Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ chấp nhận mạo hiểm để cứu nữ sinh nguy kịch; Điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu trị cúm cho Bệnh viện Nhi Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lập danh mục quảng cáo thực phẩm sai phạm để xử lý

 

Bác sĩ chấp nhận mạo hiểm để cứu nữ sinh nguy kịch

Tiếp nhận bệnh nhân Đ.D.A được một người đi đường đưa vào cấp cứu trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, kíp bác sĩ trực của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã quyết định đưa thẳng bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu, gạt bỏ các quy trình thông thường…

Sáng nay, 26-12, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thông tin, các bác sĩ của bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhân bị vỡ lách, đa chấn thương do tai nạn giao thông, cơ hội sống lúc vào viện rất nhỏ nhoi.

Theo đó, khoảng 11h30 trưa ngày hôm qua, 25-12, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.D.A (nữ, sinh năm 2005, thường trú tại Hà Đông – Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều, vật vã kích thích, mạch nhanh nhỏ không bắt được, huyết áp không đo được, nhịp thở nhanh nông, hạ sườn trái có vết bầm tím do va đập, bụng trướng căng, cảm ứng phúc mạc,…

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nặng do mất máu, theo dõi vỡ tạng trên bệnh nhân đa chấn thương. Trường hợp này chuyển viện không an toàn, thậm chí có thể tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.

BSCKII. Nguyễn Giang Lam, Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, nữ bệnh nhân D.A. được một người đi đường đưa vào viện cấp cứu, không có người thân.

Thông thường các bệnh nhân sẽ phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo đúng quy trình như khai báo thông tin, có các kết quả xét nghiệm máu, phim chiếu chụp… và phiếu chỉ định mổ của bác sĩ được duyệt thì mới được đưa vào phòng mổ.

Tuy nhiên, do tình huống cấp bách, nếu chậm chễ mổ cấp cứu thì tính mạng bệnh nhân khó giữ nổi, nên sau khi hội chẩn, kíp trực lập tức báo cáo lãnh đạo bệnh viện qua điện thoại rồi quyết định chuyển ngay bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu. Các thủ tục, quy trình “cứng” được thực hiện một cách song song.

Toàn bộ y bác sĩ giỏi của nhiều khoa được huy động ngay lập tức để tham gia vào ca mổ cấp cứu này, với tinh thần khẩn trương tận dụng từng giây, từng phút quý giá để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

“Lúc này, chúng tôi không còn thời gian để nghĩ đến chuyện liệu gia đình người bệnh có chấp nhận mổ, hay áp lực từ dư luận xã hội ra sao nếu lỡ bệnh nhân tử vong” – bác sĩ Lam chia sẻ.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân rất nhiều máu, lách đứt rời hoàn toàn nằm trong ổ bụng, chấn thương thận 2 bên độ I... Kíp phẫu thuật đã rút khoảng 1 lít máu khỏi ổ bụng bệnh nhân, sau đó cầm máu cuống lách.

Sau gần 2 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.

Nói về ca bệnh đặc biệt này, TS. Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, khi được báo cáo lại vụ việc, ông rất lo lắng nhưng cũng nhất trí bỏ qua các quy trình “cứng”, khẩn trương phẫu thuật nhằm cứu sống người bệnh. Khi ca mổ thành công, không chỉ cứu sống người bệnh mà cả ông và các y bác sĩ của bệnh viện đều thở phào.

“Gần đây, nhiều vụ việc bác sĩ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết của người bệnh bất kể vô ý hay do khách quan. Nói thật, điều này khiến nhiều y bác sĩ cũng chùn tay. Tôi là người quản lý cũng luôn yêu cầu tất cả y bác sĩ cấp dưới phải thực hiện đúng quy trình, nhưng rõ ràng có một quy trình mà không ai có thể sắp xếp được đó là “quy trình của tình người”.

Ca mổ vừa rồi ê kíp cấp cứu bỏ qua một số thủ tục của Bệnh viện, của Ngành Y nhưng ê kíp cấp cứu đã làm đúng 1 quy trình đó là “Quy trình đạo đức của người thầy thuốc để cứu sống được một con người” - TS. Hưng chia sẻ. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu trị cúm cho Bệnh viện Nhi Trung ương

Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã điều động cấp cho Bệnh viện Nhi Trung ương 1.000 viên thuốc Tamiflu 75mg trong tổng số 1.720 viên còn tồn kho…

Chiều nay, 23-12, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, trước sự gia tăng về nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu 75mg để phòng và điều trị bệnh cúm mùa cho nhân dân, Cục đã yêu cầu các đơn vị tăng cường việc nhập khẩu thuốc này về Việt Nam.

Hiện nay, số lượng thuốc Tamiflu 75mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên. Cục Quản lý Dược đã điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu 75mg cho Bệnh viện Nhi Trung ương để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân tăng cao.

Cùng đó, lô hàng nhập khẩu 50.000 viên thuốc Tamiflu dự kiến cũng sẽ được nhập khẩu về Việt Nam vào ngày 26-12 tới. Lô thuốc Tamiflu tiếp theo khoảng 140.000 viên 75mg sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 1-2020.

Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không tự ý điều trị, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc.

Người dân khi có triệu chứng bệnh cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lập danh mục quảng cáo thực phẩm sai phạm để xử lý

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo về thực phẩm chức năng sai sự thật, phản cảm, để xử lý…

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo nội dung Thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan chức năng ở nước ngoài phối hợp) thực hiện rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.  

Riêng về hệ thống thông tin về ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về ATTP phục vụ quản lý nhà nước và nhân dân.

Cùng đó, các Bộ này phải cung cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ các dữ liệu về các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu ATTP (như các trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, danh sách các phòng kiểm nghiệm…) để cập nhật vào chuyên mục ATTP và bản đồ số thuộc hệ tri thức Việt số hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết dứt điểm việc thành lập các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nước mắm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước mắm. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Chấn chỉnh tình trạng phát nhầm thuốc, thuốc hết hạn cho bệnh nhân

Vừa qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã xảy ra tình trạng vi phạm quy định về sử dụng thuốc khá nghiêm trọng như cấp phát nhầm thuốc, thuốc hết hạn sử dụng cho người bệnh...

Ngày 26-12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, Cục này đã có công chấn chỉnh về việc bảo đảm an toàn sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo đó, trong thời gian vừa qua tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra một số vi phạm quy định sử dụng thuốc, cấp phát nhầm thuốc, thuốc hết hạn sử dụng cho người bệnh...

Nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các vi phạm này tái diễn, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố, Thủ trưởng Y tế các ngành chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục vi phạm trong thực hiện quy định bảo đảm sử dụng thuốc an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Giám đốc các bệnh viện chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình liên quan đến sử dụng thuốc; tăng cường hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện, xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, có giải pháp can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, phải siết chặt quy trình cấp phát thuốc từ khoa Dược đến người bệnh nhằm bảo đảm thuốc được sử dụng đúng, an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, cần tổng hợp thuốc tại khoa lâm sàng, công khai sử dụng thuốc hàng ngày, cấp phát thuốc cho người bệnh… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (An ninh thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang