Phòng, chống sốt xuất huyết: Xử lý ngay, không để thành dịch
Theo dự báo của ngành Y tế Thủ đô, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Không theo quy luật 4-5 năm bùng phát một đợt dịch mà giờ đây sốt xuất huyết gia tăng theo từng năm, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng kéo theo những đợt mưa dông thất thường như hiện nay.
Căn bệnh ngày càng... “nóng”
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, năm 2022, toàn thành phố có hơn 19.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm nay đến giữa tháng 6-2023, thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Lý giải về nhận định này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải bừa bãi, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, thùng, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
“Hiện nay, người dân ngoại tỉnh thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội thành là rất lớn. Đây là những đối tượng có nhiều khả năng mắc bệnh do điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế liệu, phế thải; nơi ở không ổn định, không biết và không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Vì vậy, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại không ít nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.
Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) cho biết, sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4-5 năm lại có một đợt dịch đỉnh điểm nữa mà tăng hằng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng.
“Để phòng, chống sốt xuất huyết, không có lực lượng nào tốt hơn chính là người dân trong việc tự ý thức vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có bọ gậy từ chính ngôi nhà, ngõ xóm mình...”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lưu ý.
Ngành Y tế vào cuộc: Chưa đủ
Không để bị động trước dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng yêu cầu các ban, ngành triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đối với UBND các xã, thị trấn cần tổ chức triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết. Qua đó, vận động người dân tích cực, chủ động diệt lăng quăng, muỗi. Đồng thời, huy động các tổ chức, đoàn thể, lực lượng tình nguyện tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu đọng nước.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu nhân viên của Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS đôn đốc các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường giám sát những ổ dịch cũ, giám sát chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) tại các khu vực trọng điểm để thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 3 từ ngày 25-6. Cùng với đó, tập trung giám sát các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh để xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển.
“Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ ngành Y tế vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, trường học… và mỗi người dân cùng chung tay thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết”. Nếu như chúng ta hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh...”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 5).
Bệnh viện hơn 1.467 tỉ đồng thôi 'đắp chiếu' sau 17 năm
Từ một dự án có mục tiêu xây dựng bệnh viện đa khoa cấp vùng, sau 17 năm 'đắp chiếu' nay được điều chỉnh thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Công trình bệnh viện đang từng ngày gấp rút thi công để sớm đưa vào hoạt động.
Từng được ví là bệnh viện… ma
Dự án (DA) đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Nam Định trước đây là DA đầu tư xây dựng BVĐK quy mô 700 giường, được khởi công vào năm 2006 trên diện tích 9,25 ha tại Khu đô thị Mỹ Trung (P.Lộc Hạ, TP.Nam Định) nằm ven QL10. Tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng gồm ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh. DA có mục tiêu xây dựng BVĐK cấp vùng, phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các hạng mục chính của DA gồm: 6 dãy nhà và hệ thống hạ tầng kèm theo, trong đó nhà cao nhất là tòa 11 tầng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào ngày 15.1.2011.
Những tưởng DA này sẽ đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền, người dân Nam Định và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sau 6 năm thi công, đến năm 2012, DA nghìn tỉ này đã tạm dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn. Lâu dần, nơi đây trở thành... bãi chăn bò, nuôi cỏ dại. Nhiều người dân đã ví DA này là "BV ma".
Tại thời điểm dừng thi công (năm 2012), DA cơ bản đã xây dựng xong phần thô của 5/6 tòa nhà cùng hệ thống đường hạ tầng kỹ thuật (phần thô của tường rào, sân vườn…); ngân sách T.Ư và tỉnh đã rót vào DA này hơn 261 tỉ đồng.
Đến năm 2019, được Thủ tướng chấp thuận, DA xây dựng BVĐK 700 giường tỉnh Nam Định từ BV trung tâm vùng được điều chỉnh thành BVĐK tỉnh Nam Định.
Sử dụng ngân sách tỉnh để tái khởi động dự án
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên cơ sở điều chỉnh DA đầu tư xây dựng BVĐK quy mô 700 giường tỉnh Nam Định (cũ), UBND tỉnh Nam Định đã rà soát, đánh giá khối lượng hoàn thành, kiểm định chất lượng công trình cũ, quyết toán khối lượng công việc hoàn thành; thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư DA mới. Ngày 1.9.2020, DA đầu tư xây dựng BVĐK tỉnh (mới) đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Duy Tuấn, Trưởng phòng DA 1, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định (gọi tắt là BQL), cho biết DA mới có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách T.Ư và vốn ngân sách tỉnh trước đây đã thực hiện hơn 261 tỉ đồng, phần còn lại của DA sau khi điều chỉnh sẽ có 100% vốn ngân sách tỉnh Nam Định. Thời gian thực hiện đến hết năm 2025, do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, giao BQL trực tiếp quản lý, Công ty CP tư vấn và thiết kế kiến trúc VN tư vấn thiết kế.
Ngày 22.11.2021, BQL và Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng VN (Vinaconex) đã ký kết hợp đồng xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà số 1 (khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính), 1 trong 6 tòa nhà thuộc cả khối công trình DA; trị giá hợp đồng gần 299 tỉ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 625 ngày, từ 5.12.2021 - 31.8.2023. Ngày 5.12.2021, gói thầu được khởi công dưới sự tư vấn giám sát của liên danh Công ty CP BC&D và Công ty CP đầu tư và xây dựng PACIE.
Theo ông Tuấn, tiếp tục hoàn thành DA này, tỉnh Nam Định thực hiện chi ngân sách theo từng năm. Tính từ thời điểm DA bắt đầu tái khởi động cho đến nay, UBND tỉnh Nam Định đã cấp vào DA 230 tỉ đồng. "Việc khó khăn nhất là vốn đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để DA cán đích theo đúng kế hoạch, đưa vào hoạt động, phục vụ người dân", ông Tuấn nói.
Sắp khởi công thêm nhiều hạng mục
Lý giải cho việc thi công chậm tiến độ, ông Trần Duy Tuấn cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là do phần xây dựng cũ đã được xây dựng từ quá lâu, bị tác động bởi thời tiết, thấm ngấm từ bên ngoài vào nên nhiều vị trí bị ẩm, mốc... không tận dụng được, dẫn đến một số hạng mục thi công tại một số vị trí của nhà số 1 theo hợp đồng không đáp ứng được yêu cầu. Hiện BQL đang cùng các đơn vị liên quan xác định khối lượng không đảm bảo chất lượng, lập biên bản xử lý hiện trường phần khối lượng phải phá bỏ để báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương xử lý.
Ông Tuấn cho biết thêm, BVĐK tỉnh Nam Định hiện nay đang nằm trong nội thành TP.Nam Định. Trong trường hợp gói thầu nhà số 1 (khoa cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và hành chính) hoàn thành đúng hợp đồng thì sau thời điểm tháng 8.2023, BVĐK tỉnh Nam Định có thể chuyển một phần hoạt động ra cơ sở mới.
"Trước đây, các hạng mục xây dựng cho một DA BVĐK cấp vùng sẽ khác với BVĐK cấp tỉnh. Do đó, khi sửa lại từ thiết kế cũ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, một số hạng mục lâu ngày, bị xuống cấp, phải phá bỏ nhưng chúng tôi sẽ tận dụng hết sức, tránh lãng phí", ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Tuấn, tính đến ngày 23.6, tổng giá trị thực hiện tòa nhà số 1 đã đạt khoảng 80%, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các hạng mục như toàn bộ phần thô đã hoàn thiện. Đang tổ chức thi công đồng bộ các hạng mục: lắp đặt cửa, lắp dựng cabin vệ sinh, ốp gỗ nhựa trong nhà các loại, ốp tường kính các khu hành lang, thanh panel kỹ thuật, thanh chống va đập, hoàn thiện chi tiết các phòng đặc thù. Các thiết bị như: hệ thống lọc khí phòng mổ, phòng can thiệp; thiết bị PCCC… cũng đang được lắp.
Đối với công trình nhà số 2, 3, 6 và một số hệ thống kỹ thuật thì giá trị hợp đồng dự kiến hơn 811 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 3.2025. Ngày khởi công dự kiến 1.7.2023 sau khi hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà thầu tư vấn giám sát. (Hà Nội mới, trang 5).
Nguy cơ nhiều bệnh nhân tay chân miệng chuyển biến nặng: TPHCM đề xuất phương án chủ động thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực phía Nam, tuy nhiên tình trạng thiếu các loại thuốc điều trị đang gia tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh chuyển nặng.
Trước tình hình trên, Sở Y tế đề TPHCM nghị Bộ Y tế cần có giải pháp dự trữ thuốc hiếm và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, sản xuất thuốc điều trị bệnh lý này.
Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM từ đầu năm 2023 đến nay 20 tỉnh thành tại khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 11.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Với sự xuất hiện của chủng EV71 số trẻ mắc bệnh đang tiếp tục tăng nhanh, hiện đã có 7 trường hợp tử vong vì loại bệnh này. Lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không có các giải pháp phòng chống hiệu quả.
Ngành y tế TPHCM hiện đang trở thành tuyến cuối trong thu dung, điều trị bệnh nhân tay chân miệng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu các loại thuốc trong điều trị TCM đặc biệt là Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) đã khiến trẻ bị TCM mức độ nặng ở các tỉnh chuyển về TPHCM ngày càng nhiều gây áp lực lên hệ thống điều trị của thành phố.
Trước tình hình trên, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch TCM ở 3 cấp độ từ thấp đến cao với khả năng đáp ứng 1.400 giường và 50 giường hồi sức tích cực. Sở Y tế đã chỉ đạo 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gen xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ bệnh phẩm của các bệnh nhân TCM.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đang chủ động hỗ trợ chuyên môn điều trị TCM cho bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh trong khu vực, không để xảy ra các trường hợp chuyển bệnh không an toàn từ tuyến tỉnh về thành phố.
Trong bối cảnh bệnh TCM tăng nhanh, ngày 25/6 Sở Y tế TPHCM cho biết, sở đã có công văn đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ tìm thêm nhà cung ứng thuốc đặc trị, kiến nghị Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm sinh phẩm y tế liên quan cần thiết cho điều trị TCM để kịp thời cho lưu hành thuốc nhập, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh.
Khuyến khích doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin
Theo Sở Y tế TPHCM với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 (EV71) bệnh nhi ở nhiều tỉnh, thành phía Nam trở nặng ngày càng nhiều cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG). Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG - là thuốc chỉ sản xuất được từ huyết tương người và chưa sản xuất được trong nước nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu.
TCM là một loại dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch TCM. Sở Y tế TPHCM đề xuất Bộ Y tế triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất UBND TPHCM cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu. (Tiền phong, trang 14)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 5: “TP.HCM nhận 6.000 lọ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng”; Công an Nhân dân, trang 1: “Thanh phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận được thuốc Immunoglobulin điều trị bệnh tay chân miệng”.