Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Báo chí đã đồng hành, quảng bá đến người dân về những thành tựu của ngành y tế; Ngành y tế Đắk Lắk thiếu hơn 1.800 chỉ tiêu biên chế; Triệt phá đường dây chuyên làm giả các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra viện…

 

Y tế, giáo dục khó thưởng Tết cao

Hầu hết các bệnh viện, trường học tại TPHCM vẫn chưa chính thức công bố mức thưởng Tết. Dự kiến mức thưởng trong ngành giáo dục nhỉnh hơn ngành y tế.

Ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ: “Từ sau dịch đến nay, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị giảm sâu. Bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kỹ thuật nên khó thu hút bệnh nhân. Tết năm nay, bệnh viện chúng tôi chắc không có thưởng”.

Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, tình hình khả quan hơn. Ông Trần Văn Sóng, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Lượng bệnh đến khám chỉ bằng khoảng 80% so với trước dịch nhưng chúng tôi đã cố gắng đưa thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế tiệm cận với giai đoạn trước dịch. Năm trước, mỗi người nhận được 10 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi đang cân đối để có mức thưởng cao hơn nhằm động viên tinh thần cán bộ nhân viên để mọi người an tâm công tác”.

Đề cập thưởng Tết cho nhân viên y tế, ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng, chia sẻ: “Tết năm trước, bệnh viện thưởng mỗi người 15 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi đang cố gắng cân đối để mang đến nồi bánh chưng có nhân thịt cho cán bộ, công nhân viên. 2 năm chống dịch, các khoản quỹ dự phòng đã cạn, chênh lệch thu chi đang âm nên tiền thưởng sẽ không nhiều. Chúng tôi rất mong cán bộ, nhân viên thấu hiểu cho khó khăn chung của ngành y tế. Thưởng không cao nhưng bệnh viện sẽ có nhiều hoạt động mang lại đời sống tinh thần cho nhân viên y tế như làm đường hoa, tổ chức lễ hội bánh chưng, bánh tét vui Tết sum vầy để khích lệ tinh thần mọi người”.

Trong bối cảnh khó khăn chung, tình hình thưởng Tết của khu vực y tế tư nhân cũng chưa khả quan hơn. Ông Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc hệ thống Bệnh viện Xuyên Á, cho biết: “Năm trước, hệ thống bệnh viện thưởng Tết cho mỗi nhân viên y tế 1 tháng lương. Năm nay, chúng tôi chưa có kế hoạch thưởng Tết nhưng tình hình bệnh viện còn nhiều khó khăn, chắc mức thưởng khó khả quan hơn”.

Các trường tư thục tăng mức thưởng

Một số trường học đang chờ hướng dẫn và chờ làm việc với các đơn vị để kết dư trong năm.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3), cho hay, trước Tết Nguyên đán, giáo viên được nhận cùng lúc ba khoản, gồm thu nhập tăng thêm quý 4 theo Nghị quyết 03 của thành phố, tối đa là 1,2 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ (khoảng 12-20 triệu đồng); thu nhập tăng thêm được chia từ kết dư ngân sách trong năm tài chính của trường (khoản này tùy vào khả năng thu chi, tiết kiệm của các trường) và tiền quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính, khối sự nghiệp khoảng 1-1,5 triệu đồng một người.

“Thời điểm nhận thu nhập tăng thêm thường sát Tết nên giáo viên vẫn thường gọi đây là “thưởng Tết”, ông Khoa nói. Sau ngày 31/12, nhà trường sẽ làm việc với Kho bạc Nhà nước để kết dư, từ đó mới lên phương án thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên.

Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình), năm nay là năm đầu tiên thực hiện chính quyền đô thị nên trường đang chờ hướng dẫn để lên phương án kết dư, thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên. “Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên trong trường cũng đang ngóng trông thưởng Tết nhưng chưa có hướng dẫn nên trường chưa có phương án thực hiện. Dự kiến sau Tết Dương lịch 2023, trường mới có phương án”, bà Tâm nói.

Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cho biết, trường đang đánh giá mức độ hoàn thành công việc, tổng kết chi tiêu trong năm để tính toán mức thu nhập tăng thêm cho giáo viên và dự kiến chi thưởng trước ngày 15/1/2023.

Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), thông tin, năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, các trường không có những khoản thu từ hoạt động khác nên phần tiết kiệm từ ngân sách thường xuyên ít. Năm nay, các hoạt động dạy học trở lại bình thường, ngân sách hoạt động của các trường ổn định, tiết kiệm được nhiều hơn. “Năm ngoái, các giáo viên và quản lý của trường được nhận 20-30 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm, tùy vào thâm niên, hiệu quả công việc. Năm nay, khả năng mức thưởng sẽ nhỉnh hơn năm ngoái”, bà Trâm chia sẻ.

Trong khi đó, ở nhiều trường tư thục, dự kiến thưởng Tết tăng so với năm trước. Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Hệ thống Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, cho biết: “Năm trước, mức thưởng thấp nhất là 3,5 triệu đồng. Năm nay, mức thưởng thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 17 triệu đồng, bình quân 5,5 triệu đồng/ người”.

Ông Nguyễn Đình Độ- Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú), thông tin, năm nay kinh tế phục hồi dù không mạnh nhưng học sinh đã đi học trực tiếp nên trường có nguồn thu dồi dào hơn so với 2 năm diễn ra dịch COVID-19. Nhà trường đang cân đối để có mức thưởng bằng hoặc cao hơn năm trước.

Ở khối các trường đại học, mức thưởng Tết cũng đang được nhiều trường dự trù bằng hoặc cao hơn năm trước. Dù chưa thông qua kế hoạch thưởng Tết, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến mức thưởng ít nhất bằng năm ngoái. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên được nhận một tháng lương và 20 triệu đồng. Người cao nhất có thể nhận được 80 triệu đồng, thấp nhất khoảng 30 triệu đồng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, mức thưởng Tết Quý Mão của trường là 20 triệu đồng/người đối với cho tất cả người lao động. Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, các giảng viên, nhân viên còn nhận thêm 2 triệu đồng "lì xì".

PGS.TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, TPHCM cho hay, thưởng Tết năm nay khoảng 12- 45 triệu đồng/người. Khoản này gồm ba phần: Tiền Tết, tháng lương 13, thưởng thi đua. Trong đó, tiền Tết được chia đều cho mọi người là một tháng lương tăng thêm. (Tiền phong, trang 10).

 

Ngành y tế Đắk Lắk thiếu hơn 1.800 chỉ tiêu biên chế

Ngày 26-12, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, số lượng chỉ tiêu biên chế viên chức được giao cho các đơn vị sự nghiệp y tế là rất thấp.

Trong đó có nhiều đơn vị, nhất là tuyến bệnh viện đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh. Nếu tính theo Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức, định mức biên chế theo quy định, thì nguồn nhân lực của cả ngành y tế tỉnh Đắk Lắk còn thiếu hơn 1.800 chỉ tiêu biên chế.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk, hiện nay nhiều đơn vị y tế của tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Do vậy, cần phải bổ sung biên chế để tuyển dụng vào các vị trí, bộ phận công tác quan trọng. (Sài Gòn giải phóng, trang 5).

 

Triệt phá đường dây chuyên làm giả các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra viện

Chiều 26/12, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Mỹ vừa triệt phá thành công một đường dây chuyên làm giả các loại giấy khám sức khỏe, giấy ra viện thông qua mạng xã hội có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Sau thời gian xác lập chuyên án đấu tranh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Mỹ đã thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Trần Thị Thu Hiền (sinh năm 1985, trú tại tổ 4, cụm 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trần Ngọc Yên (sinh năm 1996, trú tại Xóm Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Khám xét chỗ ở hiện tại của Hiền (ở ngách 9/42 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) và chỗ ở hiện tại của Yên (ở số 3/50 ngõ 7, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Cơ quan Công an thu giữ hơn 10 nghìn tờ giấy khám sức khỏe, giấy ra viện có hình dấu, chữ ký để tên của một số bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Xanh Pôn...

Trên các giấy tờ đều để trống ảnh, thông tin của người đề nghị khám sức khỏe, người bệnh và đã ghi nội dung khám, có chữ ký đứng tên bác sỹ khám, kết luận; 16 con dấu Quốc huy có nội dung tên của các bệnh viện; 115 tên dấu chức danh các loại đề tên các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ; 20 dấu chữ nội dung kết quả khám; 1 máy tính xách tay, 2 máy in, 100 tem biểu tượng logo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các loại mực in, mực đỏ…

Liên quan đến đường dây này, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Mỹ phát hiện, bắt giữ các đối tượng gồm Mai Văn Kỳ (sinh năm 1987) và Đỗ Thị Ngọc Ngà (sinh năm 1991), cùng trú tại thôn Tử Đông, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) về hành vi sử dụng giấy tờ giả.

Cơ quan Công an và các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

Nguy hiểm thuốc lá điện tử ma túy

Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc thuốc lá điện tử ở lứa tuổi học đường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về mối nguy hại mới. Tại Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 26/12, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo và những giải pháp, hành động mạnh mẽ để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào Việt Nam.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13 đến 18 tuổi gia tăng ở cả hai giới, ở nhóm trên 15 tuổi từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020; ở nhóm 13-15 tuổi tỷ lệ sử dụng là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. “Đa phần các em mua thuốc lá ở trên mạng và cửa hàng. Riêng thuốc lá điện tử, các em mua nhiều nhất ở trên mạng và được người khác cho, tặng.

Theo Nghị định 117/ 2020, bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi bị xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, nhưng 75% học sinh nam đi mua thuốc lá không bị từ chối, trong khi các em nữ đi mua thì 100% không bị từ chối”, bà Hương nói.

Hiện nay có trên 20.000 dung dịch thuốc lá điện tử khác nhau. Các loại thuốc lá điện tử tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới, nghiện về nhận thức, nghiện về hành vi, nghiện về thực thể với một tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn và nặng nề hơn. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tại trung tâm gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma tuý vào cấp cứu, các trường hợp này đều rất nặng và nguy kịch. Người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ dùng ma tuý gấp 3,5 lần so với không hút. Đồng thời, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh.

Thời gian vừa qua, đã phát hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp, cần sa, tinh dầu cần sa tẩm trong thuốc lá điện tử. Nhiều bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc sử dụng thuốc lá điện tử có ma tuý. Có học sinh được anh của bạn ở Hà Nội về quê chơi cho thuốc lá điện tử và sử dụng; có những học sinh thường tụ tập cả nhóm hút thuốc lá điện tử mà cha mẹ không hay biết.

Hay nữ sinh viên 20 tuổi, sau khi dùng thuốc lá điện tử tẩm cần sa thì bị tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận… “Đừng tưởng thuốc lá điện tử cách xa chúng ta, mà rất gần chúng ta”, BS Nguyên nhấn mạnh. Theo Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đã phát hiện có vitamin E trong thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Khi vitamin E trong thuốc lá điện tử đốt cháy tạo chất độc tổn thương phổi, đây là bệnh mới nổi, đã gây ra gần 3.000 người bị ngộ độc ở Mỹ trong 2 năm (2019 - 2020).

Do thuốc lá điện tử chưa được phép tiêu thụ tại Việt Nam nên hầu hết các sản phẩm có mặt trên thị trường là qua con đường nhập lậu, xách tay. Thuốc lá điện tử tẩm ma tuý tổng hợp được đưa vào nước ta đội lốt là kẹo, hộp nước, trái cây, bút…

“Thuốc lá điện tử là môi trường cho các ma tuý mới tồn tại. Hàng trăm ma tuý tổng hợp mới, dẫn đến hàng trăm bệnh/ngộ độc mới rất khác nhau”, BS Nguyên nói.

Đặc biệt, thuốc lá điện tử tẩm cần sa mà gần đây một số trường hợp sau khi sử dụng bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu cho thấy hậu quả của nó thật khủng khiếp. Triệu chứng ngộ độc cấp tính do hít, hút thuốc lá điện tử tẩm cần sa kéo dài tới 4 giờ; nếu qua ăn, uống kéo dài tới 8 giờ. Hiện có hàng trăm hoá chất, được tạo mới hàng ngày, hoàn toàn là các hoá chất ma tuý mới tổng hợp. Tại các labo xét nghiệm trang bị tốt tại Hà Nội mới chỉ phát hiện khoảng 180 chất. Vì vậy, theo kiến nghị của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị cần có những biện pháp để ngăn chặn cũng như làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá thế hệ mới nói chung và các loại thuốc lá điện tử nói riêng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xem xét việc cấm bán, sản xuất và quảng cáo thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, qua Hội nghị tập huấn này, Ban tổ chức mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên hiểu rõ về tác hại và hậu quả của thuốc lá điện tử để quản lý, giáo dục con em không sử dụng. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm có những quy định để ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam. (Công an Nhân dân, trang 5).

 

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh

Ngày 26-12, Tổng cục Dân số - Bộ Y tế tổ chức mittinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam. Thông tin tại đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho biết, năm 2022, dân số Việt Nam đạt hơn 99 triệu người, muộn hơn 10 năm so với dự báo.

Tuổi thọ trung bình của người dân nước ta tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 (nam là 71 tuổi, nữ 76 tuổi) và cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng qua các năm, đứng thứ 117/189.

Đáng chú ý, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Mức thông thường của tỷ số này là 104-106 bé trai/100 bé gái, thế nhưng năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 113,7 (không đạt mục tiêu đề ra là 111,4). Thậm chí, một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao như Nghệ An (116,6), Sơn La (117)…

Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ ba ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2034, nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm, nước ta sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi 15-49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu.

Một thách thức khác của công tác dân số là mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,01 con. Tuy nhiên, trong khi TP.HCM, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu... mức sinh chưa đến 1,4 con/phụ nữ thì tại Hà Tĩnh, Nghệ An, mỗi phụ nữ lại sinh gần gấp đôi. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Thủ tướng: Phòng, chống dịch và chăm lo an sinh xã hội, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung; bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán...

Chiều 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 19 của Ban Chỉ đạo.

Giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày và các ý kiến tại cuộc họp nhận định dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron - biến thể chính trên toàn cầu hiện nay. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Theo công bố của WHO, số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Tại Việt Nam, 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 12.008 ca mắc mới (giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó), 11 ca tử vong (tăng 2 ca); số ca mắc mới trung bình 7 ngày đang ở mức 280 ca; riêng ngày 18/12/2022, ghi nhận 177 ca, thấp nhất trong 60 ngày qua.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan tới thuốc, vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế từng bước được khắc phục có hiệu quả.

Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao. Tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.

Mặt khác, thế giới xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài), dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dịch adenovirus vẫn đang lưu hành.

Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch

Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, đến nay Trung ương và các địa phương đã chi 87.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Riêng thực hiện Quyết định số 08/2022/QD-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến 30/11, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết và chi trả hỗ trợ trên 5,2 triệu lượt người lao động, 122.991 lượt người sử dụng lao động với kinh phí 3.740,8 tỷ đồng.

Cùng với thực hiện các giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thuốc, vật tư, trang thiết bị và dịch chuyển cán bộ y tế, đến nay các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, trình sửa đổi, bổ sung các các luật, nghị định; ban hành thông tư để giải quyết vấn đề về thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ phụ cấp cán bộ y tế, nhằm phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo rà soát những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm chủng; rà soát việc khắc phục hạn chế yếu kém liên quan đến cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhân lực y tế. Theo đó, các đại biểu cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dịch chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn chủ quan, lơ là khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...

Ban Chỉ đạo dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Dịch bệnh đã được kiểm soát, song Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vaccine và ý thức người dân.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...

Bộ Y tế, các bộ liên quan, UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Lưu ý việc tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch.

Bộ Y tế thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; tổ chức hỗ trợ địa phương xử lý các tình huống khi được yêu cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với COVID-19.

Bộ Y tế chủ trì tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành tốt báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội; đồng thời tiến hành tổng kết 3 năm phòng, chống dịch COVID-19.

Khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, Chính phủ đã có Nghị quyết 144 và đã có nhiều chỉ đạo về việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật từ tháng 6/2022, Thủ tướng yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, không đùn đẩy trách nhiệm, tăng cường nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; khẩn trương sửa đổi các thông tư có liên quan, rà soát các vướng mắc trong các nghị định để khẩn trương đề xuất sửa đổi, không để kéo dài.

Bộ Y tế lưu ý thực hiện nghiêm, kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm thuốc, nhất là rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp trong các thông tư của Bộ, hoàn thành trước 31/12/2022. Các địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung; đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, quan tâm những người có công, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Khuyến cáo, khuyến khích đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người trong dịp Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm COVID-19 và các loại dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng chủ trương của Đảng. Tiếp tục công tác tuyên truyền một cách thuyết phục, hiệu quả trên cơ sở số liệu, nghiên cứu khoa học và thực tiễn phòng chống dịch, góp phần nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.

Các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống dịch khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra mà nguồn lực tại chỗ chưa bảo đảm được. Chuẩn bị phục vụ thật tốt, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về phòng chống dịch, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác này, góp phần thực hiện thành công "đa mục tiêu" trong thời gian tới và năm 2023. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Báo chí đã đồng hành, quảng bá đến người dân về những thành tựu của ngành y tế

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, báo chí không chỉ phát hiện, phản ánh kịp thời kết quả, thành tựu, các tiến bộ y học trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong và ngoài ngành y tế, cũng như những việc cần phải tập trung làm tốt hơn.

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" lần thứ nhất do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động báo chí nói chung và các cơ quan báo chí nói riêng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác y tế, lĩnh vực chăm lo cho vốn quý nhất của mỗi con người là "sức khỏe", phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động cung cấp thông tin về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

"Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thông tin kịp thời, chính xác, đến gần với người dân hơn"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, báo chí không chỉ phát hiện, phản ánh kịp thời những kết quả, thành tựu, các tiến bộ y học kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt cả trong và ngoài ngành y tế, cũng như cả những việc cần phải tập trung làm tốt hơn nữa. Qua đó, đã giúp cho ngành y tế luôn cố gắng, phấn đấu và phát triển, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Nhấn mạnh việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" là dịp để lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao, giàu ý tưởng sáng tạo, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, phản ánh trung thực, phong phú về các lĩnh vực hoạt động đầy khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, giải báo chí năm 2022 được tổ chức không chỉ góp phần ghi nhận, cổ vũ kịp thời các phóng viên, nhà báo có những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, phản ánh trung thực các nhiệm vụ, lĩnh vực của công tác y tế, mà còn là diễn đàn để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí trong lĩnh vực y tế, mang lại hiệu quả xã hội cao.

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng trong gần 3 năm của đại dịch vừa qua, báo chí đóng vai trò đặc biệt, tiên phong cung cấp kịp thời các thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước.

 Lực lượng báo chí đã phát huy tinh thần chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo không ngừng cung cấp thông tin chính thống, các khuyến cáo khoa học, chính xác cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh; và phản ánh những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và sự sẻ chia trong cộng đồng và mỗi người dân Việt Nam để cùng nhau vượt qua đại dịch.

"Đặc biệt, báo chí đã phản ánh rõ nét sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách và việc triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị… nhờ đó chúng ta từng bước kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, vững vàng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.

Thông qua giải báo chí đã quảng bá đến đông đảo người dân, dư luận xã hội về những thành tựu đã đạt được của ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm hết lòng cứu chữa người bệnh, từ đó tạo thêm niềm tin, sự ủng hộ và chủ động tham gia của nhân dân đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

"Các tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã được lựa chọn để trao giải, đây chính là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên báo chí viết về lĩnh vực y tế, qua đó góp phần gắn kết hơn nữa sự đồng hành của các phóng viên, nhà báo với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Trải qua nhiều khó khăn, vất vả và cả hạn chế, nhưng ngành Y tế luôn xác định nhiệm vụ và ưu tiên hàng đầu là tập trung cao nhất cho nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hơn bao giờ hết ngành Y tế rất mong nhận được sự chung tay của các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, và toàn thể xã hội.

Đánh giá cao những kết quả tích cực của Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân", ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Với hơn 700 tác phẩm báo chí, sự tham gia của hàng nghìn tác giả cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân", đây là minh chứng quan trọng khẳng định sự thành công của mùa giải.

"Các tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã được lựa chọn để trao giải chính là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên báo chí viết về lĩnh vực y tế, qua đó góp phần gắn kết hơn nữa sự đồng hành của các phóng viên, nhà báo với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân"- Ông Nguyễn Đức Lợi nói.

“Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" lần thứ nhất do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động vào ngày 08/12/2021, là dịp để lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao, giàu ý tưởng sáng tạo, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, phản ánh trung thực, phong phú về các lĩnh vực của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân" lần thứ nhất được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra, các phóng viên nhà báo đã đồng hành, sát cánh bên những y bác sĩ, bên những người bệnh để có những thước phim, tư liệu chân thực nhất về cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Qua các tác phẩm báo chí của các tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Lào Cai, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước, Cà Mau, Lai Châu, Thái Nguyên, Gia Lai, Bà Rịa- Vũng Tàu... có thể thấy có nhiều tác phẩm đã được đầu tư đạt chất lượng tốt cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của người tham dự; bên cạnh đó còn có tính nghệ thuật, truyền cảm, lan tỏa những cảm xúc tốt đẹp về tình yêu, niềm tự hào với ngành y tế.

Tổng kết Giải báo chí, Ban Tổ chức đã công nhận kết quả và trao thưởng cho 57 tác phẩm đoạt giải. Báo Sức khỏe & Đời sống có 2 tác phẩm đạt giải cuộc thi Giải báo chí toàn quốc "Vì sức khỏe nhân dân".” (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang