y tế của bệnh viện cũng có triệu chứng mắc cúm A/H1N1. Nhân viên này đã được bệnh viện cho nghỉ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.

BS Hùng cũng cho biết từ trước đến nay tại Bệnh viện Chợ Rẫy chưa từng xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 như vậy. 5 bệnh nhân của khoa nội thận đầu tiên đã có kết quả dương tính với cúm A/H1N1 vào ngày 11-6, những ca còn lại được xác định sau đó.

Hiện nay những bệnh nhân này đang được điều trị tại khu cách ly của khoa bệnh nhiệt đới.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai công tác phòng chống dịch, truyền thông, tư vấn cho bệnh nhân, thân nhân và cả nhân viên bệnh viện phòng ngừa cúm...

Trước đó trong đầu tháng 6, tại Bệnh viện Từ Dũ cũng đã xuất hiện một chùm ca cúm A/H1N1.

Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, béo phì, có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng vắc xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp.

Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc… (Tuổi trẻ, trang 12).

 

Cảnh giác các bệnh về mắt thường gặp mùa hè

Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, khói bụi, nóng bức, bể bơi công cộng quá tải… là nguyên nhân làm gia tăng những bệnh về mắt trong mùa hè. Thế nhưng, thay vì phải bảo vệ đôi mắt - một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, nhiều người chỉ tập trung chú ý bảo vệ da, bảo vệ cơ thể trước những tác động tiêu cực của thời tiết tới sức khỏe.
Dễ đau mắt đỏ khi bể bơi quá tải
Nắng nóng kéo dài như hiện nay, thì bơi lội trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình. Lý do đó khiến không ít bể bơi trên địa bàn Hà Nội luôn rơi vào tình trạng quá tải. Nước không đủ sạch vì phải chứa lượng người quá lớn dẫn đến dễ lây nhiễm bệnh ngoài da, viêm tai…, nhất là viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ). 
Anh Nguyễn Văn Mạnh (38 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, anh cho con gái đi bơi được hơn 2 tuần thì mắt phải của bé có hiện tượng ngứa, đỏ và đùn ra rất nhiều gỉ. Từ mắt phải, chỉ sau một ngày, hiện tượng sưng đỏ, bịt kín gỉ đã lan đều sang cả hai mắt. Khi đi khám bác sĩ cho biết, con tôi bị đau mắt đỏ…Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp (cả trẻ em và người lớn) bị viêm kết mạc. Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. 
Chính nước hồ bơi không bảo đảm vệ sinh là môi trường lý tưởng của vi khuẩn Chlamydia trachomatis - tác nhân gây bệnh viêm kết mạc. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. 
Ngoài ra, viêm kết mạc cũng có thể do hóa chất, các loại vi khuẩn khác có trong nước hồ bơi không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, nhất là tại các hồ bơi thường xuyên quá tải. Chưa kể, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức thải ra như khạc nhổ, nước mũi, thậm chí tiểu tiện trong hồ bơi khiến mầm bệnh phát triển, lây lan.
Ngoài những ca bệnh trên, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị dị ứng mắt do khói bụi. Theo bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, nhiệt độ cao trong mùa hè kèm theo ô nhiễm môi trường khiến mắt phải tiếp xúc với ánh mặt trời và bụi nhiều hơn, làm tăng nguy cơ dị ứng mắt. Tình trạng dị ứng có thể gây ngứa, đỏ mắt kèm theo cảm giác nóng rát. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ với các đặc điểm như: Màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương đưa ra cảnh báo, những người thường xuyên phải làm việc với máy móc, thiết bị điện tử còn dễ gặp phải hội chứng khô mắt rất phổ biến trong mùa hè. Hiện tượng khô mắt xuất hiện là do sự gia tăng nhiệt độ trong mùa hè và môi trường làm việc có điều hòa dẫn đến mất nước rất nhanh ở các bộ phận cơ thể, bao gồm cả mắt. 
Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng cho thấy, việc tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng ở mắt. Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Đối với kết mạc, giác mạc sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt…
Đừng quên bảo vệ đôi mắt
Theo bác sĩ Hoàng Cương, trước thời tiết nắng nóng của mùa hè, nhiều người chỉ chú ý đến việc bảo vệ làn da, bảo vệ sức khỏe nhưng thường quên bảo vệ đôi mắt. Trong khi việc phòng, chống các bệnh về mắt trong mùa hè lại rất quan trọng. Một số bệnh về mắt hay chấn thương mắt có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy khi mắc bệnh, cần điều trị dứt điểm và có biện pháp phòng ngừa.
Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, việc đầu tiên phải thường xuyên và tạo thành thói quen, đó là vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt. 
Ngoài ra, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng, nhất là vào buổi trưa như đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng, đeo kính râm chống tia UV... Riêng với trẻ nhỏ, cách phòng tránh tốt nhất là không để trẻ ra ngoài trời nắng vào buổi trưa, bị chiếu nắng trực tiếp, đồng thời luôn cho trẻ đeo kính, đội mũ bất cứ khi nào khi ra nắng.
Để hạn chế các tác nhân gây bệnh cho mắt, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên cho rằng, khi bơi ở các địa điểm công cộng không nên bơi quá lâu. Mặt khác, khi bơi nên dùng kính bảo vệ mắt. Sau khi bơi xong nên dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mắt tại chỗ, đồng thời sục và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sau đó mới đi tắm lại. 
Khi có các dấu hiệu mắt đỏ, cộm, ra nhiều gỉ, nhức khi nhìn ánh sáng, chảy nước mắt nhiều, nhìn mờ, sợ ánh sáng... nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm tìm đúng nguyên nhân, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị. Nếu xung quanh có người bị đau mắt đỏ thì cần đề phòng bằng cách tránh tiếp xúc gần, không dùng chung chậu rửa, khăn mặt, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày... (Hà Nội mới, trang 5).

 

Số cuộc gọi đến đường dây nóng y tế đã giảm

So với năm 2017, trong 5 tháng đầu năm 2018 số cuộc gọi của người dân đến đường dây nóng y tế phản ánh về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, quy trình chuyên môn, cơ sở vật chất tại cơ sở khám chữa bệnh… đều giảm. Đồng thời, chỉ số hài lòng của người bệnh cũng đạt gần 86%.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều công việc như: Tập huấn kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử viên chức, người lao động cho các BV; xây dựng và ban hành cuốn sổ tay “Giao tiếp, ứng xử trong ngành y tế”; kiểm tra tại các BV...

Sau một thời gian thực hiện, kết quả đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, trong năm 2017 có 85,7% số người bệnh được hỏi đã bày tỏ thái độ hài lòng đối với các dịch vụ y tế tại BV công lập (khảo sát tại 33 BV). Sau khi bổ sung thêm nhóm 6 đo lường mức độ hài lòng về khả năng chi trả, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh đã giảm xuống, còn 81,8%.

Nhóm chỉ số về khả năng tiếp cận được người sử dụng dịch vụ hài lòng với tỷ lệ cao nhất (92,5% và 90,5%); tiếp đến là nhóm chỉ số về thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn y tế của nhân viên y tế (87,4% và 90,2%); nhóm chỉ số về minh bạch thông tin và thủ tục hành chính (88,4% và 83,9%), nhóm chỉ số về kết quả cung cấp dịch vụ (80,5% và 82,4%); nhóm chỉ số về cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh (79,5% và 79%). Tỷ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đạt mức thấp nhất đối với nhóm chỉ số về chi phí khám chữa bệnh (64,6%)…

Có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ hài lòng đối với nhóm chỉ số về thái độ ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là với các BV tuyến Trung ương. Năm 2015 tỷ lệ này là 85,9%; năm 2017 là 92,1%.

Đối với việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến gọi đến đường dây nóng y tế, trong 5 tháng đầu năm 2018, Trung tâm chăm sóc khách hàng đường dây nóng ngành y tế đã tiếp nhận tổng số 24.258 cuộc gọi đến, trong đó có 4.333 cuộc gọi đúng phạm vi (chiếm 17,86%), 19.925 cuộc gọi không đúng phạm vi (82,14%). So với cùng kỳ năm 2017, số cuộc gọi đến tổng đài trực đường dây nóng đã giảm.

Trong số 4.333 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận, nội dung người dân phản ánh về quy trình chuyên môn có số lượng phản ánh cao nhất là 1.670 cuộc gọi (39%), tiếp đến là phản ánh tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế (31%); phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh có 737 cuộc gọi (17%); có 8% phản ánh về các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, vẫn còn cố tỷ lệ nhỏ các ý kiến phản ánh về tiêu cực (28 cuộc gọi) và tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh (101 cuộc gọi). Số lượng cuộc gọi của người dân khen ngợi đối với các cá nhân hoặc tập thể là 85 cuộc gọi.

So sánh với số liệu cùng kỳ năm 2017, tất cả các nội dung phản ánh của người dân đều giảm rõ rệt. Đặc biệt, nội dung người dân phản ánh nhiều nhất là quy trình chuyên môn đã giảm 903 cuộc, ý kiến phản ánh về cơ sở vật chất giảm 298 cuộc, về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế giảm 217 cuộc,...

Trong 5 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo các đơn vị đã kiểm tra và khiển trách 61 trường vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh; điều chuyển sang bộ phận khác 7 trường hợp; cho nghỉ việc 3 trường hợp nhân viên hợp đồng bảo vệ, trông xe, dọn vệ sinh tại các đơn vị vì đã có hành vi, thái độ không đúng mực trong quy trình thực hiện nhiệm vụ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; cắt thi đua 36 trường hợp; cải thiện cơ sở vật chất 118 trường hợp; cải tiến quy trình khám chữa bệnh 251 trường hợp. (Hà Nội mới, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Tự chữa đái tháo đường:  Kinh hoàng biến chứng bàn chân do mua thuốc trị tiểu đường

Một bệnh nhân 41 tuổi (ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội) phát hiện mắc tiểu đường đã 17 năm nay. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tự mua thuốc uống tại nhà và không dùng thuốc đều đặn. Gần đây chân bệnh nhân bị loét, hoại tử nghiêm trọng.

Theo thông tin từ bệnh nhân, do bận rộn công việc nên bệnh nhân không dùng thuốc đều đặn. Khoảng giữa tháng 5-2018, chân bệnh nhân xuất hiện một vài mụn nước ở ngón chân cái. Sau 2 - 3 ngày, những mụn nước ấy vỡ ra và những cọ xát do di chuyển khiến vết sưng ngày càng lan rộng, ngón chân cái của bệnh nhân đen bầm.

Đến ngày 19-5, bệnh nhân bị sốt, mê man. Hôm sau anh được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong tình trạng tấy đỏ toàn bộ bàn chân phải, loét, hoại tử nghiêm trọng.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán loét hoại tử bàn chân do tiểu đường týp 1, biến chứng thần kinh ngoại vi, thần kinh tự động. Anh được cắt lọc phần thịt hoại tử và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết. 

Hiện anh đã ổn định sức khỏe nhưng vẫn phải tháo bỏ ngón cái bàn chân phải. 

Các bác sĩ nhận định nếu anh đến bệnh viện chậm vài ngày hoặc tuổi anh lớn hơn khoảng 10 tuổi thì với biến chứng này, nguy cơ anh phải tháo bỏ đến khớp gối.

Ngoài vết loét lớn ở bàn chân, bệnh nhân cũng gặp nhiều biến chứng khác do tiểu đường gây nên như sụt cân nghiêm trọng (từ 75 kg xuống còn 49 kg), người gầy yếu, mệt mỏi, thị lực giảm sút nghiêm trọng. Bệnh nhân cũng gặp biến chứng ở thận và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. 

Tuy nhiên, những biến chứng này khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không quan tâm đúng mức, vì vậy hậu quả để lại thường nặng nề.

Tại VN, số lượng bệnh nhân tiểu đường đã tăng hơn 2 lần trong vòng 10 năm và đang được coi là "kẻ giết người thầm lặng" do liên quan đến nhiều biến chứng như mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não... ở bệnh nhân tiểu đường. 

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh căn bệnh này cần tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn. Đồng thời thường xuyên đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Chỉnh gù cho bệnh nhân 70 tuổi lún xẹp thân đốt sống

Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa tiến hành bơm xi măng sinh học có bóng tạo hình thân đốt sống chỉnh gù cho bệnh nhân 70 tuổi.

TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Đây là phương pháp rất hữu ích để điều trị ở những bệnh nhân lún xẹp cột sống nặng có nhiều bệnh lý toàn thân phối hợp, bệnh nhân không đau trong quá trình tiến hành thủ thuật. Điều đặc biệt là ngay sau mổ 2 tiếng bệnh nhân có thể xuất viện.

Bệnh nhân là cụ bà Nguyễn.M.T, 70 tuổi, theo lời kể của người nhà, lúc còn trẻ làm ruộng, có tiền sử thoái hóa cột sống, loãng xương. Trước khi nhập viện cũng đã khám và đang điều trị định kỳ, mật độ xương đo được khi nặng nhất là Tscore: -4,5. Trong một lần được người nhà chở bằng xe máy, do sơ ý nên xe đi vào ổ gà-bệnh nhân N, bị xóc mặc dù vẫn ngồi trên xe chứ không ngã xuống nhưng vẫn bị bệt mông xuống ghế sau xe máy. Sau đó bệnh nhân đau lưng dai dẳng tăng dần, không lan xuống chân. Bệnh nhân về uống thuốc nhưng không đỡ, tình trạng bệnh ngày càng nặng nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám. Tại đây TS.BS Vũ đã khám và làm một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và được xác định là xẹp đốt sống thắt lưng L1.  Bệnh nhân được chỉ định bơm xi măng có bóng vừa chỉnh gù, vừa giảm đau điều trị bệnh lý này.

Sau khi tiến hành gây tê tại chỗ, BS Vũ đã tiến hành thực hiện thủ thuật trong 30 phút. BS. Vũ cho biết thêm, bóng được bơm lên bằng dụng cụ chuyên biệt giúp nong rộng thân đốt sống và nâng thân đốt sống xẹp lên tương đối về bình thường. Để kiểm soát quá trình bơm bóng, bóng được bơm bằng chất cản quang an toàn tuyệt đối, luôn được theo dõi và đánh giá mức độ hồi phục thân đốt sống qua màn huỳnh quang tăng sáng. Sau đó thuốc cản quang được rút hết, bóng cũng được rút ra ngoài và tiến hành đưa xi măng vào thân đốt. Vì đã tạo được khoảng trống trong thân đốt sống nên xi măng được đưa vào dễ dàng, lượng xi măng nhiều (8-9ml) và bệnh nhân không đau trong quá trình tiến hành thủ thuật. Điều đặc biệt là ngay sau mổ 2 tiếng bệnh nhân được đưa đi chụp phim x quang kiểm tra và được cho xuất  viện. Bệnh nhân hết đau hoàn toàn, chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng trước mổ 1 liều duy nhất. Ra viện bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị loãng xương để điều trị nguyên nhân gây xẹp đốt sống.

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống về kỹ thuật này, BS Vũ cho biết, với kỹ thuật bơm xi măng không bóng điều trị xẹp đốt sống do loãng xương, trong 5 năm trở lại đây đã có hàng trăm bệnh nhân áp dụng kỹ thuật này. Ngay sau khi thực hiện thủ thuật 1-2 tiếng, bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt, chất lượng sống được cải thiện. Tuy nhiên, đây là phương pháp không cải thiện được biến dạng của cột sống, không nâng được chiều cao của đốt sống bị xẹp, đôi khi với một sống trường hợp còn có sự rủi ro như xi măng trào ra ngoài trong quá trình làm thủ thuật.

Bơm xi măng sinh học có bóng tạo hình thân đốt sống được áp dụng cho những bệnh nhân lún xẹp đốt sống do loãng xương được áp dụng để khắc phục được những nhược điểm của phương pháp bơm xi măng không bóng đã nêu trên, ngoài ra với phương pháp này lượng xi măng được đưa vào thân đốt sống được chủ động nên thể tích xi măng được đưa vào thân đốt là nhiều nhất và an toàn nhất

Đây cũng là phương pháp rất hữu ích để điều trị ở những bệnh nhân lún xẹp cột sống nặng có nhiều bệnh lý toàn thân phối hợp (đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp, bệnh mạch vành, hô hấp… người cao tuổi ). Ngoài điều trị bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương thì kỹ thuật bơm xi măng có bóng còn áp dụng tốt ở những bệnh nhân lún xẹp đốt sống do chấn thương mà không vỡ tường sau đốt sống, u máu thân đốt sống lớn , các tổn thương u thân đốt sống có hay không có tiêu thân đốt sống ( u di căn cột sống, đa u tủy xương, u tế bào ái toan…) - BS Vũ cho biết thêm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Tiêm thuốc chữa sẹo lồi tại thẩm mỹ viện, bé gái gặp biến chứng

BV Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ Đ.T.A (sinh năm 2007, quê Ninh Bình) đến để tư vấn và khắc phục tình trạng sẹo xấu do tiêm thuốc tại tổn thương điều trị sẹo lồi ở một thẩm mỹ viện tại Hà Nội.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã mắc bệnh thủy đậu từ tháng 1/2017. Sau đó xuất hiện tổn thương sẹo lồi tại các vùng có thương tổn thủy đậu.

Đến tháng 11/2017 bệnh nhân đến tư vấn và tiêm thuốc nội thương tổn để điều trị sẹo lồi tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội 2 lần. Tuy nhiên bệnh nhân không biết loại thuốc tiêm và liều lượng tiêm vào cơ thể là bao nhiêu.

Sau khi tiêm 2 tháng, tại vùng tiêm của bệnh nhân thấy teo tổ chức mô mềm dưới da tạo thành vết lõm sâu màu hồng trên có nhiều mạch máu.

Qua thăm khám, BS. Vũ Thị Hồng Luyến - Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương nhận thấy bệnh nhân có 4 tổn thương lõm sâu, teo tổ chức mô mềm dưới da, kích thước lớn. BS. Luyến chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng teo tổ chức dưới da do tiêm sẹo lồi tại chỗ.

Về hướng điều trị của bệnh nhân này, BS. Luyến cho biết, bệnh nhân được tư vấn chuyển xuống Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của BV Da liễu Trung ương để được các bác sĩ tư vấn và chọn phương án điều trị thích hợp.

ThS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc cho biết: "Thuốc thường dùng để tiêm nội tổn thương điều trị sẹo lồi là triamcinolon - đây là một loại corticoid, thuộc nhóm thuốc độc bảng B, có tác dụng chậm, kéo dài. Thuốc thường sẽ gây ra teo tổ chức tại chỗ tiêm (teo da, cơ) nếu không dùng đúng chỉ định hoặc tiêm không đúng kỹ thuật.

Ngoài ra, tác dụng phụ tại chỗ khác như giãn mạch; mọc nhiều lông; xuất hiện trứng cá, yếu cơ... và tác dụng toàn thân như hội chứng Cushing, teo tuyến thượng thận, tăng nguy cơ đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa...

Từ ca bệnh này, ThS.BS Vũ Thái Hà cũng khuyến cáo người bệnh nếu lựa chọn hình thức điều trị sẹo lồi bằng tiêm thuốc nội tổn thương nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và được theo dõi chặt chẽ, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Hướng tới người bệnh từ kiot khảo sát không hài lòng

Sau khoảng 1 năm từ khi Sở Y tế TP.HCM chính thức triển khai hệ thống kiot khảo sát không hài lòng của người bệnh tại khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố, đến nay, hệ thống này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về mức độ hài lòng của người dân.

Thông qua các ý kiến đóng góp này, ngành y tế TP sẽ chủ động nắm bắt tình hình để phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

Trong các tháng đầu năm 2018, phần mềm tổng hợp kết quả của hệ thống kiot khảo sát thuộc Sở Y tế TP.HCM cho thấy: trong tháng 4/2018 có tổng cộng 1.153 lượt ý kiến không hài lòng, giảm 59% so với tháng 3/2018 (2.808 lượt). Hầu hết các khâu đều có số lượt phản ánh giảm hơn 50% so với tháng 3/2018, trong đó giảm mạnh nhất là khâu làm thủ tục khám BHYT (67 lượt, giảm 68,5%).Khâu làm thủ tục đăng ký khám cũng đã có sự giảm đáng kể, 123 lượt (giảm 62% so với tháng 3/2018 và 77% so với tháng 1/2018) nhưng vẫn đứng đầu trong nhóm chiếm tỷ lệ không hài lòng cao. Như vậy, tính từ đầu năm 2018, hệ thống kiot khảo sát không hài lòng tại các bệnh viện ghi nhận số ý kiến không hài lòng của người bệnh tiếp tục giảm ở tất cả các nội dung (gồm 15 câu hỏi).

Kết quả này là tín hiệu đáng mừng của ngành y tế TP.HCM vì xuất phát từ ý kiến không hài lòng của người bệnh có trong kiot, các bệnh viện đã không ngừng tiếp nhận và triển khai cải thiện chất lượng dịch vụ với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm” để tiếp tục gắn với mọi hoạt động của các bệnh viện, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, sang tháng 5, hệ thống kiot khảo sát lại ghi nhận ý kiến không hài lòng của người dân tăng cao đột biến so với các chỉ số không hài lòng giảm dần từ tháng trước, với tổng cộng 4.397 lượt so với tháng 3 với 2.808 lượt, tháng 4 với 1.153 lượt… Đây là điều trái ngược, dù có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, tháng 5 có số lượt ý kiến không hài lòng tăng cao, đáng chú ý, sự không hài lòng tăng ở tất cả 15 nội dung đánh giá. Trong đó, tăng cao nhất ở khâu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (263 lượt) và khâu làm thủ tục khám Bảo hiểm y tế (320 lượt). Thông qua việc nắm bắt tình hình biến động hàng tháng, đặc biệt trong tháng 5 với chỉ số không hài lòng tăng đột biến, ngành y tế thành phố sẽ chủ động chọn nội dung được người bệnh phản ánh không hài lòng với số lượt cao nhất để phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh. Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: Các bệnh viện thường sẽ mất từ 3-6 tháng để khắc phục hiệu quả phản ánh không hài lòng. Nếu sau 6 tháng vẫn tiếp nhận chỉ số “không hài lòng” cao ở cùng một nội dung phản ánh không hài lòng, Sở Y tế sẽ kiểm tra bệnh viện đó có thật sự thực hiện các biện pháp cải tiến, sau đó mới quy rõ trách nhiệm của giám đốc.

Được biết, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các bệnh viện báo cáo các hoạt động được bệnh viện chọn để cải tiến chất lượng, hướng tới hài lòng người bệnh. Thông qua báo cáo của các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế tại một số bệnh viện, đồng thời tiếp tục phát hiện và ghi nhận những cách làm hay để giới thiệu nhân rộng trong toàn ngành. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang