Một tuần ghi nhận hơn 6.500 ca sốt xuất huyết, những ai có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc?
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 31 trường hợp tử vong, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ca tử vong do sốt xuất huyết mới nhất ở Hà Nội trên nền nhiều bệnh mạn tính...
Ca tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội trên nền nhiều bệnh mạn tính
Thống kê tình hình dịch bệnh trong tuần cho thấy tuần 41 cả nước ghi nhận 6.504 ca mắc sốt xuất huyết, không tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 9,2%. Trong đó, số nhập viện là 4.863, so với tuần trước số nhập viện giảm 11%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc, 31 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 56,8%, tử vong giảm 97 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), trong đó có 1 ca tử vong.
Về trường hợp tử vong là nữ bệnh nhân 78 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay tại Hà Nội là Hoàng Mai với 1.558 ca, tiếp đến là Phú Xuyên 1.548 ca, Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca), Thạch Thất (1.068 ca).
CDC Hà Nội nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Do đó, trong tuần này, công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được tăng cường tại các ổ dịch ở những quận, huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế thành phố tuần qua trên địa bàn ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,76%). Trung bình 13 ca nặng điều trị mỗi ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).
Tính đến ngày 22/10, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 172 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện (có 56 ca địa chỉ lưu trú tại tỉnh khác, chiếm 32,56%), có 5 ca nặng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 3 ca, Nhi đồng 2: 1 ca, Nhi đồng Thành phố: 1 ca), trong đó có 2 ca nặng địa chỉ lưu trú tại tỉnh (chiếm 40%). Trong các ca nặng, có 2 ca thở máy đều có địa chỉ tại thành phố (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: 1 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 1 ca).
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.
Thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:
- Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.
- Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.
- Một số bệnh nhân đau khắp bụng.
- Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)
- Chảy máu chân răng, xuất huyết…
"Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh có nguy cơ diễn biến nặng. Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng… Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…"- BSCKII Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh… (Sức khoẻ & đời sống, trang 8)
Những ai được BHYT chi trả tăng từ 80% lên 100% theo quy định mới?
Tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, Nghị định mới này có những quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhằm tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT... Bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Bà Trang cho hay, Nghị định 75 đã bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Đồng thời, Nghị định đã bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023.
Đây là các đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn, được Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân một số tỉnh và cử tri phản ánh kiến nghị.
"Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ"- Bà Trang nhấn mạnh.
Bà Trang cũng thông tin thêm, tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dân công hỏa tuyến.
Cùng đó, Nghị định này cũng đã bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)
Một bệnh nhân đậu mùa khỉ ở TPHCM tử vong
TPHCM vừa có một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tử vong do tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh. Sở Y tế thành phố cho biết đã chỉ đạo lập Hội đồng chuyên môn để phân tích và có kết luận chính thức về ca bệnh.
Cụ thể, ca bệnh là người đàn ông 30 tuổi, được điều trị đậu mùa khỉ hơn 10 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Đây là 1 trong 18 trường hợp mắc đậu mùa khỉ bị HIV hiện đang điều trị ở bệnh viện này. Trong hôm nay, Hội đồng chuyên môn sẽ họp để phân tích, kết luận về trường hợp tử vong này.
Theo báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân nam, sinh năm 1994, địa chỉ ở Mộc Hóa, tỉnh Long An, nhập viện ngày 2/10/ 2023 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với Mpox. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, tình trạng diễn tiến nặng và tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện có 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đáng lưu ý, có 18 trường hợp dương tính HIV. Trong đó có 2 ca diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính; áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tầng sinh môn…
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng.
Bệnh đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.
Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường,…). Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng… (Sức khoẻ & đời sống, trang 3).