Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/4/2020

  • |
T5g.org.vn - Truyền thông quốc tế đánh giá cao kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam; Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân; Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo….

 

Năm thông điệp phòng, chống Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 26-4 cả nước không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới. Tổng số người nhiễm Covid-19 vẫn là 270. Ðáng chú ý, tính từ ngày 16-4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.196 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 325; cách ly tập trung tại cơ sở khác 9.836 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 42.035 người.

* Ðể phòng, chống Covid-19, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt năm thông điệp sau: Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2 m; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh; thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. Ban chỉ đạo cũng khuyến cáo người dân: không vồ vập, không bắt tay khi gặp nhau; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; cần thay ngay quần áo, tắm rửa ngay khi về nhà; thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn; không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác; gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn khi ốm, đau; tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng, chống dịch.

* Ngày 26-4, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Hệ thống giám sát ở Thanh Hóa đã tiếp nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 về một trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh thứ 205). Theo đó, người bệnh này sau khi điều trị khỏi bệnh, tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 rồi về quê ở xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh vào ngày 24-4. Người bệnh đã có kết quả xét nghiệm bảy lần âm tính liên tiếp với SARS-CoV-2. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa yêu cầu Trung tâm y tế Yên Ðịnh giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, đề nghị bệnh nhân tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

* Bắt đầu từ hôm nay (27-4) nhiều địa phương trong cả nước cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, chỉ số ít địa phương cho tất cả học sinh các khối, cấp trở lại học; phần lớn các địa phương đều mới cho học sinh lớp 9 và lớp 12 hoặc cấp THCS, THPT trở lại trường. UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu ngành giáo dục thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm môi trường học an toàn để đón học sinh đi học trở lại.

* Trong hai ngày 25 và 26-4, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị trường lớp học để đón học sinh đi học trở lại (từ ngày 27-4), đồng thời yêu cầu ngành giáo dục sớm xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí trường học an toàn phòng, chống dịch. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tất cả các trường học, cơ sở giáo dục phải kiểm tra, rà soát thật kỹ công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

* Ngày 26-4, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản phân bổ 757,6 triệu đồng từ nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các đơn vị, địa phương. Cụ thể phân bổ cho Sở Y tế 157,6 triệu đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 160 triệu đồng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 40 triệu đồng; 10 huyện, thành phố - mỗi địa phương 40 triệu đồng. Số tiền trên được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum chuyển trực tiếp đến các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng quy định và Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. (Nhân dân, trang 8).

 

Bảo đảm an sinh xã hội trong dịch bệnh

Tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), hai "cây" ATM phát gạo miễn phí cho người dân đã chính thức vận hành.

Trong đó, "cây ATM gạo" VNPT tại số 80, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 1 đã nhận được 12 tấn gạo ủng hộ, phát mỗi người dân 3 kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm.

"Cây ATM gạo" miễn phí thứ hai được vận hành sáng cùng ngày tại số 15B, Lê Lợi, phường 1 đã được các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hơn 20 tấn gạo, 6.000 quả trứng cùng nhiều phần quà, nhu yếu phẩm.

★ Tỉnh Vĩnh Long vừa mở hai "cây ATM gạo" phát gạo miễn phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và người bán vé số dạo. Một điểm tại trụ sở UBND phường 3, TP Vĩnh Long và một điểm tại quán cà-phê Vạn Xuân (số 67/5D, đường Phạm Thái Bường, phường 4 TP Vĩnh Long) do Ðoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp các nhà hảo tâm tổ chức.

★ Tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (tỉnh Ðiện Biên), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa bàn giao 65 nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, 60 nhà làm mới (50 triệu đồng/nhà) và năm nhà cải tạo, sửa chữa với kinh phí 15 triệu đồng/nhà. Toàn bộ kinh phí do Bộ Công an, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kêu gọi, vận động ủng hộ. (Nhân dân, trang 1).

 

Bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân

Thời gian qua, thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, có văn bản hướng dẫn các địa phương kịp thời và linh hoạt trong tổ chức thực hiện... cho nên các quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động cũng như mọi người dân luôn được bảo đảm nhanh chóng và kịp thời.

Chi trả lương hưu tận nhà

Ngày 25-3, BHXH Việt Nam có Công văn số 972/BHXH-TCKT về việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng qua hệ thống Bưu điện trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Ngay khi Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, ban hành ngày 30-3, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT bổ sung nội dung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5 vào cùng một kỳ qua hệ thống Bưu điện. Người hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được chuyển khoản qua thẻ ATM hoặc được trao trả tận nhà bằng tiền mặt. Với chỉ đạo này, BHXH các địa phương và hệ thống bưu điện đã dốc toàn lực lượng trong thời gian qua để giải quyết chế độ cho người dân. Tại TP Hồ Chí Minh, ngay đầu tháng 4, chỉ trong hai ngày 5 và 6-4, 120.000 trường hợp đăng ký nhận qua thẻ tài khoản cá nhân (ATM) đã được chuyển trả đủ. Từ ngày 6-4 đến nay, 115.000 trường hợp đăng ký nhận tiền mặt sẽ được giải quyết trước ngày 28-4. Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, chỉ trong 10 ngày triển khai, BHXH thành phố Hồ Chí Minh và Bưu điện thành phố đã hoàn tất việc trả lương hưu, trợ cấp BHXH tận nhà cho khoảng 53.000 người dân, và với việc dốc toàn lực lượng thì việc chi trả tận nhà cho các đối tượng có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và TP Hà Nội về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, BHXH thành phố Hà Nội và Bưu điện thành phố đã xây dựng phương án tổ chức chi trả gộp hai tháng lương hưu, trợ cấp BHXH (tháng 4 và tháng 5-2020) cho người hưởng bằng tiền mặt tại nhà theo dự kiến thời gian từ 16-4 đến hết ngày 10-5. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 580.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó, có hơn 440.000 người nhận trực tiếp bằng tiền mặt, gần 140.000 người nhận qua thẻ tài khoản cá nhân (ATM). Ngày 16-4 cũng là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện chi trả gộp hai tháng lương hưu, trợ cấp BHXH tới người hưởng tại nhà, nhân viên Bưu điện thành phố đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà", bảo đảm chi trả chế độ chu đáo, an toàn, kịp thời tới người hưởng. Là một trong những người đầu tiên được nhận lương hưu tại nhà từ nhân viên Bưu điện Trung tâm 1, bà Nguyễn Thị Hằng (77 tuổi), trú số nhà 3, ngõ 179, phố Ðội Cấn, quận Ba Ðình, Hà Nội cùng chồng năm nay đã 83 tuổi cho biết, cả hai vợ chồng đã cao tuổi, đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát, sẽ càng khó khăn, bất tiện hơn. Ông, bà không giấu nổi niềm vui trước sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành cũng như sự trách nhiệm, nhiệt tình của nhân viên Bưu điện Hà Nội khi đến tận nhà trao lương hưu cho mình, cũng như nhiều người hưu trí cao tuổi khác trên địa bàn... Hay tại tỉnh Ðồng Tháp, chỉ trong thời gian ngắn, BHXH tỉnh Ðồng Tháp cũng phối hợp với Bưu điện hoàn tất việc chuyển lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và 5-2020 cho 4.607 người hưởng với tổng số tiền 55,5 tỷ đồng... Tất cả những nỗ lực của BHXH các địa phương và hệ thống bưu điện đều nhằm bảo đảm cho người dân được an toàn và thuận tiện nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

Linh hoạt trong tổ chức thực hiện...

Ðặc biệt, trong thời gian thực hiện việc cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị này, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật để các tổ chức, cá nhân không phải đi lại để thực hiện các giao dịch về BHXH, tránh được việc tiếp xúc xã hội trong thời gian Chính phủ đang khuyến nghị thực hiện cách ly xã hội. Song song với việc thực hiện giao dịch điện tử, hiện BHXH Việt Nam đang thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ tối đa các tổ chức, cá nhân thông qua các hệ thống giao dịch trực tuyến của BHXH Việt Nam như: Trung tâm Dịch vụ khách hàng tại số hotline 19009068 (với khoảng 2.000 đến 4.000 cuộc gọi mỗi ngày); Cổng Thông tin điện tử; trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook của ngành có ứng dụng thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (chatbot); Hệ thống tin nhắn tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH.

Ðồng thời, với mong muốn tạo thuận lợi cho nhân dân, người lao động, giúp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện dịch vụ công, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phối hợp các bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn lập dự toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hướng dẫn sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng chống dịch đối với các cơ sở giáo dục; chỉ đạo thực hiện việc cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày... qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường... (Nhân dân, trang 4).

 

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch tăng cao, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã sử dụng các trang mạng xã hội để rao bán khẩu trang, nhiệt kế điện tử, thẻ diệt vi-rút... nhưng lại bán hàng giả, hoặc không thực hiện theo đúng nội dung đã quảng cáo nhằm chiếm đoạt tiền. Người dân cần nâng cao cảnh giác, sáng suốt phân biệt, tránh mắc "bẫy" các đối tượng lừa đảo.

Theo phản ánh của bạn đọc, từ đầu tháng 2-2020, trên Facebook xuất hiện trang fanpage bán hàng "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam". Trang này đã đăng thông tin quảng cáo bán khẩu trang 3M 9001v với giá 360.000 đồng/hộp (30 cái), mức giá được cho là rẻ hơn ngoài thị trường. Chủ fanpage yêu cầu người đặt mua khẩu trang phải chuyển tiền trước, sau đó nhận khẩu trang qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trường hợp người mua không chuyển khoản trước thì nhận hàng từ shipper (người giao hàng có thu tiền hộ) và chỉ được mở hàng ra kiểm tra sau khi đã thanh toán. Do mặt hàng khẩu trang y tế trên thị trường khan hiếm, cho nên mặc dù có dấu hiệu kinh doanh không minh bạch, trang fanpage này vẫn thu hút hàng nghìn lượt like, bình luận, đặt mua hàng. Nhiều người trong số đó sau khi hoàn tất việc giao dịch, mở hộp khẩu trang mới biết mình bị mắc lừa, bởi đó không phải là những chiếc khẩu trang đúng mẫu như quảng cáo mà là những chiếc khẩu trang bằng vải thường, có chiếc đã qua sử dụng, thậm chí có người mua còn nhận được toàn lá cây. Bức xúc trước những thủ đoạn kinh doanh gian dối nêu trên, nhiều khách hàng đã liên hệ với chủ fanpage yêu cầu trả hàng đúng như cam kết nhưng đều không nhận được hồi đáp. Chủ fanpage "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" cũng xóa đi những bình luận, chặn các tài khoản phản ánh sự lừa dối khách hàng, đồng thời thay đổi tên trang để lẩn tránh, xóa dấu vết.

Gần đây, còn xuất hiện một số trang fanpage mạo danh cả Bộ Y tế để bán khẩu trang. Ðơn cử, trang fanpage "Khẩu trang chuẩn Bộ Y tế" tự giới thiệu là hiệp hội các bác sĩ đại diện Bộ Y tế trực tiếp cung cấp khẩu trang. Thậm chí, trang này còn giả mạo giấy kiểm nghiệm của Bộ Y tế để quảng cáo chất lượng khẩu trang đạt chuẩn, đăng tải vi-đê-ô được lồng ghép, giả mạo chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam về cách phân biệt khẩu trang chuẩn của Bộ Y tế và khẩu trang nhái để tạo niềm tin với khách hàng. Tương tự, trang fanpage có tên "Tổng kho Thiết bị Y tế - Bộ Y tế" quảng cáo bán khẩu trang y tế tiệt trùng bốn lớp kháng khuẩn, lọc khuẩn, vi-rút, ngăn ngừa khói bụi, giá 79 nghìn đồng/hộp (50 cái). Trong khi Bộ Y tế là cơ quan quản lý về trang thiết bị y tế, không phải là cơ quan phân phối khẩu trang ra thị trường.

Thời gian qua, lực lượng công an các tỉnh, thành phố liên tục phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại Hà Nội, đối tượng Ðỗ Thành Nam, sinh năm 1990, trú tại xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh) đã rao bán nhiệt kế điện tử trên mạng xã hội. Tin tưởng Nam, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của Nam để đặt cọc mua nhiệt kế, sau đó Nam chiếm đoạt toàn bộ số tiền này, tổng cộng là 600 triệu đồng. Ðối tượng Trần Ngọc Anh, sinh năm 1990, trú tại phường Ðịnh Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tự nhận mình là nhân viên sân bay và đang có lô hàng máy đo thân nhiệt nhập ngoại giá rẻ chỉ bằng một nửa giá chính hãng. Sau khi thông tin này được đăng lên trang Facebook cá nhân, một số người đã liên lạc với Ngọc Anh và đặt cọc hàng trăm triệu đồng để mua hàng. Thế nhưng, Trần Ngọc Anh đã sử dụng toàn bộ số tiền này để đánh bạc, trả nợ, chi tiêu cá nhân. Hiện nay, cả hai đối tượng nêu trên đã bị Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) khởi tố, bắt giữ để điều tra và xử lý hành vi có dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định của pháp luật.

Ngày 18-2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Liên, sinh năm 1992, trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, đối tượng đã lập tài khoản Facebook "Vy Lê", địa chỉ ở TP Ðà Nẵng, rồi đăng thông tin hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế của một nhà máy cần bán, ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng. Sau khi Liên đăng tin, một số người đã liên hệ, rồi chuyển tiền vào tài khoản của Liên để mua hàng, trong đó có người đã chuyển cho Liên hơn 560 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền đã chuyển mà chờ mãi không thấy hàng gửi về, lúc đó người mua mới biết mình bị lừa. Tương tự, lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang y tế để phòng dịch, Ðặng Thị Bích Thùy, sinh năm 1992, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã lên mạng xã hội đăng thông tin có thể cung cấp 80 thùng khẩu trang y tế với giấy tờ đầy đủ, giá 3,2 triệu đồng/thùng. Tin lời Thùy, hai nạn nhân đã chuyển số tiền đặt cọc 650 triệu đồng và bị Thùy chiếm đoạt. Ngày 27-2, Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Thùy để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 17-3, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xử phạt hành chính 14,5 triệu đồng đối với một trường hợp trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) do có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đăng mạng xã hội nội dung sai sự thật để quảng cáo, bán hàng. Trước đó, người này đã đăng thông tin bán thẻ chống vi-rút Corona với giá 280.000 đồng/thẻ trên trang Facebook cá nhân. Ngày 23-2, trong lúc người này đang lừa bán thẻ cho người có nhu cầu thì bị công an phát hiện, thu giữ 35 thẻ đeo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước tình trạng nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Ðể tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Trường hợp bị lừa đảo, người dân nên chủ động, bình tĩnh đến cơ quan công an để trình báo sự việc. Mỗi người dân cùng với việc nêu cao tinh thần phòng, chống dịch, còn cần nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm mới này. (Nhân dân, trang 4).

 

Rốt ráo ngăn chặn  “Covid-19 nhập khẩu”

Giai đoạn sắp tới với chính sách bảo hộ công dân, hàng ngàn người Việt từ nước ngoài tiếp tục về nước. Điều khiến ngành y tế cả nước lo ngại nhất là nguy cơ 'nhập khẩu nguồn lây'.

Đã 20 ngày trôi qua TP.HCM không phát sinh ca bệnh mới và hiện chỉ còn 1 bệnh nhân duy nhất điều trị nhưng lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định đơn vị đang rất thận trọng để kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra, nhất là giai đoạn 3 đang cận kề.

Người Việt khắp nơi về nước

Theo thông tin từ sân bay Cần Thơ, chiều 26-4 nơi này tiếp nhận 105 công dân Việt Nam từ Indonesia về nước, sau khi kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, hành khách được xe Quân khu 9 đưa về cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Sóc Trăng (cũ).

Tại đây tất cả sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Trước đó, sân bay Cần Thơ cũng đã đón 215 công dân từ Singapore trở về cách ly tại Trường Quân sự Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ - thông tin tất cả người về trên chuyến bay số hiệu VJ812, từ Singapore về ngày 24-4 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Cục Hàng không Việt Nam trong văn bản ngày 21-4 cho biết sẽ có 13 chuyến bay vận chuyển công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và UAE về nước.

Trong đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 10 chuyến, Vietjet Air 2 chuyến và Bamboo Airways 1 chuyến.

Lịch bay dự kiến đưa công dân từ nước ngoài trở về Việt Nam khá dày, như ngày 29-4 Vietnam Airlines bay đón hành khách từ UAE, ngày 30-4 đón khách từ Canada, ngày 2-5 dự kiến đón khách từ San Francisco và Pháp từ ngày 5-5...

Còn lịch đón công dân từ Tây Ban Nha, Nga, Thái Lan... đang chờ cơ quan chức năng làm việc, chốt thời gian sau.

Tuy nhiên, lịch trình trên có thể thay đổi phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh các nước liên quan, thu xếp chuyến bay của hàng không và thu xếp cơ sở cách ly tại Việt Nam...

Trong 13 chuyến bay "giải cứu công dân" về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, Vietnam Airlines đã đưa 300 hành khách từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn vào ngày 24-4.

Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết lịch trình các chuyến bay sẽ có nhiều thay đổi. Số lượng khách và thời gian đó sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.

Sau khi Bộ Ngoại giao tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 có ý kiến đồng ý, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, các hãng bay sẽ tổ chức chuyến bay đảm bảo quy định về an toàn.

Với các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Tây Ban Nha... Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay vào khoảng thời gian mà Cục Lãnh sự đề xuất, thời điểm chính xác tùy thuộc vào việc cấp phép tàu bay của các nước liên quan.

Chuẩn bị thêm khu cách ly tập trung

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế TP vẫn tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo quy định tại sân bay đối với các hành khách từ quốc tế vào Việt Nam.

Ngoài ra, để khống chế nguồn lây ra cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tích cực theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19.

Đây được coi là "quy trình kép", song song với quy định cách ly tại nhà 14 ngày sau khi xuất viện hoặc cách ly tập trung của Bộ Y tế.

Và theo quy trình khi người nước ngoài nhập cảnh vào TP.HCM, sau khai báo y tế, xét nghiệm nhanh với COVID-19 đều được sắp xếp đưa về các khu cách ly tập trung.

Ngoài khu cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH Quốc gia đã trả lại để phục vụ sinh viên, hiện TP.HCM còn 21 khu cách ly trực thuộc TP và quận huyện quản lý vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng đón nhận người cách ly.

Ngoài ra, HCDC đang phối hợp với Bộ tư lệnh TP khảo sát thêm các cơ sở có thể triển khai cách ly tập trung và kế hoạch bố trí nhân sự tại từng khu cách ly.

Với sự chuẩn bị này, TP.HCM đang sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ.

Đảm bảo giãn cách cả người cách ly

Theo đại tá Phan Văn Chương - cục phó Cục Hậu cần Bộ tư lệnh Quân khu 9, hiện tại 12 tỉnh ĐBSCL do Quân khu 9 quản lý đều có khu cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh (cũ).

Hiện tại, số giường cách ly tập trung do quân đội quản lý hơn 6.000 giường, thêm số giường tại các khu ký túc xá trường học do các địa phương ở ĐBSCL quản lý cũng khoảng mười mấy ngàn giường nữa.

Đối với công tác cách ly đợt 2 này, mọi việc đều đảm bảo hơn, từ việc vận chuyển xe về điểm cách ly cũng đảm bảo giãn cách chỉ chở nửa số người, ví dụ xe 29 chỗ ngồi chỉ chở 16 người; tại các phòng cách ly cũng bố trí giãn cách một nửa, phòng rộng chỉ bố trí 6 người, phòng nhỏ 2-3 người...

Riêng đối với lực lượng hậu cần, lái xe đưa đón, nhân viên phục vụ tại khu cách ly được trang bị bảo hộ phòng dịch toàn bộ ngay từ đầu, đại tá Chương cho hay.

Về việc phối hợp với quân khu trong việc đón tiếp, xét nghiệm, điều trị công dân về nước đợt 2, ông Cao Minh Chu - giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết thực hiện kế hoạch phối hợp, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng số giường cách ly theo yêu cầu.

Hiện Cần Thơ có 11 khu cách ly tập trung của TP và 9 quận huyện, sẵn sàng phương tiện trang thiết bị phòng dịch, hóa chất sát khuẩn...

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay so với đợt trước, lần này TP.HCM có sự chủ động nên chuẩn bị tốt hơn về cả nhân lực, vật lực và cả kinh nghiệm ứng phó với dịch.

Điều này là lợi thế lớn nhưng vị này nhấn mạnh không vì thế mà chủ quan bởi dịch bệnh còn diễn biến rất khó lường. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Vụ mua máy xét nghiệm COVID-19: Nhiều nơi nói 'dùng thử, chưa mua'

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Sở Y tế TP khẳng định dù Hải Phòng đã lắp đặt máy xét nghiệm nhanh COVID-19 nhưng mới chỉ dừng ở việc doanh nghiệp cho mượn để 'dùng thử'.

Nhiều tỉnh, thành và bệnh viện khác như Bắc Giang, Bệnh viện Phổi trung ương... cũng cho biết đang mượn máy chứ chưa mua.

Có đúng là "dùng thử" trước khi mua?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết trước mắt TP giao Sở Y tế phối hợp cùng Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, tránh để xảy ra sai sót.

Trước thông tin cho rằng TP Hải Phòng đã trang bị hệ thống máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động trị giá gần 10 tỉ đồng đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng TP để phục vụ xét nghiệm COVID-19, ông Lê Khắc Nam khẳng định Hải Phòng chưa phê duyệt bất kỳ kế hoạch đấu thầu cũng như chưa chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR tự động.

Cũng theo ông Nam, từ đầu mùa dịch đến nay UBND TP đã tổ chức 5 cuộc họp liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Nam, Sở Y tế Hải Phòng trước đó đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH y tế Phương Đông hỗ trợ cho mượn một hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị.

Trước những ý kiến nghi vấn Hải Phòng đã mua nhưng nay lại có văn bản "mượn máy" nhằm đối phó, bà Phạm Thu Xanh - giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho rằng nhiều người nghĩ sở làm văn bản mượn máy là để hợp thức hóa.

"Nếu chúng tôi xác định lấp liếm sự việc thì không ai lại ra văn bản khập khiễng như vậy cả" - bà Xanh nói thêm.

Trong khi đó, ông Từ Quốc Hiệu - giám đốc Sở Y tế Bắc Giang - cũng cho biết sở đã đề xuất mua thiết bị do Bắc Giang thiếu máy tách chiết mẫu.

"Nhưng việc mua sắm vẫn đang trong quá trình xem xét thì chúng tôi lại mượn được máy tách chiết và vẫn sử dụng cho đến nay" - ông Hiệu cho biết.

Ông Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cũng nói do bệnh viện đang có dự án nghiên cứu, nên mượn được một hệ thống thiết bị Realtime PCR.

"Bộ Y tế cũng đã cấp cho chúng tôi test xét nghiệm COVID-19 và công nhận bệnh viện có thể khẳng định kết quả ca bệnh dương tính, nhưng thiết bị hiện có là đang đi mượn" - ông Nhung khẳng định.

Riêng tỉnh Ninh Bình, một trong số địa phương đã lắp thiết bị xét nghiệm Realtime PCR sớm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lãnh đạo bệnh viện cho biết đơn vị này "đấu thầu qua mạng" là hình thức đấu thầu được phép, không phải chỉ định thầu.

Chỉ định thầu nhưng phải hiệp thương

Về kinh phí phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng.

Toàn bộ tiền chi cho phòng chống dịch thời gian qua là đảm bảo chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này như chi tiền ăn cho người bị cách ly.

Đối với trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ phương án cân đối nguồn tiền, có thể sẽ dành tối đa nguồn dự phòng của ngân sách trung ương năm nay để chi cho chống dịch COVID-19, với trên 14.000 tỉ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm của trung ương và địa phương trong kinh phí phòng chống dịch COVID-19, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao như Hà Nội, TP.HCM phải chủ động chi 100%.

Còn với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.

Trong bối cảnh dự báo số thu năm nay có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước.

Theo đó, ngân sách trung ương dự kiến dành 34.600 tỉ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó chi 20.000 tỉ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Số còn lại 14.600 tỉ đồng tiếp tục dành cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương.

Vậy nguồn tiền mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chi trả là của ngân sách Hà Nội hay của ngân sách trung ương? Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định là từ ngân sách của Hà Nội.

Về phương thức mua thiết bị này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng theo quy định đấu thầu để mua máy móc thiết bị phục vụ chống dịch bệnh bằng tiền ngân sách có cho phép chỉ định thầu đối với những trường hợp cấp bách.

Tuy chỉ định thầu nhưng người mua vẫn phải so sánh giá. Bên bán và bên mua có thể thỏa thuận, hiệp thương để định giá tài sản đó nhưng phải trên cơ sở giá nhập khẩu và các chi phí với định mức hợp lý.

"Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất còn chào hàng và kèm giá bán trên mạng. Với mức giá nhập khẩu cùng với các chi phí khác như các khoản thuế... thì giá bán máy móc thiết bị đó có thể tính được ngay" - đại diện Bộ Tài chính cho hay. (Tuổi trẻ, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Nhiều địa phương chưa gửi báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR theo yêu cầu của Bộ Y tế”; Thanh niên, trang 4: “Nhiều địa phương chưa gửi báo cáo”; Lao động, trang 1: “Từ vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 để trục lợi tại CDC Hà Nội: Bộ Y tế yêu cầu các địa phương báo cáokhẩn để rà soát”; Công an Nhân dân, trang 1: “Bộ Y tế yêu cầu các địa phương báo cáo mua máy xét nghiệm”.

 

Hướng dẫn mới nhất để đảm bảo an toàn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại khi nới lỏng giãn cách xã hội, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang.

“Các quán ăn không được phục vụ nhiều người cùng lúc, khách ăn uống cần hạn chế cười đùa, nói to... Đặc biệt, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến xuất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống) cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP. Chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện cấp phép mới được kinh doanh trở lại”- Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 965/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung về vấn đề này

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, một số nội dung các cơ sở dịch vụ ăn uống cần chú ý thực hiện để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, trước đây, việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc với những người chế biến thực phẩm nhưng nay bắt buộc cả với những người phục vụ trong nhà hàng, quán ăn cũng như các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

- Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.

- Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.

- Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.

- Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.

- Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.

- Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

- Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Đối với kinh doanh thức ăn đường phố, yêu cầu thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 31, 32 Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, một số nội dung kinh doanh thức ăn đường phố cần chú ý thực hiện để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19:

- Người kinh doanh thức ăn đường phố phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- Thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng.

- Bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uồng.

- Không phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết Cục ATTP cũng đề nghị các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục/ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ có poster được mô tả bằng hình ảnh hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài hướng dẫn bằng văn bản, Cục ATTP cũng lập đường dây nóng để người kinh doanh có bất cứ thông tin thắc mắc, hướng dẫn đều có thể gọi để được tư vấn theo số hotline: 0913.319.936. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

WHO công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của VN

Ngày 26.4, Bộ KH-CN cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam. Đây là đề tài nghiên cứu do Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới.

Trước đó, ngày 21.4, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này. Theo đó, bộ kit xét nghiệm Covid-19 này có thể được bán tự do ở tất cả quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh.

Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kit xét nghiệm Covid-19 đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu, với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng. Hiện có nhiều tổ chức cũng quan tâm đến sản phẩm như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ CHAI... dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên thế giới. (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Công an Nhân dân, trang 1: “Bộ Kit xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam sản xuất được WHO chấp nhận”; Hà Nội mới, trang 1: “Bộ Kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được WHO chấp nhận”.

 

“Loạn” giá mua máy xét nghiệm Covid-19

Sự việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo CDC Hà Nội và doanh nghiệp bị khởi tố do sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19 đã làm “lộ sáng” nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch về sử dụng ngân sách mua sắm thiết bị phòng chống dịch ở nhiều địa phương khác.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay khi có thông tin Bộ Công an làm việc với lãnh đạo CDC Hà Nội và nhiều doanh nghiệp (DN) liên quan đến việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm (XN) Covid-19, nhiều địa phương lập tức có những động thái bất thường.

“Đồ đi mượn”

Từ ngày 20.4, Sở Y tế Hải Phòng có văn bản báo cáo Bộ Y tế, khẳng định địa phương này chưa thực hiện việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR. Trong khi đó, UBND TP.Hải Phòng cho biết từ 22.3, Hải Phòng đã vận hành máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động phục vụ XN xác định vi rút gây bệnh Covid-19.

Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng (thuộc Sở Y tế) nhận máy từ ngày 12.3; đến 20.3 trung tâm "đủ điều kiện để vận hành máy". Thời điểm đó, một số thông tin cho biết hệ thống máy Realtime PCR được Hải Phòng mua với giá 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, khẳng định: “Thông tin mua máy Realtime PCR với giá 10 tỉ là không đúng. Tôi khẳng định là Hải Phòng chưa mua. Hệ thống ở Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng là chúng tôi mượn của DN”. Theo bà Xanh, chủ trương mua máy XN Covid-19 ở Hải Phòng phải đến đầu tháng 3 mới có. Việc thẩm định dự toán mua máy cũng có nhiều khâu nên đến giờ vẫn chưa được phê duyệt. “Thời điểm đó, khi không có máy, chúng tôi phải chuyển mẫu lên Hà Nội XN. Rồi lại chờ đợi 1 - 2 ngày mới có kết quả. Sau đó, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Hà Nội, gọi tắt Công ty Phương Đông) đã chuyển một hệ thống máy Realtime PCR về cho Hải Phòng dùng thử trước khi mua”, bà Xanh cho biết thêm.

Ngày 26.4, Giám đốc CDC Lào Cai Nguyễn Văn Sửu khi được hỏi cũng khẳng định CDC Lào Cai chưa mua được máy XN Covid-19 Realtime PCR và hệ thống máy đơn vị này đang sử dụng là của DN "cho mượn". Cụ thể, máy XN Covid-19 được CDC Lào Cai đưa vào sử dụng từ 23.3 đến nay là của Công ty Tâm Việt "cho mượn". Đây cũng là 1/20 máy đầu tiên được Bộ Y tế công nhận đảm bảo chất lượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm XN Covid-19. Ngoài ra, Sở Y tế Lào Cai cũng tiếp nhận một thiết bị gồm bộ máy XN kỹ thuật Realtime PCR và máy tách chiết của một DN khác là Công ty An Việt "cho mượn" nhưng hệ thống này chưa được cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn nên chỉ sử dụng để sàng lọc mẫu.

Mua xong mới “đàm phán” giảm giá!

Tại Thái Bình, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp TBYT chống dịch Covid-19 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 3 thì số tiền trúng thầu hệ thống máy Realtime PCR tự động là 6,48 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, lại cho biết số tiền mua hệ thống XN chỉ 5,85 tỉ đồng. “Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nơi. Giá trúng thầu cũng được hội đồng thẩm định của tỉnh phê duyệt rất kỹ. Sau đó, đơn vị cung cấp thiết bị đã đồng ý giảm tiền để hưởng ứng việc chung tay chống dịch”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi việc mua sắm, trúng thầu hoàn thành (6,48 tỉ đồng), ngày 15.4, Sở Y tế Thái Bình mời đơn vị trúng thầu rà soát, điều chỉnh lại giá thiết bị, từ đó mới có mức giá mới như nêu trên (5,85 tỉ đồng).

Việc điều chỉnh lại giá cũng được phản ánh tại Quảng Ninh. Theo đó, sau khi có kết quả thẩm định giá, Sở Y tế Quảng Ninh trình UBND tỉnh phê duyệt mua hệ thống máy Realtime PCR tự động với giá 8,4 tỉ đồng. Ngày 1.3, hợp đồng được ký. Đến 23.3, sau cuộc làm việc với C03 ngày 15.3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỉ đồng. Ngày 19.3, Sở Y tế chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21.4, bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền tạm ứng này.

Ngày 26.4, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy XN với nhà cung cấp là liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao, đồng thời chưa có giá chính thức của bộ sản phẩm trên. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định “thanh tra” việc mua sắm máy XN Realtime PCR tự động.

Tại Quảng Nam, trả lời PV Thanh Niên hôm 26.4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã giao Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính báo cáo bằng văn bản. Chiều 29.4, UBND tỉnh dự kiến sẽ họp nghe 2 đơn vị này báo cáo cụ thể, sau đó mọi vấn đề liên quan sẽ được địa phương công khai minh bạch.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 27.3, Sở Y tế Quảng Nam phê duyệt quyết định lựa chọn Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (trụ sở tại Hà Nội, văn phòng đóng ở Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) trúng gói mua sắm hệ thống XN Realtime PCR tự động với giá 7,23 tỉ đồng. Đây cũng là gói thầu được chỉ định rút gọn trong nước, không sơ tuyển... do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Hệ thống XN tự động bao gồm máy tách chiết DNA/RNA tự động, máy chia mẫu tự động (do Hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Đức), máy Realtime PCR (do Qiagen sản xuất, xuất xứ Malaysia), một số thiết bị phụ trợ (mua tại VN)… Hệ thống được đưa vào hoạt động từ ngày 1.4.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho hay UBND tỉnh phê duyệt kinh phí 7,56 tỉ đồng mua máy nhưng sau đó Sở thương lượng với nhà cung cấp giảm còn 7,2 tỉ đồng. Mức giá do nhà cung cấp đưa ra, Sở Y tế cũng tham khảo giá ở một số tỉnh thành khác. Trước đó, ngày 28.2, gói thầu mua sắm bổ sung TBYT phòng chống, dịch Covid-19 tại Quảng Nam cũng được UBND tỉnh phê duyệt với tổng giá trị hơn 55,5 tỉ đồng (gồm 5 gói nhỏ với 5 doanh nghiệp khác nhau trúng thầu). Nguồn vốn thực hiện các gói thầu mua sắm thời gian qua chủ yếu trích từ ngân sách tỉnh.

Đủ loại giá!

Yên Bái: Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái, cho biết tỉnh này đã mua hệ thống máy Realtime PCR tự động của Đức từ năm 2018, giá 1,8 tỉ đồng.

Ninh Bình: Ngày 28.2, UBND tỉnh có quyết định chọn nhà thầu để cung cấp hệ thống XN Realtime PCR cho BV đa khoa tỉnh. Tiền mua hệ thống hoàn toàn tự động loại 96 giếng là 5,98 tỉ đồng.

Quảng Trị: Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết Sở Y tế giao cho CDC tỉnh mua 1 hệ thống máy XN Realtime PCR (giá

1,45 tỉ đồng) và 1 máy tách chiết mẫu tự động (giá 650 triệu đồng); hình thức mua “chỉ định thầu”. Loại máy CDC Quảng Trị mua xuất xứ từ Mỹ, XN tối đa khoảng 200 mẫu/ngày.

Đà Nẵng: Sở Y tế TP.Đà Nẵng thông qua hình thức chỉ định thầu mua hệ thống Realtime PCR nguyên khối (5 màu), model AriaMX, sản xuất năm 2020, xuất xứ Malaysia, do Tập đoàn Agilent (Mỹ) sản xuất với giá gần 1,4 tỉ đồng.

Lâm Đồng: CDC được một DN địa phương tặng hệ thống XN trị giá 950 triệu đồng, gồm máy Realtime PCR (nhãn hiệu CFX96 Real Sytem -C1000 Touch Themal Cycler) và máy vi tính đi kèm, cùng 200 kit XN trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Gia Lai: CDC được DN ở địa phương tặng hệ thống máy Realtime PCR xuất xứ Singapore, trị giá gần 2 tỉ đồng, công suất mỗi ngày có thể XN được khoảng 300 - 400 ca.

Bình Thuận: BS Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết toàn bộ gói mua sắm thiết bị cho phòng chống dịch Covid-19 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là hơn 23 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu cung cấp gói thiết bị này là Công ty TNHH thiết bị y tế Bình Minh (ở đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM). Giá trúng thầu là hơn 23 tỉ đồng. Trong đó có máy XN Realtime PCR giá 1,6 tỉ đồng.

TP.HCM: Máy XN RT-PCR mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang sử dụng được điều từ cơ sở 2 BV Ung bướu qua. Còn máy XN RT-PCR của các BV (Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng TP) đều mua từ trước đó rất lâu... Riêng BV Nhi đồng 2 vừa mua máy XN RT-PCR của Hãng Bio-Rad (Mỹ) giá khoảng 1,7 tỉ đồng và máy chiết tách 1,9 tỉ đồng (Đức). Hiện máy RT-PCR của BV Nhi đồng 2 chưa XN Covid-19 vì đang chờ thẩm định.

An Giang: Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc BV đa khoa trung tâm An Giang, cho biết nơi đây có hệ thống XN Covid-19 (có cả hệ thống tách chiết tự động) nhập khẩu từ Đức là 4,129 tỉ đồng, công suất XN từ 400 - 500 mẫu/ngày.

Kiên Giang: Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh đã trang bị 2 máy XN nhanh Covid-19, do châu Âu sản xuất với giá 3 tỉ đồng/máy. Trong đó, 1 máy cho CDC tỉnh Kiên Giang do ngân sách nhà nước đầu tư, 1 máy cho Trung tâm y tế H.Phú Quốc do một công ty tài trợ.

Cà Mau: Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Sở Y tế có đề xuất mua máy XN, xây phòng XN... tổng cộng 5 tỉ đồng, nhưng tỉnh không đồng ý mà yêu cầu tận dụng máy móc, nhân lực các phòng thí nghiệm của Sở NN-PTNT, Y tế, KH-CN và chỉ mua thêm những bộ phận phụ còn thiếu. (Thanh niên, trang 4).

 

Mở rộng đối tượng xét nghiệm sàng lọc Covid-19

Ngày 26.4, Bộ Y tế cho biết cả nước không ghi nhận bệnh nhân (BN) Covid-19 mới. Đã 10 ngày liên tiếp (từ 16 - 26.4) cả nước không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong 270 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam, đã có 225 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số các BN đang điều trị, 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 3 ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên.

Theo Bộ Y tế, để chủ động giám sát dịch trong cộng đồng, các đơn vị tập trung xác định đối tượng cần xét nghiệm: người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; nhân viên trong các cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế tại các khoa như cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm…; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch; các đối tượng tiếp xúc gần với ca dương tính, đối tượng tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần và mở rộng xét nghiệm thêm với trường hợp tại các cơ sở tập trung đông người như: trung tâm chăm sóc người già, trại trẻ mồ côi, trung tâm chăm sóc thương bệnh binh, trại giam... (Thanh niên, trang 5).

 

Doanh nghiệp nào được chọn mua sắm thiết bị chống dịch 'tiền tỷ' ?

Ngoài hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, Quảng Nam chỉ định nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền 66,568 tỷ đồng. Các gói thầu này được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, trong nước, không sơ tuyển, không qua mạng.

Chỉ định nhiều gói thầu

Gói thầu hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động được phê duyệt ngày 27/3/2020, hoàn thành ngày 30/3/2020. Gói thầu này được thực hiện theo hình thức chỉ định rút gọn, tổng giá trị 7,56 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Giải pháp Việt với giá trúng thầu 7,23 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Y tế Quảng Nam chỉ định nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID - 19. Cụ thể: Ngày 12/2, Sở Y tế Quảng Nam phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói mua sắm hệ thống đo nhiệt độ cơ thể từ xa bằng camera ảnh nhiệt hồng ngoại, có giá 1,67 tỷ đồng. Doanh nghiệp được chỉ định thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nguyên Đô trúng thầu với giá 1,63 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 có tổng giá trị 54,2 tỷ đồng được phê duyệt ngày 28/2. Gói thầu này bao gồm 5 gói thầu nhỏ, với 5 doanh nghiệp khác nhau trúng thầu. Công ty TNHH Thiết bị Vật tư Y tế Việt Nam trúng gói trị giá 14,4 tỷ đồng; Công ty CP Công nghệ và Thiết bị Thắng Lợi trúng gói giá 6,72 tỷ đồng; Công ty TNHH Thiết bị Y tế Bình Minh trúng gói giá 13,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Y tế Việt Tiến trúng gói 12,9 tỷ đồng và Công ty Cổ Phần Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng trúng gói 6,3 tỷ đồng.

Ngày 13/3, Sở Y tế Quảng Nam có quyết định 216a/QĐ-SYT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói mua sắm vật tư tiêu hao phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Gói này có giá 2,7 tỷ đồng, được chỉ định theo hình thức rút gọn cho Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) với giá trúng thầu là 2,2 tỷ đồng.

Ngày 6/4, Sở Y tế Quảng Nam có quyết định số 313/QĐ-SYT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói mua sắm vật tư y tế tiêu hao phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Bộ trang phục phòng hộ chống dịch). Gói thầu này có giá 1,2 tỷ đồng. Công ty TNHH hóa chất và thiết bị y tế Nguyên Đại Hưng là doanh nghiệp được chỉ định thầu với đúng mức giá dự toán ban đầu.

Nguồn vốn ngân sách

Hầu hết các gói thầu này được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, trong nước, không sơ tuyển, không qua mạng. Nguồn vốn thực hiện các gói thầu từ ngân sách hoặc từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các doanh nghiệp.

Liên quan đến gói thầu mua sắm Hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động giá 7,2 tỷ gây xôn xao dư luận, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã yêu cầu Sở Y tế và Sở Tài chính báo cáo cụ thể. Sau ngày 3/5 tỉnh sẽ xem xét, cần thiết sẽ thanh tra toàn bộ việc mua sắm này.                                                                                                 

Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động mà tỉnh Quảng Nam mua, gồm máy tách chiết DNA/RNA tự động model QIAsymphony SP, máy chia mẫu tự động QIAsymphony AS cùng do hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Thụy Sĩ. Riêng máy Realtime PCR model Roter-gene QMDx do hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ tại Malaysia, có công suất tối đa 72 mẫu/ lần chạy. Các xét nghiệm định lượng HBV, HCV, HIV, EBV, CMV, corona... Ngoài ra, còn có một số thiết bị phụ trợ được mua tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hai,  Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khẳng định, việc mua máy xét nghiệm được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh chứ không tự ý mua. “Việc này được thực hiện đúng theo quy định, không thổi giá, không trục lợi” - ông Hai nói. (Tiền phong, trang 10).

 

Lo ngại làn sóng thứ hai lây lan dịch

Nhận định về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc tiếp tục ghi nhận ca mắc là điều đã được dự đoán trước vì mầm bệnh tiềm ẩn luôn hiện hữu. Cùng với đó nguy cơ làn sóng thứ 2 gây dịch cũng có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan.

Coi chừng với việc tiếp xúc bề mặt vật dụng

Theo ông Nga, Việt Nam đang có 3 nguy cơ gây dịch. Đó là, những người ở các ổ dịch, gần nhất là ở Hà Nội, khi chưa qua 14 ngày. Tiếp đó là những người từ nước ngoài về, dương tính với virus mà chưa được phát hiện, sau đó đi vào trong cộng đồng. Cuối cùng là những người nhập cảnh phi pháp theo đường mòn, lối mở chưa được kiểm soát hết.

Đánh giá về nguy cơ dịch tại nước ta trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, những ca mắc mới là du học sinh nhập cảnh về nước theo đường hàng không đã được cách ly và điều trị nên có thể tạm yên tâm dù có những người đã tiếp xúc với họ. “Hiện nay, hàng chục nghìn người đã về và sắp về nước, phải thực hiện cách ly tốt. Nếu không đảm bảo, để nhiễm chéo trong khu cách ly hoặc sót bệnh nhân ra ngoài cộng đồng sẽ làm dịch bùng phát”, PGS Nga nhận định.

Theo chuyên gia truyền nhiễm, đã 10 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc trong nội địa là điều rất tốt. Tuy nhiên quán hàng đã đông đúc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội nên nguy cơ SARS-CoV-2 có thể lây qua tiếp xúc bề mặt của các vật dụng như thìa, đĩa, cốc, chén, mặt bàn…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, khi đi ăn uống bên ngoài, để đảm bảo an toàn, người dân nên lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn và rửa tay xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn. Chú ý giữ đúng khoảng cách với người đối diện để tránh nguy cơ lây qua tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt nên từ bỏ thói quen vừa ăn vừa nói chuyện vì có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Người bán hàng cần lưu ý đeo găng tay, khẩu trang đúng, mang mũ che giọt bắn. Các thực phẩm sử dụng chế biến món ăn phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng theo quy định về an toàn thực phẩm.

Chuyên gia cũng lưu ý người dân khi đi chợ, siêu thị bắt buộc phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn với người bán; cố gắng mua nhanh không nên nói chuyện quá nhiều; nếu dùng tiền mặt để mua bán nên cho tiền vào một túi riêng. Sau khi đi chợ hay siêu thị trở về, người dân nên rửa tay bằng xà phòng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID -19, từ ngày 16/4 đến 26/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo vẫn có những người mang virus gây COVID-19 tồn tại trong cộng đồng mà chưa phát hiện được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại, mà bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.

“Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào mà tập trung nguồn lực, lực lượng phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, các ngành”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Nghiên cứu thêm về tái nhiễm COVID-19

Thông tin thêm về những ca đã khỏi bệnh bất ngờ dương tính trở lại với SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Bộ Y tế đã giao cho các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu để có câu trả lời về các ca tái nhiễm COVID-19.

Về vấn đề này, bác sĩ TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng bệnh nhân dương tính lại là do thụ thể yêu thích của virus SARS-CoV-2 ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng. “Khi bệnh nhân đã được điều trị từ 6-7 ngày đến khi hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus. Dù 2 lần âm tính, nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi; các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus (hiểu nôm na là xác virus).

Mặc dù không gây bệnh nhưng xác virus vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính. Dương tính ở đây là phát hiện xác của virus chứ không có nghĩa là virus còn sống và đang gây bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những xác của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, TS. Phạm Quang Thái phân tích.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM giải thích, người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn phát tán virus. Tuy nhiên, có một số nhỏ có thể chuyển sang thành người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng trong người có virus. Thậm chí, còn có trường hợp, virus tồn tại trong họng nhưng tốc độ phát ra ngoài không nhiều nên không có sự lây nhiễm. Do đó, biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng tốt nhất vẫn là tuân thủ 3 “chìa khóa” quan trọng, đó là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc. (Tiền phong, trang 3).

 

Truyền thông quốc tế đánh giá cao kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam

Theo tin nước ngoài và TTXVN, tờ Los Angeles Times của Mỹ đăng bài phân tích của các chuyên gia đánh giá cao những bước đi sớm của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đồng thời nhận định Việt Nam là "điểm sáng hiếm có" và "đáng ngạc nhiên" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Theo các chuyên gia, việc Việt Nam quyết liệt sớm triển khai chính sách chống dịch, như kiểm soát các chuyến bay từ nước ngoài, đóng cửa trường học vào cuối tháng 1, cách ly tập trung… đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

* Tờ Kommersant (Thương gia) của Nga đăng bài viết về kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh quyết định chia các địa phương của đất nước thành nhiều khu vực, với mức độ nguy cơ dịch Covid-19 khác nhau, từ đó có biện pháp tương ứng về giãn cách xã hội. Bài viết ghi nhận yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong việc kêu gọi nhân dân đoàn kết, đồng thời xác định chống đại dịch như chống giặc.

*Trang Marketplace đăng bài viết khẳng định, Việt Nam huy động sự tham gia của các cơ quan hữu quan, để bảo đảm cung cấp thông tin nhanh chóng về tình hình dịch bệnh và cách ly ở mọi nơi cần thiết. Việt Nam cũng chọn phương thức phù hợp ngân sách để chống đại dịch, thay vì áp dụng cách xét nghiệm đại trà. Bài viết đề cập những yếu tố góp phần làm nên thành công của Chính phủ Việt Nam, như: những hướng dẫn y tế, biện pháp cách ly, sự phối hợp giữa chính quyền và công dân. Bài viết cho rằng, mô hình chống dịch của Việt Nam đã cung cấp những kinh nghiệm quan trọng.

* Ðài Sputnik của Nga nhận định, nhờ thành tích suốt tuần lễ không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19, đồng thời nới lỏng giãn cách xã hội, Việt Nam được báo chí quốc tế quan tâm, đồng thời bí quyết thành công của Việt Nam trở thành chủ đề chính trong các bài viết về quốc gia Ðông - Nam Á này. Trong chuyên mục tổng quan hằng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài" phát đêm 25-4, đài Sputnik cũng liệt kê các bài viết của truyền thông quốc tế, trong đó đánh giá cao những chính sách của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

* Ngày 26-4, các cơ quan chức năng Việt Nam, Ðại sứ quán Việt Nam tại Gia-các-ta, Hãng hàng không Vietjet Air và các cơ quan chức năng In-đô-nê-xi-a đưa về nước hơn 100 công dân Việt Nam. Ðây là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như người dưới 18 tuổi, người cao tuổi, sinh viên không có nơi cư trú do ký túc xá đóng cửa, những người hết hạn thị thực nhưng bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở chiều đi, chuyến bay của Vietjet Air cũng đưa một số công dân In-đô-nê-xi-a về nước. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Truyền thông quốc tế ca ngợi kinh nghiệm chống dịch COVID-19 của Việt Nam”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang