Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/10/2019

  • |
T5g.org.vn - Thêm ca mắc mới COVID-19 là người đàn ông 57 tuổi; 21 trường hợp tai biến sau tiêm chủng không phải do chất lượng vaccine; Huy động 20 bác sỹ cứu sống bệnh nhân bị xe container cán qua người; Những người xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân ung thư…

 

Thêm ca mắc mới COVID-19 là người đàn ông 57 tuổi

Bản tin 18h ngày 26/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người nhập cảnh từ Nga được cách ly ngay. Cụ thể:

Bệnh nhân nam, 57 tuổi, có địa chỉ tại phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 16/10 từ Liên Bang Nga nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 855, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình.

Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 25/10, dương tính virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 14 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Quảng Ninh (5 ca), Nam Định (4 ca), Ninh Bình (5 ca).

Việt Nam hiện có 1.169 bệnh nhân. Trong ngày có 4 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng số ca khỏi ở nước ta lên 1.061 ca

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 54 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. 

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 86 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong ngày có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1097, BN1099, BN1108, BN1124.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.061  bệnh nhân/1.169 bệnh nhân COVID-19. (Tiền phong, trang 6, Hà Nội mới, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

21 trường hợp tai biến sau tiêm chủng không phải do chất lượng vaccine

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (5), Sơn La (8), Thái Nguyên (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Đà Nẵng (1), Đắc Lắc (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1)

 Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ 1/1 đến 30/6, cả nước ghi nhận ghi nhận 9.918 trường hợp phản ứng thông thường và 21 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. 21 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng có 20 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ. 

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (5), Sơn La (8), Thái Nguyên (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Đà Nẵng (1), Đắc Lắc (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1). Trong đó có 14 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine 5 trong 1 (1 trường hợp sau tiêm vaccine ComBE Five và  13 trường hợp sau tiêm vaccine do SII sản xuất) trên tổng số 1.379.944 liều vaccine 5 trong 1 sử dụng; 4 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine BCG trên tổng số 946.055 liều vaccine BCG đã sử dụng; 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine DPT trên tổng số 850.014 liều vaccine DPT đã sử dụng; 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Viêm gan B sơ sinh trên tổng số 511.422 liều vaccine Viêm gan B sơ sinh đã sử dụng.

 Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận nguyên nhân, trong đó ghi nhận 9 trường hợp do đặc tính cố hữu của vaccine (45%); 6 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (30%); 5 trường hợp không rõ nguyên nhân (25%).

Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: Do chất lượng của vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.  

Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến 30/6, ghi nhận 1 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vaccine xin Infanrix Hexa tại TP Hồ Chí Minh, kết luận của Hội đồng cấp tỉnh do phản vệ độ III sau khi tiêm vaccine Infanrix Hexa. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Huy động 20 bác sỹ cứu sống bệnh nhân bị xe container cán qua người

Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ huy động 6 ê kíp với 20 BS nhiều chuyên khoa để cứu sống nữ bệnh nhân bị sốc đa chấn thương đặc biệt nghiêm trọng do xe container cán qua người. 

Ngày 26/10, BSCK2 Phạm Thạnh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa huy động 6 ê kíp với 20 BS nhiều chuyên khoa, kịp thời cứu sống nữ bệnh nhân bị sốc đa chấn thương đặc biệt nghiêm trọng do xe container cán qua người.

Trước đó, lúc 11h10 ngày 21/10, bệnh nhân Lê Thị Mỹ H. (SN 1998, ngụ TP Cần Thơ) đi xe máy cùng người thân không may va chạm với xe container. Chị H. ngã ra đường, bị bánh xe cán qua người. 

Nạn nhân lập tức được đưa đến BVĐKTƯCT cấp cứu trong tình trạng đặc biệt nguy kịch, như: choáng chấn thương; sốc mất máu nặng; bức rứt, lơ mơ, niêm trắng bệt; huyết áp khó đo, mạch nhanh; bụng gồng cứng, sưng nề, xây sát vùng chậu; lạo xạo xương vùng chậu khi khám; máu đỏ chảy ra từ âm đạo…  

Nhận định đây là trường hợp đa chấn thương đặc biệt nghiêm trọng, các BS cấp cứu kích hoạt quy trình “báo động đỏ” nội viện. Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực chống sốc bằng cách kiểm soát chảy máu; thở oxy; giảm đau; lập 2 đường truyền dịch chảy tự do; truyền máu… đồng thời nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho phẫu thuật khẩn cấp. 

Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ với chẩn đoán: choáng chấn thương; chấn thương bụng kín; vỡ bàng quang; chấn thương âm đạo phần phụ; chấn thương vỡ phức tạp khung chậu. 6 ê kíp mổ với 20 BS ở các chuyên khoa Ngoại Tổng hợp, Ngoại Thận – Tiết niệu, Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Sản, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để chạy đua với “tử thần” cứu bệnh nhân. 

Đầu tiên, các BS gây mê hồi sức thiết lập thêm 2 đường truyền, đặt huyết áp động mạch xâm lấn để theo dõi huyết động liên tục. Sau đó, lần lượt 6 ê kíp phẫu thuật tiến hành xử lý chấn thương cho bệnh nhân. 

Mở bụng đường giữa dưới rốn có khoảng 500ml máu, máu tụ sau phúc mạc. Kiểm tra không thấy tổn thương phối hợp. Bệnh nhân được khâu vết rách bàng quang thành sau, mở bàng quang ra da. 

Tiếp đến khâu cầm máu buồng trứng trái; cắt tử cung toàn phần chừa 2 phần phụ; khâu nối âm đạo, kiểm tra cầm máu. Ê kíp Khoa Lồng ngực - Mạch máu thực hiện cột động mạch chậu trong bên trái để giảm bớt lượng máu chảy về vùng khung chậu, cầm máu kỹ, nhét gạc cầm máu, đặt ống dẫn lưu.

Ê kíp Trung tâm chấn thương chỉnh hình tập trung xử trí cố định ngoài, giữ cố định xương chậu cho bệnh nhân sau khi nhận thấy bệnh nhân bị gãy mất vững khung chậu, tổn thương ngành ngồi và chậu mu; gãy toác cùng chậu bên trái; lóc da ngầm hông mông trái. 

Đến 17h40 cùng ngày, tức sau 4h10, ca mổ phức tạp trên đã thành công. Các BS thở phào khi thông báo với người nhà, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch...  (Công an nhân dân, trang 7).

 

Những người xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân ung thư

Trong những giờ phút mệt mỏi, đau đớn khi phải hóa và xạ trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, sự chia sẻ, tận tâm, ân cần của các nhân viên Phòng Công tác xã hội đã giúp các bệnh nhân giảm bớt nỗi đau, mệt nhọc và ổn định tâm lý.

Bớt nóng tính vì bệnh nhân ung thư

Buổi sáng làm việc của Văng Thị Ngọc Bích, nhân viên Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu lúc 6 giờ. Cô đến sớm để chuẩn bị pha nước trà đào và cam sả, tiếp đó đẩy xe nước và bánh miễn phí lên lầu 9, khu D, Khoa Hóa trị của Trung tâm Ung bướu.

"Con mời cô, chú, các anh chị uống nước và ăn bánh ạ!", "Cô, bác, anh chị có cần giúp đỡ gì không ạ?"... Cứ thế, Bích đi đến tận ghế các bệnh nhân trao từng ly nước, gói bánh cho họ. Thấy bệnh nhân nào tỏ ra mệt, cô lại ân cần hỏi thăm, động viên.

Mắc ung thư buồng trứng đã 3 năm, cô T.T.N., quê Vĩnh Long cho biết, cô có hai người con. Con đầu của cô hiện định cư ở Canada, vướng dịch COVID-19 nên không về Việt Nam thăm mẹ được. Người con thứ hai hiện là sinh viên năm cuối ĐH Y dược Cần Thơ. Mỗi lần vào Bệnh viện Chợ Rẫy truyền hóa chất, cô đều được các nhân viên Phòng Công tác xã hội, trong đó có Bích, quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ tận tình. Do vậy, cô cảm thấy mình thoải mái và vui hơn.

"Hàng ngày, các bạn Phòng Công tác xã hội đến đây chăm lo cho chúng tôi từ miếng bánh đến ly nước uống, rất chu đáo và nhỏ nhẹ. Bị bệnh này, ngoài nỗi đau về thể xác, chúng tôi hiểu thời gian của chúng tôi không còn dài. Nhưng sau khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi thấy có một sự hy vọng về ngày mai tươi sáng. Ung thư không phải là dấu chấm hết" - cô N. chia sẻ.

Ngọc Bích tâm sự, những bệnh nhân ở khu D, Trung tâm Ung bướu luôn là những bệnh nhân khó tính nhất, nhiều người tỏ ra cáu kỉnh và khó chịu. "Các cô, bác bảo, vô phòng điều trị Khoa Hóa trị như là phòng đau khổ. Các cô, bác bị nhức tay, đau đớn và mệt mỏi. Khi phát nước, bánh, chúng em trò chuyện với họ thì các cô, bác đỡ buồn. Công việc cực nhưng em cảm thấy vui, hạnh phúc và ý nghĩa" - Bích rưng rưng nói.

Có nhiều lần Bích bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gắt gỏng, thậm chí mắng chửi. Tuy nhiên, với cô nhân viên 29 tuổi, đã gắn bó ở đây hơn 3 năm, cô hiểu và thông cảm cho các bệnh nhân bởi họ vừa trải qua cú sốc tâm lý lại phải chịu những đau đớn về thể xác. "Giờ em thấy mình thay đổi nhiều. Trước đây em nóng tính lắm nhưng giờ tính nóng của em biến mất, khiến nhiều người thân quen vô cùng ngạc nhiên" - Bích tự nhận.

Ngoài công việc phục vụ nước và bánh, chăm sóc bệnh nhân ung thư, Bích còn phải làm công việc tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.

Bích nhớ một lần trong quá trình hướng dẫn quy trình làm thủ tục cho bệnh nhân, cô bị người nhà bệnh nhân mắng to: "Tôi là giáo viên, tôi biết hết quy trình. Cô đừng có ở đây mà sai tôi. Cô muốn làm cô đi mà tự in". Lúc đó Bích "đứng hình" vì nghĩ mình đã hướng dẫn đúng, cụ thể rồi tại sao họ lại khó chịu với mình như thế.

Tuy nhiên, một lúc lâu sau khi gặp lại người đàn ông trên, Bích hỏi: "Chú ơi, giấy của chú đã làm xong hết chưa" thì người đàn ông đó giọng nhẹ nhàng: "Cô ơi, hồi nãy tôi sai, tôi xin lỗi cô nha". Theo Bích, nghe câu nói đó cô như thấy mình như được tiếp thêm năng lượng và không còn chút xíu giận nào nữa.

Bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Ung bướu tái khám thường xuyên, có những người 3 ngày, có những người 1 tuần, 10 ngày, 20 ngày. Có nhiều bệnh nhân Bích thuộc tên luôn. Nhiều cô bác gặp Bích nhận ra và hỏi: "Bữa nay cô không đi xe nước nữa hả?". Có cô bác lại bảo: "Bữa trước tôi thấy cô trên tivi đấy, đài VTV gì đó"... Thậm chí, có bệnh nhân người Sóc Trăng cứ muốn gả con trai của ông cho Bích khiến cô xúc động.

Khi phóng viên hỏi "Công việc vất vả, áp lực như thế này, có lúc nào em nghĩ em sẽ chuyển sang công việc khác không?", Bích thành thật nói, lúc đầu bắt đầu công việc này cô nghĩ mình ráng làm 10 năm rồi nghỉ. Nhưng rồi qua thời gian, giống như ngủ một giấc rồi thức dậy, cô lại bắt đầu ngày mới tràn đây năng lượng. Và giờ đây, dù được lựa chọn công việc lại cô vẫn xin được làm công tác xã hội. Cô gái sinh năm 1991 cho biết, cô hy vọng sẽ đủ sức khỏe để chạy suốt hành trình dài với các bệnh nhân ung thư.

Điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày tiếp đón khoảng 500-600 người bệnh đến khám và điều trị. Việc bị chẩn đoán mắc ung thư khiến nhiều người hoang mang, lo lắng . Họ gần như phải chiến đấu từng ngày, từng giờ để níu giữ sự sống đi kèm với nỗi lo về gia đình và chi phí điều trị.

Hiểu được nỗi khổ của người bệnh ung thư, không những phải trải qua những cơn đau dai dẳng về thể xác mà còn phải đối diện với cả sự khủng hoảng về mặt tâm lý, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đặc biệt quan tâm đến những bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu. Và Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nhiều hoạt động mới tại Khoa Hóa trị.

ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội cho hay, được sự ủng hộ của Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Thức, tháng 3/2019, Phòng Công tác xã hội đã đưa vào khai trương khu đọc sách cho những bệnh nhân bị ung thư vú ở lầu 7. Tủ sách ở đây ngoài những cuốn về chuyên môn còn có những cuốn của GS Nguyễn Chấn Hùng, thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Minh Niệm ... để cô bác lấy lại niềm vui, lạc quan sẽ khỏi bệnh và thêm gắn bó với gia đình.

Ngoài ra, tại đây còn có một tủ nón và tóc giả để các bệnh nhân ung thư có thể sử dụng, đem lại sự tự tin cho các chị em. Thậm chí, tại Đơn vị tuyến vú còn có tủ áo ngực để cho các nữ bệnh nhân đoạn nhũ yên tâm, tự tin. Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội cũng tổ chức được những buổi đọc sách, chia sẻ những nỗi niềm của các bệnh nhân...

Gần đây, tháng 9/2020, Phòng Công tác xã hội triển khai hoạt động tại Khoa Hóa trị lầu 9. Theo đó, khu điều trị 1 và 2 luôn mở nhạc nhẹ hòa tấu giúp người bệnh thư giãn, có các kệ báo để người bệnh cập nhật tin tức mỗi ngày. Bên cạnh đó, trong lúc chờ khám và truyền dịch thuốc, người bệnh có thể xem các chương trình giải trí trên tivi LCD, có thể kết nối wifi để truy cập web, trò chuyện cùng người thân.

Đặc biệt, thấu cảm rằng thời gian mà các bệnh nhân phải ngồi ở khu hóa trị kéo dài từ 4-5 giờ khi phải truyền dịch thuốc trước khi truyền hóa chất, bệnh nhân sẽ đói bụng, khát nước. Mỗi ngày, Phòng Công tác xã hội đều phục vụ bệnh nhân nước uống và bánh miễn phí vào các khung giờ 8 giờ 30 và 15 giờ. Những loại nước và bánh này đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Trên tinh thần chỉ đạo của giám đốc, những ly nước và miếng bánh đó, giá trị nó không lớn nhưng thể hiện sự tận tâm. Đó không phải là ly nước, cái bánh thông thường mà là sự quan tâm của cán bộ viên chức, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tới người bệnh. Giám đốc giao nhiệm vụ cho chúng tôi phục vụ những cô bác đang ngồi hóa trị lầu 9 trên tinh thần rằng: "Các cô bác đang được ngồi trên máy bay hạng thương gia". Chỉ một câu nói đó của giám đốc thôi đã thôi thúc anh chị em cán bộ Phòng Công tác xã hội nghĩ ngày nghĩ đêm với một sự đoàn kết, tận tụy" - anh Lê Minh Hiển cho biết. Cũng theo anh Hiển, gần đây, một nhân viên Phòng Công tác xã hội thường xuyên làm việc ở Khu Hóa trị thông tin với anh rằng: "Anh Hiển ơi, cô bác đi toilet rất là cực vì phải mang theo chai dịch truyền, có cách nào làm được cho họ cái móc". 

Khi biết thông tin đó, anh Hiển cùng đồng nghiệp đã phải vào tận nhà vệ sinh nam và nữ đo kích thước, đưa ra kiểu mẫu, thậm chí có viết 1 câu trong đó để thông báo cái móc đó để làm gì. Và khi anh Hiển trình ý kiến này với Giám đốc Nguyễn Tri Thức, anh Thức rất ủng hộ, thậm chí thay vì chỉ làm 1 cái móc như anh Hiển đề nghị thì Giám đốc phê duyệt làm 3 móc để cô bác còn treo giỏ. Việc làm này nhỏ nhưng thể hiện sự tận tụy, tinh tế và thấu hiểu của cả giám đốc và tập thể Phòng Công tác xã hội đối với bệnh nhân ung thư, khiến nhiều bệnh nhân xúc động.

Khi tôi đi truyền hóa chất lần đầu, vừa cắm kim chưa được 5 phút là muốn đi vệ sinh, nhưng ngặt cái là một tay cầm bịch truyền, phải giơ cao không thì hoá chất không chạy, một tay kéo quần, rồi rửa ráy, rồi còn phải ra rửa tay bên ngoài nữa. Hôm truyền lần đầu bị tụt bạch cầu mà tui không biết, cứ chưa đầy 5 phút lại phải đi vệ sinh. Ôi chao là khổ, là mệt, tủi thân gì đâu. Giờ thấy Bệnh viện Chợ Rẫy có sản phẩm thiết thực và nhân văn đến vậy (móc treo - PV), lo cả việc bé mà không bé cho bệnh nhân thế này thật không biết diễn tả thế nào, chỉ biết cảm ơn, cảm ơn thôi" - chị V.T.K.O, bệnh nhân ở Khoa Hóa trị xúc động bày tỏ.

Dịp 20/10 vừa qua, Phòng Công tác xã hội đã tổ chức tặng quà gồm sữa và nón đội đầu cho các bệnh nhân nữ, mong họ được khỏe mạnh, tiếp tục các chu kỳ sau.

Thực tế cho thấy, ngoài lực lượng y bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì Phòng Công tác xã hội như là một cánh tay nương tựa cho bệnh nhân khó khăn. Anh Lê Minh Hiển hy vọng đồng nghiệp ở Phòng Công tác xã hội sẽ là một kênh tiếp nhận thông tin của các bệnh nhân, là nơi để bệnh nhân cô bác tìm đến và sẽ nhớ về với nhiều kỷ niệm yêu thương và lòng nhân ái.  (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ 01/01/2020 đến 30/6/2020, cả nước ghi nhận ghi nhận 9.918 trường hợp phản ứng thông thường và 21 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng: ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39 độ C và các triệu chứng khác.

Về tai biến nặng sau tiêm chủng: ghi nhận 20 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 01 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong TCMR ghi nhận tại 09 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (05), Sơn La (08), Thái Nguyên (01), Lạng Sơn (01), Nam Định (01), Đà Nẵng (01), Đắc Lắc (01), Sóc Trăng (01), Trà Vinh (01).

Trong 20 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận:

- 14 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 (01 trường hợp sau tiêm vắc xin ComBE Five và  13 trường hợp sau tiêm vắc xin do SII sản xuất) trên tổng số 1.379.944 liều vắc xin 5 trong 1 sử dụng.

- 04 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin BCG trên tổng số 946.055 liều vắc xin BCG đã sử dụng.

- 01 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin DPT trên tổng số 850.014 liều vắc xin DPT đã sử dụng.

- 01 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh trên tổng số 511.422 liều vắc xin Viêm gan B sơ sinh đã sử dụng.

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận nguyên nhân, trong đó ghi nhận:

- 09 trường hợp do đặc tính cố hữu của vắc xin (45%);

- 06 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (30%);

- 05 trường hợp không rõ nguyên nhân (25%)

Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vắc xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ.

Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.

Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến 30/6/2020 ghi nhận 01 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vắc xin Infanrix Hexa tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận của Hội đồng cấp tỉnh: Phản vệ độ III sau khi tiêm vắc xin Infanrix Hexa. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Không để xảy ra "dịch chồng dịch" trong mùa Đông Xuân

Các địa phương tuyệt đối không lơ là phòng chống dịch COVID-19, đồng thời cần tích cực, chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với các dịch bệnh khác có nguy cơ xảy ra trong mùa Đông Xuân, dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do dịch bệnh. Tránh nguy cơ xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh những nội dung này tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống dịch COVID-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021 do Bộ Y tế vừa tổ chức.

Thông tin tại hội nghị cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta.

Tại Việt Nam, dù dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tốt, đã 50 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu; đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số mắc cao, gia tăng cục bộ, ghi nhận các ổ dịch tại một số địa phương hoặc có số tử vong cao như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, bệnh dại; các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố.

Dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp khi bệnh COVID-19 chưa có vaccine dự phòng.

Cùng với đó, nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu…) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như: sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tránh để “dịch chồng dịch".

Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh về thực hiện cách ly phòng dịch COVID-19

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố; đề xuất để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

"Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng"-Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Về xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện theo hướng dẫn, tập trung xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, các trường hợp đối tượng cán bộ y tế làm việc ở những nơi có nguy cơ cao

Đồng thời làm tốt công tác giám sát cách ly ở khu cách ly ngoài quân đội, phải thực hiện nghiêm theo quy định về vấn đề cách ly.

"Các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu

Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Lưu ý các dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ

Tại hội nghị, nhấn mạnh tình trạng các tỉnh miền Trung đã và đang bị ngập sâu trong mưa lũ. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghịcác địa phương phải dự báo sau khi nước rút, nguy cơ dịch bệnh gì có thể bùng phát (chẳng hạn tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết...) từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó ngay khi dịch bùng phát.

Triển khai ứng phó y tế, phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, kịp thời phát hiện xử lý các ổ dịch truyền nhiễm sau mùa mưa bão; củng cố đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng lên đường chống dịch khi có yêu cầu.

Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố; duy trì hoạt động diệt bọ gậy (hàng tuần tại khu vực có nguy cơ cao, hàng tháng tại khu vực khác), phun hóa chất chủ động khu vực nguy cơ cao.

Về công tác tiêm chủng, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95 % trên quy mô cấp xã; thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và tiêm bổ sung đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tránh để xảy ra "vùng lõm" về tiêm chủng

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng chống COVID-19 (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình, cộng đồng với các hình thức và ngôn ngữ phù hợp với từng địa phương; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để công tác phòng chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra việc chỉ đạo của địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày về nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh như: Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống dịch COVID-19; hướng dẫn thành lập và hoạt động Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng; hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung dân sự.

Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cũng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị. Đặc biệt, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết công tác truyền thông trong phòng chống COVID-19 và dịch bệnh mùa đông xuân 2020 – 2021 để các địa phương cùng triển khai, giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch lây lan.

Đại biểu tại các điểm cầu cũng đã thảo luận, đưa ra các nội dung liên quan đến việc phòng chống dịch mùa đông xuân; vai trò của y tế với việc vệ sinh môi trường; khám, chữa bệnh cho người dân chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vụ “lùm xùm” gói thầu giặt là đồ vải tại Bệnh viện Bạch Mai: Thực hư thế nào?

Chỉ một thời gian ngắn sau khi gói thầu số 01: Cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải y tế và đóng gói đồ vải phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2020-2021 bị huỷ, những lùm xùm thông tin xung quanh gói thầu này khiến người trong cuộc Bệnh viện phải thốt lên: “Làm đúng cũng mệt mỏi”.

Huỷ gói thầu: bất thường hay bình thường?

Ngày 05/10/2020, Bệnh viện Bạch Mai có Quyết định số 2514/QĐ-BM về việc huỷ thầu gói thầu số 01. Ngay sau khi thông tin này được công bố, dư luận xuất hiện một số thông tin cho rằng, đây là một sự việc bất thường. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ và Đời sống, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc ra Quyết định này dựa theo quy định của pháp luật đấu thầu, khi 02 nhà thầu đáp ứng mặt kỹ thuật đều không đáp ứng khả năng thực hiện hợp đồng.

“Việc hủy thầu là hoàn toàn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đấu thầu; không có yếu tố thông thầu hay cố tình gây nhũng nhiễu đối với nhà thầu”, công văn gửi Bộ Y tế báo cáo sự việc của Bệnh viện Bạch Mai viết.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, ngày 27/6/2020, Hội đồng mua sắm các gói thầu dịch vụ Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức họp thông qua kế hoạch đấu thầu gói thầu giặt là đồ vải. Tại cuộc họp này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn báo cáo kết quả thực hiện gói thầu giặt là đồ vải năm 2019-2020 và việc hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải năm 2019-2020 sắp kết thúc. Do đó, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã xây dựng kế hoạch đấu thầu cho giai đoạn 2020-2021 và xin thông qua Hội đồng số lượng, giá dự kiến của gói thầu.

Tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng mua sắm cũng thống nhất cao việc tổ chức đấu thầu gói dịch vụ này, yêu cầu phải tổ chức đúng quy định pháp luật, cho phép thuê đơn vị tư vấn đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật. Các bước sau đó từ lập hồ sơ mời thầu, triển khai đấu thầu… đều đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại thời điểm đóng thầu, Bệnh viện nhận được 03 bộ hồ sơ tham dự đấu thầu của 3 công ty là: Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Hồng, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường y tế MESCO và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TMC Việt Nam. Trong số này, theo báo cáo đánh giá của tư vấn, có 2 đơn vị được qua vòng kỹ thuật là Minh Hồng và MESCO. Công ty TMC Việt Nam không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do chưa có giấy phép xả thải.

Sau khi có báo cáo đánh giá Hồ sơ dự thầu, và báo cáo thẩm định, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành thương thảo với nhà thầu đáp ứng về mặt kỹ thuật và xếp thứ nhất về tài chính; Bệnh viện Bạch Mai đã có quyết định phê duyệt đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Minh Hồng. Quyết định này được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tuy nhiên, Nhà thầu sau đó đã từ chối ký kết hợp đồng. “Do tình hình diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà thầu chúng tôi không thể sắp xếp được nhân sự hàng ngày vận chuyển hàng hóa từ Quảng Ninh lên giao nhận tại Hà Nội, có thể dẫn đến không đảm bảo tính liên tục cung cấp dịch vụ giặt là cho Bệnh viện”, công văn của nhà thầu gửi Chủ đầu tư nêu rõ.

Trước tình huống phát sinh, Bên mời thầu tiếp tục mời Nhà thầu xếp hạng 2 là Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường y tế MESCO vào thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, MESCO sau đó cũng có văn bản từ chối thương thảo hợp đồng với lý do Nhà thầu hiện tại không đáp ứng về nhân sự và thiết bị đảm bảo thực hiện Gói thầu.

Ngày 05/10/2020, Chủ đầu tư ra Quyết định hủy thầu Gói thầu số 01. Đồng thời, Bệnh viện đã thực hiện các công việc, bao gồm: (i) Gửi thông báo hủy thầu đến tất cả các bên dự thầu, trong đó nêu rõ lý do hủy thầu; (ii) Đăng tải quyết định hủy thầu nêu rõ lý do hủy thầu trên mạng đấu thầu quốc gia. Trong quá trình tổ chức, thực hiện, công tác hủy thầu được đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát độc lập phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Tham khảo ý kiến của chuyên gia đấu thầu, một chuyên gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyên mảng đấu thầu cho biết, pháp luật hiện hành quy định 4 trường hợp hủy thầu, và với trường hợp này, việc huỷ thầu xuất phát từ nguyên nhân khách quan, là hoàn toàn đúng.

Chúng tôi không làm trái luật!”

Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ quá trình diễn biến gói thầu số 01 từ khi lên kế hoạch đến thực hiện, đều được diễn ra đúng trình tự pháp luật, công bố công khai, có các bên tư vấn độc lập giám sát thực hiện. Việc huỷ gói thầu này là do phía đơn vị trúng thầu không tham gia, nhưng không hiểu sao vẫn xuất hiện dư luận về việc huỷ thầu bất thường.

“Có lẽ mọi người chỉ thấy được việc đã công bố đơn vị trúng thầu, mà sau đó lại có thông báo huỷ gói thầu, mà không nắm được toàn bộ thông tin diễn biến quá trình. Vì vậy chúng tôi cũng hy vọng các cơ quan truyền thông, báo chí nắm được thông tin, hỗ trợ chúng tôi đưa thông tin đầy đủ ra bên ngoài để cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công nhân viên Bệnh viện yên tâm làm việc”, vị này nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang