Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế; Ứng phó dịch COVID - 19: Người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà; Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19

 

Thủ tướng gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế

Hôm nay (25-3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Trong thư nêu rõ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn ngừa được dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào và đang thực hiện việc kiểm soát lây lan trong cộng đồng. Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ chiến sĩ áo trắng, những người luôn tiên phong, xông pha trên mọi mặt trận phòng chống dịch.

Hình ảnh cán bộ y tế cùng các cán bộ, chiến sĩ ở địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện sớm các nguy cơ lây lan dịch bệnh, những người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về vi rút... đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc, được nhân dân cả nước khen ngợi. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đồng chí không những đã phát huy truyền thống, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh rất đáng tự hào của ngành Y tế mà còn góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin, sự an tâm, tiếp thêm động lực để cả nước đồng sức, chung lòng phòng chống dịch thành công.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cống hiến, tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả gian nan, hiểm nguy của những chiến sĩ áo trắng trên mọi miền Tổ quốc, các anh, các chị xứng đáng là lực lượng tinh nhuệ tiên phong trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài, Việt Nam đang trong giai đoạn cần tập trung cao độ để phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Thủ tướng kêu gọi toàn thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên mọi miền Tổ quốc phải quyết tâm cao hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa cùng với các lực lượng và nhân dân sớm đẩy lùi dịch bệnh trên đất nước ta.

Thủ tướng kêu gọi và đề nghị đồng bào, đồng chí trong cả nước tiếp tục động viên, chia sẻ, chung tay ủng hộ những người chiến sĩ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với Covid-19 đầy cam go và nguy hiểm.

Thủ tướng chúc các thầy thuốc của nhân dân sức khỏe, luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. (Hà Nội mới, trang 2).

 

Ứng phó dịch COVID - 19: Người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà

Ngày 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19, người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm

Thảo luận về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, đánh giá các mô hình phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định, nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 141 ca tính đến 21 giờ ngày 25/3. “Do đó thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan ở dưới mốc 1.000 càng lâu càng tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000-10.000 mẫu. Ngành Y tế đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TPHCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung. Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ

Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp này phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…

Liên quan nội dung này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu một số địa phương trọng điểm (đã xuất hiện ca nhiễm chưa rõ nguồn lây) cần tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ để sàng lọc, cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức thật tốt công tác cách ly, cố gắng không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung…

Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly. Nhìn chung điều kiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi cách ly tập trung khá tốt, thậm chí còn cao hơn điều kiện sinh hoạt của bộ đội. Bộ Quốc phòng đề nghị bà con yên tâm, không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm. Quân đội khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng đi đầu trong mọi tình huống để phòng chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Tập trung cao độ, không để dịch bệnh lan rộng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn 1, hiện đang kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ rất lớn, dân số đông nhưng chúng ta chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ gần 80 trên thế giới.Tuy nhiên, chúng ta đã ở vào thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Trên thế giới dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường.

Nhiều nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều lần nhưng đã hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử vong. Bệnh dịch đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của mọi người. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác nếu không thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì mỗi người sẽ không bị lây nhiễm và đất nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như đã làm được ở giai đoạn 1. Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung cao độ, không để cho dịch bệnh lan rộng”.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn y tế, thậm chí việc thực hiện này có thể làm thay đổi một số thói quen từ lâu, có thể gây bất tiện, tuy nhiên vì sức khoẻ chính mình và vì trách nhiệm với bản thân, với gia đình mình, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, mỗi người dân thực hiện thật tốt 5 hướng dẫn của ngành y tế để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, người dân cần hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự có việc cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất tối thiểu 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nếu không có xà phòng; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh; khai báo y tế, cập nhật sức khỏe hàng ngày của mình, giữ liên hệ thường xuyên với nhân viên y tế và cơ sở y tế. (Tiền phong, trang 6-7; Tuổi trẻ, trang 3).

 

Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19

Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày 26.3

Kéo dài thời gian càng lâu càng tốt

Ngày 25.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Thảo luận về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, đánh giá các mô hình phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định, nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 134 ca, do đó thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan ở dưới mốc 1.000 càng lâu càng tốt.

Bảo đảm đủ điều kiện xét nghiệm, điều trị

Trên tinh thần đó, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Tổ chức tiếp nhận, cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam; quản lý biên giới phía Tây Nam; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men, sinh phẩm… phục vụ xét nghiệm, điều trị bệnh; tổ chức phân luồng điều trị người bệnh…

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000-10.000 mẫu. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TPHCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung.

Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản chúng ta có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, hiện các địa phương cũng đang khẩn trương tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát sàng lọc người nghi ngờ. Cuối giờ chiều nay sẽ có số liệu tổng hợp.

Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp này phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khoẻ hằng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…

Liên quan đến nội dung này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu một số địa phương trọng điểm (đã xuất hiện ca nhiễm chưa rõ nguồn lây) cần tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ để sàng lọc, cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức thật tốt công tác cách ly, cố gắng không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung…

Không tiếp tế vào khu cách ly

Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly. Nhìn chung điều kiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi cách ly tập trung khá tốt, thậm chí còn cao hơn điều kiện sinh hoạt của bộ đội.

Bộ Quốc phòng đề nghị bà con yên tâm, không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm. Quân đội khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng đi đầu trong mọi tình huống để phòng chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Về công tác truyền thông phục vụ phòng chống dịch bệnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông cũng phải theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Theo đó Bộ Y tế cần cung cấp thông tin định kỳ về dịch bệnh cho cơ quan báo chí và nhân dân, với tần suất 2 lần/ngày (sáng, chiều) để vừa minh bạch thông tin về diễn biến dịch bệnh, vừa phản bác những thông tin sai trái… Đối với những trường hợp đột xuất, bất ngờ, Bộ Y tế cũng cần kịp thời cung cấp thông tin để người dân yên tâm.

Kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà

Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất.

Ban Chỉ đạo kêu gọi mọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Khi buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn (2m). Đồng thời giữ gìn vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn). Thực hiện ăn chín, uống sôi. Tiến hành khai báo y tế tự nguyện.

Đã hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19

Cập nhật tình hình dịch bệnh từ Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam đã ghi nhận 134 trường hợp mắc COVID-19 (17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện) tại 21/63 tỉnh, thành phố. Tính đến 12h trưa nay, có 117 bệnh nhân đang được điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh (85 người Việt Nam, 32 người nước ngoài).

Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 26 bệnh nhân âm tính lần 1, 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 20386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người đang cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày 26.3 tới, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến.

Trên thế giới, tính đến ngày 25.3, dịch bệnh COVID-19 đã lây ra 197 quốc gia, vùng lãnh thổ với 522.614 người mắc, 18.892 người tử vong. Trong đó, châu Âu hiện là khu vực có số mắc và tử vong cao nhất, tiếp đến là châu Á, khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) (Lao động, trang 2).

 

Huy động nguồn lực, điều trị người nhiễm Covid-19

Hiện phần lớn các ca bệnh Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện đều được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Tuy nhiên có MỘT SỐ trường hợp nặng hơn, phải thở máy. Ngay sau khi xuất hiện những ca nặng, ngành y tế đã tập trung nguồn lực, nhất là các chuyên gia đầu ngành cùng hội chẩn, đưa ra các phương án, phác đồ điều trị hiệu quả.

Bộ Y tế cho biết, đến chiều 25-3 cả nước có 124 người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại 16 cơ sở y tế. Phần lớn các ca bệnh đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Ðáng chú ý có 26 người bệnh xét nghiệm âm tính lần 1 và 7 người xét nghiệm âm tính

lần 2. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có 3 người bệnh đang có diễn tiến nặng, trong đó có 2 người phải thở máy và một người chạy hệ thống ECMO.

Ngay khi nhận thông tin về diễn biến nặng của người bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã liên hệ và đề nghị GS, TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực phối hợp, hỗ trợ chuyên môn trong điều trị cho những người có diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, một đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 để hội chẩn điều trị cho người bệnh. Tại điểm cầu Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch... cũng thường xuyên hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 trong điều trị cho người bệnh nặng. Qua hội chẩn, các chuyên gia bàn, chia sẻ ý kiến về theo dõi, điều trị cho những người bệnh nặng. PGS,TS Ðào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau khi được thở máy, lọc máu và các biện pháp hồi sức tích cực, ô-xy máu của những người bệnh nặng đã cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn trong tình trạng nặng. Các chuyên gia sẽ tiếp tục hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn liên tục hằng ngày.

Tại các cuộc hội chẩn, Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị, chăm sóc toàn diện cho người bệnh Covid-19, nhất là những ca bệnh có diễn biến nặng, người bệnh phải thở máy, lọc máu… Bệnh viện cần thường xuyên hội chẩn ngay liên khoa trong bệnh viện, thậm chí hội chẩn liên viện (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh. Mặt khác tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị để quản lý và chăm sóc hiệu quả người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất người bệnh chết và lây nhiễm chéo cho cán bộ y tế.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, đối với những người bệnh Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mạn tính… thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tiến công của vi- rút. Phân tích cụ thể hơn, theo TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Ðột quỵ (Bệnh viện Lão khoa T.Ư), thống kê mới về dịch Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mạn tính, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị Covid-19 sẽ khiến các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp và người bệnh rất dễ bị chết.

Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS, TS Hồ Thị Kim Thanh (Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm vi-rút, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính gây phức tạp cho việc điều trị.

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chiều 24-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định: Ngành y tế đang tập trung trang thiết bị tốt nhất, nhân lực giỏi nhất để điều trị cho những người nhiễm Covid-19. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị bệnh viện tập trung theo dõi các ca bệnh Covid-19 bước sang tuần thứ 2, nhất là những trường hợp có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp để có hướng xử lý phù hợp. Trong quá trình điều trị thực hiện thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa và khử khuẩn thường xuyên, phòng áp lực âm chỉ sử dụng cho những trường hợp thật sự cần. Ðồng thời rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế khi khám, chữa bệnh... (Nhân dân, trang 5).

 

Tập trung cao độ để ngăn chặn dịch lan rộng

Sáng 25-3, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra tình hình triển khai bệnh viện dã chiến Mê Linh để khám và điều trị cho những trường hợp mắc Covid-19. Dự kiến, ngày 27-3, công trình sẽ hoàn thành và bàn giao cho Sở Y tế Hà Nội quản lý, sử dụng, với quy mô hơn 200 giường. Ðồng chí Vương Ðình Huệ đánh giá cao các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư dự án đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành cải tạo bệnh viện, đồng thời đề nghị chủ đầu tư dự án nghiên cứu phương án thiết kế thêm khu điều trị, có thể tăng công suất lên tối đa 1.000 giường bệnh.

★ Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã chủ trì phiên họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng, chống dịch với các bộ, ngành. Phó Thủ tướng nêu rõ, với tinh thần đoàn kết toàn dân, chống dịch như chống giặc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự vào cuộc quên mình của ngành y tế, quân đội, công an và các ngành, các cấp và quan trọng nhất là sự tham gia của nhân dân, chúng ta đã đạt được kết quả tốt trong giai đoạn một và tới nay vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đã thật sự vào thế trong đánh ra, ngoài đánh vào.

Trên thế giới, dịch bệnh đang lan rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm và trở thành người truyền bệnh cho người khác nếu coi thường, không tuân thủ các quy định của chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định, các hướng dẫn thì sẽ không bị lây bệnh, không mang bệnh cho người khác.

Với tình hình thực tế như hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm cần tập trung cao độ để dịch bệnh không bùng phát lan rộng, để dân tộc Việt Nam ta chiến thắng dịch bệnh. Các quy định hướng dẫn đã rất đầy đủ, cần phát huy tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm, kỷ cương phép nước trong thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc chấp hành, nếu vi phạm cần được xử lý nghiêm, lên án mạnh mẽ.

Trong thời điểm này, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc với mọi người, luôn đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch rửa tay. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa, thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh. Khai báo y tế và giữ liên hệ với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

★ Sáng 25-3, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS,TS Nguyễn Trường Sơn có buổi họp với Bệnh viện Bạch Mai về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau khi ghi nhận ba người nhiễm Covid-19 liên quan bệnh viện. Thứ trưởng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cần thực hiện nghiêm, quyết liệt các hoạt động để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, hạn chế thấp nhất lây lan ra cộng đồng. Tổ chức công tác khám, điều trị bảo đảm các nguyên tắc về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí khu cách ly điều trị riêng đối với những người nghi mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với người bệnh… Ðồng thời, giao Tổ công tác của Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.

★ Tối cùng ngày, Bộ Y tế xác nhận thêm bảy trường hợp nhiễm Covid-19 (người bệnh từ thứ 135 đến 141). Người bệnh thứ 135, nữ, 27 tuổi, địa chỉ của bố mẹ ở đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Ngày 19-3, người bệnh từ Ðan Mạch quá cảnh tại Ðô-ha và Băng-cốc, nhập cảnh Việt Nam ngày 21-3. Người bệnh thứ 136, nữ, 23 tuổi, địa chỉ Linh Ðàm, Hoàng Mai, TP Hà Nội, là học sinh từ Mỹ, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16-3. Người bệnh thứ 137, nam, 36 tuổi, địa chỉ Yên Thành, Nghệ An, là du khách từ Ðức, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15-3. Người bệnh thứ 138, nam, 23 tuổi, địa chỉ ở Láng Hạ, Ðống Ða, TP Hà Nội, là học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21-3. Người bệnh thứ 139, nữ, 24 tuổi, địa chỉ Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, là du học sinh tại Anh, vợ của người bệnh dương tính với SARS CoV-2, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21-3. Người bệnh thứ 140, nam, 21 tuổi, địa chỉ Ðặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, TP Hà Nội, là du học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21-3. Người bệnh thứ 141, bác sĩ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Bác sĩ bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho người bệnh thứ 28.

★ Chiều 25-3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ kiên quyết đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không cần thiết. Tất cả các cơ quan làm việc đều phải có máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn. Thành phố sẽ giảm tần suất hoạt động của xe buýt còn 20% so với mức bình thường, đề nghị người dân không nên sử dụng phương tiện công cộng trong thời gian này. Liên quan đến người bệnh thứ 133 tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị công dân trên địa bàn có đến Bệnh viện Bạch Mai thăm, khám kể từ ngày 10-3 phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà. Thành phố sẽ triển khai các bốt xét nghiệm di động để xét nghiệm nhanh, trên diện rộng nhằm khoanh vùng các đối tượng nhiễm bệnh, nghi nhiễm.

★ Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung yêu cầu các đơn vị giảm hội họp, tập trung sức lực, đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, giải quyết công việc kịp thời, không để chậm trễ ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch. Người dân hạn chế tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các hoạt động tập trung đông người.

★ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các trung tâm y tế huyện, quận, thị xã thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh Covid-19, có biển chỉ dẫn phân luồng tại cổng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho các trường hợp có triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ liên quan Covid-19.

★ Ngày 25-3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra công điện hoả tốc, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo ngay đến tất cả các hãng hàng không tạm dừng vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do các khu cách ly ở địa bàn TP Hà Nội đã quá tải. Thời điểm áp dụng từ 0 giờ ngày 26-3 đến hết ngày 31-3.

★ Ngày 25-3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức sàng lọc thông tin về yếu tố dịch tễ và các triệu chứng liên quan đến Covid-19 đối với tất cả người bệnh, thân nhân người bệnh, khách,… trước khi vào bệnh viện, tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Cơ sở khám, chữa bệnh phải trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho nhân viên y tế.

★ Liên quan người bệnh thứ 133 dương tính với SARS- CoV-2, tỉnh Lai Châu đã phong tỏa, cách ly toàn diện nhóm dân cư số 4 thuộc tổ dân phố số 4, ngõ 224 đường Trần Phú (phường Tân Phong, TP Lai Châu) là nơi người bệnh và người thân sinh sống; phun khử khuẩn nơi có các yếu tố dịch tễ; cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 26 trường hợp F1; cách ly tập trung gần 300 trường hợp F2; yêu cầu cách ly, theo dõi tại nhà gần 600 trường hợp F3.

★ Ngày 25-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bến Tre cho biết, đã cách ly tập trung chín người đi chung chuyến xe và tám người tiếp xúc gần với người bệnh mắc Covid- 19 thứ 123.

★ Từ ngày 25-3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên được xét nghiệm chẩn đoán vi-rút corona. Trong thời gian đầu, việc xét nghiệm sẽ được kiểm chứng bởi Viện Pasteur Nha Trang.

★ Tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc rà soát, khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe đối với tất cả các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh vào địa bàn tỉnh từ ngày 8-3 đến nay, đồng thời hoàn tất việc khai báo y tế tự nguyện đối với các hộ dân trên địa bàn. Tỉnh Thái Bình quy định, Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nếu để những người đã nhập cảnh về địa phương mà không quản lý.

★ Ngày 25-3, các địa phương đã tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch như sau: Cán bộ đoàn các cấp, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Hội Sinh viên, Hội Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ tại Thái Nguyên ủng hộ 133 triệu đồng, 300 bộ giường bệnh, hơn 3.000 khẩu trang kháng khuẩn. 77 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tỉnh Tuyên Quang ủng hộ hơn 1,2 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB) tặng Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn 20 giường bệnh, tủ đầu giường trị giá hơn 310 triệu đồng. Ngân hàng TNHH một thành viên SHINHAN Việt Nam ủng hộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn 8.000 đôi găng tay, 2.500 khẩu trang y tế, 30 bộ quần áo phòng dịch và tặng 180 suất quà cho cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp phòng, chống dịch tại ba khu cách ly. Câu lạc bộ Thiện tâm huyện Chi Lăng, phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện và Huyện đoàn Chi Lăng phát miễn phí hơn 100 lọ dung dịch sát khuẩn, xà-phòng rửa tay và gần 1.000 khẩu trang y tế... cho học sinh Trường THPT Ðồng Bành (Chi Lăng). Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế ủng hộ 100 triệu đồng. Công ty Vedan Việt Nam tài trợ 3.200 lít hóa chất javen cho Hội Chữ thập đỏ huyện Long Thành (Ðồng Nai) để khử trùng các lớp học. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp nhận ủng hộ đợt bốn từ các nhà hảo tâm hơn bốn tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, thiết bị y tế.

★ Ngày 25-3, các tổ chức đã trao tiền, hiện vật hỗ trợ phòng, chống dịch như sau: Ðoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam thăm hỏi, động viên, trao quà với tổng trị giá hai tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của đoàn viên, người lao động cả nước cho các đơn vị: Bệnh viện Bạch Mai; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư; Trung tâm nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai; Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh. LÐLÐ thành phố Hà Nội và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trao 1.000 khẩu trang tặng cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội. Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội trao 6.300 khẩu trang kháng khuẩn, 160 chai nước rửa tay sát khuẩn tặng chín công đoàn cơ sở thường xuyên làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường. LÐLÐ thành phố Nam Ðịnh trao 4.000 khẩu trang vải diệt khuẩn, 250 chai dung dịch rửa tay tặng công nhân lao động tại một số công đoàn cơ sở trực thuộc…

★ Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, nhiều y sĩ, bác sĩ trẻ, điều dưỡng và nhân viên của Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2 đã viết đơn gửi Ban Giám đốc Bệnh viện xin được ra tuyến đầu chống dịch Covid-19. Những ngày qua, Ðoàn Thanh niên của bệnh viện phối hợp Phòng Quản lý chất lượng sản xuất các mặt nạ ngăn chặn giọt bắn để tặng các các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế.

★ Chuyến bay VN36 đã tạm khép lại hoạt động khai thác mạng đường bay quốc tế của VNA. Các chuyến bay quốc tế sẽ dừng từ nay đến hết tháng 4-2020.

★ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ tới các số tài khoản tiếp nhận hỗ trợ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

★ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo từ nay đến ngày 30-4, sẽ miễn phí các giao dịch chuyển tiền ủng hộ quyên góp phòng, chống dịch Covid-19 tới tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Nhân dân, trang 8).

 

Hà Nội: Xét nghiệm diện rộng, sẽ triển khai xét nghiệm di động trên đường

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Nếu vẫn cứ tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong thời gian ngắn”.

Chiều 25-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 TP tiếp tục chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh…

Nguy cơ cao từ tụ tập đông người, không đeo khẩu trang

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP nêu tình hình phức tạp trên thế giới với số ca dương tính với Covid -19 tăng nhanh; nhiều nước đã có những biện pháp mạnh chưa có tiền lệ.

Tại Việt Nam, đã có 21 tỉnh TP có ca nhiễm Covid -19; nguy cơ lây nhiễm trong nội địa Việt Nam đang cao;  đã có những ổ dịch diễn biến phức tạp như quán bar ở TP Hồ Chí Minh; Bình Thuận; bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội... “Chúng ta đang phải đối phó với nguồn lây nhiễm ở rất nhiều nước”, Chủ tịch UBND TP nêu.

Chủ tịch UBND TP đánh giá, đến thời điểm này, tại Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, các ổ dịch tiềm tàng đang phát triển và “cửa an toàn” ngày càng hẹp hơn.

“Trên đường vẫn có nhiều người không đeo khẩu trang; vẫn tụ tập đi lễ; uống cà phê; vẫn còn hội thảo; quán bar vẫn hoạt động…”, Chủ tịch UBND TP cảnh báo.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc tụ tập đông người dẫn đến lây lan, rồi tỏa ra các đường lây nhiễm là rất nguy hiểm và đặc biệt cảnh báo về việc ở bệnh viện Bạch Mai dễ có thêm nhiều ca lây nhiễm.

Chủ tịch UBND TP dẫn chứng đã phát hiện thêm bệnh nhân nằm cạnh bệnh nhân số 133 ghi nhận dương tính; theo thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày, bệnh viện khám chữa bệnh từ 6.000-8000 người, đến nay đã giảm 50% nhưng vẫn còn nhiều người đến bệnh viện thời gian qua. Các đơn vị cần theo dõi kỹ các trường hợp này, nhất là khi ở đây có nhiều bệnh nhân cao tuổi khám chữa bệnh.

Chỉ rõ tỷ lệ đeo khẩu trang của người dân ở Việt Nam cao hơn các nước nhưng lại nhược điểm là đi lại, tụ tập nhiều hơn, nên không loại trừ sắp tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Dù cánh cửa an toàn còn hẹp nhưng chúng ta vẫn trong thời gian vàng và còn cơ hội nếu người dân đồng lòng ở nhà vì chính mình, gia đình và xã hội.

Nếu vẫn cứ tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong thời gian ngắn”.

Sẽ xét nghiệm nhanh trên đường

Nhắc lại việc Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm số mẫu chiếm 50% cả nước nên số ca dương tính cao là bình thường, Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP sẽ tiếp tục xác định việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là đặc biệt quan trọng và cho biết: “thành phố đang tìm nguồn kít xét nghiệm nhanh để sắp tới sẽ triển khai các điểm xét nghiệm di động để mọi người có thể tự xét nghiệm xác xuất trên đường”.

TP sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này.

Người dân nên ở nhà, không nên ra ngoài trừ khi phải mua lương thực thực phẩm. Tất cả các quán bar, karaoke, cafe, nhà hàng, tập gym… phải dừng hoạt động toàn bộ, bất kể nội hay ngoại thành.

Chủ tịch UBND TP cũng nhắc lại yêu cầu toàn bộ người thân của những người đang cách ly tập trung không đến gửi quà, bởi ngoài việc tiếp xúc sẽ để lại lượng rác thải với nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm; lực lượng chức năng sẽ không nhận quà và có biện pháp xử lý.

Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã họp và quyết định chuyển 312 trường hợp F1 đưa lên Hòa Lạc để cách ly phòng ngừa. Các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng để đón chữa các bệnh nhân Covid -19 trên tinh thần: “Bác sỹ, y tá phải thông thạo, hiểu quy trình phòng dịch, tinh thần sẵn sàng làm việc lâu dài không chỉ 5-10 ngày, chỉ trở về khi cách ly 14 ngày sau khi bệnh nhân dương tính cuối cùng xuất viện...". (Hà Nội mới, trang 4).

 

Thực hiện nghiêm 5 khuyến cáo để góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19

"Hạn chế tiếp xúc – Khoảng cách, khẩu trang – Rửa tay thường xuyên – Vệ sinh nhà cửa – Khai báo y tế" là 5 cụm từ khoá được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chiều 25/3.

Dịch COVID-19 xuất hiện ở 21/63 tỉnh, thành

Tính đến chiều 25/3, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 430.000 trường hợp mắc COVID-19 tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 7 quốc gia có trên 10.000 trường hợp mắc, 20 quốc gia có số mắc trong khoảng từ trên 1.000 đến dưới 10.000; 171 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc, trong đó có Việt Nam. Như vậy, chỉ còn dưới 10 quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2. Tại khu vực Đông Nam Á, 100% số quốc gia đã có bệnh nhân. Thái Lan, Indonesia, Malaysia là những nước ghi nhận nhiều ca bệnh và ca tử vong.

Tại nước ta, đến cuối giờ chiều 25/3, đã ghi nhận 134 trường hợp mắc COVID-19 (17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện) tại 21/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại Hà Nội 44 ca, TP.HCM 34 ca (3 ca đã khỏi), Vĩnh Phúc 11 ca (đã khỏi), Bình Thuận 9 ca (đang điều trị)... là những địa phương ghi nhận nhiều người mắc nhất.

Riêng về vấn đề điều trị, trong số 117 bệnh nhân (85 người Việt Nam và 32 người nước ngoài) đang điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến huyện tới Trung ương, có 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính 1 đến 3 lần (trong đó, 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2 và 1 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 3). Có 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Một thông tin quan trọng khác là ngành Y tế đang cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19, sẽ ban hành trong thời gian tới, tiếp đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến điều trị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19.

Hiện tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý có khoảng hơn 20.300 người, ngoài ra còn có hơn 26.000 người thuộc diện cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, hơn 400 người cách ly tại bệnh viện. Đây là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ hơn 8.300 mẫu. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TP HCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung.

5 hướng dẫn quan trọng phòng, chống đại dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 25/3, , Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: Tất cả mọi người ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, dù người đó ở nước giàu hay nghèo, nếu không tuân thủ các quy định, không theo hướng dẫn ngành Y tế thì hoàn toàn có thể trở thành người nhiễm bệnh, thậm chí trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, của các cấp chính quyền. "Nếu ai không thực hiện nhất định phải bị xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, mỗi người dân phải thực hiện tốt hướng dẫn về chuyên môn y tế, với tinh thần trách nhiệm vì sức khoẻ chính bản thân và cộng đồng, đất nước.

Hiện nay, các quy định, hướng dẫn này đều rất đầy đủ, nhưng Phó Thủ tướng đề nghị tập trung vào 5 vấn đề chính:

Trước hết, mọi người dân cần hạn chế tối đa đi ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Thứ 2, nếu buộc phải ra ngoài, luôn luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2 mét.

Thứ 3, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nếu không có xà phòng.

Thứ 4, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau sàn, lau cửa, để thông thoáng, và sinh hoạt lành mạnh.

Thứ 5, khai báo y tế, cập nhật sức khoẻ hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

"Hạn chế tiếp xúc – khoảng cách, khẩu trang – rửa tay thường xuyên – vệ sinh nhà cửa – khai báo y tế" là 5 cụm từ khoá hướng dẫn, nếu chấp hành nghiêm thì thắng được đại dịch" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Quan điểm của ngành Y tế trước các ca bệnh nặng, trở nặng vì COVID-19

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 ngành Y tế cố gắng hạn chế tối đa tử vong nếu có ở Việt Nam. Đây cũng là cam kết của Bộ Y tế với Đảng, Chính phủ và nhân dân trong việc cố gắng không để các ca bệnh COVID-19 xảy ra tử vong. Nếu có tử vong cũng hạn chế ở mức thấp nhất.

Hạn chế tối đa tử vong

Thông tin với báo chí, ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ khi Việt Nam bắt đầu có ca nhiễm COVID-19 đến nay, bệnh viện đã có 2 giai đoạn tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Giai đoạn đầu chủ yếu là bệnh nhân ở nhóm người trẻ tuổi. Giai đoạn thứ 2 thì số lượng bệnh nhân đông hơn, bệnh nhân ở nhiều độ tuổi nhưng chủ yếu là lớn tuổi, có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Chính vì vậy, diễn biến bệnh của nhóm bệnh nhân ở giai đoạn 2 cũng khó khăn hơn.

ThS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 46 bệnh nhân dương tính COVID-19. Trong đó, có 34 người Việt Nam, còn lại là công dân nước ngoài. Có 348 trường hợp có các triệu chứng ho, sốt, đang được cách ly và xét nghiệm, sàng lọc hàng ngày.

ThS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết, do mật độ bệnh nhân ở giai đoạn 2 nhiều hơn giai đoạn 1 và diễn biến phức tạp hơn nên trong nhóm tập thể y bác sĩ tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân đã có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng dương tính với COVID-19. "Đó thực sự là điều đáng buồn, hiện 3 cán bộ y tế nhiễm COVID-19 đang được điều trị tích cực và theo dõi diễn biến sức khỏe thường xuyên", ThS.BS Phạm Ngọc Thạch cho hay.

Thông tin thêm về các ca bệnh trở nặng, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2) cho biết, 3 bệnh nhân trở nặng COVID-19 đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực. Một bệnh nhân phải chạy hệ thống ECMO, 2 người phải thở máy. Cả 3 bệnh nhân đều suy hô hấp và phải lọc máu liên tục. Tuy nhiên, chỉ số sinh tồn của 3 bệnh nhân đều dần ổn định. Khoa Hồi sức tích cực thường xuyên cập nhật, báo cáo hội đồng chuyên môn về diễn biễn của các bệnh nhân.

Các bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng gồm nam bệnh nhân người Anh (69 tuổi), bệnh nhân nữ người Việt (64 tuổi) và nam bệnh nhân người Việt (54 tuổi). Ngoài ra, có thêm 7 bệnh nhân có chuyển biến nặng.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi xác định đây là những bệnh nhân nguy kịch, khả năng tử vong hoàn toàn có thể xảy ra. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đang tập trung nguồn lực là các bác sĩ giỏi nhất, hệ thống máy móc hiện đại nhất, tiên tiến nhất để phục vụ cứu chữa người bệnh".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các cơ sở y tế tổ chức theo dõi bệnh nhân kỹ hơn, đặc biệt là ở thời điểm từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 - theo y văn là thời điểm dễ suy hô hấp ở người bệnh. "Chúng ta cố gắng tập trung hết sức vào điều trị cho người bệnh. Ngành Y tế cố gắng hạn chế tối đa tử vong nếu có ở Việt Nam. Đây là cam kết của Bộ Y tế với Đảng, Chính phủ và nhân dân, chúng tôi tập trung tất cả mọi nguồn lực để cố gắng không xảy ra tử vong và nếu có tử vong cũng hạn chế ở mức thấp nhất", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Nhân viên y tế phải chủ động phòng chống lây nhiễm

Sau khi có 2 điều dưỡng ở Trung tâm truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai và 1 bác sĩ ở phòng cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhiễm COVID-19 trực tiếp từ bệnh nhân trong quá trình điều trị cho người bệnh, Bộ Y tế đã có có văn bản gửi các Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân mắc COVID-19.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Các nhân viên y tế cần chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm COVID-19 từ người bệnh. Bởi trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao".

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Các y bác sĩ trong quá trình theo dõi, chăm sóc người bệnh COVID-19 là những chiến sĩ hàng đầu trên trận tuyến. Việc lây nhiễm cho nhân viên y tế ảnh hưởng tới công tác chăm sóc người bệnh. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo tất cả các đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh thì rất dễ nhiễm, phải chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm bệnh bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19".

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khuyến cáo các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh tiếp xúc cộng đồng vì đây có thể nguồn bệnh chúng ta chưa phát hiện ra. (Gia đình & Xã hội, trang 3).

 

Từ 3 ca mắc COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai nguy cơ thành ổ dịch

Sau khi ghi nhận 3 ca mắc COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng kế hoạch làm xét nghiệm sàng lọc virus gây dịch bệnh COVID-19 cho tất cả nhân viên (gần 4.000 người) và gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 25/3 do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi họp với Bệnh viện Bạch Mai về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện. Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, đến ngày 24/3 đã ghi nhận 3 bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến bệnh viện, trong đó có bệnh nhân 86 và bệnh nhân 87 là 2 nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 19-20/3, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Liên quan đến 2 bệnh nhân 86 và 87, từ ngày 19/3, 159 nhân viên y tế liên quan được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần, kết quả sơ bộ âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục được cách ly theo dõi nghiêm ngặt. Toàn bộ 84 người, bao gồm: 34 nhân viên y tế, 24 bệnh nhân, 26 người chăm sóc bệnh nhân tại C4 - Viện Tim mạch (nơi bệnh nhân 86 điều trị trước khi phát hiện bệnh) đã được cách ly tại C9 - Viện Tim mạch riêng, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2, được tiếp tục cách ly theo dõi nghiêm ngặt.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 133 được chẩn đoán xác định mắc COVID-19 ngày 23/3. Bệnh nhân này nhập viện điều trị tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) từ ngày 29/2, đến ngày 22/3. Ngày 24/3, sau khi có kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân 133 mắc COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai đã cách ly 252 người (bao gồm: 162 nhân viên và học viên, 36 bệnh nhân và 54 người chăm sóc bệnh nhân) tại Khoa Thần kinh, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để điều tra các trường hợp có liên quan để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Giảm tải bệnh nhân

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm tải số lượng người đến bệnh viện như: ngừng hầu hết các hoạt động tái khám, chỉ khám và điều trị những trường hợp cấp cứu hoặc phải điều trị liên tục; đóng cửa Nhà tang lễ bệnh viện; chỉ bố trí cổng vào bệnh viện tại đường Giải Phóng. Đồng thời, bệnh viện đang rà soát, xem xét kỹ các bệnh nhân có thể xuất viện và tạm thời chưa cho bệnh nhân đã điều trị khỏi xuất viện. Bệnh viện tiêu độc, khử trùng tất cả các khu vực liên quan; kiểm soát chặt chẽ quy trình nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm COVID-19 tại tất cả các khoa phòng; thiết lập kiểm tra thân nhiệt, rửa tay tại cổng vào và các điểm trong khu vực khám bệnh. (Tiền phong, trang 7).

 

Yêu cầu nhân viên y tế không tham gia sự kiện đông người

Sau khi hàng chục cán bộ, nhân viên y tế huyện Bình Chánh phải cách ly, ngày 25-3, Sở Y tế TP.HCM có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế trong 15 ngày tới.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các nhân viên y tế và người sống cùng nơi cư trú với người nhiễm bệnh tuyệt đối không tham gia các sự kiện đông người như đám cưới, đám tang, tiệc ăn uống ở nhà hàng, quán ăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường các biệp pháp điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ người bệnh và người thăm nuôi; hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa người bên ngoài với nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở. (Tiền phong, trang 6).

 

Thêm 7 ca COVID-19, có 1 bác sĩ, tổng cộng 141 ca

Một bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh cùng 6 người khác từ nước ngoài về vừa được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 141 ca… (Tiền phong, trang 6).

 

'Cửa an toàn' với Covid-19 ngày càng hẹp

“Cửa an toàn” với Covid-19 của Việt Nam ngày càng hẹp hơn khi xuất hiện lây nhiễm chéo ở cơ sở y tế, có lây nhiễm chéo trong cộng đồng, có nguồn bệnh “ẩn” chưa xác định được...

Cảnh báo lây nhiễm chéo

Ngày 25.3, Bộ Y tế thông báo thêm 7 bệnh nhân (BN) Covid-19 là các BN từ thứ 135 - 141 tại Việt Nam. Trong số này, BN thứ 141 (là bác sĩ, nữ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2) bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho BN thứ 28; bị phơi nhiễm cùng ngày với một bác sĩ khác cùng làm việc tại khoa này (BN thứ 116).

Bộ Y tế cho biết đến tối 25.3, trong số các BN đang điều trị, đã có 26 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 7 BN xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 2. Tuy vậy, vẫn có 3 trường hợp trong tình trạng “rất nặng”, đang được điều trị tích cực tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.

Với việc 2 BV lớn, tuyến đầu trong chống dịch, là BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và BV Bạch Mai, để xảy ra lây nhiễm chéo, mối lo trong chống dịch của Việt Nam tăng thêm một mức.

Sáng 25.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì buổi họp với BV Bạch Mai về chống dịch, sau khi ít nhất 3 trường hợp dương tính tại BV này được xác nhận. Theo lãnh đạo BV, có 243 người liên quan đến 2 BN thứ 86 và 87 (2 điều dưỡng của BV) đang được cách ly, kết quả xét nghiệm 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, còn 252 người khác đang bị cách ly liên quan BN 133, gồm 162 nhân viên và học viên; 90 BN và người chăm sóc BN tại khoa thần kinh. BV Bạch Mai sẽ làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho gần 4.000 cán bộ, nhân viên BV và gần 1.000 BN nội trú; hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm trước 29.3.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu BV Bạch Mai thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế; kiểm soát các nguy cơ lây lan ra cộng đồng...

Cũng trong chiều 25.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo có 2 trường hợp liên quan đến Khoa Thần kinh của BV Bạch Mai đã được Hà Nội xác định dương tính với SARS-CoV-2. Đó là một BN 88 tuổi ở H.Văn Lâm (Hưng Yên), nằm cùng phòng với BN 133; và con dâu của người này (trú ở P.Thượng Thanh, Q.Long Biên, Hà Nội).

“Riêng BV Bạch Mai đã có 5 trường hợp dương tính. BV này có đầy đủ yếu tố: dưỡng lão, bệnh nhân nặng, đông người qua lại... có nguy cơ cao trở thành ổ dịch; mà ổ dịch này có thể gieo rắc đến các tỉnh, vì BV có rất đông BN các tỉnh ra vào, và đã phát hiện ra BN ở Lai Châu và Hưng Yên rồi”, ông Chung cảnh báo, đồng thời yêu cầu phải cảnh báo rộng rãi đến người dân thông tin này để đề phòng.

Hiện nay, Hà Nội đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế giao cho Hà Nội thông báo ngay cho người dân đã đến BV Bạch Mai trong vòng 14 ngày qua theo dõi sức khỏe, tự cách ly và báo cho cơ sở y tế khi có các biểu hiện nhiễm bệnh (ho, sốt, khó thở); đề nghị BV Bạch Mai tổ chức khử khuẩn toàn bộ BV thường xuyên, có thể nhờ Bộ Tư lệnh Hóa học hỗ trợ... Đến chiều 25.3, nhiều phường, xã của Hà Nội đã lan tỏa thông tin này đến người dân.

Còn nhiều bệnh nhân hơn số được công bố

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện số BN Covid-19 tại Hà Nội do Bộ Y tế công bố là 43, nhưng theo kết quả xét nghiệm của TP.Hà Nội thì đã có 52 trường hợp dương tính (do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã được xét nghiệm khẳng định).

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì cho rằng theo tính toán xác suất, hiện Hà Nội còn khoảng 20 người dương tính với SARS-CoV-2 đang “lang thang” trong cộng đồng, và qua rà soát công dân Việt Nam, người nước ngoài đến Việt Nam trước ngày 10.3 cho đến 12 giờ ngày 25.3, TP xác định có 3.042 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài; đã lấy mẫu được 2.128, có kết quả 993 trường hợp, và phát hiện có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ khi phòng, chống dịch cho đến nay, “nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng ngày càng lớn hơn” và “cửa an toàn ngày càng hẹp hơn”; “nguy cơ trên địa bàn có những ổ dịch bệnh mang tính chất rất phức tạp, tiềm tàng bắt đầu phát triển”, đáng kể nhất là BV Bạch Mai.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội hiện có đầy đủ các yếu tố có thể bùng phát ổ dịch theo kinh nghiệm của nước ngoài: tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo, viện dưỡng lão, BV có lây chéo... Có 4 nguồn lây nhiễm lớn tại thủ đô, gồm: lây nhiễm chéo từ BV Bạch Mai; nguồn lây nhiễm từ khách du lịch và người Việt Nam về nước trước 0 giờ ngày 14.3; nguồn trong nước (như BN 86); và nguồn từ các y tá, bác sĩ tham gia vào quy trình khám chữa bệnh và tổ chức cách ly, mà đến nay chưa phát hiện được. Ông Chung yêu cầu tất cả y tá, bác sĩ của các BV trên toàn TP phải tuân thủ đúng quy định; sau khi khám chữa bệnh và lấy mẫu phải tổ chức ăn ở tập trung và cách ly đến 14 ngày sau khi BN cuối cùng đã âm tính.

“Mọi người phải tự nhận thức được là chúng ta chỉ có một cách phòng ngừa tốt nhất là mọi người phải ở trong nhà. Chúng ta có ưu điểm hơn Vũ Hán (Trung Quốc - PV) và các nước châu Âu là tỷ lệ đeo khẩu trang lớn hơn; nhưng mà mật độ đi lại của chúng ta đông hơn, và có hình thức tập trung lớn hơn; cho nên, nguy cơ lây nhiễm đang là rất lớn”, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục cảnh báo. (Thanh niên, trang 4).

 

Tiết kiệm khẩu trang y tế để chống dịch

Công tác phòng chống dịch Covid-19 đang vào cao điểm và nhu cầu khẩu trang y tế cho y bác sĩ tuyến đầu rất cần được đặc biệt ưu tiên.

Phải “cân đong” từng ngày

Ngày 25.3, theo khảo sát của PV Thanh Niên tại TP.HCM, hầu hết các bệnh viện (BV) đã chuẩn bị sẵn phương án nếu thiếu hụt khẩu trang y tế. Phương án lựa chọn khả thi nhất đang được các BV thực hiện là cung cấp cho nhân viên y tế không tiếp xúc bệnh nhân mang khẩu trang vải.

Theo một lãnh đạo BV Nhân dân Gia Định, BV đã sử dụng hợp lý nhất để dành khẩu trang y tế cho các y bác sĩ tuyến đầu, khu vực có khả năng lây nhiễm cao, như cấp cứu, hồi sức, phòng khám sàng lọc, phòng mổ...; bởi vì mỗi một y bác sĩ các khu vực này mỗi ngày tiết kiệm nhất, cũng có thể phải sử dụng 2 - 3 cái khẩu trang. Còn các nhân viên hành chính thì được cung cấp khẩu trang vải. Tương tự, BV Nhi đồng 2 trang bị cho mỗi nhân viên y tế làm việc hành chính, văn phòng 6 khẩu trang vải để tiết kiệm khẩu trang y tế.

Tại BV Nhi đồng 1, theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều y bác sĩ phải mang khẩu trang y tế 2 lớp, rất mỏng, một số lao công mang khẩu trang vải. Theo lãnh đạo BV Nhi đồng 1 thì khẩu trang y tế BV cũng đang “căng”, bởi mua nhưng nhà cung cấp chỉ cung cấp nhỏ giọt. Do vậy, khẩu trang y tế 3 - 4 lớp chỉ dành cho y bác sĩ trực có nguy cơ lây nhiễm cao, còn nhân viên y tế khác thì mang khẩu trang 2 lớp, khẩu trang vải.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết khẩu trang y tế hiện có “ở mức cầm chừng”. Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên - Huế, cho biết tình hình khẩu trang của lực lượng phòng chống dịch tại địa phương đang thiếu hụt rất căng, đơn vị phải “cân đong” từng ngày để bảo đảm cho công tác chống dịch. Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết thời gian tới, nếu có thêm số lượng người cách ly về tỉnh lớn thì sẽ không đủ khẩu trang y tế...

Kêu gọi chung tay hỗ trợ

Khi được hỏi về tình hình khẩu trang ở địa bàn, đặc biệt là tại các khu cách ly, cơ sở y tế, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, tỏ ra khá dè dặt: “Ngay lúc này thì tôi nói là vẫn đủ, nhưng kéo dài trong 1 tuần, 10 ngày nữa và số người tiếp tục đổ về các khu cách ly thì tôi không dám nói trước”. “Thông qua đây, nếu Báo Thanh Niên có kêu gọi được nguồn nào, hỗ trợ về khẩu trang thì mong có thể hỗ trợ thêm cho y tế Quảng Trị”, ông Hùng nói.

Bác sĩ Lê Công Lĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết riêng về khẩu trang y tế, hiện tại có thể “gói ghém” dùng trong hơn 10 ngày nữa. “Một vấn đề khó hiện nay là mua khẩu trang với giá của nhà nước niêm yết là rất khó, trong khi đó cơ quan nhà nước lại khó có thể mua khẩu trang ngoài thị trường vì còn liên quan đến hóa đơn chứng từ”, bác sĩ Lĩnh nói và bày tỏ mong muốn mọi người trên huyện đảo Phú Quốc chung tay hỗ trợ khẩu trang cho ngành y tế phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, tình hình thiếu khẩu trang y tế không chỉ riêng ở VN mà nhiều nước cũng thiếu. Có thể hiện nay người dân trữ một số lượng nhất định khẩu trang y tế thì kêu gọi đóng góp lại cho ngành y tế. Bởi nếu sử dụng khẩu trang y tế mà đeo sai thì còn nguy hiểm hơn không đeo hoặc đeo khẩu trang vải. Ước cần khoảng 30 triệu khẩu trang y tế

Chiều 25.3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết liên tục những ngày qua, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan đã có các cuộc họp bàn về giải pháp đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang y tế chống dịch Covid-19, bao gồm các vấn đề về nguồn nguyên liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như hỗ trợ về thuế cho đơn vị sản xuất khẩu trang. Theo dự trù của Bộ Y tế, ước cần khoảng 30 triệu khẩu trang y tế trong tháng 3.

Bộ Y tế cho biết về nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, đã có giải pháp sử dụng nguyên liệu thay thế, do đơn vị trong nước cung ứng, đảm bảo cho các công ty trong nước sản xuất khẩu trang y tế, trước mắt là 30 triệu chiếc. Nguồn nguyên liệu này được đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ duy trì cung ứng lâu dài, phục vụ sản xuất khẩu trang với số lượng lớn chống dịch.

Ngoài ra, các bộ liên quan cũng bàn và đề xuất tháo gỡ về cơ chế tài chính cho việc mua sắm, cung ứng khẩu trang y tế phù hợp trong tình huống phục vụ chống dịch khi giá khẩu trang thay đổi do nhu cầu tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Việc mua sắm khẩu trang y tế đang xem xét giao cho 2 BV lớn (BV Bạch Mai và BV Chợ Rẫy) là đầu mối đứng ra mua và điều phối cho các đơn vị, phục vụ chống dịch. Ngoài ra, các công ty sản xuất khẩu trang y tế cũng được yêu cầu chỉ bán cho đơn vị y tế, không cung cấp ra thị trường.

Trước nhu cầu khẩu trang y tế tăng cao cho các nhân viên y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi người dân sử dụng khẩu trang vải, nhường khẩu trang y tế cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong BV; bởi y bác sĩ trong quá trình làm việc thường xuyên tiếp xúc, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cũng như thực hiện các thao tác thủ thuật gần với đường thở của bệnh nhân rất dễ bị lây nhiễm bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nhân viên y tế cần được chủ động ngăn chặn nhiễm bệnh bằng cách sử dụng đồ bảo hộ, khẩu trang. Khẩu trang y tế sẽ giúp bảo vệ an toàn hơn cho các y bác sĩ. Nếu nhân viên y tế bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc người bệnh. Sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng. Hiện, VN cũng đã sản xuất được khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp ngăn ngừa giọt bắn, ngăn ngừa dịch bệnh, do đó người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn. (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang