Thanh toán BHYT cho người chết: Sai sót do lỗi thao tác, phần mềm?
Cơ quan chức năng của hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đều cho rằng, những sai sót trong việc khai sinh, khai tử nhầm và phát sinh chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) cho người đã chết đều do lỗi thao tác, lỗi phần mềm.
Gia Lai: Lỗi thao tác
Liên quan vụ việc “Chuyện kỳ cục ở Gia Lai: Khai tử nhầm 48 người, khai sinh 4 người đã chết” mà báo Tiền Phong đã đưa tin, ngày 25/11, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Một cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai nói rằng, tại Gia Lai, bước đầu có thể nhận định là do cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm túc các qui định khi tiếp nhận người bệnh. Cụ thể, phải đối chiếu thẻ BHYT với những giấy tờ tuỳ thân, có ảnh... nhưng các cơ sở khám chữa bệnh lại chưa thực hiện các bước này nên mới xảy ra lỗi khai tử cho người sống. Bởi thế, việc đầu tiên là phải siết chặt lại từ đầu vào. Còn để xác định có trục lợi hay không thì cần phải có thời gian. Đơn vị mới họp về việc này, đang làm văn bản gửi Sở Y tế Gia Lai phối hợp xác minh. Khi có kết quả sẽ đề ra phương án xử lý, khắc phục.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai) có 11 bệnh nhân được ghi nhận đã tử vong nhưng khi ngành chức năng rà soát lại thấy tất cả vẫn đang sống và thực tế có phát sinh chi phí khám chữa bệnh trùng khớp trên dữ liệu hệ thống thanh toán BHYT. Theo Bảo hiểm xã hội huyện Đắk Đoa, nguyên nhân là “lỗi thao tác” của cán bộ làm công tác thanh toán BHYT thuộc cơ sở khám chữa bệnh xác định sai trên hệ thống.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Gia Lai xác định có 48 trường hợp đang sống nhưng bị khai tử trên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân được các đơn vị này giải thích là khi làm thủ tục để thanh toán, các nhân viên đã “bấm nhầm vào ô tử vong”. Ngoài ra, còn có 4 trường hợp đã tử vong nhưng người thân lại lạm dụng thẻ BHYT của người đã mất để đi khám chữa bệnh.
Đắk Lắk: Lỗi phần mềm
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo giải trình, sau khi BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh này kiểm tra dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với 51 trường hợp đã chết mà vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh.
Ngày 25/11, làm việc với PV Tiền Phong, ông Trương Văn Sáng - Giám đốc BHXH Đắk Lắk cho biết vừa ký văn bản trả lời BHXH Việt Nam về kết quả xác minh thông tin nói trên. “Sau khi phát hiện trường hợp người đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT, BHXH tỉnh sẽ sớm thu hồi khoản chi phí chi sai này. Riêng đối với việc nhập sai ngày tháng đối với một số bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT, tôi đã chỉ đạo anh em phải nhập lại ngày tháng cho đúng” - ông Sáng nói.
Trước đó, ngày 30/9, BHXH Việt Nam có văn bản yêu cầu BHXH Đắk Lắk kiểm tra dấu hiệu gian lận trong thanh toán gần 300 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 51 người, sau thời điểm những người này đã chết.
Sau khi rà soát, BHXH tỉnh Đắk Lắk xác định có 48 bệnh nhân đi khám chữa bệnh trước ngày chết nhưng Phòng Chế độ BHXH nhập thông tin ngày chết trên phần mềm mặc định là ngày 1 của tháng đó. Có 2 bệnh nhân đã chết trùng cả họ tên, năm sinh với người còn sống là Nguyễn Văn C mã số sổ BHXH 6623280459 (đã chết) trùng với Nguyễn Văn C. mã số sổ 6623331617 (còn sống), và Nguyễn Thị C mã số sổ BHXH 6623585974 (đã chết) trùng với Nguyễn Thị C mã số sổ BHXH 6623961433 (còn sống), do lỗi đồng bộ mã số đối tượng. Chỉ có 1 bệnh nhân Nguyễn Thị Cảnh phát sinh chi phí 132.057 đồng sau khi chết là “có vấn đề”.
Ông Lê Quang Tiệm - Trưởng phòng Chế độ thuộc BHXH tỉnh Đắk Lắk giải thích, 48 bệnh nhân kia đã thực khám trước ngày chết, lỗi chỉ do cách nhập số liệu theo tháng không chính xác. Riêng trường hợp đã chết rồi nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh là do thời điểm đó, BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang chuyển trụ sở nên “dữ liệu phần mềm giải quyết chế độ chính sách bị trục trặc”? (Tiền phong, trang 11).
Kon Tum: Thêm bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong
Ngày 25/11, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, vừa có thêm một bé gái 4 tuổi tử vong do sốt xuất huyết DenGue. Danh tính bé gái tử vong là Văn Thị Khánh Ng. (4 tuổi, trú tại đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Kon Tum).
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 17/11 bé Khánh Ng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum với các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chóng mặt và được chẩn đoán do sốt xuất huyết Dengue. Đến khoảng 16h30 ngày 24/11 thì cháu Khánh Ng. tử vong tại bệnh viện.
Được biết trước đó, trường hợp em N.N.H (12 tuổi, trú tại TP.Kon Tum) cũng đã nhập viện trong tình trạng mệt mỏi. Khi phát hiện em H bị bệnh, người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, Bệnh viện Quân Y 24, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Nhưng đến ngày 27/9, bệnh nhân có dấu hiệu bị sốc, tổn thương gan và đã tử vong.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue. (Tiền phong, trang 11).
20 trẻ tử vong sau tiêm chủng từ đầu năm đến nay, 11 ca không rõ nguyên nhân
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2019, cả nước xảy ra 23 ca tai biến nặng sau tiêm chủng với 20 trường hợp tử vong, qua xác minh thì có tới 11 ca tử vong không rõ nguyên nhân.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, tính đến 30-9-2019, cả nước ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, 1 trường hợp tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng được ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (02), Lai Châu (02), Lào Cai (02), Sóc Trăng (02), Sơn La (03), Tiền Giang (02), Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Quảng Ngãi (mỗi địa phương 1).
Vaccine “5 trong 1” ComBE Five là loại vaccine liên quan đến nhiều ca tai biến nặng nhất, với 13 ca tử vong, 2 ca tai biến nặng nhưng hồi phục sau tiêm vaccine ComBE Five và 2 ca tử vong, 1 ca tai biến nặng hồi phục sau tiêm vaccine ComBE Five – OPV.
Như vậy, tổng cộng có 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine ComBE Five trên tổng số 2.766.531 liều vaccine ComBE Five, 2.181.455 liều vaccine OPV đã sử dụng.
Ngoài ra, có 4 trường hợp tai biến tử vong sau tiêm vaccine BCG trên tổng số 1.046.471 liều vaccine BCG đã sử dụng; 1 trường hợp tai biến tử vong sau tiêm vaccine Viêm não Nhật Bản trên tổng số 2.008.540 liều vaccine Viêm não Nhật Bản đã sử dụng.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tai biến nặng kể trên đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế họp đánh giá và kết luận.
Kết quả ghi nhận: 04 trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vaccine (17,4%); 9 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (39,1%); 10 trường hợp không rõ nguyên nhân (43,5%).
Như vậy, không ghi nhận trường hợp nào thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân: do chất lượng vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Riêng 1 trường hợp tử vong liên quan đến tiêm chủng dịch vụ là ca tử vong ở Bắc Ninh sau tiêm chủng vaccine Hexaxim. Trường hợp này đã được tiến hành điều tra, hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế kết luận trẻ tử vong không rõ nguyên nhân. (An ninh Thủ đô, trang 8).
3 sản phụ tai biến sau gây tê, sao chưa dừng thuốc?
Liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được sử dụng trong 3 vụ, 3 sản phụ bị tai biến, nhiều địa phương đã đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngừng sử dụng.
Nhà cung cấp loại thuốc này cũng từng đưa ra yêu cầu thay thế thuốc nhưng thuốc này vẫn được dùng trên thị trường. Tại sao?
Công ty cung cấp cũng từng... lo ngại
Loại thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất được Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 (gọi tắt CPC1) cung cấp đã trúng thầu sử dụng cho việc gây tê tại nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương trên cả nước. Vào đầu năm nay CPC1 trúng thầu cung cấp loại thuốc gây tê này tại địa bàn Cần Thơ.
Nhưng sau đó, cũng chính công ty này có công văn đề nghị Sở Y tế Cần Thơ thay thế loại thuốc thầu (Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy) bằng một loại thuốc do Pháp sản xuất tương tự.
Trước đề nghị trên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, vào tháng 4-2019 Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp nhận cho đơn vị này được thay thế loại thuốc trên với loại thuốc có giá bằng với giá bỏ thầu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Trớ trêu thay, điều này hoàn toàn ngược lại với vụ tai biến sản khoa xảy ra ở Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng. Năm 2019, loại thuốc trúng thầu ở Đà Nẵng là loại thuốc tê do Pháp sản xuất.
Tuy nhiên đến tháng 5-2019, nguồn hàng bị đứt nên nhiều đơn vị buộc phải dùng loại thuốc thay thế Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy của Ba Lan sản xuất từ CPC1 cung cấp.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chỉ riêng tại miền Trung đã có rất nhiều cơ sở y tế sử dụng loại thuốc gây tê Ba Lan do CPC1 cung cấp. Tính từ đầu năm đến ngày 20-11, chi nhánh Đà Nẵng của công ty này đã xuất kho 73 đợt nhập - xuất hàng đến hơn 10 bệnh viện công và tư từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng.
Trong đó lô thuốc có ký hiệu 01 DB0619 (xảy ra tai biến ở Đà Nẵng) cũng được xuất chung tới nhiều bệnh viện. Trước sự cố tai biến y khoa này, ngành y tế Đà Nẵng đã lập tức thông báo đến các đơn vị y tế địa phương ngừng sử dụng loại thuốc gây tê trên.
Lo ngại sẽ xảy ra tai biến tương tự nên cùng lúc, ngành y tế Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có công văn thông báo dừng sử dụng loại thuốc gây tê này.
Chưa đủ cơ sở để dừng?
Từng xuất hiện nhiều ca tai biến ở miền Nam khi sử dụng loại thuốc gây tê này nhưng Bộ Y tế lại chưa có hành động cảnh báo? Trả lời câu hỏi này,
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, đối với một loại thuốc xảy ra phản ứng có hại thông thường có 4 trường hợp: đó có thể là phản ứng dị ứng, nặng hơn là phòng vệ; thứ hai là ngộ độc thuốc; thứ ba là thuốc không an toàn; thứ tư là cách sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật.
Theo ông Sơn, loại thuốc gây tê này vẫn được sử dụng phổ biến, thậm chí nhiều bệnh viện tại TP.HCM vẫn đang dùng. "Đến bây giờ mà quy kết cho một yếu tố nào trong đó, phải phân tích trên hồ sơ bệnh án của hội đồng chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trong cả nước" - ông Sơn cho biết thêm. Riêng đối với sự cố y khoa nghiêm trọng có tính chất tương tự xảy ra với các sản phụ ở Đà Nẵng, ông Sơn cho rằng cần phân tích rất nhiều yếu tố. Trong đó, có liên quan đến các thuốc đã sử dụng, các quy trình kỹ thuật đã được sử dụng, kỹ thuật thủ thuật và cả những phản ứng sau tai biến xảy ra. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng, chỉ mới nghi thuốc gây tê. "Cần phân tích thêm về độ an toàn, liệu có độc chất trong đó không, có nhiễm trùng hay do có tạp chất? Đã niêm phong 120 lọ còn lại, chúng tôi chỉ đạo sẽ làm khẩn trương các xét nghiệm cần thiết để phục vụ cho hội đồng chuyên môn đánh giá về nguyên nhân tử vong"- ông Sơn nói.
Để làm rõ quy trình sử dụng thuốc, một số chuyên gia đầu ngành từ TP.HCM cũng được Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng để tìm hiểu thêm vụ việc.
Có thể thay thế, chưa khuyến cáo ngưng dùng
Mới đây Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi đến sở y tế các địa phương cùng các bệnh viện trực thuộc bộ, các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu thuốc.
Cục Quản lý dược cũng cung cấp thông tin danh sách 181 cơ sở y tế, nhà thầu, thuốc tiêm chứa bupivacaine trúng thầu năm 2018 - 2019 và thông tin về 18 cơ sở sản xuất thuốc chứa bupivacaine đang được lưu hành tại Việt Nam để cơ sở y tế liên hệ, thực hiện mua thuốc kịp thời đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
Các cơ sở có thể mua thuốc thay thế loại trúng thầu.
Riêng việc khuyến cáo tạm dừng, Thứ trưởng Sơn cho biết bộ chưa có khuyến cáo dừng loại thuốc gây tê do Ba Lan sản xuất do chưa có kết quả phân tích cụ thể và việc này ảnh hưởng lớn đến công tác mua sắm.
Một sản phụ bị tai biến sau gây tê qua cơn nguy kịch
Theo thông tin từ người nhà sản phụ N.T.H. (34 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), sau thời gian được Bệnh viện Đà Nẵng tích cực cứu chữa, hiện tình hình sức khỏe của chị H. đã qua cơn nguy kịch, có thể nói chuyện. (Tuổi trẻ, trang 13).