Từ 1/7, người bán thực phẩm “bẩn” sẽ bị phạt tới 20 năm tù
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo đó, mức phạt dành cho hành vi biết rõ thực phẩm “bẩn” mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường có thể lên tới 20 năm tù. Đây được coi như một chế tài thể hiện tinh thần quyết liệt dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang diễn ra phổ biến gây bức xúc cho xã hội thời gian qua. Xung quanh vấn đề đang được quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, chính vì chế tài hiện tại không đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về thực phẩm “bẩn” đã và đang không giảm mà còn gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, thường xuyên hơn. Quan điểm của ông thế nào?
TS. Nguyễn Huy Quang: Quả thực là trong vai người tiêu dùng, tôi rất hoang mang khi thường xuyên phải nghe, xem, đọc những thông tin liên quan đến thực phẩm “bẩn”. Nào là lợn sữa bốc mùi, nào là tim đông lạnh hàng chục năm, nào là chân giò mốc xanh, rồi tôm cá có dư lượng kháng sinh, rau tưới bằng nhớt xe... Trên thực tế thực phẩm “bẩn”, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không đủ điều kiện VSATTP từ quá trình sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Hiện chúng ta đang xử lý theo khung hình phạt có sẵn theo luật. Trong luật có ghi rõ khung hình phạt cho các vi phạm này như thế nào thì chúng ta chỉ được phạt như vậy. Không thể nào ghi mức phạt cao hơn và nặng hơn được. Thế nhưng, từ ngày 1/7 tới đây, Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể, tại Điều 317 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về VSATTP”. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Như vậy, người chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự, phạt tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn, làm chết 1 người sẽ bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 3-7 năm, làm chết 2 người phạt tù đến 15 năm và làm chết 3 người trở lên phạt tù đến 20 năm. Tương tự, Điều 193 đã quy định chi tiết hơn về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2-5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa...
PV: Thế nhưng, thưa ông trên thực tế hiện nay khi xử phạt vi phạm về VSATTP, nhiều địa phương thường chỉ mới dừng lại ở biện pháp… nhắc nhở. Vậy làm thế nào để luật đã ban hành nhưng phải đi vào thực tiễn?
TS. Nguyễn Huy Quang: Tôi cho rằng đây là do năng lực, chất lượng xử lý các vụ vi phạm của các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu áp dụng thực hiện đúng theo luật thì không có việc xử phạt không đúng người, không đúng hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng, về lĩnh vực vi phạm VSATTP, các cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm xử lý từng nội dung. Cụ thể là cơ quan được luật quy định xử lý hành chính, gồm có các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường, các cơ quan công an, ủy ban nhân dân các cấp, khi phát hiện ra các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật ở mức độ xử lý hành chính thì các cơ quan đó theo thẩm quyền được xử phạt vi phạm hành chính. Còn đối với vi phạm có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cho cơ quan công an, cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật. Do vậy, có hai mức xử lý vi phạm VSATTP, đó là mức nặng, đúng tội danh sẽ xử lý hình sự, còn nhẹ thì chỉ xử lý vi phạm hành chính.
PV: Vậy ông có cho rằng khi áp dụng khung phạt mới trên đối với vi phạm trong lĩnh vực VSATTP thì tính răn đe cao hơn và giúp làm giảm thực trạng thực phẩm “bẩn” hiện nay?
TS. Nguyễn Huy Quang: Về quan điểm của tôi, tôi cho rằng chắc chắn là có. Theo tôi, với những sửa đổi, nhất là tăng khung hình phạt đáng kể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ VSATTP ở nước ta. Những quy định này khi đi vào cuộc sống sẽ là một chế tài mạnh để ngăn chặn các hành vi kinh doanh thực phẩm mất đạo đức, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Không chỉ vậy, khi người chủ các cơ sở sản xuất thực phẩm để gây ra ngộ độc thực phẩm phải đi tù sẽ khiến doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản, gắn theo nhiều hệ lụy. Do đó, họ sẽ ý thức hơn được việc họ làm. Ngoài ra, chính người tiêu dùng khi ý thức được những hành vi vi phạm VSATTP, bản thân họ chính là người giúp cơ quan chức năng giám sát hành vi vi phạm đó tiến tới xử lý. Tôi cho rằng, chế tài mới về VSATTP trong Bộ luật Hình sự có hiệu quả răn đe cao hơn.
Người tiêu dùng và xã hội cũng đặt nhiều kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương để tình trạng vi phạm VSATTP trong thời gian tới sẽ được loại bỏ triệt để, nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thái Bình
Sức khỏe đời sống (trang 3)
Quyền lợi người tham gia BHYT luôn được đặt lên trước
Trong tuần tới, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ ban hành thông tư bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc sót của Thông tư 37 sau khi rà soát những kiến nghị từ các cơ sở y tế trong quá trình thực hiện; những nội dung liên quan đến quyền lợi của người bệnh đều được giải quyết ngay.
Hiệu quả của thông tuyến khám chữa bệnh
Trong 4 tháng đầu năm 2016, các cơ sở y tế tuyến huyện tiếp nhận 44 triệu lượt bệnh nhân đến khám theo thẻ BHYT. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT tới khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã giảm mạnh. “Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của việc thông tuyến huyện giúp cho việc chuyển viện dễ hơn, giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám. Tuy nhiên, hiện tượng người dân đi khám ở nhiều nơi trong 1 ngày/thời điểm đang khá phổ biến. Chúng tôi không loại trừ khả năng người bệnh trục lợi để lấy thuốc bán ra ngoài” - ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cảnh báo.
Tuy nhiên, ông Thảo khẳng định không vì hiện tượng bị lạm dụng, trục lợi mà khép lại chủ trương thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Nhằm khắc phục tình trạng trên, BHXH Việt Nam đang xây dựng hệ thống thông tin giám định BHYT, dự kiến có thể vận hành trước ngày 30/6 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Qua đó chúng tôi kỳ vọng hệ thống này sẽ giúp kiểm soát số lần khám chữa bệnh BHYT của người bệnh, giúp phát hiện những trường hợp khám nhiều lần trong thời gian không hợp lý hay các bệnh viện (BV) kê kỹ thuật, dịch vụ, chỉ định thuốc cho người bệnh trùng lặp hoặc không hợp lý...” - ông Thảo bày tỏ.
Thực hiện Thông tư 37 có khó khăn cần báo ngay để bảo đảm quyền lợi của người bệnh
Liên quan đến việc thực hiện chính sách BHYT, trước thông tin có BV lo ngại cơ quan bảo hiểm không thanh toán chiếc dù sử dụng trong can thiệp tim mạch, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đã gọi điện cho BHXH TP.HCM và được biết cơ quan bảo hiểm vẫn thanh toán bình thường. Ông Sơn khẳng định, trên thực tế, BHXH các địa phương vẫn thanh toán chi phí vật tư này cho những bệnh nhân dưới 6 tuổi có chỉ định can thiệp tim mạch. “Tuy nhiên, đáng lẽ những trường hợp này phải ghi chú chưa bao gồm dù nhưng do thiếu phần này nên một số BV sợ rằng như thế sẽ không được thanh toán. Tuy nhiên, tại các thông tư trước đó, vật tư này (chiếc dù) vẫn được thanh toán nên khi có vướng mắc trong thực hiện, các BV đều hỏi cơ quan bảo hiểm và được trả lời vẫn thanh toán bình thường” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ ban hành thông tư bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc sót của Thông tư 37 sau khi rà soát những kiến nghị từ các cơ sở y tế trong quá trình thực hiện; nội dung liên quan đến quyền lợi của người bệnh đều được giải quyết ngay. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị trong quá trình thực hiện Thông tư 37, các BV cần trao đổi trực tiếp với cơ quan BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, nhất là các đối tượng chính sách, trong đó có trẻ em. “Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin về trường hợp nào tương tự mà bảo hiểm không thanh toán. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu rà soát lại, nếu có trường hợp đã thu tiền của người bệnh thì phía BV sẽ hoàn trả” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV trong quá trình thực hiện Thông tư 37 nếu có vướng mắc nào khác thì phản hồi ngay để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Nguyễn Hoàng
Sức khỏe đời sống (trang 3)
Cơ sở 2 bệnh viện ung bướu sẽ hoàn thành cuối năm 2017
Công trình được xây dựng trên thửa đất rộng gần 5,6 ha tại Q.9, TP.HCM, được thiết kế 10 tầng cao, hai tầng hầm, có sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu.
Sáng 26-6, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cơ sở 2 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tại đường 400, khu phố 3, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến… đã đến tham dự lễ khởi công này.
PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết công trình này được thiết kế 10 tầng cao, hai tầng hầm, quy mô 1.000 giường bệnh với đầy đủ các khu khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu đào tạo, khu hành chính và được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Công trình đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu hiện nay, đồng thời là cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa ung bướu cho TP và các tỉnh thành phía Nam, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Phát biểu lại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác chống quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối còn nhiều trăn trở, bức xúc.
Một năm, tại VN có 150.000 người mắc bệnh ung bướu và tử vong trên 100.000 người, trong khi đó số giường bệnh chữa bệnh ung bướu ở nước ta còn rất thấp, mới có 25 giường bệnh/triệu dân, còn ở Singapore là 150 giường bệnh/triệu dân.
Vì vậy, việc xây dựng một số cơ sở chuyên khoa để điều trị bệnh ung bướu, bệnh hiểm nghèo trong thời đại hiện nay là rất cần thiết.
Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư là UBND TP.HCM phải thường xuyên rà soát giao ban, kiểm tra công việc để góp phần chỉ đạo đúng tiến độ đặt ra của dự án.
Ngoài ra, chất lượng của công trình này cũng phải làm gương cho những bệnh viện khác, đừng để tình trạng mới xây xong, mới khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp.
Bên cạnh đó, thủ tướng cũng lưu ý đến công tác đào tạo cán bộ để chuẩn bị đội ngũ cho cơ sở này vì người bệnh tìm đến bệnh viện chắc chắn không phải vì nhà cao cửa rộng mà cái chính là đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ ở đây. Cần tiếp thu học hỏi khoa học công nghệ ở các nước trong điều trị ung bướu để bệnh ung thư không còn là căn bệnh tử thần đáng sợ.
THÙY DƯƠNG
Tuổi trẻ (trang 4), Gia đình & xã hội (trang 7), Sài gòn Giải phóng (trang 1)
Hà Nội "siết" chặt hoạt động hành nghề y tế tư nhân
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường phối hợp trong quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề của người hành nghề. Danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở cũng như số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (043.998.5765) cũng phải được các cơ sở y tế tư nhân ghi ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát để phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao cho trạm y tế có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tập trung kiểm tra trọng điểm, đột xuất các cơ sở hành nghề tại các khu vực gần bệnh viện công lập. Tập trung kiểm tra các loại phòng khám, nhà thuốc, quầy thuốc, công ty kinh doanh dược phẩm. Qua công tác kiểm tra, ngành y tế chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở hành nghề thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh và kinh doanh thuốc.
Đồng thời, đề xuất các biện pháp xử lý khi phát hiện các cơ sở có vi phạm các quy định về hành nghề y, dược, như xử phạt hành chính, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Đầu tư phát triển hệ thống y tế Thủ đô: Thay đổi cách làm
Chiều 26-6, tại cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn cùng chuyên gia nước ngoài bàn về giải pháp phát triển y tế Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đầu tư cho y tế Thủ đô 5 năm qua nhiều nhưng dàn trải, không hiệu quả. Nếu không vực lại thì hệ thống y tế sẽ tụt hậu. Do đó, phải thay đổi cách làm, phải quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế Thủ đô từ vị trí, cơ sở vật chất đến con người…
Thiếu cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”
Đánh giá về thực trạng hệ thống y tế nước ta, ông Chen Shih Che - Giám đốc điều hành BV Trường Canh - BV hạng nhất tại Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, hiện trạng y tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thiếu cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”: BV cũ, số lượng thiếu, không gian và trang thiết bị đều không đủ; cán bộ chuyên môn giỏi ít, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) còn hạn chế. Người có điều kiện kinh tế thường ra nước ngoài chữa bệnh. “Ở Việt Nam, BV có 500 giường mà khám được cho 1.000 bệnh nhân/ngày là không hợp tỷ lệ. Nếu để người bệnh chờ quá lâu trong BV sẽ gây ra những truyền nhiễm không đáng có” - ông Chen Shih Che nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Yamamoto, người có kinh nghiệm 35 năm trong vai trò chuyên gia tư vấn y tế Nhật Bản đánh giá, Việt Nam thiếu các cơ sở khám, chữa bệnh, nguồn nhân lực y tế. Có khoảng 90 triệu dân nhưng số giường bệnh mới đạt 2,9 giường/1.000 dân; 0,7 bác sĩ/1.000 dân và 0,9 hộ lý/1.000 dân, trong khi Nhật Bản có dân số khoảng 126 triệu dân thì số giường bệnh tương ứng là 13,6 giường/1.000 dân; 2,2 bác sĩ/1.000 dân và 10,1 hộ lý/1.000 dân. Vì thế, ở Việt Nam, bệnh nhân tập trung chủ yếu ở BV tuyến trên, nơi có quy mô lớn, trình độ khám, chữa bệnh cao, khiến BV quá tải, công suất giường bệnh lên đến 150% dẫn đến thực trạng, bệnh nhân cấp cứu ngay trên cáng, 2 bệnh nhân chung một giường bệnh, giường bệnh kê tràn ra hành lang… Về trang thiết bị y tế cũng rất thiếu, việc ứng dụng CNTT không phát huy công năng, khiến cho việc quản lý BV không mang lại hiệu quả, thời gian chờ đợi của người bệnh dài...
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, trên địa bàn thành phố có 41 BV công lập (gồm có 25 BV đa khoa và 16 BV chuyên khoa), 29 BV ngoài công lập, song BV được xây mới không nhiều. Hiện mới chỉ có BV Gia Lâm, Đức Giang, Đông Anh, Sóc Sơn… được xây dựng hiện đại. Các BV khác, do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nên đầu tư không đồng bộ. Khó khăn nhất là hệ thống khoa khám bệnh, trước đây được đầu tư nhỏ lẻ, chật hẹp, không đủ điều kiện đón tiếp người bệnh, nhất là y tế tuyến dưới.
Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ứng dụng CNTT giúp chống thất thoát, lãng phí, giảm sai sót trong y khoa… Việt Nam hiện chưa có phần mềm quản lý y tế được coi là chấp nhận được, cũng chưa BV nào có phần mềm gọi là bệnh án điện tử. Mỗi BV sử dụng một phần mềm quản lý khác nhau, khả năng sử dụng CNTT của nhân viên y tế cũng khác nhau. Mong rằng, thành phố đầu tư vào hệ thống CNTT, quản lý đồng bộ nhân lực, điều hành, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ngành y tế Thủ đô.
Theo Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng, khi xây dựng hệ thống quản lý CNTT đồng bộ cho toàn hệ thống BV công lập cũng như ngoài công lập trên địa bàn thành phố sẽ giúp các BV tăng cường kết nối, quản lý vấn đề chuyên môn, thuốc, vật tư tiêu hao, đặc biệt là BHYT. Bởi vì, từ khi triển khai việc thông tuyến BHYT, BV không quản lý nổi việc người bệnh từ nơi này đến nơi khác khám, chữa bệnh. Hơn nữa, hiện tại BV Xanh Pôn được giao đấu thầu thuốc tập trung, nếu không có hệ thống CNTT đồng bộ, việc xây dựng danh mục thuốc mất nhiều thời gian. Thậm chí, vấn đề quản lý thuốc tồn kho, thuốc xuất, nhập kho cũng khó khăn, dẫn đến có những mặt hàng ở BV khác thiếu, BV này lại thừa.
Để nâng cao chất lượng...
Đề xuất giải pháp cho sự phát triển của y tế Hà Nội, ông Chen Shih Che cho biết, y tế thế giới đang đi theo xu hướng hiện đại, đồng bộ, công năng, thuận tiện. Do đó, cần phải quy hoạch lại hệ thống y tế Thủ đô theo hướng thông minh. BV thông minh thì phải được thiết lập hạ tầng điện toán đám mây, máy chủ hiệu năng cao, nâng cấp kho dữ liệu, các dịch vụ hiện đại... Tất cả những ứng dụng phải hạn chế được sai sót và các vấn đề bất cập tồn tại từ trước đến nay để hướng đến nền y tế toàn diện, an toàn cho người bệnh. Còn ông Yamamoto đưa ra giải pháp phân hóa chức năng cho các BV, các phòng khám. Theo ông Yamamoto, nếu không phân định rõ vai trò chức năng từng đơn vị, thì bệnh nhân sẽ chỉ tập trung về các BV lớn gây quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không bảo đảm. Đơn cử, xung quanh BV Bạch Mai có nhiều BV nhỏ thì cần liên kết để khám, chữa bệnh… Ngoài ra, giải pháp về đào tạo nhân lực hết sức quan trọng. Dù BV lớn, trang thiết bị hiện đại như thế nào, nhưng nếu y, bác sĩ không sử dụng tốt, không được đào tạo tốt thì sẽ không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Với quyết tâm phát triển y tế Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, phải thay đổi cách làm, phải quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế Thủ đô, từ vị trí, cơ sở vật chất đến con người… Sau cuộc họp này, Sở Y tế chỉ đạo các BV xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện thực trạng BV. Để nâng cao chất lượng ngành y tế Thủ đô, trước mắt, thành phố sẽ đầu tư hệ thống CNTT cho toàn bộ BV trên địa bàn. Phần mềm cho các BV phải có cả tiếng Việt và tiếng Anh để không chỉ kết nối với các BV trong nước, mà còn kết nối với các trung tâm y tế trong khu vực và trên thế giới. Thành phố cũng sẽ đầu tư để đưa Trung tâm Kỹ thuật cao của BV Đa khoa Xanh Pôn đạt tiêu chuẩn Châu Âu, sau đó sẽ kết nối với một số BV trong và ngoài nước phục vụ chẩn đoán và khám chữa bệnh.
Thu Trang
Sức khỏe đời sống (trang 2)
Giả danh thanh tra y tế đi kiểm tra doanh nghiệp để nhận phong bì
TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế (TP.HCM), cho biết gần đây có một số người giả danh thanh tra sở này gọi điện thoại cho các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực y tế để thông báo lịch kiểm tra, thanh tra, thẩm định.
Sau đó, những kẻ giả danh đề nghị doanh nghiệp liên hệ lại để được ưu tiên biết thông tin, được giải quyết sớm các yêu cầu của doanh nghiệp trong việc xin cấp phép, thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật.
Có doanh nghiệp sau khi bị thanh tra "dỏm" đến thanh, kiểm tra đã đưa phong bì. Khi đoàn thanh tra của Sở Y tế đến thì doanh nghiệp mới biết mình bị lừa.
Ông Trạng cho biết, Thanh tra Sở Y tế khi đi thanh, kiểm tra đều có kế hoạch, có thông báo (thanh, kiểm tra định kỳ); nếu thanh, kiểm tra đột xuất thì có quyết định, theo đúng pháp luật. Khoa học & đời sống (trang 2), Sức khỏe đời sống (trang 2)