Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Tin quảng cáo, sập bẫy “vẽ bệnh” phòng khám có bác sĩ nước ngoài; Hơn 500 biến thể phụ của Omicron có khả năng tránh hệ miễn dịch; Cảnh báo ngộ độc thực phẩm cuối năm…

 

Cần sự đồng thuận trong việc nâng cao chất lượng dân số

Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay có chủ đề: "Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững". Đây cũng là mục tiêu chung của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đạt mục tiêu đó, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp phù hợp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh giữa các vùng; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên... và rất cần sự đồng hành, đồng thuận của các cấp, các ngành.

Công tác dân số còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, 16 năm qua tốc độ gia tăng dân số ở nước ta được khống chế, duy trì ổn định mức sinh thay thế. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, số người trong độ tuổi lao động chiếm 68% số dân cả nước.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em tiếp tục giảm; tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990; tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện; số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước trong khu vực và châu Âu.

Quy mô dân số đến tháng 12/2022 là hơn 99 triệu người. Phân bổ dân số đã hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Dân số-kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, mặc dù công tác dân số đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức khi chất lượng dân số vẫn còn thấp, chỉ số phát triển con người (HDI) còn nằm ngoài tốp 100; các vấn đề về chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân có cải thiện, nhưng chưa nhiều; chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là 164cm ở nam, 153cm ở nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu; tuổi thọ bình quân cao, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi.

Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc dưới 10 nghìn người còn hạn chế, nhất là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi...

Hiện nay mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, Tây Nguyên mức sinh còn rất cao thì tại một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long mức sinh đã xuống thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế của dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả do chưa có giải pháp đồng bộ; tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng chủ động.

Chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới, chưa nhiều chính sách tác động đến các lĩnh vực: kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội chưa được chú trọng đúng mức; các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, điều quan trọng nhất trong công tác dân số hiện nay là phải có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội khi thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; có sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang triển khai đồng loạt, toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố dân số nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Một khó khăn nữa là khi triển khai công tác dân số tại một số địa phương, một số cấp ủy đảng, chính quyền cũng chưa nhận thức đúng và đủ về vai trò, tính chất lâu dài, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.

Đồng bộ giải pháp, kết hợp nguồn lực

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, giải pháp cho ngành dân số rất nhiều, nhưng chưa thật hiệu quả. Thí dụ, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (đã diễn ra từ năm 2006), nhưng đến nay, sau rất nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp, giới tính khi sinh vẫn chênh lệch lớn, nhất là tại những tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được Chiến lược dân số đến năm 2030, cần bắt đầu từ những vấn đề cụ thể, trước mắt, cố gắng đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý.

Tỷ số giới tính khi sinh cần đưa về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%... Mặt khác tiếp tục nâng tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tiếp tục thực hiện tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thông qua việc lồng ghép các nội dung vào các môn học chính khóa và ngoài giờ lên lớp phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo. Tìm giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số...

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cần đổi mới truyền thông, tuyên truyền, vận động về dân số, nên sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để truyền tải những thông điệp về công tác dân số đến tận những người dân ở những vùng sâu, vùng xa trong mọi hoàn cảnh, thời gian...

GS, TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, công tác dân số hiện nay đang đối mặt nhiều khó khăn "rất lớn và rất khó". Nhìn bức tranh tổng thể của dân số Việt Nam hiện nay sẽ thấy, để nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào phát triển đất nước nhanh và bền vững thì những chỉ số đã đạt là chưa đủ.

Theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, một bức tranh dân số hoàn hảo phải giải quyết được các mục tiêu rộng lớn: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Các mục tiêu này được cụ thể hóa bằng 25 chỉ tiêu bao trùm. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi phải thay đổi định kiến, thói quen đã "đóng đinh" trong tập quán nghìn đời của các dân tộc Việt Nam sang nhận thức, hành vi mới.

Chẳng hạn, để nâng cao chất lượng dân số, phải loại trừ việc tảo hôn, kết hôn cận huyết; người trong độ tuổi trước khi kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe; không lựa chọn giới tính thai nhi; phụ nữ khi mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Đó là sự thay đổi lớn mang tính cách mạng, từ kết hôn, sinh đẻ tự nhiên, bản năng sang kế hoạch, khoa học, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ ít bị trách nhiệm sang trách nhiệm cao với gia đình và toàn xã hội; từ số lượng sang chất lượng…

Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, rất cần sự chung tay, đồng lòng, đồng thuận của các cấp, các ngành, của toàn xã hội nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng. (Nhân dân, trang 8).

 

Hơn 500 biến thể phụ của Omicron có khả năng tránh hệ miễn dịch

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu tháng 12 vẫn cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền và tránh được hệ miễn dịch.

WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể khiến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại, do đó việc tiêm chủng vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch hiện nay. Theo công bố của WHO, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Trong nước, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỷ lệ bao phủ vắc xin của VN đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch do biến thể mới

Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Thời gian tới là dịp Tết dương lịch 2023, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cho biết hệ thống giám sát và đơn vị nghiên cứu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ… Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai các hoạt động tăng cường tiêm cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Ngày 25.12, Bộ Y tế thông báo trong nước ghi nhận 71 ca mắc Covid-19 mới, đây là số mắc thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Tổng số ca mắc Covid-19 trong 7 ngày qua ở nước ta là gần 1.300 ca, trung bình chưa đến 200 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc mới Covid-19 thấp nhất trong nhiều tháng qua. Trong ngày 25.12 có 41 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Về số bệnh nhân tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua, trung bình 1 ca/ngày. Từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại VN là 43.184 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. (Thanh niên, trang 4).

 

Kiểm soát bệnh viêm gan do vi rút tại TP.HCM đến năm 2025

Ngày 25.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025.

Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện năm 2017, VN ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan; khoảng 40.000 trường hợp tử vong hằng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

9,3% người ở TP.HCM nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính

Giám sát dịch tễ học huyết thanh vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C trong nhóm trưởng thành tại VN được thực hiện tại 32 tỉnh thành năm 2018 và 2019 với mẫu 25.649 người (TP.HCM 810 người) cho thấy: Tỷ lệ vi rút viêm gan B mạn tính tại VN năm 2018 là 9,2% và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính là 1%.

Tại TP.HCM, kết quả giám sát với 810 người cho thấy: Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính là 9,3%; tỷ lệ từng nhiễm vi rút viêm gan B là 54,5%. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính là 0,3% và tỷ lệ từng nhiễm vi rút viêm gan C là 1,5%. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 bệnh nhân khám về gan, trong đó viêm gan vi rút B chiếm khoảng 60%, viêm gan vi rút C chiếm khoảng 14%.

Theo UBND TP.HCM, năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu đạt 84,41%; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai là dưới 70%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm viêm gan B trong thời kỳ mang thai và chuyển dạ đạt 99,46%. Số liệu về sàng lọc viêm gan B, C tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM năm 2021 cho thấy 100% đơn vị máu được sàng lọc vi rút viêm gan B, C.

UBND TP đặt mục tiêu: Đến năm 2025 giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%; giảm lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con (sàng lọc đạt trên 70%); giảm thiểu lây truyền vi rút viêm gan B, C 100% tại cơ sở y tế và giảm thiểu lây truyền trong nhóm sử dụng ma túy; loại trừ lây truyền viêm gan B, C qua đường máu; giảm lây truyền vi rút viêm gan A, E qua đường tiêu hóa; giảm xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan vi rút B, C.

Bệnh có thể phòng ngừa được

Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của bệnh viêm gan vi rút. Có 5 loại vi rút viêm gan, gồm: A, B, C, D và E. Trong đó, vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con.

Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong các loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng chức năng chữa bệnh sớm và đúng quy định. WHO khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm phòng viêm gan B. Mặc dù có thể dự phòng được, nhưng năm 2019 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 85% thấp hơn so với mục tiêu cần đạt là 90%, trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới đạt 43%.

Với bệnh viêm gan vi rút C, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ sử dụng thuốc kháng vi rút trực tiếp thế hệ mới được sử dụng đơn giản với thời gian điều trị ngắn, ít độc tính và có tỷ lệ điều trị khỏi trên 95%, đặc biệt có một số loại thuốc có tác dụng với tất cả các loại gien. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các loại thuốc này vẫn còn thấp do chi phí chẩn đoán và điều trị còn cao.

Nguyên nhân gây tử vong thứ 3 do bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của WHO, năm 2021 thế giới có khoảng 296 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 58 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính. Ước tính mỗi năm có 3 triệu ca nhiễm mới viêm gan B và viêm gan C. Mỗi năm trên thế giới, khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút, trong đó 96% là do viêm gan B và viêm gan C mà nguyên nhân chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào gan và xơ gan.

Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, nguyên nhân tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân do truyền nhiễm gây ra. (Thanh niên, trang 15).

 

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm cuối năm

"Đến hẹn lại lên", cứ vào dịp cuối năm, giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ rượu, thực phẩm lại tăng cao, bởi đây là "cao điểm" của những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Kéo theo đó, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng rượu, thực phẩm kém chất lượng cũng gia tăng.

Hôn mê, teo não... sau cuộc nhậu

Phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vào một buổi chiều cuối năm. Không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp các nẻo đường, ngõ phố, song tại đây, các y, bác sĩ vẫn tất bật với công việc cứu người. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thời gian này, gần như ngày nào trung tâm cũng phải tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu.

Nằm bất động trên giường, xung quanh chằng chịt dây truyền dịch, ống thở, máy móc hỗ trợ, nam thanh niên N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang) rơi vào trạng thái hôn mê sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đây là trường hợp điển hình của ngộ độc rượu. Khi nhập viện, chỉ số đường huyết của bệnh nhân H. giảm còn 0,7 mmol/l, trong khi với người bình thường chỉ số này là trên 4 mmol/l.

Giường kế bên, bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng hôn mê. Ông K. có thâm niên uống rượu hơn 40 năm. Thời điểm trước khi nhập viện, ông uống đến 1 lít rượu/ngày. Các bác sĩ đánh giá, tất cả các cơ quan nội tạng của bệnh nhân đều bị tổn thương. Điển hình, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout (gút), kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém… Với trường hợp này, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm, đã được điều tra và xử lý kịp thời. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố đã phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

“Các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu trong năm 2022 là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều; kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm... Do đó, không chỉ lo về ngộ độc rượu, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, người dân cũng cần cảnh giác với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý.

Không pha rượu với bia, nước ngọt...

Khi nhu cầu sử dụng rượu, bia gia tăng, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.

Để phân biệt hai loại rượu này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, khi uống rượu pha methanol có vị hơi ngọt, chứ không đắng như rượu thông thường. Thậm chí, khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường. Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.

Thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội bắt đầu vào đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm sau công bố, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Thiếu nguồn xác hiến phục vụ nghiên cứu y học

Trong 10 năm, Viện Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) chỉ tiếp nhận 14 xác hiến phục vụ y học. Nhiều năm qua, nguồn thi thể hiến tặng để bác sĩ, sinh viên y nghiên cứu, học tập rất ít.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng Bộ môn Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội), cho biết 10 năm trở lại đây, Bộ môn Giải phẫu nhận được hơn 10 xác hiến, người trẻ nhất 18 tuổi, người già nhất vừa qua tuổi 90, tên của họ được khắc trên tấm bảng đặt tại Viện Giải phẫu. Số lượng thi thể hiến cho y học ở phía Bắc chỉ bằng khoảng 10% so với số thi thể được hiến cho một số đơn vị tại TPHCM.

Tại TPHCM, việc tiếp nhận đơn thư hiến xác và nhận thi thể cũng như quan niệm của người dân thoáng hơn nên mỗi năm các trường như Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận từ 20-30 thi thể. Do thiếu nguồn này, Trường ĐH Y Hà Nội phải mượn thi thể từ các cơ sở này phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên nhà trường.

“Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nền y tế phát triển, thi thể hiến đây được gọi là những “người thầy thầm lặng” đối với sinh viên y khoa”, TS Nghĩa chia sẻ.

Theo tiêu chuẩn tốt nhất là 6 - 8 sinh viên học/xác, tuy nhiên thực tế hiện nay tại Hà Nội đang là 18-20 sinh viên học/thi thể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập giải phẫu, thực hành của sinh viên.

Theo các bác sĩ giải phẫu, thi thể được sử dụng trong đào tạo y khoa có hai loại chính là xác khô, được xử lí bằng hóa chất, thành phần chính là formol và xác tươi - bảo quản bằng hệ thống tủ lạnh và tủ rã đông. Xác khô là “học cụ” cung cấp kiến thức về cấu trúc cơ thể người, thời gian sử dụng 1 năm. Xác tươi rất cần trong đào tạo các kĩ năng ngoại khoa phẫu thuật, thời gian sử dụng ngắn hơn.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết với sinh viên y và thầy thuốc, việc được đào tạo bằng xác người, đặc biệt là xác tươi rất ý nghĩa.

“Xác khô ngâm bị đen, cứng lại nên không thể nhìn được chi tiết mạch máu, khó để thực hành phẫu thuật. Không ít bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải ra nước ngoài đào tạo để nâng cao trình độ, học tập qua xác tươi”, PGS Hệ nói. Do không có xác tươi để học, nhiều nghiên cứu sinh từ phía Bắc phải vào TPHCM để học mổ xác.

Một năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã làm việc với các cơ sở đào tạo y khoa tại TPHCM về việc chia sẻ xác hiến ra phía Bắc.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể tiến hành vì nhiều người còn e ngại, còn có tâm lí muốn thắp hương cho người thân hàng tháng, TS Nghĩa nói. “Không có một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể con người”, PGS.TS Ngô Xuân Khoa, Phụ trách Bộ môn Giải phẫu, nhấn mạnh. Theo PGS Khoa, những năm gần đây, nhờ truyền thông, nhiều người dân đã hiểu biết hơn về ý nghĩa của việc hiến thân thể cho y học sau khi qua đời nên đã tự nguyện đăng kí.

Tuy nhiên trong thực tế, ước nguyện, nghĩa cử cao đẹp đó có được thực hiện hay không phụ thuộc thân nhân người hiến, trong khi vẫn còn nhiều người chưa vượt qua được áp lực, còn có quan niệm phải “mồ yên mả đẹp”, “chết phải toàn thây”.

Các chuyên gia cho biết, thời gian từ khi tiếp nhận tới lúc ngưng sử dụng xác thường từ 2-3 năm (1-2 năm xử lí, 1 năm sử dụng). Sau đó, xác hiến sẽ được hỏa thiêu để trao lại cho gia đình hoặc đưa vào an táng tại nghĩa trang ở Quảng Ninh. Ngoài ra, các đơn vị chức năng sẽ lo toàn bộ mọi vấn đề từ vận chuyển tới hậu sự. (Tiền phong, trang 6).

 

Thu hồi sản phẩm Fumanbreak có chất nguy hiểm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Fumanbreak (số lô: 012022, NSX: 22-8-2022; HSD: 21-8-2025; số ĐKSP 2483/2022/ĐKSP; quy cách 10 viên/hộp và sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Dược - Mỹ phẩm Đắk Tín ở số 8, đường số 100, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) có chứa chất cấm Sildenafil.

Sản phẩm Fumanbreak được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Phúc Đầy (tầng 6, tòa nhà 17-19 ngõ 59, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định thu hồi sản phẩm Fumanbreak, đồng thời cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin nêu trên. Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Sildenafil là hoạt chất được chỉ định dùng điều trị rối loạn chức năng cương dương và tăng huyết áp động mạch phổi, nhưng đây cũng là chất có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm với sức khỏe nên bị cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thuốc bổ và… thuốc độc

Báo cáo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy: Mức tiêu thụ rượu, bia bình quân/người Việt Nam trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018. Đây là con số cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít.

Cũng theo báo cáo này, có khoảng hơn 40.800 ca tử vong của người Việt liên quan đến rượu, bia - chưa kể gánh nặng xã hội do tai nạn, bệnh tật có nguyên nhân từ rượu, bia. Bên cạnh đó rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Và một con số kinh hoàng khác là: Người Việt đã chi tới 4 tỷ USD/năm để mua bia rượu. Số liệu này được công bố tại Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức tháng 7/2022.

Chưa dừng lại ở đó, tỉ lệ người Việt hút thuốc lá cũng đứng hàng thứ 15 thế giới. Ước tính mỗi năm, người Việt chi tới 49.000 tỷ đồng cho thuốc lá. Cùng với việc "tiền mất" thì mỗi năm cũng có tới hơn 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra (Số liệu công bố tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tháng 11/2022).

Ấy vậy mà: Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân… 1 cuốn sách. Và có tới 80% người trong độ 20 - 30 tuổi không đụng đến sách suốt một năm. (Số liệu công bố tại Tọa đàm "Xây dựng thói quen đọc sách của người Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đại học Hoa Sen tổ chức tháng 5/2022).

Đến đây thì có thể thấy người Việt Nam… lười đọc sách đến mức nào - trong khi không ít người "Tiền mất, tật mang" vì sử dụng rượu, bia và thuốc lá một cách thái quá. Đặc biệt, nguồn lực vật chất và sức khỏe của chính người Việt đã bị rượu, bia và thuốc lá bào mòn ở mức độ nghiêm trọng.

Vậy nhưng rượu, bia, thuốc lá thì liên quan gì đến sách?

Một ngày nọ, tôi cùng nhóm bạn về một vùng quê. Đón tiếp chúng tôi, người chủ nhà tỏ ra chu đáo sai vợ làm cơm. Và tất nhiên anh không quên mua chai rượu và thùng bia. Giữa chừng bữa ăn, anh lại sai đứa con chừng hơn 10 tuổi đi mua gói thuốc lá. Đứa trẻ dù nghe lời bố nhưng không quên phụng phịu: Bố còn chưa cho con tiền mua sách đấy. Câu nói này khiến cả ông bố và chúng tôi không khỏi suy nghĩ và có phần day dứt.

Có hai vấn đề từ câu chuyện này.

Vấn đề thứ nhất là: Trong ý thức của nhiều bậc phụ huynh, việc chi tiền mua rượu, bia và thuốc lá nó như… cơm ăn nước uống. Trong khi việc mua và đọc sách không thuộc nhu cầu cần thiết.

Từ vấn đề thứ nhất dẫn đến vấn đề thứ hai là: Trong chi tiêu gia đình, kinh phí dành để mua rượu, bia và thuốc lá thì nằm trong hạng mục "chi thường xuyên". Còn kinh phí dành để mua sách thì thường… không có; hoặc nếu có thì cũng nằm ở hạng mục… chi đột xuất.

Câu chuyện trên đây từ lâu đã là thực trạng phổ quát tại Việt Nam. Từ mối tương quan này, chúng ta hãy đặt phép tính xem rằng: Mua sách có đắt và nhiều tiền như rượu, bia và thuốc lá hay không? Câu trả lời là chi phí mua sách thấp hơn chi phí cho rượu, bia và thuốc lá rất nhiều - tất nhiên so sánh chỉ là tương đối song lại mang tính chất điển hình.

Hiện nay, giá sách tại thị trường Việt Nam trung bình ở mức 80.000 - 100.000 đồng/cuốn. Với mức giá này thì ngay cả khi 70 triệu người Việt Nam đọc sách, số lượng sách đọc trung bình tăng từ… 1 cuốn hiện nay lên đến 5 cuốn/năm thì số tiền này vẫn là quá nhỏ so với 4 tỷ USD cộng với 49.000 tỷ đồng chi cho rượu, bia và thuốc lá.

Tuy nhiên, việc đặt phép tính này không phải là mục tiêu. Thay vào đó, đích đến cuối cùng là cần giảm thiểu thiệt hại từ rượu, bia và thuốc lá; đồng thời gia tăng lợi ích từ đọc sách. Theo đó: Nếu người Việt Nam không sử dụng quá nhiều rượu, bia và thuốc lá thì nguồn lực vật chất này hoàn toàn có thể dành cho những mục đích tốt đẹp và hiệu quả hơn. Đồng thời, số người tử vong và số vụ bạo hành do rượu, bia và thuốc lá gây ra cũng sẽ giảm theo. Thêm nữa, nếu người Việt đọc sách nhiều hơn thì lợi ích từ văn hóa đọc được lan tỏa, người Việt Nam gia tăng trí tuệ và tri thức.

Lợi ích từ việc giảm sử dụng rượu, bia và thuốc lá thì rất dễ định lượng, còn ý nghĩa và giá trị từ việc đọc sách thì lớn hơn rất nhiều và mang tầm vóc của thành tựu. (Nông thôn ngày nay, trang 4).

 

Từ 1-1-2023: Bỏ yêu cầu sổ hộ khẩu khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình

Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, trong đó bỏ quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình.

Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2023 đã sửa đổi, bổ sung một số điều và biểu mẫu của Nghị định 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đó, quy định về nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (thay thế “người có tên trong sổ hộ khẩu” bằng “người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú”);

Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại Nghị định 146 và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú nêu trên (thay thế “người có tên trong sổ tạm trú” bằng “những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú”).

Ngoài ra, các đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình còn gồm cả chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ một số đối tượng theo quy định mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình.

Cụ thể, Điều 2 Nghị định này đã điều chỉnh một số thông tin, yêu cầu trong các biểu mẫu liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế hộ gia đình như bãi bỏ cụm từ “Số sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú)” tại Mẫu số 3 - Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT kèm theo Nghị định 146/2018.

Theo đó, việc lập danh sách thành viên hộ gia đình khi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình không còn yêu cầu phải có hộ khẩu giấy.

Ngoài ra, Nghị định 101/2022 còn sửa đổi, bổ sung nội dung tại phần hướng dẫn Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, viên chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau:

Người hưởng chế độ trực tiếp nhận phải cung cấp giấy hẹn và thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.

Người nhận thay nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: Cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú...

Nếu là người giám hộ phải cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng bảo hiểm y tế (bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Như vậy, Nghị định 104/2022 đã bỏ quy định về cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, thay vào đó là bản sao Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Tin quảng cáo, sập bẫy “vẽ bệnh” phòng khám có bác sĩ nước ngoài

Lên bàn phẫu thuật mới được báo giá; bị chỉ định cắt bao quy đầu với giá chục triệu đồng nhưng đến khi đi khám lại tại Bệnh viện Bình Dân thì không mắc bệnh gì... - nhiều bệnh nhân sập bẫy khi tin những lời quảng cáo của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Nhờ công an vào cuộc, phòng khám mới hoàn trả số tiền gần 8 triệu đồng...

Anh Nguyễn Thanh Nam (22 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) chân ướt, chân ráo lên TPHCM làm việc được 2 tháng. Thời gian ở đây, anh Nam cảm giác đi tiểu bí, rát, nhưng ngại đến bệnh viện. Để khám nhanh, anh Nam lên mạng tìm kiếm, ngày hôm sau đến phòng khám nằm tại quận 10, TPHCM.

Theo anh Nam chia sẻ, lúc đầu anh được hướng dẫn và đóng 500.000 đồng tiền khám, không có hóa đơn, hay chứng từ gì. Sau đó, anh được một nhân viên ở đây dắt lên lầu 3 để gặp bác sĩ, tại đây bác sĩ cho lấy máu làm xét nghiệm. Khoảng 30 phút sau, bác sĩ dắt anh vào một phòng khám, nói  anh bị viêm bao quy đầu, cần phải tiểu phẫu nếu không bệnh sẽ nặng hơn.

“Tôi cảm thấy hoang mang, vì lúc tôi được tư vấn là đã nằm trên bàn phẫu thuật rồi. Bác sĩ có nói tôi gọi điện về cho gia đình để nói chuyện, bố mẹ tôi thấy con bị bệnh vậy nên vội vàng đồng ý số tiền 10 triệu đồng phẫu thuật. Sau đó, vì là ngày thứ 7 nên bố mẹ tôi không gửi tiền lên được. Họ liên tục truyền nước cho tôi trong lúc đợi người nhà tìm cách chuyển tiền lên. Thậm chí, lúc đi tiểu vẫn có nhân viên đi theo phòng tôi bỏ trốn”.

Sau sự việc đó, anh Nam mất tổng 11.000.000 đồng và quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để khám lại. Tại đây, bác sĩ cho biết, anh Nam do ăn uống không tốt, nóng trong người nên có triệu chứng tiểu rá, buốt, hoàn toàn không bị viêm bao quy đầu như phòng khám trên chia sẻ.

Chị T.Y (24 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng gặp chuyện "éo le": Chị bị ra huyết trắng. Thấy tình trạng ngày càng nặng, chị đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám và thực hiện siêu âm, xét nghiệm, chị được chẩn đoán nấm âm đạo có khả năng vô sinh và nhiễm bệnh xã hội vì quan hệ tình dục. Để điều trị chị phải đóng 10 triệu đồng.

"Sau khi nghe tư vấn, tôi không đồng ý điều trị vì không mang đủ tiền. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cố gắng thuyết phục tôi bằng nhiều cách, như bệnh nghiêm trọng phải chữa ngay; nếu ra ngoài khám lại thì mất tiền xét nghiệm, siêu âm rất tốn kém; mượn tiền người thân, bạn bè. Lúc này tâm lý đang hoang mang nên tôi đồng ý. Sau đó, họ truyền dịch và chỉ rửa âm đạo" - chị Y kể.

Gian nan hành trình "dẹp loạn” phòng khám moi tiền người dân

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài (vốn nước ngoài hoặc nhân sự nước ngoài tham gia khám chữa bệnh) với 120 bác sĩ là người nước ngoài.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều phòng khám không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.

Khi ngành y tế kiểm tra các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau như: Để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... cứ thường xuyên lặp đi lặp lại. Có nơi còn quảng cáo lập lờ danh nghĩa của các bệnh viện chuyên khoa lớn như: Từ Dũ, Hùng Vương... nhằm lôi kéo người bệnh.

Dù Thanh tra Sở Y tế TP đã ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất (có phòng khám bị phạt 315 triệu đồng) và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng các phòng khám này vẫn không sợ. Một thực tế cho thấy, hiện nay không ít phòng khám lợi dụng việc cấp phép kinh doanh hiện nay rất nhanh, sẵn sàng giải thể công ty đã đăng ký thành lập (thực tế đang bị xử lý vi phạm), mở một công ty mới với pháp nhân mới, thay đổi luôn cả tên phòng khám nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí ban đầu. Về pháp lý, họ không sai bởi luật chưa có quy định. Rõ ràng chúng ta cần rà soát, sửa đổi cho chặt chẽ hơn.

Trong một cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM diễn ra vào ngày 7.10.2022 về bổ sung và góp ý sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh sắp tới, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, hiện nay có tình trạng thẩm định quyền cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép đối với những cơ sở khám chữa bệnh, ai cấp thì đơn vị đó thu. Ví dụ, Sở Y tế TPHCM cấp thì đơn vị này thu lại giấy phép hoạt động, Bộ Y tế cấp thì Bộ Y tế thu lại.

Tuy nhiên, cũng theo TS Diễm Tuyến, TPHCM là một trong những thành phố lớn, có nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở y tế do Bộ Y tế cấp, mà Bộ Y tế khá xa nên việc giám sát, ngăn chặn được các cơ sở y tế vi phạm chưa sát sao được. Đặc biệt là các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài.

Cụ thể nhiều phòng khám có bác sĩ người nước ngoài hiện nay vẫn đang lợi dụng kẽ hở này của luật để gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của nhân dân. (Lao động, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang