Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26.11.2017

  • |
T5g.org.vn - Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; 150 người bệnh nghèo được mổ mắt miễn phí; Nguyên nhân gây tử vong sớm; Báo động ô nhiễm không khí tại Việt Nam; …

 

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình công bố tháng 6 vừa qua (trước Ngày Dân số thế giới 11-7), sau một năm triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, vẫn có 45 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS tăng. Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mất cân bằng GTKS gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc dân số, cấu trúc gia đình…

Tình trạng mất cân bằng GTKS đã được cảnh báo nhưng thực tế chúng ta lại chưa có các biện pháp hiệu quả để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng GTKS năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, có 15 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2016, tăng lên 22 trong số 63 tỉnh, thành phố. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước.

Tại khu vực thành thị, tỷ số GTKS giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng. Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý mong đợi sự khác biệt về vai trò của con trai và con gái trong gia đình. Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Từ tư tưởng trọng nam và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai…

Việc gia tăng mất cân bằng GTKS không chỉ khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Thực trạng này cũng phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới. Việc gia tăng mất cân bằng GTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn làm tăng thêm những vấn đề về bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…

Giảm dần tình trạng mất cân bằng GTKS là việc làm cần thiết và cấp bách. Thời gian qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng GTKS chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao bởi phần lớn chỉ mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi được tư duy của người dân.

Vì thế, cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng GTKS để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật… (Nhân dân, trang 5).

 

150 người bệnh nghèo được mổ mắt miễn phí

Ngày 25-11, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh phối hợp Tập đoàn Kido Group, Khoa mắt công nghệ cao, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình mổ mắt từ thiện cho người bệnh nghèo của các tỉnh: Bình Phước, Bến Tre, Long An, Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh.

Hơn 200 người bị bệnh về mắt được đội ngũ y, bác sĩ Khoa mắt công nghệ cao, Bệnh viện Nguyễn Trãi khám sàng lọc, trong đó có 150 người sẽ được bác sĩ mổ mắt thay thủy tinh thể. Tập đoàn Kido Group đã đồng hành cùng người bệnh nghèo hơn 20 năm qua, trong đó tổ chức mổ mắt từ thiện đem lại ánh sáng cho khoảng 560 nghìn người bệnh nghèo. (Nhân dân, trang 5).

Nguyên nhân gây tử vong sớm

Theo WHO, ô nhiễm không khí được xem là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và tử vong sớm trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh như: hen, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ; bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mạn tính và ung thư ở người lớn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến một số triệu chứng kích ứng về mắt, họng và mũi. TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM), cho biết: Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội trong những năm gần đây liên tục tăng và ở mức cao. Các số liệu nghiên cứu, phân tích thường được sử dụng từ nguồn quan trắc của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ. Việc WHO, một tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng ra một khuyến cáo và sử dụng nguồn số liệu đáng tin cậy và có trách nhiệm. Nguồn số liệu đó còn hạn chế vì ở mỗi thành phố chỉ có một điểm quan trắc nhưng cũng phản ánh được phần nào về mức độ ô nhiễm môi trường đô thị của chúng ta hiện nay.

Theo TS Lê Việt Phú (Trường đại học Fulbright) - tác giả đề tài nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM”, nồng độ ô nhiễm bụi trong không khí tăng rất nhanh, trung bình năm vượt ngưỡng cảnh báo của WHO tới 3 lần. Ô nhiễm không khí mang đến rủi ro về bệnh tật và tử vong cho người dân. Ước tính năm 2013 VN có đến 40.000 người tử vong có nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí. Thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại về kinh tế, xét ở góc độ kinh tế cá nhân. Tổng số người chết do ô nhiễm không khí (2013) nếu quy ra con số thiệt hại về kinh tế tương đương từ 5 - 7% GDP. Nguồn gây ô nhiễm chính ở các đô thị là phương tiện giao thông. Chính vì vậy, nhà nước nên hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Muốn làm được điều này phải phát triển hệ thống giao thông công cộng cho thật tốt để phục vụ người dân. Bên cạnh đó giảm các ngành, dự án gây ô nhiễm cao, tiêu tốn nhiều năng lượng.

WHO khuyến cáo nên sử dụng các loại máy lọc không khí và hạn chế mở cửa, cửa sổ. Sử dụng khẩu trang mỗi khi phải hoạt động ngoài đường, đặc biệt khi chỉ số PM2.5 cao hơn 100.

Trước thực tế trên, ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết: UBND TP.Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan áp dụng ngay một số giải pháp nhằm giảm thiểu bụi tại khu vực này như ban hành đề án “Chống ồn, chống bụi”; đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”; Xử lý các điểm đen về ô nhiễm môi trường... Xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 (Euro 4, Euro 5) trên địa bàn Hà Nội. Đầu tư trang thiết bị đo nhanh khí thải từ phương tiện giao thông lưu thông trên đường để đánh giá nồng độ khí thải. (Thanh niên (trang 2):

 

Báo động ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, ngang với Bắc Kinh (Trung Quốc).

Đây là một trong những nội dung của bức thư Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới gửi cho nhân viên của mình ở Hà Nội. Bức thư cảnh báo: Hiện tại, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).

Liên tục vượt ngưỡng

Khuyến cáo của WHO dựa vào số liệu từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Từ năm 2016, những số liệu quan trắc này được Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo dõi và phân tích.

Kết quả phân tích cho thấy: Trong quý 1/2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi - NV) cao hơn so với mức 50 µg/m3 - Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.

Không chỉ Hà Nội, TP.HCM đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Trong quý 1/2017, có 6 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn WHO; Mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3. Còn trong quý 3/2017, có 1 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO. Nếu phân tích dữ liệu theo giờ, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá Quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO. Tại TP.HCM, chất lượng không khí trong quý 3/2017 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe là 13,6% so với 14,8% trong cùng kỳ năm 2016.

Liên quan đến kết quả của WHO, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội, cho rằng: Trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ là trạm cảm biến và cách tính AQI của Mỹ khác và cao hơn nhiều so với cách tính theo hướng dẫn của Việt Nam.

“Số liệu từ các trạm cảm biến không chính xác và đủ thông số như số liệu quan trắc từ các trạm cố định, và chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường, lập mô hình quan trắc và không thể đại diện cho chất lượng không khí chung của TP.Hà Nội. Do vậy, số liệu này là chưa khách quan và chưa phản ánh đúng hiện trạng chất lượng không khí của Hà Nội”, theo ý kiến của vị lãnh đạo trên. 

Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận chỉ tiêu bụi tổng và bụi PM10 (loại bụi trôi nổi có kích thước dưới 10 micromet - NV) tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn TP.Hà Nội vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 - 2 lần. Chất lượng môi trường không khí của TP.Hà Nội đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng.

Ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cũng thừa nhận: Vào giờ cao điểm, tại một số tuyến đường vành đai và tại khu vực đang có các công trình xây dựng thì nồng độ bụi tổng, bụi PM10 và bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Bụi, khí độc vượt chuẩn

Kết quả phân tích mới nhất cho thấy trong quý 3/2017, chất lượng không khí ở Hà Nội có cải thiện rõ rệt. Số giờ trong nhóm tốt cho sức khỏe đạt 77%, cao hơn nhiều so với 42% trong quý 3/2016. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe năm 2017 là 22%, giảm mạnh so với tỷ lệ 58% cùng kỳ năm 2016.

Nhìn vào các con số trên có thể thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang được cải thiện. Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này không hoàn toàn đúng bởi nguyên nhân số ngày ô nhiễm vượt chuẩn giảm là do tác động thời tiết. Cụ thể, mưa bão làm cho không khí được nước mưa “tẩy rửa” một phần đáng kể. Năm 2016, Việt Nam bị tác động của hiện tượng El Nino nên mưa ít, trong khi đó năm 2017 lượng và diện mưa cao hơn rất nhiều.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nhận định: Chất lượng không khí ở TP.Hà Nội chỉ đạt được mức tốt tại một số địa điểm nhất định và những ngày mưa, sau cơn mưa. Trong khi đó, số ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình và kém chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng gần 50 - 60%. Số ngày chất lượng không khí xấu và nguy hại chưa chiếm tỷ lệ cao nhưng xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

“Tại Hội nghị Lagos ở Thụy Sĩ năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay, chưa thấy dấu hiệu khắc phục, hay chí ít là giảm mức độ. Không khí ở Hà Nội chưa đến mức như Bắc Kinh, nhưng các chỉ số ô nhiễm ngày càng tăng”, TS Tùng nói.

Thực tế từ ngày 10.4, TP.HCM công bố thông tin môi trường trên bảng điện tử tại các chốt giao thông chính. Trong đợt này, thành phố cũng công bố các chỉ số môi trường. Theo đó, có đến 20 khu vực có chỉ số vượt Quy chuẩn Việt Nam. Các khu vực bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn nặng như: ngã tư An Sương, vòng xoay Điện Biên Phủ, Hàng Xanh, ngã sáu Gò Vấp…

Ngày 23.11, PV Thanh Niên ghi nhận thực tế ở một số tuyến đường và các điểm có biển thông báo về chất lượng không khí. Nhiều nơi bảng báo chuyển sang màu đỏ, cho biết chất lượng không khí tại đó đang ở mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Cụ thể như tại khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ, ô nhiễm bụi và cả tiếng ồn đều vượt Quy chuẩn Việt Nam.

Hồi giữa tháng 7.2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề “Môi trường đô thị”. Thông tin cho thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nổi cộm và trở thành sức ép đối với sự phát triển. Bụi vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhiều loại khí độc như: NO2, O3, CO có dấu hiệu vượt quy chuẩn. Nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây đặc biệt vào giờ cao điểm tại các nút giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM... Nồng độ khí CO cũng tăng lên trong giờ cao điểm tại các trục giao thông và xung quanh các khu công nghiệp nằm trong đô thị. Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí ở TP.HCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra. Hơn 72% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt tiêu chuẩn VN. (Thanh niên, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang